Du lịch dựa vào cộng đồng và vấn đề bảo tồn văn hóa địa phương


 

Một vài thập kỷ gần đây, trong các chính sách phát triển của chính phủ Việt Nam, du lịch thường được nhắc đến như là một trong những xu hướng mang tính chiến lược, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, đóng góp vào sự tăng trưởng mọi mặt của đất nước. Với mục tiêu này, nhiều hoạt động du lịch đã được triển khai khá thành công ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh nhiều loại hình du lịch phổ biến như tham quan, di sản, khám chữa bệnh, mạo hiểm, giáo dục… thì du lịch dựa vào cộng đồng (DLDVCĐ) không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế hấp dẫn mà còn có ý nghĩa nhiều mặt trên các phương diện văn hóa xã hội. Đây là loại hình du lịch mới được triển khai mạnh mẽ những năm gần đây và là bước tiếp cận mới tạo cơ hội để quảng bá hình ảnh Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Được đề cập đến trong các diễn ngôn phát triển trên thế giới từ những năm 70 TK XX DLDVCĐ bắt đầu được biết đến nhiều hơn ở Việt Nam từ những năm 90 TK XX. Khái niệm DLDVCĐ được Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) định nghĩa: “Du lịch dựa vào cộng đồng là một hình thức du lịch mà cộng đồng địa phương làm chủ, tham gia vào quá trình phát triển và quản lý, và phần lớn các lợi ích sẽ thuộc về cộng đồng”(1).

Ở góc độ văn hóa xã hội, DLDVCĐ được giải thích như là hình thức du lịch mang tính môi trường, xã hội và văn hóa bền vững. Nó được quản lý và làm chủ bởi cộng đồng, vì cộng đồng, với mục đích giúp cho khách du lịch tăng thêm vốn nhận thức và hiểu biết về cộng đồng và cuộc sống của người dân địa phương. DLDVCĐ không đặt ra câu hỏi: “bằng cách nào để kiếm được lợi nhuận nhiều hơn từ du lịch” mà là “bằng cách nào du lịch đóng góp vào quá trình phát triển cộng đồng”(2).

Có thể nói, DLDVCĐ là sự trao quyền và tham gia của người dân địa phương vào quản lý và triển khai các hoạt động du lịch với mục đích giúp du khách khám phá những trải nghiệm độc đáo về sự đa dạng văn hóa của cộng đồng địa phương, tăng cường giao lưu văn hóa, khám phá thiên nhiên, làng nghề truyền thống, trải nghiệm cuộc sống lao động thường ngày của người dân địa phương. Với việc tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch, không gian sinh kế của người dân địa phương được mở rộng, họ có thêm cơ hội để có thêm việc làm, tăng nguồn thu nhập, cải thiện đời sống, nâng cao nhận thức văn hóa xã hội qua giao lưu, tiếp xúc với khách du lịch, đồng thời giúp người dân địa phương ý thức hơn về giá trị văn hóa của cộng đồng mình, góp phần vào việc duy trì bảo quản văn hóa truyền thống địa phương.

Ở Việt Nam, vấn đề lưu giữ bản sắc dân tộc để phát triển du lịch đã được bàn luận không ít. Các diễn ngôn chính sách luôn nhấn mạnh việc gắn phát triển du lịch với việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và đặc thù văn hóa địa phương cụ thể như các giá trị văn hóa ẩn chứa trong phong tục tập quán, lễ hội, trong các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đây cũng là vấn đề chủ yếu được quan tâm trong các nghiên cứu, nhận định về phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, một trong những giá trị cốt lõi chưa thật sự được chú trọng đó là tiếng nói của các cá nhân trong cộng đồng, những chủ thể văn hóa tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch, những người tạo nên giá trị khác biệt của văn hóa địa phương. Và DLDVCĐ với những nguyên tắc cơ bản là sự tham gia và trao quyền cho cộng đồng được coi như là đường hướng phát triển chiến lược nhằm tạo nên sự công bằng xã hội và nâng cao vị thế của người dân, đây cũng là biện pháp hữu hiệu để thực hiện công tác bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương.

1. DLDVCĐ – quyền lực của cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương

Các giá trị văn hóa, sinh thái, môi trường được coi là yếu tố cơ bản để phát triển du lịch địa phương. Nghiên cứu của Timothy đã chỉ ra rằng: “DLDVCĐ là hình thức du lịch bền vững hơn so với du lịch đại chúng thông thường… nó cho phép người chủ cộng đồng phá vỡ vai trò lãnh đạo của các công ty lữ hành và sự độc quyền của giới thượng lưu giàu có, tạo thế cân bằng trong các mối quan hệ quyền lực, bởi lẽ gốc rễ của du lịch cộng đồng là sự trao quyền (3). Sự trao quyền trong DLDVCĐ có thể được hiểu như giải thích của Ife. J là: cung cấp cho người dân các nguồn lực, cơ hội, kiến thức và kỹ năng để nâng cao năng lực của họ trong việc xác định tương lai của mình và tham gia tạo ảnh hưởng đến cuộc sống cộng đồng của họ (4). Nguyên tắc này được áp dụng và đem lại hiệu quả đáng ghi nhận trong mô hình du lịch dựa vào cộng đồng trên thế giới. Đi sâu vào nghiên cứu ở một trường hợp cụ thể, báo cáo phát triển du lịch dựa vào cộng đồng ở Kyrgyzstan cho rằng việc trao quyền cho người dân địa phương sẽ mang lại những hiệu quả hữu hiệu cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương khi có sự gắn kết của hệ thống các mối quan hệ cá nhân và tổ chức xã hội cộng đồng: lợi thế nằm trên vị trí của con đường tơ lụa và quang cảnh vùng núi hoang sơ cùng lối sống du mục của người dân đã khiến cho nơi đây trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách. Tuy nhiên việc phát triển du lịch trên núi ngày một tăng đã đặt áp lực bảo tồn cho cộng đồng địa phương trong việc lưu giữ nguồn tài nguyên thiên nhiên, quản lý môi trường, văn hóa truyền thống và kiến thức bản địa cũng như tìm kiếm những giải pháp công nghệ hiện đại để duy trì môi trường vùng núi và tái đầu tư doanh thu du lịch để phục vụ cho việc bảo tồn. Điều này đã được cộng đồng địa phương triển khai dựa trên các nguyên tắc cơ bản của du lịch dựa vào cộng đồng thông qua sự điều hành bởi các nhà cung cấp du lịch địa phương và các bên liên quan trong sự kết nối hài hòa giữa văn hóa truyền thống và trách nhiệm quản lý đất đai của họ. Sự tham gia của cá nhân trong cộng đồng vào việc cung cấp các phương tiện và dịch vụ du lịch dưới sự kiểm soát của địa phương không những đảm bảo cho người dân duy trì quyền sở hữu của mình mà còn giải quyết được vấn đề bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như những giá trị văn hóa của cư dân nơi đây (5).

Trong bối cảnh Việt Nam, nhiều địa phương ở nước ta cũng đã thực hiện tương đối thành công mô hình DLDVCĐ như Hội An, Sapa, đồng bằng sông Cửu Long… Mô hình du lịch dựa vào cộng đồng được triển khai tùy thuộc vào lợi thế đặc trưng vùng đất và sự đa dạng văn hóa, phong tục tập quán và lối sống từng vùng, tạo nền tảng xây dựng đường hướng du lịch của địa phương. Đơn cử một ví dụ như du lịch Hòa Bình: Hòa Bình là tỉnh miền núi, cách Hà Nội 73km về phía Tây Bắc, là địa bàn quy tụ 6 dân tộc anh em sinh sống: Kinh, Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Đây là địa bàn có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch, chứa đựng những sắc thái văn hóa tộc người độc đáo và hấp dẫn. Tại đây ở một số làng bản vẫn còn lưu giữ khá tốt nét văn hóa cổ truyền với nếp sống, phong tục tập quán địa phương như: nhà sàn dân tộc Mường, hệ thống dẫn nước, cối giã gạo, ruộng bậc thang, phương thức làm ruộng truyền thống, các hình thức sinh hoạt ca hát… đó là những điều kiện thuận lợi để triển khai một số mô hình du lịch dựa vào cộng đồng như: dịch vụ ở nhà sàn (home stay), du lịch sinh thái với không gian xanh của núi đồi ruộng nương, tham dự các hoạt động sản xuất các đồ thủ công, lưu niệm, dệt trang phục truyền thống dân tộc của người dân địa phương… Việc triển khai mô hình DLDVCĐ ở đây đã tạo nên một mạng lưới cộng đồng người dân địa phương cùng tham gia hoạt động du lịch; UBND tỉnh Hòa Bình đã có những chính sách khuyến khích đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực địa phương phục vụ hoạt động phát triển du lịch, đề ra các quy định đối với các tổ chức kinh doanh du lịch để đảm bảo có sự phân phối nguồn lực du lịch hợp lý cho công tác bảo tồn tài nguyên, môi trường trong quá trình khai thác du lịch. Khi xây dựng các dự án phát triển kinh tế văn hóa xã hội, tỉnh luôn lồng ghép kế hoạch phát triển du lịch để cộng đồng có sự chuẩn bị đầu tư đúng hướng và để cho cư dân trong vùng nắm bắt được các thông tin dự án tạo điều kiện chuẩn bị cho các phương án tham gia hoạt động du lịch của cộng đồng.

Di sản Hội An lại mang lợi thế du lịch với đặc trưng văn hóa của một không gian đô thị cổ kết hợp với sự hấp dẫn của du lịch làng nghề như làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà… Sự phát triển của mô hình DLDVCĐ đã tạo động lực cho công tác bảo tồn nét văn hóa truyền thống nơi đây. Nắm bắt được những lợi ích của du lịch, cư dân làng nghề Kim Bồng đẩy mạnh mở rộng cơ sở dạy nghề, đào tạo ra những thế hệ tiếp nối nghề mộc truyền thống của cha ông, thậm chí nghề mộc Kim Bồng còn được nhân rộng địa bàn ra khu làng nghề tại xã Cẩm Kim, thị xã Hội An. Tương tự, làng gốm Thanh Hà cũng tạo ra những sản phẩm đặc trưng như lu, chum, vại bình hoa, chậu cảnh, cung cấp gạch, ngói lợi, gạch lát nền không những phục vụ cho đời sống người dân mà còn là điểm tham quan thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Còn nghề rau truyền thống Trà Quế cũng có cách làm du lịch khá thú vị. Người dân ở đây tạo cho du khách cảm giác mới lạ như trở về không gian truyền thống xưa với những người nông dân đi dép lê, đội nón lá; thậm chí du khách có thể được trải nghiệm cuộc sống lao động thường ngày của họ như cùng trồng rau, cuốc đất, tưới nước, chăm bón rau…và cùng chia sẻ cảm giác về không gian xanh yên bình với cư dân trong làng. Ngoài ra, để đảm bảo môi trường xanh sạch đẹp, chính quyền và người dân Hội An luôn thực hiện chủ trương phục vụ cho du lịch như ngày đi bộ, ngày không khói xe, ngày không túi nilon. Đây là những chương trình với mục đích nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng, bảo vệ không gian văn hóa của khu du lịch. Mô hình DLDVCĐ với sự tham gia của cư dân địa phương đã tạo cho Hội An những nét văn hóa khác biệt mang ấn tượng thú vị, hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Có thể nói, nguyên tắc tham gia và trao quyền của DLDVCĐ dựa trên sức mạnh nội lực của chính cộng đồng đã mang lại những hiệu quả nhất định trong xu hướng phát triển du lịch bền vững hiện nay. Việc tham gia vào hoạt động du lịch cũng giúp cho cư dân địa phương đảm bảo cuộc sống sinh hoạt của họ trước những áp lực nhiều chiều của cuộc sống hiện đại. Đây cũng là một trong những động lực để bảo tồn văn hóa truyền thống mà lợi thế DLDVCĐ mang lại.

2. DLDVCĐ – bảo tồn văn hóa trong sự gắn kết giữa lợi ích cá nhân và giá trị văn hóa cộng đồng

“Bảo tồn văn hóa gắn với cộng đồng, tạo sinh kế cho người dân. Đó là cách bảo tồn sống, bảo tồn động, dựa trên điểm mấu chốt quan trọng là gắn với sinh kế của người dân, lấy văn hóa của các tộc người để phát triển. Việc bảo tồn gắn với sinh kế, sinh nhai đòi hỏi sự tham dự của các cộng đồng đó”(6). DLDVCĐ đã mở ra cho cư dân địa phương những cơ hội học hỏi, trao đổi văn hóa, nâng cao vị thế cá nhân, quyền tự quyết và xác định bản thân, để từ đó nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa của địa phương và có ý thức về sự bảo tồn. Sự gắn kết giữa lợi ích cá nhân và cộng đồng được coi như là một chiến lược sinh kế mới của xã hội hiện đại thông qua mô hình DLDVCĐ nhằm tăng thêm việc làm, nguồn thu nhập, phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân địa phương.

Theo nghiên cứu của Briedenhann and Wickens qua trường hợp của Mpondo, Africa, thì xu hướng truyền thống của cư dân địa phương đã bắt đầu thay đổi khi có sự gia tăng của du lịch, văn hóa địa phương đã có những sự điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh và tạo ra những cơ hội cho cư dân trong vùng thay đổi điều kiện sống. Nếu như trước đây việc tính phí cho khách sạn là một lời “nguyền rủa” của văn hóa bản địa thì dần dần cùng với sự xuất hiện của du lịch, việc tính phí cho nơi ở và thức ăn được coi như bước đột phá lớn; người dân địa phương chấp nhận khái niệm du lịch và mong muốn khách du lịch vì điều này đã mang lại cho họ những cơ hội kinh tế, và niềm tự hào về những sản phẩm của họ; và vì vậy có thể nói văn hóa địa phương có thể phát triển liên quan đến du lịch và du lịch như là sự tích hợp một chiến lược sinh kế mới để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân (7). Việc sử dụng du lịch dựa vào cộng đồng được xem như là sự đa dạng hóa chiến lược sinh kế trong cộng đồng người nghèo; như trường hợp của người dân khu vực Tanzanian thì du lịch dựa vào cộng đồng là công cụ cơ bản trong đa dạng hóa kinh tế nông thôn tại miền bắc Tanzanian. Đặc biệt với đặc điểm sinh thái đồng cỏ bán khô hạn và những cơ hội sinh kế hạn chế (8). Du lịch dựa vào cộng đồng cũng đã tạo những đóng góp ấn tượng cho quá trình xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống của cộng đồng các tộc người thiểu số ở Sapa, Lào Cai. Bằng việc sản xuất và bán các sản phẩm truyền thống của địa phương, tham gia dịch vụ homestay, biểu diễn các điệu múa truyền thống, hướng dẫn viên du lịch… và tham gia các chương trình DLDVCĐ bắt đầu được khởi xướng vào năm 2001 ở Sapa… bản Cat Cat đã giảm tỷ lệ các hộ nghèo từ 30% năm 2000 xuống còn 6,15% năm 2004; bản Sin Chai từ 68% còn 26%. Thu nhập của các hộ gia đình làm du lịch ở bản Cat Cat cao hơn 2 đến 2,5 lần so với các hộ làm nông nghiệp (9). Có thể nói, đằng sau sự thay đổi diện mạo cuộc sống của người dân địa phương chính là nhận thức của cư dân nơi đây về giá trị văn hóa cộng đồng cũng như những bản sắc riêng biệt mang lại sự hấp dẫn cho du khách. Cơ hội có việc làm và nguồn thu mang lại qua hoạt động du lịch như sợi dây vô hình gắn kết giữa lợi ích của cá nhân với cộng đồng, tạo khả năng tiềm tàng cho công việc bảo tồn giá trị văn hóa địa phương.

DLDVCĐ tác động không nhỏ vào quá trình phát triển văn hóa địa phương, hay nói cách khác, sự phát triển văn hóa địa phương thông qua mô hình DLDVCĐ được tạo nên bởi sự tương tác giữa mỗi cá nhân trong cộng đồng với thế giới bên ngoài qua việc chia sẻ giao lưu văn hóa với du khách, qua việc học tập, tham gia và tự quyết định trực tiếp vai trò của mỗi cá nhân trong xã hội, cũng như lối ứng xử linh hoạt, thích ứng với sự đa dạng của những con người đến từ các môi trường xã hội khác nhau, nền văn hóa khác nhau, tạo động lực cho việc bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như vốn văn hóa của địa phương. Mô hình DLDVCĐ không chỉ được nhìn nhận thuần túy như sự hấp dẫn của một sản phẩm du lịch mà còn là cơ hội để mỗi cá nhân trong cộng đồng tự định nghĩa về bản thân qua việc giao lưu chia sẻ văn hóa với du khách. Văn hóa địa phương được lưu giữ, bảo tồn từ trong mỗi cá thể của cộng đồng, DLDVCĐ đã mở ra cánh cửa mới, một không gian văn hóa mới trong cuộc sống của người dân địa phương, giúp họ ý thức hơn về bản sắc của cá nhân và cộng đồng mình, xóa bỏ rào cản khu biệt, vươn xa hơn về tri thức và sự hiểu biết, mở rộng các mối quan hệ xã hội với những nền văn hóa khác biệt để rồi họ thêm tự hào về văn hóa địa phương, ý thức được bản thân và tự tin hơn trong cuộc sống xã hội. Vì vậy, DLDVCĐ được xem như là mô hình phát triển cộng đồng bền vững. Hình ảnh những cô gái dân tộc thiểu số ở Sapa mặc bộ trang phục truyền thống người Mông, Dao, Tày… nói tiếng Anh lưu loát, nhanh nhẹn giới thiệu cho du khách về văn hóa dân tộc mình, tự tay làm những sản phẩm dệt truyền thống, giúp du khách yên tâm với những điều kiêng kỵ trong quá trình tham quan bản làng, phần nào là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa; và sâu xa hơn nữa đó là sự gắn kết của lợi ích cá nhân với giá trị văn hóa địa phương; đây có thể coi là phương thức hữu hiệu để bảo tồn văn hóa truyền thống theo mô hình phát triển du lịch bền vững hiện nay. Hơn nữa cơ hội học hỏi và quyền tự quyết của những người dân trên địa bàn du lịch đã phần nào xóa bỏ những định kiến tộc người như quan niệm cho rằng người dân tộc thiểu số là kém cỏi hơn so với người Kinh, điều này thể hiện những giá trị cốt lõi của DLDVCĐ là tạo sự công bằng xã hội và nâng cao vị thế cá nhân.

3. DLDVCĐ – những thách thức cho công việc bảo tồn văn hóa

Một trong những sự kiện thu hút được sự chú ý của dư luận thời gian gần đây là việc cư dân làng cổ Đường Lâm kiến nghị trả lại danh hiệu di sản văn hóa cấp quốc gia cho nhà nước do những mâu thuẫn trong chính sách bảo tồn di sản văn hóa và lợi ích cộng đồng cư dân sinh sống tại đây. Mọi khúc mắc nảy sinh từ quy định của chính sách bảo tồn đã khiến người dân trong làng không được thay đổi mô hình cấu trúc nhà ở, cảnh quan, không gian truyền thống từng tồn tại nhiều thập kỷ trước, tạo những áp lực không nhỏ đối với cư dân trong làng trước xu thế phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện đại. Làng cổ Đường Lâm cũng là địa bàn được đưa vào phục vụ du lịch với mô hình DLDVCĐ từ nhiều năm trước, tuy nhiên theo ý kiến của một cán bộ xã thì: Ước tính mỗi năm hàng chục vạn khách chính thức đi vào làng. Số tiền rất lớn nhưng bà con không được hưởng gì cả. Di tích này là của người Đường Lâm, lẽ ra người Đường Lâm phải được quản lý và khai thác, đằng này họ từ nơi khác đến khai thác toàn bộ, người Đường Lâm không được gì cả. Như vậy, một trong những vấn đề được đặt ra ở đây là cần phải có những ứng xử linh hoạt, hài hòa trong công việc bảo tồn, phát triển du lịch và lợi ích chung của cộng đồng trên cơ sở bối cảnh văn hóa từng địa phương. Bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa địa phương là một trong những chìa khóa để phát triển thành công mô hình du lịch dựa vào cộng đồng. Song bên cạnh những đường hướng chỉ đạo của các cơ quan chức năng, thì vai trò của người dân trong cộng đồng có tính chất quyết định trong công tác bảo tồn, bởi lẽ họ là những chủ thể văn hóa, là người trực tiếp thực hành văn hóa và là những bảo tàng sống giới thiệu bản sắc văn hóa địa phương với khách du lịch bốn phương. Thêm vào đó, lợi ích của cá nhân cũng quy định hành vi ứng xử của mỗi cá nhân khi du lịch thâm nhập vào đời sống xã hội. Một số những người không tham gia hoạt động du lịch hoặc không được lợi từ du lịch sẽ có những hành vi không thiện chí với khách du lịch vì cho rằng du lịch làm phá vỡ không gian sống bình yên của họ; và sự co cụm của họ trong cách sống cũng gây nên những hạn chế trong việc giáo dục, truyên truyền ý thức bảo vệ di sản văn hóa địa phương.

Du lịch cũng gây những tác động không nhỏ cho quá trình bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của địa phương do ảnh hưởng của tính thương mại hóa văn hóa trong du lịch. Nghiên cứu của Nattapon Meekaew và Somsak Srisontisuk trong trường hợp ở Chiang Khan, Thái Lan cho rằng: người dân địa phương không sản xuất các sản phẩm để họ sử dụng như họ đã từng làm mà tận dụng lợi thế của ngành công nghiệp du lịch để sản xuất ra các mặt hàng đặc biệt để bán, những mặt hàng này không chú trọng đến giá trị sử dụng mà chỉ mang tính chất minh họa văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch. Và việc sử dụng văn hóa để thu lợi nhuận, từ góc độ tiêu cực đã làm giảm đi giá trị văn hóa truyền thống của địa phương (10). Việc thương mại hóa các giá trị văn hóa bản địa cũng là một trong những vấn đề được đặt ra hiện nay ở Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, ở nhiều khu du lịch vùng dân tộc thiểu số, việc pha tạp trong lối kiến trúc nhà không rõ thuộc dân tộc nào, hay những đặc sản văn hóa địa phương như cơm lam, rượu cần, thổ cẩm, vòng ốc… lại được sản xuất ở nước ngoài đã khiến các giá trị văn hóa ở đây dường như được vận hành theo tiêu chí ảo với mục đích kinh doanh chứ không thể hiện được ý nghĩa thực tiễn đời sống của nó. Và thương mại hóa văn hóa trong du lịch cũng làm mai một dần những cảm xúc nồng nhiệt, tinh thần hiếu khách của cư dân địa phương; mọi quan hệ tình cảm, giao lưu, chia sẻ giữa du khách và dân địa phương sẽ dần thay thế bằng quan hệ buôn bán, làm giảm sự hấp dẫn của địa bàn du lịch cũng như đặc trưng văn hóa địa phương, gây những khó khăn không ít cho công việc bảo tồn. Vì vậy, DLDVCĐ chính là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố văn hóa trên cơ sở phát huy và gìn giữ sức mạnh nội lực của từng cá nhân trong cộng đồng, gắn lợi ích chung của cả cộng đồng với sự phát triển du lịch bền vững.

Văn hóa cộng đồng là một trong những hạt nhân cơ bản để phát triển DLDVCĐ. Việc bảo tồn văn hóa địa phương gắn với phát triển du lịch là định hướng được nhiều địa phương có tiềm năng du lịch vận dụng hiện nay. DLDVCĐ dựa trên những yếu tố cơ bản như tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, tổ chức và quản lý cộng đồng, chia sẻ và học hỏi… đã không những nâng cao giá trị của văn hóa mà còn giúp bảo tồn, duy trì bản sắc đa dạng của văn hóa, biến những sản phẩm văn hóa mang ý nghĩa lịch sử, nghệ thuật, khoa học thành những giá trị kinh tế phục vụ cho lợi ích xã hội. Và trong những chiều kích đa dạng đó, không thể thiếu vắng sự đồng hành của cộng đồng cư dân bản địa, chủ thể đích thực của văn hóa địa phương.

_______________

          1. Võ Quế, Du lịch cộng đồng – lý thuyết và vận dụng, Nxb Khoa học kỹ thuật, Hà Nội, 2006.

2. Melker Anstrand, Community based tourism and social culture aspect relating to tourism, sh.diva-portal.org, 2006.

3. Timothy, Tourism and community development issues, in Sharpley. R. and Telfer D.J. Tourism and development concepts and issues (pp. 135-178) Cleverdon: Chanennel view pulications.

4. Ife. J, Community development: Community – based alternative in the age of Globalisation, Sydney: Pearson Education.

5. torc.linkbc.ca

6. Lương Hồng Quang, nhandan.com.vn

7. Briedenhann and Wickens, Rural tourism: meeting the challenges of the New South Africa, International Journal of Tourism reseach, 6-2004, 189-203.

8. Nelson, Community based tourism in Northern Tanzania: increasing opportunities; Escalating conflicts and an uncertain future; Paper presented to the Associattion for tourism and leisure education Africa conference; Community tourism: Options for the future, held in Arusha, Tanzania, February, 2003, 20-22.

9. vietnamtourism.vn

10. ipedr.com

Nguồn : Tạp chí VHNT số 350, tháng 8-2013

Tác giả : Đặng Thị Diệu Trang

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *