Đời sống tinh thần của người dân bao gồm toàn bộ những ứng xử, quan hệ đa chiều với tự nhiên, xã hội, với lịch sử, với tâm linh, với chính mình… Xét tất cả các mối quan hệ hữu cơ đan xen trong đời sống của người dân, nếu rạch ròi đời sống tinh thần tách biệt với đời sống vật chất thì thật không hoàn toàn “khoa học”. Nhưng để làm khoa học, sự phân chia rạch ròi như giả thiết làm việc lại là điều cần thiết. Chúng tôi tạm gói gọn đời sống tinh thần của người dân qua các hoạt động giao đãi, phong tục tập quán biểu hiện qua việc tổ chức lao động sản xuất và cuộc sống thường nhật, việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội để tìm hiểu đời sống tinh thần người dân nhằm tìm ra những biểu hiện được/bị đánh giá là hủ tục, các tệ nạn xã hội cần dẹp bỏ, hạn chế, đẩy lùi vì tác hại của chúng đến đời sống tinh thần của người nông dân nói riêng, người dân nói chung.
Với quan điểm như trên, chúng tôi thấy rằng, về cơ bản, hủ tục và các tệ nạn xã hội là những thói tật hư, xấu, tồi, làm cho xã hội bị trì kéo, chậm tiến, chậm pháp triển, những hành động, ý nghĩ, việc làm không mang lại chân giá trị giúp ích đẩy mạnh, nâng cao chất lượng con người, nâng cao đời sống cộng đồng tiến tới xã hội lành mạnh, văn minh.
Có thể nói, hủ tục và tệ nạn xã hội tuy có những biểu hiện đa dạng khác nhau nhưng đều có chung một đặc điểm là làm băng hoại đạo đức nền tảng của xã hội, làm xã hội bị tha hóa bởi một bộ phận dân chúng và chúng đã tác động không nhỏ vào đời sống tinh thần yên ổn của người dân.
Tùy mức độ ảnh hưởng của từng loại hủ tục và tệ nạn mà chúng ta ưu tiên lên án khác nhau trong quá trình nhận thức và tuyên truyền cho vấn đề này.
Tìm về ngọn nguồn văn hóa của hủ tục, chúng ta thấy rằng, hủ tục là những thói xấu không phải tự nhiên sinh ra. Căn nguyên văn hóa của hủ tục bắt nguồn từ chính bản thân cuộc sống. Thời xưa cho chí thời nay, thời nào cũng có hủ tục. Có những những hủ tục ngàn đời vẫn tồn tại nhưng có điều, chân tướng của nó đã có những biến đổi nhằm thích nghi với xã hội nó đang tồn tại.
Phong tục và hủ tục, tệ nạn xã hội có quan hệ biện chứng với nhau. Giá trị và phản giá trị thường là hình với bóng trên con đường pháp triển của nhân loại theo quy luật đào thải. Có những phong tục hôm nay rất có thể sẽ trở thành hủ tục ngày mai, hoặc có khi, ngay trong thời điểm hiện tại, thói quen đó không định hình được là phong tục hay hủ tục mà nó ở lằn ranh, ở giữa, đang tranh chấp, được con người vẫn làm theo/thực hành văn hóa, nhưng về phương diện lý trí, vẫn luôn nhận biết rằng đó là một thứ hủ tục mới của đời sống, nó là tệ nạn xã hội cần được loại bỏ, nhưng chưa loại bỏ được.
Các tài liệu sử chính thống và dã sử, các tài liệu dân tộc chí, địa chí, xã chí, hương ước, gia phả… đã đề cập đến hủ tục và các tệ nạn xã hội ở Việt Nam. Việc lên án hủ tục, được các nhà Nho ghi chép lại qua các thời đại đã thể hiện cuộc đấu tranh giữa giá trị văn hóa và phản giá trị, là cuộc đấu tranh dai dẳng, không khoan nhượng, liên tục trong trường kỳ lịch sử. Tác phẩm Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ (TK XVIII), các sách viết về phong tục tập quán của Phan Kế Bính, Toan Ánh, Đào Duy Anh, Nguyễn An Ninh… đều đề cập ít nhiều đến các hủ tục còn đang diễn ra tại thời điểm họ viết sách.
Thời bấy giờ, Phạm Đình Hổ, trong tâm thế nhà Nho giữ lệ vì “Ai làm điều gì xằng bậy còn sợ người khác chê cười” đã thở than chua xót rằng”Tập tục ngày càng kiêu bạc” (Kiêu bạc tức là bị coi thường). Các ứng xử xã hội đã thay đổi, không theo luân thường đạo lý, hoặc cố tình giữ nệ cổ để mang lại tiếng chê muôn đời, đi vào sử sách đã bị tác giả lên án gay gắt: “Đời nay lắm kẻ đình hoãn việc tang lại mà đi đón dâu, gọi là “cưới chạy tang”. Thói ấy thực là bại hoại luân lý, các bực tiên hiền từng đã biện bác đi rồi. Còn như cái thói tiền cưới không đủ, bắt phải viết văn khế xin cưới, thường sinh ra kiện tụng lôi thôi; những kẻ ấy thực là kẻ tội nhân xấu xa, khi cưới xin chỉ kể đến tiền tài” (1).
Đối với tệ nạn xã hội, tác giả cũng dẫn ra những trường hợp đáng lên án như: “Kẻ vô lại đi lấy người gái hóa, trước lấy mẹ rồi sau lấy cả con. Thói ấy từ cuối đời Cảnh Hưng, về sau thế gia cũng có người bắt chước… Thế mà các quan đương sự thấy những kẻ lấy nhau càn bậy như vậy, lại điềm nhiên không hỏi đến, thương luân bại hóa như vậy còn gì tệ hơn!”(2). Hoặc giả “còn như bọn con nhà lương gia, bỏ cả nghiệp nhà mà đi rong chơi; trẻ nhà quý thích cậy thần thế mà kiêu ngạo; canh cai chú lính lại nghiện cả chè tàu, yến tiệc cỗ bàn có khi to hơn cả việc tang tế; những khi họ hàng thết đãi chè chén, trẻ con cũng leo lên ngồi, các bậc kỳ lão không dám trách mắng; có khi làng xóm cùng nhau hội họp ăn uống, trẻ con cũng làm om sòm, các bậc tôn trưởng cũng không dám bắt bẻ, lắm kẻ lại phải mềm mỏng với bọn con hát, chỉ sợ nó chê cười; có kẻ chỉ khoe khoang trước mắt, bày ra hát xướng linh đình, tiền thù lao hát xướng gấp bội tiền xôi thịt phụng thờ. Thậm chí những kẻ đã cáo quan về ở nhà quê, chỉ làm đơn từ xui kẻ kiện cáo, gây thói điêu ngoa. Có kẻ ra làm quan mà chỉ tối mắt về ăn của đút, gây thói gian tham. Lại còn những thói dâm bôn vô sỉ, hẹn hò nhau ở trên sông, cướp trộm lung tung, bắt cóc những người buôn bán. Phong tục đến thế là cùng” (3)…
Trong xã hội, phổ biến hơn cả là tệ nạn cờ bạc. “Người xưa có mười điều răn cờ bạc, thực là cờ bạc hại người còn hơn cả thủy hỏa đạo tặc (lụt, cháy, trộm, cướp). Từ nay về sau, trong xã ai tụ họp đánh bạc lớn (như âm dương tứ vị, tam cúc), lý dịch thì bắt giải, còn những cuộc thương thường từ một xu trở lên đều cấm hẳn. Ai trái lệnh phải phạt tiền có thứ bậc (chủ phạt 1 đồng; người dự phạt 3 hào, người ngồi ngoài xem phạt 1 hào); tái phạm phạt thêm và ghi vào sổ răn ác, phạm lần thứ ba trình quan trị tội. Những kẻ “tọa sơn quan hổ đấu” cũng phải nộp tiền phạt, đủ thấy quyết tâm bài trừ cờ bạc trong nhân dân rất cao (4).
Sau cờ bạc là tệ nạn rượu chè, yến tiệc. Rượu được coi là lễ phẩm thiêng liêng kính thần, lại vừa là biệt dược, là thứ đồ uống khó bỏ (lễ kính thần linh thì vô tửu bất thành lễ, vậy nên phải sắm) nhưng cũng quy định rất cụ thể trong Hương tục xã Lễ Khê rằng: “Trong 4 điều cấm, rượu là thứ nhất. Đời xưa, quân tử uống rượu, 1 chén mà vẻ mặt ngất ngây, 2 chén mà tiếng nói ngọng nghịu, 3 chén nhẹ nhàng mà rút lui. Rượu không đừng được, cho nên uống mà vừa phải như thang thuốc thái hòa, uống mà buông thả thì thành ra chất độc ngọt ngào. Từ nay về sau, trừ nhà tang và hội làng không được uống rượu ra, còn các cuộc lễ mừng vui (lễ cưới và các lễ mừng) thì nên hạn chế số lượng. Ai uống say sưa đến nỗi nói bậy, phạt tiền 2 hào, nếu đam ra chửi mắng, lần đầu phạt một mâm trầu rượu…”(5).
Sách Đại Nam thực lục của triều Nguyễn cũng dẫn các chỉ dụ của vua Minh Mạng, Tự Đức thường nhắc nhở, ngăn cấm, trừng phạt nặng từ quan lại đến thứ dân nếu sa vào nghiện ngập hay tàng trữ buôn bán thuốc phiện. “Cái hại của thuốc phiện còn ghê gớm hơn cả rượu chè và cờ bạc nữa. Coi bàn đèn là vua, ống điếu là cha, que tiêm là anh em, bàn đèn là vợ chồng, giường hút là bạn bè; hễ đã nghiện thuốc phiện thì sao biết đến ngũ luân nữa? Nhà nước ta đã ra lệnh cấm ngặt, duy về sau chưa cấm hẳn việc buôn bán, nhưng đánh thuế rất nặng, thì không cấm cũng như cấm vậy. Từ nay trong xã, kẻ nào hút xách bị phát hiện, phạt tiền 1 đồng và cho hạn trong hai tháng phải bỏ; nếu ham hút thành nghiện ngập, thì xong việc hương ẩm, phải đặt ngồi riêng một chiếu” (6).
Tạm dẫn việc làng xã tham gia bài trừ tệ nạn xã hội từ những thế kỷ trước qua tài liệu hương ước, hương tục như trên để thấy rằng, việc lên án và phòng trừ, răn đe hủ tục, tệ nạn đã được chú trọng từ xa xưa. Thực tế, những hủ tục và tệ nạn xã hội xuất hiện đa dạng và cụ thể hơn rất nhiều. Thời nào cũng có hủ tục và tệ nạn xã hội, do vậy, việc nhận diện, vạch mặt chỉ tên hủ tục và các tệ nạn xã hội để từ đó có những kế sách, phương án phòng trừ, trấn áp, cải biến xã hội có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng.
1. Nhận diện thực trạng hủ tục
Trước hết, chúng tôi đi vào các biểu hiện hủ tục tác động đến đời sống tinh thần của nông dân hiện nay – tức là sau thời điểm 1945, và đặc biệt, từ thời điểm cả nước thực hiện chính sách đổi mới toàn diện từ năm 1986 trở lại đây. Vì sự khoanh vùng thời gian và không gian như vậy nên quy ước những phong tục tập quán đã lỗi thời khiến cho người dân không theo kịp sự tiến bộ chung của xã hội sẽ bị coi là hủ tục. Cụ thể, có thể kể đến những hủ tục còn nặng nề ở tập quán thể hiện trong việc quan niệm về cuộc sống, về tổ chức sản xuất, cưới, tang và lễ hội.
Dù đã sang TK XXI, song trong tư tưởng người dân, coi trọng đàn ông, con trai, khinh thường đàn bà con gái vẫn còn ăn sâu ở suy nghĩ nhiều người. Nhà nước không khuyến khích sinh đẻ nhiều con nhưng người dân vẫn giữ tâm lý cố gắng sinh con trai để nối dõi tông đường. Những nhà sinh con gái vẫn bị dằn vặt, nặng nề bởi làng xóm ngầm coi họ là nhà vô phúc, bạc phúc khiến xã hội ngày càng bị đè nặng bởi sự gia tăng dân số. Hiện nay, xu hướng sinh con thứ 3 mong con đàn cháu đống hoặc đa đinh, mạnh quân đội là hệ quả trực tiếp của tư tưởng lạc hậu trọng nam khinh nữ còn rơi rớt tràn lan trong đời sống người dân. Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh trai/gái mất cân đối (128 trai/ 100 gái) đang trở thành mối lo toàn xã hội. Báo giới trong tháng 10, 11, 12-2008 đã liên tục cảnh báo về nạn thiếu cô dâu vào năm 2030 ở Việt Nam. Khi đó, khoảng 3 triệu đàn ông tuổi trưởng thành sẽ không thể kết hôn vì thiếu cô dâu. Vấn nạn này đã xảy ra ở Trung Quốc từ vài thập niên cuối TK XX nhưng chưa trở thành bài học cho sự phát triển vì con người ở Việt Nam.
Trong lao động sản xuất, hủ tục liên quan đến sự kiêng kỵ với vật nuôi và cây trồng, với người canh tác, với đất đai, sông suối, rừng, biển, không khí, ánh sáng… vẫn còn rất đậm đặc. Tuân thủ theo nghi lễ lịch tiết mùa màng nông nghiệp cổ truyền giờ đây đã trở thành lực cản sản xuất. Khi khoa học kỹ thuật sản xuất phát triển, lực lượng sản xuất, công cụ, tư liệu sản xuất đã được văn minh hóa, hiện đại hóa thì tri thức bản địa, đầu râu tóc bạc của các lão nông tri điền không giúp ích gì nhiều cho việc tăng năng suất cây trồng và tăng sản lượng vật nuôi, đánh bắt… Như vậy, các tập quán du canh du cư, canh tác manh mún, tùy tiện, thích gì làm nấy, nuôi và trồng cấy tùy tiện bất chấp thời vụ, thời tiết, chăn thả gia súc, gia cầm, vật nuôi làm cho hiệu suất sử dụng đất đai không cao, trâu bò dê ngựa, ngan vịt, phá hoại hoa màu…bất chấp tri thức, kỹ thuật mới…. sẽ chỉ đem lại thất bát và thua thiệt, đói nghèo cho người nông dân. Hơn nữa, những hệ lụy từ các quan niệm trời sinh voi, trời sinh cỏ; Có đầu có đuôi, nuôi lâu cũng lớn; Sớm chẳng vừa, trưa chẳng vội, Sáng rửa cưa, trưa mài đục…, lối làm ăn rề rà, tin vào ông Trời (!) trở thành niềm tin không bao giờ đạt được vì xã hội đã thay đổi quá nhanh bởi sự phát triển vũ bão của thành tựu khoa học công nghệ hiện đại.
Xử tội người dân theo luật tục – trái với pháp luật nhà nước; xem bói, tin bói toán đồng cốt dẫn đến chữa bệnh theo thày bói – chết người cũng là những hủ tục phải lên án mạnh mẽ.
Người dân vẫn tin tưởng rằng một số người trong làng bản có phép thuật thả ma (phi, ma lai) làm hại người hoặc họ có khả năng chữa bệnh bằng ma thuật, đeo bùa, uống nước thải, cúng bói khỏi bệnh… gây hiềm khích, hoang mang, nghi ngờ hư thực trong bộ phận dân chúng.
Tệ du canh du cư, không ổn định nơi ở và sản xuất khiến cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng gặp rất nhiều khó khăn, cuộc sống không được đảm bảo bởi các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dịch vụ công cộng, giáo dục học đường… môi trường sinh thái bị phá vỡ dẫn đến lũ lụt, hạn hán…
Tập quán lạc hậu để chuồng gia súc, gia cầm gần nơi ở của con người, thậm chí đồng bào dân tộc thiểu số còn nhốt, buộc trâu bò, gà lợn ngay dưới gầm sàn gây hôi hám mất vệ sinh, mất mỹ quan, ảnh hưởng đến việc xây dựng làng bản, khu cụm dân cư văn hóa.
Nhà vệ sinh, nhà tắm chưa được xây dựng, vẫn duy trì tập quán phóng uế tự do, lên rừng, xuống suối, ra đồng, ra bãi.
Chưa thực hiện ăn chín uống sôi dễ sinh bệnh tật.
Chưa khuyến khích động viên con em đến trường đúng lứa tuổi và xóa nạn mù chữ cho người lớn.
Chi tiêu không kế hoạch, no dồn đói góp, tốn kém cúng bái lễ tết, thiếu đói lúc giáp hạt…; sĩ diện nhịn miệng đãi khách khiến gia đình lâm vào cảnh túng bấn.
Những hủ tục xoay quanh nghi lễ vòng đời người (quan – hôn – tang – tế theo quan niệm cổ truyền) vẫn tồn tại dai dẳng và ẩn núp dưới nhiều hình thức hoặc tinh vi, hoặc lộ liễu làm đau đầu không ít các ông chủ, bà chủ gia đình hoặc dòng họ.
Về việc cưới: Vẫn còn các tệ tảo hôn, ép duyên, kéo vợ, nối dây, thách cưới bằng bạc trắng, thuốc phiện, ăn uống trả nợ miệng. Gia đình gia trưởng, trưởng họ quyết định việc hôn nhân của các thành viên trong họ, thậm chí cha mẹ đôi trai gái cũng không được quyền quyết định hôn nhân cho con em mình khiến cho nhiều đôi trai gái bị trắc trở, rẽ duyên, xảy ra những chuyện đau lòng đáng tiếc…
Các bước thủ tục rườm rà từ mai mối, ra mắt, dạm ngõ, vấn danh, tơ hồng, lại mặt…, thực hiện theo đủ lục lễ từ thời phong kiến e rằng xã hội sẽ trở lại thời kỳ nông nghiệp lạc hậu. Tuy nhiên, đây đó vẫn duy trì tệ thách cưới cao, đòi nhiều của hồi môn, làm cỗ bàn ê hề, khua chiêng gõ trống, phô trương thanh thế nhà trai nhà gái nhằm nhiều mục đích khác nhau. Trong các mục đích đó, đáng trách nhất là mục đích bán cỗ thu tiền trục lợi làm giảm đi ý nghĩa thiêng liêng của đám cưới cho đôi bạn trẻ.
Ở các đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều tập tục quanh việc cưới hỏi vẫn diễn ra rất nặng nề. Các dân tộc ở Tây Nguyên vẫn duy trì chế độ mẫu hệ hoặc song hệ, tục nối dây, nối nòi. Tình trạng tảo hôn, ép duyên cũng vẫn còn xuất hiện ở đối tượng trình độ văn hóa hạn chế tại các tỉnh vùng đồng bằng và trung du. Vì kết hôn sớm hơn độ tuổi quy định của pháp luật nên các em chưa đủ tri thức và thể chất làm vợ, làm chồng, dẫn đến thế hệ nối tiếp bị thui chột về phương diện nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng dân cư, gây ra tác hại rất lâu dài cho xã hội.
Bên cạnh đó, hủ tục về sinh đẻ tự nhiên, không có sự chăm sóc y tế cũng làm cho xã hội phải chồng chất thêm gánh nặng. Hiện tượng bắt sản phụ sinh đẻ ngoài ruộng rẫy, lên rừng, ra suối… tự vượt cạn một mình, hoặc sinh con ngồi xổm, cắt rốn trẻ bằng dao, bằng que nứa, tự đỡ đẻ hoặc nhờ bà đỡ, bà mụ – lang vườn giúp một tay khi sinh nở cũng chứa chất nhiều rủi ro cho cả bà mẹ lẫn trẻ sơ sinh. Một hủ tục khác cũng bị xã hội lên án kịch liệt là coi thường sinh mạng trẻ em và bà mẹ thông qua hành động chôn sống trẻ trong trường hợp người mẹ qua đời lúc vượt cạn. Hoặc trường hợp vứt trẻ sơ sinh xuống suối, bỏ trẻ nơi bìa rừng trong trường hợp sinh đôi, sinh ba, hoặc trẻ em sinh ra bị tàn tật, khuyết thiếu, hoặc bệnh tật, hoặc người mẹ hoang thai… cũng trở thành nỗi nhức nhối của làng quê, buôn bản, phum sóc.
Việc kiêng cữ, thậm chí cấm đoán không cho con gái sinh đẻ tại nhà mẹ đẻ, phải sinh con ở nhà tạm, lều tạm, chân cầu thang, bờ ruộng, bãi nương; việc kiêng nhau thai (treo nhau thai lên bóng đèn, chôn nhau thai gậm giường, chôn ống nứa góc vườn, bến nước…) gây mất vệ sinh; với trường hợp khó sinh, thay vì phải đưa ra trạm y tế, bệnh viện thì người nông dân lại chủ động dùng mẹo vặt, đốt vía, uống nước bùa, cúng vái… nhiều khi gây ra thiệt người hại của.
Chăm sóc thai phụ và nuôi dưỡng trẻ em cũng bị chi phối bởi một số hủ tục gắn với sự kiêng khem quá mức, dẫn đến suy dinh dưỡng cả mẹ lẫn con làm ảnh hưởng đến nòi giống thế hệ sau.
Việc tang ma: Cũng bao chứa trong nó rất nhiều hủ tục cần lên án. Con người khi trở về với cát bụi là một hành trình khó khăn gian khổ. Người chết đi có thể là giải thoát cá nhân nhưng có thể lại là ngọn nguồn khổ đau cho người còn sống.
Đối với người nông dân, việc thực hiện bổn phận đi liền chữ hiếu thường được đánh giá cao qua tang lễ của cha mẹ. Sách Thọ mai gia lễ và các sách phong tục khác cũng ghi khá chi tiết các nghi lễ xoay quanh một đám tang cổ truyền. Song, ngay thời điểm sách này được biên soạn và bổ sung, đã có những ý kiến phản bác, chê trách làng xóm thôn quê “cứ quen thói hủ tục, gặp nhà có tang thì đến họp lại từng lũ để ăn uống. Từ lúc mới mất cho đến lúc chôn, nếu có điều gì không được như ý thì lại viện lệ làng ra để hạch sách, thậm chí làm cho có nhà phải bán cả vườn ruộng để cúng vào cái mồm, cái bụng những kẻ hạch ăn. Thói ấy nhiều lần sức cấm mà vẫn không đổi hết được”(7).
Việc tổ chức ăn uống linh đình, trong nhà kẻ khóc, ngoài nhà người dự tang cười cợt, ăn cơm, uống rượu cho sướng miệng thật là những nghịch cảnh đau lòng đã bị rất nhiều lệnh cấm, điều răn thể hiện đậm đặc trong hương ước, khoán lệ từ thời phong kiến nhưng tới nay vẫn chưa loại bỏ được bao nhiêu.
Kiên quyết loại bỏ hủ tục quàn áo quan quá 24 giờ trong nhà, tục khóc thuê (rất giả tạo), đi chân đất, lăn đường cản xe tang, kèn trống thâu đêm suốt sáng, rắc quá nhiều tiền vàng mã (thậm chí cả tiền thật mệnh giá cao) trên đường di chuyển từ nơi cử hành tang lễ tới nghĩa trang; các hủ tục phân chia của cải cho người chết, bón cơm, bón thức ăn cho người chết, phân biệt người chết bình thường và chết không bình thường, phân biệt đối xử với người chết khi phân chia đất nghĩa trang…; tục quá câu nệ, phụ thuộc hoàn toàn vào ngày giờ tốt do các thày bói, thày cúng phán truyền cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến nghi lễ tang ma của người dân.
Các tục khác gắn với tang lễ cũng bị méo mó biến dạng bởi nhiều chi phối nặng về hủ tục như lễ 35 ngày, 49 ngày, 100 ngày, lễ tiểu tường, đại tường, cát táng đều tổ chức sát sinh, ăn uống linh đình, bày cỗ, hội họp ăn uống, thực ra không phải là lễ để thờ cha mẹ đã qua đời vì đó là các nghi lễ của Phật giáo, mang ý nghĩa khác, do con người thiếu hiểu biết mà gá ghép vào tang lễ gia đình, đó là cách suy nghĩ và hành động sai lầm. Nên hạn chế cỗ bàn vì “miễn là không làm cỗ linh đình mời khách ăn uống rộn rịp mà quên mất cái ý thương xót, kính mến đặt lễ tế và ngày giỗ là được” (8).
Các tệ nạn khác như phúng viếng quá phô trương qua các bức trướng, đôi câu đối vừa to vừa dài, vòng hoa to, người đi viếng đông, tổ chức chèo đò, khóc mướn bằng loa, các thầy cúng thực hiện nhiều nghi lễ cầu kỳ, lên đồng, cầu hồn, xây mộ hoành tráng hoặc yểm bùa, đào trộm mả, phá mộ, đập bia mộ, cải cát và sửa mộ nhiều lần vì tin theo thầy phong thủy phán bói… dẫn đến bất an trong tâm trí các thành viên trong gia đình cũng là những tác động nặng nề do hủ tục đem lại.
Tệ nạn cưới to ma lớn nặng nề về ăn uống xôi thịt, chè chén trả nợ miệng hoặc kể cả núp dưới chiêu bài mượn cỗ thu tiền đều là những việc làm không đem lại hạnh phúc và niềm an ủi thực sự cho con người. Tâm lý ma chê cưới trách, sợ bị dư luận đàm tiếu và có cả tâm lý tiểu nông ganh đua hiếu thắng, vì sĩ diện trước mắt mà phải gánh chịu hậu họa lâu dài chính là những hủ tục rất đáng lên án xoay quanh việc cưới và tang ở đời sống người nông dân.
Sống trong môi trường làng xã, phum sóc, bản mường, dịp lễ hội hằng năm cũng là nơi và thời điểm để người dân được vui vẻ, thư giãn, bày tỏ tâm tư, tình cảm, là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Bên cạnh những điều hay, mặt tốt của lễ hội, còn có rất nhiều hủ tục lạc hậu xen kẽ, luồn ẩn vào đời sống lễ hội. Nổi bật nhất có thể kể đến số lượng các lễ tiết diễn ra trong năm quá nhiều, đúng là tiết nào lễ ấy, mùa nào thức ấy, khiến lịch trình tế lễ ở nông thôn quá dày đặc. Dịp tết nguyên đán, tết mừng năm mới của nhân dân kéo dài ngày (Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè), lại thêm dịp lễ hội xuân, thu cũng diễn ra vài ngày, có khi còn dài hơn… ảnh hưởng không nhỏ đến nhân lực, vật lực của người dân. Để chuẩn bị cho dịp lễ tết, dịp lễ hội, người dân phải trải qua nhiều thủ tục rườm ra, kiêng kỵ, chắt bóp tiết kiệm trong một quãng thời gian không ngắn. Sau đó, vào dịp lễ tết, lễ hội, họ lại thả phanh, tháo khoán, ăn chơi hết mình dẫn đến say xỉn, bê tha, tiền hết gạo không, no ba ngày tết, vui miếng giữa làng mà phải nhịn dài khi giáp hạt… đó chính là những hệ lụy mà duyên do chính từ mặt trái của văn hóa lễ hội, lễ tết truyền thống mà phát sinh ra.
(Còn nữa)
_______________
1, 2, 3, 7, 8. Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, tái bản, Nxb Văn nghệ TP.HCM, 1998, tr.73, 80, 75, 83, 210, 214.
4. Hương tục xã Lễ Khê. Xã được thành lập vào khoảng thời Lê, Dương Văn An đã ghi vào danh sách huyện Tư Vinh trong Ô châu cận lục. Đến TK XVII-XVIII xã này thuộc tổng Mậu Tài, huyện Phú Vang. Nay làng Lễ Khê thuộc xã Hương Sơ, thành phố Huế.
5, 6. Lê Nguyễn Lưu, Đời sống văn hóa làng xã, tập II, Nxb Thuận Hóa, 2006, tr.166, 167.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 298, tháng 4-2009
Tác giả : Phạm Lan Oanh
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai