Kum jul trong văn hóa dân gian hàn quốc


Trong văn hóa dân gian Hàn Quốc, kum jul có vị trí rất quan trọng. Tất cả các sự vật như đường sơn, seo nang dang (1), tháp, cây cổ thụ, cột sot tae (2), con suối lớn trong làng,… đều có mặt kum jul, nhất là các dịp năm mới hay lễ hội. Đặc biệt, trong các nghi lễ kut (hoặc goot) (3) tại nhà các mudang (4) hay ma eul goot (5)… thì kum jul là vật không thể thiếu.

Theo tiếng Hàn, kum jul có nghĩa là dây thừng, một loại dây được bện bằng rơm, nhưng cũng có khi được tạo nên từ một chất liệu khác. Theo Joo Kang Huyn, ở những hòn đảo hiếm rơm, người ta có thể sử dụng một loại vật liệu khác, chẳng hạn cây sắn dây; các cư dân vùng Siberia thường sử dụng lông đuôi ngựa để làm kum jul, trong khi đó ở Mông Cổ, kum jul lại được bện bằng lông thú (6).

 

1. Kum-jul với vai trò là vật để xác định khu vực thiêng

 

Vào dịp năm mới, người Hàn thường có những nghi lễ mang màu sắc tâm linh. Một trong những nghi lễ ấy là treo kum jul ở nhà, quanh nhà, trên những tảng đá lớn, các ngả đường đi…, đặc biệt là tại khu vực tổ chức ma eul goot.

Kum jul là nét văn hóa nghi lễ độc đáo đã ăn vào tiềm thức dân tộc Hàn. Vì thế, việc bện dây và căng dây ngay từ đầu đã được xác định là một công việc hết sức linh thiêng, nghiêm túc. Trước khi thực hiện thao tác này, người ta phải tắm gội sạch sẽ, và bện kum jul bằng tấm lòng thành kính, gửi gắm vào đó những mong mỏi cho một năm mới an khang thịnh vượng. Chính vì tính chất linh thiêng đó mà việc bện kum jul nhân dịp năm mới không chỉ đơn thuần là quá trình chuẩn bị cho ma eul goot mà chính là cốt lõi của nghi lễ này.

Chuẩn bị xong, người ta treo kum jul ở cổng làng. Ngoài mục đích phân định ranh giới giữa thiêngtục, sự có mặt của kum jul trong mỗi dịp ma eul goot còn được xem là một hình thức ngăn cản sự xâm nhập của các tạp thần và báo hiệu cho người ngoài làng không được phép bước qua cổng làng, nếu không sẽ bị thánh vật. Nói cách khác, kum jul đã được linh thiêng hóa trở thành vị thần bảo vệ khu vực thiêng liêng. Trong không gian linh thiêng ấy, toàn bộ dân làng sẽ tiến hành các nghi lễ để cầu mong sự bình an, được mùa… cho làng và cùng nhau mở hội. Với tất cả ý nghĩa trên, kum jul đã trở thành vật trung gian trong lễ cúng tế được tổ chức vào năm mới, thời khắc quan trọng nhất của một năm. Sau buổi lễ, người ta sẽ dỡ kum jul xuống.

Vốn là những quốc gia đồng chủng đồng văn nên vào dịp năm mới, không chỉ người Hàn mà người Nhật cũng có kum jul. Theo Eiichi Aoki để chuẩn bị cho thời khắc quan trọng này, những người phụ nữ Nhật thường chuẩn bị trang hoàng nhà cửa theo nghi thức truyền thống với một số thứ như shide – các dải giấy trắng, kadomatsu – bó cành cây dùng để đặt bên cạnh lối vào nhà, kagamimochi – bánh bột gạo tròn hoặc dẹt, sake – rượu gạo, hồng vàng… Bên cạnh đó, một thứ không thể thiếu là shimenawa – dây rơm thắt linh thiêng. Một dây linh thiêng bao gồm sự kết hợp giữa shimenawa với shide sẽ được treo trước cửa nhà để phân định ranh giới tạm thời của toshigami (7) và tránh tà ma xấu vào nhà.

Về cơ bản, kum jul của người Hàn và shimenawa của người Nhật trong dịp năm mới đều là vật để phân định khu vực thiêng với nơi trần tục (tất nhiên là trong một khoảng thời gian nhất định), để xua đuổi tà ma, tạp thần. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, kum jul của người Hàn, người Nhật hay người Mông Cổ vẫn có những điểm không hoàn toàn giống nhau. Nếu như ở Hàn Quốc, chức năng chủ yếu của kum jul là phân định khu vực cấm và khu vực thiêng; thì ở Nhật Bản nó còn được dùng làm ranh giới giữa làng này với làng khác, làm sạch đền thờ, cấm vào nhà mới…

Trong các nghi lễ truyền thống ở Hàn Quốc, ngoài ma eul goot, trong nhiều trường hợp khác, sự xuất hiện của kum-jul là không thể thiếu, chẳng hạn, trong các nghi lễ goot (thường được tổ chức tại nhà các mudang), lễ tế thần làng jang seung (8)… Vẫn là chức năng phân định khu vực thiêng tục, song kum jul trong lễ tế thần làng jang seung có điểm đặc biệt bởi nó thường không được làm nhẵn mà để những cọng rơm nhô ra lởm chởm như gai. Điều này không khó hiểu bởi, nhân vật chính trong nghi lễ tế jang seung vốn là các vị thần có khuôn mặt rất dữ tợn để xua đuổi tà ma, bảo vệ dân làng. Do đó, các vật dụng chuẩn bị cúng các vị này phải phù hợp với đối tượng mà chúng phục vụ, kum-jul cũng không ngoại lệ.

2. Kum jul với vai trò là tín hiệu báo khu vực cấm kỵ

 

Trước đây, khi người phụ nữ Hàn đến kỳ sinh nở, các bà mụ cần phải chuẩn bị rong biển, chiếc kéo, sợi chỉ, thau đựng, nước ấm, than củi cành thông, quả ớt đỏ… Ngoài các vật đó, những người đàn ông còn phải thực hiện một công việc rất quan trọng khác (chỉ đàn ông mới được làm mà thôi) là bện những sợi dây bằng rơm sạch, đó là kum jul.

Sau khi sinh, tùy theo là trai hay gái, người ta sẽ điểm thêm một số thứ khác vào cái dây thừng đó. Nếu là con trai thì thêm cành thông và quả ớt đỏ; nếu là con gái thì sử dụng cành thông với cục than. Quả ớt đỏ theo tiếng Hàn là kochu; không chỉ tượng trưng cho nam nhi (bộ phận sinh dục nam) mà màu đỏ còn có ý nghĩa để xua đuổi ma quỷ. Than củi là vật có tác dụng thanh lọc như đồ lọc của máy lọc nước và lá thông – điểm chung giữa kum jul của cả bé trai và gái sau khi sinh – tượng trưng cho sự sống bất diệt. Ngoài ra, tùy theo các tín ngưỡng khác nhau, người Hàn còn sử dụng giấy gió, quả bầu, mai cua hoặc những viên đá nhỏ…

Tiếp đến, một người trong gia đình sẽ treo kum jul đó lên cổng nhà. Đối với người Hàn, khi nhìn thấy kum jul loại này, họ sẽ hiểu ngay được rằng gia đình đó đang có em bé mới sinh, việc người lạ vào nhà trong 3 tuần đầu là không thể. Với ý nghĩa đó, kum jul trở thành tín hiệu báo khu vực cấm kỵ. Tất nhiên, sợi dây này không treo mãi mà sau 21 ngày, theo phong tục, nó sẽ được dỡ xuống.

Trong vai trò là tín hiệu báo khu vực cấm kỵ, ngoài việc treo ở những nơi có em bé mới ra đời, người Hàn còn buộc kum jul vào chum tương, chum ủ rượu, cùng với ớt, giấy gió hoặc than củi… Chẳng cần có kum jul, chúng ta cũng có thể hiểu rằng việc làm tương hay các loại đồ ăn thức uống lên men ở Hàn Quốc (đặc biệt là kim chi) là rất phổ biến. Chúng đã góp phần quan trọng không nhỏ trong việc tạo ra một nền văn hóa ẩm thực đầy màu sắc của quốc gia này; trong đó kim chi được xem là quốc bảo của dân tộc Hàn. Nếu người lạ vô tình mở nắp đậy khi tương hay men rượu chưa đạt độ chín sẽ ảnh hưởng không tốt tới quá trình lên men của sản phẩm. Chỉ có những bà nội trợ trực tiếp làm các sản phẩm này mới biết khoảng thời gian chính xác được sử dụng các loại thực phẩm trên (đó cũng là lúc kum jul có thể được tháo ra). Trên tinh thần ấy, kum jul trở thành tác nhân quan trọng góp phần vào quá trình gìn giữ và bảo quản thức ăn. Bởi, khi đã nhìn thấy kum jul quấn quanh chum tương hay chum rượu, người lạ hay ma quỷ không thể xâm phạm được. Hơn thế, đối với người Hàn, một khi chum tương đã được quấn kum jul thì không còn đơn thuần chỉ còn là cái chum sành nữa mà đã trở thành điện thờ thần Cheol ryong (9).

 

3. Kum jul trong tín ngưỡng phồn thực

Dù được làm từ những thứ rất đời thường như cọng rơm, mảnh giấy gió, quả ớt, cục than…, song khi nó được bện lên với sự gửi gắm niềm tin, mong muốn của con người đối với thế giới thần thánh, thì kum jul không còn là thứ đời thường, trần tục nữa mà trở thành vật linh thiêng. Tuy nhiên, trong trò chơi kéo co, thường được thi thố giữa hai làng với nhau, vai trò của kum jul lại có những điểm khác biệt.

Trước hết, kum jul dùng trong kéo co thường to hơn nhiều so với các loại kum jul khác. Đầu dây được làm hình tròn với đường kính từ 50 – 60 cm, phần còn lại là tay nắm của dây đơn hoặc dây đôi. Người ta làm dây đôi bằng cách nối hai đoạn dây của hai làng với nhau.

Thứ hai, đối với kum jul dùng trong kéo co, người ta phân chia làm hai loại; phía đông gọi là đầu nam sutjul hay dây đực, phía tây gọi là đầu nữ am jul hay dây cái. Ở giữa dây đực dây cái cắm một cái trâm bằng cây gỗ dài. Ai cũng có thể hình dung ra hình ảnh nam nữ kết hợp. Nhiều khi muốn cho đội mình thắng, những người cổ vũ lại đùa cợt rằng “mạnh thêm tí nữa”. Cuộc vui càng thêm sôi động với những trận cười dài. Theo Joo Kang Huyn, ở làng Ban gye, thôn U dong, xã Bo an, huyện Bu an, người ta còn để chú rể cưỡi lên mỗi bên dây đực và dây cái rồi đi quanh một vòng. Cùng với chú rể là cô dâu với chiếc jokturi – mão miện cho cô dâu trong đám cưới truyền thống. Đây chính là hình ảnh rõ ràng nhất về sự kết hợp nam nữ.

Một đặc điểm đáng chú ý là: dù mang tính chất thi đấu giữa hai đội, hai làng, song bao giờ người ta cũng cố ý để cho đội nữ thắng. Bởi theo quan niệm của họ, chỉ khi đội nữ thắng thì năm đó dân làng mới được mùa. Do đó, hai đội sẽ tìm mọi cách để thực hiện điều này (tất nhiên là phải khéo léo). Chẳng hạn, nếu là trẻ con tham gia thi đấu thì dù là nam cũng được xếp vào đội nữ. Có lẽ việc lý giải nguyên nhân của hành động này không gì khác ngoài quan niệm coi phụ nữ tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Thậm chí, đối với người đi biển, nếu cắt những mẩu nhỏ từ chiếc dây cái thắng trận để treo lên thuyền thì năm đó đi biển sẽ không gặp giông bão, tôm cá đầy thuyền…

Có thể thấy, kum jul đã trở thành hạt nhân của tín ngưỡng phồn thực – một loại hình tín ngưỡng rất phổ biến của cư dân nông nghiệp nhằm cầu mong cho mùa màng tươi tốt, hoa trái xum xuê, con đàn cháu đống. Rõ ràng, kum jul đã thoát ra khỏi cái gọi là thiêng liêng khiến con người sợ hãi không dám bước qua ngưỡng ngăn cách của sợi dây nhỏ bé nhưng chứa đầy thần lực này mà đã trở thành thứ để con người có thể cầm nắm, co kéo trong trò chơi kéo co. Bản thân nó cùng với cây trâm gỗ được chọc giữa hai đầu dây đã khiến người ta liên tưởng tới sự kết hợp nam nữ – một hành động giúp con người bảo tồn nòi giống, song không dễ được chấp nhận khi nó diễn ra ngoài chốn buồng the.

Ngoài tín ngưỡng phồn thực, từ rất lâu kum jul còn xuất hiện trong nghi lễ cầu mưa của người Hàn. Để thực hiện nghi thức này, người ta buộc vào kum jul một cái chai đổ đầy nước, sau đó cắm cành liễu vào miệng chai rồi tiến hành lễ hội cầu mưa cho đến khi nước trong bình cạn hết. Kum jul trong trường hợp này vẫn là vật trung gian để ngăn cách giữa cái thiêng và cái tục, tất nhiên chỉ trong phạm rất hẹp, cái miệng chai, nơi mà thần thánh đang chứng kiến sự cạn kiệt trầm trọng của nguồn nước.

Tại sao cùng là chiếc dây được làm từ những cọng rơm nhỏ bé mà bối cảnh sử dụng và ý nghĩa tượng trưng của chúng lại không giống nhau?

