Ngày nay, với những người yêu tranh cổ động, sưu tầm và lưu giữ là cách để họ tìm thấy vẻ đẹp về một thời hùng tráng của đất nước thông qua một loại hình nghệ thuật. Thi thoảng người chơi mừng rỡ vì những điều mới mẻ nào đó được phát hiện. Họ say sưa với bí ẩn thú vị của bức tranh vừa tìm ra, các chi tiết dù hữu hình hay vô hình như ý nghĩa và thông tin về tác giả của bức tranh mà bao lâu nay người ta chưa biết. Nhiều tranh cổ động khi được in và phát hành ở diện rộng thì nhiều người biết đến, nhưng một số tranh được phát ra theo những phong trào nhỏ, quy mô bé nên không phải ai cũng biết. Nhiều bức tranh đến ngày nay chúng ta không biết được tên tác giả, có tranh chỉ biết được nơi phát hành. Nếu công phu và may mắn, người yêu tranh có thể sở hữu được toàn bộ bức tranh cùng phác thảo và thông tin về tác giả, ý nghĩa và thời điểm xây dựng tác phẩm, con dấu được đóng lên trên bức tranh… tất cả trọn vẹn những điều bức tranh hàm chứa.
Tranh cổ động chính trị là loại hình ấn phẩm đặc thù của những nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn này. Nhưng chúng ta thấy, có những điểm chung của tranh cổ động Việt Nam với nhiều nước khác trên thế giới. Đó là, chủ yếu xuất hiện và phát triển rực rỡ vào những thời điểm đất nước gặp khó khăn, thời khắc cần ở người dân sự đồng lòng, nhất trí cao. Tinh thần yêu nước, tự chủ, độc lập được kêu gọi, tương tự như những bức tranh nổi tiếng của Anh Lord Kitchener wants you (Tướng Kitchener cần anh). Sau đó chính hình ảnh chỉ tay nổi tiếng này, đã được những họa sĩ khác sử dụng lặp lại và mang đến rất nhiều ý nghĩa trong việc thôi thúc, giục giã người dân tham gia vào những cuộc tổng động viên. Hành động chỉ tay này được thấy phổ biến trong những bức tranh cổ động ở nhiều nước khác như Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Braxin… Ví dụ tác phẩm Uncle Sam want you (Chú Sam muốn bạn) hoặc I want you for U.S.Army (tôi muốn anh gia nhập quân đội Mỹ), đã minh chứng điều này.
Có thể nói, những quốc gia đi đầu, phát triển về tranh cổ động với tên tuổi của những họa sĩ lớn là những đất nước có nền kinh tế và chính trị hùng mạnh đã gây được sự ảnh hưởng tốt trong các phong trào của thế giới. Việt Nam trải qua những cuộc tiếp xúc văn hóa, văn minh theo cách du nhập cưỡng bức của những cuộc xâm chiếm thuộc địa từ thời phong kiến đến hiện đại. Nền tảng văn hóa của người Việt sau mỗi lần tiếp biến như vậy cũng đều ghi nhận những ảnh hưởng hai chiều của từng cuộc chiến. Nhiều tác phẩm nghệ thuật của ta cũng thể hiện rõ điều này. Những năm đầu khi vừa kết thúc được cuộc chiến với thực dân Pháp, hòa bình lập lại (1954), con đường cách mạng của dân tộc đã rộng mở. Nhân dân miền Bắc vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh leo thang phá hoại của đế quốc Mỹ (1965), vừa chi viện sức người, sức của cho miền Nam chiến đấu. Đến 1975, đất nước thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những vốn sống và kinh nghiệm thể hiện tranh cổ động được tích lũy từ kháng chiến chống Pháp đã giúp nhiều họa sĩ xây dựng thành công hình tượng anh bộ đội cụ Hồ với nội tâm phong phú, chiếm một vị trí đồ sộ trong các tác phẩm. Hình thức nghệ thuật này không chỉ có mặt ở mọi nơi, tác động đến nhiều cấp độ tình cảm con người, mà còn bổ sung cho kho tàng ngôn ngữ tạo hình nhiều dạng biểu đạt đa dạng về kích thước, màu sắc, đường nét. Nhưng tựu trung, các tác phẩm tranh đều thể hiện một tinh thần mạnh mẽ của dân tộc qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước. Tuy không phải là các tác phẩm hội họa mang tính chất hàn lâm, kinh viện, nhưng mỗi bức tranh đã lưu được dấu ấn một thuở của những bậc thày trong nền mỹ thuật nước nhà như họa sĩ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị… những họa sĩ tài danh của thời đại hoa lửa. Những họa sĩ tiếp nối như Trịnh Quốc Thụ, Nguyễn Ngọc Thọ, Đỗ Hữu Huề, Trần Huy Oánh, Trần Đình Thọ, Phạm Văn Đôn… cũng để lại những dấu ấn đáng ghi nhận trong lòng giới nghệ sĩ và người dân thời chiến. Đó là một giai đoạn hào hùng tiếp nối những dòng lịch sử kiên cường bất khuất từ cha ông, thêm một minh chứng của sự thống nhất đồng lòng trong việc bảo vệ sự vẹn toàn đất nước, gìn giữ độc lập cho non sông.
Nằm trong dòng chảy đó của lịch sử, mỹ thuật nước nhà cũng góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, thống nhất của dân tộc bằng cách tạo nên tiếng nói của riêng mình khi xây dựng những hình tượng nghệ thuật. Các tác phẩm nghệ thuật để lại đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của tinh thần và ý chí chiến đấu, đấu tranh giành độc lập tự do và phát triển một đất nước thống nhất. Trong đó, tranh cổ động là một phần máu thịt tâm điểm, đẩy mạnh tinh thần đấu tranh quật cường của dân tộc chống đế quốc Mỹ. Thời kỳ gian khó này, loại hình nghệ thuật tranh cổ động đang sẵn đà phát triển từ kháng chiến chống thực dân Pháp, đã bất ngờ mở sang những trang nội dung mới với nhiều mảng đề tài được đưa ra, phản ánh khá phong phú hiện thực sôi động của đất nước. Những bức tranh mang sức sống của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, những tác phẩm nghệ thuật phục vụ quần chúng và nhân dân, hàm chứa rất nhiều thông điệp của thời đại như tác giả Ngô Mạnh Lân với Tiến lên toàn thắng ắt về ta (1968), Huỳnh Văn Thuận với Tự hào (1973), Lê Bá Dũng với Quân và dân miền Nam thừa thắng xông lên (1974)… Cùng với đó, những hình tượng đồng chí, đồng bào được xây dựng theo lối mảng nét của đồ họa, khỏe khoắn, đanh chắc luôn kèm theo những khẩu ngữ cổ vũ, động viên anh em công nhân, nông dân và chiến sĩ cả nước đã hiện lên rõ nét ở các bức tranh cổ động, như Nguyễn Minh Mỹ với Cải tiến công tác (1958), Nguyễn Tiến Cảnh với Đảm bảo giao thông (1966), Phạm Giang với Cha truyền con nối (1967), Duy Khải với Quyết thắng lụt bão (1971)… Lý do tạo nên giá trị của những tranh cổ động thời kỳ này là nhờ vào tinh thần hừng hực đấu tranh, cả nước cùng hướng về một mục tiêu, chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam ruột thịt. Những họa sĩ vẽ tranh cổ động đã hòa vào không khí chung của dân tộc, dùng thứ vũ khí mạnh mẽ, sắc xảo của mình là ngôn từ và hình vẽ, góp phần dấy lên các phong trào cách mạng. Những hình ảnh mang tinh thần quật cường của chủ nghĩa cách mạng được dán lên những mảng tường, treo lên từng góc phố như đã trở thành hàng ngàn lời hô hào, cổ súy, động viên toàn dân, toàn quân tăng thêm tinh thần thép, để cho những lớp thanh niên yêu nước lần lượt đứng lên theo tiếng gọi của non sông, hành quân trên dãy Trường Sơn vào Nam chống lại sự xâm lăng của một trong những cường quốc có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh nhất thế giới.
