Vùng núi phía Bắc nước ta là khu vực tập trung nhiều nhóm dân tộc, với những giá trị và sắc thái văn hóa riêng, làm phong phú nền văn hóa Việt Nam,góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã đạt được những thành tựu đáng kể. Các di sản văn hóa được kiểm kê, bảo quản, tôn tạo; các công trình trọng điểm về văn hóa ở nhiều tỉnh được đầu tư, trùng tu, nâng cấp; nhiều hoạt động văn hóa dân gian và lễ hội cổ truyền được duy trì, cải tiến. Bên cạnh đó, những biến đổi to lớn trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa, giao lưu và hội nhập quốc tế cũng đang tác động sâu sắc, toàn diện đến sinh hoạt văn hóa, bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có nhận thức sâu sắc, có biện pháp phù hợp sao cho vừa giữ được bản sắc, diện mạo nói riêng của văn hóa dân tộc thiểu số, vừa loại bỏ được những nhân tố đã lỗi thời, lạc hậu; khắc phục được những nhân tố đang bị các thế lực thù địch lợi dụng; hình thành, bổ sung thêm những nhân tố mới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước hiện nay. Đó cũng chính là những vấn đề đang đặt ra trong quá trình giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
1. Xung đột giữa yêu cầu giữ gìn bản sắc văn hóa và nhu cầu của đời sống thực tế
Bản sắc văn hóa là phần cốt lõi, tinh túy nhất của từng dân tộc, hình thành và định hình trong một quá trình lịch sử lâu dài với sự trường tồn của dân tộc, là kết quả của quá trình thích ứng với môi trường tự nhiên, xã hội.
Phụ nữ Hà Nhì, tỉnh Lai Châu. Ảnh Nam Huy Tuy vậy, trong sự phát triển của đời sống xã hội, cùng với những bước tiến của khoa học- kỹ thuật và đời sống kinh tế hiện nay đang đặt ra xung đột giữa yêu cầu giữ gìn bản sắc văn hóa và nhu cầu của đời sống thực tế. Chẳng hạn, để góp phần giữ gìn trang phục truyền thống của dân tộc Mông, có ý kiến đề xuất: Nhà nước, các địa phương có dân tộc Mông cư trú cần tài trợ, tái đào tạo nghề truyền thống cho các thiếu nữ Mông để họ có thể tự may thêu cho mình một bộ váy truyền thống.Thực tế cho thấy, để có được một bộ váy Mông truyền thống cần phải trải qua các công đoạn trồng lanh, dệt vải, may, thêu thủ công. Một người phụ nữMông làm miệt mài từ 6 tháng đến 1 năm mới hoàn tất một bộ váy trị giá khoảng 2-3 triệu đồng. Trong khi đó, váy in công nghiệp của Trung Quốc giá chỉ 50.000- 60.000 đồng mỗi chiếc. Sử dụng váy của Trung Quốc, người phụ nữ có nhiều thời gian hơn để làm công việc khác đem lại thu nhập cao hơn. Rõ ràng, yêu cầu giữ gìn bản sắc văn hóa ở một số lĩnh vực đang xung đột với mục tiêu giải phóng sức lao động của người phụ nữ, góp phần vào quá trình thực hiện bình đẳng giới.
Xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đổi thay mạnh mẽ về kinh tế nhờ vào chuyên canh dứa và chuối. Để phát triển vùng chuyên canh dứa, chuối, rừng Bản Lầu bị cạo trắng. Sự phát triển kinh tế của địa phương đang mâu thuẫn với việc giữ gìn bản sắc dân tộc.Hiện nay, người Mông ở Bản Lầu khó có thể thực hiện được lễ Lung Shan (cúng rừng), vì chưa chọn được địa điểm khi cả thôn, thậm chí cả vùng, giờ chẳng có nơi nào gọi là rừng và cũng không ai còn nhớ cách thức tiến hành nghi lễ.Trong tín ngưỡng đa thần của người Mông, thần là nơi ký thác niềm tin và hy vọng. Môi trường, điều kiện sống thay đổi, ngành nghề sản xuất thay đổi, dĩ nhiên là một số thần cũng không còn tồn tại. Lễ hội (chủ yếu là cúng các thần) e chừng có được bảo tồn thì cũng không còn nhiều ý nghĩa. Không gian sinh tồn, tri thức bản địa, kỹ năng sống bản địa phù hợp với đời sống lao động sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số đang bị đe dọa bởi sự lựa chọn của cuộc sống hiện đại.
2. Sắc thái văn hóa địa phương và tộc người đang có nguy cơ bị suy giảm Về biến đổi không gian làng, bản và vị trí của làng, bản. Thực hiện chủ trương của Đảng hỗ trợ xây dựng, khai thác, sử dụng có hiệu quả môi trường văn hóa và hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà nước, các địa phương miền núi phía Bắc đã đầu tư xây dựng quy hoạch các làng, bản mới theo yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Các làng, bản được xây dựng theo mô hình nông thôn mới với sự quản lý của hệ thống chính trị ở cơ sở thông qua hệ thống chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Các khu dân cư được xây dựng theo tiêu chí các mô hình văn hóa chung của cả nước với các nội dung về phát triển kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần, dân trí và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Như vậy, đời sống cộng đồng của bà con có điều kiện đểbắt nhịp cùng sự phát triển chung của đất nước. Nhưng những nét đặc thù trong cách tổ chức, quản lý truyền thống của từng làng, bản, sẽ bị hạn chế. Những nét ứng xử văn hóa, ứng xử cộng đồng, vai trò của người có uy tín (trưởng bản, trưởng tộc, trưởng họ) trong mỗi dân tộc, cộng đồng trong thiết chế xã hội truyền thống chưa tìm được sự gắn kết với hệ thống chính trị cơ sở trong việc lưu giữ và phát triển văn hóa dân tộc.
Quá trình phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tất yếu tạo ra xu thế đô thị hóa, phát triển đô thị, phát triển các cụm dân cư mới, tạo thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của khu vực nhằm mang lại điều kiện sống tốt hơn cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Một số địa phương như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã xây dựng những khu tái định cư cho đồng bào di dời, phục vụ việc xây dựng các công trình công cộng khang trang và kiên cố với hệ thống điện, đường, trường, trạm… được đầu tư đáng kể. Đồng bào các dân tộc có cơ hội hưởng lợi từ các điều kiện y tế, giáo dục, giao lưu ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, việc xây dựng như vậy là không hợp lý vì những nhà sàn mái tôn, cột bê tông với cách bài trí không phù hợp với tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số. Chẳng hạn, đồng bào Thái đặt bàn thờ tổ tiên ở góc trái của ngôi nhà nhưng ở khu tái định cư Tân Lập (Sơn La), chủ đầu tư lại thiết kế nơi đặt bàn thờ ở gian giữa nhà giống như người Kinh; những ngôi nhà được xây dựng gần kề nhau trên một vạt đất được cày ủi bằng phẳng, chia lô giống như phố của miền xuôi đã làm thay đổi không gian làng, bản thành những mảng màu kiến trúc kiểu đô thị. Mặt khác, cùng với việc chưa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quản lý, mà điều kiện giao thông thuận lợi đã vô hình chung tiếp tay cho những kẻ buôn lậu, săn bắn động vật trái phép cấu kết với người dân địa phương hủy hoại môi trường. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá trị văn hóa truyền thống của các làng, bản trong việc bảo vệ rừng, tài nguyên, môi trường nơi cư trú.Đồng thời, việc xây dựng các khu tái định cư còn phá vỡ sự cố kết cộng đồng truyền thống của đồng bào các dân tôc thiểu số. Hình thức định cư phổ biến của đồng bào các dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc là sống quần tụ thành từng bản, làng, theo từng dòng tộc với những sắc thái, bản sắc văn hóa rất riêng. Các thành viên trong bản, làng thường là anh em họ hàng trong cùng một dòng tộc, gắn kết chặt chẽ với nhau trong những sinh hoạt văn hóa, những nghi lễ, tôn giáo tín ngưỡng có tính cố kết cộng đồng. Ngoài ra, họ rất có tinh thần đoàn kết, đùm bọc, chia sẻ, giúp đỡ nhau nhất là trong hoàn cảnh khó khăn. Khi có dự án tái định cư, sự cố kết cộng đồng này bị phá vỡ. Từ một bản, làng cũ, người dân có thể bị phân tán về nhiều bản tái định cư mới. Thậm chí, trong cùng một dòng họ, nhiều gia đình chuyển cư đến những vùng khác nhau. Việc di chuyển dân đến vùng tái định cư đã phá vỡ các mối quan hệ làng bản, tính cố kết cộng đồng, dòng họ và đương nhiên cũng sẽ làm các phong tục tập quán của bà con dần dần bị thay đổi dẫn đến sự biến mất.
Trong truyền thống của các dân tộc thiểu số nói chung, các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc nói riêng, việc đặt tên các đơn vị hành chính đều gắn liền với những giá trị văn hóa dân tộc trong niềm tự hào, hoặc trong tín ngưỡng của dân tộc ấy, bằng sự đồng thuận của các cấp quản lý và nhân dân. Thực tế cho thấy hiện nay tên gọi đơn vị hành chính ở một số khu vực tái định cư còn chưa đảm bảo được, thậm chí đi ngược yêu cầu này.
Về biến đổi tri thức bản địa và không gian, môi trường văn hóa. Quá trình đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ ở vùng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, mà chủ yếu là kiến thức khoa học – kỹ thuật được truyền bá phục vụ sản xuất, đời sống, là sự thay đổi tích cực và cũng là yếu tố làm thay đổi những tri thức bản địa trong văn hóa sản xuất của bà con các dân tộc thiểu số. Những tri thức truyền thống được tiếp nhận thêm những giá trị mới, tiến bộ. Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đã biết phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn- rừng, vườn – nhà hoặc sản xuất trong những ngành nghề mới: nuôi bò sữa, trồng cà phê… rất hiệu quả, đời sống ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, cũng chính sự biến đổi đó đã làm cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng bị lệ thuộc, thụ động hơn so với truyền thống. Họ chờ đợi vốn từ nhà nước để sản xuất, họ thay thế cách ăn mặc truyền thống của dân tộc bằng cách ăn mặc của người miền xuôi (ngay cả chăn, đệm mang về nhà chồng của các cô gái Tày,Thái, Mường cũng được mua sẵn), họ chữa bệnh bằng thuốc tây; y học cổ truyền không còn được quan tâm, tri thức bản địa còn lại bị xem nhẹ. Đặc biệt, tiếng nói và chữ viết – một trong những yếu tố biểu trưng văn hóa tộc người – cũng suy giảm một cách nghiêm trọng. Để giao tiếp, họ thường vay mượn những thuật ngữ kinh tế, chính trị tiếng phổ thông, đã tạo nên một dạng ngôn ngữ pha tạp.Bên cạnh đó, diện tích rừng của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng bị thu hẹp. Điều này đã làm mất đi môi trường truyền thống và tín ngưỡng đa thần cổ sơ của đồng bào, làm đơn điệu đời sống văn hóa cộng đồng mà ở đó những sinh hoạt như lễ hội, diễn tấu cồng chiêng, mo Mường, xoè Thái… được xem như là bản sắc, là vốn quý của các dân tộc.
3.Đứt gãy giữa các thế hệ trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc vẫn còn lưu giữ được những nét cơ bản trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của dân tộc mình: truyện dân gian, những làn điệu dân ca, dân vũ vẫn tồn tại trong tâm thức, nhiều phong tục tập quán vẫn được duy trì. Nhưng điều đáng quan tâm là, những người có thể thực hiện được các sinh hoạt truyền thống đó đều đã ở độ tuổi từ 50 trở lên, thế hệ trẻ không mấy thiết tha với những giá trị văn hóa truyền thống vừa nêu. Nguyên nhân chủ yếu do đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, vì vậy, đa số thanh niên chỉ quan tâm đến vấn đề kinh tế (thậm chí không ít thanh niên trong các gia đình phải rời bỏ quê hương đi kiếm sống ở các địa phương khác), không còn thời gian quan tâm đến học tập các giá trị văn hóa từ những người lớn tuổi. Mặt khác, ở các địa bàn dân cư, sóng phát thanh, truyền hình đã đến với đồng bào với chất lượng ngày càng cao, thêm nữa, một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc do nhận được tiền đền bù di dời phục vụ việc xây dựng các công trình công cộng nên có điều kiện mua đài, tivi, đầu đĩa VCD; sinh hoạt văn hóa ngày càng mở rộng theo hướng hội nhập, tiếp nhận văn hóa hiện đại. Tuy vậy đây cũng chính là nguyên nhân làm cho một bộ phận những người trẻ tuổi tiếp cận và có tâm lý sùng bái các giá trị văn hóa ngoài cộng đồng mà thờ ơ với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.Bên cạnh đó, một số giá trị văn hóa cộng đồng (các điệu dân ca, dân vũ, các loại nhạc cụ) được đem ra biểu diễn trong không gian mới, được giao lưu với giá trị văn hóa của các dân tộc khác cũng có những thay đổi cả về âm thức và tiết tấu; sự nhận thức thế giới xung quanh của đồng bào dân tộc đã vươn ra khỏi nhận thức truyền thống nhà – làng đến nhận thức nhà – làng – nước và còn hơn nữa là ra thế giới. 4. Sự biến đổi không bình thường của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo và sự tồn tại của một số hủ tục lạc hậu Trong những năm gần đây, sự thâm nhập và phát triển của đạo Tin lành trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu sốvùng núi phía Bắc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến những giá trị văn hóa truyền thống. Không những thế, quá trình xuất hiện và phát triển của các tôn giáo này luôn gắn liền với âm mưu của các thế lực thù địch đã tạo ra không ít những xáo trộn phức tạp, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Các tôn giáo mới đã và đang làm đảo lộn trật tự xã hội truyền thống, tạo ra xói mòn và thương tổn nặng nề với các dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nó đã làm biến đổi tư tưởng, tình cảm, tâm lý trong bộ phận đồng bào theo đạo. Bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số theo các tôn giáo này đã từ bỏ tín ngưỡng truyền thống, chối bỏ một số nét văn hóa truyền thống: thờ cúng tổ tiên, thờ ma nhà, du nhập các nghi lễ lạ, gá lắp tôn giáo ngoại lai làm suy giảm văn hóa truyền thống, nhất là văn hóa phi vật thể.
Nguy cơ về sự ra đời của một đời sống tinh thần tẻ nhạt, đơn điệu, không có bản sắc đang hiện hữu. Đây chính là một thách thức đối với quá trình giữ gìn và phát huy nền tảng văn hóa tinh thần trong cộng đồng, xã hội. Với những ảnh hưởng theo chiều tiêu cực, sự tồn tại và phát triển của các tôn giáo mới ở vùng núi phía Bắc đã gây nên tình trạng chia rẽ dân tộc, phá hoại nét văn hóa đoàn kết cộng đồng truyền thống của các dân tộc thiểu số. Xã hội người Mông truyền thống tôn trọng vai trò già làng, trưởng bản, trưởng họ. Nhưng hiện nay, những người theo kẻ xấu truyền đạo trái phép đã từ bỏ nét văn hóa tâm linh truyền thống, gây mâu thuẫn, xung đột với các già làng, trưởng bản, trưởng họ. Mặt khác, vấn đề theo đạo trái phép còn tạo nên sự kỳ thị giữa người Mông với người các dân tộc khác trong vùng dẫn đến nguy cơ mất ổn định chính trị – xã hội.
Cùng với sự thâm nhập, phát triển không bình thường của đời sống tín ngưỡng tôn giáo là sự tồn tại của một số hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đang cản trở công cuộc thực hiện bình đẳng dân tộc trên lĩnh vực văn hóa. Ở một số dân tộc, các thủ tục cầu cúng, tang ma, cưới, hỏi vẫn còn rườm rà, tốn kém. Chẳng hạn, bình quân mỗi gia đình người Mông ở Than Uyên (Lào Cai) Mù Cang Chải (Yên Bái), hàng năm phải tổ chức 10 đến 15 nghi lễ cầu cúng. Nếu ốm đau nhẹ, mời thày cúng cũng phải nghỉ ít nhất 1 ngày và nhiều là cả nhà nghỉ 3 ngày, kiêng không cho người lạ vào nhà. Bình quân 1 lễ cưới, nhà trai phải nộp lễ cho nhà gái ít nhất là 1 con trâu, từ 3 đến 9 đồng bạc trắng và nhiều gạo, thịt; khách đến đám cưới phải ăn đủ 3 bữa cơm, vẫn phải nắm cơm cho đoàn đón dâu ngay cả khi nhà trai chỉ cách nhà gái 100m. Một số nơi, trong tang lễ không khâm liệm người chết vào áo quan mà để trên một chiếc cáng treo trước bàn thờ, cúng bái nhiều ngày.
Đứng trước những thực trạng xuống cấp nghiêm trọng về văn hóa như thế, càng cấp thiết có những biện pháp phù hợp, nhanh chóng để loại bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu, đồng thời giữ gìn, tiếp biến và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc,góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 377, tháng 11-2015
Tác giả : BÙI BẠCH ĐẰNG
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai