Làng Kế (nay thuộc phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) là một làng vừa mang những đặc điểm của làng cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ (ĐBBB), lại vừa mang những nét tiêu biểu cho những biến đổi hiện nay của nông thôn trước sức tấn công của đô thị hóa. Trong những thế kỷ gần đây, cơ cấu kinh tế của làng đã có nhiều chuyển dịch, trở thành sự phức hợp công – nông – thương khá hài hòa và điển hình của làng trong đô thị. Trải ngàn năm lịch sử, các thế hệ cư dân nơi đây đã nối tiếp nhau, cần cù lao động, tích cực sáng tạo và miệt mài học tập để xây dựng nên một truyền thống văn hóa đáng tự hào. Trong quá trình đô thị hóa, truyền thống văn hóa đó vẫn luôn được gìn giữ, vun đắp và bảo tồn, nó được thể hiện trong các lễ hội dân gian địa phương tiêu biểu.
Theo truyền thống xa xưa, một năm, làng Kế có tới 12 tiết lễ chính: lệ nguyên đán, lệ giỗ tổ ở chùa (6-2), lệ tế tiên hiền (10 – 2), lệ hàng xã tuân tế (18 – 2), lệ ngày (13 – 5), lệ hội (hội làng (15 -3), lệ hạ điền (1- 4), lệ sướng ca (10 – 5), lệ thượng điền (20 – 7), lệ thường tân (5 – 10), lệ lên lão (5 – 12), lệ hậu thần và giỗ bà Chúa chợ (18 – 12), hội chùa Kế (mồng 4 tết),… ngoài ra còn có nhiều tiết lễ khác của chùa, đền, văn chỉ.
Tâm điểm các hoạt động tiết lễ của làng là lễ hội, nhân dân quanh vùng quen gọi là hội Kế, hay hội chùa Kế.
Về thời gian và quy mô tổ chức lễ hội
Xưa kia, trong một năm làng Kế có hai đợt lễ hội: hội chùa Kế (chùa Đống Nghiêm) giỗ tổ chùa vào ngày mồng 5 và 6 – 2 âm lịch; lễ hội của cả làng (toàn xã) vào 15 – 3 âm lịch. Ngày 5 và 6 – 2 còn là lễ hội thờ đức thánh Cả (còn đức thánh Hai và đức thánh Ba được thờ vào dịp 19 và 20 – 2 âm lịch). Từ cuối thập kỷ 80 của TK XX, chính quyền xã thấy việc tổ chức hai ngày lễ hội gần nhau trong một năm là tốn kém và mất thời gian, ảnh hưởng đến sản xuất nên đã quyết định gộp hai lễ hội này lại thành ngày hội chung của toàn dân làng (và nâng lên thành hội truyền thống chung của toàn xã) vào ngày 5 và 6 – 2 âm lịch.
Những năm trước đây, giỗ tổ chùa, làng cũng trích quỹ làm xôi gà để lễ tế. Đến ngày 15 – 3, bảy giáp cũng sắm cỗ có xôi gà tế thần và tổ chức lệ xướng ca. Vào ngày này, ngoài việc tế thần bằng xôi gà, bánh đa, làng còn tổ chức các trò vui lễ hội. Hội tháng ba, năm nào cũng tổ chức. Còn hội tháng hai, cứ 4 năm mới mở một lần vào các năm Hợi, Mão, Mùi. Cứ 12 năm lại tổ chức một lần hội lớn. Song quy mô lớn nhỏ thế nào đều tùy vào tình hình tài chính, vật lực mà dân làng 7 giáp bàn bạc quyết định. Chỉ trong các lễ hội lớn, làng mới tổ chức đám rước kiệu thần uy nghiêm, hoành tráng.
Không gian tổ chức lễ hội
Hội Kế được tổ chức ở trung tâm của làng, trong khuôn viên đền Dĩnh Kế (còn gọi là Nghè Kế, hay Nghè Cả), chùa Kế (tên chữ là chùa Đống Nghiêm) và chợ Kế. Bởi lẽ ba di tích này ở cạnh nhau, tạo nên một khuôn viên khá rộng lớn, vừa có tính truyền thống lại quy tụ được người dân trong làng, trong vùng. Địa điểm ấy vừa mang đậm tính tâm linh, thờ tự các bậc thánh thần của làng (tính chất lễ), lại vừa trần tục, dân gian của không gian chợ (tính chất hội). Như vậy, ngay chính không gian tổ chức lễ hội đã đảm bảo cho hội Kế có sự hòa quyện giữa hai phần lễ và hội, giữa nhu cầu sinh hoạt tâm linh với nhu cầu sinh hoạt, giải trí thường ngày của người dân trong vùng.
Đối tượng thờ cúng của lễ hội
Thánh thần của làng Kế, hội Kế cũng chính là đối tượng được thờ ở nghè Cả (đền Dĩnh Kế). Nghè Dĩnh Kế là nơi thờ tự, ngưỡng vọng của nhân dân toàn xã đối với hai vị thánh: Cao Sơn và Quý Minh. Đó là hai vị tướng của vua Hùng Vương, có nhiều công lao phò vua giúp nước, được nhân dân nhiều làng xã trong cả nước lập đình, đền thờ phụng. Các triều vua phong kiến ban sắc phong tặng hai vị tướng là thượng đẳng thần. Nhân dân Dĩnh Kế từ xưa đã lập nghè và đình để thờ đức thánh, vì vậy nghè Dĩnh Kế vẫn được nhân dân quen gọi là nghè Cả và đình chung của toàn xã được quen gọi là đình hàng xã hay đình Ba Xã (tức ba xã thời trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 là: Vĩnh Ninh, Phú Mỹ, Thượng Trù). Ngoài nghè và đình chung, các thôn (tức xã xưa) còn có nghè và đình riêng để thờ. Rất tiếc, đình hàng xã, đình nghè các thôn đã bị phá từ lâu và nghè Dĩnh Kế là công trình kiến trúc cổ duy nhất còn lại của nhân dân địa phương, trở thành trung tâm thờ tự đức thánh của nhân dân toàn xã hiện nay.
Hát quan họ trong lễ hội chùa Kế. Ảnh Văn Thọ
Ngoài việc tôn thờ đức thánh Cao Sơn, Quý Minh, tại nghè Kế còn có ban đặt bia thờ các vị tiên hiền, khoa bảng của hai huyện Phượng Nhỡn và Bảo Lộc xưa. Tên các vị khắc trên tấm bia được nhân dân tôn kính thờ trong văn chỉ Dĩnh Kế (văn chỉ hàng Tổng). Nhưng qua những biến thiên của lịch sử, khu văn chỉ bị mất, nhân dân Dĩnh Kế đã đưa tấm bia này về đặt thờ ở nghè của xã. Trong số những bậc tiên hiền khoa bảng của hai huyện được thờ, đáng chú ý có ba vị vốn quê hương Dĩnh Kế, được tôn thờ đặc biệt là: Trạng nguyên Giáp Hải đỗ trạng nguyên khoa thi Mậu Tuất (1538) triều Mạc Đại Chính năm thứ 9; Tiến sĩ Giáp Lễ (tức Giáp Phong – con trai Giáp Hải) đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa thi Mậu Thìn (1568) triều Mạc Thuần Phúc thứ nhất; Tiến sĩ Nguyễn Duy Năng đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Giáp Tuất (1574) triều Mạc Sùng Khang năm thứ 7.
Như vậy, hội Kế được tổ chức để ngoài việc vui chơi, giải trí còn để tế nhị thánh Cao Sơn, Quý Minh cùng ba vị tiên hiền của quê hương: “Hàng năm tất cả các buổi xướng ca, đánh vật và các trò vui phụng thờ ba vị Tôn thần, kính mời Trạng nguyên Giáp Hải, Tiến sĩ Giáp Lễ, Hậu thần tự Phúc Chính, Chúa chợ: Nguyễn Minh Phái, Nguyễn Thị Chuyên, Đồng Phương Quế, Nguyễn Thị Hữu” (điều 40) (1).
Về loại hình lễ hội
Cho đến nay, cách phân loại lễ hội vẫn chưa được thống nhất. Trong công trình nghiên cứu về Lễ hội Bắc Giang, nhóm tác giả do ông Ngô Văn Trụ đứng đầu đã chia lễ hội thành 6 loại: hội đình, hội đền, hội chùa, hội chạ, hội chợ, hội hát. Các tác giả đã xếp hội Kế vào loại hội chùa(2). Tuy nhiên, sự phân loại đó chỉ có tính tương đối. Hội Kế cũng có thể được xếp vào loại lễ hội tín ngưỡng dân gian, hoặc lễ hội thi tài (thi làm bánh đa).
Chuẩn bị lễ hội
Thường các làng xã họp chuẩn bị từ trước đó 10 ngày cho đến nửa tháng, riêng làng Dĩnh Kế chuẩn bị trước một tháng. Việc họp bàn định về các vấn đề: quy mô tổ chức hội lớn hay nhỏ, cách thức tổ chức, tổ chức những gì, việc rước thần như thế nào, quyết định tài chính, phân bổ chi tiêu, bầu cai đám, tế chủ của hội, phân công các giáp, các ban, tuyển nhân lực, mua sắm vật chất, sửa sang nơi thờ thần, tập dượt. Cơ bản có 5 công việc chuẩn bị chính:
Một, bầu giáp đăng cai, bầu tế đám và chủ tế. Những việc lớn liên quan đến sinh hoạt chung, làng thường giao cho các giáp luân phiên nhau đảm nhiệm. Giáp nào đến lượt chịu trách nhiệm về việc tế lễ (thường phải lo tất cả các ngày lễ, tiết trong năm của làng) được gọi là giáp đăng cai. Nhiệm vụ của giáp đăng cai là chuẩn bị cơ sở vật chất, mua sắm lương thực, thực phẩm, hương hoa, trầu rượu, chế biến vật lễ, cỗ bàn, bố trí tiếp đón lễ, đón khách, phân công nhiệm vụ cho các giáp còn lại, tuyển chọn nhân lực, theo dõi, giám sát việc thực thi công việc chuẩn bị, tập dượt nghi lễ, phân công việc tổ chức các trò vui trong hội. Nói chung giáp đăng cai phải lo tất cả các công việc liên quan đến ngày lễ hội, từ khâu chuẩn bị đến khi kết thúc.
Cai đám (tế đám) thường phải là người: khỏe mạnh, không có khuyết tật, bệnh tật gì. Tuổi từ 41 đến 50, không tang chế, không can cớ gì, biết chữ, có gia thất đề huề, con cháu, đủ cả trai gái, gia đình song toàn, hòa thuận, có kinh nghiệm điều hành, thực thi tổ chức, chỉ huy công việc, có uy tín đạo đức với dân làng hoặc có công với làng nước. Có tiềm lực kinh tế khá giả hoặc giàu có (3).
Người làm tế đám thường cũng lo tất cả các lễ tiết trong năm của làng. Người được làm tế đám phải làm lễ cáo thần (to nhỏ tùy tâm), đồng thời phải khao vọng bằng tiền sung công quỹ, hoặc bằng cỗ. Làm tế đám cũng được một số quyền lợi (4). Số lượng cai đám đảm nhiệm công việc của lễ hội cũng tùy làng và sự lệ mà quy định. Làng Kế đặt 5 tế đám để lo việc lễ tiết. Thường, mỗi năm mỗi giáp cử một người cai đám của giáp mình để lo việc cho giáp trong khi làng lễ hội và cùng giáp đăng cai lễ hội, thực thi công việc do giáp đăng cai phân công, ví dụ như cai vật, cai cờ,… (gọi là cai phó hoặc các ông hiệu). Trách nhiệm người cai trưởng thường nặng nề hơn, chịu trách nhiệm toàn bộ công việc của hội từ khi bắt đầu đến kết thúc, phản biện lễ tế thần, lo tổ chức, đôn đốc, kiểm tra công việc của các cai phó.
Tế chủ là người trực tiếp nhất trong việc chuyển nguyện vọng của dân làng đến thần linh. Tế chủ có 2 vai trò quan trọng nữa là: tế thần trong cả năm nhưng không phải lo lễ vật; kiểm soát việc tế tự trong tất cả các ngày sự thần trong năm, được điều hành các giáp trong việc phụng sự thần, được họp bàn với giáp đăng cai và quyền được đưa ra quyết định cuối cùng.
Hai, chuẩn bị vật lễ thần, nghi trượng. Ngoài lễ vật để cúng tế thần linh do các giáp chuẩn bị thì trong những lần hội lớn, làng còn phải chuẩn bị các đồ nghi trượng như: long kiệu, các đồ chấp kích lộ bộ, tán lọng các loại, y phục của thần (hia hoặc hài, mũ, xiêm y), chiêng trống, cờ các loại (cờ đại, cờ đuôi nheo, cờ ngũ sắc, cờ bát quái,…), voi, ngựa.
Ba, tập dượt. Chủ yếu là tập dượt các nghi lễ, nghi thức tế thần, rước thần. Ngoài ra còn cần phải tập dượt trước các trò diễn trong hội.
Bốn, chuẩn bị văn tế thần.
Năm, chuẩn bị về tài chính. Để tổ chức lễ hội, dù quy mô lớn hay nhỏ thì làng xã đều phải chuẩn bị tài chính, ngoại trừ một số làng có nghề thủ công phát triển. Hầu hết các làng đều lấy thóc, một sản phẩm của nông nghiệp làm thước đo chuẩn mực. Nhìn chung, mọi chi phí của làng đều trông vào thóc, từ thóc lại quy ra tiền. Thường thì làng xã đều có ruộng đất công, giao cho người làng cày cấy để lấy thóc chi vào việc tế lễ, thờ cúng thần và sự lệ của làng. Khi còn nhiều quyền tự trị (trước khi thực dân Pháp xâm lược), làng Kế có khá nhiều nguồn tài chính phục vụ cho lễ hội: quỹ của làng, nguồn lợi từ nghề thủ công mà đặc biệt là từ chợ (5).
Đầu TK XX, trong dịp lễ hội, làng trích quỹ 16 đồng chi cho sự lệ của làng gọi là vào đám. Khi ấy, quyền tự quản của làng đã bị chế độ thực dân kiểm soát, hạn chế nhiều nên góp vào hội chỉ có thể lấy từ quỹ của làng. Nguồn lợi từ chợ trước đây vẫn dùng vào tế lễ và hội đều đã bị chính quyền thực dân thâu tóm.
Các nghi thức trong lễ hội
Mở đầu là khai hội. Ở Dĩnh Kế, lễ rước nước diễn ra trước nghi lễ mộc dục. Nước được rước từ giếng đình Ngõ (nay nằm trên địa bàn thôn Mé của xã, thuộc làng Phú Mỹ xưa) về Nghè Cả. Hai địa điểm này cách nhau gần một cây số. Người ta rước rất nhiều nước về để vừa làm lễ, lại vừa phục vụ toàn bộ sinh hoạt trong ngày hội. Chính vì vậy, số người tham gia rước và gánh nước rất đông. Nước đem về được đặt ở tam bệ đối diện với Nghè Cả. Tại đây, người ta làm lễ mộc dục cho tam thánh, bát bửu, ngựa, tán lọng. Cũng chính thứ nước được rước về này được dùng để rửa hoa, quả và nấu ăn phục vụ cho toàn hội lễ. Người xưa lấy nước ở giếng đình Ngõ vì giếng nơi đây đã được đào đúng mạch phong thủy nên nước rất trong mà lại có rất nhiều nước, quanh năm không khi nào hết nước.
Lễ rước: “Ngày mồng 2- 3 hàng năm, các bậc trên dưới hội họp tại đình, bàn định ngày 15 mở hội vật ở chợ, ngày 13 rước thần về đình dự hội, ngày 16 rước thần trở lại các đền” (điều 37) (6). Trong lễ rước của hội Kế xưa, người ta rước tượng, bài vị của các vị thánh cùng ngựa, tán, lọng từ hai đình Vĩnh (thờ Đức thánh Hai) và đình Tiêu (thờ Đức thánh Ba) về dự hội ở đình hàng xã (tức Nghè Cả, thờ Đức thánh Cả). Trong đám rước thường là diễn tả lại chiến công của vị thánh xưa hay lễ mừng chiến thắng. Cuộc rước là sự biểu dương sức mạnh của cộng đồng làng xã, phô diễn cái hay, gợi mở, gắn kết tình cảm cộng đồng trong mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại. Lễ rước chỉ được tiến hành vào năm tổ chức hội lớn, năm dân làng làm ăn thịnh vượng, phong đăng, hòa cốc hay khi làng có sự kiện lớn như: tô tượng, đúc chuông, tu sửa đình…
Tục, trò trong hội: Trong ngày hội, người ta chơi các trò chơi dân gian đặc sắc như chơi cờ người, cờ bỏi, kéo chữ, hát quan họ trên thuyền (đi trên mặt hồ trước cửa Nghè Cả), hội vật, chọi gà, đánh đu, leo dây, đi cầu kiều,… làm tăng thêm không khí vui tươi của ngày hội.
Trò kéo chữ, làng chọn 100 nam giới khỏe mạnh, cân đối, đều nhau, ăn vận trang phục theo lối truyền thống: quần áo đẹp, đầu đội khăn xếp, nón chóp, đi giày chín rồng (cửu long), vác cờ ngũ sắc. Đoàn người đi theo sự chỉ huy của ông tổng và ông hiệu trống. Ban đầu, đoàn người sắp thành hai hàng tiến vào. Một hồi trống dồn đầy khí thế vang lên, thu hút càng đông người đến xem. Theo hiệu trống dồn, ông tổng phất cờ dứt khoát như vẽ lên không trung những nét ngang, nét sổ, nét phẩy, nét mác, rõ ràng, rành mạch những đường ngang bằng, sổ thẳng nhưng cũng dẻo uốn lượn như rồng bay phượng múa. Mỗi nét ông tổng vẽ vào không khí thì đoàn người cũng nối nhau đi vào hàng, hiện những hình ông tổng vừa viết lên mặt đất. Sau một hồi lâu, một chữ hiện lên rành rành trước mắt người xem. Đội hình chữ ấy được duy trì một lúc rồi đoàn người lại rã ra, quay về hai hàng, chuẩn bị kéo thành chữ khác… Cứ như thế, người ta kéo thành khẩu hiệu như: Thiên hạ thái bình; Trình quan đại hội. Trò kéo chữ thu hút được nhiều người đến xem, những con mắt đầy tò mò, những tiếng vỗ tay dậy lên đầy ngưỡng vọng, hào hứng mỗi khi một chữ hiện lên. Trò kéo chữ còn thể hiện bề dày văn hóa, truyền thống khoa bảng, học vấn: quý chữ hơn vàng của làng.
Chơi cờ người: Từ luật chơi, cách sắp xếp các quân cờ, bước đi,… đều giống như cờ tướng. Nhưng loại hình cờ tướng phổ biến là cờ bàn: các quân cờ làm bằng gỗ hoặc bằng đất nung được sắp trên bàn cờ bằng gỗ có hình chữ nhật, người chơi thường ngồi ở bàn hoặc ngồi xếp bằng trên chiếu mà chơi. Còn cờ người, các nam thanh nữ tú mặc quần áo đẹp sẽ đóng các quân cờ, xếp hàng trong một khuôn viên của sân hội. Làng phải rất mất công và tiền của chuẩn bị trang phục cho những quân cờ, sao cho tướng có trang phục của tướng, sĩ ra sĩ, tốt ra tốt,… Người đóng quân cờ phải được lựa chọn kỹ lưỡng: biết luật chơi cờ tướng, có ngoại hình đẹp theo truyền thống Đông phương. Đặc biệt là với quân tướng và quân xe phải chọn những cô gái nghiêng nước nghiêng thành. Ngoài ra, người ta còn phải làm những quân cờ có kích thước to gấp hàng chục lần quân cờ bình thường. Trên một khoảng khuôn viên của hội, người đóng các quân cờ được sắp xếp như xếp các quân cờ trên bàn cờ. Bên cạnh mỗi quân cờ người, người ta lại đặt quân cờ thật được làm theo kích thước lớn.
Trò chơi cờ bỏi khá giống với cờ tướng: quân cờ cũng được làm bằng gỗ hay đất nung và sắp trên bàn cờ bằng gỗ có hình chữ nhật. Nhưng có điểm khác là: bàn cờ không được đặt trên mặt đất mà được đặt trên một cái giá 3 chân cao khoảng từ 1m đến 1,1m (tầm đến ngang bụng người chơi). Người chơi và người xem thì không ngồi (ở chiếu hay ghế) mà phải đứng và đi lại quanh bàn cờ, bàn luận sôi nổi về các thế cờ. Chính tính động của cờ bỏi đã thu hút được nhiều người tham gia hơn hình thức cờ tướng đơn thuần. Tuy nhiên, đánh cờ rất mất thời gian, những ván ngang tài ngang sức có khi hết cả buổi sáng hoặc hơn nữa. Vì thế, người ta chỉ đánh 1/2 đến 1 trận đấu trên cờ bỏi, sau đó lại chuyển ra bàn đánh tiếp, nhường cờ bỏi cho nhiều đội khác được chơi.
Trong trò leo dây, người ta dựng hai cột cao khoảng 2,5m đến 3m. Người ta nối hai đỉnh cột bằng một sợi dây thật chắc chắn. Sợi dây ngang ấy được luồn qua một ống tre hoặc nứa rỗng. Trên ống nứa ấy, người ta buộc 2 sợi dây chạc thả dọc xuống, song song với hai cột. Tại nơi buộc, ban tổ chức hội cho treo phần thưởng dành cho người thắng cuộc. Người chơi sẽ phải túm lấy hai sợi dây ấy, dùng lực toàn thân, nhất là hai tay mà leo lên giật lấy phần thưởng. Nhưng việc lấy được phần thưởng không hề đơn giản. Leo lên theo hai sợi dây đã khó, thì giơ tay ra lấy phần thưởng còn khó hơn. Khi tay có thể với được quà rồi, người chơi buộc phải bỏ một tay ra lấy quà, chỉ còn một tay túm lấy sợi dây. Sợi dây bị trượt theo ống nứa tròn (nơi hai sợi dây dọc vắt qua), người chơi không thể với được phần thưởng mà có khi còn bị rơi xuống đất. Trò chơi gây được tiếng cười sảng khoái cho người xem và sự khao khát chiến thắng, quyết giành được phần thưởng, không chỉ vì món quà mà vì cảm giác chiến thắng. Trò leo dây đòi hỏi sức khỏe đặc biệt và sự khéo léo của người chơi.
Đặc biệt, trong hội Kế, người ta còn tổ chức thi quạt bánh đa. Trong các khâu của việc sản xuất bánh đa thì quạt bánh là khâu khó nhất, đòi hỏi trình độ tay nghề, sự thạo nghề và khéo léo của người thợ. Quạt bánh vừa là khâu cuối cùng, quyết định thẩm mỹ, lại quyết định chất lượng sản phẩm. Nếu quạt không khéo thì bánh sẽ bị cháy, sậm màu mất thẩm mỹ, ăn lại đắng, mà có khi bánh vẫn chưa chín hẳn. Có thể quạt bánh chín đều nhưng từng chiếc bánh lại không đều nhau về chất lượng hoặc hình dáng khiến cho việc xếp, vận chuyển thường gây rập, vỡ bánh. Người dự thi là những thiếu nữ con nhà gia giáo, chăm chỉ, nết na, giỏi nghề làm bánh. Cuộc thi diễn ra ở sân đình. Người dự thi mang bánh đa đã tráng, than quạt tới dự thi. Sau hiệu lệnh của vị chủ tế, các cô gái bắt đầu quạt bánh. Hết thời gian quy định, các cụ cao niên trong làng cùng đi chấm. Ai quạt được nhiều bánh, chín đều, bánh có độ uốn đẹp, chiếc nọ xếp chồng lên chiếc kia mà vừa khít thì người đó được chấm nhất. Bánh đa được chấm nhất sẽ mang vào dâng cúng lên thành hoàng làng, đó là vinh dự lớn cho gia đình cô gái.
Trong hội Kế hiện nay, người ta có thêm nhiều trò chơi mới, theo phong trào thể dục thể thao như: bóng bàn, cầu lông, thể dục dưỡng sinh… Tuy nhiên, những trò chơi truyền thống như: chọi gà, cờ bỏi, cờ tướng và nhất là quạt bánh đa vẫn tiếp tục được duy trì.
Ngôi thứ và việc ăn uống chốn đình chung trong lễ hội (7): Ngôi thứ ngồi trong lễ hội của làng được chia làm 4 hạng: hạng nhất gồm các kỳ lão; hạng nhì gồm chánh phó tổng, chánh phó hội, lý phó trưởng; hạng ba gồm xã tuần, thư ký, thủ quỹ, người mua thứ vị; hạng bốn gồm tất cả các dân đinh trong làng (8). Ngôi thứ trong sinh hoạt lễ hội là rất quan trọng trong tổ chức của làng. Lệ làng đã đưa ra những chế tài để xử phạt những người vi phạm hết sức nặng nề. Người ta phạt về vật chất: giữa TK XIX thì phạt trầu cau, đầu TK XX thì phạt tiền, 30 hào, mà còn phạt về tinh thần, sĩ diện, với mục đích để hạ nhục, từ sau không dám vi phạm nữa.
Hiện nay, phường Dĩnh Kế diễn ra hai lần lễ hội: một lần hội chùa (hội Kế) có quy mô toàn phường vào ngày 5 và 6-2, một lần hội Đình giáp Đông Tiêu (thờ đức thánh Ba) diễn ra vào ngày 19 và 20 tháng giêng. Lễ hội dân gian ngày nay vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống vốn có nhưng cũng có những điều chỉnh nhất định cho phù hợp với thời đại, cuộc sống mới của xã hội. Lễ hội dân gian là một loại hình sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa sâu sắc, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống để làm điểm tựa, nền tảng cho sự phát triển mới của địa phương trong hiện tại và tương lai.
_______________
1, 4, 5, 6, 7. Tục lệ xã Dĩnh Kế, tổng Dĩnh Kế, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, năm 1924.
2. Ngô Văn Trụ (chủ biên), Lễ hội Bắc Giang, Sở Văn hóa – Thông tin, tỉnh Bắc Giang, 2002.
3, 8. Bùi Văn Thành, Lễ hội của người Việt ở Hà Bắc, Luận án tiến sĩ khoa học lịch sử, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Hà Nội, 2000, tr.58, 156.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016
Tác giả : NGUYỄN VĂN THỌ
Bài viết cùng chủ đề:
Bảo tồn văn hóa si la trong bối cảnh hiện nay
Giữ gìn văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên
Vai trò của người dân trong bảo tồn giá trị quan họ làng vân khám