1. Hôn nhân có yếu tố nước ngoài và hôn nhân môi giới
Hôn nhân có yếu tố nước ngoài
Trong điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình có định nghĩa: “Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình: a) giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài; b) giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam; c) giữa công dân Việt Nam với nhau mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”(1).
Ở Việt Nam, hôn nhân có yếu tố nước ngoài đã trở thành một cụm từ quen thuộc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Báo chí đề cập rất nhiều đến việc các cô gái Việt Nam lấy chồng nước ngoài… hình thành nên một luồng di cư cô dâu với số lượng rất đáng kể từ Việt Nam đến các địa bàn này. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, từ 2005 đến 2010, số công dân Việt Nam kết hôn và ghi chú kết hôn với người nước ngoài là 133.289 người (trong đó có 91.210 trường hợp kết hôn và 42.079 trường hợp ghi chú kết hôn). Mặc dù phụ nữ Việt Nam kết hôn với nam giới của 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, song chủ yếu tập trung tại hai địa bàn chính là Hàn Quốc và Đài Loan (2). Đặc biệt, số lượng phụ nữ kết hôn với người Hàn Quốc gia tăng mạnh mẽ với hình thức chủ yếu là qua môi giới sắp đặt (3).
Hôn nhân môi giới
Hôn nhân hay kết hôn là một quyền cơ bản của con người. Pháp luật các quốc gia đều ghi nhận: mỗi người đều có quyền lựa chọn, quyết định hạnh phúc và người bạn đời riêng cho mình. Quyền tự do kết hôn thể hiện ở chỗ con người có quyền kết hôn với người cùng hoặc không cùng dân tộc, tôn giáo, quốc tịch. Pháp luật các nước đều tôn trọng và bảo vệ quyền tự do kết hôn của con người. Môi giới kết hôn là hoạt động hỗ trợ cho việc thực hiện quyền kết hôn.
Tác giả Nguyễn Thị Thúy đã đưa ra định nghĩa về môi giới kết hôn: Môi giới kết hôn là một loại hình dịch vụ, trong đó người cung cấp dịch vụ môi giới kết hôn đóng vai trò trung gian giới thiệu cho những người có nhu cầu tìm kiếm đối tượng kết hôn gặp gỡ, tìm hiểu nhau tiến tới hôn nhân. Khách hàng phải trả phí khi tham gia dịch vụ này (4).
Trên cơ sở đó, theo chúng tôi, hôn nhân môi giới là thuật ngữ cùng có ý nghĩa như vậy, chỉ chung các cuộc hôn nhân được thực hiện thông qua những dịch vụ môi giới kết hôn.
Hoạt động môi giới hôn nhân ở Việt Nam và Hàn Quốc
Mai mối là một tập tục truyền thống có từ lâu đời ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Nhưng mai mối được thực hiện theo đúng nghĩa là mai mối, chứ không bị lợi dụng như một công cụ để ép duyên. Điều đó có nghĩa là đôi bên tự quyết định các bước tiếp theo sau khi được mối lái. Nhưng đến thời điểm hiện nay, tính chất mai mối đã bị biến tướng. Môi giới hôn nhân nói chung và môi giới kết hôn với người nước ngoài nói riêng có tính hai mặt. Mặt tích cực là tạo điều kiện cho hai bên có điều kiện làm quen, tiếp xúc và tìm hiểu nhau. Mặt trái là áp đặt, cung cấp những thông tin sai lệch cho khách hàng để kiếm lời. Những người làm dịch vụ môi giới tìm mọi cách để thành công với mục đích kiếm được tiền, bất kể việc cung cấp thông tin sai, lừa dối đôi bên, dẫn đến những hậu quả khôn lường, làm nhiều gia đình tan vỡ, trong đó người chịu ảnh hưởng nhiều nhất, thiệt thòi nhất là phụ nữ.
Ở Việt Nam hiện nay, các công ty môi giới hôn nhân với người nước ngoài, đặc biệt là với Hàn Quốc và Đài Loan, đang phát triển mạnh. Hầu hết các công ty này đều tận dụng kẽ hở của luật pháp hay lách luật để vào Việt Nam thực hiện các hoạt động môi giới nhằm kiếm lợi nhuận.
Một trong những cách truyền thống mà người Hàn Quốc chọn bạn đời là thông qua mối quan hệ quen biết của những người thân quen hoặc bà mối. Môi giới hôn nhân ở Hàn Quốc là một hình thức hiện đại hóa mai mối truyền thống. Những văn phòng môi giới hôn nhân này rất phổ biến, họ quản lý hồ sơ khách hàng bằng các phần mềm vi tính, cho phép tìm kiếm những thông tin về người bạn đời lý tưởng, những người có thể đáp ứng tiêu chuẩn của các thành viên.
Hoạt động môi giới hôn nhân được công nhận là hợp pháp ở Hàn Quốc nên các công ty môi giới hôn nhân hoạt động công khai và phát triển mạnh mẽ. Trong số đó, những năm gần đây bùng nổ dịch vụ môi giới cho đàn ông Hàn Quốc với phụ nữ Việt Nam với rất nhiều vấn đề cần quan tâm.
2. Vài nét về hôn nhân môi giới Việt – Hàn những năm gần đây
Một thập kỷ trở lại đây, hôn nhân quốc tế ở Hàn Quốc có xu hướng gia tăng mạnh mẽ. Theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2005, trong khoảng từ năm 1990 đển 2005, số phụ nữ nước ngoài kết hôn với nam giới Hàn Quốc là 159.942 người. Năm 2005, có 13,6 % trong tổng số các trường hợp kết hôn là hôn nhân có yếu tố nước ngoài, tức là cứ 100 người kết hôn thì chỉ có 13 người kết hôn với người nước ngoài. Trong các trường hợp kết hôn quốc tế có tới 72% trường hợp kết hôn với phụ nữ nước ngoài, chủ yếu là từ các nước đang phát triển như Việt Nam, Philippines… Điều đáng lưu ý, Việt Nam là nước có tỷ lệ phụ nữ kết hôn với đàn ông Hàn Quốc nhiều nhất và tăng nhanh nhất.
Nếu như tỷ lệ kết hôn ở nam giới Hàn Quốc với phụ nữ Philippines hay Thái Lan luôn giữ mức trung bình, gần như tăng không đáng kể thì tỷ lệ kết hôn với phụ nữ Việt Nam lại tăng mạnh một cách đột biến.
Có thể nhận thấy chỉ trong 5 năm, tỉ lệ kết hôn, lấy vợ Việt Nam của đàn ông Hàn Quốc tăng nhanh một cách chóng mặt, gấp 43 lần. Năm 2001 là 143 người, năm 2003 là 1.403, đến năm 2005 là 5.822 người và tiếp tục tăng gấp đôi ở năm 2006. Nếu lấy điểm mốc thống kê là năm 2000 thì đến năm 2006 đã tăng hơn 100 lần.
Tình hình phụ nữ di trú kết hôn theo quốc tịch tại Hàn Quốc (31-8-2010)
Trung Quốc |
Trung Quốc gốc Hàn |
Việt Nam |
Nhật Bản |
Phillippin |
Cambodia |
Thái Lan |
Mông Cổ |
Khác |
30.991 |
24.405 |
33.535 |
9.434 |
6.845 |
3.793 |
2.425 |
2.347 |
6.287 |
(Nguồn: tác giả xử lý lại số liệu của Cục Thống kê Hàn Quốc, 2010)
Đến cuối năm 2010, theo Cục Thống kê Hàn Quốc cho biết: số người lấy chồng và nhập cư vào Hàn Quốc là 141.654 người, trong đó, nhiều nhất là người Việt Nam, 33.535 người. Và cô dâu Việt đang đứng đầu danh sách dâu ngoại ở Hàn Quốc.
Trong số phụ nữ Việt Nam kết hôn với đàn ông Hàn Quốc thì phần lớn đều từ nông thôn nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, theo kết luận tại Hội nghị toàn quốc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài ngày 22-4-2011 tại Cần Thơ, do Bộ LĐTB&XH phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức thì ba năm gần đây, phong trào lấy chồng Hàn ở đồng bằng sông Cửu Long lại có chiều hướng giảm dần, còn một số tỉnh phía Bắc lại tăng như: Hải Phòng, Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Bình.
Việc phụ nữ trẻ tuổi Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc (chủ yếu thông qua môi giới) nhằm mục đích cải thiện cuộc sống hiện tại của gia đình xuất hiện như một làn sóng, trở thành hiện tượng thu hút giới truyền thông trong nước và quốc tế. Tác giả Hoàng Bá Thịnh cho rằng: Không phải ngẫu nhiên mà tờ New York Times ngày 22-2-2007 lại dành trang nhất đăng ảnh và bài viết về hiện tượng này với tựa đề Betrothed at first sight: A Korean – Vietnamese Courtship (5). Điều này cho thấy hiện tượng phụ nữ Việt lấy chồng Hàn Quốc có độ nóng đến cỡ nào.
Con đường đưa các cô dâu Việt Nam sang Hàn Quốc đông đảo nhất vẫn là qua các công ty, trung tâm môi giới, văn phòng tư vấn hôn nhân nở rộ tại Hàn Quốc những năm gần đây. Theo thống kê ban đầu, riêng ở Hàn Quốc đã có khoảng 700-1.000 cơ sở môi giới hôn nhân quốc tế. Các trung tâm này có nhiệm vụ thu thập yêu cầu của các chú rể Hàn, sang Việt Nam qua đường dây môi giới ở Việt Nam tìm ra các cô dâu thích hợp. Để đánh bóng các chú rể, các trung tâm môi giới thường cung cấp cho cô dâu những thông tin không đúng với thực tế: một chú rể làm nghề quét rác sẽ được nói là nhân viên vệ sinh, một chú rể chuyên khiêng cáng trong bệnh viện được nói là nhân viên nhà nước. Và những người trong đường dây môi giới sẽ bỏ túi trọn số tiền 12-15 triệu won, tương đương 10.000-12.000 USD (cũng có thể nhiều hơn nếu yêu cầu phía đằng trai cao hơn, hoặc chú rể bị dị tật) của những người Hàn lấy vợ Việt và không một đồng nào trong số tiền đó được trả cho gia đình các cô dâu Việt. Do lợi nhuận cao nên không ít trung tâm môi giới hôn nhân quốc tế đã tìm cách lách luật.
Chân dung xã hội của các cặp vợ chồng Việt – Hàn qua hôn nhân môi giới
Chú rể Hàn Quốc: Đa phần nam giới là những người có địa vị xã hội thấp, học vấn không cao và chủ yếu làm công việc thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp với mức thu nhập thấp. Còn những nam giới có học vấn cao, nghề nghiệp ổn định với mức thu nhập cao thì họ lại trì hoãn hôn nhân. Với những phụ nữ Hàn Quốc có học vấn cao, thu nhập khá, họ lại hướng đến những đối tác có chất lượng cao về vốn con người. Điều này dẫn đến những khó khăn đối với nam giới Hàn Quốc ở các vùng nông thôn khi tiếp cận với thị trường hôn nhân.
Một số là những người cao tuổi, đã ly hôn, có con hay bị góa, hoặc là những người tàn tật, thuộc nhóm yếu thế trong thị trường hôn nhân ở Hàn Quốc, và được khuyến khích lấy vợ Việt Nam. Có thể thấy điều này qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trung tâm môi giới hôn nhân ở Hàn Quốc.
Điều này đã thúc đẩy những người đàn ông không có cơ hội lấy vợ Hàn nhưng cánh cửa lại rộng mở với họ khi sang tìm vợ ở Việt Nam.
Cô dâu Việt Nam: Các cô gái muốn làm dâu xứ Hàn đa phần là ở các vùng nông thôn, tập trung nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, ở miền Bắc có một số tỉnh như: Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình… đang ở độ tuổi còn trẻ, khoảng cách chênh lệch tuổi tác với chồng Hàn thường từ 10 đến 20 tuổi. Học vấn của họ thường chưa qua hết cấp 2, nhiều cô không biết chữ và hầu hết là không biết tiếng Hàn.
Các cô gái Việt Nam được xem là chịu khó, ngoan và dễ bảo. Điều này thích hợp với Hàn Quốc là đất nước phát triển nhưng các giá trị liên quan đến hôn nhân và gia đình vẫn được xem là một trong những đất nước bảo thủ nhất thế giới. Những quảng cáo trên báo, mạng của Hàn Quốc cũng đã tiếp thị phụ nữ Việt Nam là những người dễ dàng phục tùng chủ nghĩa gia trưởng phong kiến. Đây chính là những phẩm chất mà nam giới Hàn Quốc đang tìm kiếm ở người vợ nước ngoài. Với những đặc điểm về nhân khẩu học và hoàn cảnh như vậy, những cặp đôi chồng Hàn vợ Việt này gặp không ít khó khăn và mâu thuẫn phát sinh khi chung sống với nhau.
3. Một số vấn đề xã hội nảy sinh từ hôn nhân môi giới Việt – Hàn
Được thực hiện chóng vánh theo tính chất thương mại hóa nên các cuộc hôn nhân môi giới Việt – Hàn hầu hết đều không xây dựng trên một điều kiện cốt lõi cho một cuộc hôn nhân là tình yêu thương và sự thông hiểu lẫn nhau. Tổng lượng thời gian tiếp xúc của những cặp vợ chồng này tính từ lúc gặp nhau trong buổi xem mặt cho đến khi cô dâu Việt Nam đặt chân đến Hàn Quốc cũng chỉ không quá vài ngày. Khoảng thời gian để các cô dâu chuẩn bị học tiếng Hàn (nếu có) chỉ độ một tháng. Trong điều kiện như vậy, các cặp vợ chồng này không tránh khỏi những mâu thuẫn xung đột trong gia đình và đồng thời kéo theo không ít hệ lụy xã hội.
Bạo lực gia đình và các vụ ly hôn trong các gia đình đa văn hóa ở Hàn Quốc tăng mạnh
Hôn nhân không trên cơ sở tình yêu, cùng với việc thiếu thông tin rõ ràng về hai phía, lại chịu sự chi phối vì mục đích lợi nhuận của môi giới trung gian, đã khiến nhiều cuộc hôn nhân Việt – Hàn trở thành bi kịch với những vụ bạo lực gia đình hay nhẹ hơn là sự không thể hòa nhập với cuộc sống chung. Tại Hàn Quốc, số vụ ly hôn của các cặp vợ chồng quốc tế năm 2003 là 2.784 vụ, đến năm 2007 đã tăng lên 8.348 vụ (6).
Vài năm trở lại đây, báo chí Việt Nam và Hàn Quốc gây xôn xao dư luận xã hội hai nước với những bài báo viết về những vụ việc đau lòng xảy ra đối với một số cô dâu Việt bất hạnh trên xứ người. Cô dâu Việt tự tử do không tìm được lối thoát trong hôn nhân, bị chồng đánh đập tàn nhẫn… Năm 2008, vụ việc cô dâu Việt bị nhà chồng tước đoạt quyền nuôi con, không cho tiếp xúc với hai đứa con sau sinh. Và gần đây nhất là vụ việc cô dâu Thạch Thị Hồng Ngọc đã bị chồng, vốn là người có vấn đề về thần kinh, đâm chết vào ngày 8-7-2010 tại thành phố Busan (7)… đã gây nhức nhối trong dư luận xã hội hai nước.
Một trong các nguyên nhân chính là do những mâu thuẫn nghiêm trọng trong đời sống gia đình, đó là sự khác biệt về văn hóa, pháp luật và phong tục tập quán. Thêm nữa, động cơ muốn thu hồi vốn của cô dâu, tâm lý lo ngại vợ bỏ trốn sau khi đã phải trả một khoản chi phí cưới vợ của chú rể Hàn đã khiến gia đình nhà chồng khống chế tài chính cũng như cơ hội giao tiếp bên ngoài của người vợ. Bên cạnh đó, luật ủng hộ gia đình đa văn hóa của Hàn Quốc chưa công bằng khi yêu cầu người phụ nữ phải học ngôn ngữ, văn hóa, phong tục của chồng nhưng ngược lại, người chồng lại không cần tìm hiểu những điều đó ở phía người vợ.
Hôn nhân thương mại biến phụ nữ Việt trở thành một sản phẩm hàng hóa
Tại Hàn Quốc, dịch vụ môi giới kết hôn với các hoạt động quảng cáo phát triển rất mạnh mẽ. Có thể nói, qua các quảng cáo trên báo chí ở Hàn Quốc thì phụ nữ Việt được xem như một món hàng rất dễ mua. Không những vậy, việc lấy vợ Việt vô cùng dễ dàng, cho dù đàn ông Hàn là những người như thế nào cũng có thể cưới được vợ. Để thêm sức thuyết phục cho việc tiếp thị lấy vợ Việt, những quảng cáo còn liệt kê chi tiết về những ưu điểm của con gái Việt. Đó là không chỉ hấp dẫn về hình thức như và quyến rũ hơn so với phụ nữ ở một số nước trong châu lục mà còn có những phẩm hạnh tuyệt vời.
Tính chất thương mại trong hôn nhân môi giới còn được thể hiện rõ hơn qua quá trình những người đàn ông Hàn đi xem mặt các cô gái Việt rồi cân đong đo đếm lựa chọn vợ, trả tiền lo thủ tục cưới xin, tiền hoa hồng cho môi giới. Những kiểu chọn vợ như vậy được kể một cách bình thản trên các mặt báo. Đầu năm 2006, sau khi nhật báo Chosun đăng bài viết về thực trạng cô dâu Việt lấy chồng Hàn với cái nhìn vô cảm, bảo vệ cho các công ty môi giới và xúc phạm đến phụ nữ Việt Nam, các du học sinh Việt Nam đã tập trung biểu tình trước tòa soạn báo Chosun yêu cầu tòa soạn phải nhận lỗi, đồng thời cũng đề nghị xóa bỏ các bảng quảng cáo về cô dâu Việt Nam cũng như cô dâu những nước khác lấy chồng người Hàn. Cuộc biểu tình này đã đạt được những thành công nhất định, người dân hai nước, đặc biệt là người dân Việt Nam đã có những quan tâm sâu sắc hơn đến vấn đề nhân quyền của người phụ nữ .
Vấn đề con lai trong các gia đình đa văn hóa Việt – Hàn
Một vấn đề quan trọng khác hiện nay được đặt ra liên quan đến hiện trạng hôn nhân quốc tế này chính là vấn đề giáo dục cho thế hệ con cái của mẹ Việt Nam và bố Hàn Quốc. Cùng với sự tăng lên của con số các cuộc hôn nhân quốc tế này, số con lai Việt – Hàn cũng đang tăng lên nhanh chóng. Bất lợi đầu tiên của những đứa trẻ này là bố mẹ chúng không thông hiểu nhau về mặt ngôn ngữ, văn hóa dẫn đến sự không nhất quán trong quá trình dạy con. Họ dễ rơi vào tình trạng lúng túng không biết nên dạy con tiếng Hàn hay tiếng Việt. Nếu dạy con bằng tiếng Hàn thì mẹ cũng không đủ khả năng để dạy và sau này con cũng không thể hiểu được tiếng mẹ. Đồng thời người mẹ cũng không thể chỉ dạy con bằng tiếng Việt trong khi đang sống trên đất Hàn. Và làm thế nào để những đứa trẻ này không bị lạc lõng khi vào học ở các trường… vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi nhiều trong xã hội Hàn Quốc.
Mất cân bằng giới tính trong thị trường lao động và hôn nhân ở Việt Nam
Hệ quả của làn sóng phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc tạo ra sự mất cân bằng về giới tính trong thị trường lao động và hôn nhân ở Việt Nam. Trong khi Hàn Quốc có thêm lao động thì một số tỉnh Việt Nam mất đi một nguồn lao động trẻ khi có hàng vạn cô gái từ bỏ quê hương. Nam giới Hàn Quốc có cơ hội cứu vãn nguy cơ sụt giảm dân số ở mức báo động thì ở Việt Nam lại mất cân bằng do một số lượng lớn phụ nữ xuất ngoại lấy chồng Hàn Quốc.
Bất ổn xã hội từ hoạt động của các công ty môi giới hôn nhân Hàn Quốc tại Việt Nam
Sự nở rộ của các công ty môi giới kết hôn Hàn Quốc tại Việt Nam với nhiều hoạt động ẩn sau đó là lách luật, phạm pháp cũng gây ra những bất ổn xã hội. Từ nhu cầu của các dịch vụ này hình thành nên các mạng lưới, nhóm môi giới liên kết giới thiệu người từ các vùng quê ra đô thị. Trong đó không tránh khỏi cả những hành vi dụ dỗ, lừa gạt nhằm kiếm lợi, ảnh hưởng đến an ninh xã hội.
Gần đây, báo chí Việt Nam có nhận xét rằng việc lấy chồng nước ngoài đang bị biến tướng. Việc kết hôn qua môi giới thường chưa tìm hiểu rõ thông tin về đối phương hoặc thông tin được các trung tâm môi giới đưa ra sai lệch, cùng với việc kiếm lợi nhuận đã khiến không ít cô gái trẻ Việt Nam rơi vào rủi ro bị buôn bán người. Ẩn nấp đằng sau danh nghĩa các trung tâm môi giới, tư vấn hôn nhân là những mạng lưới buôn bán người trá hình.
Theo bà Lee Kum Yeon Cecilia thuộc Trung tâm Phúc lợi xã hội Jeo Jin Sang thì hiện tượng hôn nhân Việt – Hàn qua môi giới không còn đơn thuần là một hiện tượng xã hội, mà đã có thể xem xét từ góc độ buôn bán phụ nữ: “Khi một tổ chức kinh doanh đứng ra kiếm chác lợi nhuận và việc kết hôn bị coi như là hàng hóa thì vấn đề đã có thể xem là chuyện buôn bán phụ nữ”.
4. Một số giải pháp
Phát triển kinh tế – văn hóa ở các vùng nông thôn
Đại đa số các cô gái nông thôn ở Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc là vì lý do kinh tế. Suy nghĩ thoát nghèo bằng phương thức kết hôn với nam giới ở nước có nền kinh tế phát triển hơn sẽ giảm đi rất nhiều nếu ta làm tốt việc phát triển kinh tế tại các vùng nông thôn, đồng thời phát triển văn hóa, nâng cao nhận thức cho người dân.
Ngăn chặn, kiểm soát các hoạt động môi giới hôn nhân vì mục đích kinh doanh
Trong bối cảnh môi giới hôn nhân quốc tế đã trở thành một ngành kinh doanh mới nổi và có lợi nhuận rất cao, không ít các cơ sở môi giới hôn nhân đã lách luật hoặc vi phạm pháp luật, trá hình dưới nhiều hình thức, thậm chí buôn bán phụ nữ. Vì vậy cả hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động môi giới hôn nhân của các cơ sở này, có quy chế cụ thể và sự trừng phạt nghiêm khắc đối với những hoạt động, hành vi môi giới không lành mạnh, bất hợp pháp.
Hỗ trợ về pháp lý, tư vấn hôn nhân đối với hôn nhân quốc tế
Hầu hết các cô gái Việt Nam khi lấy chồng Hàn Quốc đều chưa biết thông tin gì về luật pháp hôn nhân. Sẽ chưa đủ nếu cả hai phía không cung cấp thông tin cho họ về những điều liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình của hai quốc gia. Đặc biệt cần hỗ trơ pháp lý cho những cô dâu Việt về những điều kiện có thể nhập quốc tich Hàn Quốc hay những vấn đề pháp lý trong những tình huống xấu như ly hôn. Ngoài ra, cũng cần phải có một hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, hôn nhân gia đình giữa hai quốc gia để giải quyết tốt các trường hợp hôn nhân Việt – Hàn.
Cung cấp hành trang cho các cặp chú rể Hàn Quốc – cô dâu Việt
Hành trang mà những phụ nữ muốn lấy chồng Hàn Quốc cần trang bị cho mình đó là kiến thức ngôn ngữ, văn hóa Hàn Quốc và việc tề gia nội trợ trong gia đình Hàn Quốc. Đối với nam giới Hàn Quốc khi muốn lấy vợ Việt Nam là ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa chính là trở ngại to lớn nhất ngăn cản họ hiểu biết, cảm thông với nhau và sống có trách nhiệm với gia đình. Cả hai cùng phải hiểu về nề nếp, phong tục tập quán của gia đình, của vùng, miền, nhất là đối với các cô dâu Việt sinh sống tại nhà chồng ở Hàn Quốc.
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các đoàn thể, tổ chức xã hội
Tại các địa phương nơi có nhiều phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc, chính quyền địa phương cùng các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ cần có sự quan tâm đến số phận của các thành viên sau khi kết hôn để có thể hỗ trợ họ khi có những vấn đề phát sinh không mong muốn, như hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng trong trường hợp hôn nhân tan vỡ, bị bạo lực, phải quay về nước với sự thiệt thòi hay bị lừa gạt buôn bán qua con đường kết hôn trở về… Bên cạnh đó, các cấp bộ, ngành cũng cần sát sao và có trách nhiệm trong việc quản lý, theo dõi các cuộc hôn nhân quốc tế nhất là thông qua môi giới để kịp thời phát hiện những hoạt động phạm pháp hoặc hỗ trợ giải quyết, bảo vệ cho cô dâu Việt trong trường hợp bị xâm phạm quyền con người như xảy ra bạo lực hay bị ngược đãi…
Những vấn đề trên đã phần nào phản ánh thực trạng hôn nhân môi giới Việt Nam – Hàn Quốc hiện nay và những vấn đề xã hội nảy sinh từ các cuộc hôn nhân này. Thiết nghĩ chính phủ hai nước cần có những đàm phán, trao đổi và hợp tác trong việc giải quyết các trường hợp hôn nhân Việt – Hàn đồng thời cần quan tâm xây dựng và thực hiện những giải pháp mang tính phòng ngừa, hỗ trợ các cuộc kết hôn theo hướng lành mạnh, an toàn như: cung cấp đầy đủ thông tin về luật pháp, trang bị kiến thứ văn hóa, ngôn ngữ cho cả hai phía cô dâu và chú rể,… Bên cạnh đó cũng cần tăng cường hoạt động giám sát và quản lý chặt chẽ các công ty môi giới hôn nhân đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay, có xử phạt nghiêm minh đối với những hoạt động phạm pháp, xâm hại quyền của phụ nữ Việt Nam.
_______________
1. Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002.
2. Liên minh Châu Âu – Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại Giao – Tổ chức Di cư thế giới, Báo cáo tổng quan về tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài, 2011.
3. IOM, Dự án nâng cao nhận thức và phổ biến thông tin cho các cô dâu Việt Nam di cư lấy chồng Hàn Quốc, 2008.
4. Nguyễn Thị Thúy, Pháp luật về môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài, Luận văn Thạc sĩ ngành Luật Quốc tế, 2012.
5. Hoàng Bá Thịnh, Hôn nhân Việt Nam – Hàn Quốc: Những khía cạnh văn hóa xã hội, Tạp chí Khoa học xã hội, số 09-2008.
6. Theo ussh.vnu.edu
7. Nguyễn Ngọc Tuyến, Nhìn lại vấn đề hôn nhân quốc tế thương mại hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Tạp chí Khoa học và Công nghệ – ĐH Đà Nằng, số 5-2010.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 353, tháng 11-2013
Tác giả : Nguyễn Thu Trang – Ngô Thị Thanh Mai
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai