Hình tượng yak trong mỹ thuật Phật giáo Theravada Thái Lan và Khơme Nam Bộ


Văn hóa Thái Lan và Khơme được kết hợp hài hòa bởi văn hóa truyền thống, văn hóa Bà la môn giáo và Phật giáo Theravada. Đặc biệt, dấu ấn của Bà la môn giáo vẫn còn được thể hiện khá đậm nét trong nghệ thuật tạo hình ở chùa, nghệ thuật diễn xướng trên sân khấu. Một trong số các hình tượng của văn hóa Bà la môn giáo trong đời sống của cư dân Thái và Khơme là hình tượng Yak (1). Hình tượng này xuất hiện với chức năng như vị Hộ pháp bảo vệ người dân, bảo vệ chùa. Điều này cho thấy vai trò của Yak đã bị Phật giáo chi phối, bao trùm lên trên và Yak chỉ có ý nghĩa biểu trưng phục vụ cho điều thiện, điều lành.

Môtíp Yak ở Thái

Có thể nhận ra, điểm nổi bật trong đời sống văn hóa tôn giáo của người Thái là tính dung hợp. Người Thái đã hòa trộn những yếu tố của tín ngưỡng vật linh với đạo Bà la môn vào trong đạo Phật. Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến một trong số các hình tượng của văn hóa Bà la môn trong đời sống của người Thái là hình tượng Yak tại Wat Phra Kaew (chùa Phật Ngọc). Hình tượng này xuất hiện với chức năng như vị Hộ pháp bảo vệ chùa, bảo vệ người dân, bảo vệ quốc gia.

Hình tượng Yak thể hiện dưới dạng một người cao lớn, mặc giáp trụ, tay cầm chùy, có sức mạnh phi thường, đặc biệt gương mặt hung dữ, mắt trợn to, miệng rộng, răng nanh nhọn lởm chởm… Yak là hình tượng mang nhiều nét ảnh hưởng tiếp biến của văn hóa Ấn Độ. Việc nghiên cứu hình tượng này dưới góc độ văn hóa nghệ thuật sẽ giúp làm hiểu rõ thêm nền văn hóa của người Thái nói riêng cũng như cư dân Đông Nam Á nói chung. Trên cơ sở phân tích hình tượng Yak trong văn hóa Thái Lan cũng như thử so sánh với văn hóa Khơme Việt Nam, chúng tôi mong muốn cung cấp một số đặc điểm về một hình tượng nghệ thuật tôn giáo quan trọng tại các chùa Phật giáo Theravada Đông Nam Á.

Nguồn gốc của hình tượng Yak

David M. Lucas, một học giả người Mỹ, cho rằng, Yak, còn gọi là Yaksha hoặc Yakshini, là người canh giữ kho báu tự nhiên, từng được đề cập đến không chỉ trong Phật giáo mà còn ở Hindu giáo, Jain giáo và hệ thống tín ngưỡng của người châu Á (2).

Từ việc tổng hợp từ những tư liệu liên quan đến các hình tượng Hộ pháp, môn thần ở Thái Lan nói riêng và một số nước Đông Nam Á khác, chúng tôi xác định hình tượng Yak xuất phát từ văn hóa Bà la môn giáo. Khi Phật giáo trở nên phổ biến trong đời sống cư dân Thái, Bà la môn giáo trở thành tàn dư và vì thế, Yak đã có sự biến đổi về ý nghĩa, trở thành một hình tượng bảo vệ các ngôi đền chùa. Chúng tôi tổng hợp một số hình tượng tại Ấn Độ có thể là khởi nguyên của hình tượng Yak tại Thái Lan như sau:

Dvarapala: Trong hầu hết các ngôn ngữ Đông Nam Á (bao gồm Thái Lan, Miến Điện, Việt, Khơme và Java), những nhân vật bảo vệ này được gọi là Dvarapala. Dvara (Phạn dvāra) có nghĩa là cổng, và pala (Phạn Pala) có nghĩa là bảo vệ. Một dvarapala (tiếng Phạn) thường được mô tả như một chiến binh hoặc người khổng lồ đáng sợ gác cổng, thường có trang bị vũ khí, phổ biến nhất là các gậy gadha. Tượng Dvarapala là một môtíp điêu khắc phổ biến ở các nền văn hóa Ấn Độ giáo và Phật giáo.

Yaksha (hay Yakkha): Thuộc thế lực nhân từ, là người trông coi kho báu ẩn giấu trên trái đất và trong những gốc cây. Thần thoại đạo Jain và đạo Phật mô tả Yaksha là người lưỡng tính cách: một mặt vô hại nhưng mặt khác lại là quỷ ăn thịt người, tương tự như Rakshasa. Giống đực thì gọi là Yaksha. Giống cái gọi là Yakshi hay Yakshini.

Asura: Biểu thị cho lực lượng ma quỷ. Thuộc tính tốt hay xấu của Asura tùy thuộc vào các tôn giáo khác nhau. Theo Hindu giáo, Asura có tính chất kiêu căng, dữ tợn, xấu xí và ngu dốt. Theo kinh điển Phật giáo, Asura là một trong Bát bộ chúng.

Sự tiếp nhận hình tượng Yak qua sử thi Ấn Độ Ramayana tại Thái Lan và Campuchia

Nhìn một cách tổng thể, hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á đều chịu ảnh hưởng văn hóa từ Ấn Độ. Nguyên nhân chính để người Ấn vượt biển đến Đông Nam Á nói chung vốn xuất phát từ lợi nhuận qua mua bán trao đổi thổ sản và hương liệu. Cùng với tầng lớp thương nhân, lớp trí thức Ấn Độ chủ yếu là các tu sĩ Bà la môn giáo và Phật giáo cũng tìm đến Đông Nam Á, mang theo sứ mệnh truyền giáo. Một trong những bằng chứng chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ sớm nhất trong khu vực là nhà nước Phù Nam (TK I – VI), quốc gia kiểm soát toàn bộ con đường thương mại trên bộ và trên biển nối liền giữa Ấn Độ và Trung Hoa, xuyên qua khu vực Đông Nam Á. Trung tâm của Phù Nam tương ứng với khu vực đồng bằng Nam Bộ (Việt Nam) và một phần Đông Nam Campuchia nhưng các thuộc địa của nó lại bao gồm cả khu vực bán đảo Xiêm (Thái Lan) và một phần Sumatra. Ngày nay, các cuộc khai quật khảo cổ tại miền Trung Thái Lan đã tìm thấy một nền văn hóa chịu ảnh hưởng mạnh mẽ Hindu giáo và Phật giáo Ấn Độ của cư dân Phù Nam trên bán đảo Xiêm, vào TK III. Sau khi Phù Nam sụp đổ vào khoảng TK VI, một trong những nhà nước khác mang tên Dvaravati của người Môn được xây dựng trên vùng đồng bằng sông Chao Phraya. Người Môn cũng hình thành nên một nhà nước khác tên Haripunjaya ở miền Bắc Thái Lan. Sau đó, người Khơme đã mở rộng lãnh thổ đến miền Đông Bắc Thái Lan và chinh phục nhà nước Môn đang suy yếu. Các triều đại vua chúa Khơme tiếp nhận thể chế Thần Vương (Devaraja) của Ấn Độ thông qua các cố vấn của triều đình vốn là những tu sĩ Bà la môn giáo người Ấn. Năm 1238, người Thái đã đánh bại đế chế Angkor và bắt đầu giai đoạn bành trướng xuống phía Nam. Người Thái đã biết dung hòa tất cả những yếu tố văn hóa bản địa vào Phật giáo, đồng thời thu nhận những thành tựu của đạo Bà la môn từ người Khơme, biến các vị thần Bà la môn thành các vị Hộ pháp (Dvarapala) và các thần hộ trì phương hướng (Dipalaka) trong thần điện Phật giáo. Chính sự dung hòa và kết hợp đó đã đóng một vai trò quan trọng giúp Phật giáo vẫn tồn tại đến ngày nay trong vai trò quốc giáo ở Thái Lan. Văn hóa chịu ảnh hưởng Ấn Độ mà người Thái tiếp nhận qua trung gian của người Khơme hoặc Sri Lanka vẫn đóng vai trò quan trọng trong cung đình và dân gian (3).

Một trong những tác phẩm có sự ảnh hưởng sâu đậm và rộng khắp các quốc gia Đông Nam Á là sử thi Ramayana. Đây là một trong hai bộ sử thi nổi tiếng lâu đời và là tuyệt tác văn chương của nền văn hóa Ấn Độ. Theo phỏng đoán của nhiều nhà nghiên cứu văn học Ấn Độ, sử thi Ramayana được truyền tụng từ TK III – II trước CN. Theo truyền thuyết, người soạn lại thành thơ sớm nhất là Valmiki, gồm 24.000 câu thơ đôi (sloka). Từ đó, nghệ nhân hát rong đem truyện thơ của Valmiki đi kể khắp xóm làng, phố phường Ấn Độ. Có thể nói, Ramayana là tác phẩm thuộc văn hóa tinh hoa đã dần trở thành văn hóa đại chúng, không chỉ tại Ấn Độ mà còn ở các nước tiếp nhận nó.

Sự ảnh hưởng này bao trùm trên nhiều lĩnh vực, từ văn học, sân khấu đến nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và cả trong tôn giáo, phong tục tập quán. Bộ sử thi mang tinh thần Bà la môn giáo đã được bản địa hóa với sắc màu Phật giáo, phản ánh những nét riêng biệt của dân tộc mình. Campuchia là quốc gia tiếp nhận Ramayana sớm nhất (TK IX) và tại quốc gia này, Ramayana được mang tên Reamker, trở thành tác phẩm thành văn vào khoảng TK XVI, XVII (thời kỳ hậu Angkor). Ở Thái Lan, văn hóa Ấn Độ được tiếp nhận muộn hơn và không phải bằng con đường trực tiếp mà thông qua quốc gia trung gian là Campuchia và Indonesia. Sử thi Ramayana qua Thái Lan trở trành Ramakian (TK XIII). Tuy vậy, trước đó, ở Thái Lan đã có sự xuất hiện của Ramayana bằng hình thức những bức phù điêu vào khoảng TK IX – X (4).

Hình tượng Yak trong mỹ thuật Phật giáo Theravada Thái Lan

Trong Ramakian của Thái Lan, hình tượng Yak dần trở thành hình tượng chủ đạo trong nghệ thuật điêu khắc, hội họa và diễn xướng và cả trong niềm tin tôn giáo của người dân tại quốc gia này.

Ramakian có đề cập đến vị Yak có tên là Nonthok. Yak Nonthok chính hiện thân của Yak Tosakan sau này (5). Câu chuyện kể rằng, Nonthok là Yak hầu hạ gác cổng, có nhiệm vụ rửa chân cho các vị thần, chư tiên khi đến yết kiến Phra Isuan (Siva) trên núi Kailash. Ông luôn bị họ trêu chọc. Vì thế, ông đã xin Phra Isuan cho một phép thuật ở đầu ngón tay và khi chỉ vào ai, sẽ làm mù mắt kẻ đó. Từ đó, Nonthok đã làm mù mắt rất nhiều những chư tiên đến xin gặp Phra Isuan. Phra Isuan sai Phra Narai (Vishnu) đi khuất phục Nonthok. Phra Narai biến hình thành nàng Absorn xinh đẹp và quyến rũ Nonthok, múa những điệu múa uốn cong người. Nonthok làm theo và tự chỉ ngón tay vào chân mình làm gẫy chân. Nàng Absorn biến trở lại thành Phra Narai và hạ gục Nonthok. Nonthok tái sinh và trở thành Yak Tosakan với mười khuôn mặt, hai mươi cánh tay, có cầm binh khí trên mỗi tay.

Bên cạnh đó, văn học dân gian truyền miệng cũng có câu chuyện liên quan đến Yak gác cổng này. Họ kể về vị Yak bảo vệ rừng của nhà vua ở bờ bên kia của một con sông mà gần đó, có các thuật sĩ sinh sống và các Yak rất thích trêu chọc họ. Các thuật sĩ thường hay qua sông và đều phải nhờ Yak giúp đỡ. Yak đồng ý nhưng thường khiến cho vị thuật sĩ khó chịu vì hay hỏi linh tinh. Một lần, Yak đã thả một vị thuật sĩ xuống sông và bị vị này nguyền rằng, Yak sẽ phải đứng gác cổng của cung điện để sám hối cho hành vi vô lễ của mình.

Như vậy, có thể vị Yak Nonthok trong Ramakian đã truyền cảm hứng cho dân gian sáng tạo ra câu chuyện về vị Yak trấn giữ hoàng cung. Câu chuyện không chỉ thể hiện sự dung hợp giữa Bà la môn giáo và tín ngưỡng bản địa mà còn mang đậm dấu ấn Thần Vương (Devaraja) ở đất nước nụ cười này.

Tại Thái Lan, đặc biệt là ở Wat Phra Kaew (chùa Phật Ngọc) nằm trong khu vực hoàng cung ở Bangkok, những nhân vật Yak trong Ramakian đã được đặt trong không gian Phật giáo sâu đậm. Hình tượng các nhân vật Yak được tạo hình hết sức tinh xảo với màu sắc tươi sáng, nhưng vẫn biểu lộ được sự dữ tợn, uy nghi của một vị Hộ pháp.

Theo thống kê của chúng tôi, có tất cả 12 vị Yak: Indrachit, Chakrawat, Suryapop, Asakornmarsa, Virunhok, Sahasadecha, Mangkorngun, Tosakan, Totsakiriton, Virunchambang, Totsakiriwan và Suriyapop. Tượng của 12 vị Yak được tác theo cặp đôi, phủ 3 tông màu chủ đạo là xanh, trắng, đỏ, trong đó tông màu xanh với nhiều sắc độ chiếm ưu thế (phủ 8/12 tượng). Đối chiếu với nội dung sử thi Ramakian, các nhân vật Yak này đều thuộc dạng nhiều phép thuật và uy lực. Như vậy, có thể thấy việc sử dụng màu xanh mang biểu trưng cho sự dữ tợn và quyền phép của Yak. Yak nào có màu da xanh sẽ được hiểu là Yak có nhiều phép thuật và mức độ hung dữ cũng tăng lên so với các màu khác.

Ngoài ra, các bức tranh tường bao quanh khu vực chùa cũng hết sức đặc biệt, gồm 178 cảnh thể hiện các phần chi tiết theo nội dung Ramakian, bắt đầu từ cửa Bắc và chạy theo chiều kim đồng hồ. Xét về cách thể hiện màu sắc các nhân vật Yak trong hội họa, chúng tôi thấy các nghệ nhân cũng dựa trên quy chuẩn cơ bản tương tự như trong điêu khắc.

So sánh với hình tượng Yak trong mỹ thuật Phật giáo Khơme Việt Nam

Hình tượng Yak có một vị trí quan trọng trong nghệ thuật tạo hình ở các chùa Khơme vùng Nam Bộ Việt Nam. Yak thường thấy được đặt đứng trước các cổng chùa hay xung quanh hàng rào nơi chánh điện, nhằm mục đích bảo vệ ngôi chùa. Trong các truyện cổ Khơme, đặc biệt trong trường ca Reamker, phiên bản sử thi Ramayana của Campuchia, nhân vật Yak xuất hiện như một biểu tượng của cái xấu, cái ác. Thế nhưng, trong nghệ thuật tạo hình Khơme, môtíp Yak lại được đặt trong khuôn viên chùa. Điều này cho thấy, Yak đã được cải tạo, phục vụ cho điều thiện, điều lành, bị khuất phục bởi Đức Phật. Sâu xa hơn về lịch sử tôn giáo, đạo Phật bao trùm lên Bà la môn giáo nhưng tinh thần khoan dung của Phật giáo vẫn chấp nhận sự tồn tại của Bà la môn giáo như là một tàn dư ở chùa. Đây chính là nét đặc trưng của Phật giáo Theravada tại các quốc gia thuộc lục địa Đông Nam Á.

Những nghệ nhân Khơme gọi môtíp Yak canh giữ cổng chùa là vị Hộ pháp có tên Ayot Yak. Nếu so sánh với Yak Nonthok Thái thì Ayot Yak Khơme cũng có điểm tương đồng là đều giữ nhiệm vụ canh cửa và đều có phép thuật ở ngón tay. Nhưng dưới bàn tay sáng tạo của từng nghệ nhân tạo hình dân gian, Yak giữ cửa chùa Khơme có màu da, khuôn mặt khác nhau, tư thế khác nhau…

Về thể loại và vị trí: Yak được tạo hình có hai dạng, tượng tròn và phù điêu. Hai tượng Yak to lớn thường được đặt ở hai bên cổng chính dẫn vào chùa Khơme. Một số khác thì tạo hình Yak trên hàng rào bao xung quanh chùa, trên cửa sổ trong chính điện… Ở đây, hình tượng Yak mang ý nghĩa là một vị Hộ pháp bảo vệ an ninh cho ngôi chùa, bảo vệ những thành quả của Phật pháp.

Về màu sắc: màu chủ đạo được sử dụng là màu đỏ nâu đậm, nhằm lột tả nét dữ tợn và phép thuật của nhân vật này; màu được dùng nhiều tiếp theo là màu xanh lá.

Về kiểu dáng: môtíp Yak được tạo hình theo như những quy tắc đã quy định trong hầu hết các bộ môn nghệ thuật Khơme, những nghệ nhân luôn chú trọng vào khuôn mặt của Yak và qua đó, chúng ta có thể nhận biết một số điểm cơ bản về phép thuật và vai trò của hình tượng Yak. Khuôn miệng của Yak được tạo hình theo hai kiểu: miệng hở và bặm môi. Phép thuật của Yak cũng được thể hiện qua mũ mão, Yak có mão nhiều tầng đầu là những Yak đầy pháp lực. Yak lính thì tóc quăn sát da đầu và không đội mão.

Nhằm hệ thống lại, chúng tôi xin lập bảng đối chiếu, so sánh hình tượng Yak trong mỹ thuật Phật giáo Therevada Thái và Khơme Nam Bộ Việt Nam như sau:

Thay lời kết

Trong mỹ thuật, Yak là một môtíp khơi nguồn sáng tạo bất tận đối với nghệ nhân khắp Đông Nam Á lục địa. Hình tượng Yak được khắc họa ở một số vị trí mang tính bảo vệ, ngăn chặn tà ma xâm nhập vào chùa, chủ yếu với các tư thế đứng hoặc ngồi oai nghi trong khuôn viên ngôi chùa. Nghệ thuật tạo hình vùng Đông Nam Á lục địa chủ yếu lấy đề tài từ những thần thoại Bà la môn và Phật thoại. Hình tượng Yak ở đây đã được cải hóa, quy phục bởi đức Phật và trở thành một thế lực bảo vệ cho chùa, qua đó, đề cao tinh thần khoan dung và chính nghĩa của Phật giáo đã chiến thắng sự hung bạo. Như vậy, vượt lên trên ý nghĩa thông thường của một hình tượng, Yak đã trở thành một biểu tượng văn hóa mang tính thiêng. Đó là một hình tượng văn hóa thể hiện ước muốn vươn đến các giá trị chân – thiện – mỹ.

Về tính thiêng, có thể nói Yak là một nhân vật tôn giáo nhưng lại được thể hiện trong các thành tố của văn hóa dân gian ở người Thái và người Khơme theo cách rất gần gũi, giản dị, nhằm bảy tỏ niềm tin của con người về luật nhân quả, thiện ác. Khởi nguyên từ một hình tượng xuất phát từ nền văn hóa Ấn Độ mang dấu ấn Bà la môn giáo nhưng Yak gần như trở thành một hình ảnh gần gũi với Phật giáo, điều này cho thấy sự hòa quyện giữa Bà la môn giáo, Phật giáo với các tín ngưỡng dân gian, hình thành nên sắc thái văn hóa đặc trưng của các quốc gia Phật giáo Theravada Đông Nam Á.

_______________

1. Yak: trong tiếng Việt thường được phiên âm là chằn, có vị trí và ý nghĩa tương đương như tượng hộ pháp.

2. David M.Lucas & Charles W.Jarrett, The Yak of Thailand: Folk Icons Transcending Culture, Religion, and Media, International Journal of Social, Behavioral, Educational, Economic, Business and Industrial Engineering Vol:8, No:11, 2014, p.3563.

 3. Phan Anh Tú, Văn hóa rắn trên vùng đất nay là Thái Lan, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, TP.HCM, 2005, tr. 22-23.

4. Đỗ Thu Hà, Vấn đề bản địa hóa sử thi Ramayana Ấn Độ tại một số nước Đông Nam Á, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002, tr.177.

5. Pueandek Publishing Co., The story of Ramakian – From Mural Paintings along the galleries of the Temple of the Emerald Buddha, Bangkok, Thailand, 1982, p.8.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Tâm Anh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 – 2018

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *