Trong Mùi đu đủ xanh, bên cạnh cảm nhận về thân phận con người, đạo diễn còn dẫn dắt người xem đến với những cảm nhận tinh tế về thiên nhiên. Những khuôn hình cận – đặc tả, đã chỉ cho ta những vẻ đẹp thú vị ở những con vật, sự vật bình thường, bé nhỏ. Qua đó, người xem khám phá ra vẻ đẹp trong sáng, thuần khiết của tâm hồn con người Việt Nam: biết yêu và trân trọng những điều kỳ diệu của thiên nhiên. Khán giả yêu mến tâm hồn ấy qua hình ảnh cô bé Mùi ngây thơ, dường như luôn ngạc nhiên trước mọi thứ diễn ra quanh mình. Hình ảnh Mùi tròn xoe mắt nhìn những giọt nhựa đu đủ trắng như sữa nhỏ xuống tán lá xanh, hay thích thú ngắm nhìn những cái hạt xinh xắn trong trái xanh là những khuôn hình giàu sức biểu cảm và gợi lên sự trong sáng, thuần khiết. Ở đây, đôi mắt quay phim của Trần Anh Hùng đã thôi thúc đạo diễn liên tục dùng cận ảnh như những hình ảnh ẩn dụ để nói lên sức ép nội tâm: Đàn kiến ngoi ngoai thoi thóp trong đống sáp nến khêu lên tâm trạng khốc liệt của thiếu nữ vị thành niên, muốn phá phách, muốn tận diệt những bất công xã hội mà mẹ nó suốt đời phải chịu bằng cách trút đổ những dòng sáp chảy lên đầu con kiến. Rồi đôi mắt long lanh như hai vì sao của đứa bé gái, chiếu hậu vào mặt trái cuộc đời. Cảm giác trườn trượt của những con ễnh ương, trong vũng lầy ẩm ướt, ẩn giấu khát vọng dục tình trong đêm khuya…
Sẽ là thiếu sót nếu bỏ quên một điều đã tạo nên bức tranh tuyệt đẹp này, đó là màu sắc và góc máy. Dễ dàng nhận ra cách xử lý hình ảnh cực kỳ tỉ mỉ và trau chuốt. Ấn tượng nhất có lẽ là cảnh quay khuôn mặt Mùi khi nhìn lên bức ảnh cô bé đã mất. Khuôn mặt ẩn trong bóng râm, một luồng sáng nhỏ hắt lên mái tóc, cảnh phía sau nhòe đi, làm bật lên đôi mắt rất có hồn. Một cảnh quay có giá trị nghệ thuật cao, nói lên nét đẹp của Mùi bằng một sự im lặng đầy ám ảnh. Màu sắc phim có tác dụng như một nhân vật ẩn, cực kỳ sống động.
Tông màu vàng được sử dụng khá nhiều (sàn nhà, bức tường), xen lẫn với các màu sắc khác, tạo ra sự tương phản, nổi bật. Hình ảnh chủ đề của phim, mủ đu đủ trắng chảy trên thân quả xanh, tạo ấn tượng thị giác mạnh. Mùi đu đủ xanh là thứ mùi dân dã, bình dị, mà khó quên, khơi gợi lên nét đẹp của Mùi, và nét đẹp của cả bộ phim.
Một yếu tố nữa cũng có vai trò rất quan trọng làm nên tiết tấu monotone – đó là kỹ thuật và nghệ thuật quay phim. Kết hợp với chuyển động từ từ của nhân vật, máy quay cũng thường di chuyển chậm theo chiều tiến của nhân vật – thường theo chiều ngang. Cách quay ấy rất phù hợp với diễn xuất từ tốn, nhẹ nhàng của diễn viên cũng như với không khí chung của bộ phim. Trần Anh Hùng đã thể hiện những quan sát tinh tế của mình qua những khuôn hình cận và đặc tả được sử dụng rất nhiều trong phim. Đó như những cái nhìn ghi nhận tỉ mỉ về thiên nhiên, vì thế máy quay thường đứng yên tạo nên những cảnh tĩnh khá lâu. Chậm từ những cách triển khai đầu mỗi cảnh phim, góc máy thường đứng im rồi di chuyển dần theo hướng di chuyển của nhân vật. Những cảnh khá dài ấy lại thường được đặt nối tiếp với nhau, làm cho hiệu quả tiết tấu chậm càng rõ hơn.
Trong Mùi đu đủ xanh, cái được chăm chút nhất chính là, thông qua những chuyển biến của cảnh quay, truyền đạt cái đẹp truyền thống, cái đẹp của những chi tiết nhỏ nhoi. Trần Anh Hùng đã diễn tả những thầm lặng ấy bằng caméra trực chỉ. Quan tâm đặc biệt về xử lý kỹ thuật trong nghệ thuật xây dựng khuôn hình nằm ở đôi mắt camera và chính là bí quyết của Trần Anh Hùng. Chính đôi mắt ấy đã làm cho khán giả như ngửi thấy mùi lá cây, hoa cỏ, mưa, đu đủ… và cả mùi khổ đau của con người. Chính đôi mắt caméra ấy đã chiếu vào nội tâm của sự vật, của các vấn đề: từ hạt sương mai, giọt nhựa đu đủ, qua những con kiến, con cóc, con ễnh ương… đến những giọt nước mưa long lanh trên lá…
6. Tạo hình thông qua nghệ thuật cắt dựng phim (montage)
Montage chiếm vị trí hàng đầu trong các biện pháp thể hiện hình tượng điện ảnh, mở ra con đường biểu hiện độc đáo, đầy năng động đối với việc sắp xếp các chuỗi hình ảnh và âm thanh trong phim. Nguyên tắc quan trọng trong kỹ thuật montage là tuân thủ mối quan hệ nội tại trong quá trình ghép nối khuôn hình này với khuôn hình khác, sao cho thuận với tiến trình hình thành và phát triển hình tượng tác phẩm. Ghi hình lên phim là hình thức đặc trưng cơ bản của điện ảnh, do đó sức mạnh của nghệ thuật điện ảnh chỉ có thể có được từ sự cấu thành phức tạp và năng lực thể hiện trong nội dung mỗi khuôn hình. Một khuôn hình đơn lẻ, dù có ý nghĩa đặc biệt, vẫn chưa thể biểu hiện đầy đủ ý nghĩa của nó trong bộ phim. Nó chỉ được xác định bởi vị trí của khuôn hình ấy với các khuôn hình khác thông qua thao tác dựng phim. Vì vậy montage là thao tác sáng tạo tinh tế, hết sức đa dạng trong quá trình chế tác tác phẩm điện ảnh.
Có thể khẳng định mọi hình ảnh đều có sẵn xu hướng nêu bật lên những ý nghĩa nào đó khi được gắn kết với các hình ảnh khác. Nghệ thuật dựng phim không những có khả năng gợi liên tưởng mà còn trình diễn những liên tưởng ấy – nghĩa là biểu đạt những hình ảnh thể hiện tư duy, nội tâm khó thể hiện một cách rành mạch bằng từ ngữ. Cùng với khuôn hình, montage tạo nên ngôn ngữ điện ảnh, làm công cụ biểu đạt hình tượng điện ảnh và được coi là hình thức và phương pháp cấu thành tác phẩm điện ảnh. Montage còn tạo nên tiết tấu, một trong những yếu tố quan trọng hình thành phong cách. Tiết tấu không chỉ thể hiện kết cấu thời gian, nó còn là một trong những nhân tố quan trọng nhất đem đến sự sống động cho tác phẩm điện ảnh. Giống như hội họa, âm nhạc, văn học… hạt nhân tiết tấu tồn tại ngay trong kết cấu của các đơn nguyên khác nhau cấu thành tác phẩm điện ảnh. Với điện ảnh, về bản chất, không gian trong phim là không gian vật lý đã được montage, được tổ hợp lại. Thông qua việc kết nối các khuôn hình đề hoàn thành sự điều chỉnh khuôn hình trong đoạn phim được montage cố định, là phương pháp xử lý thường thấy. Việc cắt nối còn tạo nên mối quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau giữa montage song song với montage đan chéo khi kết nối đoạn này với đoạn khác, từ đó làm nảy sinh sự so sánh tiết tấu giữa đoạn này với đoạn kia, theo các phương thức tạo hình qua: montage thuật kể, montage trữ tình, montage tư tưởng, montage lý tính… Hiệu quả dựng phim tạo ra nhịp điệu – từ đó không chỉ tạo nên phong cách riêng của mỗi tác giả, mà cả phong cách của tác phẩm. Phong cách là yếu tố quan trọng xác lập phương thức thể hiện; trong khi đó, chính phương thức lại là một trong những yếu tố hình thành phong cách.
Mùi đu đủ xanh là một câu chuyện đơn giản. Về tình tiết và nhân vật, đạo diễn tựa hồ rất lơ đễnh, không cố ý sắp đặt. Nghệ thuật dựng phim nối tiếp, nhẩn nha, chậm rãi với những khuôn hình chắt lọc đầy biểu cảm về ánh sáng, màu sắc, chất liệu, độ thấu thị gần, xa…đã tạo nên những trường đoạn phim như đang lần mở nhẩm đọc từng trang nhật ký. Tiết tấu bộ phim thật chậm, những trích điểm của đời sống được đạo diễn cố ý biểu hiện, trở thành những đường nét giàu mỹ cảm, như họa như thơ, khiến người ta bất giác ngóng về một cuộc sống như thế, một cuộc sống có hoa, chim, côn trùng, cá…
7. Phương thức tạo hình thông qua kỹ thuật, nghệ thuật xử lý âm thanh
Hiệu quả của nghệ thuật gọi tiếng cho hình cho ta nhận diện phương thức tạo hình bằng âm thanh thông qua hiệu quả biểu đạt của: âm nhạc, giọng đối thoại của các nhân vật khi giao tiếp, xung đột; hiệu quả tiếng động khác nhau từ vạn vật; tạo nên sự liên tưởng về tạo hình khác nhau. Âm thanh tự nhiên vốn là một phức hợp hỗn tạp. Khi vào phim, nó được xếp đặt, tỉa chọn và thể hiện theo những tầng bậc mà nội dung tác phẩm đòi hỏi. Ta có thể nhận biết, phân biệt các loại âm thanh khác nhau, nhưng không dễ dàng phát hiện nguồn gốc của chúng. Do đó, nghệ thuật dựng âm thanh có nhiệm vụ giúp người xem phân biệt rõ ràng nguồn gốc âm thanh. Âm thanh trong điện ảnh ngày càng được coi trọng, được các tác giả khai thác triệt để. Nhiều bộ phim hiện đại có chức danh giám đốc âm thanh và có kịch bản phân cảnh âm thanh riêng.
Tác dụng tả ý của âm thanh điện ảnh thể hiện trước tiên trong việc đưa âm nhạc vào phim. Âm nhạc trong phim có vai trò đa dạng và tích cực trong việc kết hợp với hình ảnh mô tả tâm trạng, tâm lý nhân vật cũng như hoàn cảnh câu chuyện phim. Âm nhạc thật vi diệu khi được phối hợp hài hòa với hình ảnh, tác động sâu mạnh đến hấp lực của phim. Do đó, công năng tả thực của âm thanh điện ảnh, tức là phẩm chất hiện thực của nó, luôn nổi bật trong sáng tác điện ảnh. Âm thanh đóng vai trò mở rộng không gian khuôn hình cũng như thúc đẩy khả năng biểu hiện ý nghĩa tâm lý. Điều quan trọng là phải tìm được cách xử lý chính xác, tạo được sức mạnh khơi gợi trong mối quan hệ giữa sức biểu hiện của âm thanh với nội dung thực tế của khuôn hình. Thông thường thì âm thanh song hành với hình ảnh, lý giải hoặc nâng đỡ hình ảnh một cách hài hòa. Nếu âm thanh bị lạm dụng quá độ sẽ làm nó trật lấc và xa lìa hình ảnh. Như đã biết, điện ảnh dựa vào mặt phẳng hai chiều để sáng tạo ra ảo giác ba chiều. Và cùng với nó, âm thanh là phương tiện quan trọng biến tác phẩm điện ảnh thành sản phẩm nghe nhìn ba chiều. Âm thanh điện ảnh, qua cảm nhận của người xem, dường như có khả năng mở rộng nội dung hình ảnh ra ngoài khuôn hình, và cái không gian bên ngoài khuôn hình vừa được hình thành ấy luôn có quan hệ mật thiết với không gian và thời gian trong phim. Có thể thấy rằng, âm thanh là một thành tố biểu hiện hết sức năng động của điện ảnh, vừa độc lập với hình ảnh, vừa có thể dung hợp với hình ảnh; từ đó thực hiện chức năng thuật kể, miêu tả, khơi gợi thế giới hiện thực và thế giới siêu thực vốn sẵn có trong tiềm thức của người xem để nâng cảm xúc thăng hoa.
Một số loại hình âm thanh thường thấy trang phim gồm: tiếng người (thở dài, tiếng ho, tiếng rên khóc, tiếng thét, tiếng cười,… làm nổi bật hoàn cảnh, tạo ra bầu không khí có tính kịch hoặc biểu lộ trạng thái nội tâm của nhân vật, nhằm tô đậm cảm xúc chân thật); đối thoại (ngôn từ của nhân vật thể hiện thân phận của nhân vật, biểu hiện tư tưởng của họ và mối quan hệ giữa họ với nhau); độc thoại nội tâm (những lời thốt ra từ suy nghĩ, chủ yếu dùng trạng thái tình cảm, tâm tư sâu kín và hoạt động tâm lý đầy uẩn khúc của nhân vật); đối thoại nội tâm (thủ pháp thể hiện độc đáo của điện ảnh có tác dụng khắc họa chi tiết, cận cảnh thế giới nội tâm của nhân vật, trình diễn sự giao lưu ở tầng ý thức ngầm giữa các nhân vật, mang tính kịch); tiếng ngoại hình (lời thoại của các nhân vật đang tham gia vào câu chuyện phim, nhưng lúc đó ở khuất, không xuất hiện trên màn ảnh); tiếng động giả (những âm thanh được tạo ra để đáp ứng những hiệu quả thể hiện cần thiết, trong những trường hợp đặc biệt); âm thanh không gian (phát ra trong tự nhiên như tiếng mưa rơi, tiếng sấm sét, tiếng còi tàu, tiếng bước chân, tiếng chim kêu, tiếng lá cây xào xạc…). Âm thanh thể hiện vai trò tạo hình hình tượng lẫn tạo hình tâm lý. Kỹ thuật âm thanh gắn liền với nghệ thuật âm thanh phát triển từ giản đơn đến phức tạp, từ cấp thấp đến cấp cao (âm sắc, âm lượng, tiếng thanh, tiếng đục…) tạo nên những hình tượng đẹp. Âm thanh đồng bộ với hình ảnh (hoặc đến từ ngoài hình) có tác dụng đồng hành, đối ứng, hỗ trợ – tạo sự liên tưởng tạo hình, tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tinh thần, tâm lý, cảm xúc… người xem.
Trong Mùi đu đủ xanh, bên cạnh sự chăm chút tốt đa cho hiệu quả hình ảnh, Trần Anh Hùng đã tận dụng thế mạnh của ngôn ngữ điện ảnh trong âm thanh. Thay vì bằng những cảnh quay mô tả lịch sử phức tạp để kể câu chuyện phim bắt đầu vào năm 1951 khi Pháp chiếm đóng Việt Nam và kết thúc vào đầu thập kỷ 60 TK XX khi miền Nam bị chuyển sang tay Mỹ, đạo diễn đã dùng tiếng còi giới nghiêm để thể hiện không khí thời chiến và tiếng máy bay Dakota văng vẳng phần đầu phim và tiếng máy bay phản lực Mỹ. Đạo diễn còn cố ý để chiến tranh dừng lại bên ngoài cánh cổng. Trong ngôi nhà cổ kính mà Mùi sống 10 năm chỉ chủ yếu ngân nga tiếng đàn nguyệt, sáo, nhị, trống… mọi thứ dường như cũ kỹ gắn với niềm say mê luống tuổi của ông chủ vô tích sự ham đàn sáo. Khi Mùi tới ở với Khuyến trong ngôi nhà Tây sang trọng thì không gian tràn ngập tiếng piano của chàng sinh viên nhạc viện tân kỳ. Trong phim, tiếng gõ mõ của mẹ bà chủ nhà suốt phần đầu phim. Bên cạnh đó, bản nhạc nền đầy màu sắc tôn giáo, và phần nhạc đệm của nhạc sĩ Tôn Thất Tiết góp phần không nhỏ vào việc tạo không khí Đông phương trong phim, gợi cảm giác, và sinh lực cho Mùi đu đủ xanh. Hiệu quả âm nhạc độc đáo, thoắt ôn nhu, thoắt mạnh mẽ, phối hợp khá ngọt ngào với hiệu ứng của tiếng động mang hơi thở hiện thực, sức hấp dẫn trữ tình vốn có của tự nhiên: tiếng ve kêu, chim líu lo, chim bị đánh động vụt bay, chẫu chuộc trễ nải trên lá khoai, dế mèn yên phận trong lồng tre, nước chảy, giai điệu tịch mịch của đêm, trẻ con nô cười… ngoài những tiếng máy bay thi thoảng vọng về từ trên cao và còi giới nghiêm đôi khi rúc vang trong đêm vắng… đã làm nẩy bật lên hồn cốt phương Đông. Trong tổng thể hòa thanh ấy, người xem không những chỉ thấy được những hiệu quả tạo hình ăn nhập với những cảnh quay từ hình tượng màn ảnh, mà còn có được sự liên tưởng thông qua những khuôn hình được dựng vào phim: những hình ảnh, âm nhạc, nhịp sống chậm rãi… rất Á Đông.
Tuy nhiên, điểm hạn chế của Mùi đu đủ xanh lại cũng chính từ âm thanh thoại, từ ngôn ngữ nhân vật, nhiều khi trang trọng đến mức khiến người xem cảm giác kịch bản được viết bởi người chưa từng sống ở Việt Nam lâu năm. Nhịp phim quá chậm cũng là một cản trở, dù biết rằng phim nghệ thuật sẽ kén người xem, cho dù nhiều người nước ngoài tới xem và biết nhiều về Mùi đu đủ xanh hơn là người Việt. Có người cho rằng cái thực của bộ phim không hiển hiện ở bề mặt, mà nằm trong một khối nghệ thuật. Do đó, muốn cảm nhận được hương sắc của Mùi đu đủ xanh, không chỉ cần tai và mắt, mà còn cần có một niềm cảm thông sâu sắc.
8. Đạo diễn với vai trò tổng hợp, hòa tan các hiệu quả tạo hình trong phim
Đạo diễn được ví như vị nhạc trưởng trong một dàn nhạc giao hưởng; như một nhà hóa học, anh ta phải chọn lựa các nguyên liệu, phân lượng, hòa chúng vào nhau để tạo nên những phản ứng có tính chủ định, nhằm tạo nên một mẫu dạng hình tượng nào đó mà anh ta cần trình diễn.
Đạo diễn có trách nhiệm dựa vào cốt truyện và tư tưởng của kịch bản, nắm chắc chủ đề của tác phẩm, chỉ đạo diễn xuất của diễn viên, vừa chi phối kỹ thuật thu hình và áp dụng tiết tấu thể hiện phù hợp nhằm kích gợi cảm xúc của người xem. Như vậy, công việc của đạo diễn bao quát nhiều khía cạnh quan trọng chứ không chỉ quan tâm đến riêng diễn xuất của diễn viên. Đạo diễn phim phải là nhà nghệ thuật giỏi nhào nặn, tạo dựng hình ảnh và âm thanh theo một tiết tấu phù hợp. Là hạt nhân trung tâm của quá trình chế tác phim, đạo diễn phải vạn năng như một bách khoa thư: nắm chắc kịch bản, biết rõ diễn xuất, thông thạo tạo hình, hiểu mỹ thuật, hóa trang, biết về in tráng, tính năng ống kính, quang học, tâm lý học, xã hội học… Vì vậy đã có người ví đối với tác phẩm điện ảnh, kịch bản là linh hồn, đạo diễn là xuơng cốt và diễn viên là dòng máu.
Trong Mùi đu đủ xanh, Trần Anh Hùng thông qua những cách thể hiện riêng đã bày tỏ những cảm nhận của bản thân cũng như gợi cho người xem nhiều suy tưởng về cuộc sống, con người Việt Nam. Bộ phim không phải là thử nghiệm nghệ thuật mà là tác phẩm định hình phong cách nghệ thuật của anh. Phong cách sẽ chỉ còn là sự phô diễn tay nghề nếu nó tách rời những giá trị, ý nghĩa, nghĩ suy mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm đến khán giả. Hình tượng được chăm chút xuyên suốt bộ phim là cây đu đủ được trồng khiêm tốn nơi góc nhà gần bếp. Quả đu đủ xanh được làm nộm như một thứ rau cỏ bình dân, nhưng vị chua, cay, mặn, ngọt, giòn thơm này nhiều khi có thể thay thế các món sơn hào hải vị khác. Cách thể hiện cây đu đủ lặng lẽ sinh hoa, kết trái, dâng mình một cách bình dị phảng phất mang tính ẩn dụ như bóng dáng người phụ nữ Việt Nam. Trần Anh Hùng đã hai lần để Mùi thái đu đủ: lần đầu khi cô mới ở tưổi dậy thì, lần sau khi mới trở thành một người đàn bà. Cả hai lần, bàn tay băm thái đu đủ thành sợi trắng nuột, rồi cô bỗng bổ đôi quả đu đủ để được nhìn thấy tận mắt và sờ tận tay những hạt trắng nõn nà ẩn mình trong lòng quả. Nhưng lần thứ hai, bàn tay Mùi không dừng lại giữa lòng quả đu đủ mà cô đã lựa một cách vô thức một trong những cái hạt đu đủ trắng muốt kia và cũng vô thức đặt nó vào giữa nhụy một bông hoa trong chậu rau đang rửa. Hình ảnh này làm cho người xem liên tưởng đến sự ra hoa kết quả thật tự nhiên đang diễn ra trong cơ thể cô gái. “Đây là cách gợi mở sự liên tưởng với người xem của điện ảnh hiện đại” vì“đạo diễn đã kết hợp khá tự nhiên và hài hòa nét dân tộc và nét hiện đại”(3).
Phong cách luôn là điều mà bất cứ đạo diễn chân chính nào cũng cần và muốn tạo được trong những tác phẩm của mình. Nhưng để tạo nên một phong cách riêng lại là điều không hề đơn giản, bởi nó không chỉ thể hiện qua vài ba yếu tố, mảng miếng đạo diễn phô bày trình diễn mà phải biểu lộ ở mọi thành phần trong sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa và thống nhất. Chính vì thế, có thể khẳng định rằng chỉ những đạo diễn có tài mới có khả năng tạo nên được phong cách. Xem Mùi đu đủ xanh, có thể nhận thấy phong cách Trần Anh Hùng xuyên suốt bộ phim, biểu hiện rõ nét qua tiết tấu đều chậm rãi.
Điện ảnh được coi là một hoạt động tâm lý song trùng nghe và nhìn. Hình ảnh không gian ba chiều được người xem thưởng thức chính là ảo giác có được do ảo ảnh tạo ra trên màn ảnh thật hai chiều. Ảo giác cảm thụ nối tiếp nhau thành hệ thống theo cốt truyện phim và bật ra từ từng khâu chế tác phim: quay phim, mỹ thuật, dàn dựng, đạo cụ, phục trang, hóa trang, diễn xuất, dựng phim, lồng tiếng, âm nhạc… Nhờ sử dụng đồng bộ và hài hòa những phương tiện trên, điện ảnh có khả năng tạo dựng những thế giới ảo như thật.
Có thể thấy, Mùi đu đủ xanh dựa trên ba điểm mạnh: kỹ thuật và nghệ thuật quay phim, nghệ thuật diễn xuất và hiệu quả hòa thanh của nhạc đệm và tiếng động trong phim. Xem phim có thể nhận thấy phong cách mang dấu ấn đạo diễn xuyên suốt bộ phim, biểu hiện rõ nét qua tiết tấu đều chậm rãi. Tiết tấu này được tạo nên bởi hầu hết yếu tố trong chỉnh thể tác phẩm. Có tiết tấu rất chậm, Mùi đu đủ xanh như thi gan với sự kiên nhẫn của người xem. Song, chính cái chậm ở đây khá hợp lý. Sự dung dị và chậm rãi đôi khi nhẩn nha đến sốt ruột, lại trở nên có giá. Mùi đu đủ xanh đã thể hiện một cuộc sống quẩn quanh, bế tắc của nhân vật và đi kèm với nó là hình ảnh pho tượng Phật với tiếng mõ vọng đều đều được xem như sự ẩn dụ cho tính khoan hòa, trầm tĩnh trong cõi vô thường, mà người làm phim đã khéo léo tiết chế, dùng các thủ pháp phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất.
_______________
3. Ngô Phương Lan, Tính hiện đại và tính dân tộc trong điện ảnh Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005, tr.201.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 352, tháng 10-2013
Tác giả : Đỗ Lệnh Hùng Tú
Bài viết cùng chủ đề:
Sự giao thoa phim truyện và phim tài liệu qua cha cõng con
Nhận diện đạo diễn phim việt những năm gần đây
Tấm cám: chuyện chưa kể – từ truyện kể đến điện ảnh