Hồ chí minh với phụ nữ việt nam


 

Hồ Chí Minh là người có tấm lòng bao dung, tình thương bao la đối với đất nước, nhân dân. Một phần trong đó là tình cảm đặc biệt Người dành cho phụ nữ Việt Nam, những người đã phải chịu nhiều khổ đau, thiệt thòi trong xã hội cũ. Người luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của phụ nữ trong quá trình đấu tranh giành độc lập cũng như xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Người cũng luôn cổ vũ, động viên phụ nữ Việt Nam phấn đấu vươn lên để khẳng định vị thế và đóng góp cho xã hội. Người từng khẳng định rằng: “ Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội” (1).

Từ những thế kỷ trước, các lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản như Các Mác, Ăngghen, Lênin đã chỉ ra vai trò quan trọng của phụ nữ trong cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Tiếp thu quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã thấu hiểu vai trò của phụ nữ và đồng cảm với những nỗi khổ nhục, bất công mà họ phải chịu đựng dưới chế độ thực dân phong kiến. Trong Đường Kách mệnh, Người viết: “Ông Các Mác nói rằng: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Ông Lênin nói: Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công…”(2).

Người luôn biểu dương những đóng góp to lớn của phụ nữ trong truyền thống kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu nước, cứu dân, cho đến ngày hôm nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó dân ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh. Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam – Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của đất nước ta”. Người đề cao vai trò của người phụ nữ trong thời chiến, họ đã tích cực tăng gia sản xuất, trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Nhiều chị em cũng tham gia kháng chiến, hoạt động cách mạng và đã hoàn thành tốt những trọng trách được giao phó. Người cũng thường xuyên ca ngợi tinh thần dũng cảm của những nữ du kích, thanh niên xung phong đồng thời thể hiện lòng kính trọng, sự tri ân sâu sắc đối với những nữ liệt sĩ đã ngã xuống để mang đến độc lập tự do cho dân tộc: “Thời kỳ bí mật, nhiều chị em đã giác ngộ, tham gia hoạt động cách mạng rất dũng cảm, mặc dầu muôn ngàn nguy hiểm, gian khổ. Rất nhiều chị em khác cũng đã bảo vệ cách mạng rất gan góc. Thời kỳ đó, căn cứ địa cách mạng của ta ở Việt Bắc, do đó rất nhiều chị em phụ nữ các dân tộc thiểu số không những vượt gian nguy mà còn gạt cả mê tín để bảo vệ cách mạng và cán bộ hoạt động cách mạng” (3).

Còn ở thời bình, Người dành nhiều lời khen tặng cho phụ nữ Việt Nam trong thành tích học tập, lao động, rèn luyện… và ghi nhận công lao của họ trong quá trình đấu tranh giành độc lập: “Ngày nay đất nước ta hoà bình. Có hoà bình vì đã có bao nhiêu gương đấu tranh, hy sinh anh dũng của toàn dân ta, toàn Đảng ta, trong đó có phụ nữ ta” (4). Người cho rằng phụ nữ là những chiến sĩ trên mọi mặt trận: “Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thế là dưới chế độ tốt đẹp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phụ nữ đã thật sự làm chủ nước nhà”. Từ những tình cảm thiêng liêng, Người đã tặng cho phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Thời phong kiến thực dân, người phụ nữ chỉ mang thân phận thấp hèn, phải chịu đựng sự chà đạp, ngược đãi của lũ quan lại thống trị. Cảm thông với thân phận ấy, Người đã tố cáo tội ác của chúng một cách đanh thép trong Bản án chế độ thực dân Pháp: “Không một chỗ nào người phụ nữ thoát khỏi những hành động bạo ngược, ngoài phố, trong nhà, giữa chợ, hay ở thôn quê, đâu đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của bọn quan lại cai trị, sĩ quan, cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga…. Chưa có bao giờ, ở một nước nào mà người ta lại vi phạm mọi quyền làm người một cách dã man, độc ác trắng trợn đến thế. Không phải chỉ có những cuộc khám nhà hàng loạt, liên tục, mà còn có những cuộc khám xét thân thể người bản xứ bất kể ở chỗ nào, bất kể là nam hay nữ. Nhân viên nhà đoan, vào nhà người bản xứ, bắt đàn bà, con gái cởi hết áo quần trước mặt chúng, và khi họ đã trần truồng như nhộng thì chúng giở trò dâm đãng kỳ quặc đến mức đem cả con dấu nhà đoan đóng lên người họ” (5). Bên cạnh sự đàn áp dã man của bè lũ thực dân, người phụ nữ còn phải chịu ảnh hưởng khắc nghiệt của lễ giáo phong kiến. Họ phải tuân theo một tôn ty trật tự nghiêm ngặt, hà khắc, ràng buộc quyền tự do và bình đẳng, bị coi thường và không có chỗ đứng trong xã hội, không được hưởng chút quyền lợi gì. Họ phải chịu nhiều thiệt thòi do chế độ đa thê và quan niệm trọng nam khinh nữ: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”.

Từ việc thấu hiểu và đồng cảm, Người đã đánh giá đúng vị thế, vai trò của người phụ nữ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và luôn coi trọng, đặt niềm tin vào họ. Người đã gắn liền việc giải phóng phụ nữ với giải phóng dân tộc và coi đó là mục tiêu của cách mạng vô sản: “Làm cách mạng mà không giải phóng phụ nữ thì mới giải phóng một nửa thế giới và chỉ làm cách mạng giải phóng dân tộc để có độc lập dân tộc thì phụ nữ mới được giải phóng”. Người cho rằng để giải phóng được phụ nữ thì phải giải phóng về chính trị, xã hội và tâm lý con người. Trong cảnh nước mất nhà tan thì phụ nữ là người phải chịu đàn áp khổ sở nhất, chính vì vậy, Người cho rằng cần phải giải phóng về chính trị trước để tạo tiền đề cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Nước nhà được độc lập, nhân dân được hưởng tự do thì khi đó, phụ nữ mới có cơ hội được đối xử bình đẳng, ngang quyền với đàn ông, được bầu cử và ứng cử. Bên cạnh đó, giải phóng về xã hội giúp người phụ nữ được bình đẳng hơn trong các công việc xã hội và trong cả hôn nhân, họ sẽ được hưởng chế độ một vợ một chồng để có thể sống hạnh phúc hơn. Đó có thể coi là một cuộc đấu tranh không hề dễ dàng để xóa bỏ đi những tư tưởng lạc hậu và các định kiến về phụ nữ như trọng nam khinh nữ: “Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó. Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội” (6). Người luôn kịch liệt lên án hành vi bạo hành, ngược đãi của người chồng đối với người vợ trong gia đình và cho rằng đó là điều đáng xấu hổ: “Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Nhưng Bác nghe nói vẫn có người đánh chửi vợ! Đó là một điều đáng xấu hổ. Như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man. Chi bộ đảng phải giáo dục đảng viên và nhân dân về quyền bình đẳng giữa vợ chồng. Đoàn thể phụ nữ và thanh niên phải bảo ban nhau cách cư xử hoà thuận trong gia đình. Bác mong rằng: từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa” (7). Người cũng đề cao vai trò quan trọng và sự cống hiến to lớn của người phụ nữ cho gia đình và xã hội: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ…” (8). Ngoài ra, chính bản thân người phụ nữ phải tự giải phóng chính họ, giải phóng năng lực, tư tưởng, xóa bỏ đi tâm lý phụ thuộc của chế độ cũ để vươn lên làm chủ chính mình, làm chủ gia đình và xã hội. Người nói: “Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh” (9). Người chỉ ra rằng phụ nữ ta còn có những nhược điểm như lúng túng, bỡ ngỡ, tự ty, thiếu tin tưởng vào khả năng của bản thân. Ngoài ra phụ nữ còn gặp khó khăn trong việc gia đình, con cái, khiến cho cơ hội phát triển của họ bị hạn chế rất nhiều. Người khuyên phụ nữ phải tự đấu tranh với bản thân và phải biết tôn trọng mình: “Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng xã hội chủ nghĩa. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ phải xóa bỏ tâm lý tự ty và ỷ lại, phải có ý chí tự cường tự lập, phải nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”. 

Theo Hồ Chí Minh, việc giải phóng phụ nữ cũng cần phải được tiến hành một cách toàn diện và triệt để, đảm bảo được quyền bình đẳng thật sự cho họ. Sự nghiệp khó khăn này không chỉ cần sự phấn đấu của phụ nữ nói riêng mà còn cần nỗ lực của toàn dân, toàn xã hội. Cần phải có một sự phân công lao động lại để phụ nữ có thể tham gia vào nhiều ngành nghề như nam giới, giúp họ giảm nhẹ gánh nặng trong gia đình để có cơ hội và điều kiện học tập rèn luyện nâng cao trình độ. Thực hiện bình đẳng nam nữ không chỉ dừng lại ở việc vận động phụ nữ mà còn phải tạo điều kiện cho hai giới có cơ hội tham gia vào các hoạt động xã hội như nhau. Ngoài ra, khi xây dựng các chính sách cần phải quán triệt quan điểm giới để đảm bảo công bằng cho cả nam và nữ, đồng thời chú ý bảo vệ phụ nữ khỏi những công việc lao động độc hại. Tuy nhiên, Người chỉ ra một thực trạng là cấp trên có cất nhắc các cán bộ phụ nữ nhưng còn chưa mạnh dạn, nhiều người còn chưa coi trọng phụ nữ. Người từng nói với các nam cán bộ: “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai… Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ…”. Người cũng dặn dò Đảng và Chính phủ cần tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa… theo khả năng của họ, bảo đảm phát huy vai trò tham gia của họ trong mọi mặt của đời sống xã hội và giúp họ phát triển được cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Trước lúc đi xa, Người đã gửi lại lời căn dặn trong Di chúc: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ” (10).

Suốt cả cuộc đời, Hồ Chí Minh đều hết lòng vì dân vì nước, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Người còn mở ra con đường đưa người phụ nữ từ thân phận thấp kém, bị khinh miệt trong xã hội cũ trở thành những công dân bình đẳng và ngang hàng với nam giới như ngày nay. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, những người phụ nữ thời nay vẫn sẽ luôn ghi nhớ lời dạy và ước nguyện của Người để tiếp tục phấn đấu, góp sức vào sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.

_______________

1, 9. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.531.

2, 5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.288, 112.

3, 4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.87, 88.

6, 8. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.433, 432.

7. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.197.

10. Di Chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.30.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 345, tháng 3-2013

Tác giả : Phạm Việt Tùng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *