Lễ hội truyền thống làng thụy hà, đông anh, hà nội


1. Vài nét về lễ hội truyền thống làng Thụy Hà

Làng Thụy Hà xưa kia thuộc tổng Đống Đồ, huyện Kim Hoa, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc. Phía Bắc có con sông Cà Lồ uốn lượn quanh làng. Phía Tây có dải đất cao mang dáng hình tựa rồng ôm lấy làng. Đây đó còn rải rác một số gò đống mang tên cổ: Gò Trống, Gò Chiêng, Gò Con Quy, Gò Vườn Sách, Gò Nghiên Bút. Làng Thụy Hà ngày nay thuộc xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Từ trung tâm thành phố, đi theo đê sông Hồng, qua cầu Thăng Long, theo đường Bắc Thăng Long, Nội Bài khoảng 3km, tới ngã tư Nam Hồng rẽ phải vào đường 23B, đến chợ Vân Trì rẽ trái theo đường liên xã, đến trụ sở UBND xã Bắc Hồng, lại rẽ trái theo đường liên thôn là vào địa phận làng. Đình Thụy Hà nằm trên gò đất cao, thoáng đãng, kề đó là chùa Tổ Long tạo nên một quần thể di tích tôn giáo tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân Thụy Hà (1).

Truyền thuyết kể rằng thời Hùng Vương, khi nước Văn Lang còn thù trong giặc ngoài nhòm ngó, có vị Lạc tướng chuyên coi việc binh, thấy vị trí đất Thụy Hà lúc bấy giờ có nhiều thuận lợi nên ngài đã chọn làm nơi đóng binh, ngày đêm luyện tập quân sĩ. Phía nam làng Thụy Hà tại khu Đồng Rộc có một trận quyết chiến với giặc; rất đông trai làng theo ông đánh giặc. Ngay từ buổi đầu sơ khai ấy, ông cha ta đã biết dùng hỏa công đánh giặc vì nơi này trước đây là rừng rậm, ông đã cùng quân sĩ bài binh bố trận đốt xung quanh dồn giặc vào vị trí xung yếu để tiêu diệt. Thắng trận lẫy lừng, ông khao thưởng quân sĩ và các dòng họ ở làng Thụy Hà. Vị lạc tướng đó là thần Cao Sơn. Ghi nhớ công lao của ông, dân làng tôn vinh ông làm thành hoàng làng, sắc phong thượng đẳng thần. Trong đình làng, bên cạnh thần Cao Sơn, nhân dân còn thờ thánh Tam Giang, tướng của Hai Bà Trưng. Ông là người được phân công trấn giữ suốt hai bờ sông từ thượng nguồn sông Mít (Phú Thọ) đến Ngã ba Xà (Bắc Giang), dẹp giặc bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân, được sắc phong trung đẳng thần (2).

Các dòng họ trong làng Thụy Hà đời nối đời kế tiếp theo gương các bậc tiền nhân chăm chỉ làm ăn, lo việc làng, việc nước. Nhiều nho khoa đỗ đạt dưới triều Lê, triều Nguyễn… mà tiêu biểu là cụ Nguyễn Cơ Khoa đỗ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân dưới triều vua Vĩnh Thịnh thứ 8 được ghi danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Làng Thụy Hà có các dòng họ được lưu truyền,  mỗi dòng họ có đặc thù riêng, căn cứ vào sự học hành, đỗ đạt mà làng sắp xếp theo thứ tự: họ Nguyễn Duy (chi trên), họ Nguyễn Dương, họ Nguyễn Đức, họ Nguyễn Duy (chi dưới), họ Nguyễn Văn, họ Nguyễn Thế, Nguyễn Thịnh, họ Nguyễn Tiến (đến sau).

Lễ hội làng Thụy Hà được tổ chức trong 5 ngày, là do đức Cao Sơn dẹp giặc và thắng trận tại cánh đồng Rộc (phía nam của làng) vào ngày mồng 8 tháng giêng rồi đóng doanh trại lưu tại nơi đây 5 ngày, mở hội mừng công thắng trận, để bình ổn dân binh. Đến ngày 13 tháng giêng, ông cùng nghĩa quân rời Thụy Hà để tiếp tục lên đường.

Không khí chuẩn bị hội náo nức từ những ngày trước đó, các dòng tộc chọn người, tập nghi thức rước lễ… Tất cả nhộn nhịp trong tiếng trống, chiêng tạo nên âm thanh rộn rã, làm nức lòng dân làng.

Ban tổ chức của lễ hội được được thành lập theo quy định của làng, dưới sự lãnh đạo của các cấp chính quyền địa phương. Làng thành lập một ban giám khảo chấm thi (có thưởng) cho các dòng tộc làm tốt các nghi lễ.

Năm nào cũng vậy, dân làng tổ chức nghi lễ rước đám rậm vào sáng sớm ngày mồng 8 tháng giêng, diễn lại tích thần Cao Sơn thắng trận tại khu đồng Rộc phía nam làng. Các dòng tộc cử người tham gia đám rước theo sự phân công của làng. Đám rước đi theo thứ tự: đi đầu là cờ thần các loại, tiếp đến là đồ tế khí, đội nhạc lễ, bốn người ở bốn giáp vác gươm trường, tiếp theo là kiệu bành rước Cô, kiệu bát cống rước bài vị của thần Cao Sơn. Đám rước đi đến nơi, hạ kiệu. Đoàn quan viên làm lễ tế thần, sau đó 4 người diễn lại tích thần Cao Sơn đánh giặc và ăn mừng thắng trận, trong tiếng trống, chiêng và reo hò của quân sĩ. Tiết mục múa gươm xong, đoàn quan viên làm lễ tạ thần, rồi kiệu được rước về đình. Các quan viên sau khi làm lễ thành hoàng mới tỏa về các nhà thờ họ lễ tổ và tham gia hành lễ cùng dòng tộc.

8 giờ 30, kiệu được tiến hành xuất phát từ các nhà thờ họ ra tập trung ở cổng làng theo thứ tự định sẵn. Ban tổ chức hội chọn cử một người cầm cờ chỉ huy, nhất nhất phải tuân theo mệnh lệnh, nếu họ nào sai sẽ bị giáng cấp (trừ điểm thi).

Đúng 9 giờ, cuộc hành hội bắt đầu, theo thứ tự: đám ông nghè (họ Nguyễn Duy chi trên) đi đầu, tiếp đến là ông cống (họ Nguyễn Dương), quan tấn nhất (họ Nguyễn Đức), họ Nguyễn Duy chi dưới, họ Nguyến Thế, họ Nguyễn Thịnh và sau cùng là họ Nguyễn Tiến. Nhạc khí dùng trong đám rước cũng được quy định cụ thể như: tiến sĩ dùng khánh, hương cống dùng đạc, quan võ dưới hương cống dùng chuông, các dòng họ cùng tổ tiên dùng trống. Quần, áo, tán, lọng, cờ, quạt, kiệu rước mỗi họ một vẻ khác nhau tạo nên bức tranh đủ màu sắc. Riêng họ Nguyễn Thịnh có trang phục màu xanh khác hẳn, vì dòng họ này có người được chọn làm thiếp của chúa Trịnh Kiểm.

Đám rước đi trong tiếng nhạc hội vừa như giục giã, lại như vừa khoan thai. Một không khí tưng bừng náo nhiệt, đầm ấm tình người, gợi nhớ cội nguồn, ghi nhớ công ơn tổ tiên đã sinh thành ra lớp con cháu hôm nay. Đám rước ra đến đình làng, kiệu được lần lượt hạ xuống. Thứ tự từng dòng họ rước nồi hương vào trong đình. Nhất Bắc đình (bên phía bắc của đình làng) có: họ Nguyễn Dương, họ Nguyễn Duy chi trên, họ Nguyễn Đức; nhị Nam đình (bên phía nam của đình làng) có: họ Nguyễn Duy chi dưới, họ Nguyễn Văn, họ Nguyễn Thế, họ Nguyễn Thịnh, họ Nguyễn Tiến. Sau khi đã yên vị, ban tổ chức khai mạc hội làng truyền thống thôn Thụy Hà. Đoàn quan viên của làng (mỗi họ cử hai cụ tham gia) làm lễ tế thần. Tế trong 5 ngày mỗi ngày một lần vào buổi sáng. Trong những ngày này, dân làng tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao truyền thống như: hát tuồng, hát quan họ, chơi đu, chơi cờ tướng, chọi gà, nam nữ hát giao duyên.

 Đến ngày 13 tháng giêng, theo truyền thuyết là ngày thần Cao Sơn cùng nghĩa quân Thụy Hà đi nơi khác cũng là ngày giã hội. Khoảng 13 giờ, đoàn tế của làng tế giã đám, hóa mã xin được rước nồi hương của các dòng họ về nhà thờ. Đúng 18 giờ 30, chiêng trống nổi lên, kiệu lần lượt lên vai đi một vòng quanh sân đình để từ thần trở về các nhà thờ họ. Đi được hai phần đường đến đầu Cầu Cháy thì ban lệnh nổi đuốc. Hàng trăm ngọn lửa thắp sáng cả đoạn đường như đêm hội hoa đăng. Tiếng trống, tiếng chiêng, sáo nhị như được ngân vang hơn bởi ánh đuốc bập bùng, đoàn người chảy hội như được tiếp thêm sức mạnh, ai nấy đều phấn khởi hân hoan như nhớ lại thế trận thuở nào ông cha ta đánh giặc, thắp sáng trong tim mỗi người niềm tự hào về mảnh đất quê hương, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Đám ruớc đến đầu làng tách dần tỏa về các nhà thờ họ. Nồi hương lại được thận trọng rước vào nhà thờ làm lễ an vị.

Lễ hội làng kết thúc nhưng âm hưởng vẫn như còn mãi với thời gian. Theo quan niệm của dân làng, dòng họ nào được giải cao thì năm đó dòng họ ấy sẽ được thịnh vượng. Và những người con xa quê khi trở về cũng sẽ không thể nào quên một lễ hội làng mang đậm nét dân gian như vậy. Cuộc sống dân làng tuy còn nhiều khó khăn, vất vả song họ đã vượt lên tất cả gìn giữ vốn cổ truyền tốt đẹp của cha ông để tưởng nhớ, để giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay (3).

2. Giá trị của lễ hội truyền thống làng Thụy Hà

Lễ hội truyền thống làng Thụy Hà mang đậm nét cổ truyền, mặc dù là phong tục từ xa xưa nhưng cho tới ngày nay nó vẫn giữ nguyên giá trị, tạo nên nét đẹp văn hóa của làng quê. Không phải nơi nào, làng quê nào cũng giữ gìn được nét đặc sắc văn hóa riêng cho mình như vậy. Lễ hội là môi trường giáo dục tự nhiên và hiệu quả nhất về truyền thống yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm; giáo dục cho thế hệ mai sau về những giá trị truyền thống mang tính nhân văn, về lịch sử giữ nước, cội nguồn của dòng tộc và dân tộc. Thực hành và tham dự lễ hội, cộng đồng người dân làng Thụy Hà được cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng của vùng đất và nhắc nhở con cháu truyền thống uống nước nhớ nguồn, ghi khắc công ơn những người có công với dân làng, đất nước.

Lễ hội làng Thụy Hà còn là nơi thỏa mãn các nhu cầu vui chơi lành mạnh và thú vui ẩm thực của người dân. Thông qua cách thức tổ chức lễ hội đình làng Thụy Hà, đã phần nào cho thấy được sự ứng xử hài hòa với môi trường, từ cách chọn địa điểm cho các nghi lễ, đến việc tổ chức trò chơi diễn ra rất thân thiện với môi trường, hài hòa với cảnh quan xung quanh. Hội làng Thụy Hà là một nét đẹp trong khối di sản văn hóa của cha ông. Đến với lễ hội không chỉ có những người hiện đang sinh sống trong làng, mà còn có cả những người làng làm ăn xa, sinh cơ lập nghiệp nơi khác nay nhân dịp lễ hội được trở về quê hương, thăm người thân, bạn bè, đồng niên… gặp gỡ, chung vui trong ngày hội làng. Hơn nữa, đối với họ, đi lễ hội không chỉ để vui chơi mà còn để thưởng lộc, cầu mong một năm mới thịnh vượng, gặp nhiều may mắn. Lễ hội còn làm tăng tính cố kết cộng đồng, con người xích lại gần nhau hơn, thân tình, cởi mở hơn.

Không gian lễ hội tuy chỉ diễn ra trong một khu vực nhỏ nhưng mang đậm chất một lễ hội của một làng quê nông nghiệp đang trên đà đổi mới. Lễ hội làng Thụy Hà đã góp phần hình thành nếp sống, nếp nghĩ, bảo lưu những giá trị tốt đẹp truyền thống, góp phần vào sự nghiệp chung, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

3. Bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống làng Thụy Hà trong giai đoạn hiện nay

Lễ hội làng Thụy Hà đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân về đời sống tinh thần, đời sống tâm linh. Để bảo tồn được lễ hội làng Thụy Hà cần phát huy những mặt tích cực trong văn hóa các dòng họ đang sinh sống tại nơi đây. Đó là truyền thống cố kết dòng họ, tinh thần đoàn kết, dân chủ, đặc biệt là lối ứng xử văn hóa có trên, có dưới theo tôn ti trật tự. Kế thừa truyền thống uống nước nhớ nguồn, thể hiện qua các sinh hoạt văn hóa dòng họ và hội làng. Phát huy tinh thần hướng về cội nguồn cũng chính là hình thức ghi nhớ về lịch sử và công lao của các dòng họ. Tất cả những yếu tố tích cực đó cần phải được phát huy hơn nữa, góp phần xây dựng văn hóa các dòng họ ngày càng văn minh và mang đậm bản sắc quê hương. Để có thể làm được như vậy, cần phải có sự nỗ lực, tâm huyết, nhiệt tình của mỗi cá nhân, từng gia đình, dòng họ, đặc biệt là sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo địa phương mới có thể xây dựng một Thụy Hà mang đậm nét văn hóa truyền thống mà vẫn bắt kịp xu thế phát triển của thời đại. Khi nói tới làng Thụy Hà sẽ nhớ tới 8 dòng họ với những giá trị riêng biệt nhưng lại làm nên nét đẹp chung của văn hóa thôn Thụy Hà (4).

Thêm nữa, để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội, các cơ quan, đơn vị của thành phố Hà Nội cũng đã có những chủ trương, chính sách, thực hiện những hoạt động cụ thể: hàng năm, Sở VHTT Hà Nội đều kiểm tra và hướng dẫn công tác quản lý lễ hội nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng nghiệp vụ cho những người trực tiếp quản lý di tích cũng như cho cộng đồng cư dân nơi đây, có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, quản lý tốt các dịch vụ và cảnh quan môi trường, không gian tổ chức lễ hội, tuyệt đối không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, chặt chém khách tham quan. Bên cạnh đó, với huyện Đông Anh nói riêng, Phòng VHTT huyện cũng luôn quan tâm tới các cá nhân, tập thể có những đóng góp tích cực trong việc thực hành, duy trì và trao truyền các kỹ năng trong hoạt động của lễ hội.                                                                                                                                                                                                       

Năm 2017, Phòng VHTT huyện Đông Anh cũng tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa đối với lễ hội truyền thống làng Thụy Hà (5). Việc nghiên cứu này là cơ sở để đánh giá những giá trị và đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội nơi đây. Trong thời gian tới, để công tác bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống làng Thụy Hà đạt hiệu quả cao hơn nữa cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính khoa học và thực tiễn như: xây dựng quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đình Thụy Hà bởi di tích này hiện nay đang xuống cấp trầm trọng, tuy nhiên chưa có nguồn kinh phí để tu bổ; tăng cường quản lý lễ hội bằng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục; tăng cường quản lý lễ hội bằng cách hoàn thiện các thể chế luật pháp, chính sách; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý di tích; tăng cường quản lý lễ hội bằng giám sát, kiểm tra; tăng cường quản lý dịch vụ, vệ sinh môi trường, trật tự công cộng.

_____________

1, 2, 3. Nguyễn Thị Hạnh, Lễ hội truyền thống làng Thụy Hà xã Bắc Hồng, Tài liệu lưu hành nội bộ, Phòng VHTT huyện Đông Anh, 2007.

4. Nguyễn Thị Lợi, Văn hóa các dòng họ Nguyễn làng Thụy Hà, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, Luận văn thạc sĩ Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2013.

5. Phòng VHTT huyện Đông Anh, Kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa đối với lễ hội truyền thống làng Thụy Hà, xã Bắc Hồng năm 2017, Tài liệu lưu hành nội bộ, 2017.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017

Tác giả : NGUYỄN THANH HOA

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *