Tối 24-12-2021, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III năm 2021 do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức đã chính thức khai mạc tại Quảng trường Nhân dân tỉnh Lai Châu với chương trình nghệ thuật “Lai Châu – Tình người trong mây”.
Toàn cảnh khai mạc
Tới dự lễ khai mạc về phía Trung ương có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành.
Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân tặng quà cho các đơn vị tham gia
Về phía tỉnh Lai Châu có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Giàng Páo Mỷ; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu Lê Văn Lương; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại lễ khai mạc
Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III nhấn mạnh: Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông – Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển” là sự kiện văn hóa quan trọng, thể hiện sự tôn vinh văn hóa một dân tộc giàu truyền thống, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mông trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Đồng thời, Ngày hội cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng dân tộc Mông tham gia gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá cao nỗ lực của Bộ VHTTDL và tỉnh Lai Châu trong việc phối hợp tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III trong bối cảnh hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, đồng chí cũng biểu dương các ban, ngành và các tỉnh có đồng bào dân tộc Mông trong những năm qua đã vượt lên khó khăn, đạt được những kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đặc biệt về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, góp phần không nhỏ trong sự phát triển chung của đất nước, từng bước làm cho đời sống, văn hóa, tinh thần của đồng bào ngày một cải thiện và nâng cao.
Tại lễ khai mạc, Chương trình nghệ thuật “Lai Châu – Tình người trong mây” đã để lại dư âm tốt đẹp cho người xem với sự tham gia của gần 800 diễn viên chuyên và không chuyên đến từ 11 tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Điện Biên, Đắk Lắk, Thanh Hóa. Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Chương I: Lai Châu – Nơi địa đầu mây ngàn ấp núi; Chương II: Tình yêu bản gió bản mây; Chương III: Cộng đồng dân tộc Mông chung tay khát vọng đại ngàn.
Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần III năm 2021 diễn ra từ ngày 24 đến 26-12 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch ý nghĩa được tổ chức gồm: Không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch; Thi giã bánh giầy; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông; Liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc Mông; Trưng bày, triển lãm đặc trưng văn hóa dân tộc Mông. Tổ chức các trò chơi: Tù lu, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy. Tổ chức đoàn Famtrip khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại tỉnh Lai Châu; Tọa đàm: “Đánh giá các sản phẩm du lịch của Lai Châu và trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường du lịch, thu hút các doanh nghiệp lữ hành đưa du khách đến Lại Châu, góp phần tăng doanh thu đưa du lịch Lai Châu phát triển theo hướng bền vững”; Trải nghiệm sản phẩm du lịch tại huyện Tam Đường, Festival dù lượn.
Tin và ảnh: TUẤN MINH
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z