Nora A. Taylor là một cái tên quen thuộc với giới mỹ thuật Việt Nam từ gần hai chục năm nay. Bà hiện là GS về Nghệ thuật Đông Nam Á tại trường học thuộc Viện nghệ thuật Chicago (SAIC, Mỹ). Công trình lớn nhất của bà về mỹ thuật Việt Nam mang tên Họa sĩ ở Hà Nội: một nghiên cứu dân tộc học về nghệ thuật Việt Nam, xuất bản lần đầu tiên bởi Đại học Hawaii năm 2004, Đại học Quốc gia Singapore (NUS Press) xuất bản lại trong năm nay. Bên cạnh đó, bà còn viết rất nhiều bài nghiên cứu riêng lẻ về mỹ thuật hiện đại và nghệ thuật đương đại Việt Nam cho những tạp chí chuyên sâu về châu Á và nghệ thuật. Bà cũng là giám tuyển của một số triển lãm mỹ thuật Việt Nam, trong đó phải kể đến cuộc lưu bày triển lãm tranh của một số nữ họa sĩ Việt Nam qua 10 trường đại học trên toàn nước Mỹ, tiêu đề Changing Identity (Thay đổi bản diện, 2003-2005), và hiện tại là triển lãm của Jun Nguyễn Hatsushiba, tiêu đề Thở là tự do (Breathing is Free, Bảo tàng nghệ thuật của Đại học Tổng hợp bang Arizona và SAIC, Mỹ, tháng 9-2009).
Dù mang trong mình dòng máu Việt của cha và đã định cư tại TP.HCM từ năm 1996, Nguyễn Hatsushiba không phải lúc nào cũng được xem như là một nghệ sĩ Việt Nam. Điều này không đến nỗi làm phiền lòng nghệ sĩ, nhưng việc được nhắc đến trong bối cảnh lịch sử mỹ thuật Việt Nam sẽ làm anh cảm thấy vui hơn. Anh có thể được biết đến như một người Việt, hoặc người Nhật, hay người Mỹ, nhưng thường thì không có cái nào là đúng cả. Ở phạm vi quốc tế, anh thường được nhìn nhận như một nghệ sĩ lai, lai Việt, còn ở Việt Nam, anh thường không được mời tham gia vào những cuộc triển lãm trong nước, hay những triển lãm quốc tế về mỹ thuật Việt Nam. Ngay cả báo và tạp chí mỹ thuật trong nước cũng hiếm khi nhắc đến anh, có lẽ do anh chưa đủ chất Việt Nam. Ít ra thì cho đến lúc này là như vậy. Sự “loại trừ” này có thể một phần do anh hiếm khi triển lãm các tác phẩm của mình ở trong nước kể từ khi chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sống, nhưng cũng có thể liên quan đến sự không rõ ràng của những quan điểm về ai hoặc cái gì để chính xác thành một nghệ sĩ Việt Nam. Khái niệm về một nghệ sĩ Việt Nam đang thay đổi theo thời gian và không ngừng tự nó tái xác định nhằm hưởng ứng xu thế của nền kinh tế toàn cầu. Nguyễn Hatsushiba có thể là một phần của sự thay đổi này. Thế nhưng, sự xuất hiện của anh với tư cách là “người ngoài” cũng do quá trình anh được đào tạo và mối quan hệ của anh với các nghệ sĩ Việt Nam khác. Không giống như phần lớn các nghệ sĩ ở đây, anh không được đào tạo từ một trường mỹ thuật trong nước. Trong vai trò nghệ sĩ, anh không đi qua cùng một hành trình. Anh sở hữu tấm bằng thạc sĩ nghệ thuật của một trường mỹ thuật ở Mỹ. Nhưng, anh cũng chẳng phải là Việt kiều, theo cách mà những người Việt định cư ở nước ngoài được gọi, bởi vì mẹ của anh là người Nhật, và anh lớn lên ở Nhật Bản. Từ Việt kiều thường được dùng cho những người rời Việt Nam trong và sau chiến tranh, định cư trong các cộng đồng ở Mỹ và Australia. Trường hợp của anh gần giống với Trần Trọng Vũ, một nghệ sĩ lựa chọn Pháp là nơi định cư, hay như Rich Streimatter Trần, một con nuôi người Việt lớn lên ở Mỹ, tách rời khỏi bất cứ điều gì liên quan đến người Việt Nam. Nói một cách khác, hành trình cuộc đời của Nguyễn Hatsushiba có cả sự tình cờ và sự lựa chọn . Anh không chọn Nhật Bản là nơi để ra đời, nhưng anh chọn TP.HCM là nơi để sống. Và đó không phải là một sự “trở về”, vì anh chưa bao giờ thật sự sống ở đó.
Vì thế, giờ đây đưa Nguyễn Hatsushiba vào danh sách những gương mặt nghệ sĩ Việt Nam là một sự công nhận quan trọng đối với các tác phẩm của anh trong bối cảnh lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Điều đó thể hiện rõ được sự thay đổi cảnh quang của mỹ thuật Việt Nam trong quan điểm toàn cầu hóa cũng như khi nói về tác động của những năm tháng sống ở Việt Nam đã thể hiện lên tác phẩm của nghệ sĩ. Sự hiện diện của anh ở TP.HCM đã góp phần vào sự tiến triển của tình hình mỹ thuật, góp phần làm tăng lên sự chú ý đến mỹ thuật Việt Nam từ một số các curator quốc tế và sự tác động của toàn cầu hóa lên tình hình mỹ thuật trong nước. Có lẽ tác phẩm của anh cũng mở ra, có thể nói, từ trong nước đến quốc tế, từ các tác phẩm sắp đặt tại chỗ đến các tác phẩm lưu động mở rộng đến toàn cầu. Được biết đến từ các tác phẩm video quay dưới nước ở vùng biển Nha Trang, gần đây anh cũng đã thực hiện tác phẩm phim khác ở Lào và các phân đoạn của một tác phẩm lớn tại khắp các thành phố khác nhau trên thế giới. Anh cũng đã phát triển từ các tác phẩm sắp đặt bằng những vật liệu đơn giản, thông thường đến những tác phẩm phim kỹ thuật số đa phương tiện và những tác phẩm sắp đặt mang tính kỹ thuật phức tạp. Gần đây nhất, anh đang nỗ lực thực hiện một tác phẩm rất khó phân loại. Anh lên kế hoạch chạy 12.756,3 km hay còn gọi là chiều dài đường kính của trái đất, đang tiến triển, kéo dài trong hơn 10 năm. Ban đầu, dự án này chủ yếu nhằm tưởng niệm những cảnh ngộ khốn khó của người tị nạn, và ý tưởng của nó đang tiếp tục được định nghĩa lại trong quá trình tiến triển của tác phẩm. Nó là một quá trình, một sự suy ngẫm về những trải nghiệm của con người và là một sự sáng tạo mang tính nghệ thuật. Tác phẩm này thuộc về sự siêu nghiệm. Hơn hẳn những tác phẩm khác của anh, nó nói về quyền công dân thế giới và từng cá nhân con người, và những nơi chốn của họ trên thế giới này. Đây là tác phẩm tham vọng nhất của anh và nó có thể chứng minh được sự thay đổi đáng kể trong nhận thức của các nghệ sĩ Việt Nam về cái để cấu thành một tác phẩm nghệ thuật.
Con người nghệ sĩ
Con đường đi của Nguyễn Hatsushiba có thể là khác thường đối với một người Việt nhưng không có gì là bất thường đối với những nghệ sĩ đương đại của thế giới. Từ những năm đầu của TK XXI đã có rất nhiều bài viết về “dân du cư”, những nghệ sĩ như Francis Alys, một người Bỉ sống tại Mexico hay các nghệ sĩ Trung Quốc sống ở New York. Chính vì vậy, thật khó khi mà chỉ dùng câu chuyện về cuộc sống của anh để giải thích cho tác phẩm. Trong khi có người cho rằng những tác phẩm của anh chịu sự ảnh hưởng từ cuộc sống riêng, thì người nghệ sĩ không thể bị bó buộc bởi sự tổng quát hóa thái quá hoặc sự hiểu theo kiểu rập khuôn về tác phẩm dựa theo đặc tính dân tộc – quốc gia của anh. Thật ra, trong các tạp chí mỹ thuật quốc tế, có rất nhiều tác giả gọi Nguyễn Hatsushiba là người Việt Nam hay lai Việt, nhưng điều quan trọng ở đây là không thu hẹp ý nghĩa trong các tác phẩm của anh thành một ý tưởng duy nhất. Tác phẩm của anh phức tạp hơn nhiều, một ý niệm đơn độc không thể nào chuyển tải hết được.
Sinh năm 1968 tại Tokyo, với mẹ là người Nhật và cha là người Việt Nam, Nguyễn Hatsushiba sau đó chuyển qua Mỹ sống khi cha mẹ anh chia tay nhau. Anh đã theo học tại trường Đại học mỹ thuật Chicago, nơi mà, như anh nói, là nơi anh nuôi dưỡng ý tưởng trở thành một nghệ sĩ. Chicago rõ ràng đã mang đến cho anh một ấn tượng mạnh mẽ, môi trường đầy nhiệt huyết của một ngôi trường mỹ thuật đã giúp anh khám phá được nhiều phương tiện và hình thức thể hiện khác nhau. Anh theo đuổi chương trình thạc sĩ mỹ thuật tại Đại học mỹ thuật Maryland, tốt nghiệp vào năm 1994, và sau đó có một chuyến thăm ngắn ngày ở Việt Nam. Năm 1997, anh trình bày một tác phẩm sắp đặt tại phòng triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội, và ở sân trong của bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Anh đã để ý thấy rằng ở tòa nhà bảo tàng ấy, vốn là một ngôi trường cũ được xây dựng trong thời kỳ thuộc địa, chưa có ai sử dụng cái sân phía trong để triển lãm các tác phẩm sắp đặt. Tác phẩm, giống như một chiếc lều bằng lưới trong suốt, to lớn, thể hiện một mê cung, một lối đi rối rắm.
Năm 1999, Nguyễn Hatsushiba được mời tham gia vào một triển lãm tại Đức mang tên Gặp Việt Nam cùng với các nghệ sĩ Việt Nam khác. Trước đó một năm, anh đã bắt đầu với xích lô, một phương tiện chuyên chở lai tạo, biểu tượng của nền thuộc địa và tính khéo léo hiện đại. Với chủ đề Xich lo 2001: The Making of an Alternative History, triển lãm của anh tại Mizuma Art Gallery (Tokyo, Nhật Bản) đã giới thiệu được khái niệm của anh về xích lô đương đại. Nguyễn Hatsushiba đã hình dung chiếc xích lô như là một phương tiện chuyên chở hiện đại. Anh quan tâm đến khía cạnh xích lô được dùng làm kế sinh nhai của những người lao động nghèo Việt Nam. Mục đích của anh là bày tỏ lòng tôn kính đến sự hy sinh của những con người bị thiệt thòi trong xã hội. Mối quan tâm về tầng lớp này trong người dân Việt Nam được tiếp tục thể hiện trong tác phẩm video dưới nước. Khi được mời tham gia vào Yokohama Triennial (Triển lãm nghệ thuật đương đại định kỳ 3 năm Yokohama, Nhật Bản) năm 2001, ý tưởng ban đầu của anh là lập nên một bảo tàng xích lô. Khi ý tưởng này bất khả thi, anh nghĩ đến việc dựng nên một tác phẩm trình diễn trong nước với người đạp xích lô tại một hồ bơi địa phương. Khi ý tưởng đó cũng không được duyệt, các nhà tổ chức gợi ý với anh về việc quay phim cuộc trình diễn ở Việt Nam và mang tác phẩm video đó đến triển lãm. Anh đã quyết định thực hiện tác phẩm ở vùng biển Nha Trang. Tác phẩm ra đời, mang tên Memorial Project Nha Trang: Towards the Complex – For the Courageous, the Curious and the Cowards (Dự án tưởng niệm Nha Trang – dành cho những người dũng cảm, người tò mò và người nhát gan), đã được đánh giá cao tại cuộc triển lãm. Những cảnh quay đẹp, với những người thợ lặn không đeo bình dưỡng khí lặn ngụp trong nước giống như màn trình diễn của các vũ công ba lê, đã tạo nên sự xúc động ở bất cứ nơi nào nó được trình chiếu. Không kể đến tính nghệ thuật, bộ phim cũng có thể được xem xét ở cấp độ riêng tư hơn. Chứng kiến hình ảnh của các thợ lặn vừa cố gắng tồn tại được ở dưới nước, vừa gắng dành sức để đạp chiếc xích lô, ai cũng cảm thấy những người thợ lặn đang tranh đua với bản thân người nghệ sĩ và sự chèo chống của anh để trở thành một nghệ sĩ, để vượt qua được những trở ngại hiện diện từ hoàn cảnh của cuộc đời của anh. Nói cách khác, thay vì cho rằng bộ phim này đang nắm bắt những trải nghiệm của người dân Việt Nam, tác phẩm cũng có thể đóng vai trò là hình ảnh ẩn dụ về hành trình cuộc sống của chính người nghệ sĩ, về việc phải tồn tại qua nhiều nơi và những nỗ lực để giữ mình không bị nhấn chìm trong môi trường khác biệt.
Sự công nhận mà anh đạt được từ tác phẩm video này đã mang lại cho anh cơ hội làm thêm ba bộ phim dưới nước khác. Ở bộ phim thứ hai và thứ ba, anh đã cấp cho nhóm lặn thiết bị thở dưới nước. Cả hai tác phẩm đều chứa đựng những yếu tố đặc trưng của Việt Nam như việc đoán số, múa lân và sự chào đón năm mới, ám chỉ một cách công khai đến số phận. Bộ phim thứ ba, Ho!Ho!Ho! Merry Christmas: Battle of Easel Point – Memorial Project Okinawa, 2003, thể hiện hình tượng tạo ra tác phẩm nghệ thuật bằng hình ảnh những người thợ lặn cố gắng vẽ tranh dưới nước và thả những ống màu vào trong nước biển. Hiệu quả cũng tuyệt vời không kém các tác phẩm trước đó, màu sắc hòa quyện vào màu xanh của nước cùng với những âm thanh từ tiếng thở và các bình oxy thì tuôn trào ra những bong bóng khí.
Nguyễn Hatsushiba tạo lại cảnh tương tự trong tác phẩm video tiếp theo được thực hiện trên mặt nước, trên dòng sông Mê Kông ở Luang Prabang, Lào. Ở bộ phim này, với tên gọi The Ground, the Root, and the Air: The passing of the Bodhi Tree (Mặt đất, gốc rễ và không khí: Sự trôi qua của cây Bồ đề), các sinh viên mỹ thuật đứng trước các giá vẽ trên những chiếc thuyền đang chạy trên dòng sông giống như những thợ lặn trong Memorial Project video. Giống như các họa sĩ – thợ lặn, những sinh viên mỹ thuật này đang phải đối mặt với một công việc khó có thể thực hiện được đó là vẽ lại những hình ảnh cứ trôi qua vùn vụt. Những bức tranh bị tan rã trong nước biển và cây Bồ đề mà các sinh viên đang đi ngang qua như muốn lảng tránh họ. Có lẽ, Nguyễn Hatsushiba đang nói đến những khó khăn của các họa sĩ khi họ phải thể hiện rõ cái không rõ, phải tạo hình cho cái mơ hồ, cho cái không thể hiểu thấu được. Những tác phẩm phim của anh thể hiện hoạt cảnh sinh động chứa đựng cả nỗi cay đắng và cả sự thi vị của quá trình làm nghệ thuật. Các tác phẩm Memorial Project cũng như tác phẩm quay bên Lào, đã được triển lãm rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới từ năm 2001 đến 2008, và chúng nhận được sự tán dương ở mọi nơi. Đối với nhiều khán giả, những bộ phim này đã nắm bắt được vẻ đẹp của vùng biển và sông nước ở Đông Nam Á, đồng thời nói đến những khó khăn trong cuộc sống của con người nơi đây. Và trong khi những bộ phim này thường được giới thiệu như là những ví dụ của nghệ thuật đương đại Việt Nam hoặc là những tác phẩm của nghệ sĩ đương đại Việt Nam, thì trong bối cảnh của một biennale hay trienial quốc tế, chúng lại không có vẻ gì liên quan đến bối cảnh nghệ thuật ở Việt Nam. Nói cách khác, chúng không nhất thiết phải gắn liền với sự đối thoại về rằng các nghệ sĩ Việt Nam khác đang sáng tác những gì. Điều này không có nghĩa là không có những tác phẩm tương đương từ các nghệ sĩ Việt Nam khác. Thực tế, anh cũng công nhận và ngưỡng mộ rất nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ cùng thời với anh, đặc biệt là tác phẩm của Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Văn Cường. Vấn đề là ở chỗ, có một số tác giả có khuynh hướng đặt Nguyễn Hatsushiba và những người khác vào cuộc đàm luận về Việt Nam và văn hóa thị giác của người Việt Nam, trong khi thực tế, các nghệ sĩ có khuynh hướng làm việc một mình và các tác phẩm của họ chính là những sản phẩm được làm nên từ trí tưởng tượng và sự sáng tạo của chính bản thân họ, và nó không nhất thiết phải là kết quả đại diện cho văn hóa Việt Nam.
Sau khi được công nhận và hoan nghênh từ những tác phẩm video này, anh đặt ra cho mình tầm nhìn vào một dự án lớn hơn và tham vọng hơn thay vì tận hưởng vinh quang trong vòng nguyệt quế và giữ mình là một nghệ sĩ video nổi tiếng, hay thậm chí tiếp tục được biết đến là một nghệ sĩ video dưới nước. Đó là dự án chạy bộ Breathing is Free (Thở là tự do); thở là một nhu cầu tất yếu và tự nhiên của con người. Anh cho biết, anh đã nghĩ ra dự án này trong khi xem một bộ phim trên một chuyến bay. Anh thực hiện dự án này bằng cách chạy bộ ở nhiều thành phố khác nhau trên thế giới, không phải theo kiểu thành phố này nối tiếp thành phố kia, và cũng không phải chạy theo một đường thẳng. Anh chạy theo hình mẫu mà anh rất cẩn thận và tỉ mỉ vẽ lên các bản đồ thành phố được tải về từ Google Earth. Những bức vẽ này sau đó được in ra bằng máy in Lambda C và chúng trở thành những tác phẩm trong các triển lãm. Các bức vẽ miêu tả tầm nhìn từ trên cao xuống, được chụp từ các vệ tinh ở khắp nơi trên trái đất. Điều này mang lại cho những chuyến chạy của anh một không gian tưởng tượng không khác với những cuộc di chuyển bằng máy bay. Những bức vẽ là một nửa của những gì được nhìn thấy qua thị giác của dự án này. Nửa kia là những thước phim quay cảnh chạy của nghệ sĩ, chúng được quay bởi người trợ lý quay phim di chuyển bằng xe theo một lộ trình được định sẵn trước đó, quay từ đằng sau, từ bên hông hoặc từ phía trước. Mỗi một thành phố được chạy theo một hình mẫu mà người nghệ sĩ đã vẽ ra dựa vào lịch sử của chính thành phố đó. Cảnh quay thì tập trung vào nghệ sĩ khi anh đang chạy. Người xem có thể nhìn rõ những cử động của anh, sự khó khăn mà anh đang trải qua, sự ráng sức mà cơ thể của anh đang phải chịu đựng, nhịp thở và sự di động của cánh tay và cẳng chân. Chiếc máy quay tập trung vào nghệ sĩ nhưng khán giả vẫn có thể nhìn thấy được cảnh thành phố ở đằng sau, những tòa nhà mà anh chạy ngang qua, những con đường và lề đường vừa in dấu chân anh, và cả bao người dân đang có cuộc sống thường nhật ở xung quanh. Hai thành phần thị giác của tác phẩm, những bản in và những thước phim, chỉ là một phần trong toàn bộ khái niệm của dự án. Ý tưởng của việc chạy theo đường kính của trái đất, có lẽ, không thể nhìn thấy trọn vẹn được cho đến khi tác phẩm hoàn toàn kết thúc. Như hiện tại, tác phẩm đang trong quá trình thực hiện và sẽ kéo dài trong 10 năm, đến lúc người nghệ sĩ đạt được tổng số kilomet ngang bằng với chiều dài của đường kính trái đất.
Trong khi tác phẩm có thể được xem như là một cuộc trình diễn, một tác phẩm biểu diễn để quay phim, giống như những tác phẩm trình diễn đòi hỏi nhiều sức lực của các nghệ sĩ biểu diễn khác như Cities on the Move (Những thành phố chuyển động) của Kim Soo Ja, sắp đặt ở nhiều thành phố khác nhau trên thế giới vào năm 1997, hay của Ma Liuming Walks on the Great Wall (Bước trên Vạn lý trường thành) năm 1998, Nguyễn Hatsushiba lại không đồng ý với suy nghĩ đó. Anh xem nó như là một trải nghiệm “thật” hơn là một sự sắp xếp trước máy quay phim. Nó chứa đựng những yếu tố đồng cảm. Nghệ sĩ phát biểu rằng, anh muốn trải nghiệm những gì mà người tị nạn trải qua khi họ chạy trốn khỏi quê hương hay từ những vùng đất tha hương đến một nơi chốn khác. Anh muốn trải nghiệm những nỗi khổ, đớn đau, sự khó khăn và cảm giác không được thuộc về một nơi nào đó, hoặc bị xa lánh. Có lẽ anh từ chối xác nhận khía cạnh trình diễn của tác phẩm cũng do bởi anh, theo cách nào đó, đang tạo lại tình cảnh mà chính bản thân mình đã thực sự trải qua: Rời Nhật Bản khi còn là một cậu thiếu niên, rồi lại rời khỏi Mỹ và chưa bao giờ được sống ở một nơi mà anh có thể gọi một cách trọn vẹn là “nhà”. Có lẽ anh là một người lạ ở mọi nơi hoặc không nơi nào cả. Những cuộc chạy bộ này cho phép anh vừa hòa nhập với những môi trường xung quanh anh và vừa tạo ra khoảng cách giữa anh và chúng. Những thước phim nhấn mạnh các động tác, sự chuyển động của cơ thể, tiêu điểm của chúng không phải là môi trường hay cảnh vật xung quanh anh. Chúng không phải là hình ảnh của những chuyến du ngoạn hay hình ảnh của người khách du lịch. Người nghệ sĩ không phải là một lữ khách, anh đang chạy và sự trải nghiệm của thể xác khi đang chạy là những gì anh muốn nắm bắt. Dự án này có thể được ví với cuộc chạy của một vận động viên. Tổng số dặm đường mà anh tích lũy là thật vì đó là những quãng đường anh đã chạy. Chúng là bằng chứng về thể lực, sự luyện tập nghiêm túc và khả năng chịu đựng của anh.
Dự án này còn cả một chặng dài phía trước. Anh mới chạy được hơn 1.000 km; do vậy có thể nói nó chỉ mới được bắt đầu. Dự án được khởi đầu tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ, nơi trú ngụ của tổ chức Liên hợp quốc và của cơ quan đại diện Ngoại giao Liên hợp quốc dành cho những người tị nạn, cũng là nơi mà Hiệp định Geneva được ký kết vào năm 1954, chia cắt hai miền Nam Bắc của Việt Nam. Sau đó, anh chạy ở những nơi khác như Singapore, Taichung, Taipei, Luang Prabang, Lucern, Karlsruhe, Manchester, Tokyo và TP.HCM. Ở mỗi thành phố, anh chạy nhiều nhất là 200km, nhưng hầu hết anh chạy dưới 100km. Ban đầu, anh chạy theo những hình vẽ bông hoa và cây cối, nhưng đối với hai chuyến chạy sắp tới ở Chicago và Arizona, anh sẽ chạy theo hình dạng của kính viễn vọng và kính hiển vi. Các hình mẫu thay đổi theo thành phố mà anh sẽ chạy, nhưng đồng thời theo sự thay đổi chung của dự án, và còn liên quan đến sự thay đổi theo thời gian và khi người nghệ sĩ thấy thích hợp. Về khía cạnh này, đây không chỉ là một dự án đầy tham vọng mà còn là một dự án có thể biến đổi, một dự án liên tục dịch chuyển, như khi nghệ sĩ chạy, nó luôn thay đổi, luôn dịch chuyển và thích nghi với thời gian. Tác phẩm thuộc về sự thay đổi nơi chốn. Trong khi nó có sự cộng hưởng của thế giới hôm nay, nó vẫn tồn tại là một tác phẩm riêng tư, cái nhìn của một nghệ sĩ khi nhìn thấy thế giới luôn chuyển động không ngừng, xáo trộn bởi các biên giới và không thể phân loại trong lịch sử mỹ thuật.
Tác phẩm
Nguyễn Hatsushiba là một nghệ sĩ đa phương tiện, anh đã sáng tác những tác phẩm tranh, sắp đặt, phim và trình diễn. Chỉ với một dòng chữ thì sẽ rất khó phân loại, giải thích hay diễn giải được ý nghĩa về các tác phẩm của anh. Điều đó nói lên rằng sẽ tốt hơn nếu người xem hiểu được những sợi dây kết nối các tác phẩm của anh lại với nhau. Ta không thể giảm chúng xuống thành những ý niệm đơn giản, nhưng tất cả các tác phẩm đều có điểm chung đó là sự liên hệ với thời gian và không gian. Ban đầu, anh đã khám phá không gian qua các tác phẩm tranh bằng cơm của mình. Anh thử nghiệm những cách khác nhau để đắp cơm lên nhiều dạng bề mặt tranh, tạo nên các hình mẫu và hoa văn nổi. Sau đó, anh lại cảm thấy thích thú với việc treo vải lên để tạo nên những không gian ba chiều bằng các cấu trúc hai chiều. Cuối cùng, anh lại muốn tìm hiểu về những đặc trưng không gian của nước và cách mà các vật thể di chuyển ở trong nó. Đó là quá trình để anh trở nên quan tâm đến thời gian và sự chuyển động. Tuy vậy, thời gian và không gian lại không phải là hai thực thể tách biệt trong các tác phẩm của anh. Những tác phẩm video dưới nước nhìn gần giống như được quay trong sự chuyển động chậm khi nước cản trở sự di chuyển của những thợ lặn. Breathing is Free thì đập tan bất kỳ khái niệm nào về mối quan hệ của thời gian với không gian vì các cuộc chạy của anh không được thực hiện một cách liên tục, vì vậy nó không tạo nên một khoảng thời gian thật sự của việc hoàn thành cuộc hành trình theo chiều dài của đường kính trái đất. Hơn tất cả mọi điều, anh đã dẫn dắt người xem đặt ra câu hỏi về những khái niệm của thời gian và không gian khi chúng liên quan đến nơi chốn. Khán giả không thể cảm nhận được nơi chốn trong các video quay cảnh chạy vì những hình ảnh trôi qua quá nhanh. Trong quá trình thực hiện, anh cũng đã biến đổi những bản đồ quen thuộc để tạo ra những đường đi và hành trình xa lạ đối với người xem. Mà anh cũng không muốn dẫn dắt người xem đi theo các lộ trình này ngoài hình ảnh mà anh đã vẽ trên bản đồ của Google Earth.
Đã có nhiều cuộc bàn luận về ý tưởng của “nơi chốn” trong môi trường nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật gần đây. Khởi đầu các cuộc nghiên cứu về “toàn cầu” và sự toàn cầu hóa của việc làm nghệ thuật và triển lãm, “nơi chốn” cũng được nói đến với ý nghĩa thay đổi các địa điểm làm nghệ thuật và những cách thức mà trong đó, tác phẩm và nghệ sĩ không còn phù hợp trong việc được biết đến theo phạm trù địa lý nữa. Dự án Breathing is Free của Nguyễn Hatsushiba, hơn tất cả những tác phẩm khác của anh, liên hệ với các sự thay đổi này qua cách mà tác phẩm được thực hiện từ địa điểm này đến địa điểm khác, cả nghệ sĩ và người xem đều chuyển chỗ. Trong khi nỗ lực tính toán các cuộc chạy để đạt cho được số chiều dài của đường kính trái đất, anh cũng định hình các khoảng cách đó bằng cách sắp xếp chúng một cách ngẫu nhiên để thực hiện trong khoảng mười năm. Anh chỉ chạy ở những nơi anh được mời và không lên kế hoạch dự đoán trước những lời mời đó. Anh cũng không cân nhắc để chia đều số lượng các quãng đường anh đã chạy được hoặc lên kế hoạch số lượng chạy tổng cộng. Anh có thể chạy ở một, hai hoặc ba châu lục, điều đó không làm giảm đi ý nghĩa của tác phẩm. Tác phẩm đã thể hiện rõ tổng số tượng trưng của bề mặt quả địa cầu hay đúng hơn, số đo của nó chỉ như là một con số. Anh cũng đang tạo ra một góc nhìn khác về trái đất khi nó có thể được nhìn từ một chiều khác với chiều quen thuộc đối với chúng ta. Chúng ta nghĩ đến trái đất là một bề mặt nối tiếp, trải nghiệm sự nhận thức các tầm xa từ trên không trung, hay từ trong xe ô tô, hay thậm chí từ đôi chân của mình, một sự nối tiếp theo chiều của những dặm đường. Dự án của Nguyễn Hatsushiba sẽ tạo nên một sự nối tiếp ngẫu nhiên của những dặm đường mà tổng cộng lại là bề mặt của trái đất như là một cách phá vỡ cảm nhận của chúng ta về nơi chốn. Theo cách nào đó, nó phản ánh cảm nhận về nơi chốn bị phá vỡ của chính nghệ sĩ hoặc tác động của việc phải tồn tại qua nhiều nơi lên cảm nhận của chính anh về nơi chốn. Đây là điều kiện của loài người đương đại trong TK XXI, và Nguyễn Hatsushiba mang đến cho chúng ta một cái nhìn về cái gì tạo nên con người ngày nay, di chuyển xung quanh trái đất theo những cách không sắp xếp trước, trong những cuộc hành trình được định đoạt bởi các hệ thống mà chúng ta tạo nên để xác định nơi chốn trên bản đồ. Sức mạnh của nghệ thuật nằm ở chỗ, nó làm chúng ta nhìn thấy được những thứ, những điều mà nếu không có nó, chúng ta không thể nhìn thấy được. Ý niệm đó thậm chí còn rõ ràng hơn trong tác phẩm này. Nguyễn Hatsushiba đang làm chúng ta thấy rằng, chúng ta, với tư cách là con người, đã tạo ra một bản đồ của thế giới mà bản thân nó bị tách biệt ra khỏi nơi chốn thật sự của nó.
(Bản dịch tiếng Việt của Jun Nguyễn Hatsushiba studio)
Lan Anh hiệu đính
Thông tin thêm về nghệ sĩ Jun Nguyễn Hatsushiba:
Sau triển lãm cá nhân tại gallerry Không gian xanh (TP.HCM) năm 1998, tiêu đề www.xeom.com, anh không thực hiện một triển lãm cá nhân hoặc chung nào ở Việt Nam nữa. Cho đến nay, anh là tác giả của hơn 10 triển lãm cá nhân tại rất nhiều bảo tàng, gallery uy tín trên thế giới, có thể kể đến Mizuma & One Art gallery (Bắc Kinh, 2008), Manchester Art Gallery (Anh, 2008), Lehman- Maupin Gallery (Neww York, 2007), Mizuma Art Gallery (Tokyo, 2007), Malmo Konsthall (Thụy Điển, 2005), Bảo tàng nghệ thuật đương đại- MACRO (Roma, Italia, 2003)… Bên cạnh đó, anh thường xuyên được mời tham gia các fesstival nghệ thuật đương đại định kỳ 2 năm (biennale) hoặc 3 năm (triennale) nổi tiếng toàn cầu, từ Bangkok, Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, Yokohama, Gwangju, Busan, Singapore,… đến Montreal, Lyon, Venice, Matxcơva, Amsterdam, Barcelona, Luân Đôn,…, và nhiều thành phố ở Mỹ, đến cả Sao Paolo (thủ đô Brazil). Tác phẩm của anh có trong bộ sưu tập của Viện Bảo tàng Nghệ thuật Guggenheim, Viện Bảo tàng Nghệ thuật Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ Whitney (Hoa Kỳ), Trung tâm Georges Pompidou (Pháp), Quỹ Nghệ thuật đương đại Thyssen Bornemisza (Áo), Bảo tàng nghệ thuật đương đại Castilla Leon (Tây Ban Nha), Quỹ nghệ thuật đương đại Victor Pinchuk (Ukraine), Viện bảo tàng nghệ thuật đương đại Kumamoto (Nhật Bản), Queensland gallery (Australia) và nhiều địa chỉ quốc tế khác.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 303, tháng 9-2009
Tác giả : Nora A.Taylor
Bài viết cùng chủ đề:
Thiết kế bao bì trong xây dựng thương hiệu
Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời lê – trịnh ở bắc bộ
Nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại quần thể di tích thờ mẫu ở phủ dày