Văn hóa gia đình, bảo lưu và thách đố


 

Vài nét căn bản của văn hóa gia đình

Nếu chúng ta đặt câu hỏi cái gốc văn hóa của con người ở đâu, xin trả lời từ truyền thống văn hóa gia đình, biểu hiện qua mối quan hệ ông bà, cha mẹ, anh em, chồng vợ; qua thế ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Gia đình chính là nơi tiếp thu, trao truyền văn hóa từ đời này sang đời khác, là nơi hình thành nên tâm hồn, nhân cách con người. Hơn thế, gia đình còn là cầu nối con người với xã hội. Xã hội muốn tiếp nhận con người đều phải qua cái nôi giáo dục của gia đình. Lịch sử cũng chứng minh, một trật tự xã hội không từ nền tảng văn hóa gia đình thì khác nào lâu đài được xây trên cát. Một dân tộc bị xóa sổ trước hết là văn hóa gia đình của dân tộc đó không đủ sức để chống chọi lại với nền văn hóa ngoại lai.

Là người, ai cũng có ý thức về gia đình, về cộng đồng quốc gia mà họ đã từng gắn bó. Không phải ngẫu nhiên mà có bài thơ, bài hát lại viết rằng: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Ở đây quê hương trước hết được hiểu là gia đình, nơi mỗi con người sinh ra đều qua tiếng ru ầu ơ của mẹ và tình thương thầm lặng vô bờ của cha. Để rồi khi trưởng thành, hòa mình vào sắc màu muôn vẻ của cuộc sống, mối quan hệ với gia đình vẫn duy trì lâu bền trong cả cuộc đời họ. Vui mừng khi gặp lại những người thân, lưu luyến khi chia ly… Chính văn hóa gia đình là hằng số ghi lại những dấu ấn đó.

Văn hóa gia đình thể hiện trước tiên trong chức năng nuôi dạy con cái. Việc nhìn thấy một đứa trẻ trong tương lai sẽ trở thành con người như thế nào, điều đó phụ thuộc vào cha mẹ sinh ra nó. Bởi vì chỉ ở nơi gia đình hạnh phúc, con cái mới có điều kiện hưởng thụ sự nuôi dưỡng giáo dục đầy đủ. Ở đó cha mẹ sẽ là người diễn giải, tiếp sức cho con cái những giá trị đích thực của cuộc sống. Dân gian thường có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ”, “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”… cho thấy trách nhiệm của bậc làm cha làm mẹ với con cái. Nôi gia đình kết hợp với nhà trường và xã hội là ba môi trường giáo dục cần thiết cho sự hoàn thiện một con người. Các nhà nghiên cứu tâm lý đưa ra kết luận: giai đoạn giáo dục trong gia đình là cơ sở quan trong nhất để hình thành nên tài năng, nhân cách đạo đức của một con người. Gia đình là nơi con người cảm thấy yên tâm nhất, giúp họ vượt qua những trắc trở vấn nạn của cuộc sống. Tìm trong lịch sử từ lúc khởi thủy của loài người thì quan hệ nhân loại được bắt đầu từ nguồn gốc quan hệ gia đình.

Cha mẹ gương mẫu, con cái hiếu thảo, anh em hòa thuận, sống có trách nhiệm là nét đặc trưng nổi bật của gia đình Việt Nam. Ở gia đình Việt Nam truyền thống, nhu cầu hưởng thụ cá nhân hầu như không có, trách nhiệm được đề cao. Ngày xưa, các cụ quan niệm: vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau là vì nghĩa chứ chưa hẳn vì tình yêu. Gia đình dạy về sự khiêm tốn, sự vượt khó, tinh thần hi sinh, lòng yêu thương đồng loại. Ở đó vợ chồng, cha mẹ, anh em, con cái chăm sóc cho nhau, lấy cái tổ ấm gia đình để chọi lại những thăng trầm, nghịch cảnh sống gió của dòng đời, người này hết mình vì người kia. Chẳng vậy mà có những người vợ tự nguyện thay chồng nuôi cha mẹ già, dạy dỗ con cái. Có những bà mẹ vất vả cả đời lam lũ nhưng không hề than thân trách phận nửa lời, vùi sau những nhọc nhằn của cuộc đời là nụ cười thôn quê già nua trong khoé mắt, là những giọt nước mắt thầm lặng khi phải xa chồng xa con. Cuộc sống của họ thanh bần mà luôn được người đời ca tụng. Nếu ai không hiểu văn hóa gia đình Việt Nam có thể hoàn toàn sững sờ khi thấy một bà mẹ lọm khọm, run rẩy lại là mẹ của năm, bảy người con theo học đại học. Hoặc một mẹ Việt Nam anh hùng đã cạn nước mắt vì đứa con và người chồng không bao giờ trở lại. Mẹ cô đơn, héo gầy nhưng mẹ là người đại diện cho sức mạnh lịch sử. Mẹ thật vĩ đại! Truyền thống Việt, văn hóa Việt đã hun đúc cho mẹ sức mạnh kỳ diệu đó

Gia đình truyền thống của người Việt là hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Việc nuôi dưỡng cha mẹ được xem như là một giá trị tiêu chuẩn tối cao của đạo đức, một giá trị nhân văn sâu sắc mà sách thánh hiền gọi là “lòng kính”. Nếu như ở phương Tây, người già “có thể” bị coi thường, thậm chí bị bỏ rơi, họ rút lui về thu mình trong sự hiu quạnh và có thể chết trong sự cô độc thì ở Việt Nam lại khác. Đó là “kính lão đắc thọ”, càng già càng được kính trọng. Điều này cắt nghĩa cho các nghi lễ tưng bừng, phấn khích của các buổi đại tiệc mừng thọ. Khi ông bà lên tới “tuổi vàng”, “tuổi ngọc” thì con cháu xem đó như là phúc lớn của gia đình, là ân đức cho dòng họ. Chúng ta cũng đừng nên lạ lẫm khi thấy một cán bộ cấp cao, uy nghiêm đầy quyền lực lại khép nép, tôn kính trước người cha già khắc khổ và quê kệch. Cái gì đã khiến cho anh ta có thái độ đó? Chính cái văn hóa gia đình đã dạy cho anh ta phải làm như vậy. Chữ hiếu là nguyên tắc ứng xử của người con trong gia đình. Hiếu là một chuẩn mực của đạo đức xã hội, là thước đó giá trị phải có với mỗi con người.

Văn hóa gia đình Việt Nam gắn liền với truyền thống hiếu học. Bởi vậy cha mẹ thường dạy con cái ngay từ lúc chúng còn ấu thơ bằng các câu nói cửa miệng như “nhân bất học bất tri lý, ngọc bất trác bất thành khí, ấu bất học lão hà vi”, tức con người không học sao biết được đạo lý; cũng giống như món đồ ngọc kia nếu không lau chùi, không giũa gọt thì sao nên nổi món đồ; và lúc trẻ mà không học thì liệu già có thể làm gì đây? Liệu có để được người ta kính trọng, có để cho lớp trẻ nhìn vào đó mà kính lão đắc thọ được không? Vậy mới phải học, và gia đình là nơi đầu tiên định hình cho con cái ý thức về điều đó. Chúng ta ngày nay chủ trương đưa đất nước phát triển bằng kinh tế tri thức. Nhưng thực ra xét đơn lẻ điều này vốn dĩ tồn tại từ rất lâu trong các gia đình Việt Nam bằng truyền thống hiếu học.

Gia đình đem lại ý niệm mang tính liên kết của cộng đồng về phương diện tôn giáo, được thể hiện đậm nét ở “đạo” thờ cúng tổ tiên. Thờ cúng tổ tiên thể hiện tư tưởng uống nước nhớ nguồn. Chữ hiếu đi với kính nhớ tổ tiên: “Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Tổ tiên được xem như là thần bản mệnh của gia đình và dòng họ. Tổ tiên được con cháu đương sống tưởng niệm và có trách nhiệm lo lắng, chăm sóc theo đúng lễ để các cụ được yên vui ở “ bên kia thế giới”. Có thể nói mối giao cảm nội tâm giữa những người đương sống và những người đã khuất về góc độ văn hóa tôn giáo là cốt lõi tâm linh của người Việt nói riêng và người phương Đông nói chung. Ở đây gia đình là một đơn vị tín ngưỡng, khác với phương Tây là nhà thờ.

Những thách đố của thời cuộc

Thế nhưng, trong dòng chảy của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, với việc kích thích năng lực sản xuất, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, gia đình truyền thống Việt Nam cũng có những chuyển đổi nấc thang giá trị. Trước tiên phải thừa nhận nhiều giá trị văn hóa truyền thống quý báu của gia đình vẫn được bảo tồn và phát huy chức năng khuôn vàng thước ngọc của nó. Nhưng kinh tế mở cũng đồng nghĩa với việc tạo kẽ hở cho các luồng văn hóa phi truyền thống. “Kinh tế mở”luôn bao hàm trong nó cả tính dụ dỗ mê hoặc ghê gớm. Và thực tế nó đã làm cho không ít gia đình gặp phải khó khăn, đang mất dần tính đề kháng. Đây đó có sự sa sút trong giáo dục con cái. Những suy tính nhỏ nhen, vụ lợi thấp hèn, những tệ nạn xã hội luôn thập thò rình rập ập vào các gia đình. Rồi cả những sự tha hóa xuống cấp về mặt đạo đức. Và thật đáng buồn, nhiều khi hơi lạnh của đồng tiền đã làm vẩn đục những giá trị được coi là thiêng liêng cao quý của truyền trống văn hóa gia đình Việt Nam.

Từ khi có nền kinh tế thị trường đến nay, chưa đầy hai thập kỷ, thế mà những khủng hoảng gia đình ở phương Tây đã gõ cửa các gia đình lớn thành phố nước ta, báo động một tương lai không mấy sáng sủa đối với định chế gia đình Việt Nam truyền thống từng tồn tại mấy nghìn năm. Phải thừa nhận công cuộc đổi mới đất nước kéo theo những thay đổi to lớn đời sống gia đình. Gia đình có điều kiện để chăm sóc con cái hơn nhưng tính ích kỷ của trẻ con cũng từ đây nhen nhúm hình thành. Cáu hờn, giận dỗi, đua đòi và hưởng thụ. Bố mẹ không thể đánh đập chúng, chỉ biết dỗ dành bằng những mốn đồ, món quà, kèm theo lời hứa đi đây đi đó. Chiều con theo lối ấy các cụ ta gọi là hại con. Tục ngữ có câu: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” ngẫm lại thấy chẳng sai chút nào. Xã hội ngày nay, có không ít trẻ con hư hỏng là do sự chiều chuộng thái quá của cha mẹ.

Sự thoáng mở của nền kinh tế đem lại hơi thở và sức sống mới cho đời sống vật chất tinh thần người dân. Và sự thoáng mở ấy luôn đan xen hoàn quyện giữa cái tốt cái xấu. Cái tốt dễ thấy. Cái xấu lập lờ lẫn lộn, dễ nhiễm tập vào con người, len lỏi vào phá hoại hạnh phúc và đảo lộn cuộc sống trong các gia đình. Cùng lúc, các quán bia ôm, xoa bóp, video đen mọc lên nhan nhản. Sách đen, sách cấm in vô tội vạ, mệnh lệnh phòng chống dường như vô tác dụng. Những cái đó dễ dàng tràn ngập vào các gia đình mà bấy lâu đã bị bỏ ngỏ. Không còn sức đề kháng, bi kịch xảy ra. Người lớn cãi vã chửi nhau đánh lộn, trẻ con không giáo dục thành nghiện hút, trộm cắp, chán đời. Nhìn cảnh ấy nhiều bậc cha mẹ chỉ còn biết than phiền và tiếc nuối về cái cuộc sống hài hòa khi chưa tan vỡ. Người thì chống trả bằng cách buông xuôi mặc cho gió cuốn. Người thì thụ động co mình trong cái gia đình nhỏ bé, đóng chặt cửa mặc cho những tai ương hành hoành ngoài xã hội. Và trong bối cảnh ấy, những dòng suy nghĩ cực đoan đã nảy sinh: Thiên chức của đàn bà là gì. Phải chăng là sinh đẻ và nuôi dạy con cái. Cũng có người cho rằng: Tốt nhất đàn bà nên ở nhà trông nom dạy dỗ con cái, hãy tăng lương cao cho đàn ông để đảm bảo gia đình hạnh phúc.

Vậy là đã xảy ra một mâu thuẫn thực sự giữa yêu cầu phát triển kinh tế và giữ gìn văn hóa gia đình. Mâu thuẫn này dễ dàng đẩy các gia đình vào tình trạng được cái này mất cái kia. Điều này lý giải tại sao thường nhà nghèo con ngoan học giỏi, vợ chồng êm ấm, cuộc sống hạnh phúc. Nhà giàu con dễ hư hỏng, vợ chồng hay cãi vã xô sát. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp đều thế. Không ít nhà nghèo con cái lại ăn chơi đua đòi, nhà giàu con ngoan học giỏi.

Trong thời đại kỹ thuật số, khoảng cách làm cho các thành viên trong gia đình dường như đang sống trong cái “thế giới riêng” của mỗi người mà người khác khó can dự. Trong các thế giới đó, có thế giới của bọn trẻ. Điều đáng nói cha mẹ thường không hề hay biết về “cái thế giới ngầm” mà con cái họ đang sống, mà đúng hơn là đang hưởng lạc. Một ông bố giữ cương vị kha khá bỗng dưng tá hỏa khi thấy cô con gái ngoan hiền trong mắt ông bị bắt giữ khi đang lắc điên cuồng với lũ bạn tóc xanh đỏ ở một động lắc u minh mờ ảo. Hỏi ra giáo viên chủ nhiệm cho hay “công chúa” của ông đã bỏ lớp học gần hai tháng nay rồi. Gần đây theo dõi báo chí mới thấy cái “thế giới ngầm” ấy còn hơn cả những điều mà thế hệ già giàu trí tưởng tượng cũng không thể ngờ nổi. Đua xe, phá phách, hút chích, gái mú… giới trẻ chịu chơi gọi là “xưa rồi Diễm ơi”. Các màn nhảy lắc hay những cuộc đua xe rầm rộ cũng làm cho các “teen quậy” nhàm chán, thay vào đó là những chai rượi Tây và thuốc kích dục trong hành trang các cuộc “du hí bụi” như sinh nhật, du lịch. Rồi những vụ làm tình tập thể trong nhà nghỉ khách sạn, đổi chéo bạn tình cho nhau để vui qua đêm, các video “đen” tự quay và những cuộc bình phẩm, đa số lưu “cảnh nóng” trong di động để thưởng ngoạn…

Rõ ràng vật chất đến quá nhanh làm cho các giá trị văn hóa tinh thần trong giới trẻ không theo kịp, tạo ra một bộ phận ăn chơi thác loạn trong một “thế giới ngầm” mà cha mẹ và các nhà giáo dục không hề biết để can thiệp hiệu quả.

Khoảng cách là gì mà ghê gớm vậy? Có chăng chỉ sau mười giờ đêm, khi các thành viên cần tìm một chỗ ngủ cho những mệt mỏi mà họ đã phải theo đuổi cả ngày thì họ mới gặp nhau ở nhà. Có lẽ hiện đại đã làm họ bận rộn nhiều hơn cả thực tế công việc. Người ta lại đề cập tới vai trò của gia đình trong giáo dục nhân cách con người. Các chuyên gia tâm lý đã sớm đưa ra kết luận: Một đứa trẻ không được sống trong môi trường gia đình lành mạnh sẽ khiếm khuyết vĩnh viễn phần quan trọng làm lên nhân cách văn hóa của chúng. Nếu có ai đặt vấn đề hiện đại sẽ tráo đổi chức năng dạy dỗ trẻ con từ gia đình cho xã hội thì họ đã nhầm to. Bởi lẽ xã hội chỉ giúp cho chúng những kinh nghiệm sống chứ không hề dạy chúng những lời nói thật.

Dường như người ta có cảm giác hiện đại đã làm biến đổi căn bản những “thực đơn nhu cầu” mà thời kỳ kinh tế bao cấp có mơ cũng không thực hiện nổi. Quyền cá nhân và quyền con người được đề cao nhưng không ít giới trẻ muốn vượt ra khỏi những định chế ràng buộc về mặt đạo đức xã hội.

Sự phát triển của viễn thông làm cho liên kết gia đình nhiều nhưng nhàn nhạt. Vài cuộc điện thoại “kiểm soát” là xong. Và không ít cuộc trả lời dối trá. Con cái thích tìm một thế giới riêng, mong sớm “độc lập” khỏi cha mẹ. Không ít cha mẹ quy việc nuôi dạy ra vật chất đơn thuần. Gửi tiền hằng tháng, chu toàn ăn ở, sắm đồ khi các “cậu ấm cô chiêu” yêu cầu, còn bản thân họ phải mải mê cuốn hút theo những dòng chảy của công việc. Làm gì có thời gian ăn cơm cùng gia đình và ân cần chăm sóc bên con cái? Giới trẻ cần gì đây? Tuyệt đối là vật chất ư? Hay cả sự chia sẻ. Được ở nhà riêng, ngủ phòng riêng có máy lạnh, vi tính nối mạng, nhưng luôn cô đơn, hiu quạnh. Hai chữ nuôi dạy nhiều khi được hiểu lạnh lùng như đồng tiền. Thế rồi tự kỷ, phá phách, sự sợ hãi nỗi cô đơn nảy sinh… Và: máy vi tính bắt đầu online và truy cập vào các website đồi trụy, những cuộc hẹn ảo và kết nhóm qua mạng. Nhà riêng biến thành sàn nhảy cho những cuộc nhậu nhẹt thâu đêm bù khú và những cuộc hội ngộ với bạn tình… Trong khi đó bố mẹ vẫn mải mê họp hành, chức tước, xuýt xoa trong các vụ làm ăn, chẳng hay biết gì cả. Cái gì tạo ra như vây? Khoảng cách!…

Người ta chợt tỉnh về nguyên lý cân bằng của cuộc sống. Dường như các kỹ năng ứng xử trong gia đình chưa đồng bộ và theo kịp sự phát triển. Kinh tế gia đình dư dật của cải song lại không tỷ lệ thuận với cải thiện đời sống văn hóa con người. Sự “lệch pha” giữa thừa thãi vật chất và thiếu hụt tinh thần cộng với những suy đồi của giá trị đạo đức và mờ nhạt các yếu tố dân tộc đã làm băng hoại nghiêm trọng các giá trị văn hóa gia đình truyền thống. Hình như cái nguy cơ về sự nguội lạnh tình cảm, thờ ơ với con người và sự căng thẳng xung đột giữa các thành viên luôn rình mò hăm dọa tất cả chúng ta, chẳng riêng gia đình nào cả.

Cuối cùng sau những phút giây nếm trải hương vị hạnh phúc ngọt ngào trong sự dư dật của cải và tiền bạc ở thế giới văn minh, người ta lại muốn ngược dòng trở về với các giá trị truyền thống. Là một thực thể nhạy cảm và nhỏ bé, gia đình cũng không ngoài thông lệ đó. Giá trị truyền thống và đời sống hiện tại luôn là một gạch nối mà không có sự tách rời nào cả. Vấn đề là ở chỗ: chúng ta phải biết chọn gì, lấy gì trong cái phần gạch nối thuộc về quá khứ kia?

Thách đố nhiều lắm. Đây chỉ là vài hiện tượng phác họa.

Tìm lại chức năng giáo dục của gia đình

Nhớ lại khi động lắc New Century bị phá, ngoài việc tìm ra những kẻ đứng đầu trong việc tổ chức mua bán và sử dụng các chất ma túy, một vấn nạn xã hội khỏi cần điều tra nhưng đã được phơi bày, đó là một bộ phận thanh niên hư hỏng. Đây chính là thảm kịch đau lòng mà nguyên nhân chính từ việc thiếu giáo dục gia đình.

Rõ ràng trước những tác động của văn hóa và lối sống ngoại, câu chuyện đạo đức, của một bộ phân giới trẻ đang đặt ra các vấn đề nhức nhối cho xã hội.

Thường trẻ em hư hỏng, vi phạm pháp luật là do bị gia đình bỏ rơi hoặc không quản lý. Đa số trẻ em có hành vi phạm pháp do sự nuông chiều thái quá của cha mẹ. Tại nhiều gia đình triệu phú mới, con cái được đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu vật chất, song sự đáp ứng đó lại dễ đẩy các em vào việc tìm kiếm những thú vui độc hại: Sử dụng ma túy, mại dâm, đua xe, ăn chơi, quậy phá… Sự cung ứng đầy đủ quá mức nhu cầu vật chất của con cái cũng có thể biến trẻ em thành những con người thụ động, lười biếng, ỷ lại, không biết quý giá trị của lao động, tự ái cao, ham mê hưởng thụ… Cùng thời điểm phá vụ New Century, tại quán cà phê MGM Sài Gòn, công an đã giữ 100 khách khoảng 14 đến 15 tuổi đang lắc điên cuồng. Số liệu thống kê vẫn mang tính tế nhị, nhưng chắc chắn, các bạn trẻ bước chân vào chơi ở chốn này đều là con nhà giàu và rất giàu. Hơn một ngàn thanh niên bị kiểm tra ở New Century có độ tuổi từ 17 đến 24 đang ở tuổi ăn tuổi học. Tiền đâu để vào vũ trường thuộc loại đốt tiền số một ở Hà Thành? Chắc là tiền của cha mẹ?

Trước những vấn nạn về đạo đức trong một bộ phận giới trẻ câu hỏi đặt ra là: Phải chăng nền giáo dục của chúng ta đang có những hạn chế liên quan đến chất lượng đạo đức? Thực tế nhiều nơi, thầy cô giáo, các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên đã gặp khó khăn khi đối mặt với một bộ phận thanh niên thuộc đối tượng phải “quản lý”. Trong khi chúng ta vẫn còn đang loay hoay với việc dạy chữ, chuẩn hóa chương trình học tập, tập trung rèn luyện tài thì việc “dạy người” hình như bị xem nhẹ? Một câu hỏi phản biện đặt ra: Liệu tài đã đồng bộ với đức trong thời điểm hiện nay?

Dư luận xã hội có xu hướng đổ lỗi cho việc trẻ em hư hỏng là do những hệ quả tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Điều đó không sai nhưng chưa hẳn đúng. Bởi lẽ tình trạng xã hội chỉ là bề nổi của vấn đề. Nguyên nhân chính là do giáo dục, đặc biệt là giáo dục gia đình. Với những thanh thiếu niên thiếu sự giáo dục căn bản từ gia đình, thì môi trường giáo dục học đường không thể lấp đầy được những khoảng trống thui chột của nhân cách. Khoa học nhận định rằng, ở những gia đình mà cha mẹ luôn quan tâm, dành thời gian và có phương pháp giáo dục con cái tốt, thì con cái của họ phát triển lành mạnh. Ngược lại, số lượng thanh thiếu niên hư hỏng ngày càng phổ biến như các kênh thông tin đề cập thời gian qua chứng tỏ nền tảng giáo dục của một số gia đình đang bị đe dọa và có nguy cơ phá vỡ.

Một số cha mẹ “khoán trắng” con cái cho nhà trường, cho thầy cô để dành thời gian lo toan cho cuộc sống cơm áo, chức quyền, tiền bạc nên đã gặp nhiều thất vọng. Có gia đình nọ giàu có nhờ bà mẹ buôn hàng điện tử đường dài và ông bố làm cốt cán ở một vụ, suốt ngày họp hành. Vật chất và tri thức đều có trong gia đình ấy. Nhưng nghe đâu họ có mỗi một “ông con trai” nghiện hút đã phải đi trại cai nghiện. Và như vậy dù có tiền và chức nhưng thực tế thì họ phải đón nhận một đứa con hư hỏng về nhân cách. Lý do là trước đó họ dành rất ít thời gian cho con. Đã đến lúc các bậc làm cha, làm mẹ cần phải tĩnh tâm để xem xét lại về vấn đề giáo dục con cái. Gia đình, nơi chứa đựng và nuôi dưỡng tình yêu thương nhiều nhất, làm điểm tựa cho nhân cách và tài năng của một con người, phải được xác lập lại ngay từ trong tư duy của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Trong khi các gia đình giàu có dư thừa các yếu tố vật chất, tinh thần cần thiết, thì các gia đình nghèo lại không đủ những điều kiện tối thiểu đề con em họ được hưởng thụ sự chăm sóc giáo dục thích hợp. Mức sống thấp, hoàn cảnh khó khăn khiến nhiều gia đình bị lôi cuốn vào mục đích kiếm sống, không còn thời gian để quan tâm dạy dỗ con cái. Hoàn cảnh khó đã đẩy trẻ em tới chỗ bỏ học sớm để ra đời kiếm sống. Lúc đó đứa trẻ chưa được tiếp thu những giá trị tốt đẹp của giáo dục gia đình thì đã phải nặng lòng với mưu sinh, với miếng cơm manh áo, sớm tiếp xúc với những tiêu cực, mặt trái của xã hội. Với bản lĩnh non nớt chúng dễ nhiễm những thói xấu vào người.

Rõ ràng đạo đức bắt đầu từ bên trong nhân cách con người. Muốn nhân cách trẻ phát triển tốt thì đời sống tinh thần phải lành mạnh. Khi tinh thần đã trở thành nô lệ cho vật chất thì con người dễ bị tha hóa. Một con người muốn phát triển tốt thì phải trên một nền tảng gia đình và môi trường giáo dục tốt, không bị ô nhiễm. Gia đình phải trở thành môi trường giáo dục trước tiên đối với con trẻ. Hãy tìm lại chức năng giáo dục của gia đình!

Hãy để gia đình trở thành khu vườn ươm các hạt giống văn hóa

Do những hạn chế trong nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa gia đình mà từng có thời chúng ta xem nhẹ công tác văn hóa trong gia đình, khiến cho các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam không phát huy tác dụng mà còn bị thui chột. Những sơ xuất trên cộng với hệ quả tiêu cực của thời kì hội nhập kinh tế, chuyển giao công nghệ làm nhiều gia đình Việt Nam hôm nay mang trong mình bao biến động và rạn nứt, rơi vào tình thế hiểm nguy.

Thực trạng ấy đặt ra cho chúng ta một vấn đề là: Giữ gìn những truyền thống đạo lý gia đình là một vấn đề cấp thiết và sẽ là nội dung của mọi thời đại. Phát huy và tiếp nối những truyền thống văn hóa quý báu của văn hóa gia đình Việt Nam; phổ biến rộng rãi việc xây dựng gia đình văn hóa mới là nhiệm vụ cấp bách của chúng ta hiện nay. Một mặt, nên xã hội hóa các chức năng gia đình để gia đình thật sự trở thành màng lọc, điều tiết các giá trị văn hóa. Phát huy các giá trị tích cực của văn hóa gia đình sẽ biến gia đình trở thành trường học thương yêu tôn trọng con người. Chính nơi đó con người sẽ học lòng vị tha, học được những điều tốt đẹp nhất của lương tâm xã hội. Đó cũng chính là cốt lõi, là linh hồn sống của văn hóa gia đình. Mặt khác, phát huy các giá trị văn hóa gia đình đâu chỉ riêng việc tạo lập môi trường sống cho trẻ thơ, bởi vì hơn thế gia đình còn là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng tâm hồn cả cuộc đời con người.

Điều gì đang làm băng hoại lối sống của không ít thanh niên hiện nay? Chính là những hệ quả tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Trong khi vốn, công nghệ, kỹ thuật ồ ạt tràn vào, làm biến đổi bộ mặt đất nước thì những luồng văn hóa độc hại, phi chính thức cũng theo đó thâm nhập, khiến môi trường giáo dục thanh niên bị ô nhiễm trầm trọng. Thêm vào đó là nạn tham nhũng, hối lộ, ma túy, mại dâm, cờ bạc, sự bùng nổ các kênh thông tin cũng ảnh hưởng xấu tới tư tưởng thanh niên – vốn là lực lượng dễ bị cám dỗ, lôi cuốn bởi cái mới hơn là truyền thống. Chính lúc này đây những lo âu của chúng ta trong hiện tại còn vất vả hơn những gánh nặng sót lại từ quá khứ. Người ta lại đề cập tới vai trò của giáo dục, đặc biệt là giáo dục gia đình rằng việc giáo dục truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ phải thực sự được coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa, rằng chỉ có văn hóa truyền thống mới có thể đẩy lùi tận gốc rễ lối sống buông thả của không ít thanh niên hiện nay. Và khi truyền thống gia đình phát huy được chức năng khuôn vàng thước ngọc của nó thì nó không còn đơn thuần chỉ là những giá trị để cho người đời chiêm ngưỡng nữa, mà thực sự trở thành động lực thúc đẩy đất nước trong những kỉ nguyên tương lai

Ngày nay, bài toán đặt ra với mỗi gia đình là một mặt, cần phải hội nhập nhanh vào cuộc sống sối động, đầy biến chuyển, lo lắng đời sống vật chất, tinh thần cho mỗi thành viên khi nền kinh tế bao cấp giải thể; mặt khác, tự điều chỉnh các mối quan hệ bên trong cho phù hợp với điều kiện mới trên cơ sở giữ được bản sắc cho chính gia đình mình. Mỗi gia đình đều đang cố gắng để làm sao trở thành một “viên đá tạo vàng” cho các thế hệ. Để rồi khỏi phải gánh chịu những nỗi thống khổ, khỏi phải hối hận nếm trải những giọt nước mắt sám hối muộn mằn. Nếu như tất cả các gia đình Việt Nam giải quyết hài hòa được cái mâu thuẫn của thực tế sinh động, có thể hạnh phúc sẽ mỉm cười với họ. Bởi vì lúc đó, gia đình đã thật sự trở thành một mảnh đất tốt, đang sẵn sàng chờ đón những hạt giống nảy mầm – những hạt giống văn hóa.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 296, tháng 2-2009

Tác giả : Ngô Quốc Đông

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *