Khai thác các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch

Trong quá trình mở cửa, giao lưu hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ, hoạt động du lịch đã mang lại nguồn thu khổng lồ cho ngân sách nhà nước. Có được những thành công này là do ngành du lịch Việt Nam đã xác định phương thức để phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các giá trị di sản văn hóa dân tộc nhằm tạo nên sự khác biệt, độc đáo thu hút du khách trong nước và quốc tế.

1. Hệ thống các di sản văn hóa ở Việt Nam

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL, Việt Nam có trên 4 vạn di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, hơn 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, gần 1.000 di sản văn hóa phi vật thể được sưu tầm, nghiên cứu và lưu trữ. Đặc biệt, có 22 di sản được công nhận là di sản thế giới: di sản văn hóa vật thể gồm quần thể cố đô Huế, vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, văn bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long, thành nhà Hồ, quần thể danh thắng Tràng An; di sản văn hóa phi vật thể gồm nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù Thăng Long, dân ca quan họ Bắc Ninh, hát xoan Phú Thọ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hội Gióng, đờn ca tài tử, dân ca ví – dặm Nghệ Tĩnh, nghi lễ kéo co, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ; di sản tư liệu gồm mộc bản triều Nguyễn, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.

Đó là các di sản văn hóa độc đáo ở mọi vùng, miền của đất nước, nơi ẩn chứa những giá trị nhân bản sâu sắc của dân tộc Việt Nam. Các di sản văn hóa là lợi thế để ngành du lịch phát huy trong tổ chức hoạt động du lịch. Ngoài ra, những ngôi chùa Việt Nam, nơi linh thiêng thu giữ khí trời đất cũng trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch quốc tế và nội địa. Ở nước ta, có hàng ngàn ngôi chùa lớn bé khác nhau, chỉ riêng Hà Nội đã có 116 ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, trong đó có những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Một Cột, Trấn Quốc, Cổ Loa… Ở Hà Tây, có 90 chùa được công nhận, trong đó có nhiều chùa là di sản quý hiếm của cả nước như chùa Thày, Tây Phương, chùa Trầm, Trăm Gian, chùa Hương, chùa Đậu, chùa Mía… Ở Bắc Ninh, Bắc Giang có tới 44 chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Khu vực Nam Bộ cũng có nhiều ngôi chùa nổi tiếng, riêng TP.HCM có hơn 1.000 ngôi chùa, đền, miếu lớn nhỏ khác nhau. Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, những ngôi chùa Khơme là nơi giáo dục toàn dân, thư tàng cổ, điểm gặp gỡ vui chơi của phum, sóc trong các ngày lễ.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhiều địa điểm khai thác phát triển du lịch như các bảo tàng lưu giữ chứng tích chiến tranh, địa đạo, khu căn cứ cách mạng, nhà tù chính trị như địa đạo Củ Chi, nhà tù Côn Đảo, Hỏa Lò,… Những địa điểm này có tính giáo dục cao về truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Ngoài những di sản văn hóa vật thể, Việt Nam còn giàu tiềm năng về các loại hình văn hóa phi vật thể là tài nguyên động của du lịch Việt Nam. Tính chất động của nó đặc biệt do gắn liền với hoạt động con người, tái hiện, tái tạo của bản thân con người trong quá khứ và trong hiện tại làm sống lại lịch sử trong tính toàn vẹn, tính hình tượng cụ thể cảm tính, sinh động của nó, tạo nên môi trường du lịch độc đáo và hấp dẫn kỳ lạ đối với khách du lịch từ nơi xa đến. Những lễ hội dân gian, làn điệu dân ca, các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc như múa rối, múa cung đình, hát ả đào, hát xoan, hát dân ca quan họ… là những giá trị văn hóa trường tồn của dân tộc, nguồn dinh dưỡng, chất keo kết dính cộng đồng và lực hút hội tụ khách du lịch khắp cả nước và quốc tế.

2. Tầm quan trọng của việc khai thác giá trị văn hóa trong hoạt động du lịch

Khi nói văn hóa là nguồn nguyên liệu để hình thành nên hoạt động du lịch, tức là nói đến vật hút, đối tượng hưởng thụ của du khách. Theo quan niệm của ngành du lịch, người ta xếp các thành tố văn hóa vào tài nguyên nhân văn, cụ thể là: các di tích lịch sử – văn hóa, ẩm thực, lễ hội, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, văn học – nghệ thuật.

Cùng với tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa là một trong những điều kiện đặc trưng cho việc phát triển du lịch của một địa phương, vùng, quốc gia. Giá trị của những di sản văn hóa: di tích lịch sử, công trình kiến trúc, các hình thức nghệ thuật, tập quán, lễ hội, ngành nghề truyền thống… cùng với các thành tựu kinh tế, chính trị, xã hội, cơ sở văn hóa nghệ thuật, bảo tàng… là đối tượng cho cho du lịch khai thác và sử dụng. Những tài nguyên này không chỉ tạo ra môi trường và điều kiện cho du lịch phát sinh và phát triển, mà còn quyết định quy mô, thể loại, chất lượng và hiệu quả của hoạt động du lịch.

Hoạt động du lịch góp phần giới thiệu giá trị nền văn hóa độc đáo của Việt Nam mấy nghìn năm văn hiến thông qua xúc tiến, tổ chức tạo sản phẩm phục vụ khách và tổ chức các chương trình du lịch bằng những ấn phẩm quảng cáo, pano, áp phích.

Hoạt động du lịch tạo khả năng cho con người mở mang, tăng cường sự hiểu biết về lịch sử truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán, đạo đức, chế độ xã hội… làm giàu khả năng thẩm mỹ, thoải mái tinh thần khi được tham quan kho tàng văn hóa nghệ thuật của một vùng, địa phương, quốc gia. Thông qua hoạt động du lịch, cộng đồng dân cư địa phương nhận thức ngày một sâu sắc việc bảo tồn di sản của địa phương, góp phần khai thác, bảo vệ và phát triển môi trường tự nhiên và xã hội…

Với kho tàng giá trị văn hóa thì rõ ràng nước ta có nguồn tài nguyên nhân văn đa dạng và phong phú, đặc sắc để phát triển du lịch. Vấn đề ở đây là phải biết phân loại các giá trị văn hóa để đưa vào khai thác, sử dụng, phục vụ cho phát triển du lịch. Nếu việc phân loại những giá trị văn hóa được thực hiện tốt, thì các nhà kinh doanh du lịch sẽ dễ dàng lựa chọn từng loại hình để sản xuất, đa dạng hóa chương trình du lịch đưa vào lưu thông trên thị trường; các nhà hoạch định chiến lược, quy hoạch du lịch sẽ xác định chuẩn các vùng trung tâm, tuyến, điểm du lịch để xây dựng dự án cụ thể, kêu gọi và thu hút vốn đầu tư. Từ đó tạo cơ sở cho những người làm công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tiến hành các hoạt động chuyên môn có hiệu quả, đẩy mạnh tốc độ phát triển của ngành du lịch.

Ngoài ý nghĩa về mặt nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, trong xu thế mở cửa, hội nhập và phát triển, di sản văn hóa còn mang ý nghĩa về mặt kinh tế. Nếu giá trị văn hóa kết hợp với du lịch sẽ đưa ra nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, có di sản văn hóa, không có nghĩa là có sản phẩm du lịch văn hóa. Di sản văn hóa nếu không được đưa ra giới thiệu với công chúng, không phục vụ du lịch thì cũng không hình thành nên sản phẩm du lịch. Những hoạt động tổ chức giới thiệu về di tích, di sản văn hóa được coi như là các dịch vụ tham quan di sản văn hóa, đây chính là thành phần cơ bản của sản phẩm du lịch văn hóa. Nghĩa là khi có một di sản văn hóa như nguồn tài nguyên du lịch, thì việc đưa nguồn tài nguyên đó thành hàng hóa để bán cho khách du lịch sẽ được thực hiện qua hệ thống các dịch vụ. Lúc đó tập hợp các dịch vụ du lịch dựa trên nguồn tài nguyên được coi là một sản phẩm du lịch.

Mặc dù văn hóa có một vai trò vô cùng quan trọng để phát triển du lịch, nhưng, du lịch không phải là sản phẩm thụ động của văn hóa. Du lịch có những tác động trở lại văn hóa. Hoạt động du lịch không chỉ đẩy mạnh quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa mà sự phát triển nó còn tác động trực tiếp và gián tiếp đến việc chấn hưng và bảo tồn các di sản văn hóa. Doanh thu từ hoạt động du lịch bằng việc khai thác di sản văn hóa được sử dụng một phần cho việc tu bổ di tích, chỉnh lý các bảo tàng, đồng thời khôi phục nhiều làng nghề truyền thống như mây tre, gốm, dệt thổ cẩm… biến chúng trở thành hàng hóa bán cho khách tham quan. Hơn nữa, đối với các giá trị văn hóa phi vật thể, hoạt động du lịch trong thời gian qua đã phục hồi và làm sống lại những lễ hội dân gian, văn nghệ dân gian, sinh hoạt tín ngưỡng… phục vụ du khách. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là vấn đề cấp bách nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế mở cửa và hội nhập mạnh mẽ. Muốn vậy, cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch.

Du lịch văn hóa đang trở thành xu thế chủ đạo trong việc phát triển của ngành du lịch, nhằm khai thác tiềm năng di sản văn hóa. Đối với một quốc gia giàu tiềm năng di sản như nước ta, sự nhận thức đúng về mối quan hệ giữa di sản văn hóa và hoạt động du lịch sẽ tạo nên sự tương tác tích cực giữa bảo tồn và phát triển, văn hóa và du lịch trong phát triển bền vững. Khai thác và phát huy di sản văn hóa phải được coi là một nguồn tài nguyên tạo nền móng cho hoạt động du lịch phát triển bền vững. Vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải gắn với việc phát triển du lịch bền vững, vừa bảo đảm lợi ích kinh tế – xã hội, vừa bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Bất cứ một hiện tượng nào trong xã hội đều có khía cạnh văn hóa của nó nhưng đối với hoạt động du lịch, văn hóa vừa là tài nguyên vừa là biện pháp, cách thức làm ra lợi nhuận. Cho nên, mối quan hệ giữa du lịch và văn hóa luôn luôn là sự gắn kết vô cùng chặt chẽ. Bất cứ một quốc gia hay vùng lãnh thổ, ở bất kỳ một khoảng thời gian nào cũng cần xem xét mối quan hệ này để thiết lập những giá trị bền vững trong kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh du lịch.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ KIM LIÊN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *