Kinh tế văn hóa trong phát triển du lịch hiện nay

Văn hóa thường được quan niệm là lĩnh vực phi kinh tế, phi sản xuất, nghĩa là trong lĩnh vực này các quá trình lao động không tạo ra giá trị và giá trị thặng dư, nhưng trong bối cảnh hội nhập hiện nay thì văn hóa đã trở thành đối tượng đặc biệt của kinh tế, đóng góp vào GDP của mỗi quốc gia. Trong đó, văn hóa đóng góp tỷ trọng không nhỏ vào nền kinh tế thông qua hoạt động du lịch. Vì vậy, cần có sự quan tâm đầu tư hợp lý cho lĩnh vực này trong giai đoạn phát triển mới nhằm đem lại sự phát triển chung cho nền kinh tế – xã hội là việc làm cấp thiết hiện nay.

Mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế

Trong tổng thể xã hội, cả bốn hệ thống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội phải nằm trong một chỉnh thể hữu cơ gắn bó, thúc đẩy lẫn nhau, không thể tách rời vì sự biệt lập từng bộ phận sẽ kéo lùi phát triển. Chỉ có sự phát triển nhịp nhàng giữa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và tạo ra sự phát triển hài hòa giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần mới bảo đảm cho thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Văn hóa phản ánh gương mặt tinh thần của nhân dân và trình độ văn minh của dân tộc, là lực lượng tinh thần và nhân tố trí lực có tác dụng thúc đẩy phát triển toàn diện xã hội.

Có thời gian dài nhiều người quan niệm văn hóa là lĩnh vực hoạt động phi kinh tế; nghĩa là trong lĩnh vực này, các quá trình lao động không tạo ra giá trị và giá trị thặng dư. Khi nền kinh tế của đất nước chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực văn hóa cũng biến động nhanh và có nhiều vấn đề đặt ra. Trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa, kinh tế và văn hóa có thể được xem là hai nguồn lực lớn nhất quy định hành vi của con người. Mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa cũng như văn hóa và phát triển không chỉ thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu mà còn của nhiều chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự chọn lựa tất nhiên để phát triển sức sản xuất xã hội nhằm tiến tới hiện đại hóa đất nước. Do đó, phát triển văn hóa tiên tiến song song với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực chất là để giải phóng và phát triển sức sản xuất xã hội, nhằm thỏa mãn nhu cầu văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Bởi vậy, cần nắm chắc quan điểm chỉ đạo cơ bản: chăm lo văn hóa là chăm lo xây dựng, củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh thì không có sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững và dù tiện nghi vật chất dồi dào, xã hội cũng không tránh khỏi nguy cơ suy thoái, biến chất. Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện.

Văn hóa không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực của sự phát triển kinh tế. Trong thời đại ngày nay, nguồn gốc của sự giàu có không chỉ là tài nguyên thiên nhiên, vốn, kỹ thuật mà yếu tố ngày càng quan trọng và quyết định là nguồn lực con người, tiềm năng sáng tạo của con người. Tiềm năng này nằm trong văn hóa, trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, nhân cách, lối sống, ý chí, nghị lực, tài năng và sự thành thạo công việc của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Tài nguyên quý nhất, cái vốn quý nhất là con người, văn hóa, nguồn lao động chất lượng cao, nhân tài trong kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa đất nước. Không ít quốc gia có tài nguyên thiên nhiên phong phú nhưng lại nghèo đói, trái lại có quốc gia tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn, nhưng kinh tế lại giàu có là nhờ coi trọng nâng cao dân trí, hun đúc dân khí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nghĩa là rất coi trọng văn hóa.

Xét cho cùng, vốn quý nhất là con người. Con người Việt Nam là sự kết tinh nền văn hóa Việt Nam, vì vậy quá trình xây dựng nền văn hóa cũng chính là quá trình thực hiện chiến lược con người, xây dựng và phát huy nguồn lực con người – nguồn lực nội sinh quan trọng của phát triển.

Tác động của văn hóa tới kinh tế thông qua hoạt động du lịch

Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày càng có nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa được đưa vào lưu thông trên thị trường. Cơ cấu ngành của lĩnh vực văn hóa ngày một phức tạp hơn. Văn hóa ngày nay không còn là thứ trang sức tốn kém, mà trở thành một ngành kinh tế công nghiệp đặc biệt, có khả năng tự trang trải và tạo ra lợi nhuận. Hoạt động du lịch trở thành một hoạt động có bản chất đôi: vừa là hoạt động văn hóa, vừa là hoạt động kinh tế. Là hoạt động kinh tế, du lịch làm chức năng xuất khẩu tại chỗ, thu ngoại tệ, đóng góp vào GDP đất nước. Là hoạt động văn hóa, du lịch thực hiện chức năng giáo dục các giá trị văn hóa dân tộc cho nhân dân, truyền bá giá trị văn hóa ra thế giới. Vì vậy, hoạt động du lịch thể hiện rõ nguyên lý: trong văn hóa có kinh tế – trong kinh tế có văn hóa.

Văn hóa trở thành ngành sản xuất – kinh doanh mang tính công nghiệp, chủ yếu là do sự tăng nhanh những nhu cầu tinh thần của con người và sự tác động của văn hóa tới chất lượng nguồn vốn con người; từ đó văn hóa tác động đến tăng trưởng kinh tế, chất lượng và môi trường sống.

Hiện nay, lĩnh vực hoạt động du lịch đã góp phần nâng cao những giá trị kinh tế trong văn hóa, đưa Việt Nam tham gia vào quá trình hội nhập mạnh mẽ của thế giới. Nếu trước đây, nhu cầu về du lịch cũng như hoạt động cung cấp sản phẩm du lịch chỉ mang tính chất thuần túy, phục vụ nhu cầu giản đơn của khách, thì hiện nay nó được thương mại hóa, đem lại giá trị kinh tế to lớn, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế của đất nước.

Khi xã hội phát triển, nhu cầu đời sống tinh thần được nâng cao, điều này tạo nên nhu cầu du lịch phong phú. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc giao lưu, tìm hiểu khám phá các nền văn hóa, địa danh văn hóa của con người ở nhiều quốc gia đang trở thành xu thế. Các nhu cầu cũng ngày một đa dạng hơn từ tham quan danh lam thắng cảnh thiên nhiên và lịch sử văn hóa, viện bảo tàng… đến các hình thức vận động thể thao, giải trí, học tập và chữa bệnh, kể cả du lịch kết hợp với công việc (hội thảo khoa học, tư vấn, tiếp cận thị trường…). Khi xác định được những giá trị phát triển văn hóa, kinh tế thông qua phát triển du lịch, Việt Nam đã có những chiến lược đầu tư và phát triển tiềm năng du lịch vốn có. Nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực, chất lượng cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động du lịch đã góp phần đem lại những giá trị kinh tế mới. Mặt khác, việc tạo nên những liên kết du lịch các vùng miền, phát huy triệt để lợi thế về mặt tài nguyên du lịch đã đem lại những giá trị kinh tế và văn hóa to lớn cho đất nước.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, các hoạt động văn hóa nghệ thuật ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Hoạt động thương mại hóa sản phẩm văn hóa mang chung mục đích văn hóa và kinh tế. Du lịch cũng không nằm ngoại lệ, thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật, hoạt động du lịch có tài nguyên để khai thác phục vụ du khách. Các hoạt động như việc trao đổi sản phẩm văn hóa nghệ thuật với nước ngoài được đẩy mạnh như: festival quốc tế, tham gia các cuộc thi âm nhạc quốc tế, ngày văn hóa Việt Nam tại các nước… Việt Nam đã phối hợp với các quốc gia để tạo ra một số sản phẩm văn hóa nghệ thuật chung như: các vở kịch chung giữa nghệ sĩ Việt Nam với nghệ sĩ Mỹ, Pháp; tác phẩm điện ảnh chung giữa Việt Nam với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật…

Đặc biệt việc khai thác một số loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc đã mang lại giá trị giao lưu văn hóa và kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế. Thông qua những hoạt động đó đã thu hút được nhiều khách du lịch tham quan trong và ngoài nước. Và chính từ những hoạt động này sẽ thu được nhiều lợi nhuận kinh tế bằng việc cung ứng các dịch vụ đi kèm trong suốt quá trình diễn ra sự kiện.

Các dịch vụ văn hóa du lịch hiện nay ngày một hiện đại, khoa học và mang tính thương mại hóa cao đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về số lượng và chất lượng của khách du lịch. Đây cũng chính là yếu tố góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, phát huy tiềm năng của từng khu du lịch.

 Tất cả hoạt động mang tính du lịch đã thu hút lượng khách và lượng đầu tư không nhỏ trong và ngoài nước, đem lại doanh thu về kinh tế. Một mặt, quảng bá được nền văn hóa, nét đặc trưng dân tộc tới bạn bè năm châu, mặt khác lại có được những khoản doanh thu khổng lồ. Điều này minh chứng rõ nét về văn hóa là đối tượng đặc biệt của kinh tế nhìn ở góc độ phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 – 2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ THANH NGA

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *