Đời sống sinh hoạt của người Mường Thanh Hóa qua gác bếp


Người Mường Thanh Hóa có dân số đứng thứ 2 sau người Kinh, đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Mường rất phong phú, mang một nét đặc trưng riêng, đậm đà bản sắc dân tộc trong khối cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đồng bào Mường sống ở các chân núi, sườn đồi nên nhà ở của họ thường là nhà sàn để tránh thú dữ trong rừng, phần nền đất dựng để nuôi trâu, bò, lợn, gà… Phần nhà sàn dùng để sinh hoạt, nghỉ ngơi và bếp của người Mường có khi được làm riêng một gian nhỏ, sát nhà chính. Nếu bếp ở trong nhà thì đặt ở giữa gian trong cùng và giáp gian cuối. Vì vậy, sau khi làm xong nhà mới, người Mường thường có lễ đắp bếp, một lễ khá đặc biệt và quan trọng. Chủ nhà phải làm lễ này để cúng vua bếp. Gia đình chọn một người già khỏe mạnh làm thầy cúng xin vua bếp phù hộ cho gia chủ khỏi hỏa hoạn, sau đó con cháu trong nhà đủ bề đứng ra làm lễ nhóm lửa, nướng cá, đốt cho lửa luôn cháy trong đêm tượng trưng cho cuộc sống luôn ấm áp, lúc nào cũng có cơm cá nấu thường xuyên và đặt 3 hòn nục để gia đình, nấu ăn, tượng trưng cho sự bền vững. Đặc biệt, sau khi làm lễ đắp bếp xong thì gia đình đó chọn ra một người có uy tín lấy một hòn đá tự nhiên đặt ở góc bếp, bà con coi đó là vật thiêng, thần giữ bếp, cai quản việc bếp núc. Gác bếp của người Mường là loại gác treo có 3 ngăn, làm từ một loại cây luồng già. Các ngăn dùng để treo, gác các đồ dùng sinh hoạt như rổ, rá, treo ống đựng đũa, chày,… một ngăn dùng để treo các loại sản phẩm để dành như lúa giống, ngô,…  các loại gia vị khô để nấu như tỏi, mộc nhĩ, lá đắng… Nhìn vào góc bếp của người Mường, chúng ta cũng biết gia đình đó có sung túc, có của ăn của để hay không? Phong tục ăn uống, sinh hoạt của người Mường khá quan trọng và được ngạn ngữ Mường đúc kết lại: “Ăn chọn vùng, mặc hoa văn, ở nhà sàn, có sừng nai, sừng hoẵng”. Trên gác bếp của người Mường, lúc nào cũng có chõ đồ xôi. Tập quán ăn cơm nếp, làm quà đùm mo cơm nếp, cơm lam bỏ vào ống nứa rồi nướng lên cũng đã trở thành thói quen tự bao giờ và người Mường có câu “Cơm nếp, đùi gà, nhà to có ngọc”…

Đời sống của đồng bào Mường là tự cung, tự cấp nên trong bữa ăn hằng ngày của họ thường có những món ăn từ săn bắn, hái lượm như thịt thú, ếch, nhái, rau rừng, măng,…  Vào các dịp lễ Tết, cưới hỏi, tang ma hoặc khi có khách quý đến nhà, bữa ăn có thêm nhiều món truyền thống như gà hầm măng, các loại canh đắng, canh uôi, trứng kiến,… Canh uôi là món ăn bằng gạo ngâm, giã nhỏ nấu lên như cháo tấm với cá hoặc thịt. Ngày đại lễ phải có món canh uôi để thờ cúng. Đặc biệt, đêm 30 Tết, ngoài các món ăn truyền thống thì món canh uôi là món bắt buộc phải có trong mâm cỗ cúng tổ tiên. Ngoài canh uôi là canh đắng,  món ăn giải rượu trong dịp Tết của người Mường. Rượu cần của người Mường được ủ lâu, nén trong chĩnh, bịt kín lại, chỉ mở ra khi đủ cữ của nó. Khi uống rượu cần, người ta ngồi xung quanh vò rượu và uống bằng cách hút qua cần trúc nhỏ và rỗng. Vừa uống, vừa trò chuyện vui vẻ cùng ngân nga những câu dân ca Mường đắm say lòng người, ngắm nhìn bộ trang phục truyền thống của cô gái Mường duyên dáng, nghe tiếng cồng chiêng thì thật thú vị…

Đời sống của người Mường từ xưa đến nay gắn với chiếc gác bếp, không chỉ giúp nấu chín thức ăn mà còn là nơi sum vầy, nơi đi về, sưởi ấm và bảo vệ con người khỏi thú dữ. Người Mường tự hào rằng: “Bếp ở ngôi nhà sàn Mường là trung tâm để nuôi dưỡng, phát triển sự sống của chính dân tộc Mường”. Dẫu cuộc sống có nhiều đổi thay thì nét đẹp truyền thống ấy sẽ mãi được bảo lưu và gìn giữ cho các thế hệ người Mường Thanh Hóa hôm nay và mai sau.

Tác giả: Lê Hường

Nguồn: Tạp chí VHNT số 459, tháng 4-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *