Hội họa Việt Nam đương đại, diễn trình hội nhập và phát triển


Hội họa Việt Nam đã có một giai đoạn được coi là bùng nổ và phát triển mạnh mẽ tại thời điểm đất nước mở cửa, hội nhấp quốc tế. Từ đây, xuất hiện một lớp nghệ sĩ độc lập, sống bằng lao động nghệ thuật chuyên nghiệp. Các họa sĩ được tự do thể hiện thái độ và tinh thần cá nhân trong sáng tác của mình, dẫn đến một khái niệm và sự cảm nhận dòng mỹ thuật đương đại Việt Nam. Tuy còn có những ý kiến trái chiều nhưng tất cả đều dẫn đến một sự thừa nhận có chuyển biến về quan niệm, nội dung, ngôn ngữ, hình thức, chất liệu trong tác phẩm hội họa Việt Nam.

     Những năm đầu thập niên 90, thế kỷ XX, mỹ thuật Việt Nam nổi lên hai xu hướng tạo hình của các họa sĩ. Một số người tiếp tục sáng tác theo xu hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa (XHCN) do họ đã ổn định tinh thần sáng tác với thế mạnh tạo hình của mình, khi tiếp tục chú trọng vào một số nội dung chủ đề quen thuộc như chiến tranh cách mạng và xây dựng quê hương, đất nước. Bên cạnh đó là nhiều họa sĩ trẻ với tư duy cởi mở, ham học hỏi, tìm tòi sáng tạo, điển hình như nhóm họa sĩ Gang of Five (Hà Trí Hiếu, Phạm Quang Vinh, Hồng Việt Dũng, Đặng Xuân Hòa, Trần Lương) tại Hà Nội.

      Các họa sĩ tự đứng ra tổ chức những triển lãm giàu tính thử nghiệm, khi mà những rào cản đầu tiên đối với các nghệ sĩ sáng tác đã được dỡ bỏ sau những năm tháng dài của cơ chế cũ, bao cấp, sáng tạo trong khuôn khổ. Với cách nhìn và cách thể hiện mới mẻ, một tầm nhìn rộng mở tới tương lai và niềm hy vọng mãnh liệt của tuổi thanh xuân, tranh của họ không còn đi theo lối mòn của quá khứ, bị ràng buộc bởi những lý thuyết mỹ học máy móc, khô cứng.

      Triển lãm đầu tiên của nhóm được tổ chức vào năm 1990 nhưng đến năm 1993, với triển lãm chung tiếp theo tại nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, số16 – phố Ngô Quyền (Hà Nội), tranh của họ mới nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của dư luận, báo chí cũng như của giới phê bình. Trong nhóm năm người, họa sĩ Đặng Xuân Hòa được coi là anh cả. Hình tượng trong tranh của anh là những đồ vật im lặng như đang muốn đối thọai với người đối diện, là loạt chân dung tự họa, là cảnh đoàn viên gia đình bình dị. Vậy nhưng tranh của anh được các nhà sưu tập nước ngoài đón nhận từ rất sớm, anh cũng là họa sĩ trong nước đầu tiên đến Mỹ giao lưu, sáng tác ngay sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận Việt Nam. Tranh của Đặng Xuân Hòa từng giữ kỷ lục về giá tranh đối với một tác giả đương đại tại một phiên đấu giá tại nhà Sotheby’s Hongkong năm 2008. Cùng tuổi với Đặng Xuân Hòa, họa sĩ Hà Trí Hiếu được biết đến với những tác phẩm biểu hiện đầy chất thơ, lấy cảm hứng từ cuộc sống thôn dã nghèo khó. Tranh Hà Trí Hiếu đã được triển lãm ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trẻ nhất nhóm Gang of Five là Hồng Việt Dũng (sinh năm 1962). Tác phẩm của anh phần lớn là những khung cảnh thiên nhiên bảng lảng, mơ màng với một con thuyền bé xíu soi bóng trên mặt nước hồ thu, một con đường nhỏ với những rặng tre hiu quạnh trên cánh đồng xa ngái, một cậu bé với chiếc lồng chim trong tay… Những bức tranh giản dị nhưng đẫm chất lãng mạn phương Đông được các nhà sưu tập và thị trường nước ngoài rất ưa chuộng. Họa sĩ Trần Lương sau chuyên tâm về nghệ thuật trình diễn và sắp đặt, có nhiều tác phẩm gây ấn tượng mạnh và trong bộ môn này, anh được coi là người tiên phong của Việt Nam. Nhóm họa sĩ này tiến rất nhanh trên con đường tìm tòi ngôn ngữ riêng, chịu ảnh hưởng đa chiều từ đa dạng các trường phái hiện đại và hậu hiện đại trên thế giới để chuyển hóa vào chính mình. Mặc dù ngôn ngữ thị giác có nhiều thay đổi, nhưng hình ảnh thị giác vẫn gắn liền với nhiều hình ảnh không xa lạ với những gì quen thuộc trong đời sống thường nhật ở mỗi làng quê Việt Nam… khiến cho hội họa của họ có phần quốc tế hóa nhưng vẫn đậm bản sắc riêng.

     Sau sự thành công của triển lãm nhóm đầu tiên này, nhóm được nhà phê bình mỹ thuật, dịch giả Dương Tường gọi bằng tiếng Anh là Gang of Five, đi cùng những bài viết của ông giới thiệu nhóm cùng tác phẩm của họ trên các báo, tạp chí xuất bản ở nước ngoài. Nhờ thành quả từ chính sách mở cửa, hội nhập với khu vực và thế giới của Việt Nam, Gang of Five sớm nhận được sự chú ý của giới sưu tập ở nhiều nước lúc bấy giờ đang bước đầu tìm đến với hội họa Việt Nam vẫn còn khép kín và nhóm đã nhận được nhiều lời mời triển lãm tác phẩm tại Hongkong, New York,…

     Do đang trong quá trình thử nghiệm, tìm tòi rất đa dạng, phong phú về ngôn ngữ nhưng có thể nhận diện chính xác phong cách qua tác phẩm của họ. Thời điểm này, hội họa trừu tượng xuất hiện nhiều và mạnh nhất ở TPHCM. Ngôn ngữ trừu tượng trong hội họa ở miền Nam về tổng thể coi như khá hoàn thiện và ổn định, thiên về cấu trúc phẳng – tĩnh, đôi khi hơi chút bóng bảy duy mỹ, thể hiện sắc thái công nghiệp và văn minh đô thị. Tranh trừu tượng miền Bắc với bút pháp thô, mộc, có đột biến trong ngôn ngữ biểu đạt, nghiêng về biểu hiện động, gắn với ấn tượng về thiên nhiên và con người… như trong sáng tác của các họa sĩ: Đỗ Minh Tâm, Phạm An Hải.

     Thập kỷ 1990 của hội họa Việt Nam được coi là thời kỳ vàng, một giai đoạn đổi mới tiên phong… Một mặt, hội họa vẫn tiếp tục nảy nở, phát triển cho hết vòng quay, chu trình của nó với đủ loại ngôn ngữ, phong cách cá nhân khác nhau. Rất nhiều họa sĩ vẫn say mê trải nghiệm hội họa. Đây chính là quá trình đổi mới, hiện đại hóa của mỹ thuật Việt Nam theo cách riêng của nó, không giống với phương Tây. “Câu chuyện hội họa vẫn còn là mới, và chắc sẽ không bao giờ kết thúc bởi hội họa luôn là tiếng nói cá nhân, là hành vi thuộc bản năng con người. Hết vòng quay này, có thể sẽ lại bắt đầu một vòng quay khác mới hơn. Tuy nhiên, có thể thấy ở Việt Nam, hội họa đích thực, chân thành ngày càng trở nên hiếm hoi, có xu hướng mệt mỏi, đi vào tháp ngà nội tâm, riêng tư. Một phần khác, khá phổ biến, xuống cấp, trở thành nghệ thuật hàng chợ dân gian, trang trí mỹ nghệ kiếm sống, ít tính nghệ thuật. Phần còn lại cấp tiến hơn, trở thành phương tiện có mặt trong các trò chơi thể nghiệm đương đại, dưới hình thức nghệ thuật sắp đặt, Body Art, Pop Art, Collage, Graffiti, Digital Art…” (1).

     Các khuynh hướng nghệ thuật trừu tượng, siêu thực, biểu hiện, lập thể, Pop Art…được các nghệ sĩ nghiên cứu, ấp ủ bấy lâu, thỏa sức thể hiện. Rất nhiều họa sĩ vẫn say mê lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc và không hề mệt mỏi khi tâm hồn mỗi nghệ sĩ vẫn còn tràn trề tính hồn nhiên dân gian, bản năng, gắn với thói quen và lối sống nông nghiệp. Thời kỳ này, sự chuyển biến ngôn ngữ tạo hình trong hội họa đương đai Việt Nam cho thấy sự ảnh hưởng tự nhiên của tính dân chủ hóa, đại chúng hóa nghệ thuật trong quá trình hội nhập toàn cầu. Trong thời đại công nghiệp, yếu tố trí tuệ càng được tôn lên hàng đầu.

     Giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2009, các họa sĩ thế hệ kế tiếp muốn một cái gì đó khác đi cả về tạo hình lẫn tư duy nghệ thuật. Họ cầu kỳ hơn cả về nội dung, hình thức, chất lượng tác phẩm. Điều này bắt buộc các họa sĩ âm thầm kiên định đi theo con đường đã chọn để tập trung vẽ tranh có chiều sâu hơn nữa và tạo dựng phong cách cho mình. Từ đây, các yếu tố giao lưu, học hỏi văn hóa ngoại lai, phong cách nghệ thuật được cân nhắc, nâng lên đặt xuống, chắt lọc kỹ càng hơn trước… Những ý tưởng đó đã được các họa sĩ thuộc thế hệ 8X (sinh trong thập niên 1980) nối tiếp các lớp đi trước để chuyển tải một cách đầy say mê, nhiệt huyết. Mỗi người một phong cách, một xu hướng chủ đề đề tài nhưng có điểm chung là niềm đam mê và hoài niệm truyền thống. Trong số này, có thể kể đến họa sĩ Pham Huy Thông với đề tài sáng tác có tiêu đề Cập nhật, bày tỏ quan niệm của anh rằng nghệ thuật phản ánh cuộc sống, người nghệ sỹ là chứng nhân ghi lại những hiện tượng của xã hội, nghệ thuật mang hơi thở của thời đại. Tác phẩm của họa sĩ, đặt trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, khiến cho nhiều người muốn lắng nghe, chia sẻ và được cảm thấy, ít nhất, mình được sống trong một không khí phản biện xã hội, thấy mình có thể cùng tư duy theo một cách khác những gì người ta thường nói. Có lẽ, những giễu nhại của họa sĩ với dòng tranh Đông Hồ đậm đà hồn dân tộc trong series Cập nhật này là cách để họa sĩ hối thúc người xem suy nghĩ nhiều hơn về những mai một giá trị truyền thống cũng như dũng cảm đối diện với những sự thật đau lòng.

     Cũng như vậy, Hà Mạnh Thắng phản ánh cuộc sống xã hội Việt Nam đương đại mà theo anh, “việc tìm về vốn cổ cha ông không có lý do nào để chán. Một kho tàng lịch sử và di sản đang bày ra trước mắt. Tôi chỉ sợ mình không có đủ tài để đi đến tận cùng con đường đã lựa chọn”. Anh tạo nên những bức tranh chứa đựng các biểu tượng kiến trúc cổ dân gian vừa mang tính truyền thống lại vừa có nét hiện đại. Những bức tranh này phản ánh một Việt Nam mới sau thời kỳ Đổi mới, có sự tiến bộ về kinh tế kèm theo nhu cầu sử dụng các sản phẩm có thương hiệu xa xỉ từ các nước phương Tây. Đồng thời, họa sĩ cũng nói lên sự cần thiết phải giữ gìn giá trị truyền thống và di sản của dân tộc.                     

     Tranh của Bùi Thanh Tâm vẽ về những người phụ nữ sang trọng nhưng không cụ thể về một nhân vật nào mà chỉ là những gương mặt Việt đương đại ẩn sau dòng chảy và các tầng lớp văn hóa. Họa sĩ vẽ kỹ càng và chăm chút nhất những đôi mắt mở to, như nhìn dứt khoát và trực diện vào nội tâm người xem. Hiện lên trên nền là tranh Đông Hồ, những cô gái trong tác phẩm của anh là sự kết nối, tái tạo ký ức, xen kẽ hình ảnh đứt gãy về giá trị văn hóa. Vì vậy, họ mang vẻ vừa quen thuộc, vừa lạ lẫm…

     Nhìn chung, cho đến nay, nhiều họa sĩ đương đại Việt Nam dường như đã hiểu được rằng, con đường nghệ thuật chân chính phải được khởi nguồn từ cảm xúc và suy tưởng cá nhân đồng thời gắn bó với những giá trị văn hóa truyền thống để hội nhập nhưng không hòa tan. Họa sĩ cần cá tính nghệ thuật mạnh, một thái độ làm việc quyết liệt, nghiêm túc, thế giới quan và nhân sinh quan tích cực, đúng đắn. Các họa sĩ Việt Nam có cả một kho tàng truyền thống văn hóa với nhiều dân tộc cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh đó, người họa sĩ được sống trong một xã hội hiện đại, cởi mở, giao lưu văn hóa đang được mở rộng. Các triển lãm mỹ thuật quốc tế, triển lãm nhóm với đồng nghiệp trong khu vực nhiều hơn đã cho các họa sĩ trẻ có thêm cơ hội để trau dồi và học hỏi. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân đã có đánh giá “hội họa rất hiện đại, thấy ngay có nét ảnh hưởng Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc nhưng cũng khác với các nước đó, đồng thời cũng khác hẳn nghệ thuật các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á khác. Đó là điều thú vị lớn. Sự khác ấy chính là bản sắc Việt Nam, được làm nên bởi rất nhiều bản sắc cá nhân ấn tượng… rõ ràng những nỗ lực ở đây rất tập trung vào việc tìm tòi, những bước đột phá về ngôn ngữ nghệ thuật, cho nên, có lẽ ở chính hội họa, ta có thể chờ đợi những cách nhìn thế giới mới, khác của thời nay…” (2).

     Quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa kể từ thời kỳ đổi mới ở Việt Nam đã có ảnh hưởng sâu rộng trong giới họa sĩ. Tiêu biểu là các họa sĩ trẻ, nhiều gương mặt mới xuất hiện, nhiều phong cách mới tiếp cận và phản ánh cuộc sống theo cách nhìn đương đại. Thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật do họ đem lại có nhiều đổi mới về mặt nhận thức, quan niệm nghệ thuật. Điều đó cũng nói lên tác động của nghệ thuật đến nhận thức thẩm mỹ của công chúng thời đại ngày nay, cho dù trên chặng đường ấy, còn có những ý kiến trái chiều.

_______________

1. Bùi Như Hương, Phạm Trung, Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990 – 2010, Nxb Tri thức, 2013.

2. Nguyễn Quân, Mỹ thuật đổi mới, tham luận in trong 20 năm mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới 1986-2006, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Nxb Mỹ thuật, 2007, tr.55-58.

 

Tác giả: Trần Quốc Bảo

Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 – 2018

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *