Kịch nói thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh toàn cầu hóa


Sài Gòn – TP.HCM là vùng đất màu mỡ của nhiều loại hình nghệ thuật, từ đây các loại hình nghệ thuật có một môi trường phát triển thuận lợi với những đột phá mang dấu ấn. Là sản phẩm của quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa toàn cầu, nhưng ngày nay, kịch nói TP.HCM lại gặp nhiều khó khăn cũng bởi yếu tố đã góp phần sản sinh ra nó. Bài viết nêu lên một vài quan điểm lý giải nguyên nhân kịch nói – một loại hình nghệ thuật đậm chất triết lý phương Tây lại được chấp nhận tại vùng đất phương Nam, cũng như những tác động của toàn cầu hóa trong thời buổi hiện nay đối với sự phát triển của kịch nói tại TP.HCM.

1. Những đặc trưng văn hóa của TP.HCM ảnh hưởng đến sự ra đời của kịch nói

TP.HCM là thành phố trẻ trung và hiện đại. Tuy mới trên 300 năm tuổi nhưng trong lòng thành phố đã chứa đựng nhiều giá trị văn hóa nhân văn, văn hóa lịch sử được kết tinh, thăng hoa từ sự giao lưu của nhiều nền văn hóa khác nhau trên nền tảng bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là vùng văn hóa mang đậm chất đô thị, luôn mởđộng. Sài Gòn là nơi đất lành chim đậu với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, thu hút dân tứ xứ đổ về để cùng sinh sống, lập nghiệp, khai thác, xây dựng. Đi đến đâu, người dân ở nhiều địa phương khác nhau đem theo văn hóa của mình đến vùng đất mới, để rồi nơi đây hình thành nên một trung tâm văn hóa đa dạng. Từ khi bắt đầu được hình thành, Sài Gòn với vị trí địa lý quan trọng đã là một cảng thị, nơi đầu mối giao thương buôn bán của người dân với các quốc gia khác trong khu vực và thế giới. Khi Pháp chiếm Nam Kỳ, cảng thị này được nâng cấp, có một vai trò quan trọng. Sài Gòn được quy hoạch là trung tâm của cả Nam Kỳ. Năm 1976, Sài Gòn chính thức đổi tên thành TP.HCM, thành phố trực thuộc trung ương. Với những chính sách về kinh tế, văn hóa, xã hội của lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ, cũng như chính sách của Đảng và Chính phủ ngày nay, TP.HCM đã trở thành một đô thị sầm uất về mọi mặt, một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, trung tâm giao dịch quốc tế, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước.

Ngay từ buổi đầu hình thành, TP.HCM là vùng đất mới mà ở đó “dân làng mở đất trước, nhà nước đến cai trị sau”. Từ những ngày đầu tiên được thành lập, Sài Gòn đã mang tính chất là một trung tâm đô hội mở. Đến TK XIX, thành phần dân cư cũng như cấu trúc xã hội đã có nhiều thay đổi. Sài Gòn trở thành một đô thị quan trọng, một đầu mối giao thương, điểm nối trong giao lưu Bắc – Nam và Đông – Tây của đất nước và khu vực. Từ đó, xuất hiện nhiều tầng lớp mới trong xã hội: thị dân, tiểu tư sản, tư sản, tiểu thương, công nhân, sinh viên… Tầng lớp thị dân với nhu cầu “thuận mua vừa bán” sẵn sàng bỏ tiền mua những món đồ họ cần, mua vé xem những vở diễn mà họ thấy thoải mái về tinh thần. Họ cũng là những người dễ dàng chấp nhận cái mới, cái lạ, miễn hay, hấp dẫn. Đồng thời, chính tầng lớp này đã là những ông chủ đầu tiên của các đoàn hát, gánh hát, sau này là kịch nói.

Từ TK XVIII đến đầu TK XIX, Sài Gòn đã có những thay đổi tiến bộ nhanh chóng. Đến cuối TK XVIII, Sài Gòn là trung tâm thương mại lớn, trung tâm công nghiệp quan trọng, nơi đầu tiên tiếp thu kỹ thuật phương Tây. Dưới ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, cùng với chế độ khai thác thuộc địa Pháp trong suốt 86 năm đô hộ đã làm cho kinh tế, chính trị, đặc biệt, văn hóa của Sài Gòn – Gia Định nhiều biến chuyển mới. Giai đoạn Mỹ chiếm đóng, Sài Gòn trở thành “hòn ngọc viễn đông” trong mắt quốc tế. Các loại hình văn hóa nghệ thuật mà người phương Tây đưa vào vùng đất Nam Bộ khiến Sài Gòn một lần nữa trở thành nơi giao lưu văn hóa giữa Đông và Tây. Sau khi Sài Gòn được giải phóng, nhất là thời kỳ đổi mới, với nhiều chính sách mở cửa để phát triển kinh tế cũng như văn hóa, TP.HCM vẫn tiếp tục là nơi hội tụ của các cuộc giao lưu văn hóa. TP.HCM chính là mảnh đất để văn hóa các vùng miền cùng tồn tại, phát triển. Là nơi ra đời đầu tiên của chữ quốc ngữ, tờ báo đầu tiên, tiểu thuyết đầu tiên viết theo lối phương Tây, là trung tâm của nghệ thuật đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương, nơi mà nghệ thuật kịch nói của Pháp công diễn vở diễn đầu tiên tại Việt Nam.

Trên nền tảng các yếu tố địa lý tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử đặc thù, chính lợi thế địa chính trị với sự giao thương rộng rãi, giao thoa văn hóa giữa các tộc người qua các thời kỳ lịch sử đã hun đúc nên tính cách con người Sài Gòn – TP.HCM nói riêng và Nam Bộ nói chung: bao dung, bình dị, hào hiệp, thẳng thắn, năng động, trọng nghĩa khinh tài và luôn mở lòng để tiếp cận cái mới. Đó là lý do tại sao kịch nói – một loại hình nghệ thuật mới từ phương Tây, mang tính thực tế xã hội, tính triết lý cao lại được chấp nhận ở TP.HCM. Đã có những giai đoạn mảnh đất này phát triển rực rỡ, là nơi đầu tiên ra đời loại hình sân khấu thể nghiệm với tên gọi “Sân khấu Nhỏ”, nơi hình thành sân khấu xã hội hóa (XHH) đầu tiên của cả nước, tồn tại bên cạnh sân khấu công lập.

2. Sân khấu kịch nói XHH ra đời ảnh hưởng rõ nét từ quá trình toàn cầu hóa

Sau ngày đất nước thống nhất, tại TP.HCM còn một vài đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kịch nói như: đoàn kịch Bông Hồng, Cửu Long Giang, Kim Cương, Đoàn nghệ thuật sân khấu Trẻ… Cuối cùng, chỉ còn tồn tại duy nhất một đơn vị nhà hát công lập đó là: Đoàn kịch nói Thành phố, sau đổi tên thành Nhà hát kịch Thành phố, hoạt động cho đến hôm nay. Tuy nhiên, càng về sau, những đóng góp của đơn vị công lập này càng hạn chế. Thiếu diễn viên, thiếu vở diễn hay, công tác quản lý nặng nề, không thu hút được nhân tài, không biểu diễn thường xuyên… làm cho vai trò cánh chim đầu đàn của kịch nói Nam Bộ một thời đã không còn được đơn vị này duy trì.

Những năm đầu của thập niên 80 TK XX, trước sự bùng nổ thông tin, phim ảnh, các loại hình giải trí khác từ các nước phát triển đã làm cho sân khấu kịch nói dao động, có nhiều vở diễn kém chất lượng ra đời. Khán giả bắt đầu có những dấu hiệu quay lưng với kịch nói, điểm diễn cũng không có gì mới mẻ, bên cạnh đó, việc quản lý, biểu diễn tại các nhà hát đã trở nên cứng nhắc. Một số diễn viên có tâm huyết với nghề đã tập hợp nhau lại, tự gom tiền của, công sức để bắt đầu một “cuộc chơi” mới với nghệ thuật, họ bắt đầu hình thành các sân khấu nhỏ để tự cứu lấy mình. Việc tập hợp này đã dẫn đến kết quả tốt đẹp, ngày 01-8-1984, UBND TP.HCM ký quyết định thành lập Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần thuộc Hội sân khấu TP.HCM. Đây chính là câu lạc bộ sân khấu nhỏ đầu tiên trong phạm vi cả nước. Câu lạc bộ này đã cho ra đời những vở diễn có chất lượng tốt từ những kịch bản nổi tiếng ở nước ngoài, được dư luận quan tâm và thu hút sự chú ý của khán giả: Dư luận quần chúng (Rumani), Lôi Vũ (Trung Quốc), Nhà tắm muôn năm (Liên Xô)… Sự ra đời của câu lạc bộ này ngay lập tức thúc đẩy các vở diễn sân khấu nhỏ ra đời sau đó ở các tỉnh thành khác. Năm 1989, TP.HCM lần đầu tổ chức liên hoan sân khấu nhỏ, thu hút các đơn vị trong khắp cả nước về tham gia, tạo được tiếng vang lớn trong hoạt động nghệ thuật cả nước. Sau đợt liên hoan, hàng loạt các sân khấu nhỏ trên cả nước ra đời, thậm chí nhiều đoàn nghệ thuật, nhà hát nghệ thuật lớn trên cả nước cũng dựng vở tham gia liên hoan sân khấu nhỏ. Từ những thành công, ảnh hưởng tốt đẹp mà sân khấu nhỏ mang lại cũng như sự lớn mạnh từng ngày của sân khấu này cả về số lượng vở diễn và chất lượng nghệ thuật, ngày 07-07-1997, UBND TP.HCM đã ký quyết định số 3443/QĐ-UBNCVX thành lập Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ trên cơ sở của Câu lạc bộ sân khấu Thể nghiệm của Hội sân khấu. Nhà hát vẫn đặt tại địa chỉ 5B Võ Văn Tần, Quận 3. Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ là đơn vị XHH đầu tiên của sân khấu thành phố và của cả nước, hoạt động tự thu tự chi. Tuy nhiên, nhà hát vẫn hoạt động trên “đất” của Hội Sân Khấu TP.HCM nên được ưu đãi, miễn phí tiền thuê mặt bằng biểu diễn và những ưu đãi khác về cơ sở vật chất. Đây vẫn là hình thức XHH nhưng là bán công lập. Trong quá trình hình thành, phát triển, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ cho ra đời hàng trăm vở diễn được công chúng yêu thích mến mộ, dư luận xã hội và lãnh đạo thành phố cũng như T.Ư đặc biệt quan tâm. Tiếp nối thành công đó, nhiều đơn vị sân khấu tư nhân theo mô hình XHH hoàn toàn đã ra đời như: Sân khấu kịch Phú Nhuận, Sân khấu kịch       Idecaf, Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Kịch Sài Gòn, Thế Giới Trẻ, Kịch Thuần Việt… do chính các nghệ sĩ bỏ tiền ra thành lập và làm chủ.

Nếu như cuộc ra quân của các sân khấu XHH trong giai đoạn đầu rất rầm rộ về số lượng sàn diễn, số lượng vở diễn, thu hút đông đảo khán giả đến xem thì những năm gần đây lại chững lại về sàn diễn, khán giả vắng dần, đáng lo ngại là những vở diễn kém chất lượng chạy theo thị hiếu giải trí đơn thuần của người xem như các vở hài nhảm nhí, sex, đồng bóng, kinh dị… dày đặc trong lịch diễn của phần lớn các sân khấu kịch XHH. Đi kèm với sự nở rộ các địa điểm biểu diễn kịch nói, sự phát triển ồ ạt về số lượng các vở diễn lại tỷ lệ nghịch với chất lượng về chuyên môn nghệ thuật. Sự tham gia biểu diễn của quá nhiều diễn viên yếu về chuyên môn tại một số sân khấu XHH, sự ra đời của những vở diễn kém, chạy theo những thị hiếu tầm thường của một bộ phận khán giả, đã làm cho một số sân khấu mất dần bản sắc vốn có. Sự phát triển của kịch nói thành phố đang có dấu hiệu chững lại. Nhiều sân khấu ra đời rồi tự xóa sổ nhanh chóng. Tuổi thọ các vở diễn ngày càng ngắn lại, diễn viên cũng không còn mặn mà với kịch nói nên việc khán giả rời xa kịch nói là điều hoàn toàn dễ hiểu.

3. Một vài nguyên nhân bắt đầu từ toàn cầu hóa

Bùng nổ truyền hình và các lọai hình truyền thông giải trí hiện đại

So với những năm trước, khi khán giả xem kịch để được gặp mặt và thưởng thức tài năng của nghệ sĩ yêu thích thì phải đến trực tiếp sân khấu. Ngày nay, truyền hình và các loại hình giải trí khác phát triển mạnh mẽ, bên cạnh sự bùng nổ truyền thông, không cần đến rạp hát khán giả vẫn xem được các nghệ sĩ biểu diễn. Nhịp sống xã hội ngày càng nhanh, xu thế khán giả cũng chỉ thích xem những chương trình giải trí nhẹ nhàng, ngắn gọn thì đã có các chương trình game show, truyền hình thực tế mua từ chương trình (format) có sẵn của nước ngoài. Các nghệ sĩ được khán giả yêu thích xuất hiện điều đặn trong các chương trình này, với cách biểu diễn không khác trên sân khấu.

Nghệ sĩ thiếu và yếu

Có thể thấy, một trong những nguyên nhân chính làm cho kịch nói thành phố đang phát triển bấp bênh, chính là diễn viên. Ngày nay, diễn viên có thể đến trường quay thu hình game show, sitcom, phim truyện… chỉ trong một ngày có thể mang về nguồn lợi kinh tế từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng mà không cần phải tập luyện trước. Trong khi đó, để có một vai kịch trên sân khấu, các diễn viên phải tập luyện hàng tháng, thậm chí vài tháng mà số tiền bồi dưỡng sau mỗi xuất diễn chỉ vài trăm ngàn đến một triệu đồng. Diễn viên giỏi không còn quan tâm đến sân khấu, chỉ còn một số ít yêu nghề thật sự gắn bó với sân khấu kịch nói. Để bù đắp vào khoảng trống nghệ sĩ và vấn đề chi phí cho diễn viên, các ông bầu, bà bầu sân khấu bổ sung bằng một lực lượng diễn viên mới (do chính các sân khấu này tự mở lớp đào tạo, hoặc tìm các nghệ sĩ từ lĩnh vực khác như: thời trang, ca nhạc… sang biểu diễn). Nghệ sĩ biểu diễn đã thiếu, lại yếu, trong khi đó các tác giả, đạo diễn, họa sĩ… giỏi nghề cũng chuyển sang lĩnh vực truyền hình, điện ảnh…

Thiếu rạp hát đúng chuẩn

Có thể thấy, TP.HCM có một hiện tượng các rạp hát tồn tại trước 1975 đến nay phần lớn đã bị xóa sổ, số còn lại cũng chuyển đổi công năng sử dụng. Ngoại trừ sân khấu rạp Công Nhân của Nhà hát kịch thành phố thì các sân khấu XHH biểu diễn kịch nói hiện nay đều thuê của các đơn vị khác như trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi… Các nhà hát này với trang thiết bị vốn đã không được thiết kế cho biểu diễn kịch nói, nay đã xuống cấp trầm trọng, lạc hậu. Cảnh trí, phông màn, hệ thống ánh sáng, âm thanh cũ kỹ khiến cho kịch nói trở nên lạc lõng. Vì thuê mướn nên thời hạn hoạt động cũng không ổn định, khi nào chủ đầu tư muốn lấy lại lúc nào cũng được. Sân khấu nhỏ 5B đóng cửa hai năm nay vẫn chưa biết khi nào xây dựng. Ngay cả rạp Công Nhân của Nhà hát kịch dù là công lập nhưng trang thiết bị cũng xuống cấp và nếu theo đúng kế hoạch thì trong năm 2018 phải xây mới kèm theo các chức năng khác của một building và sân khấu biểu diễn kịch khi nào mở cửa trở lại thì không ai có thể biết chính xác.

Sự kiện người Pháp đem kịch nói đến công diễn tại Sài Gòn vào năm 1863 được xem là dấu ấn khởi đầu của loại hình nghệ thuật này trên vùng đất phương Nam. Trên 150 năm hình thành và phát triển, một thời gian không quá lâu nhưng cũng đủ để nghệ thuật kịch nói bén rễ, nảy mầm và xác định vị thế của mình trong ngôi nhà nghệ thuật Việt Nam. Từ những yếu tố như lịch sử hình thành phát triển, vị trí trung tâm về địa lý, chính trị, sự đa dạng trong thành phần dân cư, phong phú về tập quán, với cấu trúc xã hội mở cùng yếu tố đặc trưng văn hóa đã là những yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa để cho kịch nói xuất hiện, hình thành, tồn tại và vươn đến những thành tựu mới. Sự xuất hiện của sân khấu XHH tư nhân bên cạnh sân khấu công lập trong lĩnh vực kịch nói là một điểm sáng của kịch nói. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ truyền thông toàn cầu, hàng loạt phương tiện giải trí hiện đại ra đời đã tạo nên những thách thức không nhỏ đối với các sân khấu kịch nói, làm cho loại hình này đang có những dấu hiệu đi xuống. Trong thời đại thế giới phẳng và công nghệ 4.0 hiện nay, việc tồn tại các sân khấu nhỏ với các trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu sẽ không còn là xu hướng chính của nghệ thuật kịch nói hiện đại. Điều này cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp quản lý nhà nước, kịp thời có những chủ trương, chính sách hỗ trợ cả về pháp lý, cơ sở vật chất thì kịch nói TP.HCM mới tiếp tục tồn tại, đóng góp giá trị cho đời sống xã hội.

 

Tác giả: Huỳnh Công Duẩn

Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 – 2018

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *