Giá trị văn hóa của làng lụa vạn phúc trong phát triển du lịch hà nội

Cùng với vải the ở làng La Cả (gồm làng La Nội và Ỷ La), vải lĩnh ở Kẻ Bưởi, vải nhiễu Mỗ Bôn, trải qua những biến thiên lịch sử, lụa Vạn Phúc là một trong các sản phẩm văn vật tiêu biểu tạo nên danh tiếng nơi tứ chiếng tụ hội, bách nghệ phồn hoa Thăng Long xưa. Từ một sản phẩm thủ công, lụa Vạn Phúc dần trở thành biểu tượng thẩm mỹ chốn phồn hoa đô hội. Mảnh đất này là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đồng thời trở thành địa chỉ du lịch, thương mại thu hút khách tham quan trong và ngoài nước đến chọn mua những mặt hàng vải lụa, gấm vóc. Làng Vạn Phúc là minh chứng nổi bật cho quá trình biến đổi của làng nghề thủ công kết hợp linh hoạt với hoạt động du lịch thủ đô Hà Nội ngàn năm tuổi.

1. Làng lụa Vạn Phúc từ truyền thuyết đến hiện thực

Làng Vạn Phúc khởi đầu có tên là Vạn Bảo. Cuối TK XIX do kiêng húy tên vua Thành Thái nên Vạn Bảo đổi tên thành Vạn Phúc, sát nhập vào tổng Đại Mỗ, phủ Hoài Đức thuộc tỉnh Hà Đông. Trước đó, Vạn Phúc xuất hiện chính danh trong mục thành hoàng Ả Lã hiệu Thị Nương (được Lễ bộ Thượng Thư Nguyễn Bính soạn năm 1572).

Tương truyền, vào TK IX, có cô gái tên Ả Lã, bố mẹ là Hùng Thụy và Phạm Khương, quê ở Châu Tụ Long thuộc đạo Tuyên Quang. Năm 865, Cao Biền sang làm tiết độ sứ cai trị nước ta, khi du ngoạn đến châu Tự Long, vào thăm nhà Hùng Thụy thấy Nương Thị là người có dung nhan tuyệt thế, am tường văn chương nên xin cưới Ả Lã. Trong một lần Cao Biền và Nương Thị tuần du, nghỉ tại trang Vạn Bảo, khi đậu thuyền sát bên dòng sông Nhuệ, Cao Biền thốt lên: đất rồng chầu hổ phục, tú khí dưỡng thanh long. Thời gian sau, bà Ả Lã xin Cao Biền cho ở lại Vạn Bảo. Là người quyền thế nhưng Ả Lã sống nhân hậu, bình dị, vốn là người thành thạo nghề cửi canh, bà dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa tấm, giúp Vạn Bảo nhanh chóng sầm uất, phồn thịnh. Khi Nương Thị qua đời, tưởng nhớ ơn công đức của bà, dân Vạn Bảo lập miếu thờ, suy tôn làm thành hoàng làng, bà tổ nghề dệt lụa Vạn Phúc.

Cùng với chuyện Ả Lã hiệu Thị Nương, trong dân gian còn lưu truyền thuyết nghề dệt Vạn Phúc bắt đầu khởi sinh từ người phụ nữ quê ở Hàng Châu (Trung Quốc). Khi theo chồng chinh chiến từ phương Bắc xuống phương Nam, bà chán cảnh tha phương cầu thực nên xin trú tại làng Vạn Phúc, dồn hết tâm sức vào nghề tằm tang, đồng thời dạy dân cách dệt lụa.

Theo người dân ở tổng Đại Mỗ, bà Lã Thị Nga, vốn dòng dõi Hùng Vương, thành thạo nghề khung cửi, một lần đến làng Vạn Phúc, thấy phong cảnh sơn thủy hữu tình, đất đai thuận tiện trồng dâu, nuôi tằm bèn giúp dân mở mang nghề dệt. Từ đó, dân làng tôn thờ bà là tổ sư, thờ tại đình Vạn Phúc, tổ chức tế lễ vào ngày mùng 10 tháng 8 âm lịch (ngày sinh), ngày giỗ tổ vào 25 tháng chạp (ngày mất).

Những truyền thuyết, sự tích về quá trình hình thành làng Vạn Phúc đều cho thấy, nghề dệt lụa nơi đây có nguồn gốc lịch sử lâu đời. Nghề dệt ra đời đều do những phụ nữ thành thạo nuôi tằm, dệt lụa, đem tâm huyết, công sức giúp dân Vạn Phúc có nghề sinh sống, làm ăn phát đạt tới ngày nay. Tất cả được lưu danh trong ngôi đền lớn cạnh chùa làng, ghi rõ: Đền thờ liệt vị tổ sư nghề dệt.

Đến thời nhà Nguyễn, gấm, lụa Vạn Phúc đều được đem cung tiến triều đình, được vua Tự Đức, Khải Định khen ngợi, ban thưởng cho các nghệ nhân. Trong thời kỳ Pháp đô hộ, lụa Vạn Phúc thường xuyên tham dự nhiều hội chợ đấu xảo ở Marseille, Paris, Pháp. Điển hình vào năm 1931, nghệ nhân Đỗ Đình Lương nhận giải thưởng về gấm với tấm Nam Long Bội Tinh, mề đay vàng ở triển lãm các nước thuộc địa tổ chức tại Paris, triển lãm Batavia (Indonexia) vào năm 1939. Danh tiếng lụa Vạn Phúc, loại vải độc đáo của Việt Nam được nhiều nước trên thế giới biết đến. Những năm đầu TK XX, lụa Vạn Phúc mở rộng chất lượng, mẫu mã, nhanh chóng phát triển đa dạng kiểu loại như: vân, the, đũi, tuýt, so, lụa hoa văn.

Vào giai đoạn 1960-1986, làng Vạn Phúc lập hợp tác xã, sản phẩm lụa làm ra được nhà nước thu mua, xuất sang các nước Đông Âu. Đây là thời kỳ bao cấp nên cuộc sống khó khăn, chất lượng lụa suy giảm, chưa nhiều chủng loại. Từ 1986 trở đi, làng Vạn Phúc thay đổi nhanh chóng, trước hết hàng ngàn khung dệt đưa vào sản xuất, nghề dệt theo mô hình gia đình hóa, sự cạnh tranh đòi hỏi nghệ nhân phải sáng tạo ra sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Đặc biệt, kỹ thuật dệt thủ công có những đổi thay lớn, nhiều kiểu, loại mới ra đời trên cơ sở hoa văn truyền thống như: lụa vân quế, lụa vân lưỡng long, song phượng.

Từ những năm 2000 trở đi, lụa Vạn Phúc trở thành một thương hiệu mạnh của mảnh đất ngàn năm văn vật. Từ những khung cửi thủ công, hàng ngàn mét vải đầy đủ sắc màu phát lộ vẻ đẹp tiềm ẩn, minh chứng cho sự bền vững của làng nghề Vạn Phúc. Các nghệ nhân không chỉ kiên trì bảo tồn kỹ nghệ dệt, mà còn phát huy thế mạnh một vùng đất lưu giữ cội nguồn lịch sử dệt tơ tằm lâu đời. Cố nghệ nhân Triệu Văn Mão được ghi danh trong Bắc Kỳ tiểu công nghệ danh hiệu địa chí với kỹ thuật tinh tế, đã sáng tạo ra mẫu hoa văn trang trí: song hạc, tứ quý độc đáo. Những năm gần đây, cơ sở sản xuất của cụ được Tổng cục Du lịch Việt Nam cấp giấy chứng nhận là điểm mua sắm hàng đầu Việt Nam. Nhiều nghệ nhân đạt những giải thưởng trong và ngoài nước, điển hình như cơ sở dệt của nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh đạt danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu. Cơ sở Phong Thư được tổ chức Quốc tế Anh công nhận thuộc danh sách 100 nhà cung cấp đáng tin cậy tại Việt Nam.

2. Giá trị văn hóa truyền thống của lụa Vạn Phúc

Trong thập kỷ 40, 50 TK XX, lụa Vạn Phúc nổi tiếng trên thị trường Đông Dương, tham gia nhiều hội chợ tổ chức khắp các xứ Bắc, Trung, Nam. Tơ lụa Vạn Phúc có nhiều mẫu mã đa dạng, khoảng 70 loại the, lụa, gấm, lĩnh với nhiều tên gọi khác nhau như: băng hoa, long phượng, mây bay, tứ quế, sa trơn, the trơn, đũi hoa, vân thọ đỉnh… Hoa văn có bốn loại: động vật, thực vật, đồ vật, hình họa . Động vật thể hiện các hình tượng tứ linh, lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng long song phượng, long vân, long hý thủy, phượng trong mây, phượng ngậm cuốn thư, rùa ngậm cuốn thư, song hạc, ngũ phúc, quần ngư vọng nguyệt. Thực vật gồm: cúc, trúc, mai, lan, hoa chanh, hoa hồng. Đồ vật: cuốn thư, đồng tiền, lẵng hoa, bình cổ, đèn lồng. Hình họa: chữ thọ, triện, vạn, quả trám, hình vuông. Tất cả hình dạng hoa văn trên lụa Vạn Phúc được trí tưởng tượng phong phú, bàn tay tài hoa nghệ nhân dệt thành sản phẩm độc đáo, thể hiện sức sáng tạo tinh tế, giàu thẩm mỹ của cộng đồng dân thị tứ Hà Nội cuối TK XIX, đầu TK XX.


 Làng lụa Vạn Phúc. Ảnh Phạm Lự 

Vạn Phúc sớm trở thành trung tâm tơ lụa, nơi nghề dệt cổ truyền đạt đến độ tinh xảo một phần là nhờ mối quan hệ tương tác, gắn bó chặt chẽ, hoàn chỉnh qua các khâu: nuôi tằm, lấy kén, se tơ, quay tơ, dệt, phơi, nhuộm với các kỹ thuật được quy định chặt chẽ. Sau khi nhập tơ tằm dạng thô, bước đầu tiên là chọn tơ, đẽo tơ, mắc tơ thành loại sợi dọc, sợi ngang để dệt. Trước khi hồ phải mắc cửi, kéo cửi, sấy khô để sợi không xước, bền, mặt sợi bóng bẩy hơn. Kỹ thuật hồ sợi tại Vạn Phúc được nhiều vùng dệt tơ tằm quanh Hà Nội đánh giá đạt trình độ cao, hoàn chỉnh hơn. Kỹ thuật dệt là công đoạn quan trọng nhất với hai kiểu dệt: trơn và hoa. Để tạo ra nhiều loại hàng đa dạng, nghệ nhân không chỉ nắm vững kỹ thuật dệt trên khung, mà còn biết thay đổi phương pháp dệt dựa trên yếu tố: tính toán số lượng sợi dọc (dày, mỏng), kích cỡ của sợi ngang (đôi, ba, bốn, sáu). Bằng cảm nhận với kinh nghiệm lâu năm, người dệt thay đổi lượng sợi, độ to nhỏ, tạo ra sản phẩm lụa khác nhau.

Sau khi tơ dệt thành vải, trên mặt còn các lỗi sợi, lúc này lụa bước vào công đoạn chuội sợi. Trước đây phổ biến là kiểu chuội bằng tro bếp. Sau năm 1975, một số gia đình đã áp dụng tiến bộ khoa học, chuội tơ bằng xà phòng, men vi sinh, dung dịch a xit, kiềm, nhiệt độ cao…

Theo truyền thống, vải lụa được gột sạch hồ bằng nước bồ hòn nấu sôi, sau đó nhúng vào nước lá bàng, lá sồi đun sôi nhiều lần, dấn lụa vào bùn nhuyễn (để khoảng 3 ngày), tiếp tục vớt ra giặt rồi nhúng vào nước thóc nếp (rang cháy) đun sôi để vải trở nên bóng, mịn. Đến giữa TK XX, những loại thuốc nhuộm hóa học thay thế chất liệu nhuộm dân gian như: phương pháp hoạt tính (nhuộm trực tiếp) hoặc dùng loại thuốc nhuộm chứa axit để tạo gam màu như ý muốn. Khi nhuộm từ các màu: xanh, đỏ, vàng, trắng… sẽ điều chỉnh độ đậm nhạt, tạo nên nhiều màu sắc như: xanh lam nhạt, xanh lam đậm, xanh nước biển, phải có bí quyết để nhuộm tơ tằm đẹp, không phai màu.

Ông Lê Phúc Thành, nghệ nhân dệt lụa hiện nay giới thiệu công cụ nghề dệt lụa gồm: khung cửi, thoi lao tay, thanh văng. Khi hồ thì có khung hồ, thanh nan hồ, lao tay. Khi làm tơ thì sử dụng cần lồng sóc, cây guồng, ống tơ, cây suối, vỏ suối. Khung cửi dệt có hai loại: dệt trơn và dệt hàng hoa. Khung cửi dệt hàng trơn cấu tạo đơn giản, có một tầng và bàn go thẳng (go lãn), tùy theo từng thời kỳ mà bàn go thẳng làm bằng tơ hay thép. Hai cửa khung cửi làm bằng gỗ tốt, đặt nằm ngang trên bốn chân canh, chạy song song cách mặt đất khoảng 0,55m. Dựng trên hai khung cửi là bốn chiếc trụ, chiều cao khoảng 1,19m. Trên đầu 4 trụ có để bộ song hành, đòn gánh khổ, con cò. Ngoài ra, còn có đòn ngồi (như ghế băng đóng vào hai chiếc cái của khung cửi) là vị trí ngồi của người dệt. Khác với dệt trơn, khung dệt hàng hoa cấu tạo phức tạp hơn. Về cơ bản, các bộ phận cấu tạo tương tự như khung dệt trơn nhưng có thêm một số bộ phận khác như: cây hoa (1) nằm giữa khung cửi. Bên trong chiếc khung có các sợi dây chạy song song theo chiều cao cây hoa.

Không biết từ bao giờ, câu ca dao:

Em về Vạn Phúc cùng anh

Áo lụa em mặc thêm thanh vẻ người

trở thành lời nhắn gửi tự hào của người dân Vạn Phúc, bởi lụa, gấm Vạn Phúc trở nên quen thuộc đối với đời sống thị dân Thăng Long- Hà Nội. Thời nhà Nguyễn, cùng với lĩnh Bưởi, the La, nhiễu Mỗ, lụa Vạn Phúc là loại vải chuyên dùng may triều phục. Nổi bật là lụa vân, loại lụa tưởng thất truyền, nhưng vào dịp Thăng Long ngàn năm tuổi (2010) đã tái xuất trở lại, những nét tinh xảo tạo vân (mây) chìm nổi. Muốn nhận biết phải soi ngoài ánh sáng mới hiển hiện màu sắc, hoa văn tinh tế với những tên gọi thanh cao như: vân hồng điệp, vân song hạc, vân tứ quý. Người có công khôi phục kỹ thuật dệt lụa vân là nghệ nhân Triệu Văn Mão, vốn xuất thân từ một gia đình nổi tiếng dệt lụa. Lụa vân là loại hàng vải mỏng, nhẹ nhất trong các loại. Khi dệt, người thợ phải áp dụng kỹ thuật dệt thủng để tạo hình vân. Đây là một bí quyết nghề đòi hỏi người thợ có kinh nghiệm lâu năm, trình độ cao, nắm vững cách chọn tơ, nếu lơ là hoặc không tập trung sẽ làm hỏng toàn bộ mặt vải.

Khác với lụa, kỹ thuật dệt gấm khó nhất, đây là loại vải dày hơn lụa, có nhiều màu sắc phong phú với tên gọi: gấm đỏ, gấm vàng, hồng cánh chấu, gấm lam… Hoa cài trên mặt gấm nổi bật như được thêu, luôn tươi sáng, rực rỡ, thường từ 5 màu trở lên (gấm ngũ, gấm thất thể). Do đó, trong dân gian vẫn truyền tụng, coi gấm là vương hậu của hàng tơ lụa. Vào thời Lê, Nguyễn, chỉ có làng Vạn Phúc mới đạt trình độ, sự tinh xảo để dệt được gấm.

Cùng với gấm, lụa, nghề dệt Vạn Phúc còn sản xuất nhiều mặt hàng từ tơ tằm như: the, sa, băng quế, lĩnh, vóc, sa tanh… tất cả đều đạt tới tính thẩm mỹ cao với nhiều dạng kỹ thuật dệt khác nhau. Đồng thời, các nghệ nhân liên tục cải tiến kỹ thuật, sáng tạo nên mặt hàng phù hợp với điều kiện, nhu cầu xã hội đương thời. Nếu vào đầu TK XX, gấm vóc luôn là loại hàng cao cấp, được tầng lớp quyền quý đất Thăng Long ưa dùng, thì đến đầu TK XXI, lụa trở thành sản phẩm tiêu dùng hấp dẫn, cuốn hút du khách khắp nơi về đây mua bán. Sự thay đổi của nền kinh tế thị trường đòi hỏi nghề dệt lụa Vạn Phúc bắt buộc phải thích ứng nhanh nhạy, kịp thời, đáp ứng nhu cầu cao của mọi tầng lớp. Điều này đang đặt ra những thách thức về nguồn cung cấp, chất lượng tơ, cải tiến tổ chức, điều hành sản xuất trong giai đoạn hiện nay. Mặc dù công đoạn dệt có nhiều thay đổi như: đưa máy móc, công nghệ hiện đại thay thế khung cửi truyền thống, nhưng dệt bằng phương pháp thủ công vẫn mang đậm giá trị văn hóa truyền thống. 

3. Quản lý, khai thác tiềm năng văn hóa làng nghề lụa Vạn Phúc

Từ nghề dệt lụa, làng lụa Vạn Phúc đã và đang biến đổi trong những năm gần đây, đặc biệt, trở thành một địa chỉ hấp dẫn của ngành du lịch Hà Nội. Cùng với Bát Tràng, nơi nổi danh nghề làm gốm, sứ, làng lụa Vạn Phúc được các công ty du lịch chọn làm điểm tham quan, mua bán cho khách trong và ngoài nước. Khi nhắc đến làng Vạn Phúc, Hà Đông, trong tâm trí mọi người đều nghĩ tới làng nghề cửi canh nổi tiếng, tiêu biểu cho nét đẹp lịch lãm của các cô gái, chàng trai 36 phố phường Thăng Long xưa, Hà Nội nay.

Vạn Phúc đang xây dựng các tour du lịch văn hóa. Đến đây, du khách như bước vào một làng quê còn in đậm dấu ấn văn hóa của người dân ven đô với cách đón chào niềm nở, chân tình. Khách du lịch được tham gia vào lễ hội cổ truyền, trò chơi dân gian, tìm hiểu những phong tục tập quán của người dân làng nghề. Trong thực tiễn, số hộ làm nghề dệt, bán hàng tơ lụa ngày càng nhiều, dân số Vạn Phúc tăng nhanh. Các phương tiện như máy dệt, quay tơ theo dây chuyền hiện đại xuất hiện phổ biến. Thị trường lụa Vạn Phúc đa dạng, phù hợp với thị hiếu của du khách trong, ngoài nước. Ngoài vải, quần áo, lụa Vạn Phúc biến hóa vào các sản phẩm cao cấp: chăn, ga, gối, khăn, túi, ví, những mặt hàng làm quà lưu niệm.

Hiện nay, khách du lịch đến Vạn Phúc thường chọn mua lụa vân, loại vải có thể mặc quanh năm, mùa đông ấm áp, mùa hè thoáng mát, hình hoa văn trang trí trên lụa phong phú, gọi theo tên truyền thống: song hạc, thọ đỉnh, tứ quý. Dọc theo con đường tơ lụa, các cửa hàng bày bán tơ tằm liên tiếp nối nhau thành cảnh quan sầm uất, nhộn nhịp, đáp ứng mọi nhu cầu, sở thích khác nhau của du khách. Sản phẩm lụa Vạn Phúc đa dạng nhiều mẫu mã khác nhau như: hàng trơn, hàng khổ rộng, hàng tơ tằm nguyên chất, hàng vân, lụa thường, ngang xe, dọc tơ chập, ngang tơ chập… làm hài lòng du khách khi tới đây.

Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc là điểm nhấn đầu tiên, được nhiều công ty du lịch khách sạn khai thác như: Sông Nhuệ, Vietnamtourist, Saigontourist, Viettravel, trở thành không gian văn hóa lụa mua bán nổi tiếng ở thủ đô. Thông qua hoạt động du lịch tại Vạn Phúc, sự phục hồi, tái tạo các giá trị lịch sử được quan tâm, phát triển qua phương thức: trao đổi hàng hóa, quảng bá sản phẩm. Do đó, đời sống nghệ nhân, thợ, người kinh doanh được nâng cao, kinh tế tăng trưởng góp phần tích cực công tác bảo tồn văn hóa truyền thống.

Chính sự bền vững về chất lượng của lụa Vạn Phúc, hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều hàng giả. Mặt trái của cơ chế thị trường đang xói mòn, gây những ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, thương hiệu vải lụa Hà Đông. Theo nghệ nhân Đỗ Quang Hùng, cách đánh giá, kiểm tra lụa từ tơ tằm 100%, phân biệt giữa lụa chính thống (tơ tằm) với hàng nhái (làm từ sợi nilon, cotton) là: dùng bật lửa đốt cháy sợi ngang của vải, nếu sợi bị đốt sẽ cháy tức thì, sau đó, dùng tay bóp nhẹ thấy tan ngay thành than, bóp than thấy mịn thì chính là lụa tơ tằm 100%. Còn nếu sợi vải bị sun lại, mùi khét, dùng tay bóp nhẹ bị lợn cợn là lụa pha tạp sợi nilon. Nghệ nhân cho biết lụa Vạn Phúc đẹp, chất lượng, nhưng ít người có thể phân biệt lụa do người làng Vạn Phúc sản xuất với loại lụa từ nơi khác. Hiện nay lụa Vạn Phúc thông thường chia làm hai loại chính, loại cao cấp là sa tanh được làm từ 100% sợi tơ nguyên chất, có thể chập đôi hoặc chập ba rồi se lấy sợi để dệt. Hoặc loại được pha với tỷ lệ 30%, 50%, 70% giữa tơ tự nhiên với sợi tổng hợp như cotton hay tơ nhân tạo (được làm từ sợi visco, polyester).

Đến làng lụa Vạn Phúc, du khách không chỉ lựa chọn, mua được tấm lụa ưng ý, mà còn tìm hiểu, nghe kể những câu chuyện truyền thuyết gắn liền với ngôi làng truyền thống này qua hệ thống đình chùa, miếu mạo, nơi thờ tổ nghề. Đình Vạn Phúc có hậu cung, trung đình, phương đình, nhà quan cư (bên tả bên hữu) chạy dọc 2 bên, trước mặt đình là hồ nước rộng. Trong đình thờ thành hoàng làng Ả Lã Thị Nương. Bên cạnh có miếu Vạn Phúc nổi tiếng linh thiêng với lối kiến trúc độc đáo không mái che (lộ thiên). Trong miếu đặt bệ thờ, bên cạnh là nhà quan cư nhỏ, nơi thờ Dương Cảnh thành hoàng Quốc vương Thiên Tử Nga Hoàng Đại Vương, người có công xây dựng làng Vạn Bảo xưa.

Trở thành địa điểm du lịch, Vạn Phúc ngày nay là phố lụa với các cửa hàng đủ kiểu loại phục vụ du khách. Hiện nay, nghề dệt Vạn Phúc đã đạt được nhiều thành công lớn nhưng cũng đang gặp phải nhiều thách thức không nhỏ. Hàng giả, hàng nhái trộn lẫn với hàng thật, kẻ mua người bán thời hiện đại đã và đang làm hình ảnh lụa Vạn Phúc thiếu vắng sự trung thực, một yếu tố quan trọng để chất lượng lụa Vạn Phúc bay cao trên đôi cánh uy tín. Chính vì vậy, cần có những chính sách, biện pháp thích hợp để lưu giữ và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông.

_______________

1. Cây hoa: các bộ phận để tạo hoa cho mặt hàng, phần chính là chiếc khung hình chữ nhật, tạo nên từ hai gỗ đóng trên hai cái của khung cửi, chiểu cao 3m tính từ mặt đất.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 379, tháng 1-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ THANH LOAN

3/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *