Giải pháp hạn chế yếu tố bạo lực, phản cảm trong lễ hội


Cứ mỗi dịp xuân về, các lễ hội truyền thống lại tưng bừng mở hội ở khắp các vùng miền trên cả nước. Hiện tượng xã hội này cho thấy việc tham gia lễ hội là nhu cầu thiết yếu của người dân và tổ chức lễ hội truyền thống là một nhiệm vụ quan trọng của ngành văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những khía cạnh tích cực mà việc tổ chức lễ hội truyền thống mang lại như: tăng cường ý thức về cộng đồng, truyền thống, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, là động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương… thì vấn nạn bạo lực, phản cảm đang diễn ra tương đối nhiều ở các lễ hội truyền thống. Điều đáng nói ở đây là, ngành văn hóa và các địa phương, dù đã có nhiều biện pháp quản lý, nhưng vẫn chưa thực sự giải quyết tận gốc vấn đề có liên quan đến tình trạng này.

 

     Biểu hiện và nguyên nhân của các yếu tố bạo lực, phản cảm trong lễ hội

     Theo kết quả tra trên Google “bạo lực, phản cảm trong lễ hội”, trong 0.31 giây đã có đến 1.070 kết quả (cập nhật ngày 11-01-2019). Điều này cho thấy, đây vẫn là một trong những điểm nhức nhối trong việc tổ chức lễ hội trong những năm vừa qua. Các yếu tố bạo lực, phản cảm chủ yếu tồn tại ở các lễ hội dân gian có liên quan đến tục hiến sinh và cướp lộc. Trong báo cáo công tác tổ chức và quản lý lễ hội năm 2018, Bộ VHTTDL nêu rõ: vẫn còn xảy ra những hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội: lễ hội Làm chay tại đình Tân Xuân, Linh Phước tự, chùa Ông và chợ Tầm Vu (Châu Thành, Long An); lễ hội Đúc Bụt tại thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc); hội làng Sơn Đồng (lễ hội Giằng Bông), xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức (Hà Nội); hội Phết Hiền Quan xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ)…

     Lý giải nguyên nhân của các hiện tượng này, chúng ta có thể thấy rằng, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhiều hiện tượng bạo lực, phản cảm xảy ra trong việc tổ chức lễ hội. Các hiện tượng này có những lý do xã hội cụ thể của nó. Xét về mặt lịch sử, từ năm 1986, Đảng và Nhà nước ta thực hiện chính sách đổi mới toàn diện. Giai đoạn này đã chuyển đổi xã hội ta từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong mọi mặt đời sống của Việt Nam. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng đã lan truyền ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Xã hội chuyển đổi đã tạo nên nhiều thành tựu cho đất nước về mọi mặt nhưng những hệ lụy mà nó mang lại cũng không nhỏ. Ở bình diện quốc gia, sự chuyển đổi có thể tạo nên sự khủng hoảng kinh tế, văn hóa, xã hội. Ở bình diện cá nhân, xã hội chuyển đổi với nhiều rủi ro, bất trắc trong đời sống kinh tế, sức khỏe, bệnh tật, trong mối quan hệ với con người đã tạo nên những lo lắng, sợ hãi, thất vọng, đe dọa đến tinh thần của con người. Đó là lý do căn bản khiến cho cộng đồng và cá nhân phải tìm đến nhiều giải pháp giải thoát bản thân, trong đó có cả giải pháp tìm đến tín ngưỡng như là để cầu xin sự trợ giúp của thần linh cho sự phát triển thịnh vượng, cũng như để tìm kiếm sự bảo hiểm của thần linh cho cuộc sống đầy rủi ro về kinh tế, sức khỏe, hạnh phúc gia đình… Sự phát triển của tín ngưỡng, ở mặt tích cực, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, đúng với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, ở mặt tiêu cực, đây cũng là môi trường sản sinh ra các hiện tượng mê tín dị đoan, từ đó dẫn đến việc phục hồi các hiện tượng bạo lực, phản cảm.

     Bên cạnh đó, việc tham gia vào các lễ hội có sức hấp dẫn nhất định với nhiều người. Sức hấp dẫn của lễ hội do nó đáp ứng những nhu cầu nhất định của con người. Đó là những nhu cầu về tâm linh, giải trí, tình cảm và kinh tế. Về nhu cầu tâm linh, đây là nhu cầu xuyên suốt của con người trong mọi thời đại. Ngay cả trong xã hội hiện tại, người dân vẫn có nhu cầu hỗ trợ từ tâm linh về mặt tinh thần để họ có thêm những niềm tin, động lực thực hiện công việc của mình tốt hơn. Lễ hội với việc thờ thánh thần có thể giúp người ta một chỗ dựa như vậy. Bên cạnh đó còn có nhu cầu về giải trí và giao lưu tình cảm. Rõ ràng, nhiều người tham gia lễ hội vì theo tâm lý đám đông, đi để được vui chơi là chính. Thời gian sau Tết cũng là một thời điểm phù hợp theo truyền thống khi chúng ta cho rằng tháng Giêng là tháng ăn chơi (cho dù bây giờ thì không còn phù hợp nữa). Những với rất nhiều các lễ hội được tổ chức dồn dập trong khoảng đầu năm cũng là một sức hấp dẫn rất lớn đối với rất nhiều người. Đó có thể xem là một thói quen khó bỏ. Bên cạnh đó, một khía cạnh đóng vai trò quan trọng với việc tổ chức lễ hội bây giờ chính là kinh tế. Việc tổ chức lễ hội đã đem lại nhiều lợi nhuận cho những người tổ chức, những người có liên quan, khiến cho việc tổ chức lễ hội có thể trở thành một cách kinh doanh ở một số địa phương. Để kinh doanh thành công, họ phải tìm cách lôi kéo du khách, trong đó có những việc làm gây phản cảm cho xã hội.

 

Cần xóa bỏ những hình ảnh bạo lực tại lễ hội – ảnh từ nguồn internet

     Tóm lại, các hiện tượng bạo lực, phản cảm có cơ hội nảy sinh trong các lễ hội truyền thống hiện nay do nhiều yếu tố. Đó có thể là từ nguyên nhân khách quan như bản chất của lễ hội từ trước đến nay vốn đã là nơi diễn ra nhiều lộn xộn, “tả tơi như chơi hội”, đến những vấn đề như nhận thức của người dân chưa đầy đủ về bản chất và vai trò của lễ hội. Từ việc nhận thức chưa đúng dẫn đến hành vi chưa đúng. Từ việc quá tải của các lễ hội dẫn đến những khó khăn cho hoạt động tổ chức và quản lý lễ hội, hay do việc thương mại hóa thái quá khiến cho việc tổ chức lễ hội gặp khó khăn. Một phần quan trọng nữa là do yếu kém trong khâu tổ chức và quản lý lễ hội của các ban quản lý di tích và ban tổ chức lễ hội ở địa phương và cả các cấp cao hơn.

     Giải pháp hạn chế một số tập tục mang yếu tố bạo lực, phản cảm trong lễ hội

     Một là, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với việc tổ chức, quản lý lễ hội và việc cần thiết phải loại bỏ các yếu tố bạo lực, phản cảm trong lễ hội. Cần có sự thống nhất trong cách xác định rõ ràng thế nào là bạo lực, phản cảm, ở mức độ nào là thực hành tín ngưỡng và ở mức độ nào sẽ trở thành bạo lực, phản cảm. Những quan niệm không rạch ròi sẽ khiến cho công tác thanh tra, quản lý của ngành văn hóa khó thực thi được nhiệm vụ của mình.

     Hai là, loại bỏ yếu tố bạo lực, phản cảm bằng cách tăng cường công tác tuyên truyền. Thứ nhất, chúng ta cần sự đa dạng trong các hình thức tuyên truyền. Từ các phương tiện truyền thông đại chúng đến các phương tiện truyền thông khác; từ tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đến việc tuyên truyền thông qua các tổ chức đoàn thể, nhà trường, cơ quan đơn vị; việc làm gương của người đứng đầu cũng có thể được xem là một hình thức tuyên truyền. Thứ hai, nội dung tuyên truyền cũng cần phong phú và hấp dẫn hơn. Tuyên truyền phù hợp với các đối tượng. Thứ ba, cần phối hợp tốt hơn với các ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội để có các hình thức tuyên truyền tại chỗ phù hợp với di tích, lễ hội và đối tượng tham gia lễ hội.

     Ba là, loại bỏ yếu tố bạo lực, phản cảm bằng giám sát, kiểm tra. Công tác kiểm tra, giám sát sẽ giúp ngành văn hóa theo sát được những diễn biến đang diễn ra trong thực tiễn, vì vậy, ngành có thể có những sửa đổi về mặt văn bản. Các văn bản quản lý có tác dụng định hướng đối tượng quản lý theo những mục đích của Nhà nước, tuy nhiên, đôi khi các văn bản quản lý lại lạc hậu so với thực tiễn, có tác dụng ngược lại là làm cản trở sự phát triển xã hội, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người dân và Nhà nước. Chính vì vậy, việc giám sát hoạt động của các văn bản là một công việc rất cần thiết.

     Bốn là, loại bỏ yếu tố bạo lực, phản cảm bằng cách đào tạo và nâng cao trình độ của cán bộ quản lý văn hóa. Ngành văn hóa sẽ mở các lớp đào tạo, nâng cao nghiệp vụ về quản lý văn hóa ở cơ sở, trong đó có nội dung loại bỏ yếu tố bạo lực, phản cảm. Nội dung các lớp đào tạo quản lý văn hóa, ngoài việc trang bị những quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước, quy chế, văn bản pháp quy, ngành văn hóa sẽ nhấn mạnh đến việc tổ chức và quản lý một hiện tượng văn hóa có nhiều mục đích, huy động nguồn lực trong dân, phối hợp với các cấp, các ngành vì mục tiêu chung là phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội một cách đồng bộ.

     Năm là, có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ và đồng bộ hơn trong việc loại bỏ yếu tố bạo lực, phản cảm trong lễ hội. Nếu chúng ta chỉ nhìn các hiện tượng bạo lực, phản cảm như một hiện tượng văn hóa đơn thuần và giao phó toàn bộ công việc quản lý lễ hội cho ngành văn hóa thì các công cụ quản lý sẽ không đủ mạnh để có thể phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực của lễ hội.

     3. Kết luận

     Lễ hội truyền thống là một hiện tượng xã hội, chính vì thế, nó phản ánh những mặt tích cực, tiêu cực của xã hội trong chính hiện thực sinh động của mình. Xã hội luôn vận động và biến đổi, vì thế, lễ hội truyền thống cũng vẫn động và biến đổi theo. Các hình thức quản lý lễ hội truyền thống cần phải theo sát và điều chỉnh để việc tổ chức lễ hội được thực hiện suôn sẻ, đem lại những lợi ích cho xã hội, theo đúng bản chất tốt đẹp vốn có của lễ hội. Có những hình thức tổ chức, quản lý lễ hội truyền thống trước đây phù hợp, nhưng nay không còn phù hợp nữa, cần có sự điều chỉnh. Các hiện tượng bạo lực, phản cảm xuất hiện do sự không phù hợp giữa công tác tổ chức và công tác quản lý, do sự chuyển đổi từ cái thiêng sang cái tục ở các lễ hội, cũng vì sự mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế và lợi ích văn hóa, và nhiều lý do khác nữa. Tùy từng lễ hội cụ thể, chúng ta nên có những giải pháp phù hợp để bảo đảm lợi ích của tất cả các bên liên quan được hài hòa, từ đó, giúp lễ hội truyền thống đảm đương tốt hơn vai trò của nó trong xã hội hiện tại.

 

Tác giả: Bùi Hoài Sơn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *