Những ngày qua, có lẽ Bắc Giang thực sự bước vào một cuộc chiến đúng nghĩa với đại dịch COVID -19. Nói vậy bởi lẽ, những lần trước dịch mới xuất hiện trong cộng đồng đã được kịp thời khoanh vùng, truy vết, ngăn chặn và dập tắt. Thế nhưng, đợt dịch lần này khác hẳn, không những bị lây nhiễm trong cộng đồng mà còn bùng phát trong các khu công nghiệp lớn với hàng trăm nghìn công nhân liên quan. Điều ấy càng khiến cho công tác phòng, chống dịch cam go hơn bao giờ hết. Dẫu vậy, tinh thần “chống dịch như chống giặc”, sự “chia lửa” hỗ trợ đắc lực của các bộ, ngành T.Ư và địa phương đã tiếp thêm sức mạnh cho công tác phòng, chống dịch của Bắc Giang.
Các y, bác sĩ Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga thực hiện ngay nhiệm vụ xét nghiệm khi đến tỉnh Bắc Giang
Những trái tim ấm áp
Đã có lúc, số ca nhiễm tại Bắc Giang tăng cao một cách chóng mặt. Giới chuyên gia nhận định đó là dịch Covid -19 chủng Ấn Độ nên tốc độ lây lan nhanh và phức tạp: Cùng lúc xuất hiện 3 ổ dịch COVID-19, trong đó 2 ổ dịch tại Khu công nghiệp Vân Trung và Quang Châu – nơi có hơn một trăm nghìn công nhân. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh chưa từng có khiến lực lượng tuyến đầu phải nhiều đêm thức trắng chạy đua với thời gian mà vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Ở các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang, có hơn 160 nghìn công nhân của hàng trăm doanh nghiệp, khả năng tiếp xúc giữa công nhân với nhau cao nên việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn cả về kinh nghiệm, nhân lực và vật tư y tế. Yêu cầu cấp bách đặt ra là cần sớm lấy mẫu xét nghiệm càng nhanh càng tốt của số công nhân trên trong các khu công nghiệp nhằm khoanh vùng và có phương án ngăn chặn lây lan ra cộng đồng hiệu quả, trong khi năng lực xét nghiệm của tỉnh Bắc Giang thời điểm ấy chỉ là 10.000 mẫu/ngày. Sự thiếu nhân lực, vật chất đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Đến 17 giờ 30 phút ngày 18/5/2021, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 3 ổ dịch với tổng số 505 trường hợp dương tính. Tỉnh đã cách ly y tế 78 thôn/ tổ dân phố; giãn cách xã hội 28 xã/ phường/ thị trấn, 11 thôn/ tổ dân phố; cách ly xã hội 4 huyện bao gồm Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng và Việt Yên; tạm dừng hoạt động 4 Khu công nghiệp: Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê – Nội Hoàng. Nói thế để thấy rằng, Bắc Giang đang thực sự rơi vào thế khó, rất cần sự chi viện kịp thời.
Thật may, trong lúc khó khăn, hoạn nạn ấy, Bắc Giang đã nhận được rất nhiều tình cảm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân, các đơn vị, địa phương trong cả nước. Nhiều hình ảnh đẹp còn đọng lại như chứng minh thêm cho tinh thần đoàn đoàn kết, gắn bó keo sơn, tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc ta. Đầu tiên là thông điệp “Bắc Giang gọi – Quảng Ninh đáp lời”. Biết bao người dân Bắc Giang đã rơi nước mắt khi chứng kiến nghĩa cử cao đẹp của tỉnh Quảng Ninh – địa phương giáp ranh với Bắc Giang. Ngày 15/5, tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ xuất quân đoàn thầy thuốc tình nguyện với hơn 200 cán bộ, y, bác sĩ của Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí lên đường chung tay cùng tỉnh Bắc Giang và cả nước đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Cùng với nhân lực, Quảng Ninh giúp đỡ cả về vật chất khi ủng hộ tỉnh Bắc Giang 4 tỷ đồng; Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) ủng hộ 2 tỷ đồng để phòng, chống dịch.
Đoàn cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí tràn đầy quyết tâm, nhiệt huyết lên đường đến Bắc Giang làm nhiệm vụ
Hình ảnh đoàn thầy thuốc Quảng Ninh lên hỗ trợ Bắc Giang chống dịch khiến nhiều người dân cảm động rơi nước mắt. Những cánh tay nhân dân giơ lên chào đón như lời cảm ơn, cảm tạ chân thành suốt dọc hai bên đường từ lúc đoàn xe vào địa phận Bắc Giang. Thậm chí, một cảnh sát giao thông Bắc Giang làm nhiệm vụ trên đường khi thấy đoàn đã đứng nghiêm trang chào. Hành động chào ấy của đồng chí cảnh sát giao thông dù nhỏ nhưng nó cho thấy sự tri ân, thay cho lời cảm ơn đến những nghĩa cử cao đẹp.
Vượt qua chặng đường dài, ngay sau khi đến Bắc Giang với bữa trưa chóng vánh, đoàn thầy thuốc Quảng Ninh đã di chuyển đến Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên), bắt tay ngay vào việc lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam và Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam. Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, đoàn đã thần tốc lấy được hàng trăm nghìn mẫu. Toàn bộ số mẫu trên được chuyển về Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí làm công tác xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR nhằm phát hiện virus Sars-CoV-2.
Tiếp sau Quảng Ninh, trong ngày 16/5, tỉnh Bắc Giang đón nhận thêm nhiều ân tình nữa từ phía các đơn vị, địa phương như đoàn 215 cán bộ, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đã có mặt để hỗ trợ dập dịch. Cũng như đoàn Quảng Ninh, thầy và trò nhà trường không kịp nghỉ ngơi mà bắt tay ngay vào việc. Với số lượng nhân lực này, đoàn có thể hỗ trợ lấy được mỗi ngày khoảng 20 nghìn mẫu bệnh phẩm. Cũng ngay trong chiều 16/5, một đoàn gồm 20 chuyên gia dày dạn kinh nghiệm từ Thủ đô Hà Nội đã đến Khu công nghiệp Vân Trung tiếp sức cho tỉnh Bắc Giang chống dịch. Đoàn công tác tham gia phối hợp trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường, khử khuẩn toàn bộ khu công nghiệp; hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19; hướng dẫn tổ chức điều tra truy vết, cách ly, khoanh vùng, tổ chức lấy mẫu và xét nghiệm tại chỗ…
Bắc Giang cảm nhận được mình không hề đơn độc trong cuộc chiến căng thẳng chống lại dịch bệnh, bởi trong đêm 16/5 và những ngày sau, tiếp tục có nhiều đoàn từ Bộ Y tế, Học viện Quân y, Quân khu 1, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an), các đoàn Yên Bái, Thái Nguyên, Đà Nẵng… hỗ trợ cả nhân lực và vật tư y tế. Đây là những “đội đặc nhiệm” quan trọng đã chia sẻ, hỗ trợ thực chất và hiệu quả cho tỉnh Bắc Giang đầy lùi dịch COVID-19. Điều đáng nói là, trong dịp này Hà Nội, Đà Nẵng, hay Hải Dương… cũng đang phải căng mình phòng, chống dịch song trước tình hình cấp bách tại tâm dịch Bắc Giang, với tinh thần “giúp bạn là giúp mình”, sự chi viện kịp thời ấy không chỉ khiến nhiều người rất cảm kích mà còn có ý nghĩa lớn lao trong kết quả chung phòng, chống dịch tại Việt Nam. Với sự hỗ trợ, phối hợp của các đơn vị, địa phương, tính đến ngày 18/5, toàn tỉnh Bắc Giang đã lấy được hơn 300 nghìn mẫu xét nghiệm.
Các y, bác sĩ, kỹ thuật viên, học viên Học viện Quân y tập kết tại Trung đoàn 831 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang)
Tình người trong gian khó
Nếu như trên tuyến đầu, Bắc Giang có sự hỗ trợ đắc lực của các ngành, địa phương thì ở “tuyến sau”, tình người cũng đầy ấm áp, yêu thương. Nhiều địa phương do phải giãn cách, cách ly y tế nên hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ ngưng trệ khiến cho cuộc sống người dân phần nào bị ảnh hưởng, đặc biệt là công nhân ở trong các khu cách ly. Nhờ có sự sẻ chia, đùm bọc, tương trợ của cộng đồng, mọi người đã từng bước giúp nhau vượt qua khó khăn. Với người lao động, Bắc Giang kêu gọi công nhân lao động tỉnh ngoài ở lại Bắc Giang, không về quê lúc này khiến dịch bệnh dễ lây lan. Trong hoàn cảnh ấy, tỉnh đã giao Liên đoàn lao động, các hội nhóm phát động phong trào tương thân tương ái để hỗ trợ công nhân.
Đoàn công tác Học viện Quân y lấy mẫu cho cán bộ, nhân viên phục vụ khu cách ly tập trung của tỉnh tại Trung đoàn 831
Có thể nói, sự ủng hộ bằng vật chất, tinh thần của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho công tác phòng, chống dịch là rất lớn. Tính đến chiều 18/5, toàn tỉnh Bắc Giang đã nhận được hơn 60 tỷ đồng cho công tác chống dịch và nhiều nhu yếu phẩm, vật tư, thiết bị y tế. Những “tâm thư”, lời kêu gọi ủng hộ chống dịch trên trang cá nhân, của các tổ chức, hội, nhóm ủng hộ tiền, nhu yếu phẩm cho các chốt kiểm dịch, ở khu cách ly, công nhân khu giãn cách… có sức lan tỏa vô cùng lớn lao. Có rất nhiều hình thức chung tay, góp sức khác nhau, hành động tuy nhỏ nhưng lại thiết thực. Của ít lòng nhiều, các cô giáo, các chị em CLB Quan họ huyện Việt Yên và phụ huynh học sinh đã góp công góp sức, góp những đồng tiền ít ỏi để làm từng bữa ăn, nước uống “ngon như cơm nhà” trao tận tay từng chốt phòng dịch. Rồi việc các cô giáo ở Trường THCS Việt Tiến (Việt Yên) cùng nhân viên trong trường đã nhiều hôm thức đến sáng hôm sau để làm muối lạc, muối vừng, sấu ngâm tỏi ớt với mong muốn bổ sung chút “gia vị” cho bữa ăn của những người trong khu cách ly. Các cô còn sáng tạo làm cả những hộp mật ong ngâm tỏi để giúp những người chống dịch tăng sức đề kháng.
Nhiều em học sinh đã “mổ lợn” tiết kiệm gửi đến ủng hộ phòng, chống dịch. Những cụ già lưng còng còn dè sẻn tiết kiệm một phần chi tiêu, đưa cho con cháu mang đi ủng hộ “chống COVID”… Nhiều chị em phụ nữ sẵn sàng tham gia nấu những suất ăn gửi đến các tình nguyện viên nơi tuyến đầu. Nhiều đoàn viên thanh niên, người dân tình nguyện hỗ trợ nấu cơm, phun khử khuẩn, lau dọn, sửa ống nước, lắp đặt cơ sở đón các tình nguyện viên… Công nhân khu nhà trọ được người dân địa phương san sẻ từng nắm gạo, mớ rau hoặc giảm giá phòng trọ để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Thậm chí, ở xã Tăng Tiến (Việt Yên), có người đã thịt cả lợn, mang trứng, hái rau của gia đình để chia phần cho công nhân khu giãn cách. Các đoàn xe của nhà hảo tâm liên tục đưa lương thực, tặng quà cho người dân ở khu cách ly, công nhân khu nhà trọ… Những tấm lòng nhân ái, biết san sẻ vì cộng đồng ấy không chỉ góp phần đẩy lùi dịch bệnh mà còn lan toả những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống hôm nay. Tin chắc rằng với sự dốc sức, dốc lòng, đoàn kết của các cấp, các ngành và người dân địa phương cũng như cả nước, Bắc Giang sẽ vững vàng đẩy lùi dịch COVID-19.
Cán bộ y tế tỉnh Quảng Ninh lấy thông tin cá nhân của công nhân Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam
Tác giả: Đông Khánh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 465, tháng 6-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)