Kinh nghiệm bồi dưỡng phong cách công tác của chính trị viên cho học viên ở Trường Đại học Chính trị

Chính trị viên là người chủ trì về chính trị ở đơn vị cơ sở cấp phân đội, chịu trách nhiệm trước cấp trên và cấp ủy về toàn bộ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; trực tiếp hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nội dung công tác đảng, công tác chính trị theo chức trách, nhiệm vụ; tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác chung của đơn vị. Chất lượng, hiệu quả những hoạt động này phụ thuộc vào phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong và phong cách công tác của đội ngũ chính trị viên. Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao, đội ngũ chính trị viên nhất thiết phải được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cơ bản về mọi mặt, trong đó có phong cách công tác.

Trường Đại học Chính trị là trung tâm đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội cho toàn quân. Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trong đó có bồi dưỡng phong cách công tác của chính trị viên cho học viên đã đạt được nhiều kết quả tốt. Phần lớn cấp ủy, chỉ huy các cấp, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đã có nhận thức đúng, trách nhiệm cao trong việc bồi dưỡng phong cách công tác của chính trị viên cho học viên. Đảng ủy nhà trường, cấp ủy tổ chức đảng các cấp, đội ngũ cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý học viên đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vị trí, vai trò của đội ngũ chính trị viên trong sự nghiệp xây dựng, chiến đấu của quân đội ta, hiểu rõ hơn về phong cách công tác của người chính trị viên và sự cần thiết phải bồi dưỡng phong cách công tác của người chính trị viên cho học viên ở nhà trường. Trên cơ sở đó, các chủ thể và lực lượng tham gia bồi dưỡng đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động bồi dưỡng theo đúng phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quy định cho từng cấp.

Nội dung bồi dưỡng phong cách công tác của chính trị viên cho học viên không ngừng được đổi mới, hoàn thiện; hình thức, phương pháp bồi dưỡng phong cách công tác của chính trị viên cho học viên phong phú, đa dạng và thiết thực bám sát mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Qua từng năm học, khóa học, nhà trường đã không ngừng nghiên cứu, đổi mới, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực và phong cách công tác của học viên, đề cao các tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, về trình độ tư duy lý luận, về năng lực chủ trì về chính trị, về phong cách công tác… cụ thể hóa thành mục tiêu đào tạo chính trị viên cũng như đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ. Đồng thời bám sát mô hình, mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo đã xác định, các cấp mà đặt biệt là các khoa, đội ngũ cán bộ quản lý học viên đã tích cực nghiên cứu, đổi mới hình thức, phương pháp trong quản lý, giảng dạy. Quá trình lên lớp được coi là hình thức cơ bản, chủ đạo và quan trọng nhằm trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về khoa học lý luận, cũng như khoa học quân sự, truyền thụ kinh nghiệm và bồi dưỡng phong cách công tác cho học viên.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường, hầu hết các bài giảng đã chú trọng lý luận gắn liền với thực tiễn, tăng số tiết thực hành. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý đã chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, tổ chức các hoạt động ngoại khóa trong và ngoài đơn vị như: hoạt động dân vận, thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ… qua đó, tạo ra môi trường thị phạm giúp học viên hình thành, phát triển và hoàn thiện phong cách công tác theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường. Hằng năm, nhà trường tổ chức cho học viên đi thực tập ở các đơn vị cơ sở, đưa học viên vào hoạt động thực tiễn, giúp học viên vận dụng những kiến thức lý luận được trang bị vào thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, qua đó củng cố kiến thức, rèn luyện về phương pháp, tác phong và phong cách công tác của người chính trị viên ở học viên. Nhờ vậy, phong cách công tác của chính trị viên đã được hình thành, phát triển khá vững chắc và toàn diện ở học viên theo từng năm học.

Từ những kết quả đã đạt được của hoạt động bồi dưỡng phong cách công tác cho học viên ở Trường Đại học Chính trị thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu sau:

Một là, thường xuyên giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, các lực lượng tiến hành bồi dưỡng phong cách công tác của chính trị viên cho học viên.

Trong những năm qua, hầu hết cấp ủy, cán bộ chủ trì, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý học viên đã có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vị trí, vai trò của người chính trị viên, vai trò, tầm quan trọng của việc bồi dưỡng phong cách công tác của chính trị viên cho học viên, từ đó đã thống nhất nhận thức, nêu cao trách nhiệm về sự cần thiết phải bồi dưỡng phong cách công tác của chính trị viên cho học viên trong quá trình được đào tạo tại nhà trường.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng phong cách công tác của chính trị viên cho học viên cần quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị. Luôn quán triệt yêu cầu phẩm chất, năng lực, phong cách công tác của người chính trị viên vào mô hình, mục tiêu đào tạo chính trị viên của nhà trường trong tình hình mới, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, đáp ứng mục tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục – đào tạo. Các cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng, đội ngũ giảng viên, mà trực tiếp là giảng viên khoa Công tác đảng, công tác chính trị xác định rõ trách nhiệm của mình đối với việc bồi dưỡng phong cách công tác của chính trị viên cho học viên thông qua thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục – đào tạo, thực sự có tâm huyết trong giảng dạy và truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho học viên.

Các cấp ủy, chi bộ nhất là đảng ủy, tiểu đoàn, chi bộ lớp, đại đội quan tâm đúng mức đến công tác bồi dưỡng phong cách công tác của chính trị viên cho học viên. Thông qua công tác quản lý học viên, duy trì nền nếp, chế độ quy định, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội, quy định của nhà trường đặc biệt là các hoạt động ngoại khóa, chế độ luyện tập điều lệnh đội ngũ, các nền nếp, chế độ ngày, tuần, tháng để giúp học viên hình thành, rèn luyện phong cách công tác và trong công tác hằng ngày, đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý phải là tấm gương về phong cách công tác cho học viên học tập và làm theo.

Hai là, quá trình bồi dưỡng luôn quán triệt mô hình, mục tiêu đào tạo của nhà trường, tích cực đổi mới chương trình, nội dung đào tạo sát với chức trách, nhiệm vụ của người chính trị viên; phát huy tính tích cực, chủ động của học viên trong quá trình được đào tạo.

Đây là kinh nghiệm quan trọng trong bồi dưỡng phong cách công tác của chính trị viên cho học viên ở Trường Đại học Chính trị hiện nay. Bởi mô hình, mục tiêu đào tạo là cơ sở để xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, đề ra mục tiêu, cách thức quản lý, giáo dục, rèn luyện học viên; để cơ quan chức năng đề xuất xây dựng biên chế tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục – đào tạo, đội ngũ giảng viên và các tổ chức, các lực lượng của nhà trường có số lượng hợp lý, bảo đảm về chất lượng.

Trên cơ sở quán triệt mô hình, mục tiêu đào tạo, nhà trường tích cực đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như xây dựng chương trình, nội dung đào tạo sát với chức trách, nhiệm vụ của chính trị viên; kịp thời bổ sung, cập nhật những vấn đề mới liên quan đến yêu cầu về phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, phong cách làm việc của chính trị viên ở các đơn vị trong toàn quân vào chương trình, nội dung đào tạo. Đây là cơ sở để bồi dưỡng phong cách công tác của chính trị viên cho học viên. Cùng với việc quán triệt mô hình, mục tiêu đào tạo, đổi mới chương trình, nội dung đào tạo; cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý học viên đã phát huy vai trò, tính tích cực, chủ động của học viên trong quá trình học tập, tu dưỡng rèn luyện về phẩm chất, năng lực và phong cách công tác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ người học và trên cương vị chính trị viên sau khi ra trường.

Ba là, công tác bồi dưỡng phải tiến hành thường xuyên, liên tục; nội dung bồi dưỡng phải toàn diện, song có trọng tâm, trọng điểm; hình thức, phương pháp bồi dưỡng phong phú, đa dạng.

Thực tế cho thấy, những năm qua, phong cách công tác của chính trị viên được hình thành, phát triển trong suốt quá trình đào tạo của học viên, gắn với hoạt động bồi dưỡng, rèn luyện của tổ chức, mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ quản lý và sự tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi học viên. Phong cách công tác được hình thành, phát triển dựa trên phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác của người cán bộ theo yêu cầu của cương vị công tác, chức trách, nhiệm vụ được giao. Vì vậy, trong những năm qua, công tác bồi dưỡng phong cách công tác của chính trị viên cho học viên đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý học viên tiến hành thường xuyên, liên tục gắn với hoạt động giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Theo đó, nội dung bồi dưỡng phong cách công tác cho học viên bảo đảm tính khoa học, toàn diện, xác định rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần tập trung bồi dưỡng trong từng năm học. Qua từng giai đoạn, cải tiến cách thức, biện pháp tiến hành bồi dưỡng phù hợp với đặc điểm, trình độ của mỗi học viên trong năm học, khóa học, nhất là hình thức huấn luyện ngoại khóa, diễn tập, thực tập cuối khóa. Nhờ đó, giúp học viên nắm vững kiến thức, rèn luyện các kỹ năng, kỹ xảo, không ngừng phát triển, hoàn thiện phong cách công tác đáp ứng yêu cầu, chức trách, nhiệm vụ khi học tập cũng như sau khi ra trường.

Bốn là, coi trọng công tác sơ, tổng kết nhiệm vụ giáo dục – đào tạo, trên cơ sở đó tăng cường công tác bồi dưỡng phong cách công tác cho học viên khi kết thúc mỗi năm học, khóa học.

Đây là kinh nghiệm quan trọng trong quy trình đào tạo của nhà trường; thông qua sơ kết, tổng kết nhiệm vụ giáo dục – đào tạo, để kịp thời rút kinh nghiệm, phát huy những điểm mạnh, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo nói chung và trong công tác bồi dưỡng phong cách công tác cho học viên nói riêng.

Sau mỗi học kỳ, từng năm học, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường lãnh đạo, chỉ đạo, các cơ quan có hướng dẫn cụ thể, tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc công tác sơ kết, tổng kết nhiệm vụ giáo dục – đào tạo theo từng cấp nhằm kịp thời giải quyết những tồn tại, hạn chế, bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, có những kiến nghị, đề xuất với các cấp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo chính trị viên đáp ứng yêu cầu thực hiện chức trách, nhiệm vụ của chính trị viên trong tình hình mới. Thông qua hoạt động sơ kết, tổng kết để xác định những chủ trương, biện pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bồi dưỡng phong cách công tác cho học viên trong thời gian tiếp theo.

Hiện nay, trước sự phát triển của nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc theo Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 513/NQ-ĐUQSTƯ của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) đang đặt ra những đòi hỏi cao và toàn diện về bồi dưỡng phong cách công tác cho học viên nhằm đáp ứng yêu cầu chức trách, nhiệm vụ hiện nay. Do đó, nâng cao chất lượng bồi dưỡng phong cách công tác của chính trị viên cho học viên ở Trường Đại học Chính trị là nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng.

Tác giả: Nguyễn Văn Hùng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *