Khu vực cư trú của người Dao họ (Lào Cai) chủ yếu dọc theo hai bên bờ sông Hồng. Tên làng bản của họ thường có sự kết hợp của hai từ: từ đầu là khe, từ thứ hai là tên của một loại cây rừng mọc nhiều ở đó, như: Khe Lau – bản ở khe (suối) có nhiều cây lau, Khe Quýt – bản ở khe (suối) có nhiều cây quýt… Mỗi bản của người Dao họ thường có khoảng 20-30 nóc nhà, bố trí chủ yếu theo kiểu mật tập, liền kề nhau. Thôn bản của người Dao họ là một dạng công xã nông thôn, chủ yếu dựa trên quan hệ láng giềng. Tuy nhiên, do trao đổi hôn nhân, hầu hết các gia đình trong thôn bản đều có mối quan hệ thân tộc.
Dòng họ của người Dao họ là hình thức tông tộc tính theo dòng cha. Tuy nhiên, cũng như các nhóm Dao khác, ở người Dao họ hiện tượng nhận con nuôi (chủ yếu là người khác tộc) khá phổ biến. Vì thế, tính khép kín về huyết tộc của dòng họ Dao họ từ lâu đã bị phá vỡ. Ngày nay, người Dao Họ ở Lào Cai có các dòng họ lớn như: Bàn, Triệu, Lý, Đặng… Các dòng họ có sự khác nhau về ma tổ tiên, và tuy không có nơi thờ tổ họ như người Kinh nhưng những người trong cùng một dòng họ thường có quan hệ mật thiết, thường cùng cư trú tập trung trong một thôn bản. Trong dòng họ, người ta phân biệt thế thứ theo tuổi tác, không phân biệt con chú – con bác, trực hệ – bàng hệ; cùng một thế hệ (vai), ai sinh ra trước là anh chị, ai sinh sau là em.
Môi trường sống của người Dao họ chủ yếu ở vùng rừng núi, địa hình bị cắt xẻ phức tạp, giao thông không thuận lợi, nên sự giao lưu, trao đổi với bên ngoài bị hạn chế. Từ xưa đến nay sản xuất nông nghiệp luôn chiếm ưu thế trong cơ cấu kinh tế song lại phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Gặp thời tiết thuận lợi, thu hoạch từ nông nghiệp của họ có thể đảm bảo được phần lớn nhu cầu về lương thực; nhưng nếu thiên tai khô hạn, họ sẽ bị đẩy vào cảnh thiếu đói, khốn khó. Trong hoàn cảnh đó, người Dao họ luôn tin là có sự tác động của các thế lực siêu nhiên và từ đó đã nảy sinh yếu tố tín ngưỡng đa thần, mà đến nay còn ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống của họ.
Tuy nhiên, trong quá trình tồn tại và phát triển, những yếu tố văn hóa, tín ngưỡng của người Dao họ cũng chịu ảnh hưởng của Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo. Điều đáng lưu ý là, các tôn giáo trên đã hòa nhập vào các tín ngưỡng bản địa để hình thành trong cộng đồng Dao họ một đời sống tôn giáo và tín ngưỡng khá phức tạp, trong đó yếu tố Đạo giáo có phần nổi trội hơn. Đạo giáo có mặt trong nhiều nghi lễ gắn với cuộc sống của họ như lễ lập tịch, làm chay, chữa bệnh bằng phù phép, cúng ma trừ tà, xem bói…
Theo quan niệm của người Dao họ, vũ trụ (hay thế giới) có 3 tầng:
Tầng trên là trời, có mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú. Đây là nơi ở của các vị thần và người khổng lồ. Cai trị tầng trời có Ngọc Hoàng thượng đế, các vị thần, thánh và các thiên tướng như thần Sấm (mờ công ngoạn) và các vị công tào giúp việc cho Ngọc Hoàng.
Tầng giữa là mặt đất, nơi có rừng núi, muông thú và con người. Con người được Ngọc Hoàng cho cai quản thế giới mặt đất, được làm ăn sinh sống và được Ngọc Hoàng cùng các vị thần che chở.
Tầng dưới cùng là âm phủ nằm dưới lòng đất. Đó là thế giới của những người chết, do mười vị Diêm Vương (Tần Quảng Vương, Sở Trang Vương, Tống Địa Vương, Ngũ Quan Vương, Diêm La Vương, Biện Thành Vương, Thái Sơn Quân Vương, Bình Đẳng Vương, Đô Thị Vương, Chuyển Luân Vương) và các âm binh cai quản.
Cũng theo quan niệm của họ, thế giới 3 tầng cũng như các vị thần linh cai quản mọi sự vật trên thế giới là do thần Bàn Cổ (Sán Cổ) tạo ra. Vì vậy, Bàn Cổ được tôn thờ là đấng sáng tạo ra thế giới và muôn loài.
Ngoài ra, còn có một thế giới khác, dành riêng cho những linh hồn của người chết cư ngụ. Thế giới này được gọi là Dương Châu (pắc ém). Có nhà nghiên cứu cho rằng, Dương Châu là địa danh một vùng đất nằm ở phía nam Trung Quốc, vốn xa xưa là quê hương của người Dao. “Ở Việt Nam nhiều ngành (Dao) lấy Dương Châu, nay thuộc Giang Tô là nơi đưa hồn người quá cố về”(1). Vì vậy, khi chết linh hồn của người Dao sẽ được đưa về vùng đất này như là một sự quay trở về quê hương đất tổ của mình.
Cũng như các nhóm Dao khác, người Dao họ thờ Bàn Vương, vị thần được coi là thủy tổ của họ. Trong hầu hết các nghi lễ, bao giờ người ta cũng thỉnh cầu Bàn Vương giáng hạ để chứng kiến. Người Dao có chung quan niệm Bàn Vương là vị thần luôn che chở cho họ và chống lại các thế lực tà ma khác. Sau lễ lập tịch, người ta thường mổ lợn làm lễ vật tạ ơn Bàn Vương đã phù trợ cho buổi lễ thành công. Trong lễ lập tịch, ngoài cúng Bàn Vương người ta còn cúng nhiều vị thần khác. Nhưng ở nhóm Dao Đỏ (Lục Yên, tỉnh Yên Bái), Dao Thanh Phán, (Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh), lễ cúng Bàn Vương được tổ chức riêng, với lễ vật thường là một con lợn đã mổ thịt.
Theo họ, khi còn sống con người không chỉ có thể xác mà còn có hồn (oăn) và vía (pảy). Sự sống và sức khỏe của mỗi con người luôn phụ thuộc vào hồn và vía. Đàn ông có 3 hồn, 7 vía (thám oăn, thật pảy), đàn bà có 3 hồn, 9 vía (thám oăn, chéo pảy). Tuy nhiên, trong thực tế không người Dao họ nào giải thích được hồn, vía là gì.
Người Dao họ tin rằng, con người đang sống khỏe mạnh thì hồn, vía luôn ở trên cơ thể; nhưng khi con người bị ốm đau, bệnh tật là do một phần hồn vía đã bị thất lạc. Khi chết đi, hồn và vía lìa khỏi thân xác, trở thành linh vong, bị cai quản nơi ngục tối của Diêm Vương và chịu sự xét hỏi của ngài về những tội lỗi mà khi sống người đó đã phạm phải. Nếu khi còn sống, người đó không phạm phải các điều ác thì linh hồn sẽ được giải thoát về với thế giới tổ tiên nơi Dương Châu. Ngược lại, những người làm nhiều điều xấu trên dương gian, linh hồn sẽ bị giam cầm, tra tấn và trở thành ma đói, ma khát.
Trong tâm thức của người Dao họ, thế giới có vô vàn các vị thần linh và tà ma. Tuy nhiên, trong mớ hỗn dung đó họ lại chia ra thành 2 loại: ma lành (ngoán đến) và ma ác (ngoán oóc). Ma lành bao gồm các ma, thần linh giáng phúc bảo vệ cuộc sống cho con người, cây trồng và vật nuôi như: Bàn Cổ (Bọng Nhì Thiếu Môi), Bàn Vương (Phan Hung), ma tổ tiên (thám đai), thổ thần, (tây ngoán), Ngọc Hoàng (Ngoán Hùng), thánh Tam Thanh (Nhặng Tay Cháy Tó), Tam Nguyên (Nhặng Tay Cháy Thảy), các thiên tướng và các loại âm binh (ém panh đu). Ma ác là những thế lực tà ma thường gây ra ốm đau, bệnh tật cho con người và gia súc. Loại ma này có thể là những vị ác thần như thần sông Hà Bá, thần núi, thần cây, thần suối…; cũng có thể là vong linh của những người chết bất đắc kỳ tử (chết đuối mất xác, chết trận, chết đường, chết do đá đè, cây đổ, do bị sét đánh…) hoặc chết vào giờ xung. Thậm chí, những người chết bình thường nhưng không có người thờ cúng, làm chay cũng bị coi là ma ác.
Tín ngưỡng đa thần đến nay vẫn ngự trị trong tâm thức của người Dao họ, biểu hiện sâu đậm trong các nghi lễ, đặc biệt là trong các nghi lễ nông nghiệp như: cúng bản, cầu mùa, cầu an… của cộng đồng. Tuy nhiên, các nghi lễ cộng đồng chưa thỏa mãn hết nhu cầu tâm linh và những tham vọng riêng của mỗi người. Vì vậy, đối với người Dao họ, mỗi người còn có nhiều nghi lễ liên quan với vòng đời của họ.
Người Dao họ quan niệm rằng, sự ra đời của mỗi con người là điều quan trọng. Song, điều quan trọng hơn là phải nuôi dạy và kèm theo đó là các lễ nghi đảm bảo cho chúng trưởng thành và tham gia đầy đủ vào các sinh hoạt cộng đồng, có nghĩa là con người đó phải trở thành con người xã hội. Chính vì vậy, họ có nhiều nghi lễ gắn liền với mỗi người từ khi sinh ra cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Đây là những nghi lễ vòng đời hay còn được hiểu là những nghi lễ chuyển đổi, liên quan đến con người khi chuyển từ vị trí này sang vị trí khác trong cấu trúc xã hội. Đó là các nghi lễ liên quan đến việc sinh con, lễ thành niên, lễ cưới hỏi và cuối cùng là ma chay.
Trong mỗi gia đình, ở phần sàn cuối nhà tiếp giáp với cửa sau, nơi phụ nữ Dao họ thường sinh đẻ khi chưa có trạm y tế cộng đồng, thường là nơi cúng bà Tổ cô (đình) – vị nữ thần bảo hộ cho sản phụ và trẻ sơ sinh. Sau khi đứa trẻ chào đời được 3 ngày hoặc một tuần sẽ được bố mẹ làm lễ cúng báo gia tiên và đặt tên. Tên này là tên dương (tro bu), tên tục để sử dụng thường ngày. Lễ vật dâng cúng tổ tiên là một con gà luộc, một chai rượu, ít hương và vàng mã. Thầy cúng làm lễ nơi bàn thờ gia tiên trước sự có mặt của bố mẹ đứa trẻ, ông bà nội, ngoại. Sau khi cúng báo tạ ơn gia tiên đã phù hộ cho mẹ tròn con vuông, thầy cúng sẽ làm lễ đặt tên cho đứa trẻ. Theo tập quán, ông nội là người đặt tên cho cháu mình trước. Sau khi ông ta đặt tên, thầy cúng dùng hai mảnh tre xin quẻ âm dương, nếu là quẻ một xấp một ngửa thì cái tên đã được tổ tiên chấp nhận, nếu không được thì nghi lễ lại tiếp tục và đến lượt người khác đặt tên, có thể là ông ngoại hoặc một ai đó mà gia đình tôn kính đang có mặt tại buổi lễ.
Đến năm 10 tuổi, các bé trai phải qua một nghi lễ thay tên (oăn bu) và tên này gọi là tên âm, tên chữ (húy), chỉ sử dụng trong các nghi lễ tấu với thần linh. Trong trường hợp nhà quá nghèo không làm được lễ này thì chậm nhất đến năm 16 tuổi phải làm. Nếu qua thời gian đó mà không đổi tên được thì việc này sẽ được thực hiện vào dịp làm lễ lập tịch.
Để tiến hành được nghi lễ đổi tên, cha đứa bé phải sắm một số lễ vật như: rượu, gà đến nhà thầy bói để xem đứa bé có được các vị thần thánh cho phép đổi tên không? Và nếu được thì sẽ tổ chức vào ngày nào? Để biết, thầy cúng xem đôi chân gà mà gia chủ mang đến, nếu thấy các ngón chân gà chụm đều khép kín, ngón nhánh chỉ vào ngón giữa là được.
Sau khi chọn được ngày, gia chủ sắm 3 mâm cơm, mời các ông thầy, các cụ cao niên trong họ đến dự. Trong số này, người ta sẽ chọn ra 7 vị có uy tín nhất, mỗi vị sẽ đặt cho đứa bé một tên và viết vào mảnh giấy vê tròn, dấu kín không cho người khác biết. Tất nhiên, những tên được chọn không được trùng với những người trong gia đình kể từ tứ đại trở lại. Sáng hôm sau, người ta mổ lợn, gà cúng gia tiên. Sau đó, thầy cúng lấy 7 mảnh giấy có viết tên do 7 vị đặt hôm trước cho vào mẹt gạo rồi quay, mỗi lần 3 vòng, tên nào rơi ra khỏi mẹt sẽ được xem rồi vê lại cho vào quay tiếp. Cứ như vậy, tên nào 3 lần liên tiếp rơi ra khỏi mẹt thì sẽ được chấp nhận. Thầy cúng đốt mảnh giấy, lấy tro hòa vào nước cho đứa trẻ uống, coi như đứa trẻ đã được nhận cái tên đó. Tên này sẽ được sử dụng trong các nghi lễ trong chu kỳ vòng đời, từ việc cúng bái, cưới hỏi, lập tịch đến làm ma, làm chay…
Cũng trong nghi lễ đặt tên, các thầy cúng còn bói chọn cho đứa trẻ một trong 4 vị “nguyên sư”: Triệu Nguyên Sư (Riều Sời), Đặng Nguyên Sư (Đăng Sời), Quan Nguyên Sư (Quan Sời), Mã Nguyên Sư (Ma Sời) để bảo vệ cho sinh mạng của người đó suốt cuộc đời. Thầy cúng viết tên 4 vị nguyên sư đó vào 4 mảnh giấy, vê tròn rồi cho vào mẹt gạo quay 3 vòng. Tên của vị nguyên sư nào rơi ra khỏi mẹt gạo trước sẽ là vị thần bảo hộ sinh mạng cho đứa trẻ.
Những sự kiện trong lễ đặt tên, chọn vị “nguyên sư” hộ mệnh cho đứa trẻ sẽ được chép vào một tờ giấy trong đó ghi rõ ngày làm lễ, những thầy cúng tham dự, tên được chọn, tên vị “nguyên sư” hộ mệnh và được giữ gìn cẩn thận cho đến khi làm lễ lập tịch, thầy cúng sẽ chép những thông tin đó giống như lý lịch của bản thân người đó vào bằng sắc.
Hình thức tín ngưỡng bắt buộc và quan trọng nhất đối với nam giới người Dao họ là lễ lập tịch hay còn gọi là lễ cấp sắc. Hằng năm, lễ lập tịch thường được tổ chức vào tháng một, tháng chạp hoặc tháng giêng, tháng hai của năm mới. Người Dao họ có hai hình thức lập tịch: Tam Thanh (Cháy Tó) và Tam Nguyên (Cháy Thảy). Lập tịch Tam Thanh diễn ra trong 3 ngày, 2 đêm; còn lập tịch Tam Nguyên vì có nhiều nghi lễ phức tạp hơn, đặc biệt có nghi lễ nhẩy đàn (qua trên) nên làm trong 3 ngày, 3 đêm.
Đàn ông Dao họ, tùy theo điều kiện kinh tế có thể làm lễ lập tịch từ 13 tuổi đến 60 tuổi. Để làm lễ lập tịch, các gia đình cần phải chuẩn bị từ trước lợn, gà, may sắm lễ phục cho người thụ lễ và các loại lương thực và thực phẩm khác… Nếu không, anh ta khi chết sẽ trở thành ma đói, ma khát vì không trở thành ma tổ tiên để được về Dương Châu cùng với các thánh, thụ hưởng các lễ vật mà con cháu dâng cúng; không có cơ hội được đầu thai trở lại kiếp người… Vì vậy, mỗi gia đình, mỗi người đàn ông Dao họ, dù còn nhiều khó khăn vất vả nhưng họ phải nỗ lực làm việc và tiết kiệm, tích lũy kinh tế để thực hiện bằng được nghi lễ này.
Cưới xin cũng là một trong những nghi lễ vòng đời quan trọng của người Dao. Đám cưới là nghi lễ đánh dấu bước trưởng thành của mỗi cá nhân, chuẩn bị cho sự hình thành của một gia đình mới. Trong đám cưới, nghi lễ quan trọng nhất được thực hiện trước bàn thờ gia tiên và bàn thờ thánh sư của mỗi gia đình. Đối với nhà gái, đó là sự đoạn tuyệt đối với truyền thống gia đình của một thành viên. Đối với nhà trai, đó là nghi thức thông báo với các vị phúc thần cũng như tổ tiên về sự có mặt của một thành viên mới và cầu xin sự che chở.
Tang ma (đàu đem nhạ) là nghi lễ cuối cùng trong chu kỳ đời người. Người Dao họ quan niệm đàn ông có 3 hồn, 7 vía, đàn bà là 3 hồn, 9 vía. Hồn là trung tâm của sự sống, hồn yếu hoặc thoát ra khỏi thân thể lâu ngày con người bị ốm, hồn rời khỏi thân thể, vĩnh viễn ra đi con người sẽ chết. Khi đàn ông chỉ còn 1 hồn 3 vía; đàn bà chỉ còn 2 hồn 5 vía thì sự sống của họ cũng không còn. Vì thế, trong đám tang thầy cúng phải làm lễ gọi hồn vía về, bắt hồn người chết phải đi thu lại những vết chân nơi dương thế mà khi còn sống con người đó đã đến, rồi hồn sẽ biến thành ma, bị giam cầm và xét hỏi nơi địa ngục, xem có đủ tuổi hay phạm tội gì không?
Khi có người chết, gia đình phải làm các thủ tục cúng ma rồi mới phát tang và sau đó, để tỏ lòng thương tiếc người quá cố, con cháu không được ăn uống gì, cho đến khi chôn cất. Tang lễ chỉ kéo dài trong một ngày, vì thế, con cháu, người thân không được ăn uống gì cũng có thể chịu đựng được. Giờ liệm được thầy cúng lựa chọn dựa theo giờ sinh của người chết. Trước khi liệm, thầy làm phép yểm nhốt ma người chết để không có cơ hội quay trở về làm hại con cháu. Ông thầy dùng một cái khăn bằng vải trắng, dài 60cm, rộng 30cm, bên trong có một ít gạo và gọi hồn người chết vào đó rồi buộc lại. Kể từ đó con cháu không được nhắc đến tên người chết vì sợ ma về bắt.
Trong lễ tang còn có lễ dâng đèn (khỏi toong) cho người chết với quan niệm, khi chết đi xuống địa ngục tối tăm không có ánh sáng, vì vậy con cháu phải dâng đèn để thể hiện sự hiếu thảo. Thầy cúng lấy gạo rải thành hình người trên một cái mẹt, lấy những đồng tiền xu xếp theo hình người đó, rồi cắt giấy màu phủ lên, đặt hai cây nến hai bên và người con cả phải đặt hai hào bạc trắng và thầy bắt đầu hóa phép hai cây nến thành hai ngọn đèn. Sau đó, người con cả lại đặt thêm 12.000đ để thầy cúng làm phép cho ánh sáng chiếu xa hơn. Tiếp theo lần lượt những người con trong gia đình, những người thân thiết, đặt tiền để thầy cúng dâng nhiều đèn, nhiều ánh sáng hơn cho người quá cố. Những đồng tiền để làm lễ dâng đèn đó thầy cúng được nhận.
Trước khi đưa người chết đi chôn, thầy cúng làm lễ cho người chết ăn. Con cái của người chết phải đồ một chõ xôi, khi đồ không vội đậy nắp, để theo dõi và đánh dấu hơi từ dưới bốc lên ở góc nào, rồi mới đậy kín vung. Khi xôi đã chín, người con cả sẽ bưng chõ xôi, quay mặt ra cửa, quay phần chõ đã được đánh dấu vào bụng, rồi đổ xuống cái mẹt. Thầy cúng cầm thanh kiếm gạt chõ xôi ra làm hai phần, nửa phía ngoài dành cho người chết và con cháu, những ai chịu tang mỗi người phải nắm một nắm cho vào ống nứa, khi đưa tang người con dâu sẽ gánh ống nứa đó theo, đặt trên mộ người chết. Nửa phía trong dành cho thầy cúng.
Sau khi chôn cất mọi người quay trở về nhưng không được quay về nhà ngay mà phải đợi thầy cúng làm lễ ở ngoài cổng xong rồi mới được vào. Thầy cúng lấy một bát cơm, một chậu nước và một thanh kiếm niệm phép, tẩy sạch vía của người chết để không còn ám vào những người đang sống. Sau nghi lễ này con cháu mới được đi lại và sinh hoạt bình thường.
Người Dao họ kiêng để người chết trong bản lâu ngày, kiêng không gánh củi vào làng khi trong làng có người chết, tránh không đến đám tang nên đám tang của họ có ít người tham dự. Khi đưa tang chỉ có những người trong gia đình hoặc trong họ bắt buộc phải tham dự. Điều này khác hẳn với tập quán của người Việt.
Sau 3 năm người ta tổ chức lễ làm chay (áy chay) cho người chết. Nghi lễ này có thể coi là nghi lễ đoạn tang giống như người Việt, nhằm mục đích minh oan, giải tội cho hồn ma khỏi trốn giam cầm của thập điện Diêm Vương, để siêu thoát trở thành ma tổ tiên, về được với con cháu và có cơ hội được đầu thai trở lại kiếp khác. Sau lễ chay, con cháu người quá cố mới được bỏ tang, và làm các công việc khác như cưới, lập tịch…
Trong số các nghi lễ mang tính cộng đồng, đáng chú ý là tục cúng làng (nám nạy), diễn ra vào tháng 4, tháng 6 và tháng 10 trong năm. Cúng làng vào tháng 4, cầu thần làng (tây ngoán) cho người và gia súc khoẻ mạnh, tránh dịch bệnh và cầu thần sấm mưa thuận gió hòa để cây lúa trổ bông, sản xuất đạt hiệu quả. Cúng làng tháng 6 là cúng thần làng (tây ngoán), cúng hồn lúa cầu được mùa. Tháng 10, sau vụ thu hoạch họ lại tổ chức cúng làng để tạ ơn thần lúa cho họ một vụ mùa bội thu. Trong 3 dịp cúng làng này, cúng tháng 6 thường tổ chức to hơn cả, có mổ lợn, xưa kia còn mổ trâu, sau lễ cúng cả làng liên hoan ăn uống và ca hát.
Tục cúng làng cầu bình an là một hình thức thờ cúng thành hoàng thường được tổ chức ở miếu làng. Gọi là miếu nhưng nó được làm rất đơn giản ở cuối làng, nơi con đường vào rừng. Chẳng hạn, miếu của bản Khe Quýt, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, Lào Cai chỉ làm bằng tre, nứa có kích thước khoảng 120cm x 90cm, cao 70cm, một mái lợp bằng những thân cây nứa bổ đô, lưng tựa vào vách núi. Bên trong miếu có một bàn thờ đan bằng phên tre, trên đó đặt 3 ống hương bằng thân cây nứa. Ngày thường rất ít người vãnh lai đến miếu, chỉ vào các dịp cúng làng, người ta mới mang lễ vật đến dâng cúng. Họ quan niệm, miếu là nơi ngự của thần làng nên càng tránh va chạm càng tốt. Thậm chí, những cây cối xung quanh miếu người ta cũng không dám chặt, vì thế nơi đây luôn rậm rạp, âm u càng tạo thêm vẻ thâm nghiêm huyền bí. Tuy vậy, đến nay không phải bản người Dao họ nào cũng có miếu thờ. Ví dụ, ở bản Khe Mụ, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, Lào Cai, dân ở đây đã tự nguyện dỡ bỏ ngôi miếu ở đầu làng. Ngày nay vào dịp cúng thần làng, dân ở đây tổ chức ở sân của nhà ông trưởng bản, bày mâm lễ giữa sân và cúng lên trời. Trường hợp như thôn Khe Mụ không phải là cá biệt, trong quá trình khảo sát tại các thôn bản chúng tôi nhận thấy ở một số thôn bản như Khe Dài 2 (xã Tân Thượng), Ba Soi (xã Tân An) cũng không còn miếu làng.
Người Dao họ còn có một số lễ cúng và tập quán kiêng kỵ khác như: lễ cúng trước khi ngả cây to, trước lúc gieo trồng, lễ cúng ma gây dịch bệnh cho gia súc; kiêng kỵ ngày sấm đầu năm, ngày chết của người thân trong gia đình kiêng không gieo trồng, không mua bán gia súc; ngày tiểu thử không đi làm ruộng sợ chuột ăn lúa; ngày lập xuân không đi làm ruộng sợ mùa màng không có thu hoạch; ngày kinh trập không đi làm sợ sâu bọ phá hoại mùa màng… Những tập quán tín ngưỡng trên cho thấy dấu ấn đậm nét lễ nghi của cư dân có truyền thống nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên.
Trong năm, người Dao họ cũng có nhiều ngày lễ tết. Tết Nguyên đán vào 30-12 âm lịch, nhưng thường không tổ chức ăn to, không có tục đi đến nhà nhau để chúc tụng… Nói chung, tết Nguyên đán ít được chú ý. Ngược lại, tết Thanh minh vào tháng 3 âm lịch, người Dao họ thường tổ chức cúng lễ và ăn uống linh đình, có thịt lợn, làm các loại bánh nhưng không có tục đi tảo mộ.
Trong các sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng của người Dao họ, các thầy cúng luôn giữ vị trí trung tâm. Họ là người trực tiếp thực hiện các nghi lễ, có vai trò chi phối đời sống tâm linh của cộng đồng và mỗi cá nhân. Những nghi lễ lớn trong chu kỳ đời người của mỗi cá nhân không thể thiếu sự có mặt của các thầy cúng. Ngoài ra, những biến cố bất thường trong cuộc sống hàng ngày như ốm đau, bệnh tật… họ cũng cần đến những ông thầy. Riêng những nghi lễ cúng bái thông thường trong gia đình thì bất kỳ người đàn ông Dao họ nào đã được lập tịch đều biết cúng.
Dao họ là một nhóm thuộc ngành Dao quần trắng, ngoài những nét đặc trưng chung về văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, họ còn có những nét đặc trưng riêng. Những nét riêng này phụ thuộc nguồn gốc lịch sử, môi trường và cảnh quan cư trú, hoàn cảnh xã hội và giao lưu văn hóa với các dân tộc trong vùng.
Tín ngưỡng, tôn giáo của người Dao họ được thể hiện ở 3 phạm vi: cá nhân, gia đình và cộng đồng. Trong đó tín ngưỡng liên quan đến mỗi cá nhân có ảnh hưởng quan trọng đối với văn hóa và phát triển của cộng đồng. Và, người Dao họ, ngoài tín ngưỡng dân gian, còn chịu ảnh hưởng của Đạo giáo, Nho giáo và Phật giáo, trong đó Đạo giáo có phần nổi trội hơn.
_______________
1. Đặng Nghiêm Vạn, Vai trò tôn giáo tộc người trong việc thống nhất ý thức cộng đồng người Dao, Sự phát triển văn hóa xã hội của người Dao: Hiện tại và tương lai (Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế người Dao, tổ chức ở Thái Nguyên tháng 12-1995), Hà Nội, 1998, tr.130.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 301, tháng 7-2009
Tác giả : Phạm Văn Dương
Bài viết cùng chủ đề:
Bảo tồn văn hóa si la trong bối cảnh hiện nay
Giữ gìn văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên
Vai trò của người dân trong bảo tồn giá trị quan họ làng vân khám