Ngày 16/5/2021, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng có bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Đây là một công trình nghiên cứu rất sâu sắc về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta…”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc Tết công nhân Công ty Cây xanh Hà Nội làm việc trên đường Thanh Niên – Ảnh: Tư liệu
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – một đột phá lý luận rất cơ bản của Đảng ta
Kinh tế thị trường là thành quả của văn minh nhân loại. Xuất phát từ quan niệm, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, mỗi quốc gia lại có những biến thể khác nhau như kinh tế thị trường tự do (Mỹ, Anh,…), kinh tế thị trường xã hội (Đức, Thụy Điển,…), kinh tế thị trường nhà nước phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc,…),… trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin (đặc biệt những chỉ dẫn của V.I.Lênin trong “Chính sách kinh tế mới”). Tham khảo kinh nghiệm phát triển kinh tế thị trường của các quốc gia trên thế giới và từ thực tiễn Việt Nam, Đảng ta đã đề ra đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Lần đầu tiên trong lịch sử xã hội loài người, trong lịch sử phát triển kinh tế thị trường xuất hiện một mô hình mới: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tính đột phá lý luận rất cơ bản trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng ta có thể khái quát trên một số nội dung cốt lõi sau đây:
Một là, Đảng ta đã thực hiện đổi mới, thừa nhận kinh tế nhiều thành phần, chấp nhận cơ chế thị trường và khẳng định nó không đối lập với chủ nghĩa xã hội. Đây là sự lựa chọn khách quan, độc lập và phù hợp với xu thế vận động chung của nền kinh tế thế giới. Mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung thời bao cấp với những hạn chế về quan liêu, triệt tiêu sáng tạo, cạnh tranh,… đã không còn phù hợp trong giai đoạn mới. Quá trình đổi mới nhận thức này diễn ra từng bước và được kiểm nghiệm bởi thực tiễn phát triển của nền kinh tế và tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thực tiễn phát triển của nền kinh tế đất nước. “Nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước trong từng giai đoạn”(1). Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội – một thời kỳ quá độ đang hướng đến mục tiêu xã hội chủ nghĩa, cần một quá trình phát triển lâu dài để xây dựng được mô hình chủ nghĩa xã hội hoàn chỉnh, đúng nghĩa. “Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường… Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ”(2). Để phù hợp và tương thích với hoàn cảnh và đặc điểm của Việt Nam, Đảng ta đã lựa chọn xây dựng mô hình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, nghĩa là luôn luôn bám sát và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Và thực tiễn “những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế”(3).
Hai là, xác định mô hình kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một mô hình kinh tế đặc biệt. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là kiểu tổ chức kinh tế đặc biệt, vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội. “Theo nhận thức của chúng ta, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”(4). Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một dạng mô thức kinh tế mới, chưa từng có trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường là “cái phổ biến”, còn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “cái đặc thù” của Việt Nam, tương thích với điều kiện, đặc điểm cụ thể của Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển chung của nền kinh tế thế giới. Do vậy, lựa chọn kinh tế thị trường là sự lựa chọn phù hợp với các quy luật phát triển và các điều kiện lịch sử cụ thể của thời đại và của những nước đi sau, cho phép rút ngắn con đường đi tới chủ nghĩa xã hội trên cơ sở sử dụng được ưu thế cũng như hạn chế những khuyết tật của thị trường. Mô hình này tỏ rõ hiệu quả về khả năng tự chủ, tự cường, phản ứng chính sách và phản ứng thị trường đồng bộ. Nguyên tắc quyền lực nhà nước là tập trung, thống nhất, đã giúp cho chính quyền trung ương có đủ sức mạnh và có đủ thẩm quyền để ban hành quyết định nhanh chóng cho toàn hệ thống. Bản thân kinh tế thị trường, cho đến nay, được xem là phương cách hiệu quả nhất trong phân bổ, khai thác các nguồn lực cho sự phát triển đi lên văn minh hiện đại. Chủ nghĩa xã hội là xã hội tương lai, một xã hội bảo đảm các điều kiện phát triển toàn diện của con người. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hướng tới xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thông qua sử dụng kinh tế thị trường.
Ba là, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp quy luật khách quan trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thực hiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là sự gán ghép chủ quan giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội, mà là sự nắm bắt và vận dụng xu thế vận động khách quan của kinh tế thị trường trong thời đại ngày nay. Thực tiễn 35 năm đổi mới đã chứng minh, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta phải kinh qua kinh tế thị trường, không phát triển kinh tế thị trường thì không thể đi tới chủ nghĩa xã hội. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự vận dụng sáng tạo kinh tế thị trường – loại hình kinh tế phổ biến của xã hội loài người – vào điều kiện Việt Nam. Định hướng xã hội chủ nghĩa là tính chất, là thuộc tính của nền kinh tế thị trường mà Việt Nam đang xây dựng, được quyết định bởi bản chất của nền kinh tế, bởi chính tính chất của những bộ phận cấu thành, nằm trong kết cấu nội tại của nền kinh tế, xác định bản chất và xu thế vận động của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam phản ánh mục tiêu, phương thức phát triển, cơ chế quản lý và phương thức phân phối của nền kinh tế, nhằm khai thác đối đa mặt tích cực, lợi thế của kinh tế thị trường; đồng thời hạn chế, khắc phục mặt trái, khiếm khuyết của kinh tế thị trường, phục vụ lợi ích của mọi người dân, hướng đến thực hiện các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Chính nhờ sự kiên định trong việc phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hòa nhập nhưng không hòa tan, “chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(5).
Bốn là, mô hình kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam không ngừng được phát triển và từng bước hoàn thiện. Hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa luôn được Ðảng ta quan tâm đặc biệt. Khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được chính thức sử dụng trong các văn kiện Đại hội IX (tháng 4-2001) của Đảng: “Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”(6). Từ Đại hội IX đến nay, vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được đặt ra cấp bách trong các Ðại hội X, XI, XII, XIII của Ðảng. Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành hai Nghị quyết chuyên đề: Nghị quyết Trung ương 6 khóa X “Về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII “Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng đề ra ba đột phá chiến lược phù hợp với giai đoạn mới, trong đó đột phá chiến lược thứ nhất là: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”(7). Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế…; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(8). Ðại hội XIII của Ðảng đã tiếp cận tổng thể, bổ sung, nâng tầm nội hàm, chủ trương, quan điểm, mục tiêu, lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – một đột phá lý luận rất sáng tạo của Đảng ta
Kinh tế thị trường không phải là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản và cũng không mâu thuẫn với chủ nghĩa xã hội; ngược lại, phát triển kinh tế thị trường là môi trường thuận lợi nhất, hợp quy luật khách quan để lực lượng sản xuất phát triển, đòi hỏi phải có quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với nó – đó chính là quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. “Công cuộc đổi mới, trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thực sự đem lại những thay đổi to lớn, rất tốt đẹp cho đất nước trong 35 năm qua”(9). Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một sự lựa chọn sáng tạo, mang tính đột phá về lý luận của Đảng và Nhà nước ta. Có thể bước đầu khái quát với những nội dung cơ bản sau đây:
Một là, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kép – đảm bảo tính tích cực, ưu việt của cơ chế thị trường tự do và giữ vững được định hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu như chủ nghĩa tư bản phát triển với tốc độ nhanh, có những thành tựu khoa học công nghệ nhưng tàn phá môi trường, phân hóa giàu nghèo… thì Việt Nam không tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, mà trong từng bước tăng trưởng kinh tế gắn đồng thời với sự phát triển toàn diện con người, không hy sinh sự công bằng, tiến bộ xã hội vì tăng trưởng kinh tế. “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội… Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường”(10). Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, một xã hội phát triển thực sự vì con người, quan tâm đến cuộc sống, chất lượng sống của người dân. Một quốc gia đi sau không được vận dụng cứng nhắc các nguyên lý lý luận, càng không nên rập khuôn các mô hình kinh tế thị trường sẵn có – dù là mô hình hiệu quả, để giải quyết các vấn đề phát triển mang nhiều nét đặc thù của mình. Việc lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là đúng với xu hướng chung của loài người; đồng thời, là mô hình thiết thực, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, chính trị, xã hội của đất nước. Chính bởi mục tiêu xuyên suốt này, trải qua 35 năm đổi mới, Đảng ta vẫn kiên trì thực hiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo ra một bản sắc mới, rất độc đáo – bản sắc chỉ riêng có ở Việt Nam.
Hai là, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa giúp Việt Nam tận dụng được tất cả những thành tựu trí tuệ của con người để đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Việt Nam bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua những khuyết tật, bất công, không phù hợp; không bỏ qua những thành tựu, giá trị văn minh của chủ nghĩa tư bản. Việt Nam kế thừa những thành tựu này trên cơ sở có chọn lọc một cách khoa học, bảo đảm cho định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn dẫn dắt nền kinh tế thị trường phát triển đúng hướng. “Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm… Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng, những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội”(11). Phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, không những kinh tế Việt Nam phát triển tích cực, mà còn giải quyết các vấn đề xã hội tốt hơn so với các nước tư bản có cùng mức phát triển kinh tế, bởi nét riêng của định hướng xã hội chủ nghĩa là sự thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội trong suốt quá trình phát triển. Tính ưu việt này đã thể hiện rất rõ qua việc phòng, chống dịch Covid-19 và bảo vệ sức khỏe của nhân dân ở Việt Nam hiện nay. Khi áp dụng kinh tế thị trường để phát triển đất nước là Đảng ta đã sáng suốt áp dụng một thành tựu của nhân loại trong cách thức phát triển kinh tế, nhưng đồng thời gắn thêm định hướng xã hội chủ nghĩa để bảo đảm xã hội sẽ phát triển bền vững, nhân văn – mối quan hệ giữa “động cơ” và “bánh lái”. Mọi mô hình kinh tế thị trường muốn thành công đều phải ngày càng hội tụ vào mục tiêu cao nhất và xuyên suốt là vì phát triển đất nước bền vững, tăng trưởng xanh và đáp ứng ngày càng tốt hơn khát vọng hạnh phúc của người dân, trong đó, con người là mục tiêu, là động lực quan trọng nhất, cao quý nhất.
Ba là, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là phát triển kinh tế gắn liền với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Khi nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, C.Mác khẳng định: “Sản xuất giá trị thặng dư hay lợi nhuận là quy luật tuyệt đối của phương thức sản xuất này”(12). Trong chủ nghĩa tư bản, nhân dân lao động là người làm thuê, mục tiêu của chủ nghĩa tư bản là tăng lợi nhuận, duy trì sự thống trị của giai cấp tư sản. Trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế phải đi liền với việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội. “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Điều đó có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”(13). Đây là sáng tạo của Đảng ta nhằm hiện thực hóa mục tiêu của xã hội mới trong từng chặng đường phát triển kinh tế thị trường, để “không để ai bị bỏ lại phía sau”. V.I.Lênin từng khẳng định: “Chúng ta không thể hình dung một thứ chủ nghĩa xã hội nào khác hơn là chủ nghĩa xã hội dựa trên tất cả những bài học mà nền văn minh lớn của chủ nghĩa tư bản đã thu được”(14). Việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ là vấn đề mang tính tất yếu của công cuộc đổi mới mà còn là sự đúng đắn về nguyên tắc, quan điểm của Ðảng, đồng thời, là đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước. Ðó cũng là sự thể hiện ưu thế tuyệt đối của chế độ xã hội ở Việt Nam khi xem kinh tế thị trường chỉ là phương tiện, công cụ hữu hiệu để xây dựng chủ nghĩa xã hội và nhằm phục vụ nhân dân.
Bốn là, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam theo phương thức tạo sự phát triển để ổn định xã hội. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là mô hình kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, sử dụng cả kinh tế thị trường và cả kinh tế tư bản chủ nghĩa để xây dựng nền tảng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường phản ánh mục tiêu, phương thức phát triển, phân phối của cơ chế quản lý kinh tế; khai thác tốt nhất lợi thế vốn có của thị trường, đồng thời, khắc phục và hạn chế tới mức thấp nhất những “khuyết tật”, rủi ro (khủng hoảng, đói nghèo, môi trường,… ), nhằm phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân, hướng đến các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Nhà nước tham gia vào các quá trình hoạt động của kinh tế thị trường, thực hiện các chức năng quản lý, định hướng và hỗ trợ phát triển; phân phối lại thu nhập quốc dân và bảo vệ môi trường. Kinh tế nhà nước nắm giữ vai trò chủ đạo ở một số lĩnh vực then chốt, là điều kiện có tính nguyên tắc bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó thể hiện sự khác biệt về bản chất của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa so với các mô hình kinh tế thị trường khác. “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo… Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển,… phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”(15). Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước được thể hiện trước hết và chủ yếu ở sức mạnh định hướng, hỗ trợ phát triển và điều tiết nền kinh tế. Các thành phần kinh tế gắn bó hữu cơ với nhau trong một thể thống nhất, không tách rời kinh tế nhà nước ở tất cả các giai đoạn phát triển, là những thực thể của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Công nhân kiểm tra chất lượng sản phẩm lụa tơ tằm xuất khẩu – Ảnh: Tư liệu
_______________
1. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 21/NQ-TW “Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Hà Nội, ngày 3-6-2017.
2, 3, 4, 5, 9, 10, 11, 13, 15. Nguyễn Phú Trọng, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Báo Nhân dân Điện tử, ngày 16-5-2021.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.23.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.337-338.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.128.
12. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.872.
14. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.334.
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Nguồn: Tạp chí VHNT số 465, tháng 6-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)