Vào mỗi đợt động viên, tạo khí thế cho nguồn lực, khi khởi đầu một phong trào nào đó, tranh cổ động trở thành phương tiện tuyên truyền xuất hiện thường xuyên cùng với những phương tiện truyền thanh, báo chí… lên tiếng kêu gọi nhân dân đứng lên chiến đấu và xây dựng quê hương. Những bức tranh được in với số lượng lớn được phân về khắp nơi từ thành thị tới nông thôn, phát hành trên các kênh khác nhau như văn hóa, giáo dục, nông nghiệp… Những bức tranh đó mang nội dung động viên khích lệ tinh thần quật khởi được thấm nhuần vào tâm can của họ, thông qua chiếc bút vẽ, truyền tải đến những thông điệp về giá trị độc lập, tự do, đấu tranh giành quyền tự chủ về cho đất nước bằng sức truyền cảm mạnh mẽ của hình và chữ. Những nét vẽ như bừng lên, tỏa sáng vào những thời điểm xuất thần của người họa sĩ, chiến sĩ của mặt trận văn hóa, thể hiện khí thế hừng hực của cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Ngọn bút là súng, màu vẽ là đạn, những người họa sĩ mang tinh thần khát khao được chiến đấu của mình, sử dụng phương tiện ngôn ngữ nghệ thuật bằng những mảng, nét đồ họa khỏe khoắn, nhắn gửi vào bức tranh cổ động những lời kêu gọi trực diện, kêu gọi con người Việt Nam với truyền thống cần cù, dũng cảm và dám hy sinh cầm súng đứng lên, tiếp tục giữ gìn giang sơn độc lập. Hình tượng Bác Hồ, người anh hùng dân tộc, người chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình thế giới được khắc họa trên một mảng khá rộng và quan trọng trong nghệ thuật. Những chủ đề như “giành lấy chính quyền về tay nhân dân”, “tiền tuyến đang cần sức toàn dân”, “nhìn thẳng vào quân thù mà xông tới”, “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “kẻ thù nào cũng đánh thắng” là những lời văn ý nghĩa, những hình ảnh cô đọng, ấn tượng đi sâu vào tâm trí mọi người; hay những hình ảnh đẩy mạnh các phong trào, cổ vũ, khích lệ phát triển kinh tế hậu phương ở miền Bắc như “phong trào 5 tấn”, “kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”, “gương mẫu sản xuất”, “cải tiến canh tác”, “đẩy mạnh sản xuất”… Tranh cổ động giai đoạn này đã phản ánh thành công cái đẹp của người lao động. Đó là những người nông dân và công nhân mới hồ hởi, hăng say lao động với vị trí làm chủ đất nước. Hình tượng người phụ nữ được phản ánh khá thành công, đây là giai đoạn hình ảnh về phụ nữ không còn là yếu tố mang tính thẩm mỹ trang trí nữa mà họ chiếm vị trí, địa vị trung tâm với vẻ đẹp khoẻ khoắn trong lao động và chiến đấu bảo vệ tổ quốc với quan niệm “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Điều này đã trở thành sự khích lệ, có tác động mạnh đến tư tưởng toàn dân trong chiến đấu.
Chủ đề kháng chiến chống xâm lược trong giai đoạn hào hùng chống Mỹ là chủ đề thường xuất hiện trong tranh cổ động, giai đoạn đất nước nằm trong khói lửa và dư âm vẫn thể hiện trên nhiều tác phẩm đến bây giờ. Bởi đấy chính là vấn đề cần thiết lúc lửa đạn đang giao tranh, mà tranh cổ động với tính chất nhanh nhạy, luôn bắt kịp và song hành với tính thời sự của mình đã nối tiếp nhau khai thác. Hình tượng đồ họa trong tranh cổ động thời kỳ này đã mở sang nội dung mới. Đề tài được rộng mở, phản ánh khá phong phú hiện thực đất nước. Ta thấy trong tranh cổ động thời kỳ chống Mỹ chứa rất nhiều thông điệp của thời đại, mang sức sống của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Trong giai đoạn này, các họa sĩ chủ yếu sáng tác theo khuynh hướng hiện thực và mang tính Đảng rõ nét. Bút pháp sáng tác có biểu hiện đa dạng, yếu tố màu sắc sử dụng trong tranh cổ động giai đoạn 1954 – 1975 là những gam màu tươi tắn, khỏe khoắn, tạo nên tinh thần thúc giục mạnh mẽ với đồng bào cả nước. Việc sử dụng những gam màu tương phản mạnh giữa nóng – lạnh, sáng – tối tạo nên hiệu quả mạnh, khiến cho những bức tranh trở thành những hồi trống thúc quân ra trận một cách hào hùng. Những giá trị mà tranh cổ động Việt Nam giai đoạn chống Mỹ cứu nước đã đem lại thật rực rỡ, phản ánh chân thực những điều đẹp đẽ trong cuộc sống lao động và chiến đấu của cả dân tộc. Là một loại hình nghệ thuật nên tranh cổ động chính trị đã tìm và hình thành tiếng nói tự thân, tự tạo cho mình vị trí thực sự có tầm vóc trong nền mỹ thuật Việt Nam.
Ngày nay, khi chúng ta xem lại quá khứ, những bức tranh cổ động chính là một góc nhìn riêng về lịch sử, một minh chứng cho quá khứ quật cường, đấu tranh vì nền độc lập tự do của dân tộc. Chắc hẳn những người họa sĩ tạo nên những tác phẩm ấy cũng thấy tự hào, vì chúng ta đã tạo nên sự khác biệt về ngôn ngữ đồ họa của quốc gia với những nền mỹ thuật lớn trên thế giới. Tranh cổ động của họ đã tạo nên một bản sắc thể hiện khí chất anh hùng về con người đất Việt trong những bức tranh hùng tráng thời chiến tranh chống đế quốc xâm lược.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 359, tháng 5-2014
Tác giả : Phạm Phương Linh
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn