Dựa vào tiêu chí nghề nghiệp, có thể chia lao động tự do người Việt Nam ở Lào thành 4 nhóm: nhóm lao động tự do người Việt Nam làm việc trong các công ty, dự án chính thức của Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan… ở Lào; nhóm lao động kinh doanh bằng vốn tự có, bao gồm các chủ thầu nhỏ, công ty tư nhân, hệ thống kinh doanh dịch vụ (nhà hàng, bệnh viện, trường học, văn hóa giải trí)…; nhóm lao động tham gia làm các dịch vụ 3D họ gồm những người lao động phổ thông, những người bán hàng rong…; nhóm lao động di cư thời vụ, di cư con lắc gồm những người buôn bán, đi lại qua biên giới theo ngày hoặc theo tuần. Ở đây, tác giả tập trung phân tích hai nhóm có số lượng đông nhất là lao động tự do làm việc trong các dự án của Việt Nam ở Lào và lao động tự do tham gia các ngành nghề dịch vụ 3D.
1. Thực trạng lao động tự do Việt Nam tại Lào
Trước ngưỡng cửa hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, di cư lao động trở thành vấn đề xã hội tất yếu của Việt Nam nói riêng và toàn khu vực nói chung. Dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của toàn cầu hóa và hội nhập khu vực, người Việt Nam đã đến Lào bằng nhiều cách khác nhau, chủ yếu vì mục đích sinh kế. Từ năm 2000 đến nay, số lượng người Việt Nam sang Lào làm ăn tự do tăng lên do các hoạt động thương mại và đầu tư qua biên giới gia tăng giữa Lào và Việt Nam.
Số lượng, quê quán và phân bố lao động
Năm 2006, lao động tự do người Việt tại Lào khoảng từ 10.000 đến 20.000 người. Tuy nhiên, không có bất cứ tài liệu thống kê nào đưa ra con số chính xác về số lượng công nhân nhập cư tự do người Việt Nam đang sinh sống ở Lào. Họ đến Lào thông qua con đường du lịch, thăm người thân, hay lao động hết thời hạn hợp đồng tại các dự án của Chính phủ Việt Nam và ở lại tìm kiếm việc làm khác nhau. Trong thực tế vào năm 2013, số lượng lao động người Việt Nam ở Lào nhiều hơn so với con số được dự đoán. Các tỉnh có đường biên giáp với Lào như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Quảng Trị… đã có hàng nghìn người di cư tự do. Cụ thể: mỗi năm tỉnh Nghệ An có từ 5.000 đến 6.000 lao động tự do đi làm việc tại Lào. Chỉ riêng xã Diễn Tháp (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) đã có tới 1.380 lao động ở Lào (trong tổng số khoảng 5.000 nhân khẩu của cả xã) (1); Cả tỉnh Thừa Thiên – Huế có khoảng 6.000 lao động đang làm việc tại Lào, riêng xã Bổn Lộc (huyện Phú Lộc) có đến 3.700 người, chiếm 2/3 lao động địa phương (2)… Các khu vực Trung và Nam Lào thu hút tới 163 dự án của Việt Nam, chiếm 78% tổng số dự án của Việt Nam đầu tư sang Lào (3). Do đó số lượng người lao động tự do làm việc trong các dự án, công trình tại hai khu vực này nhiều hơn khu vực Bắc Lào. Khu vực Trung Lào có số lượng lao động tự do người Việt Nam lớn nhất, tập trung chủ yếu tại thủ đô Vientiane. Yếu tố tác động đến việc người Việt Nam ở khu vực Bắc Lào là do có nhiều người Trung Quốc sinh sống và chi phối việc buôn bán, làm ăn của khu vực này. Tuy nhiên, từ khi cố đô Luang Prabang được công nhận là di sản văn hóa thế giới, lượng người Việt Nam đổ về đây ngày một đông, chủ yếu tham gia vào các ngành nghề dịch vụ phục vụ du lịch. Do số lượng lao động tự do dịch chuyển liên tục, dao động tăng giảm theo từng thời điểm. Mặt khác, họ cũng không báo cáo với chính quyền địa phương nên khó có thể đưa ra một con số chính xác. Theo ước đoán của tác giả, lao động tự do người Việt Nam hiện nay tại khu vực Trung Lào tập trung nhiều nhất với khoảng 45%, khu vực Nam Lào chiếm 30% và Bắc Lào là 25%.
Độ tuổi, sức khỏe và trình độ học vấn của người lao động
Tại các nước đang phát triển, di cư lao động diễn ra thường xuyên hơn ở lứa tuổi lao động hiệu quả nhất. Trên 80% số người di cư nằm trong độ tuổi từ 18 đến 30. Nếu xét cả những độ tuổi lớn hơn, thì có đến 90% số người di cư có tuổi từ 18 đến 50.
Khoảng 98% số người di cư tự đánh giá có tình trạng sức khỏe tốt hoặc rất tốt. Sức khỏe là một chiều cạnh đặc thù khác của tính chọn lọc di cư. Thường những thành viên gia đình với sức khỏe tốt sẽ có nhiều khả năng di cư hơn. Ngoài ra, di cư là một trong những chiến lược sinh kế của gia đình, nhằm giảm thiểu rủi ro, những thành viên có sức khỏe tốt hơn được ưu tiên đi kiếm việc làm ở nước ngoài.
Trình độ học vấn của người di cư được đo bằng mức độ học vấn cao nhất đạt được: hơn 65% số người được hỏi đã tốt nghiệp cấp 3, khoảng 6% số người trả lời đã tốt nghiệp ở những bậc học cao hơn (4)… Nhìn chung, người di cư đều có trình độ học vấn tương đối khá so với chỉ số trung bình của cả nước. Điều này có thể được coi là bằng chứng về vốn con người đang trở nên cơ động hơn hoặc do tính chọn lọc trong di cư, đặc biệt là di cư lao động quốc tế.
Thu nhập và đặc điểm nghề nghiệp của người di cư
Trong các dự án, công ty liên doanh giữa Việt Nam và Lào, mức lương trung bình lao động kỹ năng là 500 USD/người/tháng, mức lương của lao động phổ thông khoảng 250 USD/người/tháng. Lao động di cư tự do người Việt Nam tìm việc bên ngoài các dự án có thu nhập từ 4 – 6 triệu VN đồng/tháng (tương đương với 200 – 300 USD). Tuy khoản thu nhập không cao nhưng có thể giúp đỡ được nhiều cho chi tiêu trong gia đình ở Việt Nam và giải quyết được công ăn việc làm trước mắt cho người lao động.
Chính sách của Nhà nước Lào đã tác động lớn đến quá trình lựa chọn sinh kế của người lao động nhập cư nói chung và lao động tự do người Việt Nam nói riêng. Theo luật pháp của Chính phủ Lào, người nước ngoài không được làm công chức trong các bộ máy công quyền và chính quyền, không được sở hữu đất đai bất động sản và không được cấp thẻ môn bài để sản xuất kinh doanh tại Lào (5). Do không có đất, người lao động tự do thường làm ruộng thuê, làm công nhân trong các công trường, dự án, nhà máy hay trở thành những người bán hàng, tham gia vào nhiều lĩnh vực dịch vụ giải trí… Để có thể mở quán kinh doanh, lao động tự do người Việt Nam thường được người Lào đứng hộ tên môn bài.
Trong số những lao động tự do người Việt Nam ở Lào, chỉ có khoảng 30% tìm được việc làm ổn định, trở thành công nhân trong các nhà máy, dự án chính thức tại Lào. Không giống như những người lao động có hợp đồng chính thức, những người lao động tự do không được đóng các loại bảo hiểm xã hội, thân thể, y tế… Số người tìm việc bên ngoài các dự án chiếm đa số trong tổng số người nhập cư tự do và thường làm những công việc phổ thông mang tính thời vụ.
Tại Lào, phụ nữ lao động di cư tự do chủ yếu làm nghề sơn sửa móng tay và buôn bán nhỏ, tập trung tại các chợ lớn. Di cư tự do nam giới thường làm việc nặng nhọc, đòi hỏi sức khỏe như thợ xây, phụ hồ, thợ mỏ trong các công trường xây dựng và khai thác mỏ. Ngoài ra, một số lượng lao động nam giới còn tham gia bán hàng rong hay kinh doanh nhỏ… Hầu hết họ đều có chung mong muốn là kiếm được một khoản tiền làm vốn thì sẽ trở về Việt Nam làm ăn.
2. Những vấn đề đặt ra đối với lao động tự do Việt Nam tại Lào
Vấn đề pháp lý giữa hai nhà nước
Trong nhiều dự án của các chủ đầu tư Việt Nam, nguồn nhân lực tại chỗ không đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng, do vậy họ phải thuê một số lượng lớn những người lao động nhập cư tự do. Nhằm hợp thức hóa việc đưa lao động Việt Nam sang Lào làm việc, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Lào đã ký Hiệp định Hợp tác lao động Việt Nam – Lào (6-1995) và nhiều lần tiến hành điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn trong những năm sau. Bộ Lao động hai nước đã ký kết Hiệp định hợp tác lao động Việt – Lào ngày 29 – 6 – 1995 và Nghị định thư sửa đổi bổ sung ngày 8-4-1999. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy Hiệp định hợp tác lao động năm 1995 và Nghị định thư sửa đổi năm 1999 không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Vì vậy, vào tháng 7 – 2013, Bộ Lao động hai nước ký kết Hiệp định hợp tác lao động Việt Nam – Lào, đã điều chỉnh được các hình thức lao động phù hợp với tình hình thực tế, quy định cụ thể về thủ tục xin cấp giấy phép lao động, đăng ký lưu trú, nhiều loại phí liên quan, chế độ bảo hiểm, y tế, xử lý tranh chấp… đảm bảo được yêu cầu quản lý và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tiếp đó, các tỉnh có chung đường biên giới giữa hai nước cũng đã có những thỏa thuận hợp tác trực tiếp. Thời gian này, Việt Nam và Lào tham gia vào các Hiệp hội quốc tế, ASEAN, cùng nhau ký thỏa thuận thực hiện miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông giữa hai nước (2004) nhằm khuyến khích phát triển hợp tác đầu tư, thương mại.
Vấn đề quản lý từ phía Việt Nam
Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986, Đảng và Nhà nước đã đưa ra chính sách đổi mới về: mở rộng việc đưa người lao động ra nước ngoài bằng nhiều hình thức thích hợp, coi đó là một bộ phận hữu cơ của chương trình lao động nói chung. Từ đó đến nay, nhiều nghị quyết, nghị định, thông tư của Quốc hội và Chính phủ được ban hành có liên quan đến xuất khẩu lao động, đặc biệt là sự ra đời Bộ Luật Lao động về người lao động làm việc ở nước ngoài năm 2002 cùng với nghị định số 81/2003/NĐ-CP hướng dẫn thi hành bộ luật này, đã cho thấy sự nhận thức rõ ràng về vai trò của lao động nước ngoài với những đóng góp của họ cho việc thúc đẩy tăng trường kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, những chính sách đối với người di cư lao động nước ngoài ở Việt Nam thường tập trung đến đối tượng di cư lao động chính thức mà chưa chú trọng đến đối tượng di cư lao động tự do.
Vấn để quản lý từ nước sở tại
Di cư lao động tự do đã đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế Lào. Những người lao động tự do giúp duy trì việc xây dựng, sản xuất và các ngành công nghiệp dịch vụ khác. Tuy nhiên, trong thực tế lao động tự do người Việt Nam bị cho là đã gây ra rắc rối từ cả hai phía: phía chủ thể quản lý và phía các đối tượng bị quản lý (6). Trong gần 30 năm đổi mới, Nhà nước Lào đã ban hành nhiều loại văn bản pháp luật để quản lý nhóm đối tượng này: Quy định 031 của Thủ tướng Chính phủ ngày 02 – 03 – 1998 về xuất nhập cảnh của người Lào và người nước ngoài; Quy định 83 của Phủ thủ tướng ngày 20 – 08 – 1997 về chính sách cho người nước ngoài làm ăn sinh sống tại Lào; Quyết định 110 của Bộ Công an ngày 20 – 02 – 1979 về quản lý người nước ngoài; Quyết định 0897 của Phủ Thủ tướng ngày 15 – 08 – 2002 về sự tăng cường kiểm tra và giải quyết người ngoại kiều làm ăn theo thời vụ tại Lào…
Trong thực tế, khi thực hiện các chính sách của chính phủ Lào đối với lao động người nước ngoài có nhiều vấn đề đặt ra đối với lao động tự do người Việt Nam. Có một số người Việt Nam sang Lào bằng giấy thông hành, về mặt nguyên tắc chỉ được tới tỉnh đối diện (với tỉnh cấp giấy thông hành), nhưng họ đã đi sâu vào và ở lại làm ăn sinh sống tại Lào, vì không có giấy tờ hợp lệ, nên khi công an Lào kiểm tra, họ bị phạt tiền hoặc bị bắt.
Những người Việt Nam nhập cư tự do vào Lào thường dùng hộ chiếu phổ thông, theo luật họ chỉ được ở Lào trong vòng một tháng, để lách luật, hàng tháng họ phải qua cửa khẩu Lào để làm thủ tục nhập cảnh trở lại. Những lao động tự do làm trong các dự án được công ty hỗ trợ cho xe ô tô chở ra cửa khẩu để đóng dấu vào hộ chiếu. Những người lao động tự do tìm việc bên ngoài các dự án, công trình chiếm khối lượng đa số, nhiều người trong số họ ở lại Lào khi thị thực hết hạn để tiếp tục tìm kiếm việc làm, trở thành bất hợp pháp. Do đó, họ có nguy cơ bị bắt và phải nộp phạt từ 500 – 5.000 USD hoặc bị gửi trả về Việt Nam.
Gần đây, lao động tự do người Việt Nam, đặc biệt là những người lao động phổ thông và buôn bán hàng rong gặp nhiều khó khăn với các quy định của Nghị định 03/CP của chính phủ Lào. Cụ thể, điều 2 Nghị định của Chính Phủ số 03/CP ngày 16 – 3 – 2011 quy định người nước ngoài muốn kinh doanh buôn bán tại Lào phải có vốn điều lệ là 1 tỷ kíp (tương đương với 2,7 tỷ đồng Việt Nam). Điều 3 của Nghị định này quy định về việc cấm người nước ngoài bán hàng rong… Ngược lại, người di trú lao động Trung Quốc được chính phủ nơi xuất cư hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất là 0%… Đây là vấn đề cần được Chính phủ Việt Nam quan tâm và có biện pháp hỗ trợ kịp thời đối với lao động tự do người Việt Nam ở Lào.
Nhìn tổng thể, văn bản pháp luật do chính phủ Lào quy định đã cung cấp một khuôn khổ rõ ràng cho người lao động nhập cư và tìm việc tại đây. Hầu hết các quan chức Lào khi được tham khảo ý kiến đều đồng tình rằng chính phủ Lào rất ủng hộ tất cả cá nhân nhập cư lao động hoặc tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Lào một cách hợp pháp. Người di cư phải có nhiệm vụ tôn trọng luật pháp của chính quyền sở tại. Trong thực tế, việc thực hiện các chính sách của chính quyền sở tại là vô cùng khó khăn đối với lao động tự do người Việt Nam.
Trong bối cảnh hợp tác quốc tế và hội nhập khu vực, đặc biệt là sự hình thành thị trường chung ASEAN với việc dần xóa bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Cùng với sự gia tăng đầu tư kinh tế của các nước lớn vào Lào, chúng tôi cho rằng, số lượng lao động tự do Việt Nam tại Lào có chiều hướng gia tăng. Nhằm hỗ trợ kịp thời nhóm lao động này, chính phủ Việt Nam cần thực hiện một số biện pháp: Các cơ quan chức năng, các ban, ngành tại địa phương nên có biện pháp giúp đỡ, tạo điều kiện cho người lao động của tỉnh có đủ thủ tục hợp pháp làm việc tại Lào; Chính phủ Việt Nam nên nhanh chóng có kế hoạch làm việc với một số công ty của Việt Nam và công ty của Lào, một số tổ chức Việt kiều đang làm ăn và sinh sống tại Lào để có biện pháp giúp đỡ người lao động tự do; Chính phủ Việt Nam cần kịp thời đưa ra những biện pháp nhằm hỗ trợ việc vay vốn cho người di cư khi cần thiết để giải quyết một số yêu cầu, quy định của nước sở tại; Bảo trợ xã hội cho người di cư như một mạng lưới an toàn nhằm giảm thiểu các tác động xấu khi rủi ro kinh tế xảy ra…
Như vậy, bài viết đã chỉ ra việc tăng cường hợp tác đầu tư và thương mại giữa Việt Nam vào Lào là nguyên nhân chính dẫn tới gia tăng số lượng lao động người Việt Nam ở Lào trong những năm gần đây. Từ đó thấy được những khó khăn, thách thức mà các nhóm lao động tự do phải đối mặt. Đồng thời, là căn cứ để những người làm quản lý ở các cơ quan của Việt Nam có những giải pháp giúp đỡ họ trong việc làm ăn, buôn bán ở nước sở tại, mà không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai quốc gia.
_______________
1. Cao Nam, Cả xã giàu lên nhờ sang Lào buôn đồng nát, vietnamnet.vn, 2013.
2. Hữu Khá, Trường Trung, Rời làng mà đi, tuoitre.vn, 2013.
3. Ban quan hệ quốc tế – VCCI, Hồ sơ thị trường Lào, img.vcci.com.vn, 2013.
4. Trích dẫn từ tài liệu điền dã Luang Prabang tháng 12-2013 của tác giả Phạm Thị Mùi.
5. Khămpheng Thipmuntaly, Những biến đổi trong phương thức kiếm sống và trong đời sống vật chất của cộng đồng người Việt ở Lào, 2008.
6. Nguyễn Duy Thiệu, Amthilo, Bước đầu tìm hiểu luật pháp và chính sách của Chính phủ Lào đối với người nước ngoài, ngoại kiều và người Việt Nam tại Lào, 2008.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016
Tác giả : PHẠM THỊ MÙI
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn