Hội dồi bòng làng an hải


Các vị tiền hiền đến khai cư, lập nghiệp trên đảo Cù lao Ré (Lý Sơn), cách đây hơn 415 năm, trước cảnh núi non hùng vĩ, biển cả mênh mông, người Việt đã hình thành nên tín ngưỡng thờ thần linh.

 


  

Đầu tiên cư dân chỉ lập miếu thờ thần Thổ chủ, vị thần cai quản đất đai dòng họ. Đến thời nhà Nguyễn, Gia Long lên ngôi hoàng đế (1802), cách đây 216 năm, cư dân Lý Sơn mới viết đơn trình, xin nhà Nguyễn cho cư dân đảo thành lập đơn vị hành chính. Sau khi làng An Vĩnh, An Hải được thành lập, dân hai làng mới góp công góp của xây dựng đình làng. Nơi đây không chỉ là cơ sở tín ngưỡng tâm linh, mà còn là đơn vị hành chính của làng. Tại hai ngôi đình này, hàng năm, dân làng tổ chức nhiều lễ hội như: hội đua thuyền tứ linh long, lân, quy, phụng, lễ khao lề tế lính Hoàng Sa, lễ tế đình… Trong đó có hội dồi bòng ở làng An Hải là lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Dân gian trên đảo thường hát: “Mùng bốn có hội đua ghe; Cho đến mùng bảy bắt phe dồi bòng”. Hai câu hát trên nhằm chỉ ngoài lễ hội đua thuyền tứ linh, từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 7 tháng giêng, làng An Hải còn tổ chức hội dồi bòng tại đình làng. Người An Hải xây dựng một lễ đài gọi là nhà trò ở sân đình. Trước nhà trò dựng hai cây tre có ngọn, cao chừng 4m. Mỗi cây tre treo một giỏ tre. Nếu người phe nào giành được quả bòng và ném lọt vào giỏ tre của phe mình thì thắng. Quả bòng được làng mua từ trong đất liền, đến ngày 24 tháng chạp, làng sẽ mở cửa đình để chuẩn bị cho các hoạt động lễ hội làng trong năm mới. Sau đó đưa quả bòng đặt thờ trong long đình.

Để tổ chức hội dồi bòng, làng An Hải chia làm hai phe. Dân cư xóm Tây và xóm Trung Yên một phe, dân cư xóm Trung Hòa và xóm Đông một phe. Mỗi phe cử ra trùm phe để tham gia giành quả bòng. Để phân biệt các trùm phe, người ta làm dấu nhữ thập đỏ, trắng trên trán của các trùm phe. Trùm phe là người được tham gia lễ tế thần tại nhà trò, trước khi hội dồi bòng diễn ra.

Ngày mùng 7 tháng giêng, ông cả làng làm chủ tế, với sự có mặt đầy đủ các chức sắc trong làng và đại diện thất tộc tiền hiền làm lễ tế cáo thần linh để xin phép tổ chức trò. Tế xong, hương án và long đình được rước ra nhà trò trước sân đình để tiếp tục làm lễ tế ngoài. Nghi lễ giống như lễ trong đình. Theo nghi thức thọ mai gia lễ gồm sơ hiến, á hiến và chung hiến lễ, lễ vật có bánh khô, hoa quả, hương đăng, vàng mã. Lễ tế xong, ông cả làng đến trước long đình cúi lạy 3 lạy và cầm trái bòng bước lui ra trước sân chơi để ném. Sau 3 hồi trống hiệu, ông cả làng giơ cao quả bòng qua đầu, mặt nhìn vào long đình và ném ngược quả bòng ra sân để các phe tranh nhau. Cuộc giành bòng diễn ra rất quyết liệt. Phe nào giành được quả bòng do trùm phe ném ra liền chạy về hướng xóm mình, trước sự truy cản quyết liệt của phe kia. Trong lúc đó, trùm phe chạy theo để nhận lại quả bòng từ tay thành viên và ném vào giỏ tre của phe mình. Nếu ném trúng, phe đó giành chiến thắng.

Hội dồi bòng ở làng An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cũng giống như hội cướp cù ở một số làng quê thuộc vùng đất tỉnh Quảng Trị. Lễ hội mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, nông nghiệp được mùa bội thu, dân cư trong làng được bình yên, ngư dân đi biển được tai qua nạn khỏi, đánh bắt nhiều tôm cá trong năm mới. Ví như làng Cẩm Phổ, huyện Gio Long, tỉnh Quảng Trị có hai dòng họ lớn là họ Lê và họ Nguyễn, người ta chia làm hai phe Lê – Nguyễn để tranh hội cướp cù, sau này họ không chia theo dòng họ mà chia theo địa bàn cư trú của làng, phe làng trên, phe làng dưới. Vào ngày mồng 7 tháng giêng là ngày tổ chức hội cướp cù, ba quả cù được gói vào giấy ba màu khác nhau, mang ý nghĩa thiên, địa, nhân và đưa đến bãi cát của làng để cúng thổ thần, phẩm vật cúng có đầy đủ các loại ngũ quả, hương, đăng, vàng mã, người điều hành lễ là vị cả làng, cúng xong, quả cù được ông cả làng tung lên cao, sau đó hai phe tranh lấy quả cù và chuyển cho đội mình ném vào giỏ tre được cột trên thân cây tre cao 4m. Nhiều khi quả cù tung lên nhưng không vào được giỏ tre vì phe đối phương đã cố rung cây tre để quả cù không vào giỏ. Làng nào lấy được quả cù và ném lọt vào giỏ tre của đội mình là giành chiến thắng, xem như năm ấy dân làng của phe thắng sẽ làm ăn thuận lợi, may mắn cả năm.

Theo Truyện kể dân gian Hà Nội, hội dồi bòng có nguồn gốc xuất xứ từ vùng Tây Bắc. Từ vùng núi Ba Vì, gò đồi kéo dài liền một dải Cẩm Đái, Vô Khuy qua Quy Mông, Nhông, Ghề, Cao Lĩnh cho đến tận Thừa Lệnh. Đây là miền đất khá cao, nước sông Đà, sông Hồng không lên tới được. Nơi đây thường khô hạn nên dân các làng thường gặp nạn thiếu nước. Truyền thuyết kể rằng, khi Sơn Tinh kéo quân qua các làng vùng này, không tìm đâu ra nước để quân lính uống cho đỡ khát. Sơn Tinh mới đặt một chiếc mộc xuống ven đồi, tức thì cái mộc biến thành cái giếng. Giếng có hình chiếc mộc, to bằng một chiếc thúng, quân lính múc uống mãi không hết. Những ngày khô hạn nước giếng vẫn không cạn. Đến nay, cái giếng thần ấy vẫn còn ở Áng Tràm, thuộc đất Quy Mông. Ngày xưa, dân làng làm lễ rước ngai thờ vào giếng thần Quy Mông để tế cúng thần linh, cầu mưa thuận gió hòa, đủ nước cấy trồng. Sau khi cúng tế xong, dân làng kéo nhau về đình để tổ chức hội, gọi là hội cướp bưởi (bòng). Giữa sân đình, đào sẵn một cái hố nhỏ và sâu, dân trong làng chia làm hai giáp chơi trò cướp bưởi. Quả bưởi tung lên cao, bên nào giành được và ném trúng vào trong hố thì bên đó thắng.

Hội dồi bòng ở đình làng An Hải, đảo Lý Sơn có phần giống với hội cướp cù của các làng thuộc tỉnh Quảng Trị và hội cướp bưởi tại đình của các làng vùng đất Quy Mông, Tây Bắc nước ta. Lễ hội này là một trò chơi truyền thống mang đậm tính văn hóa, tín ngưỡng, phong tục của cư dân nông nghiệp. Đồng thời lễ hội còn tạo được tinh thần phấn khởi, không khí vui tươi cho nhân dân trong những ngày đầu năm.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 375, tháng 9-2015

Tác giả : VÕ MINH TUẤN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *