Làng khoa bảng Cổ Định thời kỳ trung đại

    Làng Cổ Định, nay thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, cách trung tâm huyện gần 9km về phía Nam. Đây là ngôi làng cổ ở đồng bằng sông Mã, được phản ánh qua các nguồn sử liệu, hiện vật khảo cổ học, nguồn tư liệu dân gian. Làng có tên gọi đầu tiên là chạ Kẻ Nứa. Theo các nhà nghiên cứu thì chạ, kẻ, chiềng là tên gọi của cộng đồng dân cư công xã nông thôn trước khi hình thành nhà nước, thuộc hậu kỳ đồ đá mới, sơ kỳ đồ đồng. Từ kẻ được dùng với tư cách là một đơn vị dân cư sơ khai vào thời các vua Hùng, gắn liền với một totem (vật tổ) để trở thành tên gọi chung cho một cộng đồng dân cư trên một địa bàn nhất định. Căn cứ vào totem, khi tìm hiểu về làng Cổ Định ngày nay được biết núi Nưa là một vùng bạt ngàn nứa, cây nứa. Từ nghiên cứu đó, chúng tôi có thể đưa ra nhận định: nứa chính là totem, được gắn với từ kẻ, để xác định tên vùng đất này là chạ Kẻ Nứa.

     Làng khoa bảng là một loại hình làng đặc biệt, được hình thành nên từ nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố kinh tế, chính sách phát triển giáo dục, khoa cử qua các thời kỳ của nhà nước phong kiến, nhưng đặc biệt là truyền thống hiếu học của các gia đình, dòng họ, chế độ khuyến học của làng. Nghiên cứu làng Cổ Định cho thấy, cơ sở để hình thành nên làng khoa bảng ở đây được cấu thành bởi yếu tố kinh tế, những quy ước làng xã về việc khuyến khích học tập, truyền thống giáo dục trong gia đình, dòng họ. Truyền thống hiếu học của làng Cổ Định là một trong những điểm nổi bật về lịch sử văn hóa của các huyện Nông Cống xưa, Triệu Sơn ngày nay. Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa có 206 người đỗ đại khoa, trong đó làng Cổ Định có 9 người.

     Lê Thân, tự là Lương Hòa, thụy Mộ Đức, sinh năm Quý Sửu (1253), trong gia đình nhà nho ở hương Cổ Na. Ông là người thông minh, tài trí, năm 10 tuổi, đã thông làu kinh sử, năm 18 tuổi thi hương đỗ đầu. Theo Đăng khoa lục Thanh Hóa, Lê Thân đỗ bảng nhãn khoa Kỷ Hợi, là người khai khoa của huyện đỗ vào bậc tam khôi. Sau khi đỗ đạt, Lê Thân ra làm quan cho triều đình, là một vị quan thanh liêm, được triều đình trọng vọng, thăng cho nhiều chức khác nhau: hàn lâm học sĩ, thăng ngự sử trung tán, biên tu quốc sử quán, thăng đô ngự sử, thăng thượng thư bộ lễ, thượng thư bộ lại, nhập nội hành khiển khu mật viện đô tri sự.

     Doãn Bang Hiến là con trai ông Doãn Đăng Hòa và bà Nguyễn Thị Uyển. Năm 22 tuổi, Doãn Bang Hiến thi hương, đỗ tứ trường. Năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12, đời vua Trần Anh Tông, ông thi hội, trúng đồng tiến sĩ thứ 8, được bổ nhiệm hàn lâm hiệu lý. Đến năm Hưng Long thứ 20 (1312), ông được thăng tả thị lang bộ hình. Năm Giáp Dần (1314), vua Trần Minh Tông thăng cho làm thượng thư bộ hình, được đặc phong thiếu bảo. Năm 1322, Doãn Bang Hiến được triều đình chọn làm chánh sứ sang nhà Nguyên tranh biện việc biên giới. Sự kiện này được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi lại: “Nhâm Tuất, năm thứ 9 (1322), triều Nguyên, năm Chí Trị thứ 2. Mùa hạ. Sai Doãn Bang Hiến sang bên Nguyên biện luận về việc cương giới. Bấy giờ, người nhà Nguyên tranh lấn bờ cõi nơi biên giới, nên nhà vua sai hình bộ thượng thư là Doãn Bang Hiến sang nhà Nguyên để cùng nhau biện luận về biên giới. Bang Hiến sau đó qua đời ở dọc đường, nhà vua rất lấy làm thương tiếc” (1). Theo gia phả của dòng họ, Doãn Bang Hiến không chết trên đường đi sứ, mà sau khi trở về còn được vua Trần Minh Tông sắc phong cho chức thiếu phó hương đình hầu, ban cho 100 mẫu ruộng ở huyện Đông Ngàn. Doãn Bang Hiến cho con thứ là Doãn Hoàng ra quản nhận, lập thành trang ấp của họ Doãn, lấy tên là Doãn Xá, sau thành thôn Doãn Xá, huyện Đông Sơn (nay là làng Doãn Thái, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Ông qua đời năm 1332.

     Theo Ngô Đức Thọ, Doãn Đình Tá đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ, xuất thân khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Cảnh Thống 2, đời Lê Hiến Tông, làm quan đến chức hiến sát sứ. Về sự nghiệp của ông thì ít thấy các nguồn sử liệu ghi chép.

     Lê Bật Tứ xuất thân trong một gia đình khoa bảng, có nhiều người đỗ đạt. Ông tổ vốn họ Hứa, tên húy là Duy Đàn, vì tránh kỵ húy dưới triều Trần mà đổi thành họ Lê. Khoa Mậu Tuất, niên hiệu Quang Hưng 21 (1598) đời Lê Thế Tông, Lê Bật Tứ dự thi, đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (hoàng giáp). Ông làm quan đến chức thượng thư bộ binh, hàm thiếu bảo, tước diễn gia hầu. Khi qua đời, ông được truy tặng Thái Bảo, tước diễn quận công (2), tên được khắc trong bia đá ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ông qua đời năm 1627, thọ 66 tuổi. Hiện nay, tại làng Cổ Định, vẫn còn đền thờ, văn bia ghi chép về hành trạng, sự nghiệp của ông.

    Lê Nhân Kiệt năm 27 tuổi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ, xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 4 (1651), đời Lê Thần Tông. Làm quan đến chức hình khoa đô cấp sự trung, tước nam.

    Căn cứ vào văn bia Phụ minh tịnh ký tại đền thờ Hoàng giáp Lê Bật Tứ, ngoài Lê Bật Tứ, dòng họ còn có 5 người đỗ tiến sĩ gồm: Duy Thúc (tức Lê Duy Thúc), Duy Xứ (tức Lê Duy Xứ), Lê Thân, Hanh Phủ. Trong các nhân vật khoa bảng trên, Lê Thân, Lê Duy, Lê Bật Tứ được chính sử, các sách khoa bảng ghi chép, còn những người khác trong dòng họ được ghi chép trong văn bia và gia phả.

    Ngoài những người đỗ đại khoa, làng Cổ Định còn có những nho sĩ thi đỗ ở các bậc hương cống (dưới triều Lê Trung hưng), cử nhân (dưới triều Nguyễn). Theo thống kê từ Địa chí huyện Triệu Sơn, toàn huyện có 36 xã, suốt thời kỳ phong kiến có 64 người đỗ đạt, trong đó, làng Cổ Định có 5 người gồm: Lê Đình Nghị, thi hương, đỗ hương cống khoa Ất Dậu, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 1 (1706) đời Lê Dụ Tông; Lê Tung, thi đỗ khoa Kỷ Dậu, niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 1, đời Lê Duy Phường (1729); Nguyễn Thân, thi đỗ hương cống khoa Kỷ Dậu, niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 1 (1729) đời Lê Duy Phường; Lê Ngọc Toản, thi đỗ hương cống khoa Mậu Thìn, niên hiệu Tự Đức thứ 21 (1868); Lê Trọng Nhị, con của Lê Ngọc Toản, đỗ khoa Quý Mão, niên hiệu Thành Thái thứ 15 (1903).

    Qua các hiện vật khảo cổ học, nguồn sử liệu, tên gọi của làng Cổ Định từ chạ Kẻ Nứa, cá Na Giáp, hương Cổ Na, xã Cổ Ninh, xã Cổ Định, xã Tân Ninh, cho thấy Cổ Định là địa bàn cư trú của con người từ thời Hùng Vương, một ngôi làng cổ ở vùng đồng bằng sông Mã, có lịch sử hình thành, phát triển lâu dài, liên tục.

     Trong quá trình nghiên cứu làng Cổ Định, chúng tôi thấy cơ sở để hình thành nên làng khoa bảng Cổ Định trước hết là truyền thống hiếu học trong các gia đình, dòng họ, chính sách khuyến khích học tập của làng xã. Hương ước làng Cổ Định có những điều khoản khuyến khích học tập, khen thưởng đối với những gia đình khoa bảng, đồng thời xử phạt những gia đình có con cái không chịu học tập, đi trộm cắp, làm điều tiếng xấu, ảnh hưởng đến làng xã. Trong làng xã, những người có học thường có nhiều cơ hội để thành đạt hơn, hoặc chí ít cũng được làng trọng vọng hơn, được tham gia vào làng văn, được miễn lao dịch. Đó cũng là động lực để thúc đẩy việc học tập của mỗi cá nhân trong làng xã. Đặc biệt, văn chỉ tổng Cổ Định được đặt ở làng Cổ Định để thờ Khổng Tử và những người đỗ đạt cho thấy, đây là làng xã tôn trọng đạo học. Mặt khác, làng Cổ Định có sự kết hợp giữa kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp, buôn bán, do vậy kinh tế của làng có phần ổn định hơn các làng quê khác. Đó cũng là một trong những nhân tố để cho các gia đình có điều kiện chăm lo việc học hành cho con cái. Đó cũng là lý do để cho ra đời những tên tuổi làm nên bề dày lịch sử học vấn của làng Cổ Định, đóng góp công sức vào việc tạo dựng một vùng quê có truyền thống hiếu học.

_______________

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1, Nxb Giáo dục, 2007, tr.593.

2. Ngô Đức Thọ (chủ biên), Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nxb Văn học, 2006, tr.450.

Tác giả: Nguyễn Văn Bảo

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *