Hàng năm, cứ từ ngày 27 đến 29-8 âm lịch, tại khu di tích đền thờ Nguyễn Trung Trực, Rạch Giá, Kiên Giang lại tổ chức lễ hội, nhằm tưởng niệm vị anh hùng dân tộc đã có công đáng giặc, giữ nước trong những ngày chống Pháp. Đây không phải là ngày mất hay ngày sinh mà là ngày nhân dân làm lễ tưởng niệm, ghi tạc công ơn ông. Lễ hội bắt nguồn từ đám giỗ trong phạm vi một nhóm người nhỏ ở thôn, ấp, đến nay đã phát triển thành lễ hội lớn trong tỉnh, có giá trị toàn khu vực, mang đậm nét văn hóa dân gian đặc sắc vùng đồng bằng sông nước. Bài nghiên cứu này nhằm miêu tả, làm rõ về lễ hội, để thấy được những giá trị văn hóa tâm linh đối với người dân nơi đây.
Nhân vật thờ tự Nguyễn Trung Trực, tên thật là Nguyễn Văn Lịch, sinh năm 1838 tại Bình Nhật, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Bình Đức, Bến Lức, Long An). Ông trưởng thành đúng lúc lịch sử nước nhà bước vào giai đoạn ngặt nghèo, bi thảm nhất. Vận mệnh của dân tộc ngàn cân treo sợi tóc, kẻ thù là bọn thực dân cướp nước phương Tây có thế lực hùng mạnh, trang bị hiện đại. Ngay từ khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, Nguyễn Trung Trực đã tham gia vào việc phòng thủ, bảo vệ đồn Chí Hòa dưới quyền của lãnh binh Trương Định. Tháng 12 – 1861, trước phong trào nổi dậy của nhân dân 3 tỉnh miền Đông, Pháp đã khủng bố dã man. Thời gian này, Nguyễn Trung Trực chiến đấu trong hàng ngũ nghĩa quân phía Tân An, bảo vệ vùng Gò Công, địa bàn chính của nghĩa quân là vùng Bến Lức dọc theo sông Vàm Cỏ Đông. Ngày 10-12-1861, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân lập nên chiến công vang dội, đốt cháy tàu Espérance trên vàm Nhật Tảo, làm cho địch thiệt mạng 17 tên. Sau chiến thắng này, hàng loạt cuộc tấn công khác đánh vào tàu địch liên tiếp nổ ra ở Bến Lức, sông Trà… làm cho lực lượng hải quân Pháp lúng túng, bị động thấy rõ. Sau chiến công Nhật Tảo, Nguyễn Trung Trực ra Huế nhận chức quản cơ do triều đình phong tặng. Theo chế độ phẩm trật quan lại thời Tự Đức thì đây là bậc võ quan được xếp vào hàng chánh tứ phẩm. Ngày 20-6-1867, Pháp chiếm Vĩnh Long, Châu Đốc, An Giang, Hà Tiên. Lúc này, Nguyễn Trung Trực lùi về Hòn Chông, cùng một số nghĩa quân xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị lực lượng, chờ thời cơ tấn công địch. Ngày 16-6-1868, ông chỉ huy nghĩa quân kết hợp với nội ứng tấn công đồn Rạch Giá, tiêu diệt tất cả giặc Pháp, lính tay sai giữ đồn, phóng hỏa đốt cháy đồn. Ngày 19-9-1868, tên quan tư của Pháp, tên đội trưởng, 125 lính mã tấn công Hàm Ninh. Bọn giặc gọi thêm viện binh, tấn công Dương Đông, Phú Đông, An Thái, Phước Lộc. Trong khi vợ con qua đời, nhân dân thì bị khảo tra, tàn sát dã man, nghĩa quân bị núng thế, thuốc súng không còn, thế giặc lại mạnh, ông vẫn quyết định chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Ông đã hạ lệnh tập trung hết nghĩa quân lại, kêu gọi đánh trận cuối. Trong trận này, chỉ có một số nghĩa quân được tuyển chọn. Trước khi ra trận, ông đã quyết định hủy bỏ toàn bộ ghe thuyền, cất giấu tất cả vũ khí. Ông gọi riêng Ngô Văn Soạn, cận vệ thân cận nhất để giao ấn kiếm, bảo vệ căn cứ. Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt tại vùng căn cứ, kéo dài qua cánh đồng tràm đến bãi Ông Lang. Trên đường rút lui, ông cố tình chạy về hướng Dương Đông để xa dần vùng căn cứ. Qua trận chiến đấu ác liệc, ông bị thương, ngất đi, không may ông bị sa vào tay giặc. Chúng cấp tốc đưa ông về Dương Đông, sau đó rút quân. Giặc Pháp đưa ông ra Rạch Giá, lên Sài Gòn bằng tàu Hải Âu, suốt một chặng đường dài hơn một ngày đêm, Huỳnh Công Tấn cố hết sức khuyên ông theo Pháp để hưởng chức tước lợi lộc, nhưng ông từ chối. Đến Sài Gòn, Nguyễn Trung Trực bị giam tại khám lớn. Trong cuộc thẩm vấn, ông đã nói một câu mà sau được coi như chân lý: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”. Đô đốc Nam Kỳ bấy giờ là Ohie thấy không thuyết phục được Nguyễn Trung Trực theo Pháp nên đã tuyên án xử tử ông cùng một số nghĩa quân khác, bản án được thi hành tại Rạch Giá. Không gian thờ tự Đền thờ Nguyễn Trung Trực nằm ở phía tây của trung tâm thị xã Rạch Giá, trên đường Nguyễn Công Trứ. Mặt đền quay ra cửa biển, cách biển khoảng 100m. Đền Nguyễn Trung Trực cũng trải qua nhiều thăng trầm. Năm 1869, đền chỉ là ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, mái lợp lá, do người dân chài dựng lên để thờ thần Nam Hải. Qua nhiều lần sửa chữa, mở rộng vào các năm 1881, 1964, 1970 ngôi đền đã khang trang hơn. Ngôi đền hiện nay được khởi công xây dựng với toàn bộ kinh phí do nhân dân đóng góp. Đền Nguyễn Trung Trực được xây dựng theo kiểu chữ tam, gồm có chánh điện, đông lang, tây lang. Cột kèo bằng bê tông, mái lợp ngói. Cổng đền có ba cửa (dạng cổng tam quan). Trước cửa chánh điện có một lư hương bằng đá. Ngày 15-9-2000, nhân dân đã thỉnh tượng cụ trước nhà lồng chợ Rạch Giá cũ về an vị trước cửa chánh điện, trên nóc mái đền được trang trí cảnh lưỡng long tranh trân châu, các góc mái đắp hình cúc tần cách điệu, hình rồng. Tất cả các mảnh phù điêu trên được làm bằng xi măng cẩn những mảng gốm nhiều màu rất đẹp, cửa đình có hai cột đắp nổi hình rồng uốn lượn từ dưới lên quấn quanh cột, biểu tượng có uy quyền, sức mạnh. Trong đền có 10 cây cột bằng bê tông, mỗi cột có chân đế hình bát giác, phía trên hình bát giác có đắp nổi hai lớp cánh sen. Phần bày trí thờ trong chánh điện có rất nhiều bài vị thờ, phía ngoài là bài vị chánh soái đại càn, di ảnh Nguyễn Trung Trực, chư vị hội đồng trăm quan cựu thần, thờ tiền hiền, đồng bào nghĩa quân liệt sĩ. Phía trong có ba ngai thờ chính của đền, chính giữa là ngai thờ của Nguyễn Trung Trực, bên trái là ngai thờ Cụ phó cơ Nguyễn Hiền Điều, phó lãnh binh Lâm Quang Ky, bên phải là ngai thờ thần Nam Hải đại tướng quân. Đứng sát đất trước ngai thờ Nguyễn Trung Trực là tượng hai con hạc cưỡi rùa, mỗi con cao khoảng 2,5m, miệng ngậm chuỗi hạt. Trên nóc đền có bức hoành phi có ghi 4 chữ anh khí như hồng, có nghĩa là khí tiết của người anh hùng rực rỡ như cầu vồng bảy sắc. Nghi lễ thờ cúng Hàng năm, tại đền Nguyễn Trung Trực tổ chức 5 lễ cúng với ý nghĩa khác nhau. Thứ nhất là lễ hội cầu an, được tổ chức vào ngày 9, 10, 11 tháng giêng, ý nghĩa của lễ hội này nhằm cầu cho quốc gia thái bình, nhân dân an cư lạc nghiệp. Đến ngày 14 tháng giêng là lễ cúng ông phó cơ Nguyễn Hiền Điều. Ông mất từ thời Nhà Nguyễn, do không có đền thờ nên người dân đưa ông về thờ chung ở đây. Thứ hai là lễ cúng thần Nam Hải, được tổ chức vào ngày 5-5 âm lịch. Tương truyền, thần Nam Hải trước đây có công hộ giá vua Gia Long. Sau khi lên ngôi, Gia Long phong là thần Nam Hải Đại Tướng Quân, người dân miền biển ở nơi đây có tục lệ thờ cá ông hàng năm vào ngày này. Thứ ba là lễ cúng ông phó lãnh binh Lâm Quang Ky, được tổ chức vào ngày 12-5 âm lịch. Tương truyền, ông là phó tướng của ông Nguyễn Trung Trực, được người dân Kiên Giang thường gọi là Lê Lai miền Tây. Thứ tư là ngày giỗ Nguyễn Trung Trực, được tổ chức vào ngày 28 – 8 âm lịch. Tương truyền, ông mất vào ngày 12-9 âm lịch, nhưng do giặc Pháp cấm không cho nhân dân cúng những người chống lại chúng nên các bô lão lúc bấy giờ phải đổi ngày, duy trì cho đến tận ngày nay. Thứ năm là lễ cúng kỷ niệm ngày lập miếu, được tổ chức vào ngày 16-12 âm lịch, còn gọi là ngày lễ hạ điền. Trước đây, lễ cúng cầu an được xem là lễ cúng lớn nhất trong năm. Nhưng đến năm 1996, Nguyễn Trung Trực được Nhà nước công nhận là anh hùng dân tộc nên ngày lễ lớn nhất trong năm được chuyển sang ngày giỗ. Ngày giỗ ông cũng đã thành một lễ hội lớn nhất trong tỉnh Kiên Giang, lan truyền cả khu vực, gồm có các nghi lễ chính như lễ nghinh sắc, lễ chánh tế, lễ hậu phối. Lễ hội Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang. Ảnh Thế Hạnh Lễ nghinh sắc Từ năm 1994 trở về trước, lễ này gọi là thỉnh sắc; vì trong thời gian này, sắc thần được cất giữ tại nhà ông hội trưởng; mỗi dịp lễ hội về, ban tổ chức lễ hội làm xe hoa đến nhà ông để rước sắc thần về đình làm lễ. Năm 1994 đến nay, sắc thần được đặt tại đình, đến ngày 27-8 mang sắc ra ngoài, di chuyển một vòng quanh chợ, quanh khu dân cư gọi là đi nghinh sắc chứ không gọi là đi thỉnh sắc như trước đây nữa. Từ ngày 26-8, tất cả các ban bệ trong đền tề tựu để chuẩn bị cho những ngày lễ chính. Đến 5 giờ sáng ngày 27-8, lễ nghinh sắc bắt đầu được tiến hành. Thành phần gồm các cơ quan ban ngành, bô lão, các lực lượng vũ trang, công an, người dân, một đoàn lân. Đầu tiên là công an mở đường, tiếp đó là đoàn lân nhảy múa rồi đến đoàn nhạc lễ, xe hoa. Trên chiếc xe hoa gồm có 6 học trò lễ, 1 ông thày lễ. Hai bên chiếc xe hoa có 30 người diễu quân đóng vai lính đặc vụ, có vũ khí (lễ bộ). Cuối cùng là dân, được phân theo từng đoàn. Tất cả đều đi bộ dưới đất (trừ xe hoa rước sắc), kéo dài khoảng 1 cây số. Trang phục của những người tham gia nghinh rước sắc phụ thuộc vào từng đối tượng. Nếu là đoàn của đình chùa bạn thì mặc áo dài khăn đóng, các tôn giáo thì mặc áo vàng, đạo Hòa Hảo thì mặc áo dài nâu, đạo Cao Đài thì mặc áo trắng, các cơ quan công an thì đồng phục ngành, đội hồng kỳ chủ yếu là học sinh, võ thuật… Đội nhạc lễ phục vụ rước sắc gồm 6 người với các loại nhạc cụ như: 1 trống chầu, 1 kèn lá, 1 đàn cò, 1 bộ chập chã, 1 trống cơm. Trong quá trình tổ chức lễ rước, ban nhạc thường hòa bài nam xuân, tiếp giá… Khi đoàn rước đi một vòng về đến cổng đền, ông trưởng ban nghi lễ hô lớn: nhạc sanh khởi nhạc, nghinh thần nhập điện. Ở phía trong đền, ban nhạc hòa bài tiếp giá, rước nghinh thần vào đền. Lúc này, ông trưởng ban nghi lễ bê ông thần vào đặt ở bàn thờ lớn, làm lễ an vị cho thần là xong lễ rước. Lễ chánh tế Còn gọi là lễ đoàn cả, có ý nghĩa tế tất cả các vị chư thần, được xem là rất quan trọng. Ngày 28-8, trưởng ban, phó ban tề tựu đứng hai bên chánh điện, sắp xếp các ban bệ, nam tả, nữ hữu. Khi vào lễ chính thức, ông trưởng ban nghi lễ cất giọng hô: nhạc sinh khởi nhạc, nhằm nghinh đón các lễ sinh vào chánh điện để làm lễ. Lúc này, ban nhạc với bộ trống phụ hòa bài phổ bắc cấu (chưa có trống lớn cùng thực hiện). Đây mới chỉ là chi tiết báo cho học trò lễ bước vào chánh điện, vái lạy, trở về đúng vị trí. Ông trưởng ban nghi lễ hô: củ soát tế vật, đội học trò lễ tiến lên các bàn thờ kiểm tra đồ ăn thức uống có gì thiếu để bổ sung vào. Sau khi hoàn tất nghi tiết này mới tiến hành lễ, bắt đầu khai chung môn. Lúc này, cửa chính được mở ra, có hai lễ sinh đứng sẵn rước các vị quan khách của thần vào tây thiên môn. Tiếp theo, ông trưởng ban nghi lễ hô: nhạc sinh tựu vị, nhạch sanh khởi nhạc, ban nhạc vào trước bàn thờ chánh hòa bài tiếp giá nghinh thiêng, báo với các thần biết lễ chánh tế bắt đầu. Sau khi ban nhạc tấu xong, trở về vị trí cũ, học trò lễ tiến vào diễn kiến các thần, tiến hành nghi lễ. Thứ tự là dâng tuần hương, rượu, trà, đội học trò lễ đi theo điệu bộ khom lưng, khum tay, đi nhịp nhàng theo tiếng nhạc lễ. Khi dâng tuần hương vào tới bàn thờ chánh điện, học trò lễ quỳ xuống, đốt hương, nhạc lễ khởi nhạc cho học trò lễ đứng lên, quay ra tới chân bàn thờ rồi quay trở về là xong tuần hương. Sau đó, ba ông chánh tế đứng lên an thần, mời ông thần ngồi xuống, đồng thời tổ chức lễ thành an, hành sơ hiến lễ. Tiếp theo là đến tuần rượu, đọc chúc lễ, nhằm báo cáo thành tích trong một năm cho thần nghe. Phần chúc, được để ngay bàn thờ từ trước, khi đến thời gian đọc văn tế, học trò lễ lên lấy xuống đưa cho ông chánh tế đọc, đọc xong lại đưa về vị trí cũ. Tuần rượu thứ hai là hành ha hiến lễ, tuần rượu thứ ba là hành chung hiến lễ. Xong ba tuần rượu, được xem như những vị thần này ăn uống no say rồi đến các vị thần khác có công trong đình sẽ có một tuần rượu cuối cùng là tuần ban phước, gọi là ẩm phước lễ. Học trò lễ lên thỉnh những ly rượu đã dâng lên trên bàn thờ, đi theo điệu bộ ra phát cho những người trong đình uống. Đầu tiên là ba ông chánh tế nhấp môi lấy lễ rồi chuyền ra cho những người khác trong đình, mỗi người nhấp môi một chút chứ không uống nguyên ly. Cuối cùng là dâng một tuần trà từ bên ngoài vào. Tuần trà này có hai nghĩa, nếu quỳ gối dâng trà thì có nghĩa là xin lỗi những sơ sót trong quá trình hành lễ, nếu hoàn thành tốt công việc thì được đứng. Mỗi địa phương một khác, không phải lúc nào cũng quỳ gối, mà cũng không phải lúc nào cũng đứng, tùy vào từng lễ. Sau tuần trà là đến phần phong chúc lễ. Học trò lễ lên bàn thờ lấy chúc xuống, xếp lại, đưa cho ông chánh tế. Ông chánh tế nhận lấy, vái lạy rồi hô hỏa đăng phần chúc, đưa lá chúc vào đèn cầy đốt. Sau khi đốt xong phần chúc, nếu lễ hội còn tế nữa thì ông chánh tế hô lễ thành. Nếu lễ hội đến đây kết thúc hoàn toàn thì ông chánh tế hô lễ tất, nhằm báo cho thần, các quan khách dự lễ được biết. Lễ hậu phối Là lễ cúng cơm chính thức, được tổ chức lúc 14h đến 16h, ngày 28-8 âm lịch. Các bước tiến hành nghi thức nghi lễ giống như lễ chánh tế, chỉ khác một vài chi tiết nhỏ như: không có đội nhạc sinh vào khởi nhạc trước bàn thờ chánh điện để báo cho vị thần biết, tiếp đón các vị thần về dự lễ, bài văn tế chỉ dành ca ngợi về công lao, thành tích của riêng Nguyễn Trung Trực. Hoạt động hội Tương truyền, ngày xưa có các trò chơi dân gian nổi tiếng như hát bội, tè xỉu, kéo co… do người dân trong khu vực tập trung về đây thực hiện với hình thức tự nguyện nhưng đã bị thất truyền. Khoảng 10 năm trở lại đây, hoạt động hội được Nhà nước khôi phục, tổ chức tại khu lấn biển, cách đền khoảng vài cây số. Các trò chơi dân gian, cải lương, gian hàng ẩm thực, múa lân, cây cảnh… được tổ chức linh đình từ ngày 25-8 đến 30-8 âm lịch. Dự kiến năm nay còn tổ chức lễ hội múa lân sư rồng, có khoảng 41 đoàn, trong đó có 2 đoàn từ nước ngoài về biểu diễn, thi tài. Lễ hội tưởng niệm Nguyễn Trung Trực được tổ chức từ ngày 27 đến 29-8 âm lịch hàng năm, là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh Kiên Giang, có sức lan tỏa trong toàn khu vực cũng như cả nước. Nhân vật thờ tự là nhân thần, được nhân dân tôn thờ, phong thành thần để tiếp tục được che chở, gửi gắm niềm tin của mình vào ông. Lễ hội gắn liền với di tích, với lễ cầu an có từ xa xưa. Tuy thời gian không dài như ở Bắc Bộ, song lễ hội Nguyễn Trung Trực đã gắn liền với quá trình khai hoang mở mang bờ cõi, ăn sâu vào tiềm thức của người dân, gắn liền với đời sống tâm linh, tín ngưỡng, là đời sống văn hóa tinh thần không thể thiếu được của người dân nơi đây. Lễ hội tưởng niệm ông Nguyễn Trung Trực thực sự là biểu tưởng tinh thần của người Việt trên vùng đất Tây Nam Bộ. Hàng năm, cứ vào mùa lễ hội, có hàng ngàn lượt khách thập phương về đây viếng lễ, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, làm ăn luôn thuận lợi, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 – 2018
Tác giả : TRẦN VĂN THÀNH
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%