Đạo lý uống nước nhớ nguồn là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu trong bảng giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam. Do đó, các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc đã trở thành chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Và, trong thực tế, chủ trương đó cũng đã được thể chế hóa, pháp điển hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật và các dự án lớn.
1. Đảng ta luôn khẳng định: “Việc suy tôn và có những hình thức lưu niệm, tưởng niệm danh nhân nhằm tôn vinh những người có công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng để bảo tồn, phát huy truyền thống của dân tộc và giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau”(1).
Trong Đề án tổng thể các hình thức lưu niệm, tưởng niệm danh nhân, Bộ VHTTDL phân loại các danh nhân thành 4 cấp độ: Thứ nhất, Quốc tổ Hùng Vương được suy tôn ở cấp độ đặc biệt; Thứ hai, là các vị anh hùng dân tộc; Thứ ba, là các danh nhân tiêu biểu; Thứ tư, là các danh nhân.
Danh nhân ở đây được hiểu là “các nhân vật lịch sử, danh nhân cách mạng, danh nhân văn hóa và khoa học, là nhân vật kiệt xuất, nổi tiếng; có công đóng góp to lớn, xuất sắc trong một hoặc nhiều lĩnh vực của đời sống chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, khoa học, có tác dụng thúc đẩy và tạo nên những biến chuyển lớn trong từng giai đoạn của lịch sử Việt Nam nhằm đưa xã hội tiến lên, đất nước phát triển; có đạo đức cao đẹp, được lịch sử và nhân dân công nhận, là gương sáng cho hậu thế noi theo”.
Bộ VHTTDL cũng đã đề xuất những đối tượng được tôn vinh và tổ chức các hoạt động lưu niệm: Thứ nhất, là danh nhân tiêu biểu của Việt Nam (danh nhân lịch sử, danh nhân cách mạng, danh nhân văn hóa, khoa học); Thứ hai, là nhân vật lịch sử tiêu biểu của Việt Nam; Thứ ba, là người nước ngoài có công lớn đối với Việt Nam; Thứ tư, là các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và Nhà nước.
Với các tiêu chí nêu trên, Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông xứng đáng được tôn vinh ở cấp độ thứ hai với tư cách một anh hùng dân tộc, một nhân vật lịch sử tiêu biểu của Việt Nam.
Với cương vị một Đức Vua anh minh, Trần Nhân Tông đã có công lớn trong việc vun đắp sức mạnh đoàn kết Đại Việt để dẫn dắt cả dân tộc lập nên những chiến công hiển hách: Hai lần đánh thắng đội quân xâm lược quốc tế hùng mạnh vào bậc nhất ở nửa sau TK XIII là đế quốc Nguyên Mông. Với tư cách là một Phật hoàng, Ngài đã sáng lập thiền phái Trúc Lâm thuần Việt. Trần Nhân Tông cũng đã nhận ra ở Phật giáo thứ “vũ khí tư tưởng” sắc bén có khả năng củng cố ý thức độc lập, tự chủ của dân tộc, điều chỉnh hành vi, vun đắp nhân cách con người, góp phần duy trì trật tự xã hội. Và do đó, Ngài đã đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy và làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Hoạt động tôn vinh các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa của đất nước được thực hiện bằng nhiều hình thức, cấp độ, tùy thuộc vào công lao đóng góp của danh nhân và tình hình kinh tế xã hội ở từng địa phương.
Bộ VHTTDL đã đề xuất một số hình thức lưu niệm cụ thể sau đây:
Thứ nhất, xếp hạng di tích lưu niệm danh nhân nhằm đặt di sản văn hóa dưới sự bảo hộ của pháp luật.
Thứ hai, xây dựng nhà tưởng niệm, lưu niệm tại quê hương và những nơi diễn ra các sự kiện lịch sử gắn với thân thế, sự nghiệp của danh nhân.
Thứ ba, xây dựng tượng đài lưu niệm danh nhân, trước mắt chỉ xây dựng tượng đài lưu niệm những danh nhân là anh hùng dân tộc; những danh nhân khác chỉ xây dựng tượng bán thân đặt tại khu tưởng niệm hoặc công viên văn hóa. Việc xây dựng tượng đài lưu niệm danh nhân phải tuân thủ những quy định của Quy chế xây dựng tượng đài hoành tráng ban hành theo Quyết định số 05/2000/QĐ-BVHTT, ngày 29-3-2000 của Bộ VHTT, nay là Bộ VHTTDL.
Thứ tư, tôn vinh, giới thiệu tại các bảo tàng nhằm biểu dương những tấm gương đạo đức cao cả của danh nhân và giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Nhân dịp kỷ niệm những năm chẵn 10 năm hoặc100 năm ngày sinh hoặc ngày mất của danh nhân tổ chức lễ tưởng niệm và dâng hương tại các di tích lưu niệm hoặc công trình tưởng niệm danh nhân.
Năm 2008, nhân dịp 700 năm ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Ban Tôn giáo Chính phủ chủ trì phối hợp với Viện KHXH Việt Nam, Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Quảng Ninh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức hội thảo đánh giá về thân thế, sự nghiệp và tôn vinh công lao to lớn của Ngài trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng thời long trọng tổ chức Đại lễ tưởng niệm Ngài tại khu di tích, danh thắng Yên Tử. Cần khẳng định đây là những hoạt động hợp với ý Đảng, lòng dân, đúng với tôn chỉ sống tốt đạo, đẹp đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
2. Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) đã có Quyết định số 55/VH-QĐ, ngày 29-7-1981 xếp hạng Khu di tích và danh thắng Yên Tử – Quảng Ninh là di tích quốc gia. Ngày nay để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về Đề án tổng thể các hình thức lưu niệm, tưởng niệm danh nhân và để cụ thể hóa những quy định của Luật Di sản Văn hóa vào thực tiễn di tích này, chúng ta cần trao đổi để thống nhất đề nghị Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ nâng cấp độ xếp hạng khu di tích và danh thắng Yên Tử tương xứng với các mặt giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu mà nó đang hàm chứa và chuyển tải cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay.
Điều 29 Luật Di sản Văn hóa quy định các di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh được xếp hạng thành 3 loại: di tích cấp tỉnh, di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt. Đồng thời, Nghị định số 92/2002/NĐ-CP, ngày 11-11-2002 của Chính phủ cũng xác định rõ tiêu chí của một di tích quốc gia đặc biệt, đó là:
“Công trình xây dựng, địa điểm gắn với những sự kiện đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc hoặc gắn với anh hùng dân tộc và danh nhân tiêu biểu có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình lịch sử của dân tộc” (mục a, Khoản 3, Điều 14).
“Cảnh quan thiên nhiên đẹp nổi tiếng hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt của quốc gia hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù nổi tiếng ở Việt Nam và nước ngoài” (mục d, Khoản 13, Điều 14).
Đối chiếu với các tiêu chí quy định ở trên, ta thấy khu di tích và danh thắng Yên Tử xứng đáng được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt với các mặt giá trị tiêu biểu.
Thứ nhất, Yên Tử là chốn Tổ của thiền phái Trúc Lâm – một thiền phái thuần Việt, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa và ý thức độc lập tự chủ của dân tộc. Giá trị văn hóa tiêu biểu đó đã được thăng hoa ở thời đại Hồ Chí Minh để trở thành tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Bởi vì, độc lập và tự do từ lâu đã là khát vọng cháy bỏng không chỉ của từng cá nhân hoặc quốc gia dân tộc, mà còn là khát vọng của cả nhân loại. Đó là cơ sở cho phép chúng ta khẳng định: Thiền phái Trúc Lâm do Trần Nhân Tông sáng lập có những đóng góp xuất sắc vào quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam nói riêng và lịch sử quốc gia Đại Việt nói chung. Từ thiền phái Trúc Lâm ta thấy nổi bật lên nét đặc trưng của Phật giáo Việt Nam thời Trần là tinh thần dân tộc, tinh thần nhập thế, tinh thần hòa đồng giữa chính thống (quốc giáo) và tính dân gian sâu đậm trong Thiền phái Trúc Lâm. Điều đó cũng chứng tỏ Thiền phái Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung cần được bảo vệ và phát huy với tư cách là một thành tố quan trọng của chỉnh thể văn hóa Việt Nam.
Thứ hai, Yên Tử là di tích lưu niệm gắn với thân thế, sự nghiệp của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông – người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm và đã có những đóng góp to lớn cho sự hưng thịnh, trường tồn của văn hóa Đại Việt. Vị thế địa – chính trị – văn hóa và hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam ở nửa sau TK XIII đã đặt ra yêu cầu phải liên kết sức mạnh Đại Việt để giải quyết những nhiệm vụ khá đặc biệt: Khắc phục thiên tai, khai hoang, đắp đê lấn biển, đào mương làm thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; Nỗ lực giải Hoa hóa, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc; Huy động sức mạnh tổng lực bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đánh bại âm mưu xâm lược bành trướng của đế quốc Nguyên Mông; Mở rộng biên giới của đất nước xuống phía Nam.
Với nhân cách lớn của một Đức vua anh minh, người con hiếu nghĩa, người cha nghiêm khắc và với tư cách là Phật hoàng đức độ và uy tín, Trần Nhân Tông đã cùng quân dân Đại Việt hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ do lịch sử đặt ra ở cả 2 giai đoạn lớn trong cuộc đời của Ngài: Vị quân vương (1279-1298), và Phật hoàng (1298-1308). Những cống hiến to lớn và tấm gương đạo đức cao cả của Trần Nhân Tông có ý nghĩa nâng tầm giá trị của khu di tích và danh thắng Yên Tử.
Thứ ba, khu di tích đã thấm sâu vào lòng mọi con dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài với danh xưng “non thiêng Yên Tử”, với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và quyến rũ, tạo nên tiềm năng du lịch lớn, có khả năng khai thác lâu dài.
Có thể khẳng định, khu di tích và danh thắng Yên Tử – Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các tiêu chí và điều kiện xây dựng hồ sơ khoa học trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
3. Trong lịch sử, ông cha ta đã sáng tạo nhiều hình thức lưu niệm, tưởng niệm nhằm tôn vinh các danh nhân đất nước. Những người có đóng góp to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước, tạo ra những chuyển biến thực sự trong đời sống xã hội thì được “phong thần” với 3 cấp độ: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Hạ đẳng thần. Những người vừa có công lao to lớn lại vừa có uy tín, đức cao, đạo cả, để lại tấm gương sáng cho đời sau noi theo thì được tôn vinh là “thánh nhân”, mà Đức Thánh Trần (Hưng Đạo) là một ví dụ cụ thể. Dù ở cấp độ nào, được phong thần hay phong thánh thì các vị ấy đều có đền thờ ở nơi sinh, nơi mất, được triều đình ban sắc phong cho các cấp chính quyền cơ sở cùng cộng đồng cư dân địa phương coi sóc thường xuyên và tổ chức lễ hội hàng năm để tưởng niệm. Việc sáng tạo ra một thiết chế văn hóa là đền miếu thờ danh nhân, đồng thời lại biết thổi hơi thiêng văn hóa vào các thiết chế văn hóa đó qua nghi lễ trang nghiêm và hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao trong các dịp lễ hội phải được nhìn nhận như là một thành tựu văn hóa lớn, cần được tôn trọng, kế thừa và phát huy ở thời đại hôm nay.
Gắn với Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm là cả một hệ thống các ngôi chùa lớn phân bố rộng khắp khu vực châu thổ Bắc Bộ. Trong hệ thống di tích này, khu di tích và danh thắng Yên Tử chỉ là một trung tâm lớn, được xây dựng lên không chỉ để thờ Phật và thực hành Phật sự, mà còn nhằm mục đích lưu niệm và tôn vinh Đức vua – Phật hoàng nói riêng và Trúc Lâm tam tổ nói chung. Có thể liệt kê ra đây hàng loạt những ngôi chùa tiêu biểu gắn với thiền phái Trúc Lâm như: Yên Tử, Ngọa Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Thanh Mai… Nhìn chung hệ thống chùa tháp gắn với thiền phái Trúc Lâm đều có những điểm chung:
Có quy mô lớn, được dựng ở những nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn và đều trở thành những danh lam thắng cảnh của đất nước.
Phần lớn do các vị Trúc Lâm tam tổ chủ trì khởi dựng dưới sự bảo trợ của triều đình, được các vị hoàng thân, quốc thích hoặc đích thân các vị vua Trần tài trợ kinh phí và đều trở thành quốc tự, được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, nên có giá trị tiêu biểu về nghệ thuật và kiến trúc.
Ngoài cấu trúc và bố cục tương tự như các ngôi chùa khác, Phật điện hoặc nhà thờ tổ ở các ngôi chùa gắn với thiền phái Trúc Lâm thường có tượng Phật hoàng nhập niết bàn và tượng thờ Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang).
Trong khuôn viên chùa có tháp tổ – nơi đặt tượng chân dung hoặc xá lị của Phật hoàng (Tháp tổ chùa Hoa Yên – Yên tử, tháp chùa Am Ngọa Vân – Đông Triều, tháp chùa Phổ Minh – Nam Định…).
Hầu hết đã được lập dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị trong Chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL). Đặc biệt, hệ thống di tích trong khu di tích và danh thắng Yên Tử đã có quy hoạch tổng thể bảo tồn và tôn tạo được phê duyệt, nhưng đáng tiếc là tiến độ triển khai các dự án thành phần rất chậm.
Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm đã để lại cho thế hệ chúng ta một di sản văn hóa có giá trị ở cả hai khía cạnh vật thể và phi vật thể, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Nhiệm vụ đặt ra cho chúng ta là, một mặt, tiếp tục nghiên cứu để đánh giá một cách toàn diện các giá trị tiêu biểu của di sản văn hóa gắn với Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm; mặt khác, phải triển khai các dự án liên ngành để biến tiềm năng văn hóa của khu di tích và danh thắng Yên Tử thành những sản phẩm du lịch – văn hóa nhằm đưa tới hiệu quả thiết thực của các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
_______________
1. Ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Thông báo số 39 – TB/TW ngày 19-9-2007 về Đề án tổng thể các hình thức lưu niệm, tưởng niệm danh nhân do Bộ VHTTDL dự thảo trình Chính phủ.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 295, tháng 1-2009
Tác giả : Đặng Văn Bài
Bài viết cùng chủ đề:
Tản mạn về truyền thống hỗn dung tín ngưỡng của người việt (p2)
Thực trạng hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình và một số định hướng trong thời gian tới
Một số rào cản trong môi trường văn hóa kinh doanh ở việt nam