Trước hết, không đơn thuần chỉ là cái dây rơm đơn giản, trong những bối cảnh, mục đích sử dụng khác nhau, kum jul còn được kết hợp với một vài phụ kiện khác nữa. Chẳng hạn, kum jul khi được dùng với vai trò phân định khu vực thiêng có thêm giấy gió, vải ngũ sắc; kum jul với mục đích báo hiệu khu vực cấm nơi các em bé mới sinh xuất hiện thêm cành thông, quả ớt, cục than… Trường hợp kum jul trong trò chơi kéo co cũng là một ví dụ tương tự. Nó cũng không chỉ là chiếc dây thừng đơn thuần mà thường được cắm thêm vào đoạn nối hai sợi dây một chiếc trâm gỗ (biểu tượng cho bộ phận sinh dục nam).

Thứ hai, từ sự linh thiêng hóa trong khi báo hiệu khu vực thiêng, hay khiến người ta phải dừng bước trước khu vực cấm; kum jul trong trò chơi kéo co lại được trần tục hóa để trở thành vật mà con người có thể cầm nắm, co kéo; theo chúng tôi căn nguyên của vấn đề này nằm ở việc giải nghĩa tính hai mặt của một chỉnh thể thống nhất.

Ở Việt Nam, chắc nhiều người không còn xa lạ với một hình thức thờ tự thể hiện sinh động nhất tín ngưỡng phồn thực đó là linga-yoni. Về mặt hình thức, linga-yoni tượng trưng cho hai bộ phận sinh dục nam nữ, là những thứ có thể kết hợp với nhau để duy trì nòi giống cho con người, vạn vật. Tuy nhiên, khi hai vật tượng trưng ấy được con người lựa chọn để thờ phụng nhằm cầu mong con đàn cháu đống thì yếu tố linh thiêng đã chiếm vị trí trọn vẹn trong loại hình thờ tự này.

Joo Kang Huyn đã cho chúng ta biết về loại hình tín ngưỡng phồn thực của người Hàn với những sắc thái biểu hiện có phần lộ liễu và sinh động hơn người Việt rất nhiều, đặc biệt là ở các làng Shin nam và Po goo thuộc xã Won deok, thành phố Sam cheok. Tại các làng này đều có các he rang dang – miếu thờ thành hoàng, trong đó có vẽ hình một cô gái xinh đẹp gọi là Seo nang. Theo tục lệ, mỗi năm dân làng sẽ cúng tế và dâng cho Seo nang những chiếc sinh thực khí nam (được đẽo bằng gỗ). Thậm chí người ta còn kết chuỗi những sinh thực khí nam bằng gỗ để thả xuống biển. Căn nguyên của tục lệ này xuất phát từ một huyền thoại vốn có từ xa xưa của dân chúng nơi đây, rằng, thời xưa, dân chúng những làng này thường ra đảo Bạch bắt nghêu. Bỗng nhiên có một cơn gió lớn nổi lên, trong lúc hoảng loạn, 4 cô gái đồng trinh không vững tay chèo khiến thuyền bị lật, về sau, cứ mỗi lần trai làng đi biển đều gặp bão và chết. Ban đầu chưa rõ nguyên nhân, nhưng lâu dần bí mật của vụ việc đã hé lộ: đó là do sự giận dữ của 4 cô gái đồng trinh đó. Để giải quyết tình trạng bất thường trên, một bí quyết được dân làng sử dụng là dâng cho các cô những chiếc dương vật bằng gỗ trầm to như cẳng tay, thậm chí còn sơn thêm đất đỏ cho gần giống cái ấy, rồi thả xuống biển, lập tức trời yên, biển lặng thật. Không những thế, sau mỗi chuyến đi biển tôm cá lại đầy thuyền.

Ngoài hiện tượng khá lộ liễu trên đây, liên quan tới tín ngưỡng phồn thực ở Hàn tộc còn có hiện tượng dương vật hóa Phật Di Lặc. Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ xuất phát từ xã hội Choson khi Nho giáo ngày càng chiếm vị trí độc tôn. Với quan niệm nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô, rất nhiều phụ nữ Hàn đã đi chùa để cầu Phật Di Lặc phù hộ. Để linh nghiệm hơn, tượng Di Lặc đã được tạc càng ngày càng giống với của quý của đàn ông (10). Như vậy, việc cầu khẩn con trai từ Phật Di Lặc kiểu này cũng chẳng khác là bao so với hình thức thờ tự và cầu khẩn từ linga-yoni của người Việt và nhiều cư dân nông nghiệp khác. Ngoài ra, một số thạch jang seung của người Hàn cũng được tạc dưới dạng sinh thực khí nam, tiêu biểu là hình ảnh thần làng hurubang, được tạc dưới dạng ông già với chiếc mũ bất ly trên đầu tại nhiều nơi trên đảo Jeju.

Cũng như ở Việt Nam, tính chất thiêng – tục thể hiện trong một sự vật, hiện tượng ở Hàn Quốc là khá phổ biến. Kum jul cũng vậy. Vốn được tạo thành từ những cọng rơm – một sản phẩm của nền nông nghiệp trồng lúa, một nền kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào điều khiện thời tiết, nên việc cầu cho mưa thuận gió hòa chiếm gần như toàn bộ nội dung các nghi lễ tế thần của cư dân nông nghiệp nói chung và dân tộc Hàn nói riêng. Từ vai trò là sợi dây mang đầy thần lực và linh thiêng trong các lễ tế đến sợi dây mang đầy tính trần tục trong trò chơi kéo co của kum jul, thực chất là sự chuyển thể, hay nói đúng hơn là tính hai mặt thiêng – tục của một sự vật. Cuối cùng, dù trần tục hay linh thiêng thì sự xuất hiện của kum jul đều có mẫu số chung, đó là thông qua sức mạnh vô hình và khả năng đặc biệt của kum jul, con người muốn cầu mong một cuộc sống bình yên, no đủ, hạnh phúc cả về vật chất và tinh thần.

Như nhiều hiện tượng văn hóa dân gian khác, kum jul đã đóng một vai trò không nhỏ trong đời sống tinh thần của cư dân Hàn. Song, do những nguyên nhân khác nhau mà hiện nay, văn hóa kum jul đã và đang có biểu hiện bị mai một, nó chỉ còn được nhận biết ở một số miền quê nước Hàn. Câu hỏi được đặt ra là nên hay không bảo tồn và phát huy những giá trị tinh thần do kum jul mang lại? Xin mượn lời Joo Kang Huyn, một nhà nghiên cứu, một công dân Hàn tộc, để thay lời kết: “Con người không thể làm mất đi tinh thần của văn hóa kum jul. Việc tìm lại thánh vực xưa, tức là kum jul đã từng tồn tại như một tín ngưỡng trong đời sống dân tộc, chính là việc giữ gìn di sản văn hóa tinh thần của dân tộc” (11).

_______________

1. Nơi thờ thành hoàng

2. Cột được dựng ở đầu làng, thường có bộ 3 con vịt, ngỗng hoặc chim ở trên đỉnh (là 1 trong bộ ba biểu tượng của một làng Hàn truyền thống gồm: cột jang seung, cột sot tae seo nang dang).

3. Một nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng Shaman giáo hay Vu giáo của người Hàn. Nó tương tự như nghi lễ lên đồng trong tín ngưỡng tứ phủ của Việt Nam. Song, điểm khác biệt cơ bản giữa kutlên đồng là: Nếu lên đồng là hình thức thánh nhập để phán truyền; thì ở nghi lễ kut, các ông đồng bà đồng xuất đi để gặp các thánh thần hỏi ý kiến về những điều các đệ tử muốn biết.

4. Là người có khả năng thực hiện các nghi lễ kut, giống như các ông đồng, bà đồng của Việt Nam.

5. Nghi lễ cúng tế của làng (ma ul theo tiếng Hàn nghĩa là làng). Do đó, ma ul goot thường được tổ chức tại một địa điểm chung của cả làng.

6, 11. Joo Kang Huyn, Văn hóa Hàn Quốc, những điều bí ẩn, tập 1, Nxb Hankire, Seoul (chữ Hàn), 2006, tr.64, 74. Bản dịch sơ thảo của Ths Thân Thị Thúy Hiền, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Đà Lạt.

7. Toshigami là vị thần bảo vệ của người Nhật (gia thần).

8. Là vị thần làng của người Hàn, thường được làm bằng những thân cây dựng ngược, trên đó người ta chạm khắc những khuôn mặt dữ tợn với mục đích xua đuổi tà ma để bảo vệ cho làng. Ngoài ra, jangseung có thể là những cột đá tạc hình người.

9. Từ mà người Hàn dùng để chỉ chung các vị thần linh thiêng ở trên trời

           10. Cao Thế Trình, Tìm hiểu dấu tích tín ngưỡng phồn thực (Saeng sik ki sin ang) ở người Hàn, Tạp chí Đông Bắc Á, số 1 (95) – 2009, tr.63-69.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 319, tháng 1-2011

Tác giả : Bùi Thị Thoa

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *