Không biết tự bao giờ, hoa sen, loài hoa đẹp có cốt cách trong sáng, xuất nê bất nhiễm, đã đi vào văn hóa của người Việt với nhiều ý nghĩa thâm thúy. Sen xuất hiện trong suốt chiều dài lịch sử đất nước như một biểu tượng cho phẩm chất thanh cao, tinh khiết và cao quý. Trong đời sống văn hóa của người Việt, hình ảnh hoa sen đặc biệt không thể thiếu trong trang trí các cung điện, lăng tẩm, đền đài, chùa chiền, trong nghệ thuật tạc tượng, trong những áng thơ văn… và riêng với nghệ thuật trang trí gốm sứ truyền thống, hoa sen dường như sống mãi với thời gian dù cho thế cuộc có trải qua bao bể dâu.
Qua mỗi giai đoạn của lịch sử phong kiến, hình họa hoa sen đã lưu lại những dấu ấn riêng, hơi thở riêng của thời đại trên những hiện vật gốm. Chúng luôn đánh dấu một sự kế thừa và sáng tạo không ngừng để luôn tỏa sáng trong lòng dân tộc.
Vào thời Đinh – Lê (TK X – XI), hình ảnh hoa sen chỉ còn có thể thấy trên những viên gạch lát nền cỡ lớn và đầu ống ngói bằng đất nung, được phát hiện trong những di tích kiến trúc đền thờ vua Đinh, vua Lê. Hoa sen được khắc trên những viên gạch là một bông hoa được nhìn theo hướng từ trên xuống. Hoa sen được bố cục trong một hình tròn, từ một bông sen đơn giản chỉ với tám cánh đến bông sen có mười bốn, mười sáu lớp cánh bên ngoài rồi đến lớp những đường cong tròn xếp nối tiếp nhau, lớp trong cùng thể hiện những chấm tròn là những hạt sen. Trong khi đó, ở những đầu ngói ống, đồ án hoa sen được sử dụng để trang trí thêm cho phần mái của các công trình kiến trúc có phần đa dạng hơn, số cánh hoa cũng không cố định, từ bảy cho đến chín cánh. Loại đồ án này cũng rất phổ biến vào thời Lý sau đó.
Bước sang giai đoạn đầu của nền văn minh Đại Việt, một thời kỳ mà Phật giáo được xem trọng dưới thời Lý (TK XI – XIII) – Trần (TK XIII – XIV), hầu như hình ảnh hoa sen tràn ngập trong các công trình kiến trúc, điêu khắc, gốm gia dụng, gốm trang trí để phục vụ cho nhu cầu xây dựng chùa tháp, xây dựng kinh đô Hoa Lư rồi sau đó là kinh đô Thăng Long. Nhu cầu sử dụng đồ gốm cho triều đình, dân chúng cũng như xuất khẩu đã thúc đẩy nghề gốm thời kỳ này phát triển mạnh mẽ (1).
Nổi bật dưới thời Lý là dòng gốm men ngọc với những màu xanh lá cây, xanh nâu biến ảo… Sen luôn là hoa văn trang trí chủ đạo trên những chiếc bát, đĩa, ấm, bình, hũ, liễn, thạp, âu và những loại gạch xây dựng… Hoa sen được thực hiện với kỹ thuật sử dụng khuôn in hay khắc ở trong và ngoài sản phẩm với bố cục thưa và đường nét mềm mại. Người thợ gốm đã khéo léo uốn những thân sen trở nên mềm mại với đường cong trong lòng những chiếc bát, chiếc đĩa.
Một kỹ thuật sử dụng đề tài hoa sen để trang trí khác cũng không kém phần công phu của gốm men ngọc thời Lý là kỹ thuật đắp nổi. Có những chiếc liễn có phần thân đắp nổi và phần nắp được tạo thành hình hoa sen và lá sen úp vào nhau. Hay những cái đĩa, cái bát mô phỏng hình dáng gương sen với chân thon nhỏ, miệng xòe rộng. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa hoa văn đắp nổi với hình dáng của sản phẩm, tạo nên một vẻ đẹp rất điêu khắc (2).
Dưới đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân xưa, những hoa sen được cách điệu một cách phóng khoáng khiến cho sen trên mặt gốm chỉ còn là cái cốt lõi, cái tinh thần của sen chứ không còn là những hình ảnh sao chép tầm thường nữa.
Sau giai đoạn tạo hoa văn, chúng được phủ lên một thứ men xanh mát có độ trong như ngọc. Qua làn men trong ấy, từng nét khắc to nhỏ, nông sâu mà hình ảnh hoa sen hiện lên với những sắc độ khác nhau, lúc mờ, lúc tỏ, kín đáo, trang nhã.
Sang đến thời Trần bên cạnh gốm men ngọc, dòng gốm hoa nâu, mặc dù cũng xuất hiện từ cuối thời Lý song đến thời kỳ này, mới phát triển mạnh mẽ, mang đậm tính dân gian và tạo được một dấu ấn riêng biệt trong lịch sử gốm Việt Nam nói chung.
Các loại hình của gốm hoa nâu thường có hình dáng dày, chắc khỏe, không thanh mảnh như gốm thời Lý. So với thời Lý, hình họa hoa sen trang trí trên gốm hoa nâu thời Trần cũng dày đặc hơn và thường được tạo thành những dãy hoa văn vòng quanh thân, chia thành ô. Sen được vẽ bằng dụng cụ có đầu tày hoặc nhọn (3) lên xương đất sau khi đã tráng men và tô nâu rồi mới đem nung. Hoa sen cũng là một đồ án chiếm số lượng lớn và rất đặc trưng của dòng gốm này. Đôi khi, trên những dáng hình của gốm, ta còn bắt gặp cả một quá trình sinh trưởng sống động của sen, từ khi còn e ấp là nụ, qua giai đoạn hàm tiếu, đến khi hoa mãn khai khoe vẻ đẹp rực rỡ.
Trên đồ gốm hoa nâu, hoa sen thường được thể hiện theo nhiều phương cách như chạm khắc với hình cánh sen nổi, cánh to xen cánh nhỏ trên vai thạp, nắp liễn, ngoài đài sen, chân đế hộp,… hay dưới dạng phù điêu hoặc khắc và tô màu hoa sen, lá sen trên thạp, liễn, chậu, chân đèn… Sen được thể hiện theo xu hướng hiện thực, dưới dạng sen dây, sen cành và cả khóm hoa lá sen, khác với dạng sen dây có hoa nở theo lối nhìn cắt dọc, các cặp cánh đối xứng quanh một đài gương của gốm hoa nâu thời Lý (4).
Bước vào giai đoạn phát triển nhất của chế độ phong kiến Việt Nam dưới thời Lê (TK XV-XVIII), khi nhà nước có phần hạn chế Phật giáo và ngày càng đề cao tư tưởng Nho giáo thì hoa sen vẫn là một đề tài trang trí phổ biến. Trong nhân gian, sen vẫn là biểu trưng cho những giá trị tinh thần cao quý. Song, có một điểm khác biệt về ý nghĩa so với các thời kỳ trước, đồ án hoa sen trên gốm thời Lê còn có kết hợp với một số hình họa phụ trợ là các loài thủy điểu để trở thành những đồ án mang nhiều ý nghĩa nhân văn khác, ngoài ý nghĩa thường gắn với Phật giáo hay phản ánh khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp.
Trên đồ gốm thời hậu Lê, có thể thấy đề tài về các loài hoa chiếm ưu thế và nhiều nhất vẫn là hoa sen, cúc, mai và mẫu đơn. Với dòng gốm mới -gốm men xanh trắng, đặc biệt với những đồ gốm thương mại Chu Đậu, kỹ thuật và nghệ thuật thể hiện hoa sen trên gốm đã bước sang một trang mới trong tiến trình phát triển của gốm Việt Nam. Bằng cách sử dụng cây bút lông để vẽ, kỹ thuật trang trí hoa văn đã dần chuyển sang hình thức của hội họa. Hoa văn được vẽ trên xương gốm, sau đó được phủ men và đem nung nặng lửa để cho ra loại gốm có họa tiết xanh lam trên nền trắng. Màu xanh lam tươi tắn có được trên sản phẩm chính là chất oxít cô-ban (cobalt oxide).
Bên cạnh dòng gốm men xanh trắng chủ đạo, thời kỳ này còn xuất hiện loại men tam thái (màu đỏ, xanh lục, vàng) với kỹ thuật vẽ trên men và nung nhẹ lửa hay men ngũ thái (xanh lam, trắng, đỏ, xanh lục, vàng) do kết hợp cả hai kỹ thuật vẽ dưới men nung nặng lửa sau đó vẽ trên men nung nhẹ lửa để tạo ra những sản phẩm cao cấp, có tính mỹ thuật cao. Với kỹ thuật vẽ dưới men và trên men của dòng gốm men xanh trắng, các hoa văn trên gốm giai đoạn này thực sự là những bức tranh muôn hình muôn vẻ trên nền chất liệu gốm.
Với nhiều cách thể hiện hoa sen, lúc thì đặc tả một hoa sen nở, khi thì là một khóm sen hay chỉ đơn giản là những hình sen cách điệu, nhưng mỗi một đường nét đều thấm đượm màu men xanh mát trên nền trắng tinh khiết, càng làm cho những hình họa hoa sen thêm lung linh huyền bí trong mắt người thưởng lãm. Bên cạnh đó, trong các bố cục có tính phụ trợ, sen được vẽ một cách giản lược, chỉ có phần cánh hoa hoặc là cách điệu thành những đồ án hoa văn dây lá theo dạng hình học.
Nếu như hoa sen trong tiếng Hán được gọi là liên hoa, thì khóm sen là hà hoa hay hà liên hoa tượng trưng cho thanh liêm nhất phẩm. Trong nhiều trường hợp, có những sản phẩm được vẽ với bốn hình khóm sen, như hàm ý nhấn mạnh hơn nữa phẩm chất thanh liêm, tinh khiết của con người.
Bên cạnh đó, hình khóm sen được các nghệ nhân thể hiện trên nền cảnh có thêm hình con cá (thường là cá chép), hình một con cò và vài ngọn cỏ nước, cánh bèo nổi trên đầm nước. Trong bố cục khóm sen và cá hợp thành đồ án mà theo truyền thống văn hóa phương Đông gọi là liên niên hữu dư. Chữ liên nghĩa là hoa sen và liên trong câu này có nghĩa là liền nhau. Đây là hai từ đồng âm nhưng khác nghĩa. Chữ dư chỉ sự có thừa, có dư, song, trong tiếng Hán, nó lại đồng âm với chữ ngư, có nghĩa là con cá. Theo đó, từ đồ án các khóm sen được vẽ bên cạnh con cá thể hiện ước vọng một cuộc sống sung túc và dư dả.
Có lúc, nghệ nhân lại ngẫu hứng vẽ một con cò trong khóm sen, lau sậy. Cò cũng được xem là một loài chim tốt lành trong dân gian. Trong tiếng Hán, con cò, cây lau, con đường đều là những từ đồng âm, lại cùng âm với lộc (tài – lộc). Hình ảnh khóm sen kết hợp với con cò và bụi lau sậy tạo nên một bức tranh thủy cầm sinh động, là đồ án hàm ý cát tường, có nghĩa là tốt đẹp. Theo dân gian, nó còn ngụ ý là sự nghiệp rất thuận đạt, nếu đang theo con đường học hành thi cử thì liên tiếp đỗ đạt. Trong ý nghĩa tốt đẹp đó, khóm sen – con cò – lau sậy được gọi là Nhất lộ liên khoa, con đường đỗ đạt liên tiếp.
Khóm sen còn được thể hiện nơi đôi uyên ương đang thong dong bơi lội bên những đôi bướm dập dờn, tạo nên một khung cảnh thơ mộng cho tình yêu lứa đôi. Một hình ảnh khác cũng rất thú vị, cũng là một khóm sen có thêm con cò lượn trên trời, một con vịt đứng một mình cạnh khóm sen, đầu ngoái lại phía sau như đợi chờ một con vịt khác. Bức họa này thể hiện sự sum họp nam nữ, trong khung cảnh phúc (khóm sen) và lộc (con cò) đầy đủ chỉ còn thiếu mỗi tình yêu nam nữ hay tình cảm vợ chồng (5).
Qua hình tượng sen, người thợ gốm thời Lê đã gửi đến người tiêu dùng, người thưởng thức những thông điệp của sự cầu mong một cuộc sống sung túc, thịnh đạt, hạnh phúc bằng những hình vẽ kết hợp, phụ trợ với hình họa hoa sen tạo nên những biểu tượng có hàm ý sâu sắc nhưng vẫn thể hiện rất tự nhiên phong cảnh thiên nhiên một cách hữu tình.
Sen như một biểu tượng văn hóa bén rễ sâu trong tâm thức người dân Việt. Bởi thế mà hình ảnh của hoa sen hết sức phổ biến trong những đồ án trang trí nói chung, trên các sản phẩm gốm nói riêng. Và theo thời gian, cách thức trang trí với sen trên gốm đã có những bước phát triển, từ đơn giản đến phức tạp, từ đơn lẻ đến kết hợp với những hình ảnh, biểu tượng khác, mở rộng và làm dày dặn thêm các lớp hàm nghĩa cho một đồ án trang trí với sen. Có thể nói, chỉ riêng hình ảnh hoa sen trang trí trên gốm Việt Nam thôi, cũng đã là một nguồn sử liệu bằng hình ảnh vô cùng phong phú và sống động. Qua đó phần nào đã thể hiện sức sống bền bỉ của hình ảnh hoa sen trong đời sống văn hóa Việt cùng những quan niệm đầy tính triết mỹ của tư duy phương Đông.
_______________
1. Đặng Văn Thắng, Gốm Việt Nam, trong Gốm Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM, Nxb Trẻ, TP.HCM, 1999, tr.11, 13.
2, 3. Trần Khánh Chương, Gốm Việt Nam – từ đất nung đến sứ, Nxb Mỹ thuật, 2001, tr.59, 97.
4. Phạm Quốc Quân, Nguyễn Đình Chiến, Gốm hoa nâu Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội, 2005, tr.34.
5. Lê Xuân Diệm, Ý nghĩa nhân văn của hình hoa lá, cây cỏ trên đồ sứ hoa lam Chu Đậu (Hải Dương), trong Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM – 20 năm hình thành và phát triển, 2007, tr.47.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 348, tháng 6-2013
Tác giả : Phạm Ngọc Uyên
Bài viết cùng chủ đề:
Thiết kế bao bì trong xây dựng thương hiệu
Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời lê – trịnh ở bắc bộ
Nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại quần thể di tích thờ mẫu ở phủ dày