Giản dị, gần dân là một trong những đặc điểm nổi bật trong văn hóa đạo đức của Hồ Chí Minh. Ở Người bao giờ cũng là thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng con người. Chính vì vậy, Người đến với quần chúng nhân dân bằng đức tính giản dị, gần gũi, yêu thương xuất phát từ cái tâm chân thành, nhân ái bao la, lòng yêu nước, thương dân, đạo đức khoan dung kết hợp được cả lý và tình.
Hồ Chí Minh bắt đầu sự nghiệp bằng chính tình yêu quê hương đất nước, con người và suốt cuộc đời, Người dành muôn vàn tình thương yêu cho nhân dân và dân tộc. Trong những năm tháng bôn ba nơi hải ngoại, truyền thống yêu nước, lòng bao dung nhân ái, tình thương người là những tài sản tinh thần quý giá mà Hồ Chí Minh luôn mang bên mình và coi đó là động lực, sức mạnh giúp Người kiên định con đường đã chọn.
Khi tìm hiểu, nghiên cứu về Hồ Chí Minh, chúng ta thấy ở Người cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp, cái trí mẫn tiệp, cái hành mực thước, đó là phong cách của một lãnh tụ, nhà văn hóa kiệt xuất – một nhân tố tạo nên uy tín lãnh tụ của Đảng và Nhà nước, tạo niềm tin của nhân dân với Người. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh chính là một tấm gương đạo đức của một bậc vĩ nhân từ tình yêu thương con người, đồng bào, đồng chí, sự bao dung độ lượng, hy sinh bản thân mình vì mọi người. Phong cách sống của Người là phong cách sống của một triết gia Đông phương mẫu mực rất thanh bạch, giản dị, thanh cao, quan tâm săn sóc đến từng cá nhân, mỗi con người. Cuộc sống giản dị và gần gũi với nhân dân của Hồ Chí Minh là đặc trưng cho tình yêu đối với đất nước. Ở Hồ Chí Minh, cuộc sống đời tư đã bộc lộ qua hành vi văn hóa đạo đức mà loài người tiến bộ vẫn tiếp tục khám phá và tìm về, như tìm về lý do để sống, lòng tốt của con người… Vì thế, Người là hình mẫu cao đẹp của con người trong thời đại mới, một biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn với đầy đủ ý nghĩa của nó. Chủ nghĩa nhân văn đó bộc lộ ngay trong cuộc sống riêng tư giản dị của Người (1).
Nơi ở và làm việc của Hồ Chí Minh rất giản dị, đó là ngôi nhà sàn gỗ vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, mỗi phòng vuông vắn chưa đầy 10m2, xung quanh được bao bọc bởi vườn cây, ao cá quanh năm xanh tươi. Một quang cảnh ngôi nhà Việt Nam gắn kết giữa nhà ở, ao, vườn, dậu dâm bụt… Nơi đây còn lưu lại những hiện vật thể hiện truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa Việt Nam, biểu hiện đạo đức, cuộc đời, hoạt động và nếp sống khiêm tốn, giản dị thông qua đời tư của một con người chí nhân, chí thiện, chí mỹ. Không một ai đến thăm nơi ở của Người mà không trào dâng niềm cảm xúc trước sự vĩ đại của một con người đã trở thành huyền thoại ngay trong cả cuộc sống đời thường của mình.
Cùng với nơi ở, nét đẹp trong đời sống của Người còn toát lên từ những bữa ăn, cái mặc thường nhật. Có thể nói cái ăn, cái mặc của con người là một lẽ tự nhiên không có gì phải bàn cãi, nhưng thông qua những hoạt động ấy ta thấy được cốt cách của mỗi người. Bữa cơm hàng ngày của Người thanh đạm và vẫn giữ được khẩu vị quê hương với bát canh, quả cà, lát cá hoặc vài miếng thịt kho… Người ăn vừa đủ không bao giờ để thức ăn thừa. Khi ăn không bao giờ Người để cơm rơi, vì biết rằng một hạt cơm là một giọt mồ hôi của người nông dân. Ăn xong, bao giờ Người cũng tự tay thu dọn gọn gàng, người phục vụ chỉ việc bê đi thôi. Hay như trong cái mặc cũng vậy, quần áo Người mặc hàng ngày chỉ bình thường, tựa như của một lão nông với bộ đồ bằng vải ka ki, chân đi dép cao su. Nhưng chính trong cuộc sống giản dị ấy, Hồ Chí Minh đã thấu hiểu được nỗi khổ của người dân, để rồi Người tìm thấy sự đồng cảm và tôn trọng sức lao động của họ. Và cũng chính nhờ sự đồng cảm đối với cuộc sống của người dân đã giúp Người vượt lên hết thảy mọi ham muốn vật chất tầm thường để hướng đến ham muốn cao cả hơn: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân tộc ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(2). Đức tính giản dị của Người đã được coi như nguồn sức mạnh thành công: “Đó là sức mạnh của ông Hồ vì ông là người Việt Nam của quần chúng và bởi thế cho nên ông không thích dinh thự và đồng phục của thống chế, của các vị tướng. Ông thường mặc bộ quần áo đơn giản, chỉ khác người nông dân nghèo nhất một phong cách mà người phương Tây đã chế diễu trong nhiều năm. Cho đến một ngày nọ, họ mới hiểu và nhận ra rằng, chính cái giản dị ấy, cái khả năng hóa mình vào nhân dân ấy là cơ sở cho sự thành công của ông. Địa vị càng cao, ông càng giản dị trong sáng hơn, hình như ông luôn giữ được những giá trị vĩnh viễn của người Việt Nam”(3).
Ở Hồ Chí Minh, cái giản dị, gần gũi là một phần trong phẩm chất cao quý vốn có. Phong cách gần dân của Người thể hiện ở những công việc giản dị, đơn sơ hàng ngày khi tiếp xúc với quần chúng, cách cư xử đầy tình người, tình làng, nghĩa xóm. Người đến với nhân dân bằng tấm lòng chân thành, chứ không phải bằng uy quyền, áp bức. Mặc dù giữ chức vụ cao, Hồ Chí Minh vẫn duy trì nếp sống giản dị, tạo điều kiện gần gũi với quần chúng và quần chúng cũng đồng cảm với Người. Trong giao tiếp thường ngày với nhân dân, thái độ, lời nói của Người thân thiết như đối với người trong gia đình. Vì vậy dân đến với Người như được gặp người cha, người thân yêu nhất của mình. Khi có điều kiện và thời gian, Người thường xuống cơ sở thăm hỏi động viên, tìm hiểu tâm tư tình cảm, cuộc sống của người dân. Với phong cách vô cùng giản dị và tế nhị, Hồ Chí Minh đã làm cho mọi người, dù địa vị, thành phần xuất thân khác nhau, nhưng sau khi được tiếp xúc với Người, đều để lại ấn tượng sâu sắc, cảm nhận được sự gần gũi yêu thương. Trong cách ứng xử, Người đã khỏa lấp được khoảng cách giữa chủ tịch nước với nhân dân, thay vào đó là sự yêu thương, trân trọng giữa con người với con người. Rất dễ đồng cảm với những dòng cảm xúc của Hòa thượng Thích Đôn Hậu khi được tiếp xúc với Người: “Tôi đã hiểu vì sao là một lãnh tụ sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam mà Người vẫn thu hút được tất cả các thành phần khác trong xã hội đứng chung quanh mình làm việc lớn cho dân, cho nước”(4).
Trong những chuyến xuống cơ sở, Người lắng nghe các kiến nghị của quần chúng và đề ra nhiều ý kiến chỉ đạo sâu sắc, gợi ý thiết thực, đòi hỏi những người có liên quan suy nghĩ và tìm mọi cách thực hiện để cải thiện cuộc sống của nhân dân. Để kiểm tra, động viên công việc xây dựng đất nước, Người đã có mặt trên đồng ruộng với nông dân, tại xưởng máy với người thợ, trên các thao trường với người lính, hay ở giảng đường với trí thức… Giới nào cũng tìm thấy ở Người tấm lòng của một lãnh tụ, người cha, người bác, người anh ấm áp, thân thương, gần gũi. Đến với nhân dân, Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm, chăm sóc, động viên, khuyến khích, mà còn nâng cao thêm nhân cách, vị thế của họ. Như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Người hạ mình cho vừa tầm mọi người Việt Nam để nâng đỡ mọi người Việt Nam lên đến tầm Người”(5). Sức cảm hóa lòng người của Người, đó chính là văn hóa ứng xử, đức tính giản dị, gần gũi, yêu thương xuất phát từ cái tâm chân thành nhân ái bao la, lòng yêu nước, thương dân, đạo đức khoan dung kết hợp được cả lý và tình. Tuy ở cương vị chủ tịch nước, nhưng Người không xa rời quần chúng, mà ngược lại, rất gần gũi, quân tâm đến mọi tầng lớp nhân dân.
Đến với nông dân, Người mặc quần nâu, áo vải, khăn mặt vắt vai, đầu đội mũ cát, vui vẻ ngồi giữa mọi người trò chuyện, cùng họ làm đồng, tát nước, đào mương… Người không nói, không hô hào, nhưng trước những hành động đó, tất cả mọi người cùng hào hứng làm theo. Có gần gũi thì mới thấu hiểu được nỗi khổ của người nông dân, vì vậy, Người giành nhiều thời gian đến với họ, cùng đổ mồ hôi, bày tỏ lòng quý trọng công sức của người làm ra lúa gạo, và xót lòng mỗi khi mưa to, gió lớn, lũ lụt, hạn hán kéo về tàn phá ruộng đồng.
Khi có đoàn đại biểu các anh hùng lực lượng vũ trang miền Nam ra thăm miền Bắc, vào Phủ chủ tịch, Người không từ Chủ tịch phủ ra đón, mà xuất hiện ở Đường Xoài đến với họ, không phải để tạo ra sự bất ngờ mà muốn sự gần gũi như người cha, người bác đón con cháu trở về.
Đối với các cháu thiếu nhi, Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn thường giành thời gian để vui chơi cùng với các cháu nhỏ. Vào mỗi đợt Trung thu, Người cũng gửi quà và viết thư với những lời lẽ rất giản dị, thắm đượm tình yêu thương. Chính vì sự gần gũi trong cách sống của Người đã làm cho các em nhỏ yêu quý và luôn mong Người sống muôn đời để dìu dắt thiếu niên nhi đồng. Dù đã đi xa, nhưng hình ảnh của Người luôn sống mãi với thiếu niên nhi đồng, để mỗi khi vang lên những khúc ca Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Em mơ gặp Bác Hồ, Bác Hồ người cho em tất cả…, mọi người đều hướng về, người cha già dân tộc với tất cả tình yêu thương chân thành nhất.
Trong cách giao tiếp với người khác, Hồ Chí Minh bao giờ cũng xưng hô một cách giản dị, thân tình. Khi nói chuyện với nhân dân lao động Người có cách nói nôm na, dễ hiểu. Rất nhiều câu nói của Người đượm thắm những câu ca dao, ngạn ngữ quen thuộc với dân chúng. Nói chuyện với các cán bộ, Người không viện dẫn kinh điển, mà bao giờ cũng giải thích một cách dễ hiểu, cô đọng. Với những vị cao niên thì Người xưng hô các cụ và tôi. Với các cán bộ ít tuổi hơn thì xưng là tôi và các chú. Và, không ai ngờ, tại quảng trường Ba Đình khi đang đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác Hồ đã dừng lại và quay xuống đồng bào hỏi một câu tha thiết, gần gũi, ấm áp đến từng con tim: “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?”. Chỉ với những câu nói và việc làm nhỏ vậy thôi, Người đã tạo nên những tình cảm thân thương gần gũi nhất với người dân. Bạn bè quốc tế nhận xét chưa thấy có vị Chủ tịch nước nào lại đối với mọi người thân tình như Bác Hồ. Nhân loại ngày nay coi đó là một hiện tượng đặc sắc, hiếm hoi trong văn hóa ứng xử trong quan hệ giữa người đại diện cao nhất của quyền lực với nhân dân.
Dù đã đi xa, nhưng đối với người dân Việt Nam, Người vẫn luôn sống mãi với dân tộc. Văn hóa đạo đức của Người đã minh chứng cho một lẽ sống văn hóa cao đẹp của vị đứng đầu một nước ở thời đại ngày nay. Đó là văn hóa ứng xử, lối sống giản dị đầy tình người, tình yêu thương đối với nhân dân, đất nước. Những cái đó đã trở thành di sản, biểu tượng thiêng liêng vô vàn quý giá, chứng tích hết sức sống động để giáo dục cho bây giờ, cho muôn đời con cháu về sau, cũng như để nêu tấm gương sáng cho nhân loại.
_______________
1. Trần Mai Lan Anh, Nhà văn hóa Hồ Chí Minh và các di tích, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 8-1999, tr.17.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.100.
3. Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Hồ Chí Minh gương sáng đời đời, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998.
4. Viện Hồ Chí Minh, Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, tập 3, Viện Hồ Chí Minh xb, Hà Nội, 1993.
5. Lê Quý Đức, Di tích Phủ Chủ tịch một sáng tạo văn hóa, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 9-2004, tr.25.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 344, tháng 2-2013
Tác giả : Tuệ Sam – Nguyễn Duy Hùng
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai