Hệ thống truyền thanh cơ sở là loại hình thông tin chủ lực, một kênh thông tin, tuyên truyền có diện phủ song rộng nhất, đưa thông tin trực tiếp và nhanh nhất đến với đông đảo người dân nên phát huy được vai trò, hiệu quả trong công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở; đặc biệt rất hiệu quả đối với người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng biên giới, hải đảo. Trong đợt đại dịch COVID-19 nóng bỏng ở các tỉnh hiện nay, cũng như đợt bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, hệ thống truyền thanh cơ sở ở các địa phương đã minh chứng rất rõ điều đó.
Các đại biểu tham quan mô hình đài truyền thanh ứng dụng CNTT – viễn thông ở khu vực đồng bằng tại xã Hồng Phong, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương ngày 29/9/2020
Kênh giảm nghèo về thông tin và phòng chống thiên tai, dịch bệnh hiệu quả
Thực tiễn cho thấy, hệ thống Đài truyền thanh cơ sở vẫn được coi là loại hình thông tin chủ lực trong công tác giảm nghèo về thông tin cho người dân ở nhiều địa phương, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (dịch COVID-19) tại các tỉnh tâm dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Tháp, Long An, Vũng Tàu, Vĩnh Long… hiện nay, các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh trên mọi mặt trận: Thông tin đại chúng, tin nhắn SMS, hệ thống thông tin cơ sở (Đài truyền thanh cấp huyện, xã), truyền thông trực quan tại cộng đồng, truyền thông xã hội và các mạng xã hội khác đã góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh, hạn chế tối đa những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở, người dân tiếp cận được những thông tin, kiến thức cần thiết đối với đời sống hằng ngày, như: thông tin về các dự án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội tại địa phương (xây dựng nông thôn mới; thực hiện giảm nghèo, an sinh xã hội; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tổ dân phố…); thông tin liên quan đến trật tự, an toàn xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương (phòng, chống dịch bệnh cho người, cho gia súc, gia cầm; phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội; thực hiện nghĩa vụ quân sự…); thông tin về các sự cố, tình huống khẩn cấp xảy ra ở địa phương hoặc liên quan đến địa phương (bão, lụt, động đất, cháy nổ…).
Đồng thời, truyền thanh cơ sở là kênh cung cấp kịp thời những chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật mới của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo, an sinh xã hội; phổ biến những kinh nghiệm hay, mô hình hiệu quả về giảm nghèo… Vì thế, ở nhiều địa phương, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đài truyền thanh cơ sở được coi là loại hình thông tin chủ lực trong công tác giảm nghèo về thông tin, phòng chống dịch bệnh, thiên tai, bão lũ.
Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của các loại hình thông tin hiện đại (báo điện tử, truyền hình, internet, mạng xã hội…), người dân có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin hơn so với trước đây. Thế nhưng truyền thanh cơ sở vẫn là kênh thông tin không thể thay thế được ở cơ sở. Với đặc trưng thông tin ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng, thực hiện; nội dung thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh ở địa phương, lại được thực hiện bởi phát thanh viên là người địa phương, nói tiếng nói của địa phương nên truyền thanh cơ sở mang tính gần gũi, có tính thuyết phục cao đối với người dân.
Ông Nguyễn Văn Xuân, Bí thư Chi bộ Thôn Xuân Sơn (xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) cho biết: Hệ thống đài truyền thanh xã/phường/thị trấn có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Thành ủy, UBND thành phố đến với mọi tầng lớp nhân dân; cổ vũ, động viên phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới; biểu dương gương người tốt – việc tốt; phê phán những thói hư, tật xấu… Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19 hiện nay, hệ thống truyền thanh cơ sở (ngày 3 đến 5 lần phát sóng vào nhiều khung giờ trong ngày) liên tục phát đi những cảnh báo về nguy cơ lây lan dịch bệnh, hướng dẫn nhân dân cách phòng, tránh; trước nữa là tuyên truyền về bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026… Qua đó giúp người dân nâng cao ý thức, tránh nhiệm bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trong mùa đại dịch cũng như thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân (trong bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp).
Hiện nay, cả nước có 9.534 đài truyền thanh cơ sở, tỷ lệ 89,82% số xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, có một thực tế là cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật của nhiều đài truyền thanh đã lạc hậu, xuống cấp, thường xuyên phải sửa chữa, trong khi kinh phí của địa phương còn gặp nhiều khó khăn; đội ngũ nhân lực của đài chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm hoặc không chuyên trách, lại hạn chế về nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền. Đây là hai nguyên nhân làm cho chất lượng tín hiệu truyền thanh cũng như diện phủ sóng đến các hộ gia đình và chất lượng nội dung chương trình chưa tốt; chưa thực sự phát huy được vai trò là một kênh thông tin thiết yếu trong công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở.
” Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá trong đại dịch COVID-19, ngành TT&TT đã tham gia tích cực và hiệu quả, cả về công nghệ và truyền thông. Các doanh nghiệp viễn thông, nhất là hệ thống đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông (hệ thống truyền thanh Internet thông minh) đã đảm bảo thông tin liên lạc từ các cơ quan chính quyền đến người dân địa phương về việc phát đi cảnh báo mưa lũ, tại những vùng bị ảnh hưởng mưa lũ liên tiếp tại miền Trung trong thời gian qua, (đặc biệt là những vùng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9 (Molave năm 2020).”
Chuyển đổi số trong hệ thống truyền thanh là xu thế tất yếu
Thế giới bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), một cuộc cách mạng làm thay đổi toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Để thực hiện CMCN 4.0 thành công, các quốc gia phải thực hiện “chuyển đổi số” để vươn lên phát triển thịnh vượng. Không nằm ngoài xu thế phát triển chung đó, lĩnh vực thông tin cơ sở ở nước ta, trong đó có hệ thống truyền thanh cơ sở đang đứng trước vận hội mới để chuyển mình thích ứng với công nghệ mới, phương thức truyền tải thông tin mới – thực hiện chuyển đổi số để phổ biến thông tin thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh được nhanh nhất, đầy đủ nhất và chính xác nhất.
Chính vì thế, triển khai thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 5/9/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới, Cục Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT) đã tham mưu lãnh đạo Bộ TT&TT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/1/2020 phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có nhiệm vụ xây dựng hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông; hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin nguồn tuyên truyền, phổ biến đến người dân.
Theo ông Đỗ Thái Hòa, Giám đốc Sở TT&TT Hà Giang: Truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Do vậy chuyển đổi số trong hệ thống truyền thanh cơ sở giúp người dân tiếp cận thông tin chính thống nhanh, kịp thời, chính xác từ chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và của tỉnh; giúp chính quyền địa phương tại cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ. Không chỉ vậy, hệ thống truyền thanh cơ sở có đóng góp rất quan trọng trong việc toàn dân nêu cao ý thức phòng chống đại dịch COVID-19 đang có diễn biến rất phức tạo hiện nay; cảnh báo thiên tai, lũ lụt, phòng chống cháy nổ; sản xuất nông nghiệp; đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn…
Ở thời điểm hiện tại, cả nước đã có 35 tỉnh, thành phố thiết lập được 157 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông, do doanh nghiệp trong nước sản xuất và lắp đặt thiết bị. Trong hai năm 2019 và 2020, Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup tài trợ đầu tư 100 đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông cho 100 xã khó khăn của 17 tỉnh. Năm 2019, đã triển khai lắp đặt, đưa vào sử dụng 30 đài tại các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai. Năm 2020, tiếp tục triển khai lắp đặt, đưa vào sử dụng 70 đài tại các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Phú Yên, Bình Phước và hai tỉnh xây dựng mô hình điểm là Hòa Bình và Hải Dương.
Vận hành hệ thống đài truyền thanh thông minh do Quỹ Thiện Tâm tài trợ để thông báo trong thời tiết diễn biến xấu, mưa lũ
Ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT) cho biết: “Cuộc CMCN lần thứ tư đã và đang tạo ra đời sống mới, giá trị mới cho lĩnh vực thông tin cơ sở. Truyền thanh cơ sở sẽ thay đổi công nghệ, cách thức quản lý và vận hành, sử dụng hạ tầng viễn thông, internet để thay thế truyền thanh có dây, truyền thanh không dây FM”.
Hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông sử dụng phương thức truyền dẫn tín hiệu âm thanh trên hạ tầng viễn thông, internet trong truyền dẫn, phát sóng, có khả năng quản lý, kiểm soát chất lượng tín hiệu tới từng cụm loa. Đây là giải pháp công nghệ hiện đại, có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với truyền thanh có dây, truyền thanh không dây FM. Cụ thể là, không giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu âm thanh; khắc phục được các lỗi thường xảy ra với các hệ thống tiếp âm sóng FM như bị nhiễu, sóng không ổn định do thời tiết; ứng dụng công nghệ số để sản xuất, lưu trữ và quản lý chương trình phát thanh (kiểm duyệt chương trình từ xa; chuyển tải chương trình trên hệ thống từ Trung ương đến địa phương hoặc sang các ứng dụng khác như cổng thông tin điện tử của địa phương; quản lý lịch phát sóng tự động…); sử dụng trí tuệ nhân tạo trong một số khâu như chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói, dịch tự động tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số; giải quyết được bài toán thiếu nhân lực quản lý, vận hành đài truyền thanh…
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tạo, năm 2020, Cục Thông tin cơ sở đã phối hợp với đơn vị tài trợ xây dựng 3 mô hình điểm đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông, gồm 1 đài ở khu vực miền núi (tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), 1 đài ở khu vực đồng bằng (tại xã Hồng Phong, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) và 1 đài ở khu vực đô thị (tại phường Trần Phú, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Những mô hình điểm này được đưa vào sử dụng trong quý 3/2020 để các địa phương có thể tham khảo, lựa chọn khi triển khai xây dựng hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương mình.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cắt băng khánh thành và bàn giao mô hình điểm đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông tại xã Phú Nghĩa, huyện Lục Thủy, tỉnh Hòa Bình ngày 17/9/2020
Để tổ chức thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cục Thông tin cơ sở tham mưu lãnh đạo Bộ TT&TT các giải pháp huy động nguồn lực để hiện thực hóa việc ứng dụng công nghệ truyền thanh mới, từng bước hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở trong toàn quốc, như: Đề xuất nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025; ưu tiên hỗ trợ những địa phương khó khăn khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; tiếp tục vận động nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp…
Tác giả: Ngô Xuân Lộc
Nguồn: Tạp chí VHNT số 471, tháng 8-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)