Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm. Để duy trì và phát triển, hiện nay cộng đồng người Pà Thẻn ở Quang Bình (Hà Giang) và Lâm Bình (Tuyên Quang) vẫn thường xuyên tổ chức lễ hội nhảy lửa, họ thống nhất lấy ngày 16 tháng 10 (âm lịch) hằng năm để tổ chức lễ hội này.
Theo các thông tin tư liệu, hiện nay cộng đồng dân tộc Pà Thẻn chủ yếu sinh sống ở miền núi phía Bắc nước ta, tập trung tại một số xã thuộc huyện Quang Bình tỉnh Hà Giang và huyện Lâm Bình của tỉnh Tuyên Quang. Kết quả điều tra dân số năm 2019 cho biết, hiện nay dân số người Pà Thẻn có trên 8.000 người, đây là một trong 16 dân tộc thiểu số (có dân số dưới 10 ngàn người), thuộc đối tượng cần được bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thoát ra khỏi tình trạng có nguy cơ mai một, mất bản sắc văn hóa. Cộng đồng người Pà Thẻn thường sinh sống tập trung ở ven suối, thung lũng hoặc các triền núi thấp. Bà con canh tác lúa nước, làm nương, làm rẫy và thu hoạch các nông sản, lâm sản trên các sường đồi, thung lũng sau nông nhàn là chính. Dân tộc Pà Thẻn có nhiều dòng họ, coi những người cùng họ có chung một tổ tiên. Từ quan niệm ấy, trong phong tục cưới hỏi, đồng bào dân tộc Pà Thẻn không lấy người cùng họ. Hiện nay, bà con còn lưu giữ tập tục ở rể, nhưng chỉ mang tính tạm thời, trường hợp nếu gia đình không có con trai mới lấy rể về ở hẳn. Theo tập tục, người ở rể phải thờ ma họ bên vợ, con cái theo họ bố nhưng thờ họ bên mẹ. Sống hòa đồng với nhiều dân tộc khác trên địa bàn, cho đến nay, người Pà Thẻn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, được thể hiện qua kho tàng truyện cổ tích, các làn điệu dân ca, dân vũ, hát ru, các điệu nhảy múa, các loại nhạc cụ như: khèn bè, đàn tầy nhậy, sáo trúc,…. nhưng đặc sắc nhất là lễ hội nhày lửa, một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Pà Thẻn.
Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn đã có từ lâu đời, bắt đầu từ một nghi lễ truyền thống và duy trì qua nhiều thế hệ. Lễ hội được tổ chức hàng năm sau khi thu hoạch mùa màng xong. Thời gian tổ chức nhảy lửa trước kia không cố định mà tùy vào từng dòng họ, mỗi họ tự chọn lấy một ngày trong khoảng thời gian từ giữa tháng 10 âm lịch đến Tết Nguyên đán để tổ chức. Hiện nay lễ hội được thống nhất tổ chức với quy mô lớn, có sự tham gia của cả cộng đồng vào ngày 16/ 10 (âm lịch). Bước vào lễ hội, sau khi thầy cúng đọc bài cúng thần linh, những thanh niên Pà Thẻn như được tiếp thêm sức mạnh và lòng quả cảm đầy thần bí, họ lao vào nhảy múa trên đống than hồng bằng đôi chân trần. Lễ hội không chỉ phản ánh vai trò và địa vị của những người thầy cúng trong xã hội trước kia mà còn là bằng chứng thể hiện những yếu tố văn hóa, tín ngưỡng nguyên thủy sơ khai, niềm tin vào thế giới thần thánh và những thế lực siêu nhiên. Theo truyền thống, nhảy lửa chỉ là phần hội của nghi lễ truyền nghề thầy cúng – một nghi lễ được tổ chức để các thầy cúng nhận học trò và truyền dạy các kiến thức để trở thành một thầy cúng cho thế hệ sau. Trong tiếng Pà Thẻn, lễ truyền nghề được gọi là: Póc Quơ, hội nhảy lửa gọi là: Po dinh họn a tờ. Những năm gần đây, không chỉ riêng cộng đồng người Pà Thẻn tham gia lễ hội này mà còn có rất đông bà con các dân tộc khác cùng đến dự.
Trong tín ngưỡng dân gian, người Pà Thẻn rất coi trọng nghề thầy cúng. Trước kia, người làm nghề thầy cúng là người có địa vị trong xã hội, có tiếng nói quyết định đối với các công việc của làng bản, bởi thế có nhiều người muốn học theo. Tuy nhiên, để trở thành một thầy cúng là cả một quá trình học tập lâu dài, phải trải qua từ ba đến bảy lần cấp sắc mới có thể trở thành thầy cúng giỏi, lúc đó mới có thể điều hành các nghi lễ lớn và có thể làm thầy cúng trong lễ nhảy lửa. Chỉ những thầy cúng giỏi mới được nhận học trò. Người Pà Thẻn không có chữ viết nên việc học làm thầy cúng phải dựa vào trí nhớ, thầy dạy học trò bằng truyền khẩu và cho học trò đi theo trong những dịp cúng lễ, tang ma… Hằng năm, vào ngày 16 tháng 10 (âm lịch) những ai muốn học làm thầy cúng phải chuẩn bị một con gà, một thẻ hương, một chai rượu và một bơ gạo đem đến nhà thầy. Thầy cúng sẽ làm lễ gọi hồn các đời thầy cúng trước về để báo cáo những người này muốn theo nghề xin tổ tiên đồng ý. Khi được sự đồng ý, buổi học đầu tiên sẽ bắt đầu ngay tối hôm sau và kéo dài liên tục đến ngày 15 tháng giêng năm mới nghỉ; đến ngày 16 tháng 10 lại tiếp tục. Một khóa học làm thầy cúng như thế kéo dài ít nhất là 3 năm. Người thầy sẽ dạy cho học trò của mình những nghi thức cúng, tên tuổi của tổ tiên, tên tuổi của các đời thầy cúng trước để học trò ghi nhớ. Cứ sau mỗi giai đoạn học, người học trò sẽ được làm lễ cấp sắc. Để làm lễ cấp sắc, gia đình người được làm lễ phải chọn xem năm nào, tháng nào, ngày nào tốt mới làm. Đầu tiên, thầy cúng phải cúng báo với tổ tiên, sau đó cúng báo với các đời thầy cúng trước (đã qua đời), cúng chọn những thầy cúng đã mất xem ai hợp với học trò (người được cấp sắc), sau đó chọn đúng giờ dần, gọi tên thầy đã nhận học trò và xin dấu của thầy. Sau lễ cấp sắc lần thứ ba, người học trò có thể bắt đầu tự mình làm thầy cúng nhưng đồng thời vẫn tiếp tục theo học thầy mình cho đến khi trải qua bảy lần cấp sắc, lúc đó mới trở thành một thầy cúng giỏi và có thể điều hành tất cảc các nghi lễ của ngươi Pà Thẻn, trong đó có lễ hội nhảy lửa.
Có thể thấy, các nghi thức trong lễ hội nhảy lửa là rất độc đáo, mang đậm nét huyền bí, hoang sơ, hiện vẫn bảo lưu được tính truyền thống vốn có của nó. Trả qua quá trình hình thành, phát triển, ngày nay lễ hội nhảy lửa vẫn giữ được những nét cơ bản giống như trước kia nhưng cũng có một số điểm thay đổi. Nếu như trước kia lễ hội chỉ được tổ chức với quy mô nhỏ theo từng dòng họ, họ nào có người theo nghề thầy cúng sau khi làm lễ nhận học trò xong thường tổ chức nhảy lửa, địa điểm tổ chức là gian bếp trong nhà thì hiện nay, quy mô của lễ hội không chỉ tổ chức ở từng dòng họ mà có khi cả thôn, cả xã cùng tham gia. Địa điểm cũng được chuyển ra ngoài trời, thường mỗi thôn hoặc xã có đông người Pà Thẻn sinh sống sẽ chuẩn bị một bãi đất rộng, bằng phẳng để hằng năm tổ chức nhảy lửa. Người Pà Thẻn quan niệm, thế giới của các vị thần cũng giống như thế giới của con người, mỗi vị thần đều có một nơi sinh sống riêng, bởi vậy, khi làm lễ nhảy lửa, thầy cúng phải đại diện cho dân làng đến từng nhà của mỗi vị thần để mời các thần xuống cùng tham gia. Theo lí giải của thầy cúng, các thần cũng có thần nam và thần nữ. Trước kia, khi tổ chức nhảy lửa, các thầy cúng thường mời cả thần nữ xuống nhập vào nữ giới cùng tham gia nhảy lửa. Một lần, khi mời các thần nữ xuống, vì các thần nữ nhảy hăng say và không chịu dừng lại, các thầy cúng phải mổ một con gà trắng 7 năm tuổi cắt tiết đem cúng thì các thần mới chịu dừng. Từ đó, mỗi lần tổ chức nhảy lửa, các thầy cúng không còn mời các thần nữ, trong nội dung bài cúng đi mời các thần có đoạn cúng khóa cửa -khi đi qua nhà các thần nữ thầy cúng đọc bài cúng khóa cửa để các thần nữ không tự ý xuống tham gia và cũng vì vậy mà hiện nay nữ giới không còn nhảy trong mỗi dịp tổ chức. Liên quan đến việc nữ giới không được nhảy lửa, còn có một cách lý giải khác, rằng trang phục truyền thống của phụ nữ Pà Thẻn là váy xòe, mỗi lần có nữ giới nhảy thường bị nam giới bình phẩm và cười đùa làm ảnh hưởng đến yếu tố tâm linh của buổi lễ. Chính vì thế, hiện nay, chỉ có nam giới được tham gia nhảy lửa. Một điểm khác biệt nữa trong lễ hội nhảy lửa hiện tại so với truyền thống là trước đây, khi thầy cúng đang đọc bài cúng đi mời các vị thần, thường có từ bảy đến mười thiếu nữ Pà Thẻn nhảy múa quanh đống lửa, múa hát những bài ca, điệu múa của dân tộc mình cho đến khi các thần đã về nhập vào các chàng trai và bắt đầu lao vào đống lửa… mới dừng lại.
Đối với người Pà Thẻn, lửa tượng trưng cho thần linh, mang đến hạnh phúc ấm no. Đây là một lễ hội độc đáo, sơ khai và huyền bí
Lễ hội nhảy lửa của đồng bào Pà Thẻn diễn ra theo từng họ, họ nào tổ chức thì người trong họ cùng nhau chuẩn bị lễ vật. So với những lễ hội của các đồng bào dân tộc khác, lễ hội nhảy lửa Pà Thẻn đơn giản hơn và thường do chính người thầy cúng tự chuẩn bị. Đồ cúng gồm có một con gà trống, một bát gạo, hương, một chai rượu, tiền giấy. Các thành viên khác trong họ có trách nhiệm chuẩn bị củi khô cho đêm nhảy lửa, đồng thời giúp thầy cúng mang các lễ vật, dụng cụ làm lễ và củi khô ra bãi đất trống của thôn. Thành phần tham gia lễ hội gồm có một thầy cúng Pác mân và các học trò của thầy (gọi là Tô thích). Trong hội nhảy lửa, thường có khoảng mười đến mười hai người tham gia, tất cả đều phải là học trò của thầy cúng. Hiện nay, do số người học làm thầy cúng không đông như trước nên có khi chỉ năm hoặc sáu người nhảy và cũng không bắt buộc phải là học trò của thầy cúng mà có thể là thanh niên trai tráng trong làng hoặc những học trò của người thầy cúng khác cũng có thể tham gia. Khi có hội nhảy lửa diễn ra vào chập tối, hầu hết người dân trong thôn và các vùng lân cận đều có mặt từ rất sớm, họ đứng vây quanh đống củi đã chất cao ngay giữa bãi đất trống, háo hức chờ đợi lễ hội bắt đầu.
Lễ hội chính thức được bắt đầu vào thời gian buổi tối (khoảng 20 giờ). Thầy cúng thắp nến, bày các lễ vật lên mâm cúng, sau đó thắp hương (3 nén) cắm vào bát hương trên bàn rồi đốt thêm 3 nén hương cầm đến cắm dưới đất bên cạnh ghế (nơi thầy ngồi). Thầy ngồi vào ghế cúng, một tay cầm que tre, một tay cầm chiếc vòng lắc pà sán tầu vừa gõ que tre vào đàn pàn dơ vừa lắc vòng, thân người bật lên theo từng nhịp gõ, miệng đọc bài cúng đầu tiên nói lí do tổ chức lễ hội nhảy lửa bằng tiếng Pà Thẻn. Nội dung của bài cúng: “Tôi gọi các thần, thần phải thưa, tôi gọi sư thầy và quân binh, thầy và quân binh phải đến”. Cứ thế gọi hết 28 tên ông sư thầy về đầy đủ. Hôm nay, triệu tập các sư thầy và quân binh về đây, không phải vì lý do lễ tết hay ma chay, mà vì các học trò và muôn dân muốn được thưởng thức một lễ hội cầu lửa, để xua đi tà ma, đem lại niềm vui cho mọi người, đem lại ấm lo cho mọi nhà”. Khi được các thần đồng ý, thầy cúng sai các học trò nhóm lửa vào đống củi. Thầy cúng cầm bát nước thơm đi vẩy vào bốn góc của đống lửa rồi vẩy lên các học trò. Tiếp đó, thầy quay về đàn cúng, tay gõ đàn Pàn Dơ và lắc Pà Sán Tầu liên tục, miệng đọc các bài cúng có nội dung mở đường lên trời để tìm các vị thần ở trên đó về nhập vào các chàng thanh niên đã ngồi chờ. Khi cúng, đầu ông thầy lắc lư, hai chân thầy rung lên đều đặn theo nhịp gõ của đàn pàn dơ; nhạc lắc pà sán tầu bên tay trái thầy cũng rung lên từng nhịp tạo âm thanh náo động, dồn dập. Người ta cho rằng, lúc này ông thầy đang xuất hồn đi chu du ở thế giới bên kia để tìm các vị thần. Thế giới bên kia là thế giới vô hình chỉ nhờ có ma “âm binh phù trợ thầy cúng mới nhìn thấy và đi đúng vào con đường mà các “pạ quơ” nam đang trú ngụ. Qua bài cúng và nhạc điệu của thầy, người Pà Thẻn cho rằng, con đường đi tìm thần về nhảy lửa của thầy cúng lắm gian lao, vất vả, có khi phải đi qua cả hang quỷ rất nguy hiểm… Do vậy, thầy cúng phải là thầy cao tay, có nhiều phép thuật và quân binh.
Những chàng trai như được nhập đồng và thi nhau nhảy vào đám than hồng bằng chân trần tạo nên khung cảnh ma mị, bí ẩn và đẹp mắt
Sau tiếng nhạc nổi lên cùng với lời gọi của thầy cúng khoảng 20 – 30 phút, từng người một bắt đầu rung lên, ánh mắt tự nhiên khác lạ, đầu lắc đi lắc lại… Họ nói rằng, các thần ở trên trời đã đã xuống và nhập vào những người đó. Cứ thế, họ lao vào nhảy múa giữa đống lửa đang đỏ hồng, với bàn chân trần và dùng tay bốc than tung lên, ánh than phủ kín một màu đỏ rực xung quanh người nhảy, có người còn cho than vào mồm nhai. Khi một người nhảy xong lao từ trong đống than hồng ra thì lại có một người khác tiếp nối, cũng có khi hai, ba người cùng vào nhảy một lúc. Họ vẫy vùng trong ánh lửa hồng rực trước sự reo hò và khen ngợi của những người xem như không hề cảm thấy sức nóng của than. Trong lúc đó, thầy cúng vẫn không ngừng gõ đàn và đọc bài cúng, thầy cúng cũng như hòa vào nhịp nhẩy của các học trò, toàn thân của thầy rung lên bần bật trên ghế. Khi một người kết thúc màn nhảy lửa của mình họ về ngồi lại bên cạnh thầy cúng và một lúc sau người lại rung lên, đầu lắc liên tục, rồi bất ngờ họ lại thay nhau lao vào đống lửa nhảy múa với than hồng. Phần hội nhảy lửa cứ thế và diễn ra trong khoảng một tiếng, lửa tàn rồi nhóm lại rồi nhảy tiếp cho đến khi đống than tàn hẳn mới thôi. Khi lửa tàn hẳn, thầy cúng sẽ đọc bài cúng tiễn các ma về trời. Lúc này các học trò của thầy mới dần tỉnh táo lại, điều kì lạ là họ không thấy đau và cũng không hề bị bỏng. Lễ hội kết thúc thầy cúng đọc bài cúng cảm ơn các vị thần đã xuống góp vui cho dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia.
Từ vai trò, ý nghĩa to lớn trong gắn kết cộng đồng dân tộc Pà Thẻn, năm 2012, lễ hội nhảy lửa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đặc biệt, trong chủ trương bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống gắn kết với du lịch để phát triển kinh tế, xã hội, chính quyền địa phương các cấp đã có nhiều chính sách quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả giá trị văn hóa trong lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa ngày càng cao của người dân.
Tác giả: Thảo Nguyên
Nguồn: Tạp chí VHNT số 450, tháng 1-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)