Trong một năm, người Việt thực hiện rất nhiều nghi thức cầu cúng nhằm cầu xin sự bình an, hạnh phúc trong cuộc sống. Bên cạnh những lễ tiết chính, nhiều địa phương còn duy trì một số nghi lễ khác như lễ cầu mát, lễ ra hè… Trong bài viết này, chúng tôi chọn khảo sát lễ cầu mát ở một số làng thuộc xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội với mong muốn tìm hiểu những biến đổi của nghi lễ dân gian trong đời sống đương đại.
1. Lễ cầu mát ở Đường Lâm
Lễ cầu mát (còn gọi là lễ kỳ yên, lễ vào hè) ở Đường Lâm được tiến hành vào ngày 1 – 4 âm lịch hàng năm. Làng Cam Lâm bắt đầu tổ chức vào buổi sáng sớm, còn các làng Cam Thịnh, Đông Sàng, Mông Phụ, Hưng Thịnh tổ chức vào trưa hoặc chiều. Lễ cầu mát có thể được tổ chức ở đình (Đông Sàng, Mông Phụ, Cam Thịnh), đền (Cam Lâm) hoặc chùa (Hưng Thịnh). Những làng tổ chức lễ cầu mát ở đình đều không hành lễ ở nhà đại bái mà làm ở nhà xích hậu. Còn ở làng Cam Lâm, lễ cầu mát được tổ chức ở đền Mẫu vì dân làng cho rằng đình của họ thờ những nhân vật có thật trong lịch sử (Ngô Quyền, Phùng Hưng) khác với những vị thành hoàng không có nguồn gốc rõ ràng ở các làng khác nên không thể tổ chức cúng lễ ở đình. Tương truyền, thành hoàng làng Đông Sàng là một người chết trôi, thành hoàng làng Mông Phụ là một đứa bé, con của cô đào hát hoặc một thiên thần thường được hô gọi là dực vận tán trị, còn thành hoàng làng Cam Thịnh là một người lượm phân hoặc người đánh dủi/rủi (1). Một số khác thì cho rằng, cúng chúng sinh không cúng được ở đình.
Đền Mẫu nằm ở chân đồi nhỏ giáp ranh làng Cam Lâm và xã Xuân Sơn. Để đi vào đền, chúng ta phải đi qua một triền đồi, khu vực này không có dân cư sinh sống mà chỉ là nơi trồng cấy. Trước mặt đền Mẫu là một vùng đất rất thấp, xưa kia là vực sâu, tương truyền, vực đó là nơi thi hành kỷ luật đối với quân lính phạm tội của Phùng Hưng, sau này là nơi chôn cất trẻ sơ sinh. Trong chiến tranh, có một bệnh viện dã chiến sơ tán về Cam Lâm, khu vực trước cửa đền cũng là nghĩa địa của bệnh viện. Chính bởi vị trí địa lý xa nơi dân cư cùng với những câu chuyện lưu truyền trong cộng đồng đã khiến cho khu vực đền Mẫu có vẻ hoang lạnh đặc biệt.
Trong lễ cầu mát, người phụ nữ có vai trò chính. Họ là người đi chợ sắm sửa lễ vật, chuẩn bị đồ cúng và cúng chính. Ở làng Cam Lâm, chỉ có một người đàn ông khoảng hơn 30 tuổi giúp các bà vận chuyển đồ lễ, khi buổi lễ sắp tàn có thủ từ ở đình cùng với ông trưởng thôn đến làm lễ trong vài phút. Các làng Cam Thịnh, Đông Sàng phụ nữ cũng nấu nướng và chuẩn bị đồ cúng, nhưng tất cả các cụ trong hội người cao tuổi đều được huy động tham gia.
Lễ vật của các làng khá giống nhau. Một là lễ vật cúng chúng sinh, gồm: bánh đúc, cháo hoa, quần áo chúng sinh, vàng mã, mũ, kẹo bột, bánh tẻ, bỏng rộp, hoa quả, trứng sống, gạo sống, ngựa trắng, ngựa đỏ. Lễ vật của làng Đông Sàng còn có 30 hình nhân thế mạng, bên cạnh đó còn có voi, ngựa và một số loại gia súc khác được làm bằng giấy với kích cỡ tương đối lớn. Đặc biệt, lễ vật làng Đông Sàng còn có một chiếc thuyền giấy khá lớn, khiến chúng tôi liên tưởng đến dấu ấn về nguồn gốc cư trú của làng. Xưa kia, làng Đông Sàng vốn ở ngoài bãi sông Hồng, phương tiện đi lại chủ yếu là thuyền. Sau đó, khu đất cư trú của làng bị sụt lở nên phải chuyển vào sâu bên trong đê. Ngược lại, làng Cam Lâm vốn ở vùng đồi núi nên trong lễ vật cúng có một mâm cúng sơn tràng gồm có cua rang, ốc vặn hoặc ốc đá, cá khô. Theo lời các cụ già, lễ cúng sơn tràng này đã đơn giản đi nhiều. Trước kia, lễ sơn tràng gồm 13 cái quạt, 13 bông hoa, 13 củ khoai sọ, 13 củ khoai lang, cơm lam, cua, ốc, tôm, cá khô. Mâm cúng sơn tràng được đặt trên bàn thờ mẫu còn lễ vật cúng chúng sinh đặt dưới đất. Lễ vật ở làng Đông Sàng được đựng trong mẹt, cháo hoa được múc vào 18 bồ kề làm bằng lá mít cắm dọc hai bên cổng dẫn vào đình. Lễ vật ở làng Cam Lâm, ngược lại, đựng trong các bát, đĩa, khay. Khi được hỏi tại sao không đựng cháo vào trong bồ kề lá mít, các cụ già trả lời rằng: “bây giờ văn minh rồi không làm như thế nữa”. Hai là lễ vật để cúng thần, thánh hoặc mẫu. Những lễ vật này cũng giống như các lễ vật thông thường chúng ta vẫn thấy gồm hoa quả, xôi, bánh kẹo… được đựng trong đĩa, bày trên bàn thờ thần, thánh, mẫu.
Nghi thức hành lễ cầu mát ở các làng không có sự khác biệt nhiều. Đầu tiên, các cụ mời một thày cúng (có thể là người làng khác) hoặc một người biết cúng, có giọng tốt để đọc các bản kinh Phật, sau đó lĩnh xướng cho các vãi chèo đò. Người này thông thường là phụ nữ. Ở làng Đông Sàng, chúng tôi thấy ngoài thày cúng còn có một nhà sư nữ đang trụ trì ở chùa Mía. Trong nhà xích hậu, nhà sư ngồi chính giữa trước ban thờ, bên phải là thày cúng, bên trái là một người đàn ông (xóm trưởng). Người đàn ông này có nhiệm vụ đánh trống theo hiệu lệnh.
Thực hiện nghi lễ cầu mát ở làng Cam Lâm không phải là một thày cúng mà là một vãi, có giọng đọc kinh hay và tài ứng biến. Vãi đã từng được mời đi cúng ở nhiều nơi, không phải viết các bài cúng như thày cúng mà chỉ có một quyển sổ ghi lại các bài kinh Phật, chèo đò. Ở làng nào vãi cũng dùng quyển sổ đó.
2. Các nghi thức tiến hành lễ cầu mát
Trong lễ cầu mát, trước tiên, vãi hoặc nhà sư đọc kinh thỉnh Phật khoa và làm lễ trước bàn thờ thần, thánh, phật. Trong khi đọc kinh, thỉnh thoảng vãi dừng lại, cúi lạy, tất cả các vãi khác cũng lạy theo. Sau khi đọc kinh xong, vãi ra bên ngoài làm lễ cúng chúng sinh.
Những nơi có mời thày cúng thì khi nhà sư đọc kinh xong sẽ ra về, thày cúng sẽ làm các công việc tiếp theo. Thày cúng đọc sớ phúc thọ bằng chữ Hán, vừa đọc vừa gõ vào một cái chiêng con, thỉnh thoảng làm một vài động tác giống như bắt quyết. Đôi khi trật tự này có sự đảo ngược, nhà sư đọc sớ phúc thọ, sau đó cả nhà sư và thày cúng cùng đọc kinh thỉnh Phật khoa. Sau khi đọc xong, thày cúng đưa sớ cho một người nào đó mang đi hóa. Tiếp đó là nghi lễ cúng chúng sinh do các vãi thực hiện. Các vãi sẽ cử ra một vãi có giọng tốt nhất, có tài ứng biến để lĩnh xướng, bên cạnh có hai vãi khác, mỗi người cầm một mái chèo bằng gỗ sơn đỏ hoặc sơn màu gụ. Nếu không có mái chèo họ dùng hai cây gỗ nhỏ, dài, ở một đầu uốn cong, có hình hoa sen. Cây gỗ này được sử dụng như mái chèo. Những vãi khác ngồi hoặc đứng theo hàng ở phía sau, quay mặt ra phía có lễ vật cúng chúng sinh. Vãi lĩnh xướng bắt đầu xin phép các quan làm lễ chèo đò. Vãi đọc một câu trong bản chèo đò theo giọng điệu ngân nga rồi dừng lại. Hai vãi cầm mái chèo quay chúng từ trong ra ngoài giống như cách người ta chèo đò, vừa chuyển động mái chèo vừa đọc “Khoan ai hò khoan a di đà Phật”. Những hành động cứ như thế tiếp diễn cho đến khi bản chèo đò hết. Đôi khi vãi lĩnh xướng dừng lại và hỏi các vãi khác xem có nên đọc thêm một bản chèo đò khác nữa không.
Nghi lễ cuối cùng là cúng cháo. Các lễ vật bằng vàng mã được mang đi hóa. Một số vãi mang cháo từ chỗ cúng ra bên ngoài, vừa đi vừa vẩy cháo sang hai bên đường. Ở làng Đông Sàng, các vãi không cần vẩy cháo vì trước khi cúng các vãi đã múc cháo vào các bồ kề lá mít cắm dọc theo hai bên lối cổng đình. Trong khi đốt vàng mã và vẩy cháo, các vãi nói những câu vừa như cầu xin, vừa như khuyên răn các quan đi khỏi làng, không nên quấy nhiễu dân làng. Sau đó, mọi người ngồi cùng nhau thụ lộc hoặc mang về cho trẻ con. Trong lễ cầu mát ở Đường Lâm, trẻ con, người lớn cầm bát, cặp lồng đến đình, đền, chùa để xin cháo, họ tin rằng cháo được nấu ở đình, chùa sẽ mang lại sức khỏe cho cả gia đình.
Quan sát nghi lễ cầu mát ở Đường Lâm, chúng tôi có cảm giác nghi lễ này mang tính âm. Không khí của buổi lễ trái ngược với không khí tế thần thành hoàng. Trong khi tế thần thành hoàng, người dân bằng mọi cách phô trương lễ vật, cờ quạt, nghi thức hành lễ thì lễ cầu mát lại có vẻ chìm đi giống như những ngày sóc, vọng khác. Lễ vật để cúng thành hoàng phải được chuẩn bị trong một năm hoặc mua sắm với lòng thành kính sâu sắc thì lễ vật trong lễ cầu mát lại hết sức đơn giản, được bày biện sơ sài. Sự khác biệt của lễ cầu mát thể hiện ở lễ vật cúng chúng sinh, lễ chèo đò và phụ nữ đóng vai trò chính trong việc tổ chức, hành lễ. Bên cạnh đó, lời lẽ trong bài chèo đò hết sức đơn giản, khác với những ngôn từ có tính chất tôn kính như trong chúc văn tế thần thành hoàng.
Việc cử hành lễ cầu mát cũng cho thấy nhiều sự trái ngược. Làng Đông Sàng nằm ở vị trí trung tâm của xã Đường Lâm, là nơi giao lưu buôn bán của cả khu vực, nhưng lại bảo tồn những chi tiết cổ xưa như để cháo trong các bồ kề lá mít, bày đặt lễ vật trong mẹt, lá cây. Ngược lại, làng Cam Lâm nằm ở vùng đồi gò trước đây là khu trại vắng, hiện nay cũng vẫn thuộc khu vực xa trung tâm của xã nhưng trong lễ cầu mát những chi tiết cổ xưa đã được thay thế bằng những chi tiết hiện đại. Chẳng hạn như thay bồ kề lá mít bằng các bát, đĩa, khay.
3. Hát chèo đò trong lễ cầu mát
Trong lễ cầu mát ở Đường Lâm, hát chèo đò được các vãi thực hiện cuối buổi lễ. Bởi bài chèo đò giống như những lời kêu xin, cầu khấn, khuyên nhủ của dân làng gửi đến các vị quan ôn, quan thần linh nên nội dung thường trình bày về các lễ vật và bày tỏ mong muốn của mình với các quan thần linh. Khi bắt đầu chèo đò, vãi lĩnh xướng sẽ nói một vài câu để giới thiệu về địa điểm và người làm lễ. Đôi khi, vãi lĩnh xướng cũng không giới thiệu vì chèo đò là nghi lễ cuối cùng trong lễ cầu mát nên phần giới thiệu đã được các nhà sư hoặc thày cúng viết trong bài sớ. Trong bài chèo đò Khao các quan, các vãi đọc hay đúng hơn là hát phỏng theo nhịp điệu, dáng điệu của những người chèo đò trong lễ cầu mát ở ba làng Cam Thịnh, Cam Lâm, Đông Sàng.
Nam mô đạo thánh khà dao
An đàn tiếp dẫn nhật loài chúng sinh
Đồng lai thọ cẩn sô vi
Đông tây nam bắc vậy thì về nhanh
Cúng ràng tam bảo đã yên
Con mời chư vị các quan đều ngồi…
Ở đây lễ mỏng tâm thành
Đa tửu nhiều tình nhiều ít quản chi
…Sông sâu đã có đò đưa
Sông đồng hồ cầu ô sông bắc
Hình thức trình bày của bài chèo đò hết sức đặc biệt. Sau mỗi câu hát của vãi lĩnh xướng, các vãi khác hát đồng thanh: “Khoan ai hò khoan a di đà Phật”. Cách trình bày như vậy tương đồng với các bài hò sông nước, một người hát từng câu hoặc từng đoạn, giữa các câu, đoạn một nhóm người khác sẽ hò “dô hò, hò dô ta nào”, có tính chất giữ nhịp cho lời hát. Nhịp điệu của câu “Khoan ai hò khoan a di đà Phật” cũng thay đổi cho phù hợp với nhịp của câu mà vãi lĩnh xướng hát. Nếu vãi lĩnh xướng kết thúc câu bằng âm vực thấp thì từ ai sẽ được các vãi khác hát theo âm vực thấp thành ài, ại hoặc ải. Nếu vãi lĩnh xướng kết thúc câu bằng âm vực cao thì từ này sẽ được các vãi khác hát thành ái. Trong lúc trình bày, thỉnh thoảng vãi lĩnh xướng dừng lại một chút vì không chắc chắn giọng điệu của câu tiếp theo hoặc để nhắc nhở các vãi khác vì mải nói chuyện mà quên không hò khoan.
Nếu như tế lễ thành hoàng nặng về phần lễ, các lễ được cử hành rất nghiêm trang thì cách trình bày bài chèo đò giống như một buổi trò chuyện giữa các vãi và các quan. Ở đó không có sự cách biệt về vai vế mà chỉ có sự cách biệt về hai thế giới: âm phủ, dương gian. Buổi trò chuyện bắt đầu bằng những lời mời mọc của các vãi, sau đó là những lời phân trần về lễ lạt có phần mỏng nhưng các vãi khẳng định là tấm lòng rất hậu. Câu chuyện tiếp tục bằng những lời ca ngợi cảnh chùa chiền, công ơn của đức phật. Sau đó là những lời khuyên nhủ của các vãi về việc các quan chia quà cho nhau phải công bằng.
Bài chèo đò được viết bằng chữ quốc ngữ với lời lẽ hết sức đơn giản, dễ hiểu, có vần điệu, có đoạn dùng thể lục bát có đoạn phá thể gần với giọng điệu hát nói. Những đoạn viết theo thể lục bát các câu chữ cũng không cần đảm bảo chặt chẽ cách gieo vần. Chẳng hạn:
Có chia thì chia cho đều
Dù nhiều dù ít phe phải bằng nhau
Vần cuối của câu 6 thuộc thanh bằng nhưng vần của âm tiết thứ trong câu 8 là thanh trắc. Lẽ ra, âm tiết này cũng phải mang thanh bằng để phù hợp với câu 6. Hoặc trong hai câu sau đây:
Quần áo chả có vận mình
Các vãi thương tình lại may áo cho
Lẽ ra âm tiết thứ 6 trong câu 8 phải mang vần giống như âm tiết cuối của câu 6 nhưng nó lại gieo vần vào âm tiết thứ 4.
Đôi khi, giữa hai đoạn lục bát lại chen vào một đoạn phá thể giống như những câu nói thông thường. Chẳng hạn:
Hỡi các quan ơi nghe lời vãi con
Nhưng thương gian (dương gian) âm phủ
tri dịch tri trùng
Mặc dù vần điệu của các câu trong bài chèo đò thay đổi rất nhiều nhưng có vẻ như điều đó không gây khó khăn cho các vãi khi thể hiện. Khi hát, vãi lĩnh xướng sẽ điều chỉnh giọng của mình cho phù hợp với những âm vận trúc trắc. Với những đoạn phá thể, vãi lĩnh xướng đọc nhưng vẫn giữ cho giọng của mình ngân nga.
Phần lớn nội dung, cấu trúc các bài chèo đò Khao các quan ở 3 làng Cam Thịnh, Cam Lâm, Đông Sàng giống nhau. Chỉ có lời cầu được phù hộ độ trì đôi khi được đặt ở cuối bài hoặc được vãi lĩnh xướng hát thêm vài câu nữa.
Nhìn chung, lễ cầu mát là một trong những nghi lễ không thể thiếu trong chu kỳ hành lễ hàng năm của người dân xã Đường Lâm. Tuy việc tổ chức lễ hội và các nghi lễ dân gian ở đây vẫn được duy trì nhưng đã có những thay đổi về quan niệm cũng như cách thức thực hành nghi lễ để phù hợp với điều kiện, bối cảnh của xã hội đương đại.
____________
1. Từ địa phương, dùng để chỉ người đi đánh bắt chim cuốc.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017
Tác giả : PHÙNG THỊ THANH LÂM – PHẠM THỊ THƯƠNG THƯƠNG
Bài viết cùng chủ đề:
Bảo tồn văn hóa si la trong bối cảnh hiện nay
Giữ gìn văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên
Vai trò của người dân trong bảo tồn giá trị quan họ làng vân khám