Leonardo da vinci, bộ bách khoa thư bất tận


Không giống nhiều danh họa khác của nhân loại như Van Gogh, Picasso hay Goya…, Leonardo da Vinci (1452 – 1519) bấy nay thường chỉ được triển lãm với tư cách một nhà khoa học đa tài hiếm có, một nhà phát minh đi trước thời đại, hay một cây vẽ nét vô địch. Lần đầu tiên, từ đầu tháng 11-2011, tới đầu tháng 2-2012, cuộc triển lãm chuyên về hội họa của ông, được mở ra ở thủ đô của Xứ sở sương mù. Đây là một sự kiện văn hóa hy hữu, với nhiều thông điệp đa chiều được gửi tới không chỉ giới nghiên cứu nghệ thuật, giới văn hóa nói chung, mà cả các nhà hoạch định chính sách và công chúng đông đảo.

Đã không ít lần, các bảo tàng trên khắp hành tinh đã toan tính một cuộc hội ngộ những tinh túy tâm hồn của bộ óc bách khoa toàn thư dường như duy nhất trong lịch sử nhân loại. Thật đáng kinh ngạc và cảm động, bậc kỳ tài số một này coi hội họa là sáng tạo quan trọng hơn tất cả và văn hóa là nền tảng của đời sống loài người. Không nghi ngờ gì nữa, bức tranh La Joconde của ông mãi mãi là thành tựu mỹ lệ nhất và nức lòng nhất của hội họa thế giới. Xét tới cùng, ký ức của mỗi thời đại, dù muốn dù không cũng kết tinh trong văn học nghệ thuật, mà chân dung con người là quý báu nhất, là đòi hỏi bức thiết nhất của đương thời và mai hậu. Có điều, La Joconde dường như tập trung vào mình những Hamlet của Shakespeare, Faust của Goeth, Jean Valjean của Victor Hugo, Scarlett O’Hara của Margaret Mitchell và đạo diễn điện ảnh Victor Fléming, cả hai người Mỹ. Có lẽ không mấy ai có học trên đời dù làm gì và ở đâu không biết đến kiệt tác đó và giữ mãi trong lòng ấn tượng về sự bình tâm kiêu hãnh, được xem là biểu tượng của sức sống của loài người qua tiến trình vươn lên không mệt mỏi. Bức tranh đã, đang và sẽ nối dài bất tận cuộc giải mã sức lôi cuốn không cưỡng nổi của nụ cười tự tin thanh thản đến bí ẩn của nàng Monna Liza, nụ cười không còn của một cá nhân, mà đã là của toàn thể loài người. Thực chất, ấy là giải mã thiên tài, và sâu hơn, giải mã con người của Leonardo da Vinci, vinh quang và tự hào tuyệt đỉnh của cộng đồng nhân loại.

Chúng ta sẽ đề cập tỉ mỉ tới La Joconde trong một dịp khác. Do nhiều lý do, trong đó có an toàn cho bức tranh trong quá trình vận chuyển, kiệt tác đó không hiện diện trong Triên lãm về hội họa của Leonardo da Vinci ở Lodon mà ta đang bàn. Hầu hết tác phẩm của danh họa Italia đang nằm phân tán trong nhiều bộ sưu tập cá nhân và nhiều bảo tàng khắp hành tinh. Việc thương lượng vốn không dễ được chấp thuận để mượn được chúng, kèm theo là những khoản tiền khổng lồ (gồm chi phí mượn, chi phí bảo hiểm và vận chuyển) cũng như những rủi ro khó ngờ tới của việc chuyên chở, tất cả đều nhiêu khê và phức tạp. Dũng cảm và quyết tâm hơn không ít đồng nghiệp trên toàn cầu, Bảo tàng hội họa London đã tổ chức được cuộc triển lãm tương đối đầy đủ về sự nghiệp họa sĩ của Leonardo da Vinci. Xin lưu ý, động cơ sâu xa của Bảo tàng hội họa London trong sự dấn thân hiếm có này xuất phát từ sự quan tâm đạt hiệu quả cao và đáng trân trọng của điện ảnh Vương quốc Anh thời gian gần đây đối với Hoàng gia của quốc đảo sương mù. Từ thập kỷ đầu TK XXI, hai bộ phim Anh đi sâu vào đời sống hoàng tộc đã gây tiếng vang lớn trên thế giới. Đó là Nữ hoàng của Stephen Frears, xuất xưởng 2006, và nhất là Bài diễn văn của nhà vua của Tom Hooper, Oscar phim hay nhất 2011. Trong con mắt người dân Xứ sở sương mù, Hoàng gia Anh tuy không nắm thực quyền, nhưng trong chừng mực nhất định, vẫn là biểu tượng của đất nước họ trước cộng đồng quốc tế. Vì vậy, tôn vinh Hoàng gia Anh như Bài diễn văn của nhà vua kỳ công vươn tới là việc văn nghệ nên làm. Ý tưởng của những nhà tổ chức cuộc trưng bày hội họa của cha đẻ La Joconde thể hiện ngay ở tên triển lãm: Leonardo da Vinci, họa sĩ ở triều đình Milan. Như vậy, triển lãm này chưa giới thiệu trọn vẹn danh họa Italia, vì vắng bóng tác phẩm lẫy lừng nhất La Joconde. Nó càng chưa phải chân dung đầy đủ của vĩ nhân thế giới toàn diện, tập trung trong một người nhiều thiên tài kiệt suất nghe qua tưởng chừng đối lập, nhà bác học và nhà văn, nhà tư tưởng và họa sĩ, nhà tổ chức và nhà ảo thuật…

Đã rõ, trình bày trong khung cảnh hẹp của một trung tâm văn hóa hay bảo tàng hình ảnh trọn vẹn của một nghệ sĩ đường nét đa diện đáng kinh ngạc hơn mọi nghệ sĩ đồng nghiệp cổ kim đông tây vẫn còn xa vời. Một cuộc triển lãm toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp bách khoa của Leonardo da Vinci càng có vẻ ảo tưởng! Dù sao. cuộc giao lưu giữa công chúng và Leonardo da Vinci, họa sĩ ở triều đình Milan cũng cống hiến một cơ hội vàng cho các học giả nhắc lại một cuộc đời mỹ lệ hiếm thấy trong “cõi dương gian mỗi ngày thêm nhiễu nhương và đáng thất vọng”. Nhiều điều không bình thường của cuộc đời ấy được đưa ra, nhằm lý giải những bí ẩn của cuộc đời kỳ diệu. Trước hết là nguồn gốc của ông. Các nhà tiểu sử học vẫn ghi rằng, sinh năm 1452 ở làng Vinci, khá gần thủ phủ Florence, ông là con ngoài giá thú của quan chưởng ấn Messer Piero Fruosino di Antonio da Vinci, sứ thần của Cộng hòa Florence, dòng dõi quý tộc giàu có và Caterina, con gái một người nông dân kiêm thợ rừng. Quê mẹ là một làng nhỏ cách làng Vinci hai cây số. Ông ra đời được mấy năm, thì mẹ đi lấy chồng. Thế nhưng, năm 2006, dựa vào khảo cứu một vết tay của Leonardo da Vinci, hai người Italia đang suốt đời phục vụ ông đã đi đến kết luận xôn xao dư luận: mẹ của bậc thiên tài toàn bích kỳ lạ bậc nhất toàn cầu là một phụ nữ phương Đông, tức người Bắc Phi, Trung Đông hay Trung Á. Hai nhân vật vừa nêu là Alessandro Vezzossi, giám đốc Bảo tàng Leonardo da Vinci, và Luigi Capasso, Viện trưởng Viện nhân loại học kiêm giám đốc Bảo tàng các khoa học sinh vật và y học của Đại học tổng hợp Chieti, Italia. Quả thật, lịch sử ghi nhận sự thật là vào thời ấy, các nhà quý tộc Italia thường được thưởng hay mua được những cô gái thuộc các nước xa xôi bị bắt và bị coi như nô lệ. Lịch sử lặp lại theo chiều ngược: trước đây, người ta đã phát hiện rằng tổ tiên về đằng cha của mặt trời của thi ca Nga, Alexandre Pouchkine, là người da đen châu Phi. Trong trường hợp Leonardo da Vinci, sự hòa trộn hai dòng máu xa xôi về địa lý, chính trị và văn hóa nói lên thật nhiều. Hình như dòng máu hỗn hợp ấy nhân lên gấp bội niềm vui, nỗi buồn, khát vọng, sức sống và tài năng sáng tạo của ít nhất là hai chủng tộc. Điểm nổi bật thứ hai trong tiểu sử của Leonardo da Vinci: ông là một người mù chữ? Thời nhỏ, ông biết rất ít về âm nhạc và số học, chỉ được trang bị một số hiểu biết sơ đẳng về tôn giáo và đạo đức học. Mãi tới 40 tuổi, ông mới học tiếng latin và tiếng La Mã, hai ngôn ngữ bắt buộc đối với những người có học vấn và các nhà bác học. Thế nhưng, ông học chúng cũng không đến nơi đến chốn, các dược điển của ông đầy lỗi chính tả. Từ 14 tuổi về trước, ông chỉ được truyền thụ những kiến thức thiên về thực dụng, dành cho các nhà buôn và thợ thủ công. Về vốn văn hóa chung, ông dừng lại ở chỗ nắm được văn học dân gian thông tục, và những bản tóm tắt tác phẩm của các nhà văn cổ điển, ngay cả của Dante, Hài kịch thiên thần. Chính ông tự nhận xét về mình rằng ông là người “dốt đặc về văn chương chữ nghĩa”. Nếu thế, vì sao danh tiếng của ông vẫn lẫy lừng xuyên qua lịch sử đã bao thế kỷ? Danh tiếng ấy nhất định được xây dựng trên nền một khối tri thức đời sống, khoa học và văn hóa đồ sộ. Học hành phất phơ, ông làm thế nào để tích lũy được khối tri thức đáng nể như vậy? Một số người đương thời, và hầu hết các nhà lịch sử từ xưa tới giờ, đã hé lộ bí mật có vẻ đơn giản: Leonardo da Vinci quá ham hiểu biết và quá thông minh, nên không học vài môn theo kiểu tuần tự nhi tiến, mà học nhảy cóc đồng thời nhiều môn. Giáo trình hiện có hầu hết không thỏa mãn việc tìm hiểu phi mã và đến cùng mọi vấn đề liên quan đến con người. Tự học, hiển nhiên tự học đúng bài bản, là cốt tử.

Chắc chắn sức khỏe thể xác và tinh thần phải cực kỳ dồi dào, ông mới có thể cùng lúc suy nghĩ tới nhiều vấn đề, làm nhiều việc xa nhau, thậm chí đối lập, về yêu cầu và kỹ năng nghề nghiệp. Thói quen làm việc như một người tù khổ sai, nhưng hầu luôn luôn trong tâm trạng say sưa và hứng khởi mà ông may mắn được hun đúc từ nhỏ, chí ít cũng từ năm 14 tuổi. Năm ấy, thấy con hay vẽ và vẽ được những hình đáng chú ý, cha ông đưa các bức vẽ cho một người bạn nổi tiếng thẩm định. Người bạn ấy, họa sĩ và nhà điêu khắc bậc thày Andréa del Verrochino, khuyên cha cho ông theo nghiệp vẽ. Cha bèn gửi ông cho Andréa del Verrochino dạy dỗ và truyền nghề. Được nhận vào học việc trong xưởng vẽ và làm tượng của bạn cha, Leonardo da Vinci bắt đầu bằng những việc vặt như rửa bút vẽ, lau chùi tranh bán thành phẩm hay quét dọc chỗ thợ tiến hành các công đoạn của từng tác phẩm… Một năm sau, ông được khuyến khích tìm hiểu kỹ thuật chất liệu và kỹ thuật vẽ nét, vẽ tranh, từ tranh nhỏ đến tranh toàn cảnh, rồi kỹ thuật điêu khắc… Như diều gặp gió, bộ óc bách khoa hiếm có của ông được khởi động chuyển động bền bỉ và hoan hỉ suốt đời. Từ chỗ học thuộc da hay nấu thạch cao, pha chế màu, ông mày mò đi sâu vào những môn khoa học và kỹ thuật ít nhiều liên quan đến hội họa, như hóa học, luyện kim, số học, hình học, giải phẫu học. Ban đầu, những phám phá tự thân, ông nghĩ cứ nhập tâm là đủ. Song ít năm sau, ông ghi chép lại bằng chữ hay hình vẽ trên đủ loại giấy kích cỡ khác nhau, hoặc trong những quyển sổ trăm hình ngàn vẻ. Ông còn dành thời gian sắp xếp các ghi chép thành từng hồ sơ riêng biệt. Cho tới lúc qua đời, ông đã hoàn thành 50.000 bộ hồ sơ, thuộc hầu hết các ngành khoa học, ví như y học, giải phẫu học, quang học, khoa học xây dựng, thủy động học… Nhiều phát minh của ông, chẳng hạn bộ đồ lặn, xe ngựa chiến, máy bay lên thẳng, ô tô, tàu ngầm…, hầu hết đi trước thời đại không tưởng tượng nổi, rồi những chuyên đề như nước, động vật, trong đó có ngựa trẻ em, mặt người… Những tài liệu quý báu đó đã thất lạc dần suốt mấy thế kỷ, đến nay, chỉ còn lại 12.000 bộ. Điều này cho thấy lãng phí trí tuệ khổng lồ mà loài người phải chịu do nhiều lý do, trong đó có chiến tranh, sự kiêu ngạo và đàn áp trí thức của giới cầm quyền, tình trạng nhân dân bị ngu muội hóa để bị giữ lâu trong vòng nô lệ… Những hồ sơ còn lại được dùng làm tài liệu tham khảo, được trưng bày ở những địa chỉ văn hóa hàng đàu thế giới, như Bảo tàng Le Louvre, Thư viện Ambroise ở Milan, Lâu đài Windsor, Thư viện quốc gia Tây Ban Nha, Bảo tàng Victoria và Albert và Thư viện Anh ở London,… Đáng lạ, cho tới giờ, tài liệu khoa học duy nhất của Leonardo da Vinci được phát hiện nằm trong tay một chủ sở hữu tư nhân là bộ Dược điển Leicester. Và người may mắn đó là tỷ phú Mỹ Bill Gates, nhân vật phó thường dân đã tạo một bước ngoặt vĩ đại, một cuộc cách mạng thực sự, trong đời sống nhân loại. Nhà cách mạng chưa tiết lộ vì sao ông có được bộ dược điển. Nhưng nhất định nó như một phép màu nằm mơ cũng không thấy, truyền cho ông sức mạnh phi thường, để ông làm nên chuyện dời non lấp biển, mang lại lợi ích, niềm vui, niềm tin cho triệu triệu con người.

Bill Gates thật xứng là một hậu duệ đáng mặt của Leonardo da Vinci. Sự nghiệp siêu đẳng của ông không thực hiện được, nếu ông thiếu lòng tin vô biên vào tương lai của xã hội loài người, vào hiệu quả khó lường trước của công việc cũng như vào trái tim và khối óc của mình. Lòng tin ấy dường như xuất phát từ vô thức của Leonardo da Vinci. Xin nói ngay, nhà bách khoa cũng kinh qua không ít thất bại và rắc rối như mọi người. Nếu ông đã chế tạo được những con sư tử máy như thật, vóc dáng cao to hơn con sư tử bằng xương bằng thịt cả vài chục lần, có thể đang di chuyển, bất ngờ mở bụng cho hoa lan bay tung ra trong những đám rước xưng tụng nhà vua, thì ông đã không đúc nổi một con ngựa thép đồ sộ chồm lên, để làm tượng tặng một nhà vua khác. Đơn giản vì lúc ấy, ông còn chưa điêu luyện về kỹ thuật luyện kim. Một chuyện khác, ông đã từng tạo nên những bầu trời giả hút hồn, trên đó các thiên thần bay lượn lộng lẫy hơn trong truyện cổ tích, thì với một đôi bức tranh tường khổ cực lớn, mô tả cảnh chiến đấu giáp lá cà của hai đạo kỵ mã, ông đã không giữ được lâu những phần tranh đã vẽ, nên bức tranh mờ dần, và biến hẳn. Trường hợp này, ông chưa nắm vững kỹ thuật chống lại sự phá hoại tác phẩm từ các biến đổi khí hậu. Nhức nhối khác, các nhà nghiên cứu vẫn chưa lý giải được vì sao một người tuyệt đẹp và khỏe mạnh về cả thể xác lẫn tâm hồn như ông lại suốt đời không vợ không con, thậm chí mang tiếng đồng tính luyến ái. Ông có nhiều bạn, song bạn nữ thì chỉ một. Trong nhiều đệ tử và học trò, ông thích và cưng nhất hai người, phần chính vì sự hấp dẫn ngoại hình của họ. Hai người đến với ông khi còn nhỏ. Ba người tạo nên một kiểu gia đình yên vui kỳ lạ. Thế nhưng, năm 1476, ông và ba cộng sự phải hầu tòa vì bị tố cáo loạn dâm với một cậu bé ngồi mẫu. Dù được xử trắng án, vụ này ám ảnh ông cho đến chết, như một sự xúc phạm nhân phẩm nặng nề. Hai năm sau sự cố ấy, ông tỏ rõ ông là một thần đèn siêu hạng, khi nâng an toàn cả một nhà thờ sáu mặt lên, để xây lại móng và nền. Chuyện có được sao chép tranh của chính mình không cũng gây cho ông không ít phiền muộn. Đấy là những tranh tường khổ rộng. Trớ trêu thay, hiện nay, ngay các chuyên gia sừng sỏ cũng không biết số lượng tác phẩm của ông là bao nhiêu, chúng thất thoát thế nào. Thực tế, tranh chắc chắn là của ông chỉ chừng 15 bức, trong đó hay nhất là La Joconde, Bữa tiệc cuối cùng của Christ với các tông đồ, Đức mẹ đồng trinh ở khu thạch thủy. Giá trị của tác phẩm hội họa của ông xanh tốt lên vĩnh viễn từ lao động khó bề tính xuể. Hàng trăm bức vẽ nghiên cứu cho một chi tiết ngoại cảnh hay trên nét mặt người. Bao số đo tỉ mỉ về khoảng cách giữa các cơ mặt để khảo sát liên quan giữa hệ cơ và sự bộc lộ cảm xúc…

         Thày ông nhanh chóng nhận thấy sự vượt trội của cậu học trò, và cổ vũ cậu tiến tới. Cha cậu lập xưởng vẽ riêng cho cậu. Nhưng cậu được mời làm việc cho các nhà quý tộc giàu sụ và yêu nghệ thuật. Hoạt động bách khoa của Leonardo da Vinci chia làm ba giai đoạn gần bằng nhau: giai đoạn Milan, giai đoạn Venice và gia đoạn Pháp. Các vua Pháp hết sức ngưỡng mộ bậc kỳ tài. Francoi Đệ nhất, người được ông chuyển tặng La Joconde, người gắn bó lâu dài nhất với ông cho tới những giây phút cuối, ghi nhận rằng: “Chưa từng có ai khiến thức sâu rộng bằng Leonard, trong hội họa, điêu khắc cũng như kiến trúc, ông là một nhà triết học vĩ đại…”. Gần như một mình chống lại chủ nghĩa ngu dân thời Trung cổ, ông đã khai sáng thời Phục hưng, là lương tâm và linh hồn của nó. Khởi thủy của tất cả chính là tư tưởng. Hai tư tưởng mà ông tiếp thu của một nhà hiền triết không mấy lừng lẫy đương thời: thiên nhiên là sáng tạo bất tận về trí năng của chúa, và khả năng lĩnh hội của con người ngang bằng trí năng sáng tạo ấy. Điều cao xa vừa nêu lại bắt nguồn từ chuyện giản dị tưởng quá bình thường: tình yêu thương. Cha ông đã chọn mời làm cha mẹ đỡ đầu cho con 10 người nông dân trong làng, 5 đàn ông và năm đàn bà. Hàng ngày, ông được sống trong sự đầm ấm trân trọng. Bà nội Lucia di ser Piero di Zoco, một thợ gốm, rất gần gũi cháu. Bà truyền cho cháu lòng ham thích nghệ thuật và dìu dắt cháu trong những bước chập chững đầu tiên.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 334, tháng 4-2012

Tác giả : Triệu Thanh Đàm

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *