DU LỊCH VĂN HÓA TÂM LINH PHẬT GIÁO KHU VỰC NÚI CHÓP CHÀI, PHÚ YÊN

Hiện diện trên dải đất Phú Yên từ rất sớm (1), sau hơn 400 năm lịch sử, Phật giáo để lại trên mảnh đất Phú Yên một di sản văn hóa đồ sộ với hệ thống chùa chiền, tháp mộ, các nghi lễ, lễ hội… mang đậm dấu ấn văn hóa vùng miền lẫn những đặc trưng và phong cách khác nhau, mà trong một góc nhìn, đây chính là nền tảng quan trọng làm nên sự đa dạng của loại hình du lịch văn hóa tâm linh. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả loại hình du lịch này cần phải có hướng tiếp cận, cách thức tổ chức và vận hành một cách hợp lý, nhằm phát huy tối đa cái đẹp trong đời sống tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng cư dân và hạn chế những tác động tiêu cực của hoạt động này mang lại.

1. Tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh Phật giáo ở khu vực núi Chóp Chài

Núi Chóp Chài cao 391m, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 3km về phía bắc. Tại đây có 5 ngôi chùa cổ nổi tiếng, có lịch sử lâu đời, gắn liền với sự hình thành phát triển của Phật giáo Phú Yên, đó là các chùa: Khánh Sơn, Minh Sơn, Bửu Lâm, Hòa Sơn và một ngôi chùa hang, tạo tiềm năng lớn cho việc phát triển du lịch văn hóa tâm linh ở đây. Các chùa hầu hết nằm ở lưng chừng núi – những vị thế phong thủy đắc địa “sơn bao thủy bọc”, nên dù nằm gần nội thị Tuy Hòa đông đúc dân cư nhưng cảnh chùa luôn toát lên sự u tịnh, bình dị, hướng con người đến với thiên nhiên, hòa đồng cùng tự nhiên. Tuy vậy, do tính chất, đặc điểm hình thành, các chùa ở khu vực núi Chóp Chài đều dựa vào sinh hoạt của nhân dân, hòa nhịp cùng với cộng đồng làng xã nhằm biểu dương các giá trị văn hóa Phật giáo đến với quần chúng.

Kiến trúc các chùa ban đầu chỉ là những thảo am tranh lá, đơn sơ tạm bợ rồi dần dần thành chùa vách đất lợp tranh, 3 gian hai chái. Thời gian sau lại thành lá mái, đường nóc ngắn, 4 mái rộng hay nhà cặp lá mái song song theo chiều ngang, hệ thống kèo cột được đẽo gọt, chạm trổ công phu. Trong khoảng từ thập niên 70 TK XX trở lại đây, do những chuyển biến và tác động của xã hội lẫn nhu cầu sinh hoạt của tín đồ, các chùa dần thay đổi kiểu kiến trúc từ dạng bình thường sang dạng kiến trúc tầng lầu bằng bêtông cốt sắt, mái ngói uốn cong vút, hai bên là hai lầu  chuông trống, chính giữa là phật điện với không gian rộng lớn tạo điều kiện cho tăng ni, tín đồ sinh hoạt và lễ bái.

Hệ thống tháp mộ cũng được xây dựng trong một không gian phù hợp với tổng thể kiến trúc chùa, quy mô tháp tùy thuộc vào công hạnh của vị đó với sự phân biệt trên đỉnh tháp là bầu rượu (hay vòng chuyển pháp luân) thuộc phái nam và búp sen thuộc phái nữ.

Hệ thống thiết trí thờ tự các chùa mang tính chất của sự tương hợp văn hóa Phật giáo với sự hiện diện không chỉ các vị Phật, Bồ tát mà còn có cả Quan Thánh, Long thần hộ pháp, Thổ Địa, Thổ Công, Táo Quân… Các chùa đa phần thiết trí theo kiểu thức tiền Phật hậu tổ, hai bên tả hữu thờ các vị Bồ tát Quan Âm, Thế Chí, hoặc Quan Thánh, Thổ Địa, Thổ Công, Táo Quân. Hậu tổ là nơi thờ Đạt Ma tổ sư và long vị các tổ khai sơn, kế thừa. Hai bàn tả – hữu hai bên là nơi thờ những vị có công đức và chư vị hương linh bá tánh ký gởi.

Lễ hội, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng Phật giáo của các chùa ở khu vực núi Chóp Chài cũng đặc trưng, thường xuyên diễn ra vào các ngày lễ lớn như: rằm tháng Giêng (nguyên tiêu), lễ Phật Đản, Vu Lan… thu hút nhiều tín đồ, lẫn khách tham quan.

Từ những gì mà Phật giáo tích tụ được, đó chính là tiềm năng để phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh Phật giáo ở Phú Yên nói chung, khu vực núi Chóp Chài nói riêng. Đồng thời, vận dụng với những cách thức thích hợp, hiệu quả nhằm đưa loại hình du lịch này phát triển mạnh mẽ, song hành và gắn liền với các sản phẩm du lịch khác.

2. Những đề xuất cho việc phát triển du lịch văn hóa tâm linh Phật giáo ở khu vực núi Chóp Chài

Du lịch tôn giáo không phải là loại hình du lịch mới, có chăng, nó chỉ là chủ đề mới trong lĩnh vực nghiên cứu hoặc là một bộ phận mới trong ngành công nghiệp du lịch đương đại. Chính sự nổi lên của loại hình du lịch này khiến không ít cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ, giáo đường, các tu viện…) trở thành địa điểm đến hấp dẫn thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan (có mục đích hoàn toàn hoặc một phần có liên quan đến tôn giáo hay tâm linh).

Một số địa phương ở nước ta đã đang đầu tư xây dựng những khu du lịch tâm linh lớn và thu hút đông đảo du khách như: khu du lịch tâm linh Bái Đính (Ninh Bình), Lạc cảnh Đại Nam văn hiến (Bình Dương), thiền viện Trúc Lâm (ở Đà Lạt, Vĩnh Phúc, Huế), khu di lịch tâm linh Thánh địa Quan Âm (ở Huế, Đà Nẵng)… tạo cơ hội tăng trưởng kinh tế cho nhiều địa phương, đặc biệt là đối với các địa phương đang tìm con đường phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Trong bức tranh chung về phát triển du lịch, tỉnh Phú Yên quy hoạch xây dựng khu vực núi Chóp Chài thành địa điểm du lịch tâm linh nhằm tạo ra sản phẩm du lịch có bản sắc riêng phục vụ nhu cầu du khách cả về mặt tâm linh lẫn vui chơi giải trí.

Phú Yên là tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng với hệ thống nhiều đầm, vịnh mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ như: đầm Cù Mông, Ô Loan, vịnh Vũng Rô, vịnh Xuân Đài…; các gành đá với sức cuốn hút lạ kỳ của thiên nhiên ban tặng: Đá Dĩa, gành đá Vũng Bàu… ; nhiều đảo nhỏ ven bờ: Nhất Tự Sơn, hòn lao Mái Nhà, hòn Yến, hòn Chùa, hòn Dứa, hòn Nưa; những bãi tắm trong xanh, lặng sóng, bờ cát trắng mịn có thể tổ chức nhiều hoạt động văn hóa; phía tây là vùng núi có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, hệ động thực vật phong phú, đa chủng loại với các khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai, khu rừng cấm bắc đèo Cả, núi Đá Bia, hồ thủy điện sông Hinh, sông Ba Hạ… hấp dẫn du khách về du lịch văn hóa, sinh thái, khám phá, mạo hiểm.

Đến Phú Yên, du khách còn được thưởng thức ẩm thực đặc sản như: ốc nhảy Sông Cầu, ghẹ đầm Cù Mông, sò huyết Ô Loan, bánh tráng Hòa Đa, cá ngừ đại dương Tuy Hòa… Cùng với đó là việc tham quan các làng nghề truyền thống, tham dự vào các sinh hoạt văn hóa lễ hội, hay viếng thăm một số địa danh gắn liền với những di tích lịch sử…

Đối với khu vực núi Chóp Chài cũng là nơi có nhiều hệ sinh thái thực vật, nhiều loài cây có giá trị cao, quý, hiếm có trong danh mục sách đỏ. Có nhiều loài động vật hoang dã cư trú ổn định, thường xuyên, di trú theo mùa như: cò, chim, sáo, dơi, bướm, khỉ… hết sức độc đáo. Ngoài ra, khu vực này còn có các vách đá dựng đứng, cao hàng trăm mét rất kỳ vĩ, có nhiều gọp đá, hang đá… Có bầu Liên Trì và hệ thống sông, suối bốn mùa đổi thay cảnh sắc, từ trên đỉnh núi nhìn xuống trông như một bức tranh muôn màu, đa sắc. Dưới chân núi là những sơn thôn có cảnh quan ngoạn mục.

Để phát triển du lịch tâm linh tại các chùa ở khu vực núi Chóp Chài, trước mắt cần đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng thiết yếu theo phương thức xã hội hóa như: sân bãi đậu xe, khu mua sắm, cửa hàng dược liệu; làm tuyến đường đi bộ kết nối giữa các chùa khu vực núi Chóp Chài; tu sửa đường và tôn tạo cảnh quan khu vực chùa Hang, tạo điều kiện cho du khách đến đây có thể ngắm nhìn toàn bộ khu vực núi Chóp Chài và xa hơn là cánh đồng lúa Tuy Hòa trải dài một màu xanh, xa đến tận chân trời; tiến hành đầu tư khắc phục các cảnh quan tự nhiên bị phá vỡ, làm tác động xấu đến du lịch tâm linh…

Nghiên cứu nâng cao hoạt động lễ hội tại các chùa với việc tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tâm linh có quy mô lớn như: diễu hành xe hoa, tổ chức đại lễ cầu siêu vào dịp lễ Vu Lan, tổ chức các cuộc hành hương về nguồn nhân ngày Thiền sư Liễu Quán viên tịch, tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, cắm trại… Kết hợp khai thác du lịch tâm linh với sản phẩm du lịch và các di sản văn hóa tín ngưỡng khác nhằm quảng bá hình ảnh riêng của vùng đất lẫn những giá trị văn hóa mà nó đem lại.

Cùng với việc triển khai thực hiện các nội dung nêu trên, cần đầu tư một số công trình tâm linh mới để phục vụ nhu cầu đa dạng của nhân dân và du khách, gồm có:

Tháp Hội Tụ: hướng ra đường quốc lộ 1A để người trên đường ra Bắc vào Nam đều nhìn thấy, chất liệu bằng đá hoa cương. Tháp này vừa làm biểu tượng chiến thắng, vừa là trung tâm hội tụ lòng người, hội tụ nhân tài, hội tụ các nguồn lực tạo nên sự khác biệt và trở thành biểu tượng của tỉnh và trở thành địa điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế đến du lịch.

Chùa Ngọc: nơi thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng ngọc. Mặt bằng xây chùa Ngọc phải đạt yêu cầu: tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, hậu Huyền Vũ, tiền Minh đường sao cho công trình đạt độ trường lạc đoản khốn. Hình dáng chùa mảng mái cân xứng hài hòa. Vị trí Đức Phật trên tòa sen tọa không hướng không, nghĩa là đi lại xung quanh ngài được. Thiết kế theo triết lý nhà Phật, tạo cảm giác bình an, thanh thản, tôn kính khi đến chùa.

Đền thờ các Vua Hùng: để du khách bái vọng, tưởng nhớ công ơn dựng nước và giữ nước các vua Hùng.

Đồng thời đầu tư xây dựng chuỗi du lịch tâm linh khác với các công trình như: cầu học tập thờ Văn Xương, Văn Khúc; cầu võ học thờ Đức Thánh Trần, cầu tình duyên thờ ông Tơ bà Nguyệt; cầu tiền tài thờ tượng thần tài, thần lộc; cầu công danh thờ tượng đức Ông; cầu sức khỏe thờ Quan Thế Âm và tượng Hải thượng Lãn Ông… Các công trình phải có sự liên hệ chặt chẽ với thiên nhiên, tạo thành hệ thống nối kết liên thông, hài hòa, phù hợp với cảnh quan xung quanh.

Trong quá trình vận hành loại hình du lịch này, các nhà quản lý, đầu tư, những người làm du lịch cần phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của di săn văn hóa Phật giáo cùng với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan trong đời sống người dân. Mặt khác cần hạn chế những mặt trái của niềm tin tâm linh (mê tín, dị đoan…), tạo hình ảnh xấu cho môi trường du lịch của tỉnh.

Khu vực núi Chóp Chài có tiềm năng du lịch phong phú và hấp dẫn, trong đó di sản văn hóa Phật giáo đóng góp một phần không nhỏ cho việc phát triển du lịch của tỉnh thời gian qua. Tuy nhiên, việc khơi dậy những điểm du lịch đang còn ở dạng tiềm năng, biến chúng trở thành khả năng khai thác, tuyệt nhiên không chỉ dừng lại ở việc phát hiện và quảng bá, mà là một quá trình phân tích, nghiên cứu, tìm hiểu chúng dưới nhiều góc độ. Từ đó, mới đủ cơ sở để lý giải những yếu tố đặc trưng, đặc hữu, nhằm khẳng định những giá trị (hiển lộ hoặc tiềm ẩn) đích thực của một sản phẩm du lịch ưu việt, có như vậy, mới tạo được tính thuyết phục, hấp dẫn và ấn tượng đối với du khách (2). Và, đó cũng là vấn đề tiên quyết để phát triển du lịch văn hóa tâm linh Phật giáo ở Phú Yên nói chung, khu vực núi Chóp Chài nói riêng và các loại hình du lịch khác một cách hợp lý và hiệu quả.

______________

1. Quảng Nam ký sự qua bản in Tư liệu thư tịch và di tích về nhân vật lịch sử Bùi Tá Hán (1496 – 1568), sở VHTT Quảng Ngãi, 1996, tr.56.

2. Nguyễn Hữu Thông, Di sản văn hóa Phật giáo với vấn đề phát triển du lịch ở Thừa Thiên Huế, trong Nghiên cứu văn hóa miền Trung, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, số3, 2010, tr.7.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 – 2018

Tác giả : LÊ THỌ QUỐC -LÊ THẾ VỊNH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *