Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là một chiến công oanh liệt, có vị trí to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, “là một chủ trương chiến lược đúng đắn, sáng tạo, là một sáng kiến lịch sử của Đảng ta” (1), tiến lên đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù. Hơn 50 năm đã qua đi, song kinh nghiệm đó vẫn vẹn nguyên giá trị, cần được chắt lọc và vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” trực tiếp đưa quân vào tham chiến ở miền Nam, dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc. Trước sự thay đổi nhanh chóng của tình hình, đầu năm 1965, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương ra chỉ thị cho các chiến trường và các địa phương nỗ lực phát huy cao sức mạnh tại chỗ, đẩy mạnh tiến công quân sự, hỗ trợ quần chúng nổi dậy, diệt kìm kẹp, giành quyền làm chủ, mở rộng thế trận của chiến tranh toàn dân, sẵn sàng đánh Mỹ. Chỉ thị nhấn mạnh: “Phải tập trung sức đánh những trận tiêu diệt lớn quân chủ lực cơ động ngụy, làm suy yếu chỗ dựa về bình định của địch, đồng thời khẩn trương xây dựng quyết tâm; chuẩn bị chu đáo, đánh thắng những trận phủ đầu quân Mỹ, tiếp tục đẩy chúng vào thế bị động, nhanh chóng đánh bại chiến tranh cục bộ của chúng” (2).
Quán triệt tư tưởng chỉ đạo nói trên, các chiến trường và địa phương nỗ lực phát huy sức mạnh chính trị và quân sự, tiến công và nổi dậy, mở rộng địa bàn làm chủ và đã tiêu diệt một số chiến đoàn quân ngụy như ở Ba Gia – Quảng Ngãi, Đồng Xoài – Đông Nam Bộ, đồng thời đánh những trận phủ đầu quân Mỹ như: Núi Thành – Quảng Nam, Vạn Tường – Quảng Ngãi, Đất Quốc, Bầu Bàng – Đông Nam Bộ… Từ những trận thắng phủ đầu quân Mỹ, Đảng ta đi đến một kết luận quan trọng: chúng ta có khả năng đánh và đánh thắng Mỹ.
Trước những thất bại liên tiếp của địch và thắng lợi dồn dập của ta trên cả hai miền Nam, Bắc, từ cuối năm 1966, đầu năm 1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đi tới chủ trương tạo điều kiện tiến tới mở ra cục diện vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa đánh; xem đó là sách lược hỗ trợ cho đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị của quân và dân ta. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13 họp từ ngày 23 đến 26-1-1967, Đảng ta khẳng định: “Chúng ta tiến công địch về mặt ngoại giao bây giờ là đúng lúc” và “đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà trong tình hình quốc tế hiện nay với tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động” (3).
Quân giải phóng tấn công sân bay Tân Sơn Nhất trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu
Tháng 5-1967, ngay sau khi cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của quân Mỹ kết thúc, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá tình hình, xem xét dự thảo Kế hoạch chiến lược Đông – Xuân 1967 – 1968. Tiếp đó, tháng 6-1967, Hội nghị Bộ Chính trị được triệu tập và bàn bạc rất kỹ dự thảo kế hoạch chiến lược này. Hội nghị nhận định, thắng lợi của quân và dân ta giành được trên cả hai miền Nam, Bắc là to lớn, toàn diện. Thắng lợi đó đã làm thất bại một bước rất cơ bản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, đẩy Mỹ vào thế lúng túng, bị động cả về chiến lược lẫn chiến dịch. Hội nghị còn nhận định, về phía ta, cả thế và lực đang có những tiến bộ, cho phép ta “trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn” (4). Nhưng tương đối ngắn là bao lâu? Tuy bàn bạc rất tỉ mỉ về tương quan lực lượng lúc đó, Hội nghị cũng chỉ có thể dự kiến sẽ giành thắng lợi quyết định trong năm 1968 theo phương hướng đánh lớn. Muốn vậy, nhiệm vụ quân sự của ta là phải tiêu diệt một bộ phận sinh lực quân Mỹ, làm mất khả năng tiến công của chúng, đồng thời phải tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân ngụy, khiến cho chúng không còn là lực lượng chiến lược trong tiến công và phòng ngự mà Mỹ dựa vào đó để tiến hành chiến tranh.
Nhằm chuẩn bị tốt nhất theo phương hướng trên, trong 5 ngày, từ ngày 20 đến 24-10-1967, Bộ Chính trị họp bàn cụ thể hơn về chủ trương và kế hoạch chiến lược năm 1968. Đây là hội nghị rất quan trọng để vạch ra kế hoạch tiến công táo bạo Tết Mậu Thân lịch sử. Tại Hội nghị này, thay mặt Quân ủy Trung ương, đồng chí Văn Tiến Dũng trình bày dự thảo Kế hoạch chiến lược Đông Xuân Hè 1967 – 1968 làm cơ sở cho Bộ Chính trị bàn bạc và thảo luận. Ngoài bản dự thảo kế hoạch trên đây, Bộ Chính trị còn dành thời gian nghe báo cáo về tình hình địch của Cục 2, về tình hình ta của Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu, về các kế hoạch tác chiến của Mặt trận Đường 9 – Bắc Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Khu 5, Tây Nguyên và Nam Bộ. Trên cơ sở đường lối độc lập, tự chủ và thảo luận kỹ các báo cáo, đặc biệt là Kế hoạch Đông Xuân Hè 1967 – 1968 do Quân ủy Trung ương dự thảo, Bộ Chính trị chủ trương tạo một bất ngờ lớn về chiến lược đánh địch. Để tạo được bất ngờ về chiến lược, Bộ Chính trị quyết định thời gian bắt đầu mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy vào dịp Tết Mậu Thân.
Tháng 12-1967, Bộ Chính trị họp và ra quyết định lịch sử: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định” (5). Đồng thời Bộ Chính trị khẳng định: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định” (6). Tháng 1-1968, để giữ bí mật ý đồ chiến lược, Ban Chấp hành Trung ương lên họp ở Kim Bôi, Hòa Bình để thông qua Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12 -1967. Hội nghị Trung ương phân tích sâu sắc toàn diện các vấn đề Bộ Chính trị nêu ra, tính kỹ các phương án, cuối cùng Trung ương nhất trí với Bộ Chính trị và lấy đó làm Nghị quyết Trung ương lần thứ 14. Phát biểu trong Hội nghị, đồng chí Trường Chinh cho đây là một sáng tạo lớn của Đảng.
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, đêm 30 rạng ngày 31-1-1968 (đêm giao thừa), quân và dân miền Nam từ Trị Thiên đến Khu 5 và Nam Bộ đã tiến công và nổi dậy đồng loạt hướng trọng điểm nhằm vào các thành phố, thị xã, nhất là các hang ổ của địch ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, các căn cứ quân sự, sân bay, bến cảng, kho tàng lớn của Mỹ – ngụy trên toàn miền, gây cho địch tổn thất lớn và choáng váng nhiều ngày, đối phó bị động lúng túng ở tất cả các vùng chiến lược, nhiều nơi ta đánh chiếm và làm chủ được nhiều ngày.
Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ta đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của chúng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. “Kết quả cuộc Tổng tiến công và nổi dậy chứng tỏ Đảng ta không máy móc, mà luôn luôn có những phát kiến chiến lược lớn, luôn luôn sáng tạo trong chủ trương cũng như trong chỉ đạo toàn dân, toàn quân hành động” (7). Với đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo đó đã cho phép phát huy ở tầm mức cao nhất chủ nghĩa yêu nước và sức mạnh của cả dân tộc cùng đánh Mỹ; kết hợp được với sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tạo thành sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù, hoàn thành thắng lợi mục tiêu cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó cũng chính là biểu hiện cao nhất của bản lĩnh và trí tuệ của Đảng trong thời kỳ đánh Mỹ.
Lực lượng vũ trang quân khu Sài Gòn – Gia Định. Ảnh tư liệu
Hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cũng giống như thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong khi chúng ta đang rất cần một môi trường hòa bình để dựng xây đất nước, hàn gắn những vết thương nghiêm trọng do hai cuộc chiến tranh tàn khốc và kéo dài gây ra thì chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch lại ra sức chống phá hòng thủ tiêu thành quả cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã phải tốn bao công sức và xương máu mới giành được. Bắt đầu từ việc Mỹ và các nước phương Tây thực hiện bao vây, cấm vận về kinh tế, cô lập về chính trị đối với Việt Nam, đến cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam rồi biên giới phía Bắc bùng nổ… Trên thực tế, từ năm 1975 đến năm 1991, chưa một ngày nào dân tộc Việt Nam được sống trong hòa bình thực sự để xây dựng và phát triển đất nước. Những khó khăn do khách quan mang lại, cùng với những sai lầm chủ quan trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước đã làm cho tình hình kinh tế – xã hội của nước ta lâm vào khủng hoảng. Thực tế buộc chúng ta phải đổi mới. Nhưng đổi mới thế nào để vừa sửa chữa được những sai lầm khuyết điểm, vừa bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trụ vững và phát triển? Vấn đề càng trở nên phức tạp khi mà công cuộc đổi mới do Đại hội VI của Đảng (12 – 1986) vừa phát động chưa được bao lâu thì những chấn động dữ dội của thời cuộc đã xảy ra. Bắt đầu là sự khủng hoảng và sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu, rồi Liên Xô, thành trì của cách mạng thế giới, quê hương của Cách mạng Tháng Mười cũng tan vỡ, trật tự thế giới bị đảo lộn. Điều thật trớ trêu là, chủ nghĩa tư bản, nơi mà trước đó hễ nói tới, người ta lại nghĩ ngay đến một xã hội với toàn những thứ xấu xa, ăn bám, giãy chết, phản động… thì vẫn tồn tại, thậm chí còn vượt cả chủ nghĩa xã hội ở một số chỉ tiêu kinh tế, khoa học kỹ thuật. Sự thật phũ phàng đó đã làm nảy sinh và xuất hiện không ít những tư tưởng hoài nghi, ngộ nhận về con đường phát triển của cách mạng Việt Nam. Những biến động phức tạp của thời cuộc khi đó đã dồn dập tác động và ảnh hưởng rất xấu đến công cuộc đổi mới ở Việt Nam, tác động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trước hết là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng. Có hay không kiên định con đường đổi mới vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội?
Là người khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn ý thức được trách nhiệm của mình trước vận mệnh của đất nước và dân tộc. Phát huy giá trị của những kinh nghiệm trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, các Hội nghị Trung ương 6, 7, 8 khóa VI, Đại hội VII, Hội nghị Trung ương 3 khóa VII đã phân tích, chỉ rõ những thành tựu vĩ đại mà Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã giành được trong lịch sử, sự khủng hoảng và sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở các nước đó không phải do bản chất của chủ nghĩa xã hội gây ra mà chính là do những sai lầm chủ quan trong đường lối của các Đảng Cộng sản và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Đồng thời, Nghị quyết các hội nghị và Đại hội nêu trên còn có sự thay đổi quan trọng khi nhìn nhận đánh giá về chủ nghĩa tư bản, một mặt không phủ nhận những thành tựu do chủ nghĩa tư bản tạo ra, mặt khác phân tích, chỉ rõ khả năng, giới hạn tồn tại thích nghi, cũng như những mâu thuẫn đang vận động phát triển trong lòng chủ nghĩa tư bản. Từ sự phân tích đó, Đảng ta khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử” (8). Vì vậy, đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu, là sự lựa chọn duy nhất đúng của Đảng và nhân dân ta; đổi mới nhưng không thay đổi mục tiêu con đường đã chọn. Những kết luận đúng đắn, kịp thời của Đảng về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản khi đó chính là cơ sở để củng cố niềm tin, định hướng chính trị đúng đắn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta trước khúc quanh của lịch sử.
Cùng với việc khẳng định lập trường nhất quán không thay đổi mục tiêu con đường đã chọn, Đại hội lần thứ VII của Đảng còn thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000. Nếu Cương lĩnh “là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng hiện nay và trong những thập kỷ tới” (9), thì Chiến lược “là phương hướng hành động của nhân dân Việt Nam đến năm 2000 nhằm chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, làm giàu cho mình và cho đất nước” (10). Việc soạn thảo và thông qua hai văn kiện quan trọng nêu trên vào thời điểm chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới đang trong cơn khủng hoảng và tạm thời thoái trào là một thành công lớn, thể hiện sâu sắc bản lĩnh, trí tuệ, đường lối độc lập, tự chủ và sáng tạo của Đảng ta. Nó đem lại cơ sở cho sự tin cậy và hy vọng của mỗi người dân Việt Nam về tương lai, tiền đồ phát triển của đất nước. Những quyết định sáng suốt của Đảng trong những năm đầu đổi mới đã tạo cơ sở nền tảng để công cuộc đổi mới ở Việt Nam được thực thi có hiệu quả. Thực tiễn đã chứng minh, nhờ có đường lối đổi mới độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, “qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử” (11).
Chặng đường hơn 50 năm kể từ khi Đảng ta quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là chặng đường đầy khó khăn, thách thức mà cách mạng Việt Nam phải đối mặt. Mỗi chúng ta đều có quyền tự hào và tin tưởng rằng, với một Đảng đã biết biến quyết tâm của mình thành quyết tâm của cả một dân tộc để dân tộc đó đứng lên đem hết “tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” để giữ vững nền độc lập, thì Đảng ấy chắc chắn sẽ biết biến mục tiêu, lý tưởng của mình thành quyết tâm và hành động của cả dân tộc để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta, nối tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc.
________________
1, 2, 7. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998, tr.47, 60, 265.
3, 5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng – Toàn tập, tập 28, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.174, 50.
4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.385.
8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.8, 22.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.45.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.65.
Tác giả: Nguyễn Trung Thông
Nguồn: Tạp chí VHNT số 416, tháng 2-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Chính sách văn hóa Việt Nam thời kỳ 1945 -1954 và những thành tựu
Khái lược về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng