Hoạt động của hệ thống di tích lưu niệm chủ tịch hồ chí minh

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã sống và làm việc ở nhiều nơi, nhiều địa danh đã khắc ghi những đóng góp to lớn của Người đối với cách mạng Việt Nam. Để ghi nhớ, tri ân công lao to lớn của Người, Đảng, Nhà nước, nhân dân rất quan tâm, trân trọng giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Người. Theo số liệu thống kê riêng ở trong nước gần 685 di tích, địa điểm liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 32 tỉnh, thành phố, có 39 di tích đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa, trong đó 5 di tích được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (1). Trong những năm qua, hệ thống di tích lưu niệm (DTLN) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân. Mỗi DTLN Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trường học trực quan sinh động, những bài học về đạo đức, hiếm có nơi nào những bài học về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh lại có sức thuyết phục như chính những nơi Người đã từng sống và làm việc.

Năm 2006, Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Chỉ thị 06 CT-TW về cuộc vận động học tập và làm theo tấm  gương đạo đức Hồ Chí Minh; năm 2011, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Chỉ thị 03/ CT-TW về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; năm 2016, Bộ Chính trị khóa XII ra Chỉ thị   05/CT-TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là những chủ trương lớn, vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Để hưởng ứng chỉ thị của Đảng, các DTLN Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến tham quan, tìm hiểu, học tập, mỗi DTLN Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành những địa chỉ đỏ được các đơn vị, đoàn thể chọn làm nơi tổ chức các hoạt động để thực hiện việc học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh. Kể từ khi cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được phát động, khách tham quan đến với các DTLN Hồ Chí Minh ngày càng tăng. Mỗi năm các DTLN Chủ tịch Hồ Chí Minh đón trên 5 triệu khách, trong đó nhiều di tích có số lượng khách tăng đột biến như: Khu di tích Kim Liên trung bình mỗi năm đón hơn 1,5 triệu lượt khách, hay Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đón hơn 2 triệu khách.

Với những đặc thù, thế mạnh trong công tác tuyên truyền giáo dục thông qua các tài liệu hiện vật trưng bày tại các di tích, trong những năm qua, đặc biệt từ khi Đảng ta phát động cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hệ thống DTLN Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động đa dạng nhiều hình thức tuyên truyền giáo dục phong phú.

Một trong những hình thức tuyên truyền giáo dục mang lại hiệu quả thiết thực đã và đang phát huy tác dụng là hình thức tổ chức hướng dẫn tham quan tại di tích. Đây là hình thức khá phổ biến đối với mỗi di tích nói chung, bởi lẽ tham quan có tính mục đích rõ ràng, có dẫn chứng xác đáng về mặt khoa học lịch sử, lấy việc quan sát tài liệu, hiện vật làm cơ sở nhận thức, với đặc điểm nổi bật là tính vật chất, tính trực quan sinh động. Đối với DTLN Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức hướng dẫn tham quan là hình thức giáo dục đặc biệt quan trọng, mang tính truyền thống và chủ đạo trong việc phát huy các giá trị của di tích. Với hình thức tuyên truyền này, khách tham quan không chỉ được tận mắt nhìn thấy những kỷ vật thiêng liêng gắn bó với một phần cuộc đời Người mà còn được giải mã những thông tin ẩn chứa trong từng di vật của Người để lại. Những hiện vật, tài liệu thầm lặng được đánh thức bằng những lời diễn giải, câu chuyện kể xúc động trong không gian linh thiêng, nơi gắn liền với các địa danh, cuộc sống đời thường của Người chính là những bằng chứng chân thực nhất, tác động mạnh mẽ tới tình cảm, tư tưởng, có sức giáo dục và cảm hóa sâu sắc khách tham quan. “Ở miền Nam cháu chỉ được nghe và học trong sách vở, báo chí về cuộc sống của Bác, nay được tận mắt thấy những điều mà Bác sống và làm việc cho đất nước, cháu nguyện phấn đấu học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại ” (2). “Chúng cháu về đây thăm nơi ở và làm việc, được ôn lại những kỷ niệm cuộc đời của Bác, ngắm nhìn lại những kỷ vật lưu niệm về Bác. Chúng cháu phải cố gắng làm tốt hơn nữa và phải làm thật nhiều việc tốt cho nhân dân, cho đất nước”(3). “Chúng cháu..vô cùng xúc động khi được thăm nơi ở và làm việc của Người, được tận mắt chứng kiến những phẩm chất giản dị, thanh cao của Người, chúng cháu xin hứa nơi gương Người” (4).

Không chỉ đối với nhân dân Việt Nam, bè bạn khắp nơi trên thế giới đến với các DTLN Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cảm nhận và học tập được tấm gương đạo đức trong sáng mẫu mực của một con người điển hình của dân tộc Việt Nam: “Đến thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến, chúng tôi như thấy lại nguyên vẹn hình ảnh của Người – vị lãnh tụ của nhân dân”(5).

 “Đến thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng tôi thấy được cuộc đời bất tử của một vị lãnh tụ suốt đời hy sinh vì độc lập, dân chủ và hạnh phúc thực sự của nhân dân Việt Nam” (6).

Không chỉ dừng lại ở việc đón tiếp, tổ chức hướng dẫn cho khách tham quan tại di tích, các DTLN Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chủ động phối hợp thường xuyên với các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan, đơn vị trong các bộ, ban, ngành, các học viện, trường học, trung tâm giáo dục truyền thống lịch sử, các đơn vị khi sinh thời Người đã tới thăm, tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chính trị tại các di tích như: các buổi lễ phát động thi đua, báo công, kết nạp đảng viên, đoàn viên mới, gặp mặt các thế hệ cựu chiến binh, cán bộ đoàn, thanh niên xung phong, nhà giáo ưu tú, tổ chức trại hè cho các cháu thiếu nhi… Trong những năm qua, đã có hàng ngàn buổi sinh hoạt truyền thống, sinh hoạt chính trị được tổ chức tại các DTLN Hồ Chí Minh, nhất là những năm gần đây Bộ GDĐT có chủ trương đưa các buổi học ngoại khóa, các buổi giáo dục truyền thống vào chương trình giáo dục cho các học sinh, sinh viên, thì công tác phát huy giá trị tại các DTLN Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện được vai trò quan trọng là cầu nối giữa giáo dục tri thức khoa học và truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh, sinh viên.

Bên cạnh hình thức đón tiếp, tổ chức hướng dẫn tham quan và tổ chức sinh hoạt chính trị, các DTLN Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phối hợp các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức. Có thể nói đây là hình thức tuyên truyền có sức lan tỏa rộng rãi. Nếu như hình thức tổ chức hướng dẫn tham quan chỉ giới hạn trong phạm vi không gian của các di tích, thì hình thức tuyên truyền này không bị hạn chế bởi không gian và có đối tượng và phạm vi rộng. Nắm bắt được thế mạnh và những lợi thế của hình thức tuyên truyền này, trong những năm qua, nhiều di tích đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông để tuyên truyền giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã có hàng trăm bài viết của cán bộ khoa học với nhiều chủ đề đa dạng đã được đăng tải trên các báo, tạp chí… Nhiều đầu sách của các DTLN Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xuất bản với những nội dung phong phú như: Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch 1954 – 1969 (1997), Chuyện kể từ nơi ở và làm việc của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (2010), Bác Hồ với thủ đô Hà Nội, Thủ đô Hà Nội với Bác Hồ của Ban CHĐBTP (2013), Di tích lịch sử – Lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Tuyên Quang của Sở VHTTDL Tuyên Quang (2012), Khu di tích lịch sử Tân Trào (2012), Bác Hồ ở Tân Trào (2010), Kể chuyện Bác Hồ ở Tuyên Quang (2012) của Ngô Lập Quân; Sơn Dương một vùng quê cách mạng của Trung tâm VHTTTT huyện Sơn Dương (2009), Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương của Khu di tích Kim Liên (2000), Bác Hồ với quê hương Nghệ An, quê hương Nghệ An với Bác Hồ của Tỉnh ủy Nghệ An (1990), Những người thân trong gia đình Bác Hồ của Khu di tích Kim Liên (2001), Bác Hồ với Thái Nguyên, Thái Nguyên với Bác Hồ của Ban CHĐB tỉnh Thái Nguyên (2007), Bác Hồ ở ATK (2010), ATK dấu ấn lịch sử của Đồng Khắc Thọ (2010), Bác Hồ với Cao Bằng (từ Pác Bó, Cao Bằng) của Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Cao Bằng (1985), Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng (1941-1945) của Ban TGTU Cao Bằng (1995)…

Một số DTLN đã có cách làm sáng tạo trong việc tuyên truyền tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phối hợp với Báo Văn hóa xây dựng chuyên mục Mỗi câu chuyện là một bài học kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cộng tác với Đài tiếng nói Việt Nam cung cấp nội dung chuyên mục Giáo dục từ xa giới thiệu những tài liệu hiện vật gắn liền với tư tưởng và bài học về đạo đức trên sóng phát thanh, phối hợp với đài truyền hình trung ương, địa phương, các hãng phim trong nước, các hãng truyền hình quốc tế đến tác nghiệp, xây dựng phim giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước, con người Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều DTLN đã tổ chức xây dựng những chương trình giao lưu gặp gỡ xúc động, có sức lan tỏa trong xã hội như: cuộc gặp gỡ những thiếu niên dũng sĩ diệt Mỹ năm xưa được gặp Bác Hồ; những người phục vụ Bác Hồ vào những giờ phút cuối cùng, tháng 5 và những hồi ức về Bác kính yêu…

Tuyên truyền giáo dục bằng hình thức tổ chức các buổi nói chuyện về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các địa phương, cơ quan đơn vị, trường học, các ngành, giới… được nhiều di tích quan tâm và đã được phát huy hiệu quả trong những năm qua. Đây là hình thức đòi hỏi ở cán bộ tuyên truyền phải có kiến thức tổng hợp, sâu rộng, đặc biệt phải nắm vững về tiểu sử, sự nghiệp, tư tưởng của Bác, nắm vững từng chủ đề phù hợp với từng đối tượng thuyết trình, khả năng nắm bắt thời sự một cách nhanh nhạy để có thể vận dụng vào bài nói chuyện một cách hấp dẫn đạt hiệu quả cao, hàng trăm buổi nói chuyện của cán bộ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Khu di tích Kim Liên (Nghệ An) tổ chức ở nhiều địa phương, các cơ quan đơn vị, trường học… được cán bộ đảng viên, quần chúng nhân dân đánh giá cao, góp phần nâng cao nhận thức tư tưởng, giáo dục tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân.

Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu ngày càng sâu hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, một số DTLN đã chỉnh lý nội dung trưng bày bổ sung di tích, mở cửa trưng bày các điểm di tích mới và tổ chức nhiều triển lãm chuyên đề. Khu di tích Kim Liên đã chỉnh lý nội dung trưng bày tiểu sử – sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã mở trưng bày một số nhà di tích như: năm 2010 mở cửa trưng bày những hiện vật, đồ dùng y tế đã tham gia chữa bệnh cho Người trong những ngày cuối cùng và nhà bếp A nơi nấu ăn phục vụ Người và Thủ tướng Phạm Văn Đồng; năm 2011 mở cửa trưng bày phòng họp Bộ Chính trị, nơi Người và Bộ Chính trị họp quyết định cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.

Bên cạnh việc đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm thu hút đông đảo nhân dân đến tham quan, học tập, việc nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh được các DTLN rất quan tâm. Để làm tốt điều đó, công tác nghiên cứu khoa học ở các DTLN chủ tịch Hồ Chí Minh rất được chú trọng. Trong những năm qua, nhiều đề tài khoa học được triển khai, nhiều hội thảo, tọa  đàm khoa học có giá trị lý luận và thực tiễn về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, về công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lưu niệm Hồ Chí Minh đã được tổ chức: Các DTLN Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa  mới (2004), Gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh góp phần xây dựng con người mới Việt Nam (2007), Nghiên cứu, xác minh giá trị di tích và tư liệu về sự kiện thày giáo Nguyễn Tất Thành sống và dạy học ở Phan Thiết, Bình Thuận thời kỳ cuối 1910 đến đầu 1911 (2010); Nghiên cứu, xác minh tư liệu và giá trị di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cao Bằng thời kỳ 1941-1945 (2011), Nghiên cứu, xác minh tư liệu và giá trị di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ 1945-1954 tại Tuyên Quang (2012), Hội thảo Phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với phát triển du lịch tại hệ thống bảo tàng và DTLN Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước (2014), Giải pháp thu hút khách tham quan đến với bảo tàng, di tích, công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (2015).

Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các DTLN, mỗi cán bộ trực tiếp làm công tác truyên truyền giáo dục, ngoài việc nâng cao nhận thức và tu dưỡng đạo đức, còn không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và trang bị thêm những kiến thức, lịch sử, văn hóa xã hội… xây dựng những chuyên đề giới thiệu theo từng nội dung của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời sưu tầm và chọn lọc những câu chuyện kể sát với nội dung của từng chủ đề, gắn với di tích và các tài liệu hiện vật, nhằm phát huy cao nhất những giá trị về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Có thể khẳng định rằng, các hình thức tuyên truyền, giáo dục tại các DTLN Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát huy các giá trị di sản của Người để lại, góp phần tuyên truyền, giáo dục tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong mọi tầng lớp nhân dân. Cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh được phản ánh qua các DTLN Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương cao đẹp có sức giáo dục mạnh mẽ, tác động sâu sắc tới nhận thức đối với mỗi người dân Việt Nam và bè bạn trên thế giới. Vì vậy, việc phát huy thế mạnh các hình thức tuyên truyền giáo dục thông qua các DTLN Chủ tịch Hồ Chí Minh càng trở nên cần thiết và có ý nghĩa chính trị đặc biệt. Công tác tuyên truyền giáo dục tại các DTLN Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang khẳng định vị thế của mình đối với việc tuyên truyền giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách cho các thế hệ người Việt Nam, phục vụ thiết thực vào chiến lược xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, đồng thời góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.

_______________

1. Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1997.

2, 3, 4. Sổ cảm tưởng, tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

5, 6. Khu di tích Phủ Chủ tịch, Hồ Chí Minh gương sáng đời đời, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : NGUYỄN ANH MINH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *