Du lịch và văn hóa du lịch ở nước ta hiện nay

Xu thế hội nhập, tăng cường hợp tác trên quy mô toàn cầu đã mở ra những bước tiến mới cho quá trình phát triển của các quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển. Trong bối cảnh đổi mới đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên các lĩnh vực, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, và dần khẳng định được vai trò mũi nhọn trong nền kinh tế quốc dân.

1. Du lịch

Du lịch có thể được hiểu là việc đi lại của từng cá nhân hoặc từng nhóm người rời khỏi chỗ ở trong khoảng thời gian ngắn, đến các vùng xung quanh để nghỉ ngơi, giải trí hay chữa bệnh. Những hoạt động di chuyển của con người ở trong hay ngoài nước, trừ việc đi cư trú chính trị, tìm việc làm và xâm lược, đều mang ý nghĩa du lịch. Theo Luật du lịch Việt Nam, “du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định”(1).

Dù có nhiều cách hiểu khác nhau, song du lịch cũng đã, đang trở thành một nhu cầu trong đời sống tinh thần của con người, là cầu nối cho sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

Du lịch là một hoạt động ra đời từ rất sớm, nhưng phải đến giai đoạn hiện nay mới thực sự phát triển và đang chuyển mình trở thành một ngành công nghiệp xuất khẩu tại chỗ mang lại giá trị cao. Điều này thể hiện rõ trong việc tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người lao động, đặc biệt là những người làm trong các lĩnh vực có liên quan đến du lịch như hướng dẫn viên, nhân viên làm việc ở nhiều khu vui chơi giải trí, trong các nhà hàng, khách sạn, vận chuyển… Đồng thời, trong quá trình hoạt động du lịch, các giá trị văn hóa dân tộc được đánh thức, khôi phục, khai thác, bảo tồn, trùng tu, góp phần bảo lưu, gìn giữ cho thế hệ sau.

Du lịch và các ngành kinh tế có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, du lịch phát triển sẽ tạo đà thúc đẩy các ngành cùng phát triển, nhất là những lĩnh vực như sản xuất hàng hóa, vận chuyển, kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn.

Như vậy, du lịch là một mắt xích rất quan trọng, có tác dụng nối kết các ngành trong nền kinh tế lại với nhau, để tạo thành một dây chuyền hoàn chỉnh, làm cho bộ máy chung hoạt động một cách hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.

Du lịch là một ngành kinh tế nhạy cảm, luôn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như kinh tế, chính trị, pháp luật… Du lịch muốn phát triển vững mạnh thì trước hết phải ổn định tình hình trong nước, bên cạnh đó cần mở rộng giao lưu, hợp tác nhưng phải dựa trên cơ sở thực trạng và nguồn lực của quốc gia, nhằm tạo ra những thị trường mới, độc đáo, hấp dẫn. Cùng với sự mở rộng phạm vi hoạt động, du lịch đã làm gia tăng nhanh chóng về số lượng thành phần cư dân và thành phần du khách. Nếu như trước đây du lịch chỉ dành riêng cho tầng lớp thượng lưu, có điều kiện, thì nay nó không còn bị bó hẹp, giới hạn, mà đã mở rộng với sự tham gia của nhiều người, đến từ nhiều nơi trên thế giới với đủ quốc tịch, màu da, tôn giáo. Việc đa dạng về thành phần cư dân và thành phần du khách, đã đặt ngành du lịch Việt Nam trước những cơ hội và thách thức để phát triển trong tương lai.

Xã hội phát triển, con người luôn bận rộn với công việc, khi có thời gian, họ thích đi du lịch để giải tỏa áp lực, trải nghiệm cuộc sống, tiếp thu các tri thức nhân loại, làm giàu thêm vốn kiến thức. Do vậy du lịch không thể phát triển một cách đơn điệu, mà phải phong phú, đa dạng, mới thu hút được du khách.

Hiện tại, thị trường du lịch Việt Nam phát triển với nhiều loại hình, nhiều tour, tuyến mới lạ, hấp dẫn.

Du lịch nghỉ dưỡng là loại hình có nhiều lợi thế phát triển ở nước ta. Các điểm được khai thác phục vụ nhu cầu của du khách, như Bà Nà (Đà Nẵng), Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Đà Lạt, và một số resort ở các bãi biển… là những nơi có khí hậu mát mẻ, trong lành, phong cảnh tươi đẹp, có những nét văn hóa tộc người rất độc đáo, với nhiều dịch vụ phục vụ tốt nhất cho nhu cầu nghỉ ngơi thư giãn, nâng cao sức khỏe của du khách.

Du lịch sinh thái là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương với sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển bền vững (2).

Được thiên nhiên ưu đãi, có khí hậu thuận lợi, và một nguồn tài nguyên dồi dào với nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, các khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia với tiềm năng phát triển mạnh như vịnh Hạ Long, VQG Cúc Phương, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, hồ Ba Bể…, nước ta đang là điểm đến lý tưởng cho khách muốn tham gia tour du lịch sinh thái.

Du lịch thể thao là loại hình mới, rất thích hợp với giới trẻ, năng động, ưa thích khám phá, mạo hiểm, phát triển mạnh ở các nước châu Âu như trượt tuyết, leo núi, lướt sóng, đánh golf… Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển loại hình du lịch thể thao, với nhiều bãi biển đẹp như Nha Trang, Mũi Né, Cô Tô, Lăng Cô, Đà Nẵng… thuận lợi cho các môn thể thao dưới nước như đánh bóng chuyền, lướt sóng, lặn… Nước ta có rất nhiều núi, nhưng không cao, vì vậy du lịch leo núi bị hạn chế. Hiện nay, mới chỉ khai thác được đỉnh Phan xi păng (ngọn núi cao nhất Việt Nam và được coi là nóc nhà của Đông Dương), và một số ngọn núi khác nhưng hiệu quả chưa cao. Với một hệ thống các sân golf lớn, nhỏ khác nhau, trong đó có 5 sân golf đáp ứng được các tiêu chuẩn tốt nhất là Long Thành (Đồng Nai), Thủ Đức (TP.HCM), Sông Bé (Bình Dương), Ngôi sao Chí Linh (Hải Dương), Đồng Mô (Hà Nội), thu hút số lượng lớn người đến chơi. Golf là môn thể thao dành cho những người có thu nhập cao, đây chính là đối tượng khách tiềm năng mà các doanh nghiệp du lịch cần phải quan tâm phát triển.

Du lịch thiền đang tạo ra làn sóng mới tại các nước phát triển, là loại hình thân thiện với môi trường, đồng thời mang lại sự cân bằng trong cuộc sống. Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 120 thiền viện, và nhiều ngôi chùa nổi tiếng có thể khai thác. Các tour du lịch thiền ở nước ta thường kết hợp giữa các lớp tập yoga, ngồi thiền hay các liệu pháp spa với việc thăm các chùa, thiền viện. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, du lịch thiền sẽ là loại hình du lịch đầy hứa hẹn, không riêng của Việt Nam, mà còn của nhiều nước.

Du lịch văn hóa là hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc với sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống (3).

Với bề dày lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước, Việt Nam có nguồn tài nguyên nhân văn dồi dào. Đi đến bất kỳ một vùng miền nào của tổ quốc, ta đều bắt gặp các giá trị văn hóa hiện hữu trong đời sống của con người, đó là cây đa, bến nước, sân đình, lễ hội làng, các phiên chợ quê… mang những nét riêng mà ít quốc gia có được.

Cùng với các tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa là một trong những đặc trưng cho phát triển du lịch của Việt Nam. Giá trị của những di sản văn hóa như di tích lịch sử, công trình kiến trúc, loại hình nghệ thuật, tập quán, làng nghề… là những đối tượng cho du khách khám phá tìm hiểu. Du lịch văn hóa ở Việt Nam được tổ chức dựa trên đặc điểm của địa phương, từng vùng miền như du lịch vùng Tây Bắc, đồng bằng Nam Bộ, con đường di sản miền Trung…

Du lịch Việt Nam đang tập trung khai thác các di tích đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới, đây là những điểm thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Quần thể di tích cố đô Huế, nơi lưu giữ, chứa đựng nhiều giá trị tiêu biểu cho trí tuệ và tâm hồn dân tộc, bao gồm các công trình thành quách, cung điện, lăng tẩm nguy nga, tráng lệ. Phố cổ Hội An có giá trị rất lớn về mặt kiến trúc, hầu như các công trình vẫn được giữ nguyên vẹn, thể hiện sự giao thoa của văn hóa bản địa với Trung Hoa, Nhật Bản. Thánh địa Mỹ Sơn là dấu tích còn lại của nền văn hóa và tín ngưỡng Chămpa xưa. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là minh chứng cho nền văn hiến lâu đời của người Việt trong suốt chiều dài lịch sử, với nhiều di tích khảo cổ cho thấy đây là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của nước ta qua nhiều vương triều…

Ngoài ra một loại hình du lịch văn hóa cũng rất được quan tâm, đó là du lịch thăm lại chiến trường xưa, đối tượng chính để khai thác đó là các điểm, khu vực còn lưu giữ lại các di tích chiến tranh, ghi dấu tội ác của quân xâm lược như Điện Biên Phủ, Ngã ba Đồng Lộc, địa đạo Củ Chi, nhà tù Côn Đảo, nghĩa trang Trường Sơn…

Bên cạnh việc khai thác các giá trị văn hóa vật thể, hiện nay các giá trị văn hóa phi vật thể cũng được khai thác vào mục đích du lịch. Việt Nam được coi là cái nôi văn hóa của khu vực Đông Nam Á, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, thế hệ ông cha ta đã sáng tạo ra nhiều loại hình nghệ thuật mang đặc trưng riêng của văn hóa dân tộc như chèo, tuồng, cải lương, hát then, ca Huế, hát ví dặm…, mang sắc thái từng vùng miền riêng biệt, những âm hưởng và tình cảm khác nhau. Đặc biệt một số những loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể như ca trù, nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ Bắc Ninh là những sản phẩm văn hóa tiêu biểu cho quá trình phát triển, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các dân tộc khác, và là nguồn tài nguyên độc đáo để thu hút khách tham quan.

Hiện nay, ngành du lịch đã phát triển một số tour du lịch bản làng, khai thác các phong tục tập quán của đồng bào các tộc người, bằng cách đưa khách về các buôn, bản sinh hoạt, ăn ở cùng với dân, sống theo tập quán nơi họ đến trong một khoảng thời gian, để khách có thể tìm hiểu được những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của từng tộc người. Loại hình này thích hợp với những nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt phát triển mạnh ở Sa Pa, và được coi là một hướng đi mới, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo, vừa phát huy bản sắc văn hóa của mỗi tộc người.

Ở Việt Nam lễ hội thường diễn ra quanh năm, nhưng tập trung nhất là vào mùa xuân, phần lớn các lễ hội gắn liền với các sự kiện lịch sử, tưởng nhớ những người có công đối với đất nước. Sự đa dạng lễ hội của nước ta vừa là nét đẹp văn hóa dân tộc, vừa là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.

Festival, được xem là hoạt động du lịch văn hóa đặc sắc nhất Việt Nam, là loại hình du lịch mới, nhưng lại phát triển rất mạnh, được du khách ưa thích. Nước ta có nhiều festival như Festival Huế, Festival hoa Đà Lạt, Festival lúa gạo, Festival trái cây, Festival gốm sứ, Festival pháo hoa Đà Nẵng… Đây chính là nơi quảng bá hình ảnh về đất nước con người Việt Nam tới bạn bè thế giới một cách hiệu quả nhất.

Du lịch làng nghề, là loại hình du lịch văn hóa tổng hợp giữa tham quan, với mua sắm. Việt Nam có rất nhiều lợi thế cho phát triển, bởi chúng ta có rất nhiều làng nghề nổi tiếng, có lịch sử hình thành từ lâu đời như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, chiếu Nga Sơn, vàng bạc Châu Khê… Trong những năm gần đây du lịch làng nghề thu hút được rất nhiều khách, đặc biệt là khách Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Hiện nay, khi xây dựng các chương trình, các loại hình, chúng ta đều đảm bảo phát triển du lịch theo hướng bền vững. Việc phát triển du lịch bền vững, đã mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, chẳng những không phá hủy hoặc làm suy thoái các nguồn tài nguyên du lịch, mà còn đóng góp vào sự tăng trưởng về kinh tế, xã hội, môi trường.

 

2. Văn hóa du lịch

 

Văn hóa du lịch là một phạm trù rộng lớn, thể hiện những giá trị văn hóa của toàn bộ hoạt động du lịch. Hoạt động của du lịch đều hướng vào mục đích hình thành nên những bản sắc văn hóa đặc trưng của từng quốc gia. Hiểu một cách thông thường, đó là việc nghiên cứu các giá trị văn hóa để phục vụ cho phát triển du lịch.

Văn hóa là tài nguyên độc đáo có vai trò quan trọng trong việc quyết định đến quy mô, loại hình, chất lượng, hiệu quả của hoạt động du lịch. Du lịch phát triển vững mạnh hay không phụ thuộc vào các giá trị văn hóa, bởi văn hóa chính là điều kiện, môi trường cho du lịch phát sinh và phát triển

Du lịch và văn hóa có mối quan hệ bổ trợ cho nhau, bản thân hoạt động du lịch đã có sẵn tính văn hóa, nhưng xét về bản chất, nó vẫn là một hoạt động kinh doanh, việc kết hợp nhuần nhuyễn văn hóa và du lịch, sẽ tạo cho du lịch những sản phẩm mang tính văn hóa cao hơn và du lịch sẽ đóng vai trò là phương tiện để đánh thức, khai thác, truyền tải và trình diễn các giá trị văn hóa tốt nhất.

Nếu du lịch văn hóa là việc hướng vào mục đích tìm hiểu, khám phá, học hỏi, và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, thì văn hóa du lịch lại thể hiện hành vi ứng xử, đạo đức của con người đối với các giá trị văn hóa truyền thống đó.

Như vậy văn hóa trong hoạt động du lịch được hiểu là các hành vi ứng xử, đạo đức, tác phong làm việc của nhân viên phục vụ, của những người kinh doanh du lịch, của cư dân, thái độ ứng xử của du khách đối với nơi họ đến tham quan.

Tình trạng chung ở các điểm du lịch nước ta là ô nhiễm, do sự thiếu ý thức của cả người hoạt động du lịch và người tham gia du lịch. Trong đó môi trường nước bị ô nhiễm nặng nhất, do lượng chất thải rất lớn, không đúng nơi quy định, làm cho công việc xử lý bị khó khăn, gây mất mỹ quan và làm xuất hiện một số loại vi khuẩn gây hại. Ngoài ra, việc xâm hại của con người đến tài nguyên là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuống cấp của các di tích, cảnh quan, làm suy giảm hệ động thực vật, rất khó cho việc khôi phục lại.

Thị trường du lịch Việt Nam đang diễn ra một nghịch lý, đó là sự trái ngược về ý thức trong việc bảo vệ môi trường giữa khách du lịch quốc tế và khách nội địa. Điều này thể hiện rõ, nếu như khách nước ngoài tôn trọng các vấn đề về bảo vệ môi trường bao nhiêu, thì khách nội địa lại thờ ơ bấy nhiêu, sẵn sàng thải rác ở mọi nơi. Vấn đề đặt ra là muốn bảo vệ tốt môi trường du lịch thì trước hết cần nâng cao ý thức của mỗi người bằng cách mở rộng các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, giúp họ nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.

Việc thiếu ý thức của những người kinh doanh du lịch đã trực tiếp làm xấu đi hình ảnh của điểm du lịch, gây ra sự phản cảm của khách tham quan. Vấn đề đầu tiên phải nhắc đến là tình trạng mất vệ sinh trong việc phục vụ ăn uống như thức ăn ôi thiu, có phẩm màu, dụng cụ chế biến không đảm bảo vệ sinh…, bên cạnh đó còn xuất hiện những hiện tượng treo đầu dê bán thịt chó lừa dối khách, không trung thực trong kinh doanh buôn bán, làm cho khách mất thiện cảm, không có ý định quay lại.

Do du lịch phát triển nhanh, thiếu sự quản lý chặt chẽ và đồng bộ đã làm xuất hiện tệ nạn xã hội như cá độ, xóc đĩa, trò chơi trúng thưởng, hay nhiều yếu tố giả văn hóa nảy sinh gượng ép để phục vụ du khách, và đang có nguy cơ bị thương mại hóa. Bên cạnh đó là tình trạng ăn xin, móc chộm, chèo kéo, tranh cướp khách… đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới phát triển du lịch.

Ngoài ra còn phải kể đến thái độ và hành vi ứng xử của những người làm du lịch còn mang tính vụ lợi, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa cao, khả năng giao tiếp và ứng xử còn nhiều hạn chế.

Trong phát triển du lịch hiện nay, vấn đề văn hóa luôn được đề cao, nó chính là yếu tố để quyết định tới sự thành công của du lịch. Muốn du lịch phát triển thì cần có một môi trường văn hóa tốt.

Du lịch là một ngành công nghiệp không khói mang lại lợi nhuận cao. Nếu đánh thức được các tiềm năng và lợi thế, thì du lịch sẽ là con gà đẻ trứng vàng, tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh phát triển nhanh du lịch, cần có những chính sách, biện pháp bảo tồn các giá trị văn hóa, các tài nguyên du lịch, phát triển du lịch một cách bền vững; đồng thời hoạt động du lịch phải luôn đảm bảo tính văn hóa, thể hiện nét văn hóa trong từng hoạt động, tạo ấn tượng tốt… để ngành du lịch Việt Nam tận dụng cơ hội, phát triển vững mạnh.

_______________

            1, 2, 3. Hoàng Chí Dũng, Luật du lịch, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2008, tr.6, 9.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 319, tháng 1-2011

Tác giả : Nguyễn Thị Lõn

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *