Tục thờ tứ vị thánh nương là một trường hợp độc đáo trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, phản ánh tâm thức của người Việt về một nữ thần ngoài nước du nhập vào Việt Nam. Đền Cờn ở xã Quỳnh Phương huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An được xác định là điểm phát tích thờ tứ vị thánh nương và sau đó nơi đây đã phát triển trở thành một trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu lớn nhất, một trong bốn nơi ở Nghệ An (đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng) và của cả khu vực Bắc miền Trung. Hiện tượng thờ tứ vị thánh nương không chỉ dừng ở nơi ban đầu mà còn được khuếch tán, lan tỏa thờ phụng ở hàng trăm nơi (riêng Thanh Hóa có tới 81 nơi thờ) ven biển, ven sông vùng Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ. Một câu hỏi lý thú đặt ra là vì sao tứ vị thánh nương lại được thờ ở đền Cờn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An và sau đó lại được thờ rộng rãi đến vậy ở Việt Nam. Chúng ta đều biết nhân vật trung tâm trong tứ vị thánh nương liên quan tới một nhân vật lịch sử nổi tiếng dưới thời Nam Tống ở Trung Quốc. Dựa vào sử liệu Trung Quốc, tác giả Long Bằng (người Trung Quốc) đã ghi lại giai đoạn lịch sử bi tráng liên quan đến Dương Thái Hậu như sau: “Năm 1276, kinh đô Lâm An của nhà Nam Tống rơi vào tay quân đội Mông Cổ, vua nhà Tống là Tống Cung Tông cũng bị bắt làm tù binh. Dương Thục phi (phi tử của Tống Độ Tông) đưa hai hoàng tử bé là Triệu Thị, Triệu Bính chạy về phía Nam qua đường biển, cùng những văn thần, võ tướng tiếp tục bất khuất chống Nguyên… Dương Thái hậu biết tin Đế Bính đã chết, bèn khóc than rằng: “Ta từ ngàn dặm xa xôi đến đây, cũng là vì cốt nhục của nhà Triệu, hôm nay chết rồi, ta còn sống được nữa ư?”. Nói rồi cũng nhảy xuống biển tự tử. Hôm sau trên biển nổi lên hơn 100 nghìn thi thể. Nhà Nam Tống bị diệt vong”(1). Cuộc huyết chiến giữa quân Nguyên và quân Nam Tống ngoài cửa biển Nhai Môn, kết cục là quân Nam Tống đại bại, hoàng hậu và vua phải chịu cái chết bi thảm, gieo mình xuống biển tự vẫn. Và theo tôi, có thể chính trong trận hải chiến ấy, một bộ phận quân lính còn sót lại trên các chiến thuyền nhà Nam Tống thoái lui ra biển, không còn cơ hội để họ trở lại quê hương bản xứ khi họ nằm trong đối tượng bị nhà Nguyên lùng sục truy sát, họ chỉ còn cách tìm sang nước khác để tỵ nạn. Một giả thuyết nữa là có thể sau khi triều Nam Tống sụp đổ, một số quan quân trung thành với triều Nam Tống, họ nằm trong diện bị triều Nguyên bắt bớ, chính vì lẽ đó họ buộc phải mai danh ẩn tích, tìm cách đưa người thân vượt biển tỵ nạn ở Quỳnh Lưu Việt Nam. Chúng tôi có dịp tiếp xúc với một số thương nhân Nghệ An giao thương với Trung Quốc, họ cho biết rằng con đường biển Quảng Đông, Trung Quốc sang miền Trung Việt Nam, đoạn đường gần và thuận buồm xuôi gió nhất chính là đến vùng cửa biển Nghệ An. Phải chăng vì yếu tố địa lý này mà quan quân dưới triều Nam Tống bại trận đã dong thuyền chạy sang cửa biển Càn Hải ở Quỳnh Lưu, Nghệ An để tỵ nạn. Khi đó, người dân đất Việt đã rộng lòng cưu mang họ, giúp họ ổn định cuộc sống, kiếm kế sinh nhai và sau này con cháu họ còn tham gia cùng quân dân nhà Trần chống lại quân Nguyên xâm lược (2). Bộ phận người Hoa đến Quỳnh Lưu có thể sau này họ lại tìm đường, theo thuyền của ngư dân trở về cố quốc hoặc tìm đến nơi khác ở Việt Nam dễ sinh sống hơn. Và cũng có thể bộ phận người Hoa đến đây số lượng không lớn, nhiều thế kỷ trôi qua họ đã bị Việt hóa thành cư dân địa phương. Có điều cần khẳng định rằng, những người Hoa đến đất Quỳnh Lưu họ một lòng trung quân ái quốc, cái chết bi thương của mẹ con vua tạo cho họ một cảm xúc mạnh mẽ về một triều đại từng ghi dấu ấn trong lịch sử Trung Quốc, về thân phận của bậc đế vương, hoàng thái hậu trong cảnh chiến tranh, loạn lạc. Vì lẽ đó, họ đã dựng đền thờ ở đất khách quê người, lúc bấy giờ nhỏ thôi, nhưng đó là điểm tựa tinh thần cố kết người Hoa cực chẳng đã phải dời bỏ tổ quốc sống nương nhờ nơi đất khách. Vào thời Lý, vùng đền Cờn là một thị tứ cửa biển sầm uất trên bến dưới thuyền. Đây là cửa biển hoàn hảo cho những người làm nghề đi biển. Một con sông lớn (sông Mai) từ đất liền chạy ngang trước cửa đền và đổ nước ra biển, sau đền là bờ biển, là chỗ trú tuyệt vời cho những con thuyền đi biển. Đền nằm trên dải núi đất cao và bằng, trông ra sông, là nơi thuận lợi cho họp chợ, trao đổi các sản phẩm từ nghề biển đưa đi các vùng. Đây là chặng dừng chân lý tưởng trên hành trình đi biển tuyến từ Bắc vào Nam và ngược lại. Điều đáng bàn ở đây là đền thờ tứ vị thánh nương, thuở ban đầu vốn xuất phát từ tình cảm thương xót của người sống đối với thân phận bi thương của bậc đế vương, hoàng thái hậu trước biến đổi của thời cuộc, vị thần thờ chưa mang chức năng tâm linh lớn đối với người dân trong vùng. Nhưng sau sự kiện vua Trần Anh Tông thân chinh cầm quân đi đánh Chiêm Thành, có nghỉ chân ở cửa biển Càn Hải huyện Quỳnh Lưu, tương truyền được Dương Thái Hậu báo mộng và vua cho tế lễ ở đền để cầu phù trợ được linh nghiệm, nhờ vậy mà đền ngày một thiêng hóa. Đại Việt sử ký toàn thư chép về sự kiện này như sau: “(Hưng Long) năm thứ 19 (1311)… Mùa đông, tháng 12, vua thân đi đánh Chiêm Thành, vì chúa nước ấy là Chế Chí phản trắc… (Hưng Long) năm thứ 20 (1312)… Mùa hạ, tháng 5, dụ bắt được chúa Chiêm Thành Chế Chí đem về… Tháng 6, vua từ Chiêm Thành về (đến kinh đô)… Lập đền thờ thần ở cửa biển Cần Hải. Trước đây, vua đi đánh Chiêm Thành, đến cửa biển Cần Hải (trước là Càn, tránh tên húy đổi là Cần), đóng quân lại, đêm nằm mơ thấy một thần nữ khóc lóc nói với vua: “Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp phải sóng gió, trôi giạt đến đây. Thượng đế phong thiếp làm thần biển đã lâu. Nay bệ hạ mang quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công”. Tỉnh dậy, vua cho gọi các bô lão tới hỏi sự thực, cho tế, rồi lên đường. Biển vì thế không nổi sóng. (Quân vua) tiến thẳng tới thành Đồ Bàn, bắt được (chúa Chiêm) đem về. Đến nay, sai hữu ty lập đền, bốn mùa cúng tế”(3). Trong xã hội phong kiến khi con người vẫn còn bị chi phối mạnh bởi đức tin ở lực lượng siêu nhiên (thánh, thần, phật, mẫu…) thì việc hành lễ ở đền thờ tứ vị thánh nương là thường tình và là một biện pháp chính trị khôn ngoan. Qua câu chuyện về giấc mơ của nhà vua, nhà vua muốn truyền thông điệp đến các tướng lĩnh, quân binh rằng chuyến chinh phạt này không những được bách thần trong nước phù trợ mà còn được cả các vị thần đế vương, hoàng thái hậu ngoài nước trợ giúp, tất sẽ giành chiến thắng. Điều ấy có giá trị như một sức mạnh tinh thần cổ vũ tướng sĩ dấn thân vào trận. Kết cục, cuộc chinh phạt đã đạt được mục tiêu nhà vua đặt ra. Và việc xét thưởng công trạng, trong đó có cả ân thưởng những vị thần phù trợ cho cuộc chiến thành công, cũng là một biện pháp khôn ngoan của vua chúa dưới thời phong kiến quan tâm quản lý cả các vị thần mà thực chất qua đó nhằm tăng uy quyền nhà vua và lấy lòng tin ở dân chúng. Đền thờ tứ vị thánh nương được nhà nước phong kiến trung ương ban tặng sắc phong ghi nhận công trạng “Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương”, cấp tiền bạc sửa sang, xây dựng khang trang, nhờ đó mà danh tính của vị thần thờ trở nên linh thiêng trong tâm thức của người dân. Một chi tiết rất đáng quan tâm là trong giấc mơ của nhà vua, Dương Thái Hậu nhà Nam Tống cho vua biết rằng: “Thượng đế phong thiếp làm thần biển đã lâu”. Trong tín ngưỡng của người đi biển, cá voi còn gọi là Ngư Ông là vị ân nhân, vật cứu hộ, phúc thần của dân đi biển. Đền Cờn/càn thực chất thuở xa xưa, thoạt kỳ thủy là nơi thờ cá, nhất là cá voi, một tín ngưỡng thờ cá của cư dân sông nước, cư dân biển, sau có sự phối thờ các vị nhân thần và các nhân thần ấy đã dần giữ vị trí trung tâm làm mờ đi lớp tín ngưỡng thuở ban đầu. Sau này ở thời đại phong kiến một số nhân thần được tấn phong là vị thần phù trợ cho người đi biển như Nguyễn Phục, Đỗ Hoàng Giáp niên hiệu Thái Hòa 2 (1453) thời Lê Nhân Tông, giữ chức Tham chính sứ xứ Thanh Hóa. Khi vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, ông được giao việc đốc vận quân lương, vì gặp bão, chậm trễ kỳ hạn nên bị xử tội theo quân pháp. Biết ông chết oan, dân chúng dọc bờ biển từ Thanh Hóa đến Quảng Nam nhiều nơi lập đền thờ. Sau đó, triều đình phong kiến phong Nguyễn Phục là Nam Hải đại vương, vị phúc thần của dân đi biển. Ở Trung Quốc có một vị thần phù trợ cho người đi biển là Lâm Mặc, tức Ma Tổ, sau này là Thiên Hậu. Ma Tổ: “Đó chính là một vị thần hàng hải được thờ ở rất nhiều nơi trên lãnh thổ Trung Quốc và những nơi có người Hoa sinh sống trên thế giới. Bà được các triều đại từ Tống, Nguyên đến Minh, Thanh công nhận và phong cho nhiều tước. Sự tích của bà được nhiều sách Trung Quốc bàn tới: bà xuất thân từ một nhân vật có thật năm 960, dưới triều Bắc Tống, tại Phúc Kiến, bà được tin là người có khả năng siêu nhiên bởi việc đã cứu các anh trai đang đi buôn bán trên biển bị gặp sóng dữ. Bà chết trẻ, tương truyền được trời đón về, sau nhờ việc bà hiển linh cứu vị quan đời Tống (1123) mà bà được phong là phu nhân. Sau đó, bà còn hiển linh bắt cướp biển (1192) nên được phong là Thánh phi đời Tống. Đời Minh bà được biết đến dưới cái tên là Thiên phi và đến đời Thanh là Thiên hậu”(4). Những người sống ở vùng biển Việt Nam hơn ai hết trong quá trình giao lưu với ngư dân Trung Quốc đều biết Thiên Hậu là vị thần phù trợ cho người đi biển nhưng họ lại không du nhập vị thần này vào thành vị phúc thần phù trợ cho người đi biển Việt Nam. Ở Trung Quốc, theo tác giả Long Bằng, phải đến năm Thánh Hóa thứ 5 nhà Minh (1469), triều Minh mới công khai cho xây dựng đền, miếu tưởng niệm các nhân vật nhà Nam Tống tại di tích Tống cung Nhai Sơn. Năm Hồng Trị thứ 4 nhà Minh (1491) xây miếu Tử Nguyên, còn gọi là miếu Toàn Tiết, người dân gọi là điện Quốc Mẫu để thờ Dương Thái Hậu ghi nhận danh tính, chức phận và đức hạnh giữ trọn phẩm tiết của Hoàng Thái Hậu nhà Nam Tống và người Trung Quốc từ đó đến nay không quan niệm bà là vị thần biển. Như vậy, tục thờ tứ vị thánh nương ở đền Cờn huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An ban đầu xuất phát từ chủ nghĩa nhân đạo cao cả của người Việt, chia sẻ, tưởng niệm thân phận của những người gặp bất hạnh trong cuộc đời và khi có nhân duyên vị thần đó được triều đình phong kiến trung ương quan tâm, người dân đã thiêng hóa, trao cho vị thần đó những chức năng mới xứng với tầm vóc của một vị thần giúp nước hộ dân. Đối với cư dân ở vùng ven biển Quỳnh Lưu, sống chủ yếu bằng nghề đi biển, tứ vị thánh nương một khi đã được người dân thiêng hóa không thể ra ngoài quy luật trở thành vị phúc thần của dân mà trước hết là vị thần phù trợ cho người đi biển là ngư dân và thương nhân để giúp họ mưu sinh, tránh được sự rủi ro, bất trắc, bất an trong cuộc sống. Một câu hỏi đặt ra là tại sao lại có tên gọi tứ vị thánh nương? Chính sử Trung Quốc có nói tới 4 nhân vật quan trọng chết bi thương sau khi quân Mông Cổ (Nguyên) đánh nhà Nam Tống. Đó là Triệu Thị (Tống Đoan Tông) con của Dương Thục Phi/Dương Thái Hậu chết trên đường chạy giặc; Thừa tướng Lục Tú Phu ở vào thế cùng đã ôm Triệu Bính (Tống Đế Bính) con một thứ phi của vua Tống, mới 8 tuổi nhảy xuống biển tự vẫn; là Dương Thái Hậu nhảy xuống biển tự vẫn. Phải chăng thuở ban đầu đền thờ ở cửa biển Quỳnh Lưu dựng nên là để tưởng niệm 4 gương tiết nghĩa nói trên. Sau đó theo tâm thức của dân Việt trọng âm, đề cao mẫu nên đã hòa đồng cả 4 nhân vật trên trở thành các nữ thần với nhiều truyền thuyết khác nhau giải thích về 4 nữ thần trên (hiện tượng này đã từng xuất hiện trong lịch sử du nhập tôn giáo của người Việt khi Phật Thích Ca Mâu Ni ở Ấn Độ là nam nhưng sang Việt Nam lại chuyển thành phật bà). Có truyền thuyết nói 4 mẹ con Dương Thái Hậu, lại có truyền thuyết cho rằng đó là 3 mẹ con Dương Thái Hậu và một vị sư hoặc bảo mẫu. Tuy cách giải thích khác nhau mang đậm chất dân gian nhưng các truyền thuyết vẫn giữ được cốt lõi của câu chuyện lấy Dương Thái Hậu là nhân vật trung tâm và cả 4 nhân vật đều chết bi thương và họ đều trở thành phúc thần của dân. Từ thời Trần Anh Tông về sau, đền Cờn trở thành một điểm tâm linh nổi tiếng ở khu vực miền Trung. Cũng từ đó tứ vị thánh nương ở đền Cờn ngày một thiêng trong tâm thức người dân, có sức lan tỏa, được dân chúng ngưỡng mộ, lập đền thờ ở nhiều nơi và có thêm những chức năng mới. Ví dụ: đền Lộ, thôn Đại Lộ, xã Ninh Sở (Hà Nội) là một điểm thờ tứ vị thánh nương. Thần tích, bia ký và truyền thuyết lưu truyền ở đền Lộ đều thừa nhận sự tích về tứ vị thánh nương có cốt lõi như ở đền Cờn, Quỳnh Lưu, Nghệ An và có thêm những tình tiết được giải thích cho phù hợp với đặc điểm của địa phương. Vì duyên cớ gì lại xuất hiện điểm thờ Tứ Vị thánh nương ở đền Lộ cách kinh đô hơn 10km. Dựa vào sử sách, chúng ta biết rằng, thời nhà Trần và đầu thời kỳ Hậu Lê, vùng kẻ Sở, kẻ Mễ (Hà Nội) ở hữu ngạn sông Hồng còn Đa Hòa, Dạ Trạch (Hưng Yên) bên tả ngạn sông Hồng, giữa sông có bãi Tự Nhiên mà theo chuyện Nhất dạ trạch trong Lĩnh Nam chích quái nơi đây một thời đông vui “phú thương ngoại quốc tới buôn bán tấp nập, thờ Tiên Dung, Đồng Tử làm chúa” với phố xá Xâm Thị/ chợ Thám (chợ Hà Lương). Bấy giờ, nhà nước phong kiến quy định thuyền buôn ngoại quốc và thuyền buôn các vùng trong cả nước về trao đổi hàng hóa ở vùng kẻ chợ/kinh đô phải dừng ở vùng này, cách Thăng Long hơn 10 km để đảm bảo an ninh. Chính các thương nhân ở vùng ven biển Nghệ An ra kinh đô Thăng Long trao đổi hàng hóa ở vùng kẻ Sở, kẻ Mễ đã lập đền thờ tứ vị thánh nương ở bến thuyền Kẻ Sở bên bờ sông Hồng. Sau đó, triều đình phong kiến thời Lê – Trịnh đưa ra quy định mới là các thuyền buôn đến Thăng Long – Đông Đô phải dừng tận phố Hiến (Hưng Yên) cách Hà Nội trên 30 km đường thủy và chỉ được di chuyển thuyền nhỏ vào kinh đô. Kể từ đó, đền Lộ thờ tứ vị thánh nương vị phúc thần phù trợ cho dân đi biển mất dần vai trò. Tuy nhiên do sự linh thiêng vốn có trong lịch sử và tâm thức người dân của các nữ thần nên tứ vị thánh nương đã nhanh chóng chuyển chức năng tham dự vào hệ thống thờ Mẫu bản địa của Việt Nam và đền Lộ là điểm tín ngưỡng thờ mẫu kết hợp mẫu tứ phủ (Mẫu Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Liễu Hạnh) với mẫu tứ vị thánh nương trong không gian nơi thờ tự với những sinh hoạt văn hóa đậm màu sắc saman giáo ở nơi đây. Điều lý thú là tuy chức năng vị phúc thần biển của Mẫu tứ vị thánh nương ở đền Lộ bị phai nhạt nhưng lại được thay bằng chức năng mới, đó là chức năng của vị phúc thần nông nghiệp mà ở đồng bằng sông Hồng, trước nhất là giúp dân trị thủy bảo vệ mùa màng. Truyền thuyết ở đền Lộ kể rằng: “Xưa kia, một năm nước lớn, quãng đê ở làng Đại Lộ bị vỡ, quan triều đình hô hào dân trong vùng ra đắp chặn dòng nước lũ nhưng không cản nổi dòng nước chảy xiết bèn lập đàn tế lễ xin bách thần phù trợ, bỗng thấy có 2 con rắn trắng nổi lên giữa dòng nước xoáy, đồng thời có bốn cái nón trôi vào, trong mỗi nón có một niêu đất, một cái bát và một đôi đũa, không chìm, không trôi theo dòng nước mà cứ quẩn lại, ngăn nước, nước hẹp dần dân mới đắp lại đoạn đê bị vỡ. Đấy là vong linh của tứ vị thánh nương ứng nghiệm giúp chặn dòng nước, dân làng thấy thế lập đền thờ”. Tóm lại, tục thờ tứ vị thánh nương đã thể hiện sâu sắc chủ nghĩa nhân đạo, thái độ ứng xử không kỳ thị đối với các nữ thần ngoại nhập trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt, phản ánh sự bao dung, hòa đồng, đề cao giá trị tâm linh hộ quốc giúp dân của các vị thần trong tâm thức dân gian của dân tộc Việt. ______________ 1. Long Bằng, Truyền thuyết và lễ hội về tứ vị thánh nương ở đền Lộ (Hà Nội) qua đối sánh với truyền thuyết và lễ hội về Dương Thái Hậu ở điện Quốc Mẫu (Giang Môn, Trung Quốc), luận văn cao học chuyên ngành văn học lưu tại Thư viện Khoa Văn, Trường Đại học KHXH &NV Hà Nội, 2012. 2. Xem: Trần Thị An Tìm hiểu sự hình thành truyền thuyết tứ vị thánh nương (qua các nguồn thư tịch, truyền thuyết dân gian và tục thờ cúng) trong Kỷ yếu hội thảo khoa học Lễ hội đền Cờn, tục thờ tứ vị thánh nương với văn hóa biển ở Việt Nam, Nxb Nghệ An, 2010, tr. 37. 3. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985, tr.96, 97. 4. Henri Maspero, Đạo giáo và các tôn giáo của Trung Quốc, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000, tr.258.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 – 2018
Tác giả : NGUYỄN HỮU THỨC
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%