Kết cấu đối đáp trong thơ viết cho thiếu nhi

Thơ thiếu nhi Việt Nam hiện đại ảnh hưởng từ đồng dao khá nhiều về mặt thi pháp thể loại, trong đó có kết cấu. Việc khái quát các mô hình kết cấu đồng dao gặp phải không ít khó khăn xuất phát từ đặc trưng tiểu loại này. Khi tham gia vào hình thức kết cấu của đồng dao có những yếu tố thuộc về loại tự sự như: lời kể, sự kiện, hành động, lại vừa có những yếu tố thuộc về loại trữ tình như: khổ thơ, đoạn thơ, vần, nhịp… Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đi sâu vào một hình thức kết cấu mà thơ thiếu nhi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đồng dao: kết cấu đối đáp.


Kết cấu chính là một phương diện cơ bản của hình thức tác phẩm văn học, là sự tổ chức, sắp xếp, biểu hiện của nội dung văn học. Có thể nói kết cấu là toàn bộ tổ chức của văn bản nghệ thuật, vừa thể hiện thế giới nghệ thuật, vừa biểu đạt tư tưởng, tình cảm của tác giả.

Đối đáp, hiểu một cách đơn giản, là hỏi và trả lời. Đối đáp thường phải có các cặp giao tiếp, nội dung trao đổi giữa người phát tin và người nhận tin. Đây là hình thức tiêu biểu của sinh hoạt diễn xướng văn học dân gian, thường gặp trong ca dao. Ca dao xây dựng các cặp nhân vật trữ tình đối đáp như: chàng – thiếp, anh – em, mình – ta… trao lời, đáp lời rất nhịp nhàng, nối kết. Trong đồng dao, hình thức đối đáp xuất hiện trong lúc trẻ chơi trò chơi dân gian như: Xỉa cá mè, Rồng rắn lên mây, Dê và hổ xám, Ù à ù ập… Đối đáp trong đồng dao mang ý nghĩa là một công đoạn của trò chơi vận động để tăng sự vui tươi, hứng khởi. Sau này, hình thức nói trên được chuyển hóa thành mô hình kết cấu đối đáp trong thơ thiếu nhi, trở thành một thủ pháp nghệ thuật đặc sắc bởi một số lý do sau:

 Xuất phát từ đặc trưng tâm lý lứa tuổi: bản tính trẻ thơ vốn tò mò, thích tìm hiểu, khám phá những điều mới lạ xung quanh. Với các em, những thắc mắc, câu hỏi tại sao thế này, tại sao thế kia dường như không bao giờ hết. Với nhu cầu ham hiểu biết, hình thức hỏi – đáp giúp các em có thể tự bộc lộ, nói lên băn khoăn của chính mình. Lời thơ không chỉ còn là lời trao đổi đơn thuần mà sinh động, có hồn vì là tiếng nói của chính các em.

Tái hiện những mẩu đối thoại trong thơ: các nhà thơ đã mở ra bao điều kì lạ, giúp các em vươn tới những nhận thức mới mẻ. Qua đó, các em được rèn thói quen độc lập suy nghĩ, kích thích phát triển tư duy, khả năng khái quát. Những khám phá mới này góp phần làm phong phú thêm tâm hồn trẻ thơ, đem đến cho các em cái nhìn thú vị về cuộc sống.

Hình thức hỏi – đáp giúp bài thơ trở nên ngắn gọn, chặt chẽ, giàu nhạc điệu, từ đó giúp các em trau dồi vốn ngôn ngữ, nâng cao khả năng giao tiếp trong cuộc sống.

Tương tự đồng dao, những bài thơ xây dựng kết cấu đối đáp cũng thường gồm hai vế: vế hỏi và vế đáp, sắp xếp đan xen, cùng thực hiện một chức năng thẩm mỹ, hướng về một chủ đề nhất định mà tác giả muốn biểu đạt. Nhà thơ Phạm Hổ là người thể nghiệm thành công hình thức kết cấu đặc biệt này. Khảo sát qua mười tập thơ, chúng tôi nhận thấy có nhiều bài được viết theo lối kết cấu hỏi – đáp như: Hoa hồng; Hoa sen, hoa đào; Chim sáo; Lúa và gió; Gà con và quả trứng, Ngủ rồi, Thỏ dùng máy nói; Bê đòi bú; Bê hỏi mẹ; Bướm em hỏi chị; Soi gương; Rình xem mặt trời; Đất và hoa… với nội dung cơ bản là ca ngợi tình bạn. Ông quan niệm tất cả thế giới vạn vật xung quanh đều là bầu bạn của trẻ thơ. Phạm Hổ viết về những người bạn là cây cối, hoa quả, loài vật, đồ vật. Dưới ngòi bút của ông, tất cả đều bừng sáng, tươi mới, thân thiện. Chúng đứng bên nhau, trò chuyện, ríu rít tiếng cười, tiếng nói. Đặc biệt, khi viết về loài vật, đồ vật, tác giả luôn đặt trong hệ quy chiếu với đặc điểm, tính cách trẻ em. Mỗi bài thơ là một thắc mắc, một tình huống tranh luận với những đối đáp đầy ngộ nghĩnh, thơ ngây. Phạm Hổ vừa khơi gợi nhận thức của trẻ về thế giới xung quanh, vừa khéo léo đan cài những bài học giáo dục tinh tế. Chỉ bằng một lời đáp: “Một đứa khóc đủ rồi/ Soi chi thành hai đứa” (Soi gương), người cha đã dạy con mình không nên khóc nhè, khóc nhè là rất xấu. Hay bài học về tình yêu thương, sự quan tâm tới bè bạn được thể hiện qua những tình huống thú vị. Đó là sự ngạc nhiên của bướm em khi nhìn thấy những giọt sương long lanh trên cánh hoa hồng:

– Chị ơi vì sao

 Hoa hồng lại khóc?

(Bướm em hỏi chị)

 Là sự băn khoăn của cua con khi thấy cây lúa đang rì rào bỗng đứng lặng im:

Cua con hỏi mẹ

Dưới ánh trăng đêm:

– Cô lúa đang hát

Sao bỗng lặng im?

                     (Lúa và gió)

 Câu hỏi của bướm em và cua con cũng là những câu hỏi thường thấy ở các cô bé, cậu bé giàu tình cảm, biết quan tâm đến người khác. Đồng thời, qua cách hỏi – đáp cũng cho thấy sự ngây thơ trong cách nhìn cuộc sống của trẻ. Các em thường lấy chính bản thân mình để suy luận mọi vấn đề trong cuộc sống. Hiểu được đặc điểm tâm lý ấy, Phạm Hổ đã hóa thân thành nhân vật trong bài thơ để hỏi và trả lời cho các em theo cách riêng của mình. Câu hỏi, câu trả lời vừa lý thú, vừa hợp với cách nhìn, cách nghĩ của trẻ. Trước sự nhầm lẫn hoa hồng khóc, bướm chị đã giải thích cho em hiểu bằng hình ảnh thật dễ thương, cụ thể, dễ hiểu:

 – Không phải đâu em

Đấy là hạt ngọc

Người gọi là sương

 Sao đêm gửi xuống

 Tặng cô hoa hồng

(Bướm em hỏi chị)

 Các em nhận ra thế giới xung quanh từ loài vật, đồ vật đến hoa trái bốn mùa đều có linh hồn, sự sống. Bài thơ Hoa sen, hoa đào giúp các em nhận ra sở dĩ mọi người có thể thưởng thức hoa đẹp trong suốt bốn mùa là nhờ các loài hoa đã biết phân công nhiệm vụ cho nhau theo mùa để nở:

– Sao hoa sen, hoa đào

 Không nở cùng một lúc

– Hoa chia nhau trực mùa

 Như các con trực lớp

 Bằng lời đối thoại giữa bé và mẹ trong Áo mưa, Phạm Hổ nhắc các em biết yêu quý, trân trọng những đồ vật tưởng như bình thường nhất:

– Trời mưa như trút nước

Người con vẫn ráo khô

– Con hãy thương cái áo

 Chịu hết cả cơn mưa

Lời hỏi đáp thường gắn với sự hồn nhiên, đầy nhầm lẫn trẻ thơ. Phạm Hổ từng tâm sự: “Lứa tuổi bạn đọc mà tôi yêu và thích viết nhất là lứa tuổi nhi đồng”. Bằng tấm lòng yêu thương, sự am hiểu lôgic rất riêng trong nhận thức, suy nghĩ của trẻ, ông đã tái hiện trong thơ một thế giới trẻ thơ trong sáng. Các em mang đến nụ cười, tiếng hát, lời trò chuyện cho mọi người. Đọc Thỏ dùng máy nói, ai cũng phải bật cười trước sự đa nghi của một chú thỏ. Thỏ dùng điện thoại gọi cho bạn nhưng cứ đòi người nói ở đầu dây bên kia phải lộ diện mới tin đó là bạn mình:

– Thỏ đây! Ai nói đấy?

Mèo à? Mèo thế nào

 – Mình không trông thấy cậu

Nhỡ đứa khác thì sao?

 Hoặc là đàn gà con hồn nhiên, nhí nhảnh trong màn đối thoại dí dỏm:

  Gà mẹ hỏi gà con

 – Đã ngủ chưa đấy hả

 Cả đàn gà nhao nhao

 – Ngủ cả rồi đấy ạ

(Ngủ rồi)

Vẻ hồn nhiên của đàn gà con rất giống sự ngây thơ, đáng yêu của các cô, cậu bé. Trong thực tế, ngủ nghĩa là nhắm mắt lại, không nghe, không nói nhưng trong tình huống này, các chú gà con lại có cách thể hiện khác. Điều mà các cô, cậu bé quan tâm là sự lễ phép với người trên, hỏi gì đáp nấy. Những chú gà con muốn thể hiện là những đứa con ngoan ngoãn, biết nghe lời mẹ nên không biết là mình đang nói dối. Vì vậy, ngủ rồi mà vẫn nhao nhao trả lời. Đúng là triết lý biện hộ của trẻ con, vừa vô lý, vừa buồn cười nhưng lại hoàn toàn có lý. Đó là chân lý của trẻ thơ, bất chấp cả hiện thực trong cuộc sống.

Qua những thắc mắc của trẻ, chúng ta thấy trẻ em tiếp nhận tri thức bằng tư duy trực quan hình tượng, từ những điều mắt thấy tai nghe. Vì vậy, cách lý giải để thuyết phục trẻ cũng cần bắt đầu từ trực quan. Trong cuộc tranh luận mắt để làm gì giữa bò mẹ và bê con, bê con bảo mắt để ngủ. Bò mẹ bèn bắt bê con nhắm mắt lại đi mấy bước, bò mẹ đứng chắn lối cho bê con húc phải. Từ đó, đi đến kết luận: “Mắt chính để nhìn/ Chắc con đã thấy”. “Tái hiện những mẩu đối thoại này, Phạm Hổ đã mở ra trước mắt các em biết bao điều kỳ lạ, nhằm giúp các em vươn tới những nhận thức mới mẻ. Đó cũng là những bài học thường thức đầu tiên của bé về thế giới tự nhiên, môi trường xung quanh” (1).

So với một số cây bút khác, Xuân Quỳnh đến với thơ thiếu nhi muộn nhưng đã tạo được dấu ấn riêng. Nếu thơ Phạm Hổ hấp dẫn bạn đọc bởi đề tài tình bạn thì thơ Xuân Quỳnh lấp lánh ánh sáng của tình mẫu tử thiêng liêng. Đọc thơ Xuân Quỳnh, có thể thấy thế giới được khúc xạ, lý giải qua lăng kính tình mẹ con. Đặc biệt, thế giới ấy luôn được quan sát bằng đôi mắt, mỹ cảm của trẻ thơ. Tác giả nói hộ những băn khoăn, thắc mắc thường có trong tâm hồn con trẻ. Các em luôn tò mò, khát khao khám phá thế giới xung quanh. Theo năm tháng, thế giới ấy càng mở rộng dần biên độ từ nhỏ đến lớn, từ gần đến xa, từ cụ thể đến trừu tượng. Bằng những lời hỏi – đáp hồn nhiên, dí dỏm, tác giả giúp các em lý giải vô vàn câu hỏi vì sao? Hiện tượng tự nhiên đơn giản như nắng cũng gợi nên những thắc mắc đáng yêu: “Mùa hè nắng ở nhà ta/ Mùa đông nắng đi đâu mất?” (Mùa đông nắng ở đâu?). Qua cách lý giải gần gũi, dễ hiểu của nhà thơ, các em phát hiện ra một điều thú vị: mùa đông nắng không hề mất đi, nắng vẫn tồn tại và làm bao điều có ích. Giúp cam thêm ngọt, cúc thêm hương, giúp bà ủ nước chè tươi, làm ấm tay em mỗi khi nhúng nước. Nắng cũng như một bạn nhỏ hay làm nũng, quấn quýt bên mẹ bởi: “Mỗi lần ôm em, mẹ yêu/ Em thấy ấm ơi là ấm”. Từ thế giới thiên nhiên, Xuân Quỳnh đã hướng các em trở về với thế giới con người.

Quả thật là khó để trả lời những câu hỏi vì sao của trẻ, nhưng Xuân Quỳnh đã cảm nhận và lý giải được bằng những liên tưởng bất ngờ và cảm xúc mới mẻ:

– Ban ngày làm bằng nắng

Màu xanh làm bằng cây

Quả ớt làm bằng cay

Thế giới tự nhiên trong cách dẫn dắt của Xuân Quỳnh hiện lên thật sống động. Các sự vật, hiện tượng lần lượt xuất hiện theo một lôgic chặt chẽ bên trong, gắn với những tính chất đặc trưng, quen thuộc: ớt – cay, tàu điện – ồn, gió – ốc biển, kem – mùa rét, hoa – tết, tết – hương thơm. Với những người trưởng thành, có vốn kiến thức, kinh nghiệm sống nhất định thì những thông tin trên không có nhiều ý nghĩa. Nhưng với trẻ em, những tâm hồn khát khao hiểu biết, tò mò vén tấm màn bí mật từ ngưỡng cửa nhìn ra thế giới xung quanh thì những kiến thức này chẳng bao giờ là đủ. Bài thơ ấn tượng bởi cách nói có phần đảo ngược, phi lý, vượt ra ngoài lôgic thông thường nhưng vẫn được các em chấp nhận vì phù hợp với tư duy trực cảm của trẻ thơ. Kiểu tư duy này một lần nữa được bắt gặp trong Con yêu mẹ rất thành công của Xuân Quỳnh. Bài thơ được xây dựng theo cấu trúc đối đáp với giọng điệu thủ thỉ, tâm tình. Đứa con bày tỏ tình cảm của mình với mẹ bằng một chuỗi so sánh: “Con yêu mẹ bằng ông trời/ Con yêu mẹ bằng Hà Nội/ Con yêu mẹ bằng trường học”. Sau mỗi lần ví von, người mẹ lại có một câu trả lời khéo léo, tự nhiên khiến đứa trẻ phải tiếp tục suy nghĩ để cuối cùng phát hiện ra: “Con yêu mẹ bằng con dế”. Kích thước các đối tượng so sánh nhỏ dần nhưng tình yêu dành cho mẹ được nhân lên gấp bội. Sự chân thành trong tình cảm, sự nắm bắt, thể hiện được kiểu tư duy trẻ em đặt trong hình thức hỏi – đáp cân đối khiến bài thơ có một sức sống lâu bền.

Ngoài ra, kết cấu đối đáp còn được sử dụng trong một số bài thơ khác như: Vì sao?, Tại sao gà con sinh ra?, Mẹ và con… Đặc biệt, những câu hỏi – đáp ấy được diễn đạt bằng chính lời nói, suy nghĩ của trẻ thơ, không cao đạo, lên giọng mà hồn nhiên, trong sáng, giản dị.

Như vậy, các nhà thơ thiếu nhi hiện đại đã nắm bắt được ưu thế của hình thức đối đáp trong đồng dao để sáng tạo nên mô hình kết cấu đối đáp đặc biệt trong thơ. Thông qua hình thức hỏi – đáp, các tác giả vừa tái hiện được những câu hỏi đặt ra của trẻ, vừa giúp các em khám phá bao điều bí ẩn, phát hiện ra “nhiều chuyện rất thật, mà lạ vô cùng”. Đặc biệt, những lời giải thích ngắn gọn luôn gắn liền với đời sống của trẻ nên không xa lạ mà gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với tư duy trẻ thơ, góp phần tích cực trong việc tăng thêm vốn tri thức có ý nghĩa giáo dục trẻ.

______________

1. Lã Thị Bắc Lý, Văn học trẻ em, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2012, tr.98 – 99.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016

Tác giả : TRẦN THỊ MINH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *