Việc bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho sĩ quan trẻ (SQT) là hoạt động tự giác, có mục đích của các chủ thể nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà trường quân đội vững mạnh, góp phần củng cố quân đội ngày càng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Lối sống trách nhiệm, cống hiến là một nội dung của lối sống mới xã hội chủ nghĩa – thành tố cấu thành phẩm chất chính trị, đạo đức, giữ vai trò định hướng hành vi của mỗi con người trong xã hội. Việc bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho thế hệ trẻ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm tạo ra nguồn lực con người “chất lượng cao”, có sự phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
SQT trong các nhà trường quân đội là lực lượng đông đảo, có vai trò to lớn trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo, xây dựng các nhà trường quân đội chính quy, tiên tiến, mẫu mực. Do vậy, việc bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho SQT các nhà trường quân đội là nhằm không ngừng gia tăng phẩm chất chính trị, đạo đức và phát triển năng lực toàn diện, giúp họ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, là công việc thường xuyên, quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của lãnh đạo, chỉ huy các cấp.
Lối sống trách nhiệm, cống hiến là giá trị phản ánh đặc trưng bản chất của hình thái kinh tế – xã hội xã hội chủ nghĩa, là cách thức thể hiện nghĩa vụ, phận sự cao đẹp và tinh thần tự nguyện hy sinh lợi ích cá nhân nhằm hoàn thiện bản thân và đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội.
Chủ thể bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho SQT trong các nhà trường quân đội là các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng. Trong đó, vai trò của Đảng ủy, Ban Giám hiệu các nhà trường rất quan trọng. Đối tượng được bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến là những SQT, đảm nhiệm chức vụ ở các đơn vị cấp phân đội và tương đương. Phải căn cứ vào đặc trưng cơ bản của lối sống trách nhiệm, cống hiến; nội dung, yêu cầu xây dựng con người mới của Đảng ta hiện nay; phương hướng, yêu cầu, nội dung xây dựng người cán bộ quân đội trong thời kỳ mới; kế hoạch công tác Đảng, công tác chính trị hằng năm để xác định nội dung bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho đội ngũ SQT. Nội dung cốt lõi, xuyên suốt quá trình bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho đội ngũ SQT là: bồi dưỡng trách nhiệm với Đảng, Tổ quốc, nhân dân; tinh thần sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh; tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; ý thức thấy cái sai dám đấu tranh, thấy cái đúng dám bảo vệ; tôn trọng và bảo vệ của công, không tham nhũng, lãng phí.
Bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho đội ngũ SQT cần dựa trên cơ sở khoa học, tuân thủ quy luật nhận thức, quy luật tâm lý, phù hợp với đặc điểm của tổ chức quân sự và hoạt động quân sự nhằm thực hiện tốt mục tiêu bồi dưỡng đã xác định. Đồng thời, đó là sự tác động toàn diện, cả về nhận thức, thái độ và hành vi lối sống; sự tác động đó phải phù hợp với đặc điểm sinh học, đặc điểm xã hội của đội ngũ SQT các nhà trường quân đội.
Trong những năm qua, lãnh đạo, chỉ huy các nhà trường quân đội đã thường xuyên quan tâm, chăm lo giáo dục, rèn luyện SQT về mọi mặt, trong đó, đặc biệt chú trọng đến giáo dục, bồi dưỡng về đạo đức, lối sống, để họ luôn xứng đáng là lực lượng kế cận tin cậy của quân đội cách mạng.
Từ khái quát lý luận và thực tiễn, có thể rút ra một số kinh nghiệm mang tính định hướng cho hoạt động bồi dưỡng, hoàn thiện lối sống mới cho đội ngũ SQT các nhà trường quân đội như sau:
Một là, thường xuyên nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp về tầm quan trọng của việc bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho SQT
Thực tế, công tác bồi dưỡng lối sống cho đội ngũ SQT ở các đơn vị cơ sở thời gian qua cho thấy, nếu cấp ủy và chỉ huy đơn vị nào quan tâm bồi dưỡng lối sống cho SQT thì ở đó, họ luôn hoàn thành nhiệm vụ, ít vi phạm kỷ luật. Ngược lại, thời điểm nào mà cấp ủy và người chỉ huy xem nhẹ việc bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho SQT thì khi đó, xuất hiện tình trạng sao nhãng trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ thấp, vi phạm kỷ luật tăng lên.
Nhận thức của cấp ủy, người chỉ huy về tầm quan trọng bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho SQT không chỉ thể hiện ở việc ra nghị quyết, mà còn thể hiện ở các kế hoạch và tổ chức thực hiện. Trên thực tế, việc bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho SQT có trong nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy các cấp, nhưng việc tổ chức thực hiện lại không đều, có nơi còn kém hiệu quả. Trong điều kiện biến đổi kinh tế, xã hội sâu rộng như hiện nay, yêu cầu trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ngày càng cao, sự chống phá của kẻ thù ngày càng gay gắt, việc bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho SQT luôn phải là ý thức thường trực trong mỗi cấp ủy viên và người chỉ huy các cấp.
Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp trong bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho SQT dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chỉ đạo, điều hành của người chỉ huy
Việc bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho đội ngũ sĩ quan trẻ phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài, vừa tích cực vừa kiên trì, bền bỉ. Công việc đó chỉ giành kết quả cao nếu biết phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động mọi tổ chức, mọi lực lượng trong và ngoài quân đội tham gia. Thực tế, một số nhà trường đã phát huy sức mạnh các tổ chức, lực lượng, kể cả nhân dân nơi đóng quân, người thân trong gia đình để giải quyết tư tưởng, bồi đắp niềm tin, tinh thần vượt qua khó khăn cho đội ngũ SQT.
Ba là, tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho đội ngũ SQT
Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị luôn đặt ra những đòi hỏi về xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa trong lực lượng vũ trang, đồng thời luôn đặt ra những nội dung, yêu cầu mới về lối sống trách nhiệm, cống hiến của SQT. Mỗi thế hệ sĩ quan có những đặc trưng xã hội riêng. Đặc trưng xã hội của thế hệ sĩ quan ngày nay đòi hỏi phải không ngừng cải biến nội dung và hình thức bồi dưỡng lối sống xã hội chủ nghĩa cho phù hợp, nhất là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào quá trình bồi dưỡng; thông qua mạng internet để tuyên truyền, giáo dục nhận thức, thái độ, hành vi tích cực, lên án cái tiêu cực. Việc nắm bắt sự vận động, biến đổi của cuộc sống, đặc trưng xã hội của đối tượng để xây dựng nội dung, hình thức bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho đội ngũ SQT là đòi hỏi tất yếu khách quan.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ công tác tổ chức với công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng với xây dựng hệ thống chỉ huy, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện trong việc bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho SQT
Cán bộ chủ trì ở đơn vị quản lý học viên thường giữ các chức vụ chủ chốt của tổ chức Đảng như: bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên. Điều đó cho phép kết hợp giữa công tác tổ chức với công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chỉ huy trong bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho SQT. Kinh nghiệm thực tế ở một số nhà trường cho thấy, nhờ kết hợp tốt nên hoạt động bồi dưỡng lối sống cho SQT đạt hiệu quả cao. Nhà trường đánh giá cao sự kết hợp quản lý cán bộ với quản lý đảng viên, coi trọng công tác kiểm tra Đảng và nâng cao chất lượng tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt Đảng. Ý thức về tính tiên phong, gương mẫu của SQT càng cao thì hoạt động bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho họ càng hiệu quả.
Năm là, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, phát huy tính tự giác, tự bồi dưỡng của đội ngũ SQT
Bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho đội ngũ SQT mang tính chất của một cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh ý thức hệ trong xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Kẻ thù đã và đang sử dụng mọi thủ đoạn hòng làm suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có đội ngũ SQT các nhà trường quân đội. Hơn nữa, SQT dễ ngộ nhận về thủ đoạn mua chuộc, lôi kéo của kẻ thù và sự cám dỗ của lối sống hưởng thụ. Vì vậy, phải tích cực bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến, đồng thời phải đấu tranh với những tác động tiêu cực, biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của SQT; “xây” phải kết hợp chặt chẽ với “chống” trong bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho đội ngũ SQT.
Để nâng hiệu quả của việc bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho đội ngũ SQT, phải phát huy tính tự giác tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ này. SQT vừa là đối tượng, vừa là chủ thể “tự bồi dưỡng” lối sống xã hội chủ nghĩa. Tính tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống của đội ngũ này giữ vai trò quan trọng, góp phần quyết định đến sự hình thành, phát triển lối sống trách nhiệm, cống hiến của SQT các nhà trường quân đội hiện nay.
Hoạt động bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho SQT các nhà trường quân đội đã được tiến hành thường xuyên, được đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế là cơ sở để đề ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng lối sống trách nhiệm, cống hiến cho đội ngũ SQT các nhà trường quân đội hiện nay.
Tác giả: Cáp Văn Đang
Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng