Kế thừa giá trị văn hóa dân tộc (GTVHDT) là vấn đề quan trọng đối với phát triển nhân cách con người Việt Nam, trong đó có đội ngũ học viên ở các trường sĩ quan quân đội. Đối với phát triển nhân cách học viên ở các trường sĩ quan quân đội hiện nay cần phải huy động sức mạnh từ nhiều hướng tác động có tính tổng hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển nhân cách con người. Trong những tiềm năng sức mạnh tinh thần hiện nay, kế thừa GTVHDT là một điểm nhấn, có tính đặc trưng cơ bản và cấp thiết nhất.
Những năm qua, vấn đề kế thừa GTVHDT trong phát triển nhân cách học viên các trường sĩ quan quân đội đã được lãnh đạo, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm và thu được những kết quả quan trọng. GTVHDT đã được đưa vào chương trình giáo dục đào tạo và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Kết quả ấy góp phần hoàn thiện nhân cách học viên khi ra trường. Mỗi học viên đã mang trong mình tri thức, thái độ, niềm tin, sự tôn vinh GTVHDT trong thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những hạn chế, bất cập không chỉ về nội dung kế thừa mà còn cả phương pháp và tinh thần đổi mới. Vì thế nhân cách của một số học viên khi ra trường vẫn chưa kế thừa đầy đủ GTVHDT, thể hiện trong cách ứng xử của mỗi học viên. Điều đó phản ánh nguyên nhân cơ bản là chất lượng, hiệu quả kế thừa GTVHDT chưa thật cao, chưa tương xứng với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn.
Kế thừa GTVHDT trong phát triển nhân cách học viên các trường sĩ quan quân đội là hoạt động có mục đích, có tổ chức của các chủ thể trong việc sử dụng hệ thống các cách thức, biện pháp theo cơ chế nhất định nhằm khai thác và nhân lên tác dụng, sức mạnh của GTVHDT trong việc định hình, phát triển, hoàn thiện các yếu tố hợp thành nhân cách của học viên các trường sĩ quan quân đội, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Quá trình này phụ thuộc vào sự tác động của điều kiện khách quan và những nhân tố chủ quan. Sự đậm đặc về GTVHDT trong nhân cách học viên phụ thuộc vào tính quy định về tính chất cơ bản của phương hướng, nội dung và phương thức kế thừa GTVHDT; phụ thuộc vào tính năng động, sáng tạo của các chủ thể chủ yếu và trực tiếp của quá trình đó. Dưới sự tác động có chủ đích, tích cực của các chủ thể đòi hỏi học viên phải phát huy nỗ lực chủ quan, biến quá trình truyền thụ GTVHDT thành quá trình tự rèn luyện, hoàn thiện nhân cách theo chuẩn mực của mô hình, mục tiêu giáo dục đào tạo.
Để quá trình kế thừa GTVHDT trong phát triển nhân cách học viên các trường sĩ quan quân đội đạt hiệu quả cao, cần tiến hành đồng bộ hệ thống các giải pháp, trong đó tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, đổi mới tuyên truyền, giáo dục GTVHDT nhằm phát triển nhân cách cho học viên.
Đổi mới tuyên truyền, giáo dục là yêu cầu tất yếu để nâng cao hiệu quả kế thừa GTVHDT nhằm phát triển nhân cách cho học viên ở các trường sĩ quan quân đội hiện nay. Theo đó, các nhà trường quân đội cần quan tâm nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình giáo dục mang tính toàn diện cho học viên nhằm xây dựng và phát triển nhân cách chuẩn mực của họ. Quá trình đổi mới nội dung, chương trình giáo dục phải bám sát sự vận động, phát triển của thực tiễn xây dựng quân đội và xu hướng phát triển của văn hóa dân tộc hiện nay, đảm bảo tính kế thừa, tính hệ thống, tính cơ bản và chuẩn hóa, thống nhất trong toàn quân, đồng thời chú trọng tính mở, phù hợp với đặc điểm tình hình nhiệm vụ, địa bàn đóng quân, đặc điểm mỗi lớp học viên ở mỗi nhà trường, trong từng giai đoạn phát triển và hướng tới mô hình nhân cách bộ đội cụ Hồ của học viên, nhằm tạo ra những nhân cách thực sự sáng tạo và nhân văn, năng động và tự chủ, đáp ứng yêu cầu xây dựng con người quân sự trong nền kinh tế thị trường đầy biến động.
Bên cạnh việc đổi mới nội dung, cần kết hợp chặt chẽ với đẩy mạnh đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục toàn diện nhằm xây dựng nhân cách bộ đội cụ Hồ của học viên các trường sĩ quan quân đội. Quá trình đổi mới cần bảo đảm tính hệ thống, tính liên tục, kế thừa hợp lý của các hình thức, phương pháp giáo dục, gắn với việc bảo đảm cơ sở vật chất và yêu cầu cao về phẩm chất chính trị, đạo đức, hệ thống tri thức cần thiết và khả năng sư phạm của đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục ở các nhà trường.
Hai là, xây dựng môi trường văn hóa ở các trường sĩ quan quân đội thấm đẫm GTVHDT làm cơ sở cho phát triển nhân cách cho học viên.
Con người là chủ thể, đồng thời là sản phẩm của hoàn cảnh, “con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người đến mức ấy”. Với các chủ thể quân sự môi trường trực tiếp tác động, chi phối họ là môi trường văn hóa quân sự. Do đó, cần tạo dựng môi trường văn hóa thấm đẫm giá trị văn hóa quân sự truyền thống làm cơ sở cho xây dựng nhân cách cho học viên.
Vấn đề quan trọng đầu tiên trong tạo dựng môi trường văn hóa thấm đẫm GTVHDT làm cơ sở cho phát triển nhân cách cho học viên đòi hỏi các nhà trường quân đội cần hoàn thiện hệ thống giá trị văn hóa quân sự truyền thống trong môi trường văn hóa ở đơn vị mình.
Hệ thống giá trị văn hóa quân sự truyền thống là yếu tố cốt lõi của môi trường văn hóa ở các nhà trường quân đội và là nhân tố cơ bản cấu thành mô hình nhân cách của học viên. Hoàn thiện hệ thống giá trị văn hóa quân sự truyền thống trong môi trường văn hóa ở nhà trường quân đội hiện nay phải xuất phát từ tính đặc thù của từng nhà trường. Trên cơ sở các giá trị phổ biến, mỗi đơn vị có sự vận dụng linh hoạt, cụ thể hóa trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống giá trị văn hóa quân sự truyền thống – tiêu chí nhân cách học viên ở đơn vị mình, tạo ra mô hình nhân cách học viên với sắc thái văn hóa riêng.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc phát triển hệ thống các quan hệ văn hóa lành mạnh và đa dạng hóa các hình thái hoạt động văn hóa, nhất là các hoạt động sáng tạo, hưởng thụ và giao lưu văn hóa ở các nhà trường quân đội. Trong bối cảnh hiện nay, các nhà trường quân đội cần xây dựng quan hệ xã hội trong sáng lành mạnh, vừa mang tính chất quân sự, vừa thấm đậm giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa bộ đội cụ Hồ, khắc phục triệt để tình trạng mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức, quan liêu, quân phiệt, thiện vị, cục bộ địa phương… Đặc biệt là khắc phục cho được tình trạng “thương mại hóa” các quan hệ xã hội, lối sống vô cảm, thiếu trách nhiệm, không chia sẻ… biểu hiện ở sự thờ ơ với nỗi đau của người khác nhưng lại sợ liên lụy và ảnh hưởng đến lợi ích bản thân, đã và đang len lỏi vào môi trường quân sự. Vấn đề đặt ra là phải bắt đầu từ xây dựng các tổ chức và con người quân sự; phát huy dân chủ quân sự. Coi sự vững mạnh của hệ thống tổ chức và tấm gương sáng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên là nòng cốt cho xây dựng các quan hệ văn hóa trong sáng lành mạnh ở các nhà trường quân đội. Đồng thời, các nhà trường quân đội phải tổ chức lãnh đạo chặt chẽ, có định hướng, kế hoạch hoạt động văn hóa bảo đảm tính phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức thể hiện, hướng tới mục tiêu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị và xây dựng, phát triển nhân cách của học viên. Tổ chức lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chuyên trách và bản thân mỗi học viên vừa là khách thể vừa là chủ thể tích cực của các hoạt động văn hóa. Những hoạt động càng có định hướng tích cực và càng sâu rộng trong phong trào quần chúng thì hiệu quả phát triển, hoàn thiện nhân cách của học viên càng cao.
Ba là, phát huy nỗ lực chủ quan của học viên trong việc kế thừa giá trị văn hóa dân tộc nhằm phát triển, hoàn thiện nhân cách của mình.
Đây là giải pháp quan trọng nhất nhằm phát huy cao độ tính tích cực, chủ động, sáng tạo của bản thân học viên ở các trường sĩ quan quân đội với tính cách là chủ thể trực tiếp của quá trình kế thừa GTVHDT trong phát triển nhân cách của chính họ. Thực tiễn chứng minh, dù điều kiện khách quan có thuận lợi đến đâu, nhưng nếu bản thân từng học viên thiếu tích cực, tự giác, sáng tạo trong nâng cao nhận thức và tiếp thu, chuyển hóa các GTVHDT thành thái độ, hành vi, ứng xử theo mô thức văn hóa thì hiệu quả của quá trình này không cao.
Thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục, tự giáo dục, rèn luyện, làm cho học viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc về GTVHDT và mục đích, ý nghĩa của quá trình kế thừa GTVHDT trong phát triển, hoàn thiện nhân cách của họ. Đồng thời, nhận thức và giải quyết đúng đắn các quan hệ lợi ích có tính đặc thù của quân nhân cách mạng nói chung và bộ đội cụ Hồ nói riêng, trong tính quy định của lợi ích dân tộc, giai cấp và nhân dân. Mặt khác, cần nâng cao nhận thức của học viên các trường sĩ quan về thực chất của quá trình kế thừa GTVHDT trong điều kiện mới nhằm tự khẳng định và phát huy tính tích cực, tự giác của mình với tư cách chủ thể. Mỗi học viên cần trang bị những hiểu biết cơ bản về phẩm chất nhân cách, về những cách thức, biện pháp phấn đấu, trong đó kế thừa GTVHDT với tính cách là một phương thức cơ bản để xây dựng nhân cách với các giai đoạn tiếp nhận giá trị văn hóa và định hình nhân cách bộ đội cụ Hồ.
Cần kết hợp nâng cao nhận thức với nâng cao trình độ của học viên tự chuyển hóa nhận thức thành động cơ, ý chí quyết tâm, thói quen hành vi và mô thức ứng xử văn hóa. Dưới tác động có chủ đích của các chủ thể lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, giáo dục, rèn luyện học viên, bản thân mỗi học viên phải tự nỗ lực thực hiện sự chuyển hóa này. Nâng cao trình độ tự chuyển hóa này, trước hết đòi hỏi học viên phải tự chiến thắng bản thân mình để vươn lên giác ngộ chính trị, tự tìm thấy giá trị, ý nghĩa cuộc sống, hạnh phúc cá nhân trong hạnh phúc của đồng đội, của nhân dân lao động trong một dân tộc độc lập, tự do theo con đường xã hội chủ nghĩa, trong một thế giới hòa bình và phát triển tiến bộ. Học viên phải tự chuyển hóa nhận thức thành mong muốn, quyết tâm và hành động học tập, rèn luyện theo chuẩn mực nhân cách bộ đội cụ Hồ.
Biện pháp có tính cơ bản, xuyên suốt là mỗi học viên phải tích cực, kiên trì vận dụng những chuẩn mực GTVHDT và những chuẩn mực về phẩm chất bộ đội cụ Hồ vào rèn luyện bản thân trong thực tiễn hoạt động quân sự ở mọi lúc, mọi nơi, từ sinh hoạt đời thường đến chấp hành kỷ luật, thực hiện nề nếp chính quy; từ học tập, huấn luyện đến sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu; từ rèn luyện tác phong quân nhân đến rèn luyện bản lĩnh chính trị… Phải làm cho mỗi hoạt động đó trở thành những hoạt động văn hóa, tuân theo quy luật phát triển văn hóa, thấm đẫm giá trị văn hóa quân sự truyền thống, có như vậy mỗi học viên mới tự chuyển hóa nhận thức thành thói quen, hành vi và mô thức ứng xử văn hóa chuẩn mực, từ đó trực tiếp xây dựng, hoàn thiện và phát triển nhân cách, đáp ứng ngày càng cao của mục tiêu, yêu cầu giáo dục đào tạo sĩ quan trong quân đội hiện nay.
_____________
Tài liệu tham khảo
1. Văn Đức Thanh, Về xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.
2. Nguyễn Văn Huyên, Hoạt động sáng tạo là quá trình phát triển và tự hoàn thiện nhân cách, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
3. Trần Văn Giàu, Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb TP.HCM, 1993.
4. Đỗ Huy, Xây dựng môi trường văn hóa ở nước ta hiện nay từ góc nhìn giá trị học, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.
5. Những vấn đề cơ bản về giữ vững và phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009.
6. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.55.
Tác giả: Nguyễn Tuấn Lê
Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng