Livestream là một tính năng của mạng xã hội, đang dần trở nên phổ biến những năm gần đây. Đặc biệt, trong năm 2021, livestream – hay còn gọi là phát video trực tiếp – đã “bùng nổ” và đầy “biến động” khi bất cứ ai cũng có thể livestream khi chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh. Tính tiện lợi, nhanh chóng và khả năng tương tác tức thì đã khiến tính năng này được ưa chuộng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mà livestream mang lại, đã xuất hiện một số vấn đề bất cập cần quan tâm, giải quyết. Trong đó, một số cá nhân đã lợi dụng không gian mạng để đăng tải những thông tin có nội dung chưa được kiểm chứng, kết luận, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Ngoài ra, hiện tượng sử dụng ngôn ngữ phản cảm, thiếu văn hóa, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo không đúng với chất lượng, kinh doanh dịch vụ trái phép… cũng đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị yêu cầu người dân giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người, nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc, gây lây lan dịch bệnh. Chính vì vậy, nhiều sự kiện, chương trình văn hóa – xã hội cũng được chuyển sang tổ chức bằng hình thức online, livestream thay vì ở sân khấu. Đây được xem là thời điểm “vàng” cho các cá nhân, tổ chức sử dụng tối đa hiệu quả tính năng livestream trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều người còn ví von rằng livestream là đối thủ đáng gờm của nhiều chương trình truyền hình nghệ thuật, bởi hình thức này không cần một đội ngũ ekip hùng hậu hay các thiết bị máy móc hiện đại, cồng kềnh. Bán hàng qua livestream, dạy học qua livestream… hay việc các nghệ sĩ giao lưu với người hâm mộ qua tính năng livestream trên trang Facebook cá nhân đã trở thành một xu hướng trong bối cảnh hiện nay. Nhưng làm thế nào để livestream có văn hóa, đúng lúc, đúng người, đúng việc… là những câu hỏi cần được xem xét một cách nghiêm túc.
Livestream trên mạng xã hội thu hút người xem bởi các yếu tố: người quen biết, tò mò, lĩnh vực bản thân quan tâm, sự kiện có “vấn đề”… rất nhiều nguyên nhân khiến đoạn video đó trở nên “nóng” và lan rộng. Với ưu thế mang đến cho người xem những thông tin sinh động bởi cả âm thanh, hình ảnh và khả năng tương tác đa chiều, livestream thực sự đã giúp mọi người có dịp xích lại gần nhau hơn. Dù đi đâu hay làm gì, chúng ta cũng có thể chia sẻ khoảnh khắc đó với bạn bè và những người mình đã kết nối một cách tức thì. Đây là lợi ích không ai có thể chối bỏ về livestream. Có thể nói, livestream giống như cách mà chúng ta đang đối xử với mọi người xung quanh, thể hiện văn hóa ứng xử của mỗi người. Với cha mẹ, người lớn thì phải lễ phép, với bạn bè thì có quyền trêu đùa, còn với người lạ thì nên giữ ý, đúng mực…
Từ khi có livestream, khoảng cách địa lý dường như đã được xóa nhòa, tạo ra sự kết nối không giới hạn một cách đáng kinh ngạc. Người thân ở cách xa hàng nghìn cây số cũng cảm thấy ấm cúng khi được nhìn và tương tác trực tiếp với các thành viên trong gia đình. Hay khoảng cách giữa người hâm mộ với thần tượng cũng được thu hẹp khi bất kì ai cũng có thể nói chuyện, đặt câu hỏi ngay trên sóng livestream và được các nghệ sĩ hồi âm nhanh chóng…
Có rất nhiều lợi ích cũng như cơ hội để con người tiếp cận thông tin, làm đẹp, làm giàu… nhưng theo thời gian, với “óc sáng tạo” của mình, nhiều người đã biến tính năng miễn phí này thành một công cụ quảng bá hình ảnh cá nhân, khoe mẽ, thậm chí lạm dụng livestream để phát ngôn gây sốc, nhằm “bóc phốt” các tổ chức, cá nhân khác. Có thể nói, trong thời gian gần đây, mỗi ngày “lướt mạng”, người ta lại thấy đầy rẫy những thông tin, những đoạn video dài hàng tiếng đồng hồ hay ngắn chỉ một vài phút của nữ doanh nhân N.P.H với những lời lẽ thiếu chuẩn mực, thậm chí xúc phạm tới hàng loạt nghệ sĩ Việt. Thế nhưng có một bộ phận khán giả lại tôn vinh cá nhân này như đại diện của công lý, “người hùng” chống tiêu cực trên mặt trận văn hóa, giải trí. Bày tỏ ý kiến về vụ việc, luật gia Trần Công Phàn – ĐBQH khóa XV, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký hội Luật gia Việt Nam cho biết: “Ngay cả khi nói đúng sự thật thì cũng phải thể hiện văn hóa… Những thông tin truyền đi mà đúng thì cần phải xem thông tin đó phát tán đến ai và những đối tượng nào. Còn nếu nói sai sự thật thì phải xử lý theo pháp luật. Nếu lợi dụng livstream để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự” (1). Trong những livestream của bà N.P.H có những nội dung câu chuyện không sai, nhưng không ít nội dung không đưa ra được những bằng chứng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu thập theo trình tự luật định. Cách hành xử văn minh là bà N.P.H có thể phản ánh tới các cơ quan chức năng về những vi phạm của ai đó kèm bằng chứng rõ ràng chứ không nên phát ngôn công kích cá nhân quá đà trên mạng xã hội như vậy.
Livestream, là quyền tự do của mỗi người dùng mạng xã hội, nhưng không có nghĩa là được tùy tiện sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh vi phạm thuần phong mỹ tục, gây phản cảm. Hiện nay, có không ít những trung tâm làm đẹp đã livestream thiếu văn hóa hình ảnh phẫu thuật thẩm mỹ, nhất là phẫu thuật ngực. Có những hình ảnh gây sốc khi bệnh nhân để ngực trần hoàn toàn sau phẫu thuật và bác sĩ “nắn lên, sờ xuống” miêu tả cho người xem thấy sản phẩm của mình. Với những livestream này, rất cần các cơ quan ban ngành có liên quan ngăn chặn và cảnh cáo bởi gây ảnh hưởng lớn cho cộng đồng nhất là giới trẻ. Hay “chửi khách” cũng trở thành “mốt” của rất nhiều người bán hàng online. Lạ kỳ là càng chửi càng nhiều người tương tác. Thậm chí sẽ không khoan nhượng nếu có bất cứ ai vào can ngăn hay nói đến hai chữ “văn hóa”. Số khác lại chọn tính năng này để vi phạm bản quyền điện ảnh thông qua việc phát trực tiếp lúc đang ngồi xem phim trong rạp, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Còn rất nhiều những bất cập vẫn diễn ra hằng ngày trên không gian mạng xã hội, điều đó cho thấy mộtsự thật, các nền tảng mạng xã hội còn quá lỏng lẻo, thiếu tiêu chí khi xét đăng một nội dung có phù hợp hay không, có gây ảnh hưởng đến cộng động hay không. Tuy là “đờisống ảo” nhưng các hệ lụy xảy ra lại ở đời sống thật. Chửi rủa, “bóc phốt”, “dìm hàng” người khác trên mạng internet nhưng lại gây ra thù hằn dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát, nhiều trường hợp nghiêm trọng còn liên quan đến tính mạng con người.
Luôn có hai mặt cùng song hành, cơ hội mở ra đồng thời cũng xuất hiện nhiều thách thức. Đối với việc dùng mạng xã hội để livestream, thách thức lớn nhất đối với người dùng là tự điều khiển cảm xúc và hành vi của chính mình. Trở thành một người tham gia mạng xã hội thông thái, biết lựa chọn thông tin để tiếp nhận, không nhầm lẫn giữa “cái tôi/ sự cá tính” với “thái độ ngông cuồng/ lối cư xử vô văn hóa” khi sử dụng livestream là góp phần tạo nên một xã hội công bằng, văn minh. Ngoài ra, cũng cần tỉnh táo để không biến mình trở thành công cụ được lợi dụng để “câu like”, câu lượt theo dõi cho một người, một nhóm người nào đó. Nếu lỡ thông tin mình chia sẻ là giả mạo, sai lệch thì chẳng khác nào chúng ta đang tự làm giảm đi lòng tin của mọi người dành cho mình.
Công cuộc “làm sạch” môi trường văn hóa trên mạng xã hội rất dài và khó khăn, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành, cá nhân có thẩm quyền để khắc phục tình trạng hiện nay. Theo TS Trịnh Lê Anh, cần có giải pháp trước mắt và lâu dài: “Với giải pháp trước mắt, chúng ta buộc phải trông chờ vào việc kiện toàn lại khung pháp lý và thực thi pháp lý ở Việt Nam liên quan đến việc phát ngôn trên mạng xã hội. Nội luật của chúng ta đã có khung quy định cho vấn đề nhưng còn thiếu nhiều quy chế, quy định, hướng dẫn, bộ quy tắc ứng xử, chưa có hoặc chế tài chưa đủ mạnh hoặc chưa có lực lượng thực thi, xử lý các bên liên quan vi phạm. Một điều đáng cân nhắc là về phía vĩ mô, Chính phủ cần làm việc mạnh mẽ hơn với các nền tảng mạng xã hội để nhập gia phải tùy tục, có sự tôn trọng tính đặc thù của Việt Nam” (2). Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, việc tương tác trên mạng như thế nào tùy thuộc vào sự lựa chọn của từng cá nhân. Mỗi người phải tự nâng cao năng lực của mình trong việc sử dụng mạng xã hội, nếu là người sáng suốt thì những cái xấu sẽ không còn “đất” để tồn tại và nhanh chóng bị đào thải.
Mới đây, trước hiện tượng một số nghệ sĩ, diễn viên, người biểu diễn tham gia hoạt động quảng cáo có nội dung không đúng, hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm; sử dụng mạng xã hội truyền tải thông tin chưa chính xác, xúc phạm cá nhân; một số cá nhân, tổ chức phổ biến, lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc…, ngày 4-6-2021, Bộ VHTTDL đã có văn bản số 1854/BVHTTDL[1]NTBD gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam về việc tăng cường công tác quản lý trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở VHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông và cơ quan có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động diễn ra trên địa bàn, cụ thể: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, an ninh mạng đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, pháp luật về quảng cáo và các quy định pháp luật có liên quan.
Bộ VHTTDL cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị quản lý các nghệ sĩ, diễn viên (công lập và ngoài công lập) tăng cường phổ biến các quy định pháp luật, định hướng cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên thuộc đơn vị nâng cao nhận thức, trách nhiệm, uy tín của bản thân đối với cộng đồng, xã hội; có quy chế quản lý, xử lý trách nhiệm đối các trường hợp có sai phạm.
Bên cạnh đó, nhằm mục đích phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh… đồng thời, xây dựng chuẩn mực đạo đức, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, ngày 17-6-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ Quy tắc áp dụng với 3 nhóm đối tượng: Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; Tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; Nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại việt Nam. Mỗi đối tượng đều có những quy tắc ứng xử chung và riêng phù hợp.
Theo đó, quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân là: tìm hiểu, tuân thủ các điều khoản hướng dẫn, sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội. Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội. Đồng thời, cần thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Các tổ chức, cá nhân chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt; vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước cũng cần thông báo tới cơ quan chủ quản để kịp thời có hướng xử lý, trả lời, giải quyết khi có những ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Bộ Quy tắc cũng quy định ứng xử cho các cơ quan nhà nước; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.
Trên đây là các động thái cần thiết của các Bộ chức năng nhằm lành mạnh hóa môi trường văn hóa trên mạng xã hội. Cũng cần phải nói thêm rằng, Luật An ninh mạng, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự… đã có những quy định rất cụ thể, chi tiết, tùy vào hành vi vi phạm và mức độ vi phạm, người dùng mạng xã hội có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện hoặc bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015. Còn nếu hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thì có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như: tội làm nhục người khác, tội vu khống, hoặc các tội liên quan đến nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, an toàn xã hội…
Để trả lạisự trong sạch, văn minh và lành mạnh cho môi trường “không biên giới” trên mạng xã hội, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, cần lắm sự chung tay của mỗi người tham gia mạng xã hội nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân, hãy lan tỏa những thông điệp tốt đẹp, nhân văn; loại bỏ những thông tin sai lệch, thiếu văn hóa, phản cảm.
_______________
1. Hường – Bích, Lợi dụng livestream trên mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự, nguoiduatin.vn, 11-6-2021.
2. Nguyễn Thảo, Lê Anh: Học cách dùng mạng xã hội để tẩy chay văn hóa “bóc phốt”, “dìm hàng”, vietnamnet.vn, 14-6-2021.
Tác giả: Ngô Huyền
Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Chính sách văn hóa Việt Nam thời kỳ 1945 -1954 và những thành tựu
Khái lược về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng