Lễ ăn trâu của người Gia rai từ góc nhìn văn hóa


Lễ hội ăn trâu được coi là một điểm nhấn trong đời sống tinh thần của tộc người Gia rai nói riêng và các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên nói chung. Nó thể hiện rõ nét tính cố kết cộng đồng, khát vọng hướng đến những giá trị nhân văn sâu sắc, được nhiều thế hệ của tộc người thực hành và trao truyền. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do quá trình vận động nội tại của buôn làng hay do những tác động từ bên ngoài mà lễ hội ăn trâu truyền thống đã có những biến đổi nhất định về mặt hình thức thực hành nghi lễ, thậm chí bị lạm dụng hoặc biến tướng theo chiều hướng bạo lực, trở nên phản cảm và bị một bộ phận cộng đồng xã hội lên án. Điều đó đặt dấu hỏi cho các cơ quan chức năng về việc quản lý cũng như duy trì lễ hội như thế nào trong thời gian tới?

Dân tộc Gia rai với 513.930 người (theo số liệu thống kê năm 2019) đang tập trung sinh sống tại hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các dân tộc ít người ở địa phương. Nơi quần cư của người Gia rai chủ yếu ở các huyện Chư Pưh, Krôngpa, Ayunpa, Chưprông, thứ đến là các huyện Mang yang, An Khê và thị xã Pleiku của tỉnh Gia Lai.

Cộng đồng dân tộc Gia rai trước nay luôn nổi tiếng với những lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc, thể hiện tư tưởng, đạo đức, tôn giáo, tâm linh, nghệ thuật… Lễ hội ăn trâu là một nghi lễ độc đáo trong những lễ hội lớn của các buôn làng, diễn ra hằng năm từ tháng Chạp đến tháng 3 âm lịch. Đó là khi những mùa vụ trong năm đều đã được thu hoạch xong, thóc đã được đưa vào bồ và các gia đình đã được nghỉ ngơi.

Người Gia rai gọi lễ hội ăn trâu là mnăm thu, còn người Ba na gọi là x’trăng, người Cor gọi là xa-ố-piêu, người Lạch gọi là sa rơpu… Là một lễ hội dùng trong lễ cúng thần linh, gắn liền với những hoạt động văn hóa truyền thống, mang ý nghĩa tâm linh và nhân văn sâu sắc, song, thời gian gần đây, trên mạng xã hội cũng như các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về việc lên án những lễ hội cổ truyền của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cũng như nhiều cộng đồng buôn làng đã và đang có dấu hiệu loại bỏ dần lễ hội này.

1. Lễ hội ăn trâu truyền thống của người Gia rai

Nói về lễ hội ăn trâu, hiện nay còn có một cách gọi khác đó là lễ hội đâm trâu. Đây không phải là cách gọi chính thức về lễ hội này, mà nó chỉ là một khái niệm của người miền xuôi (tức người Kinh) khi căn cứ vào hành động dùng mũi giáo để liên tục tấn công trâu để gọi tên lễ hội. Tuy nhiên, tên gọi này lại được sử dụng phổ biến và rộng rãi hơn.

Tùy thuộc vào phong tục của từng tộc người, lễ hội ăn trâu được tổ chức vào những khoảng thời gian khác nhau, hay độ dài ngắn của lễ hội cũng khác nhau. Đối với người Gia rai, các buôn làng tổ chức lễ hội trong khoảng từ tháng 12 đến tháng 3 âm lịch, kéo dài khoảng 2-3 ngày và đều phải trải qua nhiều nghi lễ nhỏ với nhiều hình thức như: hát khóc trâu, cúng thần linh (Yang), ăn thịt trâu, uống rượu cần, nhảy múa, diễn tấu cồng chiêng.

Một linh vật không thể thiếu trong lễ hội ăn trâu là cây nêu (được xem là linh hồn của lễ hội, nơi các thần linh sẽ về ngự trị, chứng giám). Bởi vậy, theo truyền thống, trước khi vào lễ hội, đồng bào dân tộc Gia rai sẽ vào rừng chọn chặt những cây to đem về buôn (plei) để làm cột tế thần. Cây nêu phải là thân cây muỗng cao, thẳng, trên đầu được chẻ thành nhiều ngọn xòe ra như bông lúa. Xung quanh trang trí các vòng tròn, những thẻ gỗ mỏng dài, những hình vuông tròn… Ba cây nêu được chôn giữa bãi đất trống, xung quanh đắp thành một bờ đất cao hình tròn làm nền để Ban tổ chức thực hiện hoạt động đâm trâu hiến tế. Trâu dùng để hiến tế phải là trâu đực tốt, khỏe, không bị dị tật. Nhà nào có trâu được chọn hiến sinh thì coi như là một phước phần mà họ nhận được. Đội xạ thủ phóng lao, đâm trâu được tuyển chọn khắt khe từ những chàng trai trẻ khỏe, vạm vỡ trong bản (1). Già làng sẽ là người chọn đất tế thần (thường sử dụng phần đất bằng phẳng, trước khu nhà rông). Khi mọi người tiến hành chôn cột, già làng sẽ đọc lời khấn Yang với ý nghĩa mong thần linh chứng giám. Vật lễ dùng để tế thần linh thường bao gồm: một con heo, một con gà đã làm thịt và bốn ché rượu cần (2).

Một lễ đâm trâu ở Tây Nguyên

Trong những ngày diễn ra lễ hội, đồng bào Gia rai mặc những bộ trang phục truyền thống nhiều màu sắc, đứng tập trung thành vòng tròn để chứng kiến buổi lễ. Già làng đứng ngay cạnh cột tế lễ để hát bài khóc trâu và đọc bài khấn trâu tế lễ, còn các nam nữ đánh cồng chiêng và múa sau lưng già làng. Giáo sư Vũ Ngọc Khánh đã ghi lại nội dung bài khấn như sau: “Cầu xin thần trời, thần nước, thần núi, thần sông hãy lên đây chứng kiến ngày hội đâm trâu này, cầu xin các thần hãy phù hộ cho dân làng trồng được nhiều lúa, nuôi được nhiều trâu bò. Xin các thần xuống buôn làng ăn thịt trâu và uống rượu cần ngọt” (3).

Khi thày cúng dứt lời, chiêng trống nổi lên rộn rã, trai đánh chiêng, gái móc tay nhau thành vòng xoang theo ngược chiều kim đồng hồ quanh cột nêu buộc trâu. Lúc đầu, sẽ là màn trình diễn gươm chạm vào nhau để mô phỏng cho những cuộc chiến đấu dũng cảm của cha ông ngày trước trong quá trình bảo vệ buôn làng. Cứ tốp này nghỉ rồi đến tốp khác vào thay. Sau cuộc nhảy múa thì nghi thức đâm trâu mới bắt đầu (4). Ai trong số đó đâm một nhát vào tim trâu làm trâu chết thì cả làng hò reo tán thưởng. Sau khi trâu chết, họ sẽ dùng chiếc chiêng mẹ úp lên mặt trâu, lấy máu trâu bôi lên cây nêu, cột đâm trâu và chiếc kèn các chàng trai đang thổi. Con trâu bị mổ thịt, lấy một chân trước, một chân sau, một con mắt, một tai, một sừng… đặt lên bàn cúng thần linh (5). Lễ cúng tiếp theo được tổ chức bên kho lúa, với ý niệm, mọi điều xấu sẽ qua đi và gia đình sẽ no đủ cả năm. “Thức cúng gồm có thịt nướng, thịt thăn, gan, bì, tiết đem đặt vào nơi ché rượu gốc. Lúc này, túi thiêng (Yang kơdung) được đưa từ cây nêu xuống đàn tế, và người ta dùng máu trâu để “rửa” túi thiêng” (6).

Cúng xong, người ta chia thịt trâu ra thành nhiều phần nhỏ cho dân làng mang về ăn mừng. Một phần con trâu được giữ lại để uống rượu chung tại nhà rông. Trai gái kết thành vòng tròn, ngồi lại cùng nhau quanh các ché rượu cần đang bày sẵn, vừa ăn uống, vừa cười nói với nhau (7).

2. Sự biến tướng của lễ hội và những ảnh hưởng đến giá trị văn hóa cốt lõi tộc người

Lễ hội ăn trâu là một nghi lễ linh thiêng, quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, nhằm tạ ơn thần linh, cầu mong mùa màng tươi tốt, bội thu, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, nó đã không còn lưu giữ được bản sắc vốn có, mà biến tướng theo những chiều hướng rất khác, như:

Đầu tiên phải kể đến là tên gọi, từ lễ hội ăn trâu thành lễ hội đâm trâu. Lạ rằng, người ta chỉ quen nghe cái tên gọi biến tướng mà lại xa lạ với tên gọi gốc. Có phải do hành động đâm trâu tế thần là hành động thu hút được nhiều sự chú ý nhất từ cộng đồng trong buổi lễ, nên người ta cố tình đổi cách gọi cho dễ nhớ chăng?

Theo chúng tôi, nên sử dụng thuật ngữ lễ hội ăn trâu để bao hàm đầy đủ ý nghĩa lễ hội, tránh được việc khiến cho người nghe cảm thấy ghê sợ lễ hội này (8). “Khái niệm lễ đâm trâu mà ta quen dùng lâu nay chưa thực sự đúng với ý nghĩa nội dung của một lễ hội còn mang đậm màu sắc phong tục – tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên mà con trâu chỉ là vật hiến tế thần linh. Trên thực tế, khái niệm này cũng không bao quát được toàn bộ quá trình diễn tiến của lễ hội. Động tác đâm trâu chỉ là một khâu của quá trình đó” (9).

Thứ hai, lễ hội ăn trâu là nghi thức tạ ơn thần linh. Trong các lễ hội ăn trâu xưa, trước khi đâm chết con trâu, người chủ lễ sẽ hát bài khóc trâu, đem nước cho trâu, thậm chí đổ rượu cho trâu uống để nó không oán hận. Còn ngày nay, đôi khi người ta bỏ qua bài bước này mà chỉ đọc bài khấn trâu tế lễ để nhanh chóng kết thúc nghi lễ. Điều đó, vô hình trung làm mất đi một phần giá trị nhân văn của nghi lễ cổ truyền. Bởi vốn dĩ, bài hát khóc trâu là một trong những bài ca có giá trị nghệ thuật và mang tính nhân văn sâu sắc. Nội dung thể hiện được nỗi lòng, mối quan hệ gắn bó, thân thiết, sự yêu thương của bà con buôn làng với con vật mà họ yêu quý như chính thành viên trong gia đình mình. Đó còn là lời từ biệt, cám ơn con vật đã vì sự tồn tại sống còn của cả cộng đồng buôn làng mà chịu làm vật hiến sinh.

Có thể trích dẫn một đoạn trong bài hát khóc trâu dưới đây của người Gia rai: “…Ta thương trâu đã mười năm nay/ Ta chăn trâu vào đủ trăm ngày/ Mời trâu ăn nắm cỏ lần cuối/ Mời trâu ăn lá cây lần cuối/ Trâu hãy ăn lá Râng (10) lần cuối/ Trâu hãy kêu nghé ọ lần cuối/ Người ta đã cột trâu vào cọc rồi/ Khách mời “ăn trâu” đã đến đầy nhà/ Chờ sáng mai họ sẽ vào ngày hội/ Ta thương tiếc trâu lắm trâu ơi!/ Ta không thể giúp gì cho trâu được/ Trâu hãy rung cho ngã cọc nêu/ Trâu vùng vẫy cho đứt chùm dây/ Người ta sắp xẻ thịt trâu rồi đấy!/… Trâu uống đi trước khi trâu chết!/ Ta tiếc thương trâu lắm trâu ơi!/ …/ Thôi ta từ giã trâu ta từ đây/ Trâu hãy ăn nắm cỏ này lần cuối/ Trâu hãy ăn trước khi trâu chết/ Để trâu về giữ con thần lúa …” (11).

Sự biến tướng trong hành vi đâm trâu cũng là một điều đáng nhắc tới. Thay vì như trước kia, trong nghi lễ đâm trâu, người ta tìm cách đâm một nhát trúng tim để trâu hiến tế chết một cách nhanh chóng thì ngày nay trong nhiều lễ hội, nhóm người tham gia đâm trâu lâu lâu mới đâm một nhát. Cứ thế, sau một nhát đâm, người ta lại nhảy múa, reo hò để con trâu đau đớn, lồng lộn, quằn quại và đầy máu me… cảnh tượng bạo lực rất phản cảm (12). Bởi lẽ đó, đã có không ít người quan niệm rằng, việc tổ chức lễ đâm trâu như vậy quá dã man và rùng rợn, hơn nữa sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nên cần phải hủy bỏ. Đắk Lắk là một ví dụ điển hình, chính quyền địa phương đã quyết định loại bỏ nghi lễ đâm trâu trong lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn từ năm 2016 và nhận được sự đồng thuận cao của các đồng bào dân tộc nơi đây (13). Hay từ năm 2016 trở lại đây, Lâm Đồng cũng chính thức bỏ nghi thức đâm trâu trong lễ hội truyền thống của tỉnh, bởi nghi thức đâm trâu bị dư luận lên án, phản đối vì tính chất rùng rợn, dã man, không còn phù hợp với đời sống văn minh, hiện đại (14). Sự loại bỏ này như một con dao sắc nhọn, làm đứt gãy một phần hoạt động thực hành và trao truyền văn hóa tộc người (kế tục văn hóa) vẫn diễn ra từ xưa của cộng đồng địa phương.

Các tiết mục nhảy múa, trình diễn nghệ thuật trong lễ hội đã khác xưa, hoặc bị lược bớt tiết mục (chịu ảnh hưởng từ sự rút ngắn thời gian tổ chức lễ hội) hoặc bị biến đổi theo hơi hướng hiện đại (chịu ảnh hưởng từ các nhà biên đạo múa). Tiếng cồng chiêng cũng không còn giữ được âm vang như trước, đôi khi chỉ sử dụng cho có nghi lễ. “Các buổi biểu diễn cồng chiêng hầu như chỉ còn sử dụng nhạc sóng, các nghệ sĩ cũng biểu diễn một cách hời hợt, tạo ra một không gian cồng chiêng rất giả tạo! Tất cả chỉ vì mục đích kinh tế, ở đó không còn chỗ đứng cho cái gọi là “cảm xúc” của người biểu diễn” (15).

Bởi những lẽ trên, chúng tôi cho rằng, dân tộc Gia rai nói riêng và các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên nói chung sau này sẽ khó lòng có được một lễ hội ăn trâu theo đúng phong tục cổ truyền. Lễ hội ăn trâu chỉ thực sự có ý nghĩa khi mà cả cộng đồng đó mong muốn thực hiện và phải được gắn vào không gian văn hóa cồng chiêng, nhà rông, bến nước… Hiện nay, người ta thường thực hiện lễ ăn trâu trong một số sự kiện văn hóa – du lịch nào đó chỉ với mục đích kinh doanh là chính (16). Vì thế, nguy cơ bị mai một, biến mất một lễ hội ăn trâu cổ truyền hoàn toàn có thể xảy ra, nếu chúng ta không có cách làm hiệu quả nhất để duy trì nó!

3. Vai trò quản lý của cơ quan chức năng đối với lễ hội ăn trâu hiện nay

Để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số và từng bước hạn chế những tập tục không còn phù hợp với đạo đức và lối sống hiện nay, Bộ VHTTDL đã có Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22-12-2015 Quy định về tổ chức lễ hội: “yêu cầu các nghi lễ trong các mùa lễ hội phải phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, loại bỏ và thay thế những thủ tục không còn phù hợp mang nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác trái với tinh thần yêu hòa bình, nhân ái và giá trị nhân văn bao gồm các hành vi như mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo…”. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội trong đó quy định: “Nghi lễ của lễ hội phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam” (điểm 3, Điều 5) (17).

Cụ thể hóa hơn về quy định trong tổ chức và quản lý lễ hội ăn trâu, ngay từ năm 2015, Bộ VHTTDL đã có Công văn số 943/BVHTTDL-VHCS yêu cầu Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Theo đó, Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát, kiểm kê các loại hình lễ hội. Trên cơ sở đó, phân loại, đánh giá, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Không cấp phép, phục dựng lễ hội tràn lan; việc cấp phép phải thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội. Đối với các lễ hội được tổ chức định kỳ mà có nội dung gây bức xúc trong dư luận như: đâm trâu, chọi trâu, cầu trâu, chém lợn, cướp phết, tranh lộccần tổ chức tham vấn ý kiến cộng đồng, hội thảo và lựa chọn hình thức phù hợp, vận động nhân dân loại bỏ, thay thế để phù hợp đời sống văn hóa và xu thế thời đại. Không cấp phép mới, phục dựng đối với những lễ hội có hình thức, nội dung tương tự… (18).

Từ năm 2016, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở VHTTDL phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội; không cấp phép, tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh; chỉ đạo dừng tổ chức các lễ hội đã được cấp phép nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc trong dư luận xã hội; đồng thời điều chỉnh nội dung tổ chức cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay (19).

4. Nên hay không nên duy trì lễ hội ăn trâu?

Việc có nên duy trì lễ hội ăn trâu ở vùng Tây Nguyên đang gây ra nhiều tranh luận. Một số người cho rằng vì đây là tập quán văn hóa nên phải duy trì. Ngược lại, cũng không ít ý kiến của giới chuyên môn và người dân đề nghị cần loại bỏ vì phản cảm.

Theo bà Linh Nga Niê Kdăm, lễ ăn trâu của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vốn có ý nghĩa quan trọng, đó là bữa ăn cộng cảm của cộng đồng nên cần tôn trọng tín ngưỡng riêng. Tuy nhiên, phải loại bỏ dần những yếu tố mê tín, gìn giữ những nét tinh hoa trong phong tục tập quán riêng của mỗi vùng, mỗi tộc người. Bên cạnh đó, cần giảm bớt số lần tổ chức và những lễ thức rườm rà, tăng phần hội, tạo môi trường diễn xướng cho mọi hình thức văn nghệ dân gian cổ truyền được phát huy (20).

Tác giả Huỳnh Thiệu Phong đã có ý kiến rất đáng lưu ý về việc duy trì lễ hội ăn trâu trong bài viết Lễ hội ăn trâu (đâm trâu) ở Tây Nguyên – Quan điểm và những vấn đề đặt ra nhìn từ góc độ văn hóa: “cần giữ lại lễ hội ăn trâu cổ truyền của cộng đồng các tộc người ở Tây Nguyên, trong đó có dân tộc Gia rai” (21). Dưới đây là một số lý lẽ bảo vệ quan điểm duy trì lễ hội ăn trâu mà tác giả đưa ra:

Thứ nhất, lễ hội ăn trâu không dã man như dư luận xã hội đã nhận định bởi nó thể hiện rõ tính cố kết cộng đồng, tính thích nghi với môi trường “văn hóa rừng” ở khu vực Tây Nguyên. Trong lễ hội ăn trâu, tính cộng đồng được biểu hiện qua việc cả buôn cùng chung tay chuẩn bị, cùng nhau nhảy múa, ca hát, ăn uống, ngay cả việc xẻ thịt trâu cũng chia lại cho mỗi gia đình một ít… Như vậy, ở đây, “về suy luận logic, chúng ta không tìm thấy được lý do gì để loại bỏ lễ hội ăn trâu ra khỏi đời sống hiện nay trong khi tự thân nó mang giá trị văn hóa sâu sắc, là biểu hiện của một sinh hoạt cộng đồng mang giá trị nhân văn cao như thế!”.

Thứ hai, quan niệm về thế giới quan của con người nơi đây có những đặc trưng khác biệt. Họ không cho rằng “con trâu là đầu cơ nghiệp”, là biểu tượng đặc trưng cho nền văn minh lúa nước như trong tư duy của người Việt. Đối với điều kiện canh tác chủ yếu là nương rẫy, hái lượm và săn bắt, các tộc người Tây Nguyên không nuôi trâu để kéo cày. Vì vậy, con trâu không phải là vật nuôi và tài sản chính của họ, mà nó gắn liền với tín ngưỡng đa thần của cư dân bản địa. Do đó, người ta nuôi trâu chỉ để làm lễ hiến sinh trong các lễ cúng quan trọng, hoặc để trao đổi những vật dụng quý như ching (chiêng), ché, voi…

Thứ ba, ông cho rằng, khi chúng ta nghe trọn vẹn và hiểu cặn kẽ về nội dung bài hát khóc trâu ta sẽ hiểu hơn về hành vi đâm trâu trong lễ hội, đó là một nghi thức rất linh thiêng. Sự hiến sinh của con trâu thật là cao cả, nghĩa khí, vì nó đã đem đến cho thế giới thần linh tất cả ước vọng của cộng đồng. Các giá trị văn hóa tinh thần được thăng hoa, kết tinh vào chính sự hiến sinh đó nên lễ hội ăn trâu thật sự cần thiết trong tín ngưỡng của đồng bào.

Thứ tư, ông cho rằng, việc tổ chức lễ hội ăn trâu như hiện nay ở các địa phương khu vực Tây Nguyên có sự tham gia của cả các nhà kinh doanh du lịch và quản lý văn hóa, đồng nghĩa với việc cho phép người xem là những người ngoài cộng đồng cùng tham gia với tâm thế không hiểu rõ những nghi thức trong lễ hội, điều đó sẽ dễ nảy sinh những quan điểm sai lệch dưới góc độ bảo tồn văn hóa. Vì lẽ đó, ông cho rằng, cần có những định hướng thật cẩn trọng trong việc xem xét “có nên để yếu tố kinh tế xen lẫn vào yếu tố văn hóa hay không?”.

Tác giả Huỳnh Thiệu Phong khẳng định: “chúng ta không có quyền lên án những lễ hội của đồng bào các tộc người thiểu số, bởi lẽ trong văn hóa, tất cả đều bình đẳng với nhau” (22). Lễ hội ăn trâu đối với cộng đồng các tộc người ở Tây Nguyên là một điểm nhấn, một giá trị đặc sắc cần được bảo tồn và phát triển. Nếu hiện tại, có đôi chỗ bị bóp méo, bị biến tướng do thương mại hóa thì chỉ cần xử lý sao cho phù hợp với thực tại, trả lại cho lễ hội sự lành mạnh, đúng với tinh thần và vẻ đẹp nguyên bản của nó.

Có thể nói, lễ hội ăn trâu của người Gia rai nói riêng và của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung là sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa tinh thần rất lớn, hội tụ nhiều yếu tố văn hóa đặc sắc, cần được hiểu đúng ý nghĩa để có biện pháp bảo tồn phần tinh hoa, truyền thống của nó, nếu không chẳng bao lâu nữa, một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân gian khu vực Tây nguyên sẽ bị biến mất.

Để cân bằng các giá trị văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên phù hợp với xu hướng hội nhập văn hóa quốc tế, chúng tôi cho rằng nên giảm quy mô và số lần tổ chức lễ hội, điều chỉnh một số nội dung không còn phù hợp với thời kỳ mới, giữ gìn phần ý nghĩa tinh thần của lễ hội cổ truyền, bãi bỏ những yếu tố mang tính bạo lực, man rợ, phản cảm. Có thể cụ thể hóa thành những việc làm như sau: chỉ nên thực hiện lễ hội đâm trâu ở quy mô thôn, làng, các hộ không nên tổ chức riêng (dù có điều kiện kinh tế); lễ hội ăn trâu không nên tổ chức thường xuyên, hằng năm mà chỉ nên tổ chức khi thôn, làng có việc trọng đại; thời gian tổ chức lễ hội nên rút ngắn trong một ngày (một ngày một đêm), tránh sự xa xỉ và tránh phát sinh những luồng ý kiến trái chiều, nguy hại cho việc bảo tồn lễ hội; nên tổ chức việc đâm trâu vào sáng sớm (khi mà trẻ con và phụ nữ không có mặt) như ngày xưa, chỉ nên có mặt thày cúng, người già và một số thanh niên giúp việc (23).

________________

1, 7. Ngọc Hoa, Lễ hội đâm trâu mừng năm mới của đồng bào Tây Nguyên, cand.com.vn, 20-2-2015.

2, 5, 8, 11, 15, 21, 22. HuỳnhThiệu Phong, Lễ hội ăn trâu (đâm trâu) ở Tây Nguyên – Quan điểm và những vấn đề đặt ra nhìn từ góc độ văn hóa, nghiencuulichsu.com, 2016.

3, 4, 6. Vũ Ngọc Khánh, Việt Nam phong tục toàn biên, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2012, tr.654, 655, 305.

9. Thạch Phương, Lê Trung Vũ, 60 lễ hội truyền thống Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2015.

10. Tên một loại lá cây ưa thích của trâu.

12, 16, 20. Cao Nguyên, Lễ ăn trâu bị biến tướng, nld.com.vn, 15-2-2016.

13, 18. Trí Tín, Loại bỏ lễ hội đâm trâu ở Đắk Lắk, bienphong.com.vn, 15-3-2016.

14, 19. Kim Ngân, Lâm Đồng chính thức bỏ nghi thức đâm trâu trong lễ hội truyền thống, cand.com.vn, 8-11-2016.

17. Nguyễn Quang Thủy, Đầu xuân Tân Sửu, mạn bàn về lễ hội đâm trâu, tuyengiaokontum.org.vn, 11-2-2021.

Tác giả: TS Lê Thị Phượng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021

 

 

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *