Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột về chính trị – an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội được chính thức hình thành vào ngày 31-12- 2015, là kết quả của gần nửa thế kỷ phấn đấu vươn lên của tất cả các nước Đông Nam Á. Các nỗ lực vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển cho tất cả các dân tộc là yếu tố quyết định đưa đến thành công của ASEAN hiện nay. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á nhằm thực hiện mục tiêu là xây dựng về một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội, có quan hệ rộng mở với bên ngoài.
Cộng đồng ASEAN là một cộng đồng thống nhất trong đa dạng với quyết tâm chuyển sự đa dạng về văn hóa, sự khác biệt trong khu vực thành thịnh vượng tạo ra các cơ hội phát triển công bằng trong môi trường đoàn kết, tự cường khu vực và hòa hợp. Đây là một tổ chức hợp tác khu vực liên chính phủ với những đặc điểm chính gồm: bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia thành viên, ra quyết định theo nguyên tắc nhất trí, có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau; hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, có tổ chức bộ máy đầy đủ từ Hội nghị cấp cao xuống cấp Bộ trưởng, quan chức cao cấp, chuyên viên; hợp tác ngày càng chặt chẽ, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị – an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội và quan hệ với các đối tác bên ngoài. Sự hình thành cộng đồng ASEAN nói chung và cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN, một trong ba trụ cột chính của cộng đồng ASEAN nói riêng, đã tạo ra những cơ hội cũng như thách thức đan xen nhau đối với Việt Nam.
Cơ hội
Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân và lấy trọng tâm là người dân sẽ giúp hiện thực hóa nguyện vọng của ASEAN về một nền quản trị hiệu quả, đáp ứng nhu cầu người dân tốt hơn, góp phần nâng cao phúc lợi, an sinh xã hội cho người dân trong khu vực. Thành tựu phát triển kinh tế sẽ được chuyển thành các lợi ích mà người dân được hưởng thụ, bảo vệ môi trường tốt hơn, trao quyền nhiều hơn cho phụ nữ và cơ hội lớn cho tất cả mọi người, tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, ý thức cộng đồng giữa nhân dân các nước thành viên.
ASEAN tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực, hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo theo đúng yêu cầu của thị trường lao động khu vực; thúc đẩy hợp tác du học, trao đổi sinh viên giữa các trường đại học trong khu vực; hài hòa hóa các tiêu chuẩn về công nhận bằng cấp trong giáo dục cũng như kỹ năng nghề giữa các nước ASEAN, tạo điều kiện cho lao động có tay nghề được tự do di chuyển, tìm cơ hội việc làm thuận lợi hơn trong khu vực. Có thể kể đến một số nghề như dịch vụ điều dưỡng, dịch vụ kỹ thuật, du lịch, kế toán – kiểm toán, bác sĩ, nha sĩ, kiến trúc sư…
Cộng đồng ASEAN hình thành đã tạo ra tiềm năng lớn để các nước có thể chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế như cơ hội về mở rộng xuất nhập khẩu, cơ hội đầu tư, chia sẻ học tập kinh nghiệm xây dựng an sinh xã hội nhằm đảm bảo phát triển bền vững, tạo điều kiện cho thị trường lao động trong ASEAN sôi động hơn, thúc đẩy việc làm cho từng quốc gia thành viên. Việt Nam có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực về xây dựng chính sách lao động và việc làm, phát triển nguồn nhân lực cho thị trường lao động không chỉ trong nước mà còn toàn khu vực. Một cơ hội nữa là nâng cao công tác đào tạo nghề, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia của lao động Việt Nam. Trách nhiệm chăm lo tốt hơn cho người lao động thông qua bảo đảm an toàn và vệ sinh sức khỏe lao động, nâng thu nhập, giảm nghèo đối với lao động chính thức, phi chính thức, di cư, thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, lập mạng an sinh xã hội cũng như tăng cường dịch chuyển lao động cho nhóm lao động có tay nghề cao trong ASEAN phải được thực hiện tốt hơn. Quyền của người lao động di cư đồng thời được bảo vệ tốt hơn.
ASEAN coi trọng hợp tác y tế nhằm bao phủ và chăm sóc y tế tốt hơn cho người dân, nhất là trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS… Hợp tác này sẽ giúp bảo vệ người dân tốt hơn trước các nguy cơ dịch bệnh lây lan, thúc đẩy hợp tác ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm.
Hợp tác về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, ứng phó khẩn cấp sẽ giúp các nước thành viên từng bước nâng cao khả năng, năng lực thích nghi, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, ứng phó nhanh và hiệu quả hơn với thiên tai trong khu vực, bảo vệ, hỗ trợ kịp thời cho người dân trong tình huống thảm họa.
Hoạt động hợp tác phát triển cho thanh niên được mở rộng, thúc đẩy, tiếp cận, chuyển giao những thành tựu khoa học và công nghệ của những nước có trình độ cao trong khu vực góp phần nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ trong nước; thông tin truyền thông ngày càng phát triển, mở rộng…
Hợp tác về văn hóa xã hội trong ASEAN là lĩnh vực rộng, đan xen, trong đó các khuôn khổ hành động của các lĩnh vực chuyên ngành cấp khu vực khá phù hợp với những ưu tiên và chương trình hành động cấp quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lồng ghép, thúc đẩy thực hiện các hoạt động của Việt Nam.
Thách thức
Cộng đồng ASEAN hình thành mở ra những cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Xây dựng cộng đồng ASEAN là một quá trình liên tục bởi đây là tập hợp nhiều dân tộc có tiếng nói, tín ngưỡng, văn hóa khác nhau, trình độ phát triển kinh tế khác nhau cũng như chế độ chính trị khác nhau. Hội nhập ASEAN đồng nghĩa với việc nhiều biện pháp, sáng kiến khu vực sẽ được đám bảo và thúc đẩy thực hiện. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trên lĩnh vực về văn hóa xã hội.
Đại biểu các nước chụp ảnh tại ASEAN 50 năm 2017. Ảnh tư liệu
Quá trình hội nhập quốc tế nói chung và ASEAN nói riêng đặt ra thách thức không nhỏ đối với nước ta trong việc thực hiện chủ trương tăng trưởng kinh tế đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Do sự phân phối lợi ích một cách không đồng đều giữa các nước có nền kinh tế phát triển mạnh với các nước có nền kinh tế phát triển yếu nên dẫn đến một bộ phận đáng kể dân cư ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa sẽ hưởng lợi ích ít hơn, nguy cơ thất nghiệp, sự phân hóa giàu nghèo tăng lên.
Sự chênh lệch về trình độ phát triển liên quan đến năng suất lao động, kỹ năng của nguồn lực… cũng là một thách thức không nhỏ. Chất lượng nguồn nhân lực hiện nay của Việt Nam chưa cao. Chất lượng nguồn nhân lực thấp ứng với trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao. Cơ hội việc làm khi hội nhập ASEAN chỉ đến với những lao động có kỹ năng và tay nghề. Chúng ta sẽ phải cạnh tranh với lao động có trình độ của các nước ASEAN không chỉ tại thị trường khu vực mà còn ngay chính thị trường trong nước.
Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ chảy máu chất xám cũng như thiếu hụt nguồn lao động hoặc lao động không có kỹ năng sẽ đối mặt với khó khăn tìm việc làm. Quy định về các vấn đề tự do chuyển dịch lao động sẽ tạo điều kiện cho lao động có tay nghề lẫn lao động phổ thông tìm kiếm các việc làm tốt hơn ở các nước phát triển hơn, còn những lao động giản đơn, không có kỹ năng sẽ hầu như không có cơ hội tiếp cận tìm việc làm trong khu vực. Ngoài việc có kỹ năng nghề nghiệp giỏi, người lao động còn cần có ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác để có cơ hội tham gia làm việc tại các quốc gia cùng trong cộng đồng. Đây là áp lực buộc Việt Nam phải đổi mới quá trình đào tạo nghề, trang bị kỹ năng cũng như đổi mới hệ thống giáo dục, đào tạo theo đúng yêu cầu của thị trường lao động ASEAN.
Hội nhập ASEAN cũng sẽ tạo áp lực lớn cho thị trường lao động Việt Nam trong hai vấn đề quản lý lao động nước ngoài và tiếp cận với thông tin thị trường lao động khu vực từ trong nước do còn nhiều hạn chế về ngoại ngữ. Việt Nam sẽ tiếp nhận thêm nhiều lao động chất lượng cao từ các nước trên thế giới cũng như trong khu vực tới làm việc, trong khi đó trình độ lao động Việt Nam còn thấp, làm việc chủ yếu ở khu vực phi chính thức với gần một nửa số lao động Việt Nam đang làm việc trong ngành nông nghiệp, lĩnh vực có năng suất lao động, thu nhập ở mức thấp so với nhiều nền kinh tế ASEAN khác. Theo điều tra của Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2014, tỷ lệ lao động đang làm việc trong ngành nông nghiệp chiếm 47,04%. Điều này cho thấy cạnh tranh trực tiếp tại Việt Nam giữa lao động trong nước với lao động các nước sẽ diễn ra rất quyết liệt.
Bên cạnh đó, hệ thống thông tin của thị trường lao động Việt Nam hiện nay còn nhiều yếu kém, hạn chế như bị chia cắt giữa các vùng, miền; khả năng bao quát, thu thập, cung ứng thông tin về nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của các đối tác trên thị trường lao động, đặc biệt là sự liên kết giữa người chủ sử dụng lao động và người lao động. Mặc dù hệ thống chỉ tiêu về thị trường lao động đã ban hành nhưng chưa hoàn thiện, thiếu thống nhất, gặp nhiều khó khăn trong so sánh với thị trường lao động quốc tế. Do đó, chưa đánh giá được hiện trạng cung cầu lao động, nhu cầu nhân lực trong nước, thiếu mô hình dự báo thị trường lao động tin cậy, nhất quán và đội ngũ cán bộ, chuyên gia làm công tác thống kê, phân tích, dự báo về thị trường lao động trong nước.
Trong quá trình hội nhập ASEAN, khoảng cách kinh tế, khoa học công nghệ giữa Việt Nam với một số nước phát triển hơn trong khu vực ASEAN làm hạn chế quá trình hội nhập ASEAN của Việt Nam. Trình độ khoa học của Việt Nam hiện chỉ đang nằm trong nhóm trung bình, hạn chế các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và các ứng dụng khoa học công nghệ, điều này không chỉ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn trở thành thách thức đối với Việt Nam. Công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp và lạc hậu nên gặp khó khăn trong quá trình đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và cùng thực hiện các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, có mối quan hệ chặt chẽ, tác động mạnh mẽ tới kinh tế, an ninh, chính trị. Trong dòng chảy hội nhập quốc tế, tinh hoa văn hóa nhân loại được du nhập vào và không tránh khỏi nguy cơ thâm nhập của các trào lưu văn hóa không phù hợp với những chuẩn mực đạo đức xã hội, lối sống của người dân Việt Nam, có tác động lớn đến bản sắc văn hóa dân tộc, làm xói mòn các giá trị truyền thống. Điều đó đòi hỏi phải đặt ra vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống.
Do hạn chế về mọi nguồn lực để triển khai các thỏa thuận, cam kết, Việt Nam sẽ phải huy động được sự giúp đỡ từ bên ngoài để hoàn thành các mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; phải cùng các nước hướng tới mặt bằng chung khu vực về phúc lợi, an sinh xã hội; triển khai đầy đủ các cam kết về bảo vệ môi trường, công nhận lẫn nhau bằng cấp, kỹ năng nghề…
Văn hóa xã hội là lĩnh vực rộng, gắn tới quyền, lợi ích của mọi tầng lớp dân cư (trong đó chú trọng tới các nhóm dễ bị tổn thương). Hợp tác trên một số lĩnh vực có những vấn đề nhạy cảm như liên quan đến thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em, lao động di cư; hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự. Các hoạt động hợp tác với nhiều nội dung mang tính chất đan xen, đa ngành, lĩnh vực, liên quan đến trách nhiệm công tác, đòi hỏi phải có sự kết nối liên ngành. Điều này đặt ra yêu cầu về trách nhiệm và năng lực cao của cơ quan điều phối; về sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành trong phối hợp thực hiện.
Thực tế cho thấy nhận thức không chỉ của người dân mà còn của các bộ, ngành về cộng đồng ASEAN nói chung và cộng đồng văn hóa xã hội nói riêng trên tổng thể và trên các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành có liên quan còn hạn chế.
Sự hình thành cộng đồng ASEAN đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội lớn, giúp Việt Nam tăng cường vị thế và uy tín trên diễn đàn ASEAN cũng như các diễn đàn quốc tế khác, nắm bắt được những cơ hội, chủ động đối phó với những thách thức trong tiến trình hợp tác khu vực nhằm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi liền với những thách thức, đòi hỏi Việt Nam phải có những chính sách cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả tham gia hợp tác ASEAN trên ba trụ cột về chính trị – an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội. Trong đó, đối với trụ cột văn hóa xã hội, cần tăng cường nguồn nhân lực, vật lực nhằm đảm bảo sự tham gia, tiếng nói đồng thuận của Việt Nam trong tất cả các cơ quan chuyên ngành và các hoạt động theo nghĩa vụ thành viên, thực hiện các cam kết, sáng kiến của Việt Nam trong quá trình hội nhập ASEAN. Đồng thời, ưu tiên giáo dục, phát triển con người, đổi mới quá trình đào tạo tay nghề, trang bị kỹ năng cũng như đổi mới hệ thống giáo dục, đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động ASEAN. Việt Nam tiếp tục cần phải đảm bảo hệ thống pháp luật, chính sách, chương trình đào tạo quốc gia hài hòa, tương thích với các hệ thống của khu vực, quốc tế; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, hợp tác nghiên cứu, chia sẻ kết quả, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan điều phối, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ chung của cộng đồng cần phải được quan tâm, giám sát thường xuyên. Cuối cùng là tiếp tục tăng cường các hoạt động thông tin truyền thông nhằm nâng cao nhận thức chung cho cán bộ tại các bộ, ngành từ trung ương tới địa phương, đặc biệt là nhận thức của người dân về cộng đồng ASEAN nói chung, cộng đồng văn hóa xã hội nói riêng về thành tựu, thách thức, mục tiêu, nguyên tắc, nội dung và sự gắn kết của các nội dung này với mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017
Tác giả : LÊ THỊ BÍCH THỦY
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn