Hậu Lê là thời loạn có một không hai trong lịch sử nước ta, chẳng những biểu hiện ở lý tưởng vì dân, vì nước từ vua chúa đến các quan lớn nhỏ hầu hết đã nhạt nhòa, tư tưởng vị kỷ lên ngôi, trên dưới không đồng lòng nhất trí, phe vua phe chúa rồi nội bộ phe chúa chia rẽ, đối đầu với nhau dẫn tới kỷ cương bị buông lỏng, mà còn biểu hiện ở việc lớn như lập chúa, lập vua, việc nhỏ như thưởng phạt, xử kiện của triều đình trong một thời gian đều do quân lính chủ trương và thực hiện.
Quân lính ở đây chỉ quân Thanh Nghệ cậy có công tôn phò sinh kiêu căng lộng hành nên được gọi bằng tên có tính khái quát chính xác là kiêu binh. Cũng lạ một điều là kiêu binh chỉ có quân sư chứ không có người lãnh đạo cụ thể, “đi đâu thường kéo thành đàn hàng trăm hàng nghìn người”, “hễ có người giơ cánh tay hô lên một tiếng thì bốn mặt loạn binh thảy đều hưởng ứng”(Lê quý kỷ sự, 1974, tr.23, 25). Hành động dễ nhất trí, trăm người như một vì thế họ trở thành một loại nhân vật số đông, đặc biệt hiếm có trong sử cũng như trong tiểu thuyết đương thời.
Đương thời, chúa Trịnh Sâm vốn tính cương nghị, sáng suốt, quả đoán, đọc rộng kinh sử, có văn tài võ lược, trí tuệ hơn người. Sau khi được truyền ngôi, chúa chỉnh đốn triều cương, dẹp yên thiên hạ, kho đụn đầy ắp thì dần dần chúa sinh bụng kiêu căng, xa xỉ, phi tần đầy trước mặt, mặc ý vui chơi. Nhưng trong số người đẹp chốn hậu đình, chẳng một ai làm chúa say đắm chung tình. Cho tới một hôm, người hầu gái của tiệp dư Trần Ngọc Vịnh là Đặng Thị Huệ vâng lệnh chủ bưng một hộp hoa tươi đến dâng chúa. Thoạt thấy nàng, chúa đã bị tiếng sét ái tình quật đổ, ngay sau đó chúa giữ nàng lại, cho được ở chung trong chính tẩm y như một cặp vợ chồng thường dân. Lệ thường xưa nay, các phi tần đều ở cung riêng, khi nào được chúa vời mới do hoạn quan đưa tới chỗ chúa ở. Chỉ một chi tiết này, tác phẩm đã cho thấy chúa cưng chiều cô vợ mới bất chấp quy củ bấy lâu nay trong ba cung, sáu viện như thế nào. Đặng Thị Huệ với sắc đẹp mười phân vẹn mười và cách nhí nhảnh, nũng nịu, giận hờn đúng lúc, đúng chỗ đã khiến “không lời nào là chúa không nghe, không ý muốn nào là chúa không theo”(1), và khi nàng sinh được con trai khôi ngô, sáng dạ khác hẳn người thường thì chúa càng yêu quý đứa con nhỏ bội phần. Khi đó, con trai lớn của chúa là Trịnh Tông đã mười lăm tuổi và lẽ ra đã được ở cung riêng dành cho người nối ngôi là Đông cung từ năm mười hai tuổi, nhưng chúa không cho. Ba năm sau, Tông mười tám tuổi, đáng được mở phủ riêng, chúa cũng lờ đi. Chúa sở dĩ không yêu Trịnh Tông vì người con đó là kết quả của một lần hoạn quan cố tình nghe lầm để tác thành cho giấc mơ được thần cho tấm đoạn có vẽ đầu rồng của cung tần Ngọc Hoan, mà lẽ ra phải triệu cung tần Ngọc Khoan như ý chúa muốn. Khi lớn lên Trịnh Tông lại chỉ ham võ nghệ, không thích học hành nên chúa càng không bằng lòng. Thế là “ngôi kế vị vẫn chưa được định đoạt, lòng người bất nhất, ai về phe thế tử Trịnh Tông thì xu phụ thế tử, ai thuộc đảng Đặng thị thì vào hùa với vương tử Cán”.
Vốn đã phiền muộn, lo lắng không được nối ngôi từ khi có em trai là vương tử Cán, Trịnh Tông đã một lần chuẩn bị làm đảo chính nhưng âm mưu bị phát giác. Tông bị truất ngôi con cả và khi chúa Trịnh Sâm băng hà thì Cán được nối ngôi. Sự kiện này là giọt nước cuối cùng làm trào lòng phẫn nộ của số đông, nhất là quân lính. Gia thần người làng Bát Tràng của Tông khuyên chủ mời cơm bọn biện lại trong đám thân quân, bàn việc đảo chính một lần nữa. Biện lại đội Tiệp Bảo người xứ Nghệ là Bằng Vũ, “thông minh nhưng điêu toa, giảo hoạt”, trong một cuộc họp kín của quân lính ở chùa Khán Sơn đã hiến kế “thừa lúc dâng lễ cúng (Trịnh Sâm) buổi sáng vừa xong, ta đánh ba hồi trống ở phủ đường làm hiệu rồi sấn đến kéo chân hắn (quận Huy, quan đầu triều phụ chính cho Cán), vật ngã xuống dưới bệ, hễ hắn ngã là xong”…
Quả nhiên sáng ngày 25, lễ cúng sáng vừa xong, trăm quan vừa mới lui khỏi triều thì Bằng Vũ nổi ba hồi chín tiếng trống. Cuộc binh biến này không phải là duy nhất trong lịch sử chế độ phong kiến ở nước ta, nhưng lại là duy nhất ở chỗ được Hoàng Lê nhất thống chí miêu tả cụ thể và sinh động như chính tác giả viết hồi này là Ngô Thi Chí tận mắt chứng kiến: “Quân lính nghe trống đánh thì ai nấy nhảy nhót tranh nhau vào phủ. Bấy giờ cửa các đang đóng, quân lính ở bên ngoài không vào được, tiếng nhao nhao rung chuyển trời đất”.
Quận Huy sai quận Châu, quan cai quản binh phiên, ngăn cấm quân lính vào phủ nhưng nghe quân lính đe giết, quận Châu sợ hãi phải mở cửa, “quân lính chen vai nhau mà vào…
Voi quận Huy cưỡi vươn đầu húc những người ấy, quân lính tránh ngà voi, chạy quanh voi, ai nấy dùng binh khí đâm chém voi, có người lấy mảnh chum, mảnh ngói trong phủ đường ném bừa. Voi co vòi quỳ xuống sân mà gầm, không dám húc. Quận Huy giương cung thì dây cung đứt, lấy súng nạp đạn thì mồi lửa tắt, quân lính cầm câu liêm móc quản tượng xuống chém chết. Voi lùi lại, quân lính vây quanh chân voi. Quận Huy lấy mũi dao ngắn phóng xuống đâm họ làm mấy người bị thương. Quân lính kéo đến ngày một đông. Lại có một đoàn quân từ cửa Tuyên Vũ kéo vào, chặn phía sau voi, voi đứng yên không động cựa được, thế là quân lính móc quận Huy lôi xuống, đánh túi bụi đên chết. Họ bèn mổ bụng, lấy gan ra ăn rồi kéo xác quận Huy vứt ra ngoài cửa Tuyên Vũ”…
Nếu giết xong Huy, đã hả giận rồi, quân lính dừng lại ở đây thì cũng không khiến kinh thành Thăng Long náo loạn chưa từng có dưới bất kỳ triều vua nào ở nước ta. Đằng này quân lính lại “thừa thế làm bừa. Phàm bề tôi văn võ, ai thuộc đảng của Thị Huệ và quận Huy, ai tố giác mật án năm Canh Tý (năm Trịnh Tông mưu đảo chính lần thứ nhất) cùng những cận thần hầu hạ mà ngày thường cay nghiệt, quân lính vốn căm ghét thì lúc ấy nhà họ đều bị phá dắt dây rồi người thì bị lùng tìm mà giết chết. Kinh thành náo động luôn trong mấy ngày, chúa xuống chỉ ngăn cấm không được, phải sai quan tra xét trong kinh kỳ, chọn lấy dân thường chém chết để cảnh cáo. Từ đó việc phá nhà mới tạm ngừng, còn lùng bắt người vẫn không thôi”.
Quá hơn nữa là “sau khi phò lập tân chúa, ba quân ỷ có công mà kiêu ngạo, ngày ngày tụ họp, bàn lấn sang cả việc lớn của triều đình. Mỗi điều gửi lên, việc nào đó nói nên theo hay nên bỏ thường là những việc vô lý, bắt triều đình phải thi hành; lại cầu xin ân huệ, không biết thế nào là đủ, là ngán. Triều đình nếu có ai bàn nên hay không nên là họ dọa phá nhà, đánh giết. Bách ty tra xét việc kiện tụng thì họ hoặc nhận bên nguyên là người thân, hoặc nhận bên bị là người quen, bắt ép phải loạn đổi cong thẳng, lộn ngược đúng sai. Dân ở chỗ họ có kiện tụng thì họ tự ý bẻ cong mà đưa ngay ra luận đoán, không chịu nghe theo quan tư. Trăm quan đều phải nín hơi nuốt tiếng, không dám xúc phạm. Nhất cử nhất động trong cung họ đều dòm ngó, bàn tán, hoặc hỏi việc này sao lại được như thế này, sao lại được như thế kia”…
Động cơ khởi sự của kiêu binh lúc đầu theo họ nói là “thế tử Tông tài đức đều ưu tú, không có tội gì mà bị phế truất, bọn tôi vì là nanh vuốt của nhà chúa nên lấy làm phẫn nộ. Được lòng trung nghĩa kích động nên hăng hái không đoái đến thân mình”. Việc quân lính lập con trưởng, phế con thứ, đảo ngược lại tình thế trái với đạo lý thông thường quả đã được lòng dân, nhưng càng về sau, lòng trung nghĩa đó càng mờ nhạt và nổi lên là lòng vị kỷ “khi chúa mới (Cán) kế vị, theo lệ cũ có ban thưởng tiền cho quân lính nhưng chênh lệch, quân lính mới sôi lên”, là yêu ghét, ân oán riêng tư và nhất là “cậy công, vòi thưởng mãi không thôi” (Lê quý kỷ sự, tr.20). Kiêu binh đã khiến cho dân chúng kinh kỳ và bốn trấn tức giận, căm ghét, đến nỗi khi các đạo quân ở bên ngoài kéo về trừ diệt kiêu binh theo mật chỉ của chúa thì lính Thanh Nghệ ở các trấn đều phải bỏ trốn, đi qua thôn ấp nào đều không dám lên tiếng, “hễ ai lỡ mồm để lộ tiếng Thanh Nghệ, dân làng nghe được là giết ngay”.
Bài Tựa sách Hoàng Lê nhất thống chí nêu nguyên nhân để xảy ra nạn kiêu binh đúng như tác giả sách quan niệm. Ông viết : “Chí lấy tên nhất thống là vì cái loạn thời hậu Lê bắt đầu từ việc chúa Trịnh Sâm sủng ái Đặng phi, phế con trưởng lập con thứ dẫn đến ba quân làm binh biến, cuối cùng gây ra cái loạn Tây Sơn rồi họ Trịnh tiêu vong…”, nhưng một nhà nho khuyết danh khác không cho là như thế. Ông quy tội lỗi ấy cho Trịnh Tông với ý phân tích khá thấu đáo, có sức thuyết phục độc giả ngày nay qua lời nói thêm (phụ thuyết) ngay sau câu “Chúa nói : Được !” khi quân lính xin phá dinh quận Huy đã dẫn trên đây :
Xưa có câu: “Một lời làm hưng thịnh nước, một lời làm mất nước”. Chỉ một lời này của chúa mà ba quân buông thả, oai của chúa bị tổn hại, kỷ cương triều đình bị hủy hoại. Cái loạn của nước, mối nguy của miếu xã đều có điềm từ đây. Thánh đế sở dĩ thận trọng một lời than, một lời ừ là vì thế… Nếu Đoan vương có mưu lược, quyết đoán sáng suốt thì khi ba quân quỳ xin ắt phải nói ngay trước mặt họ rằng: Quận Huy có tội thì nên giao cho triều đình bàn chung, phơi bày tội của hắn, tịch biên nhà của hắn. Phép công trong thiên hạ chẳng phải là điều ta được quyền chuyên nắm, chư quân không được vội vàng. Công tái lập vương thất của các ngươi đáng được xem xét cao thấp mà ban chức tước, chia đất đai, ghi vĩnh viễn trong khoán thư, cùng hưởng phúc với nước. Các ngươi nên tự tu sửa mình để cho cả nước trông vào, chớ khinh suất sử dụng cái dũng mãnh nhỏ mà tự vứt bỏ công lao to lớn. Nếu được như thế thì chư quân ắt nghiêm túc tôn trọng luật pháp mà quốc chính cũng được nâng cao.
Phàm quân lính đã muốn phá dinh của quận Huy nhưng không đi thẳng đến đó để phá mà vẫn quỳ xin là vì còn sợ phép nước. Thế mà Đoan vương lại dạy họ nhờn với luật pháp thì những thói tệ làm sao lại không kéo đến được? Quân lính như lửa, không thu lại thì tự cháy; tình cảm như nước, đã xô vỡ chỗ chắn thì mong gì chế ngự. Lúc mới bắt đầu mà không ngăn chặn được thì mối họa kiêu binh thực ra do Đoan vương vời đến, không làm sao hối được nữa! (Hoàng Lê nhất thống chí, bản ký hiệu VHv.1534a, hiện có ở Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội).
Một nhà nho khác cũng trách Trịnh Tông nhưng trách ở chỗ chúa không đánh giá đúng công lao tôn phò, lại không biết cách xử trí cao tay đối với ba quân:
Chúa chỉ một mà quân thì hàng nghìn vạn người. Lấy thân của một người chế ngự số đông hàng nghìn vạn người, há trí trá giữ vững được sao ? Bùi Tấn công nói: “Xử trí thích đáng thì có cái để thu phục lòng người”. Ban thưởng chức tước là hòn đá mài mòn thiên hạ. Thưởng chức tước cho công lớn mà còn chia từng loại hay sao? Đương lúc mưu gian của Tố Lý sắp làm xã tắc lâm nguy, cả triều đình đều ngồi nhìn, không ai dám làm gì, chỉ có mấy người lính mà làm cho nước nhà cắt bỏ được mầm ác, lập nên sách lược lớn, há chẳng phải là công lao kỳ lạ một đời hay sao? Ba quân tuy đông nhưng mưu kế thoạt đầu chẳng qua chỉ do hơn hai mươii viên tạp lại, người có công đầu như Bằng Vũ được thăng tước quận công, số còn lại được xếp vào hàng tước hầu, khiến họ vẫn ở cơ đội của mình, chia ra coi các trấn. Ban tước để úy lạo cái tâm của họ, chia ra để ly tán bè đảng của họ, như thế thì cái chí của họ được thỏa mãn, nguyện vọng của họ đã tới mức tột cùng, họ sẽ càng tu sửa để giữ lấy công lao trước đây. Khi thế đã phân tán, hình đã phân chia thì tuy âm mưu có gian ngoan cũng không có chỗ để phát tiết. Nay chúa không nghĩ đến công của họ, trái lại lấy làm mối lo, dẫn đến cái mưu bẻ đũa. Họ có công lớn như thế mà lính thì vẫn là lính, họ còn sợ gì mà không hành động buông thả? Bị kích động bằng âm mưu độc hại, họ dù có nay họp mai tụ thì còn có ích gì nữa. Tiếc thay, tiếc thay! (Hoàng Lê nhất thống chí, lời Phụ bình ở dị bản VHv.1534b, hiện có ở Thư vịên Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội).
Phụ thuyết và Phụ bình của hai độc giả nhà nho đều nhất trí ở chỗ nếu đối tượng cần trách cứ, lên án thì không phải là kiêu binh Thanh Nghệ, trước đó họ đều là quân lính có kỷ luật, giúp chúa nhiều lần lập công. Chính chúa-cả chúa cha lẫn chúa con là người đứng đầu đất nước mà thiếu sáng suốt, không có mưu lược cao minh; thứ đến lúc ấy cũng thiếu các quan đại thần tài giỏi và quả cảm, dám đứng ra nhận lấy gánh nặng giúp vua chúa trị yên đất nước. Điểm mặt người tài Bắc Hà lúc ấy là mấy vị quan, vị tướng đầu triều thì họ đều đã qua thời sung sức cả về trí lực và thể lực, như Hoàng Tố Lý, Nguyễn Khản, Hoàng Phùng Cơ, Đinh Tích Nhưỡng…
Cho nên câu Nguyễn Hữu Chỉnh nói với Nguyễn Huệ: “Người tài ở Bắc Hà chỉ có một Chỉnh này mà thôi” có vẻ như hớ hênh, tự phụ nhưng ngẫm ra thì quả không sai. Chỉ một mình nhân vật xứ Nghệ này có chí lớn không ai dám nghĩ đến là mượn binh lực Tây Sơn để diệt Trịnh, hoàn thành công cuộc nhất thống cho vua Lê Hiển Tông, sau đó lại hai lòng với Tây Sơn để làm cuộc tái nhất thống cho cháu ngài là Lê Chiêu Thống. Như thế là Chỉnh một dạ trung thành với nhà Lê dù phải sử dụng nhiều mánh lới khôn ngoan, xảo quyệt và có khi tàn nhẫn nữa. Vả lại ở thời loạn, nếu chỉ mực thước theo vương đạo của thời bình, không sử dụng thủ đoạn của bá đạo thì khó mà hoàn thành công cuộc nhất thống. Chỉ có điều khi nhất thống đã thành công, Chỉnh lại không chế ngự được sai lầm muôn thuở của những người tài khi công đã thành, danh đã toại là ham hố quyền lực và buông thả dục vọng. Những mánh lới, thủ đoạn không ngoan, xảo quyệt làm nên thành công cho công cuộc nhất thống lúc này đã quay lại hại ông.
Như vậy cái loạn thời Hậu Lê có nguyên nhân chủ quan mà dân gian đã tổng kết chính xác trong câu dột từ nóc dột xuống. Tác giả sử sách khi viết về thời này hẳn đều có nỗi bức xúc đáng nể trọng, không ngại ghi chép tường tận những mục nát từ trên chí dưới, từ trong ra ngoài nhằm mục đích muôn thuở của nhà nho là để lại bài học cho đời sau suy ngẫm.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 315, tháng 9-2010
Tác giả : Phạm Tú Châu
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai