Không gian du lịch Hàm Rồng, với những giá trị văn hóa, thắng cảnh điển hình, đang nhận được sự quan tâm đặc biệt trong chiến lược phát triển du lịch xứ Thanh. Ở vào vị thế nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ, Hàm Rồng, cùng với Lam Kinh, Thành nhà Hồ, Bến En, Pù Luông, Xuân Liên, suối Cá Thần, Cẩm Lương… đang nổi lên như một không gian du lịch quan trọng, nếu được khai thác xứng tầm, sẽ trở thành động lực trong liên kết phát triển du lịch địa phương, quốc gia, quốc tế.
Việt Nam có rất nhiều nhiều tỉnh, thành phố đã
quy hoạch, xây dựng thành công các không gian du lịch trên nền tảng nguồn liệu
văn hóa của một điểm, khu văn hóa điển hình: Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hưng Yên); Cố đô
Hoa Lư, Tràng An – Bái Đính, Tam Cốc-Bích Động (Ninh Bình); Cố đô Huế (Huế); Hội
An (Quảng Nam)… Với sức hút mạnh mẽ, mỗi năm các không gian du lịch đón hàng
triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nguồn thu từ hoạt động du
lịch đã góp phần không nhỏ vào sự đổi thay về kinh tế, văn hóa, xã hội mỗi địa
phương.
Thanh Hóa đã xây dựng quy hoạch các không gian du lịch từ rất sớm, với 3 không gian du lịch biển; 4 không gian du lịch sinh thái và 5 không gian du lịch văn hóa-lịch sử. Trong đó, 4 không gian trọng điểm được ưu tiên đầu tư là: không gian du lịch biển Sầm Sơn, không gian di tích văn hóa-lịch sử Lam Kinh, không gian di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, không gian lịch sử – văn hóa – sinh thái Hàm Rồng. Mặc dù được xem là trọng điểm, nhưng đến thời điểm hiện nay, 4 không gian trên chưa được đầu tư, quy hoạch bài bản, nguồn lực chưa được khai thác triệt để và hiệu quả. Cách làm du lịch hiện nay ở các không gian còn manh mún, chưa vận động theo quỹ đạo của hoạt động du lịch, các thế mạnh giá trị lịch sử – văn hóa – sinh thái chưa lộ diện, dẫn đến các không gian du lịch tại Thanh Hóa chưa được các hãng lữ hành, khách du lịch nội địa, quốc tế quan tâm lựa chọn.
Hơn nữa, việc các không gian thiếu tính liên kết cũng là lý do khiến các điểm, khu du lịch chưa gây được chú ý. Hiện nay, các không gian du lịch ở Thanh Hóa đang rơi vào thực trạng đầu tư dàn trải, để liên kết các không gian, cần lựa chọn một không gian hội đủ các điều kiện cần để đầu tư có chiều sâu và tạo ra động lực để phát triển. Xét trên tất cả các bình diện, Hàm Rồng là không gian hội đủ các điều kiện để quy hoạch, đầu tư trở thành một không gian du lịch mang tầm quốc gia, quốc tế.
Hàm Rồng – Một không gian văn hóa điển hình
Hàm Rồng có địa thế khá rộng, bao trùm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Thanh Hóa hiện nay. Vùng ngoại diên Hàm Rồng có thể ảnh hưởng, kéo dài đến Sầm Sơn về phía đông, thị trấn Rừng Thông (huyện Đông Sơn) về phía tây bắc và núi Nhồi về phía nam.
Xét về vị trí, Hàm Rồng được xem là vùng đất trọng yếu trên tất cả các bình diện: địa lý – chính trị – kinh tế, xứng đáng là một không gian đặc trưng, tiêu biểu ở xứ Thanh. Nếu được đánh giá đầy đủ về các giá trị cảnh quan sinh thái, văn hóa đang tồn tại trong không gian Hàm Rồng và có một bản quy hoạch xứng tầm, chắc chắn nơi đây sẽ trở thành một không gian du lịch mang lại lợi ích cao cho xứ Thanh. Điểm nhấn của Hàm Rồng chính là hệ thống di sản văn hóa (DSVH), các tầng văn hóa dày đặc, quý hiếm có tính liên tục về thời gian, đa dạng về loại hình, phân bố đậm đặc.
Hàm Rồng là một quần thể núi đá nằm sát nhau giống như hình rồng đang vờn hạt ngọc, chúng bị tách xa nhau như bây giờ chỉ cách ngày nay trên dưới 300 năm khi sông Mã đổi dòng, chảy xiết, len qua khoảng cách hẹp giữa núi Rồng và núi Ngọc. Thời điểm này nhánh sông Tào Xuyên chảy về cửa Lạch Trường, Hoằng Hóa (dòng chính của sông Mã) đang dần mất đi vị thế số một, còn dòng chảy qua Hàm Rồng đổ ra cửa Lạch Hới, Sầm Sơn chiếm ưu thế, ngày nay đã trở thành dòng chảy chính của sông Mã.
Cặp tình nhân Hàm Rồng – sông Mã được rất nhiều sự tích, huyền thoại nhắc đến: Bàn chân Tiên (1); Núi quảy sông cày (2); sự tích Núi Vọng phu (3); Vợ chồng anh Kình (4); Ông Bưng (5); Truyện ông Vồm (6); Động Tiên, động Rồng (7). Tên gọi của mỗi ngọn núi, dòng sông đến nay vẫn là điều bí ấn, chỉ biết rằng, người dân trong vùng đã thiêng hóa, đặt cho chúng những cái tên đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Hiện chưa có cơ sở khoa học hay công trình nghiên cứu bàn về diên cách Hàm Rồng, nhưng có thể nhận diện không gian Hàm Rồng qua các đặc điểm: địa tự nhiên, cảnh quan sinh thái, lịch sử-văn hóa. Hàm Rồng bao gồm toàn bộ cảnh quan núi Rồng (Long Hạm), hay còn gọi là dãy Đông Sơn chạy từ làng Dương Xá (Thiệu Khánh và Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa ) đến gần làng Nam Ngạn (theo hướng tây – đông). Chiều bắc – nam của núi từ xã Hoằng Long, Hoằng Quang, Hoàng Lộc (bên kia cầu Hàm Rồng) kéo dài đến tận Núi Nhồi (xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn). Nếu lấy làng cổ Đông Sơn làm tâm điểm, thì có thể tiếp cận không gian Hàm Rồng theo bốn hướng: Phía tây, vùng đất cổ Tư Phố (xã Thiệu Khánh, Thiệu Dương); Phía đông, phố cổ Lò Chum, Bến Ngự; Phía nam, làng nghề đá An Hoạch và thắng tích núi Nhồi; Phía bắc, làng cổ Đông Sơn và cầu Hàm Rồng, lỵ sở Hạc Thành.
Khai trương tuyến du lịch Hàm Rồng sông Mã. Ảnh: Lê Luật
Không gian phía tây Hàm Rồng nằm trải dài trên triền hai dòng sông, sông Mã và sông Chu, với ngã ba đầu là trung tâm. Ngã ba đầu suốt một thời gian dài lịch sử luôn là đầu mối giao thương quan trọng xứ Thanh. Vị trí này có thể thông thương với hầu khắp các huyện, trấn thuộc 3 miền trong tỉnh. Vẻ đẹp của khu vực ngã ba đầu được vua Lê Thánh Tông viết trong bài Tam Kỳ Giang (ngã ba sông) ghi trong Quốc âm thi tập. Đây được xem là áng thơ cổ nhất về vùng đất Dương Xá còn truyền lại.
Ở vào vị trí đắc địa, nên vùng đất này luôn được lựa chọn làm lỵ sở qua các thời kỳ: Thành Tư Phố (trung tâm và lỵ sở của quận Cửu Chân tồn tại gần 502 năm), trấn lỵ Dương Xá (ngày nay vẫn còn dấu vết), Trấn Tây Thành, Trạm Trung Đồ… Tại đây các nhà khảo cổ học đã tìm thấy rất nhiều hiện vật như vũ khí bằng đồng, đồ gốm thời Hán, tiền Ngũ thù, đặc biệt nhiều ngôi mộ thời Tây Hán.
Thành Tư Phố chỉ còn nằm lại trong sử sách, sự tích lịch sử bi tráng và những giai thoại về một thành lũy kiên cường bất khuất trước thế lực ngoại bang, sự anh dũng của người dân vùng đất Cửu Chân chống lại quân thù phương Bắc. Sách Thủy Kinh Chú có đoạn viết: vào tháng 11 năm 43, Mã Viện cùng 2000 chiếc thuyền theo đường thủy tiến đánh Cửu Chân, chỉ đoạt đường thành Tư Phố khi tướng giặc không hàng, tất cả đều bị chém, có đến mấy trăm người. Tại đây còn có Núi Đọ, núi Quan Yên, nơi các nhà khoa học phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ đồ đá cũ nổi tiếng thế giới có niên đại cách ngày nay 30 vạn năm. Ở làng Giàng dưới có đền thờ Dương Đình Nghệ, một nhân vật nổi tiếng TK IX, tuy không xưng vương nhưng tư tưởng và tinh thần của ông ảnh hưởng sâu sắc đến Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn sau này.
Không gian của một vùng sơn thủy hữu tình tại ngã Ba Đầu hòa quyện trong những huyền tích lịch sử bi tráng, những nhân vật anh hùng về Thành Tư Phố, mà dấu vết vẫn còn đến ngày nay, đã trở thành biểu tượng văn hóa hết sức ấn tượng.
Ở về phía đông là vị trí của làng cổ Nam Ngạn, nằm bên bờ hữu sông Mã, cách cầu Hàm Rồng chừng 2km. Nơi đây có Lò Chum gắn liền với Bến Ngự, một âu thuyền làm bến cho các vua Nguyễn mỗi lần về thăm cố hương. Với nhà Nghinh Phong có 4 mái, lợp ngói lưu ly, thềm điện 9 bậc, làm nơi vua chuyển từ thuyền rồng lên kiệu vàng vào thành. Bến Ngự nằm trên khu vực gần cầu Cốc thuộc con sông đào nhà Nguyễn (thời Minh Mạng). Vua Gia Long quyết định dời lỵ sở từ làng Dương Xá về Thọ Hạc vào tháng 4 – 1802, lấy tên là Hạc Thành, bởi việc đào sông Bến Ngự thuận lợi hơn cho việc vận chuyển vật liệu về xây dựng Hạc Thành.
Mật độ tích tụ các di sản văn hóa ở không gian phía đông khá đậm đặc, đủ các loại hình: đền thờ, miếu, phủ, có nhiều ngôi chùa mang đậm dấu ấn tam giáo đồng nguyên (Mật Đa, Hưng Quang). Đặc biệt, hệ thống bia ký là điểm nhấn ấn tượng của không gian: Thạch bi ký, dựng năm Hoàng triều Tự Đức thứ 5 (1852); Hậu kỵ bi, dựng năm Tự Đức thứ 21 (1868) tại điếm canh làng Nam Ngạn; Nam Ngạn bi ký, dựng năm Thành Thái thứ 5 (1893) tại chủa Nam Ngạn; Trùng Tu bi ký, dựng năm Bảo Đại thứ 3 (1928) tại chùa Mật Đa; Thanh Hóa bi ký, dựng năm Bảo Đại thứ 11 (1941) ở Tường Phủ Mật Sơn;… (10).
Phố cổ Lò Chum gắn liền với một nghề truyền thống nổi tiếng-nghề gốm. Theo tài liệu lịch sử và gia phả các dòng họ, nghề làm gốm ở đây không phải của địa phương mà gốc ở tận Thổ Hà (Bắc Giang), di vào Thanh Hóa khoảng thời Gia Long hoặc Minh Mệnh. Thời kỳ nghề gốm ra đời thì Bến Ngự cũng xuất hiện, dưới con mắt nghề nghiệp, người thợ đã phát hiện Bến Ngự có một ví trị quan trọng (gần thị, gần sông, đầu mối giao thương thời bấy giờ). Mặt hàng gốm phát triển mạnh mẽ, chủ yếu là chum, vại, đồ gốm mỹ nghệ… Tuy nghề gốm không còn thịnh hành như xưa, nhưng phố Lò Chum, Bến Ngự vẫn còn đọng lại những dấu vết văn hóa về nghề cổ truyền, qua các cửa hàng gốm sứ đang bày bán sầm uất ở khu vực này.
Trong thời hiện đại, người dân Nam Ngạn luôn tự hào mình là chủ nhân bảo vệ huyết mạch giao thông Bắc-Nam (cầu Hàm Rồng) trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ác liệt. Cây cầu sừng sững và những người con vùng đất này như Ngô Thị Tuyển, Nguyễn Thị Hằng là những minh chứng quan trọng của lịch sử.
Ở về phía nam vùng Hàm Rồng chính là làng nghề truyền thống An Hoạch và khu thắng tích núi Nhồi. Làng An Hoạch (còn gọi là Nhuệ thôn, làng Nhồi, thuộc xã Đông Hưng, Đông Tân, huyện Đông Sơn) là một trong những làng cổ xưa nhất của huyện Đông Sơn và tỉnh Thanh Hóa. Cách làng không xa là núi Ấp, di chỉ khảo cổ thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn, phía đông giáp núi Mật, phía đông nam giáp núi Long và phía bắc giáp núi Chồng Mâm, tạo ra cảnh quan voi phục, hổ chầu. Trên đỉnh núi có hình tượng hòn Vọng phu, gợi chuyên u sầu, ly tán vì chinh chiến, nhưng tình yêu, tình nghĩa vợ chồng lại gợi lên nhiều giá trị nhân văn.
Làng Nhồi xưa là một khu chế tác đồ đá mỹ nghệ có từ thời đầu công nguyên, và phát triển rực rỡ từ TK XV-XIX. Ngay trong khu vực hiện còn rất nhiều di sản tiêu biểu thể hiện bàn tay khéo léo, kỹ năng trong chế tác đá đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc, có thể đại diện cho phong cách tả thực của mỹ thuật Việt Nam TK XIX. Đó là hệ thống bia ký, tượng chầu, tượng các con vật, có thể ví làng Nhồi (An Hoạch) như một bảo tàng đá với chùa Báo Lai, Đại Bi, Tiên Sơn, Quan Lão, đền Thượng, lăng Quận Mãn, đền thờ nhà Hậu Lê… Tuy nhiên các di vật đá quý hiếm ngay nay đang trong trạng thái bị tàn phá nặng nề.
Đá Núi Nhồi được xem là loại đá quý hiếm, hay được các quan lại triều đình xưa sử dụng do độ cứng, tiếng vang và các vân thớ đẹp. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Núi An Hoạch (hay núi Khê, lại có tên là Nhuệ sơn) ở các huyện Đông Sơn bốn dặm về phía Tây Nam, sắc đá trắng mịn, tiếng đá vang trong, có thể dùng làm khí dụng như chiêng, khánh, bia, kệ”…“Núi An Hoạch sản xuất thứ đá tốt, Phạm Ninh là Thái thú Dự Chương nhà Tấn, thuờng sai người lấy đá làm khánh, tức là núi đá này. Chân núi nổi lên ngọ nhỏ, nhọn hoắt đứng một mình, bên cạnh có đền thờ Cao Sơn, lại có chùa” (11). Ngôi chùa Báo Ân ở dưới chân núi được xây dựng thời Lý bằng đá núi Nhồi. Hiện nay văn bia chùa Báo Ân cũng cho biết về loại đá quý hiếm này. Thợ đá làng Nhồi cũng đóng góp không ít công sức trong quá trình xây dựng kinh đô Huế và các đền chùa, miếu mạo, lăng tẩm ở khu vực này.
Phía bắc là không gian của làng cổ Đông Sơn, được xem là khu vực hạt nhân. Các ngọn núi của dãy Đông Sơn uốn lượn, quần tụ tại Hàm Rồng như cánh cung lớn ôm lấy làng cổ Đông Sơn, nằm bên bờ sông Mã, phía Đông Bắc tựa lưng vào núi Rồng, phía Tây Nam là dải đất bằng phẳng thuận lợi cho trồng trọt, ba mặt Tây-Bắc-Nam của làng là những núi đá nhỏ lẫn trong đồi thấp xen kẽ và có nhiều hình dáng kỳ thú. Truyền tụng dân gian cho rằng, làng cổ Đông Sơn nằm vào thế đất có 99 ngọn núi hình con Phượng Hoàng.
Năm 1924, một số đồ gốm bộ ấm chén, trống đồng phát lộ ven bờ sông Mã, tiếp đó là cuộc khai quật của viên thuế quan người Pháp L.Paljot. Năm 1935, Olov.R.T.Janse, khảo cổ người Thuỵ Điển, đã tiến hành khai quật và đã định danh nền văn hóa Đông Sơn. Tên làng Đông Sơn đã trở thành tên cả một nền văn hóa rực rỡ thuộc thời đại kim khí cách đây 2.000-3.000 năm. Danh từ Văn hóa Đông Sơn đầu tiên là do học giả R.Heine Geldern đề xuất gọi vào năm 1934. Những hiện vật khảo cổ học tại làng cổ Đông Sơn như một đối tượng tác động và khuyến khích giới khoa học nghiên cứu hoàn chỉnh hơn về thời đại đồ đồng ở Việt Nam, đưa ra những luận điểm khoa học mới, chứng minh cho việc đã có một nền kinh tế nông nghiệp phát triển và một tổ chức sơ khai ở thời đại các vua Hùng.
Ở làng cổ Đông Sơn còn nhiều công trình kiến trúc đền, chùa có giá trị lịch sử-văn hóa như đền thờ Trần Khát Chân, hiệu là chàng út Đại Vương (Lê Hữu, con trai út của Lê Ngọc) người có công trong việc cầm quân đánh giặc phương Nam; Phủ thờ Liễu Hạnh công chúa; Bồ Đề tự (chùa Làng); v.v… Một hệ thống bia ký đa dạng về loại hình: Bia Tượng Sơn (núi con Voi) khắc năm Thiệu Phong thứ 13 (1353) đời vua Trần Dụ Tông; Bia Thành sự bi ký khắc niên hiệu Cảnh Thịnh (1795) thời Tây Sơn, cạnh đền Thánh Cả; Bia Văn Thánh (Văn miếu tỉnh Thanh Hóa) thời Tự Đức (1848-1883); có rất nhiều văn bia đã mất, hiện chỉ còn các thác bản ở Viện Hán Nôm Việt Nam: Đệ Nhị miếu công đức bi dựng năm Thành Thái thứ 5 (1893), Văn Thánh Miếu chung đúc năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), Hậu Phật bi ký, Cung tiến bi ký dựng năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), v.v…
Tại phía Nam cầu Hàm Rồng có một ngọn núi cao lên đột ngột rồi chúc xuống sông, cảnh tượng ấy như đầu rồng đang cố nhoài ra biển. Hàm Rồng – một vùng non nước kỳ thú, vẫn in đậm trong bút tích của các bậc anh hào, kẻ sĩ đã từng qua đất như: Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Ngô Thì Sĩ, Phan Huy Ích.
Với diện tích trên 8000ha, nhiều di sản văn hóa quý hiếm, vẻ đẹp tự nhiên làm đắm say lòng người, Hàm Rồng xứng đáng là một không gian văn hóa điển hình ở xứ Thanh.
Hàm Rồng – Một không gian du lịch mang tính động lực
Để khai thác không gian văn hóa Hàm Rồng như một không gian du lịch đặc trưng, đồng thời là không gian động lực trong liên kết du lịch với các không gian du lịch khác trong tỉnh, vươn tầm quốc gia, quốc tế, thì, sự chuyển đổi ấy cần có các giải pháp hữu hiệu.
Cần xem xét lại vấn đề quy hoạch không gian Hàm Rồng hiện nay.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số: 396/2013/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử, văn hóa Hàm Rồng”. Thời gian thực hiện từ năm 2013 đến năm 2025, địa điểm quy hoạch trên địa bàn phường Hàm Rồng và một phần xã Đông Cương, xã Thiệu Dương với diện tích hơn 560ha. Tuy nhiên, không gian quy hoạch này không xứng tầm với một Hàm Rồng rộng lớn vốn có trong lịch sử. Nhiều nước trên thế giới, khi quy hoạch bảo tồn các giá trị văn hóa phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt phát triển du lịch, họ luôn quan tâm đến vị trí, quy mô của không gian trong việc liên kết với các vùng và ngoài vùng, phát triển các vùng trung tâm và gây ảnh hưởng với các vùng ngoại biên. Hàm Rồng cũng cần được xem xét theo hướng quy hoạch với biên độ mở rộng, cụ thể: phía Tây kéo dài đến núi Đọ; phía Bắc là toàn bộ khu vực các xã Hoằng Lý, Hoằng Long, Hoằng Quang; phía Đông đến làng Nam Ngạn, phố Lò Chum; phía Nam đến phường Đông Vệ, phường An Hoạch, diện tích của không gian này khoảng trên 4.000ha. Cần tính đến bài toán đưa sông Mã vào trong quy hoạch như một điểm nhấn quan trọng, tạo cho Hàm Rồng có địa lý của sự tích hợp các yếu tố: núi – đồng bằng – biển. Hiện nay, việc chia cắt thành các đề án quy hoạch nhỏ lẻ đã vô tình phá vỡ một cảnh quan sinh thái độc đáo, liên tục, liền khoảnh, giá trị độc đáo của một không gian Hàm Rồng quan trọng ở Thanh Hóa. Nếu không điều chỉnh quy hoạch kịp thời rất dễ làm tổn thương, vỡ vụn không gian Hàm Rồng trong tương lai.
Khi quy hoạch, chỉ rõ các khu vực cần tổ chức khảo sát, đánh giá giá trị của các di sản văn hóa điển hình để có hướng bảo tồn, phát huy theo 4 khu vực trong vùng: Khu vực phía Đông đánh giá giá trị của các làng cổ, phố cổ, các ngôi chùa Phật nổi tiếng; Khu vực phía Tây đánh giá giá trị của các di chỉ khảo cổ học, làng cổ, thành cổ, cảnh quan sinh thái tự nhiên; Khu vực phía Nam đánh giá giá trị của cảnh quan sinh thái tư nhiên, làng nghề chạm khắc đá An Hoạch, di tích với các di vật, đồ thờ bằng đá; Khu vực phía Bắc đánh giá giá trị các ngôi đình làng, các bến chợ, đền thờ.
Cần tính đến bài toán quy hoạch và phát triển bền vững của một không gian văn hóa điển hình ở Thanh Hóa, tránh quy hoạch theo túi tiền của các nhà đầu tư. Nếu chưa tìm được nhà đầu tư xứng tầm và có tâm với DSVH thì nên để Hàm Rồng tự nhiên như đã có trong lịch sử. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp quản lý văn hóa trong bảo tồn nguyên trạng DSVH, hạn chế tối đa sự khai thác thiếu thận trọng của các hoạt động, đặc biệt là hoạt động du lịch.
Cần coi trọng DSVH – nguồn liệu đặc biệt trong xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng ở một không gian du lịch.
Ở mỗi di tích xếp hạng cần có sự chăm sóc, bảo vệ của ban quản lý di tích. Thành phần quản lý di tích gồm đại diện của chính quyền, mặt trận Tổ quốc, đoàn Thanh niên, người trông coi trực tiếp di tích (các vị sư, từ, đồng..).
Lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích và xác định vành đai bảo vệ cho từng di tích. Từ thực tiễn nghiên cứu vùng Hàm Rồng, các di tích trọng điểm trong vùng cần được quan tâm xác định rõ khu vực bảo vệ, thái độ ứng xử trong quy hoạch diện tích, không gian phù hợp với giá trị di tích: miếu Nhị, đền thờ Lê Uy – Trần Khát Chân; chùa Phạm Thông (làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng); thái miếu nhà Hậu Lê (làng Bố Vệ, phường Đông Vệ); đình Thượng, lăng Mãn Quận Công, chùa Hinh Sơn, chùa Tiên sơn (làng Nhồi, phường An Hoạch); đền thờ Dương Đình Nghệ (làng Giàng, xã Thiệu Dương); v.v…
Tổ chức thực hiện các dự án nghiên cứu sưu tầm, thống kê, phân loại DSVH phi vật thể trong phạm vi vùng Hàm Rồng. Tăng cường việc truyền dạy, phổ biến, xuất bản, trình diễn và phục dựng các loại hình DSVH phi vật thể như hò sông Mã, dân ca, dân vũ Đông Anh, các trò diễn, các bí quyết nghề thủ công truyền thống như nghề chạm khắc đá, nghề gốm, nghề làm nem chua…; Đầu tư và hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH phi vật thể; Ngăn chặn nguy cơ mai một thất truyền văn hóa phi vật thể; Mở rộng các hình thức tham gia của xã hội trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể; Thẩm định miễn phí, hướng dẫn nghiệp vụ và hỗ trợ lưu giữ, bảo quản DSVH phi vật thể theo đề nghị của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu DSVH phi vật thể.
Phục dựng lại các DSVH đã bị chiến tranh phá hủy hoặc mai một hoàn toàn qua thời gian: di tích chùa Đồng, tháp Bút trên núi Hỏa Châu, lễ hội nghè Yên Vực. Ngoài phần lễ, khi phục dựng cần quan tâm đến phần hội có liên quan đến lễ như: bơi chải, đu dây, cờ người, bài điếm, hát nghẹo, hội hoa đào. Phục dựng một số loại hình âm nhạc truyền thống: hò sông Mã, dân ca Đông Anh. Duy trì, phục hồi một số làng nghề thủ công truyền thống đáp ứng yêu cầu của một không gian du lịch: làng nghề chạm khắc đá An Hoạch; nghề đan cót Làng Giàng; gốm sứ Lò Chum….
Thiết kế các tour du lịch, lấy làm Hàm Rồng là điểm trung tâm
Kinh nghiệm của các địa phương như Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Huế, Quảng Nam, Nha Trang… đã chứng minh sức mạnh trong việc lựa chọn DSVH, danh thắng để xây dựng sản phẩm, là chất men để thu hút và giữ chân các du khách. Trên hết, Hàm Rồng không chỉ là điểm dừng chân lý tưởng, mà đủ các điều kiện trở thành động lực để thu hút du khách khi hoàn thiện các hạng mục:
Xây dựng khu trung tâm du lịch ở sát quốc lộ 1A với các khách sạn cao cấp, ngân hàng, bưu điện, nhà hàng đặc sản, siêu thị…, được thiết kế theo mô hình một di sản tiêu biểu của Hàm Rồng – trống đồng Đông Sơn để tạo ra bản sắc riêng. Trong khu này còn có cung văn hóa với đầy đủ các phòng họp, hội nghị cao cấp, sân khấu biểu diễn, phòng chiếu phim; một khu trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chủ yếu là đồ tạo tác từ đá.
Khu du lịch khảo cổ học, bao gồm nhà bảo tàng cổ vật, các biệt thự hướng ra sông Mã, các nhà hàng ăn uống, bán đồ lưu niệm, khu vui chơi giải trí, một khu đất dành cho các trò chơi dân gian, khu thể thao dưới nước, một bến thuyền, khu cắm trại.
Khu du lịch làng văn hóa các dân tộc Thanh Hóa, xây dựng theo kiến trúc đặc trưng của từng dân tộc có mặt trên địa bàn Thanh Hóa với việc giới thiệu các nét sinh hoạt truyền thống, các loại hình nghệ thuật, trang phục và văn hóa ẩm thực của từng đân tộc.
Sự ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa sông Mã, mạch nguồn văn Đông Sơn, quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa theo trục Đông – Tây; Bắc – Nam không chỉ góp phần vào quá trình tích tụ các DSVH ở vùng Hàm Rồng với mật độ dày đặc, loại hình phong phú, mà còn là điều kiện quan trọng hình thành những giá trị đặc trưng riêng, độc đáo của hệ thống DSVH của vùng. Quan trọng hơn, điểu này giúp cho Hàm Rồng trở thành một sự lựa chọn lý tưởng để xây dựng thành một không gian du lịch đặc trưng xứ Thanh, tạo động lực cho phát triển, lên kết du lịch trong tỉnh, trong nước và có thể kết nối quốc tế ở một tương lai gần..
________________
1, 2, 3, 4. Trần Thị Liên, Phạm Văn Đấu, Phạm Minh Trị, Khảo sát văn hóa truyền thống Đông Sơn, Nxb Khoa học – Xã hội, Hà Nội, 1988.
5. Huyện ủy , HĐND, UBND huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Địa chí văn hóa Hoằng Hóa, Nxb Khoa học – Xã hội, Hà Nội, 2000.
6. Huyện ủy , HĐND, UBND huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Địa chí huyện Thiệu Hóa, Nxb Khoa học – Xã hội, Hà Nội, 2010.
7. Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Địa chí Thành phố Thanh Hóa, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1999.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tái bản, Phan Kế Bính ước dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997.
9, 11. Huyện ủy , HĐND, UBND huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Địa chí huyện Thiệu Hóa, Nxb Khoa học – Xã hội, Hà Nội, 2000.
10. UBND Thành phố Thanh Hóa, Địa chí Thành phố Thanh Hóa , Nxb Thanh Hóa.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 375, tháng 9-2015
Tác giả : NGUYỄN THỊ THỤC
Bài viết cùng chủ đề:
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?
Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và du lịch ở việt nam
Tổ chức các hoạt động du lịch tại khu trung tâm hoàng thành thăng long