Guernica, kiệt tác hội họa


 

Từ năm 1904, danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso (1881-1973) sống chủ yếu ở Paris. Ông trải qua nhiều “mối tơ lòng”. Song người tình tâm đắc nhất là Dora Maar (1907-1997). Cha Dora là một kiến trúc sư người Séc, mẹ người Pháp. Bà qua tuổi thơ ở Achentina. Lớn lên, bà về Paris lập nghiệp, chủ yếu như một nhà nhiếp ảnh, trở thành bạn thân của nhiều nhà siêu thực, và nguồn cảm hứng của họ. Bà tôn sùng lý tưởng cộng sản, hăng hái đấu tranh cho dân nghèo và tâm niệm rằng đã là nghệ sĩ thì phải dấn thân. Mùa thu 1935, qua lời giới thiệu của bạn, nhà thơ Pháp Paul Eluard, Picasso làm quen với bà. Hóa ra bà thành thạo ngôn ngữ và văn hóa Tây Ban Nha. Quen biết rồi, bà nhiệt tình giúp ông trong nhiều việc. Ví như, do giao thiệp rộng và có uy tín, bà tìm được cho ông một xưởng vẽ ở phố Grands Augustins. Rồi bà thường làm mẫu vẽ cho ông. Tình yêu mau chóng nảy nở, dù ông đã có vợ con và bà đã có bạn tình. Cuộc “gian díu” kéo dài đến khoảng 1943. Nó thay đổi hẳn cảm quan cuộc sống và nghệ thuật của Picasso. Theo gợi ý của bà, ông chú ý đến chính trị và thời cuộc. Ông gia nhập Đảng cộng sản Pháp năm 1944. Đề tài được ông đề cập nhiều bây giờ là các sự hiện thời sự sốt dẻo. Mười năm ấy, ông sáng tạo được nhiều tác phẩm nhất và các tác phẩm cũng giàu ý nghĩa nhất.

Không có Dora Maar, Picasso không vẽ nổi Guernica, tác phẩm hội họa tiêu biểu nhất của thế kỷ XX; cũng khó thành nghệ sĩ vĩ đại nhất 100 năm vừa rồi. Guernica đã đi vào hầu như mọi từ điển bách khoa và tất cả các cuốn sách bàn về nghệ thuật. Số người ngắm nghía nó trên Internet không thể đếm xuể. Về lượng người chiêm ngưỡng tại bảo tàng thì nó đứng đầu cùng với La Joconde của Léonard de Vinci. Nó cũng là một huyền thoại tổng hợp số một như kiệt tác của danh họa Italia thế kỷ XVI. Có điều, huyền thoại Guernica bộc lộ sớm hơn. Và sự kỳ lạ của nó hẳn là độc nhất vô nhị… Quá trình sinh thành của Guernica đúng là một kỳ tích. Từ 1936, Tây Ban Nha lâm vào cuộc nội chiến giữa chính phủ do phái cộng hòa nắm giữ với phe dân tộc chủ nghĩa do Franco (1892-1975) lãnh đạo. Đầu năm 1937, chính phủ Tây Ban Nha đề nghị Picasso làm một tấm áp phích lớn để treo ở Hội chợ triển lãm quốc tế sắp khai mạc. Họa sĩ nhận lời. Picasso quá dằn vặt về hiện tình Tổ quốc. Bốn tháng trời, ông hầu như không làm được gì.

Bỗng ông nhận được một tin dữ, qua bài báo của phóng viên Anh George Lowther Steer. Ngày 26-4, máy bay Đức với sự yểm trợ của máy bay Italia, đã dội trên 30 tấn bom trong hơn 3 giờ liền xuống thành phố nhỏ Gernika (tức Guernica) thuộc xứ Basque, Tây Ban Nha. Thành phố có khoảng 7000 dân, mà 1655 người bị giết và 889 người bị thương. Guernika vốn là một trong những pháo đài kiên cố của phái cộng hòa. Phát xít Đức đang muốn tỏ rõ sức mạnh. Franco liền nhờ cậy Hitler triệt hạ pháo đài ấy. Các bức ảnh về tội ác man rợ ở Guernika cho thấy quyết tâm của Hitler “chiến thắng bằng mọi giá”, kể cả bắn giết dân thường… Picasso giận điên người. Trong ông chợt hiện hữu về chủ đề bức tranh. Ngày 1-5, ông bắt đầu lao vào vẽ các nghiên cứu và phác thảo. Dora Maar là trợ thủ đắc lực của ông. Ông vẽ xong bức phác thảo nào, bà chụp lại ngay. Sau đó, danh họa căn cứ vào ảnh để đào sâu hơn vào ý tưởng của ông. Ông vẽ phác tuần tự các biểu tượng quen thuộc trong thần thoại Tây Ban Nha mà ông từng sử dụng nhiều. Ví dụ, bò tót là sự bạo tàn mù quáng. Ngựa tượng trưng cho nhân dân. Chim bồ câu là hòa bình. Tiếp theo là các hình tượng tả thực: người phụ nữ mất con, người đàn bà sải dài bước chân chạy trốn, người đàn ông tử thương, người phụ nữ giơ cao đèn tìm kiếm gì đó hay soi đường cho con ngựa… Picasso vừa hoàn chỉnh từng chi tiết, từng bộ phận, vừa suy tính kết hợp chúng thành một tổng thể hoàn chỉnh.

Với 45 phác thảo và nhiều nghiên cứu “mãn nguyện”, ông lắp ráp các mảng đã vẽ thành bức tranh 349 x 777 cm với tên Guernica. Thoạt nhìn, bức tranh có vẻ kỳ dị, với việc xen kẽ tưởng như tùy tiện giữa vật và người. Song ấn tượng chung là sự uất hận, tiếng kêu báo động và niềm tin vào tương lai (một bông hoa nhỏ vụt mở trên mũi kiếm bị gẫy). Đương nhiên, để nắm được tư tưởng của Picasso, cần hiểu biết về lịch sử và văn hóa Tây Ban Nha, đặc biệt là vụ ném bom kinh hoàng xuống Guernika. Từ “bức họa hiện thực” vang lên lời tố cáo chiến tranh phi nghĩa và chủ nghĩa phát xít hung tàn, vang lên nỗi trăn trở về số phận của hòa bình, và sự khẳng định cuộc sống bất diệt. Huy động nhiều kiến thức về văn hóa dân tộc mình cũng như nhiều thủ pháp của chủ nghĩa lập thể mà ông là một “thủ lĩnh”, Picasso đã cống hiến cho nghệ thuật một kiệt tác có một không hai. Đáng ngạc nhiên, hầu như không học giả nào dám khẳng định hiểu hết Guernica. Ngoài cảm nhận chung vừa nói, người thưởng thức có thể phát hiện những tư tưởng mới tùy theo góc nhìn. Ví như, từ bên trái, có thể nhìn ra ít nhất năm anh hề thân thuộc với dân Tây Ban Nha, mỗi anh gợi lên một suy nghĩ. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, Picasso luôn luôn từ chối giải thích tác phẩm của mình. Guernica hoàn thành rồi, ông không nhận thù lao, mà tặng nó cho “nền cộng hòa Tây Ban Nha” kèm theo một ngân phiếu tương đương giá trị một chiếc máy bay đắt nhất thời ấy. Được trưng bày từ 4-6 tại Hội trợ triển lãm quốc tế Paris 1937, Guernica bị miệt thị hết lời, nhưng cũng được trầm trồ khẳng định là một kiệt tác hiếm hoi…

Sau Hội trợ triển lãm quốc tế, thể theo nguyện vọng Picasso, Guernica ở lại Pháp. Năm sau, cũng nhằm thu tiền ủng hộ người Tây Ban Nha tị nạn, Guernica được chuyển sang triển lãm ở Anh. Năm 1939, nó lên tàu sang Mỹ. Suốt từ bấy, nó ở lại và đã chu du 32 chuyến khắp Hoa Kỳ. Cuối những năm 1960, chính phủ Franco nhiều lần muốn nhận lại Guernica. Nhưng Picasso chỉ cho nó chỉ trở về Tây Ban Nha khi chế độ cộng hòa được khôi phục. Franco chết năm 1975. Nhưng mãi 25-10-1981, Guernica mới được hồi hương. Từ đó, một cuộc chiến mới nổ ra. Chính phủ tự trị xứ Basque không ngớt đòi quyền sở hữu bức tranh. Cuộc chiến đặc biệt quyết liệt từ đầu năm nay, nhân kỷ niệm 70 năm vụ ném bom diệt chủng Guernika. Từ ngày 26-4 đến giờ, lễ kỷ niệm và triển lãm liên tiếp được tổ chức ở Guernika (với đại diện các thành phố bị tàn phá nặng trong Đại chiến II trên toàn cầu), ở nhiều địa điểm Tây Ban Nha và thế giới, kể cả CHLB Đức. Do tiếng vang của Guernica, năm 1996, chính phủ Đức đã lên tiếng xin lỗi nhân dân Tây Ban Nha về tội ác của phát xít Hitler ở Guernika. Hiện nay, nhiều phiên bản Guernica bằng khổ thật của bức họa gốc đang được đông đảo công chúng đến xem tại nhiều triển lãm nhân 70 năm Guernika. Kiệt tác của Picasso vẫn an tọa ở Bảo tàng Reina Sofia tại Madrid. Việc bảo vệ nó đã được coi trọng ngay từ đầu. Trong những chuyến di chuyển đầu tiên năm 1938, bức tranh đã được bọc một lớp thủy tinh chống đạn. Một thời gian dài, khách chỉ được nhìn nó qua một cửa kính trong suốt. Nó luôn luôn được canh phòng cẩn mật…

Nguồn : Tạp chí VHNT số 296, tháng 2-2009

Tác giả : Đỗ Bạch Nga

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *